trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
1.7.2008
Peter D. Sutherland
Chuyển hoá một số quốc gia
(WTO đã thúc đẩy kinh tế và mở cửa xã hội như thế nào)
Trần Ngọc Cư dịch
 
Tóm tắt: Tổ chức Thương mại Thế giới đã làm thay đổi thế giới trong thập niên qua bằng cách đón mời sự gia nhập của Trung Quốc và biến đổi vận mạng quốc gia tại Căm-pu-chia và Ả-rập Xê-út. Tổ chức này cung ứng lực xúc tác mà các lãnh đạo chính trị cần đến để cải tổ đất nước.

Peter D. Sutherland là Chủ tịch của tập đoàn dầu khí BP đồng thời cũng là Chủ tịch của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs International. Ông từng là Tổng giám đốc của cơ cấu GATT (Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại) từ 1993 đến 1995 và cũng là Giám đốc Sáng lập của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). [1]
Không một du khách nào đặt chân đến Phnom Penh, Bắc Kinh hay Rihadh vào lúc này mà không cảm nhận sự đổi thay, tinh thần lạc quan và tính năng động mới mẻ trong sinh hoạt kinh tế. Căm-pu-chia, Trung Quốc và Ả-rập Xê-út đang chuyển động và chủ yếu chuyển động theo một hướng tốt đẹp hơn. Tại sao? Vì một lý do là, cả ba quốc gia – cùng với Croatia, Georgia, Đài Loan, Việt Nam và nhiều nước khác - vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong vòng mấy năm qua.

Người ta thường dễ quên lãng sức mạnh của WTO trong việc trợ giúp một quốc gia đổi mới. Chuyện thường xảy ra là, nhiều nước đang phát triển đo lường sự thành công của mình ở Vòng đàm phám Doha [2] của WTO bằng mức độ họ có thể tránh né nghĩa vụ mở cửa kinh tế. Do đó, theo cách nói lễ độ ở Geneva, tiềm năng dùng đến biện pháp kỷ luật của WTO để thúc đẩy việc cải tổ thị trường, cải tổ định chế và các cơ quan điều tiết, một cách triệt để, bị coi là một đề tài thiếu nghiêm chỉnh chính trị (politically incorrect). Nhưng chính các nước vừa gia nhập WTO trong thập niên qua mới là những thành viên được hưởng nhiều lợi ích nhất từ việc tuân thủ các luật lệ thương mại toàn cầu. Những thành viên WTO kỳ cựu, vì khỏi cần đàm phán tiến trình gia nhập, nên ít thu hoạch lợi lạc nhất.

WTO đã thay đổi thế giới trong thập niên qua bằng cách đón tiếp sự gia nhập của Trung Quốc. Và nếu tổ chức này có thay đổi vận mạng các quốc gia chăng, chẳng hạn tại Căm-pu-chia và Ả-rập Xê-út, thì âu cũng nhờ vào chính những thủ tục gia nhập tổ chức này. Nếu đem so sánh những điều kiện của khu vực tự do mậu dịch song phương, thì những điều kiện để làm thành viên của WTO có thể ví như một cuộc cách mạng. Tiến trình gia nhập hiên nay đòi hỏi một thời gian lâu dài hơn bao giờ cả. Trung Quốc nộp đơn gia nhập với tiền thân của WTO (tức cơ cấu Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại, hay GATT) vào năm 1986 và thực sự gia nhập WTO năm 2001, Căm-pu-chia nộp đơn năm 1994 và gia nhập năm 2003, còn Ả-rập Xê-út thì gia nhập năm 2005 sau 12 năm chuẩn bị và đàm phán.

Tại sao các chính phủ lại chịu tự đặt mình qua những thử thách như thế để vào cho bằng được một tổ chức có thời bị gán nhãn hiệu là “hội nhà giàu”? Câu trả lời có thể chỉ vỏn vẹn là để làm giàu. Nhưng trả lời như thế hoá ra lại quá tầm thường, vì không lí giải được những nỗ lực của Trung Quốc hay Ả-rập Xê-út, là những nơi cơ hội làm giàu tồn tại từ lâu. Thật vậy, lối giải thích hợp lí hơn cả phải là: đến một thời điểm nào đó, các lãnh đạo chính trị nhận thức rằng thay đổi từ cơ bản là điều cần thiết hoặc không thể tránh né được nữa, và họ cũng hiểu được rằng nếu không có hậu thuẫn từ bên ngoài thì không thể thực hiện những cải tổ cơ bản đó. Họ cần một chất xúc tác; và WTO có khả năng cung ứng lực tác động này. Đổi mới có nghĩa là phải đụng chạm đến những quyền lợi do một số người thủ đắc, có nghĩa là phải giảm thiểu vai trò của nhà nước, có nghĩa là phải cải tổ các định chế, và chống tham nhũng. Đổi mới cũng có nghĩa là tác động khu vực tư bằng cách khuyến khích cạnh tranh, giải phóng doanh nhân ra khỏi vòng kềm kẹp của nhà nước, và đảm bảo các dịch vụ vừa kiến hiệu vừa hợp với khả năng chi trả của người tiêu thụ. Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá sâu rộng này, những nền kinh tế nhỏ bé hay còn phải phấn đấu chật vật chỉ có thể vươn lên trong một môi trường có thể sản sinh ra cơ hội làm ăn và hậu thuẫn giới kinh doanh. Trong thực tế, công tác chủ yếu của WTO là hỗ trợ các thành viên cải thiện việc điều hành quốc gia.

