trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
7.7.2008
Yến Lan
Một vài sự thật chung quanh “Vụ giải thưởng văn học”
 
1956 là một năm bản lề đối với toàn bộ khối XHCN trước đây. Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô cuối tháng Hai 1956 với “Báo cáo mật” của Nikita Khrushchev về những tội trạng của Stalin mở ra một giai đoạn “tan băng” ngắn ngủi nhưng cũng đủ để dẫn đến những biến động quan trọng trong các nước XHCN. Tháng Tám 1956, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức một lớp học 18 ngày về đường lối cải cách chống tệ sùng bái cá nhân tại Liên Xô. Trong chừng mực nào có thể xếp phong trào Nhân văn-Giai phẩm tại Việt Nam vào bối cảnh quốc tế do sự kiện nói trên mở ra, đó là đề tài còn cần được nghiên cứu. Trong loạt tư liệu do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số bài đăng trên báo Văn nghệ trong khoảng thời gian từ tháng Tám 1956 đến đầu năm 1957, với thư kí toà soạn là Nguyễn Đình Thi. Đây cũng là giai đoạn mà các số Giai phẩm và 5 số Nhân văn ra đời. Số Giai phẩm mùa Xuân đầu năm 1956 bị tịch thu cũng được in lại trong thời gian này.
talawas
Chẳng rõ là ai đã bảo tôi:

"Anh phải nắm vững thực tế đủ khía cạnh, mới nói đúng được sự thật mà anh cần phải nói". Chính vì đã nắm vững thực tế của vụ giải thưởng văn học 1954-1955, nên hôm nay tôi viết bài này. Tôi chỉ nêu lên "một vài sự thật", vì trong vụ giải thưởng văn học 1954-1955, một vấn đề có thể nói là phức tạp − nó trở thành phức tạp sau cuộc học tập lý luận văn nghệ của giới văn nghệ sĩ vừa rồi, chứ trước thì chưa ai ngờ đến, hoặc có ngờ đến cũng không đến mức độ như những ngày gần đây − phức tạp thì không thể nói là có một vài sự thật, mà còn nhiều, và phức tạp nhiều như thế không phải là hoàn toàn sai lệch cả. Một vài sự thật tôi nêu lên đây cốt bổ sung và đính chính những ý kiến của ông Phan Khôi về điểm ba, là điểm về “vụ giải thưởng văn học 1954-1955” đã cho in trong tập Giai phẩm mùa Thu 1956 − tập I.

Tôi đồng ý ông Phan Khôi thắc mắc về một số điểm, ở đây không cần lặp lại; nhưng một số điểm khác ông Phan Khôi đã nói quá sự thật và một số điểm khác nữa, đã che đậy hay là đã vô tình bỏ qua một bên, nhất là những sự thật về phần ông Phan Khôi.

Dưới bài của ông Phan Khôi có một cái chú thích, nó như một cái ngạnh câu, chua thêm rằng, ông Phan Khôi đã phát hiện ra một sự gian lận: "Bao nhiêu lời phản đối của tôi về tập Ngôi sao đều bị bỏ hết, không ghi vào biên bản…" (nguyên văn). Tôi cho lời chú thích ấy là một cái ngạnh câu, vì nó là móc chính của vụ giải thưởng, nó có thể gây nhiều sự hiểu lầm và nó đã ám chỉ vô căn cứ một hành động đê mạt, không thể tha thứ được, nhất là trong vấn đề văn học và nghệ thuật. Trách nhiệm đó trước tiên đổ vào đầu tôi: thư ký của ban chung khảo. Nhưng nếu chỉ riêng cho thư ký thì đó là một vấn đề khác. Còn nhớ rằng, hôm 20-8-1956, có cuộc họp ban chấm giải, để kiểm điểm lại lề lối làm việc và tinh thần trách nhiệm của từng người về nhiều mặt nhất là đối với tập thơ Ngôi sao. Trong cuộc họp đó đã đem đọc lại biên bản tổng hợp của tiểu ban phụ trách về thơ. Hôm ấy ông Phan Khôi cho rằng nhiều ý kiến của ông đã phát biểu không được ghi trong biên bản, và tỏ thái độ nghi ngờ. Ông nghi ai?

