trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
4.7.2008
Bùi Văn Phú
Người Công giáo Việt ở Mỹ cần một lời giải thích
 
Tổng Giám mục Điạ phận Thành phố Hồ Chí Minh, Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, hôm 4 tháng Sáu vừa qua có gửi ra một lá thư liên quan đến Ngày Giới trẻ Thế giới (World Youth Day – WYD) sắp được tổ chức tại Úc và sự việc cờ vàng tung bay trong những WYD trước đây. Lá thư phổ biến trên một mạng thông tin Công giáo tiếng Việt ở hải ngoại, nhưng chỉ vài hôm thì được gỡ xuống.

Thư của Hồng y Mẫn viết: “WYD ba lần trước ở Pháp, Đức, Canada, đều có một sự kiện mà một số bạn trẻ ở một số nơi coi như một sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ Việt Nam. Sự cố đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được giương lên trong lúc các bạn trẻ Việt Nam từ nhiều châu lục quy tụ lại để cử hành phụng sự hoặc sinh hoạt chung”.

Theo tinh thần toàn văn lá thư, Hồng y Phạm Minh Mẫn là người sẽ tham dự WYD năm nay không muốn thấy lá cờ vàng xuất hiện ở đó vì nó làm ngăn trở sự hiệp thông, sinh hoạt của người Việt từ khắp thế giới về dự đại hội.

Sự kiện thanh niên nam nữ đi dự đại hội giới trẻ của Giáo hội Công giáo tổ chức mà phất cờ là điều bình thường vì nó thể hiện tinh thần tự do của họ. Rất nhiều lá cờ đã được giương lên trong các đại hội trước là của người Ba Lan, Đài Loan, Pháp, Mexico, Đức, Nhật và của rất nhiều sắc dân khác. Ở Quảng trường Thánh Phêrô, khi Giáo hoàng ban phép lành hàng tuần, trong đám đông nhiều chục nghìn tín hữu đi hành hương có đủ mọi mầu cờ được phất lên, không chỉ biểu tượng của quốc gia, mà còn nhiều biểu tượng của những tổ chức, hội đoàn tôn giáo cũng như đời thường.

Riêng với người Việt hải ngoại khắp nơi, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, những cộng đồng sắc dân này được hình thành sau khi chế độ cộng sản được áp đặt lên toàn cõi lãnh thổ Việt Nam vào năm 1975. Vì thế cờ vàng ba sọc đỏ được nhiều người dùng nó như là một biểu tượng cộng đồng, chứ không còn là biểu tượng của một quốc gia. Những bạn trẻ trong các sinh hoạt trưng ra lá cờ vàng để xác minh họ không phải là những người trẻ đến từ Việt Nam mà từ những châu lục khác.

Sự việc các linh mục từ Việt Nam qua Mỹ, hay ra nước ngoài nói chung, không muốn đứng cạnh cờ vàng không là điều gì mới. Nhưng đến nay chính thức có sự phản đối qua lá thư của Hồng y Phạm Minh Mẫn là chức sắc cao cấp nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Hình ảnh đầu tiên của cờ vàng tung bay bên cạnh một vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt Nam là ở Paris vào đầu thập niên 1980, khi Hồng y cai quản Điạ phận Hà Nội đến thủ đô nước Pháp.

Hơn mười năm trước, một linh mục từ Việt Nam qua và có ghé thăm cộng đoàn nơi gia đình tôi sinh sống để tham dự rước kiệu và dâng thánh lễ. Trên kiệu có tượng Đức Mẹ đứng trước một bản đồ Việt Nam mầu vàng với ba sọc đỏ chạy dọc, đã được cộng đoàn thiết kế cả chục năm trước. Tôi có chụp ảnh về sinh hoạt này. Mấy hôm sau gặp lại linh mục trong một bữa cơm, tôi gửi cho ngài ít hình để làm kỉ niệm và hỏi thẳng là những tấm hình chụp ngài với cờ vàng sẽ có vấn đề khi ngài trở về Việt Nam hay không. Vị linh mục trả lời là nếu nhà nước thấy những hình đó thì sẽ bị khó khăn trong các sinh hoạt mục vụ ở quê nhà.