Không nơi nào mà sức mạnh chuyển hoá các quốc gia của WTO được biểu hiện rõ nét bằng trong tiến trình gia nhập của một hội viên. Vào những năm đầu của GATT (Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại), cơ cấu này không đòi hỏi gì nhiều ở các thành viên mới gia nhập; và ngay cả những thành viên sáng lập GATT lúc bấy giờ vẫn còn lún lầy trong hàng rào thuế quan cao ngất và hạng ngạch (quotas) khắt khe. Những thành viên này và các nước hội viên công nghiệp khác đã đàm phám để hạ thấp thuế quan, bãi bỏ chế độ đãi ngộ mậu dịch, và kí thêm nhiều hiệp định về những biện pháp ngoài lãnh vực thuế quan. Nhưng hầu hết các nước đang phát triển lúc bấy giờ chỉ việc khoanh tay đứng nhìn. Kể từ thập niên 1960 trở đi, những nước này mới được hưởng quyền “đãi ngộ đặc biệt và chênh lệch” (special and differential treatment). Mãi đến thập niên 1980s nhiều điều khoản khắt khe hơn của GATT mới bắt đầu được áp dụng cho các hội viên mới.

Kể từ khi WTO được thành lập năm 1995, mọi việc hoàn toàn đổi khác. Các điều kiện gia nhập trở nên khắt khe đến nỗi bị phe chỉ trích gọi là các điều khoản bất công. Những cải tổ cần thiết nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của WTO phải sâu rộng đến nỗi một số quốc gia không có khả năng thực hiện - còn đối với hầu hết những quốc gia chịu đổi mới, những cuộc đàm phán trong tiến trình xin gia nhập chí ít cũng kéo dài cả một thập niên. Ngày nay, nhiều nước đang phát triển (developing countries) trong tổ chức WTO đã chấp nhận những cam kết có thực chất và sâu rộng hơn cả một số thành viên sáng lập của tổ chức này, nhất là trong khu vực nông nghiệp. Điều này có vẻ như là các nước này phải trả một giá khá đắt, nhưng có thật đây là một điều xấu không? Phải chăng những thành viên mới gia nhập không hưởng được lợi ích? Phải chăng cứ triền miên tạo ra biệt lệ cho các nước nghèo lại không phản tác dụng hay không có hại? Hàng chục nền kinh tế có mức thu nhập bậc trung (middle-income economies) trong WTO tiếp tục bỏ mất cơ hội vì có não trạng tự cho mình là thành công khi không chịu khoan nhượng bất cứ điều gì thực sự quan trọng trong lãnh vực mậu dịch. Trong khi đó, Căm-pu-chia, Trung Quốc, và Ả-rập Xê-út đã có nhiều thay đổi bất ngờ - chủ yếu theo chiều hướng tốt đẹp hơn – trong bối cảnh các nước này xúc tiến việc xin gia nhập WTO.

Giá trị cơ bản của việc làm thành viên WTO – và của các cuộc đàm phán diễn ra trước đó – chính là cơ hội để các quốc gia ứng viên lập ra một chương trình nghị sự và xác định các ưu tiên. Các bộ trưởng, quan chức chính phủ, và doanh nhân ở những quốc gia này bị buộc phải xét đến vấn đề tuân thủ luật lệ của WTO, mỗi khi họ bị cám dỗ quay về với lề thói cũ. Nói rộng ra, những kềm toả do WTO áp đặt đã thúc đẩy một số nước hội viên cải thiện chính sách điều hành quốc gia. Nhưng trước hết, các luật lệ mậu dịch toàn cầu cung cấp một lá chắn cần thiết cho phe đổi mới. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách này có thể lớn tiếng chỉ trích luật lệ mậu dịch toàn cầu khi việc này có lợi cho họ về mặt chính trị đối nội, nhưng chính hệ thống luật lệ toàn cầu này lại cung ứng hậu thuẫn cho họ làm việc ích quốc lợi dân nếu họ có đủ ý chí chính trị để làm việc đó.

Kinh nghiệm của Căm-pu-chia, Trung Quốc, Ả-rập Xê-út chắc chắn cho chúng ta một bài học. Trong mỗi nước đều có các thành phần chỉ trích việc gia nhập WTO, và trong một số phương diện nào đó những người này có thể đúng. Nhưng cả ba nước đều đã thực hiện những đổi mới ngoạn mục trong bối cảnh họ xin gia nhập WTO. Vì thế chúng ta cũng nên điều tra phương cách, lý do và hệ quả của sự thay đổi này. Trên hết và trước hết, cả ba nước Căm-pu-chia, Trung Quốc và Ả-rập Xê-út đều có lợi điểm là có được những nhà lãnh đạo xuất sắc vào thời điểm những quốc gia này đi tìm một chỗ đứng trong cộng đồng mậu dịch toàn cầu. Trong mỗi một trường hợp, viễn kiến về sự tiến bộ cho quốc gia và quyết tâm mở cửa ra thế giới trong đấu trường kinh tế đã thắng lướt những bản năng yếu kém và lề thói tồi dỡ--mặc dù không phải mọi chuyện đều diễn tiến tuyệt vời. Hun Sen, Đặng Tiểu Bình, và Vua Abdullah lại càng không phải là những người cỗ xuý lí tưởng dân chủ phương Tây hay thị trường tự do, nhưng họ nhận chân rằng việc gia nhập WTO là tối cần cho việc đưa đất nước đi tới.

