trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
1.7.2008
Trần Lê Văn
Cần mở rộng phê bình để đẩy văn nghệ tiến lên
 
1956 là một năm bản lề đối với toàn bộ khối XHCN trước đây. Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô cuối tháng Hai 1956 với “Báo cáo mật” của Nikita Khrushchev về những tội trạng của Stalin mở ra một giai đoạn “tan băng” ngắn ngủi nhưng cũng đủ để dẫn đến những biến động quan trọng trong các nước XHCN. Tháng Tám 1956, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức một lớp học 18 ngày về đường lối cải cách chống tệ sùng bái cá nhân tại Liên Xô. Trong chừng mực nào có thể xếp phong trào Nhân văn-Giai phẩm tại Việt Nam vào bối cảnh quốc tế do sự kiện nói trên mở ra, đó là đề tài còn cần được nghiên cứu. Trong loạt tư liệu do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số bài đăng trên báo Văn nghệ trong khoảng thời gian từ tháng Tám 1956 đến đầu năm 1957, với thư kí toà soạn là Nguyễn Đình Thi. Đây cũng là giai đoạn mà các số Giai phẩm và 5 số Nhân văn ra đời. Số Giai phẩm mùa Xuân đầu năm 1956 bị tịch thu cũng được in lại trong thời gian này.
talawas
Trong lớp nghiên cứu lý luận văn nghệ vừa qua, [1] anh chị em chúng ta đặc biệt chú ý đến tài liệu "Trăm hoa đua nở" của Lục Định Nhất.

Thực tế khách quan ngày một lớn mạnh đòi hỏi văn nghệ phải tiến lên một bước nữa. Muốn phục vụ tốt, muốn xây dựng một nhân văn mới, người làm văn nghệ cần được tự do sáng tác, phát huy đến tận độ mọi khả năng của mình. Tất nhiên hai chữ tự do phải quan niệm theo chiều hướng tiến bộ, chiều hướng cách mạng. Có tự do sáng tác thì mọi khuynh hướng tốt mới thi nhau phát triển như "trăm hoa đua nở". Muốn "trăm hoa đua nở", theo ý chúng tôi, cần mở rộng phê bình và tranh luận, không nên gò bó, câu nệ. Trong bản báo cáo nhan đề "Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam" đọc ở Đại hội Văn hóa Toàn quốc tháng 7 năm 1948, ông Trường Chinh có nói: "Một điều ai cũng nhận thấy là cuộc sống văn nghệ của dân tộc ta lành quá. Một tác phẩm văn nghệ mới, hay hay dở, công chúng hoan nghênh hay phản đối, phần nhiều ta không biết. Có ai phê bình đâu, có ai khen chê đâu! Một chủ trương, một tư tưởng đề ra thường bị rơi thõm vào trong quên lãng và lạnh nhạt như thế. Thành ra tác giả ít được nâng đỡ, khuyến khích hoặc sửa chữa, bổ khuyết cho. Không có phê bình, không có luận chiến, phong trào văn nghệ nước ta êm đềm trầm mặc quá! Nó như con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quật cho nó lồng lên". Kể ra từ 1948 đến nay, nhất là từ sau khi hòa bình được lập lại, cũng có phê bình, cũng có tranh luận, nhưng cần phải thẳng thắn nhận rằng: có những hiện tượng không thuận lợi cho sự phát huy tự do tư tưởng trong phê bình văn nghệ. Một vài quan niệm hẹp hòi làm cho chúng ta có thái độ e dè thế này, khắc nghiệt thế kia, thậm chí có khi "áp chế phê bình" nữa. Cần phải cảnh giác, cần phải thận trọng là đúng, nhưng băn khoăn quá đáng về thái độ phê bình thường làm trở ngại cho sự phê bình. Chúng ta lo lắng hơi nhiều. Nào là "hại uy tín lãnh đạo", nào là "xâm phạm đến khối đại đoàn kết", nào là "sợ địch xuyên tạc hoặc lợi dụng", v.v… Nhiều sự lo xa thái quá khiến cho "cái roi phê bình" không dám "quật" mạnh, có khi lại "quật" sai nữa. Ở đây tôi chỉ lướt qua mấy cuộc phê bình tương đối có tiếng vang trong quần chúng để thấy nhược điểm mà khắc phục.