Năm 2003 xảy ra một sự việc nhân chuyến thăm của Giám mục Điạ phận Bùi Chu là Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm đến thành phố St. Paul, bang Minnesota. Ngài không muốn thấy cờ vàng ở nơi đón tiếp ngài, cũng với một lí do sẽ gặp khó khăn khi trở về nước, nên một người trong ban tổ chức đã gỡ bỏ cờ vàng của một trung tâm sinh hoạt cộng đồng trước khi giám mục đến. Vụ việc tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi và đã phải đưa nhau ra toà vì người tháo gỡ cờ vàng để đón giám mục đã bị một số người trong cộng đồng phỉ báng, mạ lị, đã bị biểu tình trước nhà, trước cơ sở thương mại gây thiệt hại danh dự và tài chánh, khiến ông kiện họ ra toà. Kết quả những người bảo vệ cờ vàng thua và phải bồi thường cho nạn nhân hơn ba trăm nghìn đô la.

Nhưng phía sau những vụ việc liên quan đến cờ vàng và Giáo hội Công giáo Việt Nam, cũng như Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ là tổ chức đại diện cho người Công giáo Việt tại Mỹ, một khối cư dân chiếm hơn 30% tổng số người Việt ở Mỹ, dường như đã có những chuyển hướng đối với nhà cầm quyền cộng sản. Mặt nổi là chuyện cờ vàng, là những chuyến đi thường xuyên của lãnh đạo Liên đoàn vào Việt Nam và những chuyến đi của Ban Tôn giáo Đảng và chức sắc Công giáo đến Hoa Kỳ. Bên trong là những thay đổi trong sinh hoạt mục vụ.

Cộng đoàn Thánh Phaolô thuộc điạ phận Oakland, vùng Vịnh San Francisco, không đông giáo dân lắm. Mỗi Chúa nhật chỉ có một thánh lễ bằng tiếng Việt với hơn 200 bổn đạo tham dự. Trước đây trong thánh lễ, phần lời nguyện giáo dân thường có câu: “Xin cho nước Việt Nam của chúng con sớm được hưởng tự do, ấm no.” Khoảng hai năm nay lời nguyện này không còn nữa.

Kiệu Đức Mẹ La Vang của Cộng đoàn Thánh Phaolô, San Pablo, California (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Cộng đoàn tuy nhỏ nhưng sinh hoạt không kém phần sốt sắng. Trong thời gian từ tháng hoa đến tháng mân côi kính Đức Mẹ, tức là từ tháng Năm đến tháng Mười, đều có rước kiệu, có chương trình tôn vinh Nữ vương Gia đình để giáo hữu đón Đức Mẹ về nhà rồi cộng đoàn tụ họp bên nhau trong một tối cuối tuần để cầu nguyện chung. Khi đông, buổi đọc kinh có dăm bẩy chục người, vắng cũng được hai chục hơn. Trong phần kinh nguyện, trước đây có câu: “Gia đình con không theo thuyết cộng sản vô thần” là lời nguyện có từ thời Giáo hoàng Piô XII (1939 - 1958) vì tôn giáo và chủ thuyết cộng sản - bản chất là vô thần - không thể sống chung như đã được chứng minh tại những quốc gia theo chế độ cộng sản. Từ hơn một năm qua, câu nguyện này không còn nữa.

Những quyết định phụng vụ như thế có phải do giáo hội quê nhà đưa ra và Liên đoàn chuyển xuống cho các trung tâm mục vụ, các giáo đoàn, rồi giáo xứ, cộng đoàn? Vì tại nhiều giáo xứ hiện nay việc sử dụng sách lễ, sách kinh, ca vịnh là từ những nguồn trong nước.

Sau khi lá thư của Hồng y Phạm Minh Mẫn được phổ biến, trong chuyến đi Hoa Kỳ vào cuối tháng Sáu vừa qua ngài đã đến cử hành thánh lễ tôn kính Mẹ La Vang tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Washington. Hôm đó không có một lá cờ vàng nào, dù chỉ ở bên ngoài nhà thờ, để nói lên đó là sinh hoạt của những người Công giáo Việt tại Hoa Kỳ.

Liên đoàn Công giáo Việt Nam có trách nhiệm giải thích việc này. Và nhiều người cũng đang chờ Liên đoàn lên tiếng về lá thư của Hồng y Phạm Minh Mẫn liên quan đến cờ vàng và giới trẻ Việt Nam trong Ngày Giới trẻ Thế giới sắp đến.

© 2008 talawas