Không một cá nhân lãnh đạo nào có thể tự mình theo đuổi hết mọi đòi hỏi chi tiết khúc mắc của việc gia nhập WTO. Hunsen, Đặng và Abdullah được các bộ truởng và viên chức thuộc cấp tài giỏi trợ tá, những vị này làm việc trên thực địa tại Geneva và, quan trọng hơn cả, họ làm việc với các cấp chính quyền quốc gia và địa phương ở trong nước. Nhưng chính sự hiện diện có tính chỉ đạo, sự quyết tâm và quyền lực của các nguyên thủ quốc gia đã thúc đẩy Căm-pu-chia, Trung Quốc, và Á-rập Xê-út vượt qua được quán tính của các nhóm quyền lợi trong nước. Sức thuyết phục của các lãnh đạo này thậm chí thắng lướt cả sức nặng trì kéo của tiền lệ và ý thức hệ. Hầu như trước khi bắt tay vào việc đổi mới Trung Quốc, họ Đặng không có một chút lí lịch nào mang khuynh hướng tân tự do, khả dĩ dẫn đến một chương trình cải tổ như thế: Đặng Tiểu Bình từng giữ chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung quốc từ 1956 đến 1967 và chủ tịch Quân uỷ Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc từ 1981 đến 1989 - một lí lịch khó tưởng tượng là phù hợp với một nhân vật sắp chuyển hoá một thành trì kinh tế do nhà nước chỉ huy lớn nhất trong lịch sử thành một thị trường có tiềm năng lớn nhất thế giới. Tương tự như thế, vua Abdullah, vị tư lệnh Vệ binh Quốc gia của Ả-rập Xê-út từ năm 1962, không có gì chứng tỏ là một ứng viên nổi bật nhất có khả năng mở cửa một trong những quốc gia khép kín và hướng nội nhất trên thế giới, chí ít là vào thời điểm ông ta bắt đầu lèo lái vận mạng của Ả-rập Xê-út năm 1995 khi vua Fahd bị bại liệt vì tai biến mạch máu não. Rồi còn phải kể đến thủ tướng của Căm-pu-chia là ông Hun Sen, một cựu tư lệnh chiến trường của Khờ-me Đỏ đã bỏ ngũ sang với Việt Nam vào thời điểm những cảnh khủng khiếp do chế độ Pol Pot gây ra ngày một gia tăng. Khi đưa quân xâm lăng Căm-pu-chia năm 1979, người Việt Nam dựng nên chính quyền bù nhìn của họ, trong đó có Hun Sen. Năm 1993, khi nước này trở lại chế độ đa đảng, Hun Sen trở thành đồng-thủ-tướng của Căm-pu-chia. [3] Năm 1998, ông nắm trọn quyền hành của một vị thủ tướng duy nhất, và tiếp tục lãnh đạo một tiến trình chính trị không mấy gương mẫu. Nhưng cũng như Đặng Tiểu Bình và Abdullah, Hun Sen đã triển khai, trong mức độ tình hình và văn hoá cho phép, một viễn kiến tiến bộ cho tương lai, với chủ trương mở cửa ra cùng thế giới, gia tăng ổn định kinh tế, và dần dần xoá đói giảm nghèo xuyên qua việc hội nhập với kinh tế toàn cầu.


Công ty Căm-pu-chia

Vào đầu thập niên 1990, mặc dù quân Khmer Đỏ vẫn còn hoạt động dọc theo biên giới Thái Lan, nhưng Căm-pu-chia đã để lại đằng sau thảm kịch diệt chủng và bắt đầu lao vào một tiến trình cải tổ kinh tế. Trong vòng vài năm sau đó, một thí nghiệm đặc biệt dưới dạng thức đối thoại công-tư bắt đầu tiến hành, dưới thẩm quyền trực tiếp của Hun Sen. Thí nghiệm này hiện đang diễn tiến sinh động. Được Tập đoàn Tài chánh Quốc tế của Ngân hàng Thế giới hướng dẫn, cuộc đối thoại này đã đảm bảo khả năng ảnh hưởng của khu vực tư doanh lên việc hoạch định chính sách, một triển khai làm chỗ dựa cho tương lai của quốc gia này. Và nếu thiếu sự triển khai này thì không thể nói đến khả năng xoá đói giảm nghèo dài hạn của Căm-pu-chia.

Căm-pu-chia nộp đơn xin gia nhập WTO năm 1994, nhưng hồ sơ phải nằm chờ ở Geneva đến 5 năm. Trong thời gian này, người Căm-pu-chia ra sức chuẩn bị cho những cuộc đàm phán gia nhập sẽ xảy ra. Chính phủ Hun Sen giản lược cấu trúc thuế nhập cảng thành vỏn vẹn bốn bậc và giảm mức thuế trung bình từ 35 phần trăm xuống dưới 20 phần trăm là tối đa. Trong khi các cuộc đàm phán đang tiến hành, Căm-pu-chia còn đưa ra một loạt những cam kết có thực chất và đầy viễn kiến trong khu vực kinh tế dịch vụ nhằm đảm bảo tạo ra những dịch vụ hữu hiệu, có tính cạnh tranh để hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Giáo dục bậc đại học và dịch vụ y tế, hai lãnh vực mà trước đó khu vực nhà nước bất lực trong việc cung ứng phương tiện vững chắc và đầy đủ, nay được mở ra cho tư nhân vào đầu tư. Chính phủ cũng chấp nhận thêm nhiều nhượng bộ quan trọng bằng cách mở cửa đón mời tư doanh vào các khu vực như ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, dịch vụ chuyên môn, và viễn thông.