Ông Phan Khôi không muốn cái việc bỏ ngoài biên bản những ý kiến của ông về tập Ngôi sao − sự thật sẽ nói sau − thuộc về phạm vi trách nhiệm của thư ký hội nghị, mà ông muốn chụp nó lên đầu ban chấm thi, trừ ông ra − cho nên ông đã viết thư cho ông Tổng thư ký Đảng Lao động biết. Theo như ông đã nói trong cuộc họp là ông sẽ đi kiện. Ông Nguyễn Tuân đã hỏi:

“Ông kiện ai?”

Ông Phan đáp: “Tôi sẽ đi kiện cái biên bản này.”

Ông Nguyễn Tuân: “Ông kiện người làm biên bản này, hay ông kiện ban chung khảo? Ông là một người trong ban chung khảo, tức là ông kiện cả ông, vì ông không có trách nhiệm sao?”

Thật ra thì ông Phan Khôi không kiện người làm thư ký. Ông Khôi cho rằng người ta có âm mưu gian lận nhưng ông lại không quy cho người làm biên bản. Không có gì là mâu thuẫn, vì ông Phan Khôi không thù ghét gì tôi. Thái độ không thù ghét gì tôi đó, ông Phan Khôi đã biểu hiện thật là thành khẩn, thân mật, khi ông tìm đến tôi trong phòng tôi làm việc, gọi riêng ra một góc nói nhỏ rằng: "Anh cứ yên tâm, tôi không kiện anh đâu". Tôi tự hỏi: Nếu ông Phan Khôi không kiện tôi thì còn kiện ai. Vì cái biên bản ấy chính tay tôi viết ra (chưa đánh máy), và tôi viết theo lối tổng hợp thứ tự, từng vấn đề một, từng ý kiến cá nhân một, rút từ trong tập sổ cái đã ghi tất cả biên bản các cuộc họp, đóng dính liền nhau. Cái biên bản ấy ghi rất công phu, thành văn bản hẳn hoi. Ghi tổng hợp như thế, nhưng không làm sai lạc tinh thần và ý kiến từng người, cốt để làm tài liệu văn học sau này. Biên bản ấy chưa kịp đánh máy thì tôi chuyển sang cho ông Xuân Diệu, cũng như biên bản về kịch, chuyển ông Thế Lữ, biên bản về dịch chuyển cho ông Phan Khôi, v.v. để các ông trưởng tiểu ban ấy tham khảo trong khi làm báo cáo những nhận định của từng ngành và dành để góp ý kiến cho những nhà phê bình văn học sau này cần đến.


Với tinh thần và quan niệm ấy, biên bản của tôi chỉ ghi những lời phát biểu chính, còn những lời cãi vã xa vấn đề hay trong mấy phút nghỉ, giữa đôi ba người (mà những lúc này lại hăng nhất và có khi gay go nữa) thì người thư ký, cũng nghỉ như những người khác, không ghi. Cũng có lúc giữa giờ thảo luận, có vài ý không ghi kịp, vì trong một cuộc họp từ 7-8 người trở lên, có khi cãi nhau, hoặc giữa chừng có ông đề nghị không cần nói dài vấn đề đang cãi nhau đó (Sự thật thì chính ông Phan Khôi cũng đã viết: "May mà một ông khác (quên là ai) lập tức đưa tay ngăn lại." (nguyên văn) Tình trạng thảo luận như thế thì xẩy ra luôn, chứng tỏ rằng trong vấn đề thơ Xuân Diệu, ban chung khảo không phải làm bừa, không phải là thông qua một cách quan liêu và rồi để mà gian lận. Hơn nữa, ngay từ lúc đầu, người ta cũng không định rõ một nguyên tắc cụ thể nào về cách làm biên bản cả. Người ta không nghĩ rằng biên bản đó, ngoài mục đích làm tài liệu văn học, sẽ lại phải đưa ra để chứng thực cho một sự việc lôi thôi xảy ra trong tương lai. Biên bản này đem đọc hôm 20-8-1956 cũng không ngoài mục đích kiểm điểm lại lề lối làm việc của ban chấm thi, và tinh thần trách nhiệm từng cá nhân như thế nào. Cho nên ông Phan Khôi không nhìn vào thực tế của tổ chức, ông đòi hỏi ở tôi một khả năng của người thư ký giỏi tốc ký (đó là không nói đến nguyên tắc là phải có hai thư ký mới đúng). Ông quên rằng: tôi cũng là một nhà văn. Khốn nỗi, ông Phan Khôi lại cũng không chịu rằng trách nhiệm biên bản đó lại về tôi.