Trước hết là cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Việc này xảy ra vào khoảng tháng 2 tháng 3 năm ngoái. Có thể nói đó là một triệu chứng tốt cho văn học, văn nghệ nước nhà. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một cuộc phê bình, tranh luận thu hút đông đảo quần chúng. Đúng như tác giả A.T. nhận định trong báo Văn nghệ (số 65, tháng 3/55): "không khi bằng phẳng, thiếu phê bình của văn nghệ được khuấy động, hứa hẹn nhiều kết quả… Phê bình đấu tranh là một điều kiện sống còn của tiến bộ, của cách mạng". Hoàng Trung Thông cũng thấy rằng: "Cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc là cuộc phê bình rộng lớn đầu tiên trong phong trào văn nghệ nước ta. Đã mấy tháng nay nhiều cuộc họp trong trường học, trong xí nghiệp, trong đơn vị bộ đội thảo luận về thơ Tố Hữu. Hàng trăm bài phê bình từ khắp nơi gửi về báo Nhân dân và báo Văn nghệ…" Ngay trên báo Văn nghệ hồi đó, những bài phê bình của Hoàng Yến, Minh Tranh, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Văn Phú, v.v… được đăng liên tiếp. Khen cũng có, chê cũng không ít. Ý kiến chưa ngã ngũ ra sao thì cũng trên báo Văn nghệ có một loạt bài có khuynh hướng rõ rệt bảo vệ tập thơ Việt Bắc như dựng xung quanh nó một thành trì kiên cố, bất khả xâm phạm. Những bài này lại phần nhiều là của những đồng chí có trách nhiệm lãnh đạo văn nghệ. Sốt ruột trước sự huyên náo của quần chúng, Trần Độ phát biểu vài "cảm tưởng của một độc giả thông thường" (Văn nghệ số 72, tháng 6/55): "đề nghị với các nhà phê bình bớt lý luận dài dòng, phân tích chủ quan, trừu tượng, đôi lúc bộc lộ ý xấu…" Trần Độ bộc lộ ý tốt của mình bằng cách thỉnh thoảng reo lên: "Thích lắm… hay lắm… cũng hay lắm". Tiếp đó, nhà phê bình Hoài Thanh nói về "Tình yêu quê hương đất nước trong tập thơ Việt Bắc" (Văn nghệ số 74) cho chúng ta biết rằng: "Thơ của anh Tố Hữu như một cây súng, luôn luôn anh nhắm cho thật trúng, bắn cho thật trúng… Những câu thơ của anh sẽ giúp ta xây dựng lại cho bản thân ta một trời đất mới, một cuộc đời mới". Lại tiếp đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi, trong bài "Thơ Tố Hữu đi vào thực tế quần chúng" (Văn nghệ số 77) ví những bài thơ của Tố Hữu như "măng mọc sau mưa xuân", như "những đóa hoa hồng tươi thắm". Vài tuần sau nhà thơ Hoàng Trung Thông, theo ý kiến của ban Văn, hội Văn nghệ Việt Nam, viết bài "Kết thúc cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc" (Văn nghệ số 81, tháng 8/55) Tác giả bài này nhắc nhở mọi người "phải biết phân biệt bạn thù… nhiều bài phê bình, nhiều ý kiến phát biểu đã rơi vào lối tranh cãi tư sản lỗi thời, có khi đã dùng những lời độc ác hoặc thô bỉ để mạt sát lại ý kiến của người khác". Điều đáng chú ý là bài "kết thúc" ấy không đả động tới một số lớn ý kiến đã được nêu ra trong những cuộc tranh luận rộng rãi. Nó chỉ có tính cách một bài nhận định của Thường vụ Hội về giá trị của thơ Tố Hữu mà thôi. Như vậy hà tất còn phải mất nhiều thì giờ cãi vã nhau vô ích. Thậm chí có người lại nói "địch nó không mong gì hơn chúng ta chê thơ anh Tố Hữu". Tôi thiết tưởng nên nói rằng: "Một nhà thơ như Tố Hữu mà chúng ta còn được tự do phê bình, tự do nêu ưu điểm để học tập, nêu khuyết điểm để sửa chữa, như thế địch nó mới sợ chứ". Phê bình thơ Tố Hữu có hại gì cho uy tín của Tố Hữu. Trái lại thế. Còn vấn đề thái độ? Tôi không tán thành những "lời độc ác hoặc thô bỉ", nhưng cũng cần quan niệm rằng trong không khí tranh luận gay go sôi nổi tránh sao được những câu nói quá hăng, những lời lẽ vụng về. Miễn là dụng ý tốt. Dăm ba người bạn ngồi uống trà, tán thưởng nhau còn có thể to tiếng được, nữa là… Nếu cứ thấy to tiếng là quy luôn cho cái tội "bộc lộ ý xấu" thì vấn đề tranh luận khó thực hiện lắm thay!

Kết quả là sau bài "kết thúc" ấy, quần chúng cũng không thỏa mãn. Ngoài những điều đã biết, chẳng biết thêm được điều gì mới. Và phong trào phê bình tranh luận xẹp xuống. Con ngựa lại rũ cổ xuống đất.

Cuộc tranh luận về cuốn Vượt Côn Đảo cũng tương tự như vậy. Bài “Kết thúc” của Vũ Tú Nam (Văn nghệ số 87, tháng 9/55) răn người ta "cần phải chống lại thái độ phê bình đả kích moi móc khuyết điểm, cố chấp lẫn lộn thù bạn…" Muốn khỏi mang tiếng moi móc, cố chấp, các nhà lý luận chúng ta trở lại xuê xoa "dĩ hòa vi quý". Thật là một cảnh tượng "thiên hạ thái bình" trong văn nghệ giới.