Hầu hết những động thái này được thiết kế để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo môi trường cạnh tranh cho các công ty cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ bản địa, và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm vừa có chất lượng vừa hợp túi tiền hơn. Nhưng chỉ mở cửa thị trường quốc gia thôi cũng chưa đủ, đó là điều hiển nhiên. Các định chế chính phủ, thủ tục hành chánh, và cả môi trường điều tiết kinh tế cũng cần phải được tăng cường và củng cố. Điều này có nghĩa là, phải lập ra một chương trình nghị sự cho ngành lập pháp và các cơ quan điều tiết. Chương trình này bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau như là: luật đầu tư, tư hữu hoá, luật khế ước, các loại toà án, luật hình sự và dân sự, và cơ chế bảo vệ sở hữu trí tuệ… Những cải thiện luật pháp này được hỗ trợ bằng nỗ lực thực thi các định chế tư pháp và tài chánh hiện hành và bằng nỗ lực gia tăng tính chuyên nghiệp trong các bộ ngành nhà nước. Cho đến nay Căm-pu-chia vẫn chưa thực hiện hết mọi cam kết đúng hạn kỳ hay trong cách thế mà các thành viên WTO khác mong muốn. Nhưng quốc gia này đã và đang từng bước chuyển động đúng phương hướng, và việc này diễn tiến bất chấp cả những xáo trộn chính trị xảy ra sau cuộc tuyển cử năm 2003. Những điều Căm-pu-chia cam kết với WTO đang mang lại lợi ích; mà kết quả cụ thể, dù chưa đồng bộ, sẽ biểu hiện rõ nét nay mai.

Sự thiếu tự tin lâu đời của Căm-pu-chia vì nằm dưới bóng của các nước lân bang giàu mạnh hơn như Trung Quốc, Việt Nam, và Thái Lan cũng bắt đầu tan biến. Hàng hoá xuất khẩu tăng mạnh, dẫn đầu là khu vực hàng may mặc có sức cạnh tranh cao (một khu vực người ta cho rằng đã bị sự cạnh tranh của Trung Quốc xoá bỏ kể từ năm 2005, thời điểm những hạn ngạch quốc tế áp đặt lên hàng may mặc của Trung Quốc được tháo gỡ). Lượng hàng xuất khẩu gia tăng từ 284 triệu Mĩ kim năm 1993 lên 1,4 tỉ Mĩ kim năm 2000, rồi gia tăng xấp xỉ gấp ba lần trong thời gian từ năm 2000 đến 2006. Lương công nhân vẫn còn thấp trong các xưởng may, nhưng nhân dân Căm-pu-chia đang làm ra của cải, và sự kiện này biểu hiện trên đường phố.

Các ngành dịch vụ đã phát triển mạnh, và ngành du lịch đang cất cánh; lợi tức của ngành giao thông và du lịch tăng gần gấp ba kể từ năm 2000. Ngân hàng nước ngoài hoặc đang thiết lập chi nhánh địa phương tại Căm-pu-chia, hoặc bày tỏ ý định làm điều này - đảo ngược hẳn khuynh hướng của các công ty muốn rút ra khỏi quốc gia này, vốn đã manh nha từ trước khi Căm-pu-chia gia nhập WTO. Thị trường nhà đất đã cất cánh trên lưng của ngành xây dựng đầy sinh lực. Các cam kết mà Căm-pu-chia đưa ra khi gia nhập WTO, trong đó có việc cho đóng băng trần thuế hải quan, đã tạo nên sự tin tưởng của giới đầu tư. Làm kinh doanh ở Căm-pu-chia, mặc dù còn nhiều vấn đề, nhưng ngày càng dễ dàng hơn trước. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài bắt đầu thực sự từ số không vào đầu thập niên 1990 đã lên đến 180 triệu Mĩ kim vào năm 2000, rồi lên đến khoảng 500 triệu Mĩ kim năm 2006. Chưa bao giờ quốc gia này có khả năng mua hàng hoá từ các đối tác quốc tế nhiều như hiện nay; lượng hàng nhập khẩu năm 2006 nhiều gấp mười lần năm 1993 và vượt quá số lượng gấp đôi hàng nhập khẩu năm 2000.

Nhưng thử thách tối hậu về sự thành công kinh tế của một nước như Căm-pu-chia là cuộc chiến chống nghèo đói. Cho đến nay, kết quả của nỗ lực này vẫn chưa đồng bộ, có nhiều lí do để lạc quan nhưng vẫn còn nhiều lí do để bi quan. Theo Chỉ số Phát triển Nhân sự do Liên hiệp quốc đưa ra, Căm-pu-chia đang ở hướng đi lên. Tổng sản lượng quốc nội (GDP) tính theo đầu người đang gia tăng. Theo tài liệu Chỉ số Phát triển Thế giới Năm 2007 của Ngân hàng Thế giới, Căm-pu-chia phát triển nhanh gấp đôi các quốc gia khác có khởi điểm ở một mức GDP tương tự trên mỗi đầu người. Còn Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì kết luận rằng “những chính sách kinh tế vĩ mô bền vững đã cho phép Căm-pu-chia đạt được mức phát triển rất ấn tượng và bắt đầu đẩy lùi nạn nghèo đói”. Nhưng mặt khác và mới đây thôi, IMF lại nhận xét rằng nạn tham nhũng tại Căm-pu-chia vẫn còn tràn lan.


Những người thợ lặn trong sa mạc

Theo Ngân hàng Thế giới, hiện giờ Á-rập Xê-út là quốc gia đứng thứ 23 trên toàn thế giới và đứng đầu trong thế giới Ả-rập về mức độ thuận lợi cho doanh nghiệp. Sự tập trung chú ý gần đây vào giá dầu leo thang không ngừng đã làm cho người ta quên mất những thay đổi kinh tế to lớn đang diễn tiến trên đất nước này, một quốc gia sản xuất dầu hoả nhiều đứng thứ hai và là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.