Ông Phan Khôi và bạn đọc cũng sẽ đừng vội vàng cho rằng viết bài này lên là tôi đã ra thân làm con hy, con sinh, đem tấm da ngựa bọc thây cho tướng bại trận. Không đâu, sự thật là như thế này: ông Phan Khôi viết: "Bao nhiêu lời phản đối của tôi về tập Ngôi sao đều bị bỏ hết, không ghi vào biên bản" − Thì biên bản ấy đã chép một đoạn ý kiến của ông Phan Khôi như thế này:

"Thơ của Trần Hữu Thung ở từ nhân dân mà ra, còn Xuân Diệu thì từ ngoài đi vào nhân dân.

Về Ngôi sao của Xuân Diệu, phần trước kém, nhiều câu đọc chậm hiểu, không thích hợp với quảng đại quần chúng. Như trong bài "Tiếng vàng" v.v… Tác giả sử dụng ngôn ngữ nhiều khi bất lực như câu: "Đã cháy rồi, ánh sáng giữa đêm tăm"… Còn một ít đoạn chen vào đôi câu tầm thường. Phần thứ hai (từ 1953 về sau) thơ có thể nói là xứng đáng với cái tên của một nhà thơ nổi tiếng về trước, nguyên do là nhờ quá trình cải tạo trong chỉnh huấn."

Hiện nay biên bản hãy còn kia (chính là cái biên bản đem ra đọc hôm ấy), như thế thì biên bản có bỏ hết lời ông Phan Khôi đâu. Biên bản chỉ không ghi những lời ông Phan Khôi khi giờ nghỉ, hoặc lúc ngoài hội nghị, ông thảo luận riêng với một số anh em văn nghệ khác, có khi cả với tôi (và lúc ấy, tôi đâu có phải là thư ký) hoặc những lúc có người giơ tay ngăn lại, như vấn đề ông đã cãi với ông nào đó, mà ông quên là ai.

Cũng như đa số các ông khác trong ban chung khảo, ông Phan Khôi đã phạm một lệch lạc đánh giá không đúng một số tác phẩm nhưng ông đã trốn trách nhiệm để tự đề cao cái cá nhân sáng suốt của ông, ông viết: (nguyên văn) "Hôm bình định về thơ, tôi phản đối tập Ngôi sao đứng giải nhì, tôi nói: Có vớt vát lắm thì cũng nên để nó đứng giải ba". Vâng, đúng đó cũng là ý kiến của tôi trong khi phản ảnh dư luận xung quanh. Chính tôi cũng đã nhiều lần đưa đề nghị xét kỹ về giải nhì của tập thơ Ngôi sao − mặc dù ý kiến của tôi không được xem là quyết định. Nhưng thật sự thì lời nói của ông Phan Khôi kia đã phát biểu trong những cuộc họp trước, hoặc trong những cuộc thảo luận riêng với anh em, mà trong biên bản tổng hợp của tôi không ghi vào, vì nó chỉ nhằm ghi những biểu quyết cuối cùng. Biểu quyết cuối cùng là ông Phan Khôi đã đồng ý Ngôi sao ở giải nhì, và ông đã nhấn mạnh câu:

“Tôi đồng ý để Ngôi sao ở giải nhì, nhưng mà là giải nhì C. Nghĩa là, giải nhì Dặn con Đồng tháng tám là giải nhì A, rồi ở giữa, tiếp theo đó, giải nhì B không có ai, giải nhì của thơ Xuân Diệu phải cách một bực, tức là giải nhì C.”