Việc đời đang vui vẻ thì xảy ra "vụ Trần Dần". Về "vụ" này người ta bình luận đã nhiều, tôi chỉ mạn phép nói qua thôi. Số là Trần Dần có làm bài thơ nhan đề “Nhất định thắng”. Hay dở thế nào, thiết tưởng cứ tổ chức một cuộc tranh luận tự do, ai thấy hay thì khen, ai thấy dở thì chê. Quần chúng lầm sao được. Đằng này lại tổ chức một cuộc… chẳng lẽ lại goi là "đấu", bao nhiêu sấm sét, búa rìu đổ vào đầu một bài thơ. Nói của đáng tội gần hết giờ họp, anh Hoài Thanh có đề nghị với anh em: "Ai có ý kiến gì bênh vực bài thơ ‘Nhất định thắng’ thì cứ tự do phát biểu". Nhưng trong không khí ấy "nào ai còn dám nói năng nửa lời". Vài hôm sau trên báo Văn nghệ (số 110, ngày 25/2/56) nhà phê bình Hoài Thanh lên án "Trần Dần đã xuyên tạc và vu khống miền Bắc… Bài của Trần Dần đã làm cho hầu hết mọi người đọc đều phẫn nộ… Không khí buổi họp rất sôi nổi… ai cũng muốn được phát biểu ý kiến để nói lên sự phẫn nộ của mình… Bài ‘Nhất định thắng’ chứa đựng những tư tưởng phản động, đứng về phía địch chống lại nhân dân ta, chống lại cuộc đấu tranh thống nhất đất nước".

Tôi nghĩ mãi: thái độ phê bình ấy không biết có phải là thái độ phân biệt bạn, thù hay không? Có người bảo đó là cái lối "đập một gậy chết tươi". Con ngựa còn làm sao ngóc đầu lên được.

Thế mà chẳng bao lâu, trong và cả ngoài giới văn nghệ lại thấy xôn xao về một "vụ" mới: "vụ" phê bình giải thưởng văn học. Chuyện này người ta nói nhiều rồi, tôi lại cũng chỉ nó rất vắn tắt. Nguyên ở Hà Nội có một tờ báo là tờ Trăm hoa có ba bài phê bình tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu, cho rằng không xứng đáng với giải nhì. Có thế thôi! Vậy mà dư luận cũng sôi nổi một dạo. Dư luận khá phức tạp. Tuyệt đại đa số tỏ sự đồng tình. Một số nhỏ cho là đố kỵ. Một số nhỏ nữa cho là "không lợi cho đoàn kết", v.v… Trên báo Văn nghệ lại có một bài của anh Hoài Thanh khen thơ Ngôi sao "sang sảng như lời hịch" dường như không muốn nghe những lời "eo xèo" của quần chúng nữa.

Đưa những sự việc cụ thể trên đây, tôi không hề có dụng ý "vạch áo cho người xem lưng". Vả lại nếu lưng mình có vết cũng nên vạch ra lau cho sạch chứ sao! Tôi chỉ nhắc lại: cần tạo điều kiện thuận lợi cho tự do phê bình. Có như vậy mới định giá được một cách thật chính xác tác phẩm của văn nghệ sĩ. Có như vậy mới xây dựng được thành khẩn cho lãnh đạo, chấn chỉnh tổ chức. Có như vậy mới vạch được một đường lối đúng dẫn dắt văn nghệ sĩ sáng tác văn nghệ và quần chúng thưởng thức văn nghệ. Có như vậy mới tạo khí hậu tốt cho "trăm hoa đua nở".



[1]Chỗ này tác giả muốn nói đến lớp nghiên cứu lý luận văn nghệ do Hội Văn nghệ Việt Nam mở từ ngày 01 đến 18/8/1956 cho trên 200 văn nghệ sĩ và những người công tác văn nghệ tại Hà Nội. Nội dung là trao đổi thảo luận về một số vấn đề lý luận căn bản về văn học, nghệ thuật, liên hệ với thực tế hiện tại để đề xuất một số vấn đề lớn, góp ý kiến vào việc chuẩn bị Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ 2. Phóng viên của báo Văn nghệ ghi nhận: “Trong khi nghiên cứu lý luận, anh chị em đã liên hệ phê bình đường lối và phương pháp lãnh đạo của các cơ quan có trách nhiệm về văn nghệ. Khi nêu lên những sai lầm của lãnh đạo, anh chị em đã có một thái độ rất thẳng thắn, kiên quyết, và có nêu lên những trường hợp cụ thể như: nhận định sai lầm đối với cải lương của Hội nghị sân khấu [chỗ này ý nói Hội nghị tranh luận sân khấu ở Việt Bắc từ 20 đến 22/3/1950 − L.N.A. chú]; vấn đề giải thưởng văn học 1954-1955; vấn đề tập Giai phẩm mùa Xuân 1956, v.v…. Nói chung tất thảy đều biểu lộ mối nhiệt tâm xây dựng, một thái độ thực sự cầu thị và một tinh thần thành thực lo lắng cho sự tiến bộ của nền văn học và nghệ thuật cách mạng của chúng ta” (trích bài tường thuật của P.V., Văn nghệ, s. 135, ra ngày 23/8/1956, tr. 7) − L.N.A. chú.
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s.136 (30.8.1956), tr. 9, 11. LạI Nguyên Ân biên soạn.