Lại thêm một trường hợp nữa, WTO có nhiều can dự vào những biến chuyển này. Mối lo ngại mà người Xê-út canh cánh bên lòng suốt thời gian giá dầu xuống thấp là nền kinh tế của họ rất thiếu tính đa dạng. Và đây là một yếu tố chính thúc đẩy chính quyền Riyadh đi theo đường lối của WTO trong việc mở rộng nền kinh tế quốc gia. Kể từ đầu thập niên 1990, nhiều bộ phận đông đảo trong giới trẻ có trình độ giáo dục cao càng ngày càng trở nên bất mãn vì thiếu cơ hội để kiếm công ăn việc làm. Do đó, việc đa dạng hoá nền kinh tế là điều tất yếu. Nhất là khi nước Nga nhanh chóng đóng một vai trò rất quan trọng trong lãnh vực dầu khí và các sản phẩm liên hệ, thì bản thân ngành dầu hoả của Xê-út rất cần phải đa dạng hoá và để thực hiện điều này nó cần đến một số điều kiện mậu dịch ổn cố và khả dĩ tiên liệu. Việc Ả-rập Xê-út gia nhập WTO cũng hỗ trợ cho những mục tiêu khác của chính quyền Thái tử Abdullah lúc bấy giờ, đó là: đạt được mức phát triển quân bình khắp vương quốc, tăng cường khu vực tư doanh, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, nhờ đó thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đạt mục tiêu hội nhập xã hội và kinh tế giữa các nước trong tổ chức Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council), đồng thời hỗ trợ sự hợp tác kinh tế với các nước khác.

Chương trình tư hữu hoá của chính phủ Xê-út được ghi lại sau cùng trong những điều lệ kí kết với WTO là một chương trình đầy tham vọng. Trong những khu vực mà chính phủ dự trù tư hữu hoá có cả các ngành như cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, khử muối; viễn thông và bưu điện; đường sắt, đường bộ, hải cảng và hàng không dân dụng; các tiện ích công cộng tại các thành phố công nghiệp; các công ty, khách sạn và câu lạc bộ thể thao hiện do nhà nước làm chủ; các ngành giáo dục, y tế, và nông nghiệp. Cam kết của chính phủ Xê-út có một chiều sâu và nó vẫn tồn tại đến sau năm 2002, thời điểm khi giá dầu bắt đầu lên lại.

Tuy vậy, việc Ả-rập Xê-út gia nhập WTO không xảy ra dễ dàng. Qua vài năm đầu trong quá trình đàm pháp, chính quyền Riyadh gặp khó khăn trong việc nắm bắt và chấp nhận những nguyên tắc nền tảng của hệ thống pháp lí đa phương. Trong khi ở thế giới Ả-rập châm ngôn “Lời nói của tôi là một tờ trái phiếu” là phong cách truyền thống của giới kinh doanh, thì chủ nghĩa đa phương mà một quốc gia xin gia nhập WTO phải thực hành lại đòi hỏi luật pháp rõ ràng, đòi hỏi các quy tắc điều tiết, các nghĩa vụ và các thoả ước. Ngoài ra, chủ nghĩa đa phương còn đòi hỏi sự cam kết sau đây: các điều khoản do một thành viên kí kết khi gia nhập có thể bị tất cả các thành viên khác trong tổ chức đem ra áp dụng với chính thành viên mới ấy. Lập trường của Ả-rập Xê-út về các dịch vụ ngân hàng theo tín lí Hồi giáo, việc cấm nhập khẩu một số mặt hàng vì lí do tôn giáo và việc Ả-rập tẩy chay Do Thái, tất cả đều có tiềm năng làm hỏng việc trong các giai đoạn đầu của quá trình Ả-rập Xê-út đàm phán xin gia nhập WTO. Nhưng rốt cuộc các yếu tố này đã không trở thành chướng ngại nghiêm trọng, vì các cuộc đàm phán chỉ tập trung vào tính minh bạch, vào việc mở cửa thị trường, vào chính sách không phân biệt đối xử và vào các điều kiện mậu dịch công bằng.

Tiến độ đàm phán giữa Ả-rập Xê-út và WTO tăng tốc sau năm 2000. Việc chuẩn bị để gia nhập WTO đã mang lại những cải tổ căn bản trong cấu trúc thuế quan dành cho hàng nhập khẩu. Thuế suất trung bình dành cho “tối huệ quốc”, một dạng thuế đơn giản đánh lên các sản phẩm không thuộc khu vực nông nghiệp và dầu khí, được giảm từ 12,2 phần trăm (1994) xuống 6,1 phần trăm (2004). Ả-rập Xê-út đưa ra nhiều cam kết với WTO như bất cứ thành viên nào của tổ chức mậu dịch này, trong đó có nhiều cam kết còn khắt khe hơn cả những điều khoản áp dụng cho Trung Quốc. Ngành dịch vụ của Ả-rập Xê-út được mở ra cho các công ti cung cấp vật liệu cũng như giới đầu tư nước ngoài; luật bảo vệ sở hữu trí tuệ và việc thực thi luật này ở Ả-rập Xê-út đã trở thành mẫu mực. Quốc gia này đã đa dạng hoá hàng xuất khẩu của mình: khối lượng hàng xuất khẩu không thuộc ngành dầu khí và hầm mỏ đã tăng trị giá gấp đôi trong thời gian từ năm 1993 đến năm 2000 và tăng gấp mười trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2005, là lúc khối lượng này đạt gần 70 tỉ Mĩ kim. Hiện nay hàng nhập khẩu của Xê-út đã tăng quá mức gấp đôi, so với năm 2000. Ngoài ra, dịch vụ thương mại cũng đang tăng trưởng mạnh, với các phương tiện vận chuyển từ ngoài vào - tức các hoạt động của tàu bè do người nước ngoài làm chủ và các máy bay dân dụng nước ngoài bay vào bay ra Ả-rập Xê-út - tăng gấp đôi trong vòng tám năm qua.