Tiếp theo đó thì ông Phan Khôi cử ra những câu bí hiểm của thơ Xuân Diệu mà ông cho là không hiểu được, nhưng ông đã nói trong bài phê bình ở Giai phẩm và tôi đã ghi trong biên bản như đã trích trên kia.

Giấy trắng mực đen đã chứng tỏ là biên bản không hề bỏ hết bao nhiêu lời phản đối về tập Ngôi sao. Giấy trắng mực đen và bao nhiêu người trong các cuộc họp chung khảo về thơ cũng còn chứng tỏ rằng ông Phan Khôi đã tránh trách nhiệm về ý kiến định giải của mình và những nhận định về tác phẩm mà ông đã thảo luận sôi nổi. Ông Phan Khôi muốn tự đề cao cái sáng suốt của bản thân, và tức khắc nó sẽ được coi trọng cùng với tính tình khẳng khái của ông, nếu như ông biết tự phê bình trước khi phê bình người khác. Tôi học ở ông cái tác phong phê bình người khác, phê bình lãnh đạo, ở những điểm đúng, nhưng không chịu ông ở điểm ông chưa áp dụng tự phê bình, thành ra bài phê bình của ông không vững, thiếu thực chất giá trị.

Với bài phê bình về vụ giải thưởng văn học 1954-1955, ông Phan Khôi không thể dùng nó làm bàn đạp để nhảy khỏi ra ngoài những lệch lạc chung, cũng không làm sao đánh trống lấp được những nhận xét trong giới văn nghệ về trình độ nhận thức chưa thấu đáo về giá trị tác phẩm văn học của ông trong phạm vi giải thưởng.

Sang vấn đề tập thơ Người chiến sĩ của Hồ Khải Đại. Ông Phan Khôi cho chúng ta biết rằng ông ở trong ban chung khảo mà chưa hề biết mặt nó, ông chỉ biết mặt nó là tình cờ nhờ nghe người trong bệnh viện C cùng nằm với ông chê dở, cho nên ông mượn mà đọc. Trước hết chúng ta có thể tin rằng một người tiết tháo như ông Phan Khôi, một nhà nho đã biết rõ nghĩa hai chữ "chung khảo" mà lẽ nào thật thà quá đến nỗi không sử dụng được quyền hạn đòi đọc tác phẩm mà mình chịu trách nhiệm sau này với dư luận hay không?

Sự thật thì như thế nào? Sự thật thì trong các cuộc họp chung khảo về thơ, cụ thể những ngày 24-1-1956, 28-2-1956, 29-2-1956, là những ngày có cuộc họp bàn chung về thơ, trong đó có cả thơ của Hồ Khải Đại, và ông Phan Khôi không hề vắng mặt. Trong một cuộc gần sau hết buổi tranh cãi về giải nhì, đến tranh cãi về giải ba, ông Hoài Thanh đã đề cử một số bài thơ của Hồ Khải Đại để bênh vực ý kiến nhận định của ông về giá trị một số bài của tập thơ này; nhiều người vỗ tay, chẳng nhớ ông Phan Khôi có vỗ tay hay không nhưng theo tôi biết chắc thì ông không tỏ thái độ phản đối. Nhưng vấn đề này cũng lại đem xét lại và ban chung khảo giao quyền lại cho tiểu ban nghiên cứu. Tiểu ban đã nghiên cứu và đã tranh thủ ý kiến ông Tố Hữu, thì đại khái như thế này: (đây là do một ông trong tiểu ban − tôi quên tên − nói) về thơ Hồ Khải Đại, anh Tố Hữu sau khi đọc đã góp ý kiến là bên cạnh những cái yếu, cái non, đồng thời cũng có cái tốt của nó, yêu cầu xem lại có đưa lên nhì được không.
Tôi thấy trong vụ này có hiện tượng tôn sùng cá nhân, nhưng đó là việc khác.