Ả-rập Xê-út ngày càng thu hút sự chú ý của thế giới như là một nơi để đầu tư vào những ngành không liên hệ đến dầu khí. Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc cho biết rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Ả-rập Xê-út đã gia tăng từ 312 triệu Mĩ kim năm 1993 lên đến 4,6 tỉ Mĩ kim năm 2005. Theo tài liệu của IMF (Quĩ Tiền tệ Quốc tế), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (được tính trên một cơ sở khác hẳn) tại Ả-rập Xê-út gia tăng hơn 50 phần trăm từ năm 2005 đến 2006, đạt được 18,3 tỉ Mĩ kim. Dựa trên chỉ số “dễ dãi với doanh nghiệp” (ease of doing business) của Ngân hàng Thế giới, Ả-rập Xê-út đã tiến bộ thêm 10 bậc, từ thứ 33 năm 2007 lên thứ 23 vào năm 2008. Đây là một biểu hiện rất tốt nếu đem so với hầu hết các quốc gia đã phát triển. Trong khi đó, nền kinh tế nước này càng ngày càng trở nên đa dạng; tháng Mười năm 2007, IMF cho biết rằng mặc dù mức tăng trưởng GDP (tổng sản lượng quốc nội) của Ả-rập Xê-út chỉ còn 4,3 phần trăm, nhưng mức tăng trưởng GDP của những khu vực ngoài ngành dầu khí lại lên tới 6,3 phần trăm vào năm đó.

Hiển nhiên là phương Tây vẫn còn chỉ trích nhiều phương diện trong hệ thống xã hội, chính trị và pháp lý của Ả-rập Xê-út. Nhưng những lãnh vực này đang được cải tổ, một phần cũng nhờ chính những cam kết với WTO. Ý niệm về Ả-rập Xê-út như một vương quốc khép kín, đóng cửa với thế giới bên ngoài, là hình ảnh đã chìm vào dĩ vãng. Liệu những đổi thay do việc Ả-rập Xê-út xin gia nhập WTO tạo ra cuối cùng có thật sự thay đổi xã hội nước này không thì chưa ai biết được. Nhưng có một điều không thể tranh cãi là, Ả-rập Xê-út đang trở thành một quốc gia khác trước rất nhiều.


Cuộc chạy đường trường của Trung Quốc

Chắc chúng ta không cần kể lại nơi đây gương thành công kinh tế của Trung Quốc; thành tích thương mại của nước này vẫn còn giữ được mức cao ngất. Mọi người đều ý thức được sự gia tăng không ngừng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc, và một số quốc gia thậm chí đang cố gắng chống trả khuynh hướng này của Trung Quốc bằng những biện pháp bảo hộ mậu dịch. Tuy thế, thành tích nhập khẩu của Trung Quốc lại ít khi được bàn đến. Lượng hàng Trung Quốc mua từ các nước khác đã tăng mạnh và tăng đều, song hành với mức độ gia tăng của hàng xuất khẩu - Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng hàng từ 53 tỉ Mĩ kim vào năm 1990 lên tới 800 tỉ Mĩ kim năm 2006. Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2006, mức tăng trưởng hằng năm của lượng hàng nhập khẩu là 23 phần trăm; còn mức tăng trưởng hằng năm của lượng hàng xuất khẩu là 25 phần trăm. Mặc dù các nền kinh tế chính của thế giới đang chịu những khoản thâm thủng mậu dịch to lớn có tính cơ cấu với Trung Quốc, nhưng không phải quốc gia vĩ đại này xuất khẩu bất chấp cả sự thua thiệt của mọi nước khác đâu. Thành tích thu nhận đầu tư từ ngoài vào cuả Trung Quốc không kém phần ấn tượng. Trong khoảng từ năm 1986 và 1991, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trung bình hàng năm ở Trung Quốc là vào khoảng 3 tỉ Mĩ kim; nhưng vào năm 2006 vốn đó lên đến 70 tỉ Mĩ kim. Dần dần, việc kinh doanh ở Trung Quốc trở nên ít tốn kém hơn và dễ dàng hơn trước.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đạt nhiều tiến bộ trong việc xoá đói giảm nghèo. Theo Ngân hàng Thế giới, lợi tức bình quân đầu người của Trung Quốc tăng trưởng hơn năm lần kể từ năm 1990 đến năm 2006, tức là từ 320 Mĩ kim đến 1.740 Mĩ kim một năm. Mặc dù một phần cực lớn của cải tăng trưởng này đi vào túi của một thiểu số, nhưng mức độ nghèo đói trong cả nước đang xuống thấp. Tỉ lệ bách phân của số người Trung Hoa sống đắp đỗi với số tiền chưa được 1 Mĩ kim một ngày đã rơi từ 33 phần trăm vào năm 1990 xuống dưới mười phần trăm vào năm 2005. Mức suy dinh dưỡng trong trẻ em đã xuống rất thấp. Nhiều người vẫn còn sống chật vật, nhất là ở vùng quê, nhưng một giai cấp trung lưu to lớn và ngày một phình ra thì đang làm ăn phát đạt. Số người sử dụng điện thoại di động gia tăng từ 11 phần trăm năm 2001 lên đến 30 phần trăm năm 2005.

Rõ ràng là, việc Trung Quốc gia nhập WTO đã kích thích khiến những thay đổi ngoạn mục xảy ra trên nước này. Vào tháng Chín năm 1982, bốn năm trước khi Bắc Kinh xin gia nhập WTO, Đặng Tiểu Bình đã nói trước Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng đất nước này “phải tự khai mở một lối đi riêng, xây dựng chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Hoa. Hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa là đường lối cơ bản của chúng ta. Muốn thực hiện đường lối này và mang lại phồn vinh cho Trung Quốc, chúng ta phải thực thi những chính sách cải tổ và mở cửa ra thế giới bên ngoài”.

Nhưng hoá ra, con đường canh tân đất nước là một tiến trình khó khăn và lâu dài. Vốn là hội viên thành lập cơ cấu GATT (nhưng đã từ bỏ tổ chức này năm 1950), Trung Quốc không cho rằng mình bị đòi hỏi phải xin gia nhập WTO như một thành viên mới; nói đúng ra, Trung Quốc chỉ xin “tiếp tục lại tư thế cũ của mình”. Nhưng, dù nói gì đi nữa, ý định thực tiễn của Trung Quốc luôn luôn rõ ràng. Ngay cả những khi việc cải tổ kinh tế có thay đổi chiều hướng và cường độ qua nhiều năm tháng, Trung Quốc vẫn liên tục xích gần đến việc gia nhập WTO và mở cửa kinh tế. Nghị định thư mà Trung Quốc gửi đến các thành phần tham gia cơ cấu GATT năm 1987 đã công khai nhìn nhận: “Việc hoạch định chính sách kinh tế quá tập trung ở cấp Trung ương và công tác điều tiết kinh tế bằng kế hoạch cưỡng bách của nhà nước đã bỏ qua vai trò của những kỹ xảo trong thị trường (market mechanisms). Do đó, các xí nghiệp đạt hiệu năng kinh tế rất thấp vì thiếu sức sống và nền kinh tế hàng hoá không được triển khai đúng mức.”

Vào thời điểm năm 1987, Trung Quốc vẫn còn tự coi mình là một nước đang phát triển có lợi tức thấp (lúc bấy giờ ở thôn quê mức thu nhập bình quân mỗi năm trên đầu người là 136 Mĩ kim và, cũng theo nghị định thư, “mức chi tiêu bình quân một năm trên mỗi đâu người ở thành thị là 256 Mĩ kim), mặc dù trước đó nhiều cải tổ đã bắt đầu diễn ra ở vùng quê từ năm 1979 và được khởi động trong nền kinh tế tại các thành thị sau năm 1984. Nghị định thư giải thích rõ một số thay đổi căn bản: “Hiện nay hệ thống phân phối bình quân ‘mọi người ăn chung từ một nồi lớn’ đang bị dẹp qua một bên. Trong các tổ chức và định chế nhà nước, hệ thống thang lương đang được thay thế bằng hệ thống lương có cấu trúc, nghĩa là nhân viên được hưởng lương tương xứng với chức vụ mà họ nắm giữ. Việc tái lập chế độ tiền thưởng và thử nghiệm liên kết toàn bộ tiền lương-tiền thưởng với năng suất đã gia tăng mức sản xuất của xí nghiệp và sự hăng hái làm việc của công nhân viên rất nhiều”. Nghị định thư còn nói thêm: “Nhiều cải tổ đã được thực hiện trong hệ thống giá cả vốn rất phi lí và trong việc quản lí giá cả vốn quá nặng nề”. Tuy vậy, việc dứt bỏ quá khứ vẫn chưa dứt khoát: mặc dù việc kế hoạch hoá ở trung ương có thể đã bị bãi bỏ, nhưng theo nghị định thư, hệ thống kinh tế mới bắt buộc phải là một “nền kinh tế hàng hoá có kế hoạch”.

Rõ ràng là chế độ mậu dịch của Trung Quốc cần phải được phát triển. Bắc Kinh đã hợp lí hoá những thủ tục vốn quá cứng rắn trong các định chế nhà nước và trong các cơ quan điều tiết kinh tế, nhưng cần phải thay đổi nhiều hơn nữa để đáp ứng ngay cả những đòi hỏi tương đối lỏng lẻo của cơ cấu GATT lúc bấy giờ. Nổi cộm nhất là cơ cấu thuế quan kỳ quặc của Trung Quốc, với thuế xuất-nhập khẩu “tối thiểu” và “tổng quát” dàn trải từ 3 phần trăm đến 160 phần trăm, một hệ thống không thể nào thoả mãn đòi hỏi của các thành viên chính trong cơ cấu GATT. Ngoài ra, Trung Quốc còn có một số vấn đề khác, như là: chế độ cấp giấy phép xuất-nhập khẩu kềnh càng, những kiểm soát hối suất rất o-ép, các chức năng bảo vệ sở hữu trí tuệ chỉ hiện hữu ở mức tối thiểu, luật đầu tư thiếu hấp dẫn, các thủ tục kiểm tra kỹ thuật và y tế của hàng nhập khẩu không đáng tin cậy.