Ở đây tôi chỉ muốn nói về nội dung của bản thông tri mà ông Phan Khôi nhắc tới trong bài của ông. Theo ông Phan Khôi thì tập thơ Hồ Khải Đại nguyên ở giải khuyến khích nay thông tri cho biết tương nó lên giải ba. Thực ra thì tập thơ đã được sơ bộ biểu quyết ở giải ba rồi, nay nhân có ý kiến của ông Tố Hữu nên Tiểu ban đề nghị xét kỹ lại và nếu có thể thì đưa lên giải nhì. Đề nghị này đã được đem ra thảo luận ở hội nghị chung khảo. Sau đây xin trích một câu trong biên bản cuộc họp bữa tối 29-2-1954 (bàn chung về các vấn đề còn lại trong văn, thơ, kịch):

"… Có xem lại, thấy bài hay thì ít, phần non yếu nhiều, và Hội nghị vẫn tiếp tục đề nghị nó ở giải ba. Toàn ban vẫn giữ ý kiến như cũ."

Như thế nghĩa là ông Phan Khôi đã có mặt vừa trong cuộc họp có ông Hoài Thanh đọc thơ Hồ Khải Đại, vừa có mặt trong buổi biểu quyết cuối cùng này. Còn cái thông tri mà ông Phan Khôi ngạc nhiên hỏi là ai tương lên kia, chính là thông tri phản ảnh lại ý kiến cuộc họp hôm ấy, gửi cho các ông vắng mặt là chính, đồng thời gửi cho toàn thể để xác nhận biểu quyết (theo nguyên tắc làm việc chung).

Trong vụ giải thưởng văn học 1954-1955 ông Phan Khôi đã từ chỗ phê bình lãnh đạo (tức là tập thể) trở lại phê bình một số cá nhân. Ông đã vạch ba ông Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu có tác phẩm dự thi mà cùng đều ở trong ban chấm thi từ lúc sơ khảo đến chung khảo. Cũng như những người khác, ông Phan Khôi có quyền nghi như thế sẽ có điều ám muội, nhưng trên thế giới việc đó không có gì là quái, miễn là người ta phải làm việc đúng với nguyên tắc: những người ở ban chấm thi mà có tác phẩm dự giải thì không có quyền biểu quyết tác phẩm của mình. Nguyên tắc ấy ở đây tôi xin chứng thực là luôn luôn được nhắc đến và làm đúng, còn ra có vị nể hay không thì không thuộc phạm vi bài này.

Như trên kia đã nói có nắm được nhiều khía cạnh cụ thể của thực tế mới nói rõ và nói đúng sự thật; cho nên trong việc này tôi xin đưa ra những khía cạnh mà ông Phan Khôi, dù có thực tế, nhưng không nắm được hoặc không muốn nắm, mong để bổ sung và đính chính, đồng thời nhắc lại ông Phan Khôi là đáng lẽ ra ông ở gần tôi, nếu muốn viết bài để phê bình cho tốt, với một thái độ xây dựng đúng đắn, cần có những sự thật thật là khách quan, ông và tôi nên thảo luận với nhau, đưa toàn sự thực vào, thì ông đã tránh được tiếng hiểu lầm rằng nông nổi, mà tôi cũng không đến nỗi phải vừa khổ công lục tìm tài liệu biên bản, vừa sẽ có người, biết đâu đấy, lại không cho rằng tôi đã bị mua chuộc.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật, bị mua chuộc hay lèo lái quanh quẹo cũng không thể làm sai hướng lạc nẻo sự thật đi được.
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s. 139. (20.9.1956), tr. 3, 9. LạI Nguyên Ân biên soạn.