Mặc dù có nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng về tính trong sáng trong một số nhượng bộ của Trung Quốc, thoả ước gia nhập sau cùng mà Trung Quốc kí kết được với WTO là một thành công xuất sắc. Đây là một thoả ước có chiều sâu và mức độ phức tạp chưa hề thấy. Ngày nay, cơ cấu thuế quan mà Trung Quốc dành cho các nước bạn hàng trong WTO được định ở mức trung bình là 10 phần trăm. Mức thuế trung bình tính theo hệ số mậu dịch (trade-weighted) thực sự áp dụng cho hàng nhập khẩu hiện nay là chưa được 5 phần trăm. Những dàn xếp trong giai đoạn quá độ đã cho phép Trung Quốc có đủ thì giờ để thích nghi thêm với luật lệ của WTO, trong khi đó các thị trường lớn nhất của Trung Quốc cũng chứng tỏ họ đã biết tự chế trong việc bảo hộ các công nghiệp đang gặp phải khó khăn. Giới tiêu thụ khắp thế giới nhờ vậy mà được hưởng lợi. Nhu cầu của một nền kinh tế Trung Quốc đang lên đã tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các nước đang phát triển, tức các nước cung cấp thương phẩm nông nghiệp và nguyên vật liệu. Nhờ có những cam kết mà Trung Quốc kí với WTO, nhiều công ti chế tạo và công ti cung cấp dịch vụ nước ngoài đã và đang lũ lượt vào kinh doanh ở nước này. Ít có quốc gia nào có thể tưởng tượng mình không cần đi vào thị trường của Trung Quốc trong những thập niên sắp tới.

Vào năm 1986 [thời điểm Trung Quốc xin gia nhập WTO] đố ai có thể tưởng tượng trong vòng 20 năm sau sẽ có hai công ty Đức kí hợp đồng xây cất và điều hành một bệnh viện trị giá 145 triệu Mĩ kim tại Thượng Hải? Hay tưởng tượng được rằng tới năm 2007 sẽ có đến 1200 cơ xưởng chế tạo đồ phụ tùng xe hơi với vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc - chiếm đến 50 phần trăm của thị trường này? Hay tưởng tượng rằng hãng Volkswagen sẽ xuất khẩu xe do người Trung Quốc chế tạo sang 80 quốc gia. Mặc dù vấn đề hàng giả hàng nhái vẫn còn tồn tại, lượng hàng bán ra của công ty châu Âu LVMH, một công ty sản xuất hàng xa xỉ tại Trung Quốc, trong thời gian qua vẫn tăng lên 50 phần trăm một năm. Hãng chế tạo máy bay Boeing [của Mĩ] dự kiến các hãng hàng không dân dụng của Trung Quốc sẽ chi tiêu 183 tỉ Mỹ kim để mua máy bay mới trong vòng hai thập niên tới; cho đến nay Boeing đã nhận của Trung Quốc chí ít 50 đơn đặt mua 787 Dreamliner (hàng trăm máy bay Boeing thuộc các kiễu trước đó hiện đang được Trung Quốc sử dụng). Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, trong năm 2006 có 34 triệu du khách Trung Quốc đi ra nước ngoài (kể cả Hồng Kông và Macao). Nội trong nửa năm đầu của 2007 đã có hơn 38 triệu du khách Trung Quốc đi ra nước ngoài.

Đây chỉ là vài ví dụ về một chuyện tự nó đã không thể xảy ra, nếu không có những nỗ lực gay cấn của nhiều nhà lãnh đạo và viên chức kế tiếp nhau của Trung Quốc trong việc chuẩn bị đường dài cho nước này gia nhập WTO. Ở Trung Quốc, cũng như ở Căm-pu-chia và Ả-rập Xê-út, WTO đã có ảnh hưởng rất to lớn trong việc biến viễn kiến của các nhà lãnh đạo đất nước thành hiện thực. Bất chấp chuyện gì có thể xảy ra ở Vòng đàm phán Doha, các lãnh đạo chính trị cũng nên vận dụng tốt sức tác động của WTO.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]GATT (dịch giả sẽ giữ nguyên dạng viết tắt này trong toàn bài): The General Agreement of Tariff and Trade (Hiệp ước Chung về Thuế quan và Thương mại), tiền thân của WTO. Sau Thế chiến II, song song với nỗ lực đàm phán với mục đích thành lập Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITO), 23 quốc gia tham dự hội nghị đã kí Hiệp ước Chung về Thuế quan và Thương mại, hay GATT, vào ngày 1-1-1948 với mục đích hạ thấp các rào cản thuế quan. Vì Hoa Kỳ rút lui, Tổ chức Thương mại Quốc tế bất thành, nhưng GATT là thành quả còn lại để tiếp tục chi phối các hoạt động mậu dịch giữa các nước kí kết (trong đó có Hoa Kỳ và Trung Hoa Dân Quốc).
[2]Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều hành các cuộc đàm phán xuyên qua cái gọi là các vòng đàm phán. Vòng đàm phán Doha bắt đầu bằng cuộc họp cấp bộ trưởng, tổ chức tại thủ đô Doha, Quốc gia Qatar, và vẫn còn tiếp diễn. Mục đích của Vòng đàm phán Doha là hạ thấp những rào cản thuế quan khắp thế giới, mở rộng tự do mậu dịch giữa các quốc gia có trình độ kinh tế khác nhau. Các cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo đã diễn ra tại Cancun, Mê-hi-cô (2003) và Hồng Kông, Trung Quốc (2005). Còn các cuộc đàm phán liên hệ thì diễn ra ở Geneva, Thuỵ Sĩ; Pa-ri, Pháp; rồi trở lại Geneva.
[3]Từ năm 1993 đến năm 1998, Hun Sen là đồng-thủ-tướng với Hoàng tử Norodom Ranariddh. Lấy lí do Ranariddh liên minh với tàn dư của Khmer Đỏ, Hun Sen tung ra một cuộc đảo chánh đẫm máu và sau đó nắm trọn quyền bính của một vị thủ tướng duy nhất kể từ năm 1998.
Nguồn: Foreign Affairs, tháng Ba/tháng TÆ° 2008