trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thể thao
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
21.6.2002
Phạm Kỳ Đăng
Bóng đá - miếu đền cúng thờ thần tượng
 
Không thể thoả mãn được với những siêu sao, thần tượng trong điện ảnh, âm nhạc, quần vợt, đấm bốc, trưng mẫu thời trang… tỏa sáng màn hình, giấu mặt ngoài đời sau lưng cả tốp vệ sĩ v.v. mà công nghiệp thông tin đại chúng dầy công đắp dựng, thế hệ kế cận tìm thấy trên sân chơi toàn thể World Cup 2002 tụ hội nhiều siêu sao (Figo, Bastituta, Vieri, Ronaldo, Rivaldo, Raul, Zidane, Beckham…) này còn nhiều tượng thần chiêm bái. Trong lúc các phương tiện thông tin đại chúng trỏ lối cho người ta đóng cửa lại, sắp xếp vào miếu đường riêng của mình những minh tinh khác ngạch Bruce Willis, Richard Gere, Alain Delon, Arnold Schwarzenegger, Julia Roberts, Nicole Kidmann, Kim Basinger, Isabelle Adjani, Cameron Diaz, Jenifer Lopez, Britney Spears, Mariah Carey, Boris Becker… như xếp thêm pokémon hoặc những băng chơi điện tử, thì bóng đá là tiếng gọi mở cửa chạy ra đời nghiệm trải, sống cùng những thần tượng của mình bằng xương bằng thịt đáng tin cậy hơn so với những Rambo hoặc James Bond. Chính bằng sự hiện diện của những thần tượng túc cầu oanh liệt, câu lạc bộ FC Barcelona tuần nào cũng lôi cuốn chừng 120.000 người đổ vào sân vận động Nou Camp. “Thậm chí nếu Claudia Schiffer và Naomi Campbell cùng trần truồng như nhộng sóng bước trên sân vận động Nou Camp, hỏi người ta sẽ nhìn hai cô nàng bao lâu nhỉ?” - Cesars Luis Menotti tự hỏi và sốt sắng tiếp: “Và ngó mấy lần cơ chứ? Hừ, không thèm tới lần thứ hai đâu !” (1)
Công chúng từng rủ nhau đổ ra sân bóng, ngưỡng mộ Garrinscha (Manoel dos Santos) anh hùng đất rừng phương Nam, tuy một chữ bẻ đôi không biết, đi bóng ôi sao điệu nghệ hết chỗ nói! Thành đạt từ nghèo hèn vốn câu chuyện huyền thoại nói chung hấp dẫn nhất biến người cầu thủ rừng rú ấy thành thần tượng, thành sex up. Bản thân không biết đọc biết viết, không hiểu nổi cả sắp xếp đấu loại, thành thử cứ hết mỗi trận, Garrinscha đều sốt sắng hỏi đã về được chưa với “năm cô nhà” (bốn người vợ cưới nơi bản quán, thêm một nàng tiên Thụy Điển khăn gói theo hầu từ giải World Cup 1958).
Nghiễm nhiên được kéo lên miếu thờ như vậy, các thần tượng dần dà sanh cho mình lễ tục, sắm cho mình lễ bộ, để xuất thế cho ra nhẽ trước đám đông cầu bái. Dạo những năm 30, nhiều danh thủ Nam Mỹ đã thích cho chụp ảnh ở tư thế miệng ngậm điếu xì gà, đội mũ panama giản dị trên đầu giống như dân đào vàng kiếm vận. Hay như Ricardo Zamora sau này sính vận bộ com-lê bảnh bao và không khi nào rời chiếc mũ cát két kéo sụp trên đầu, sánh vai đi bên một người đàn bà trẻ đẹp.
Các thần tượng sính lễ nghĩa đã bắt đầu đắp tượng cho mình thế đấy!

Thực ra màn lên ngôi đổi lớp này không phải là sự ăn may, vì với nhân quần vỡ mộng, các người hùng, các mẫu người lý tưởng của vương hầu, vua chúa đã chết hẳn sau thế chiến thứ nhất. Trong vòm trời chân không này, một lớp anh hùng mới từ nhân dân, khỏi bận xúng xính trong đồng phục, quân phục hoặc lễ phục, - những “anh hùng ít vải” - ào ào nổi lên thế vị. Họ là những tiền đạo, trung phong của nền dân chủ đưa tin tức nóng hổi trong những tờ báo sáng, trưa, chiều của nền văn hóa đại chúng. Cuộc vui sôi nổi áp đảo sức hấp dẫn tới mức rủ rê theo hàng loạt những minh tinh của những nền kỹ nghệ đại chúng khác, thôi hết hờn ghen ở nỗi bị “lấn sân” cũng sớm hồ hởi tụt khỏi tháp ngà, lao ra sân ngưỡng mộ người đồng nghiệp túc cầu. Như thể Marilyn Monroe trong thế đứng kiểu cách và bộ xiêm yểu điệu tươi cười cổ động trận đấu USA-Israel 1957 tại sân Brooklyn New York còn quá e dè, nên không thoả chí, thanh nam nữ tú quyết phơi trần da thịt, ào ào cổ vũ thần tượng chẳng cân đai mũ mão của họ cho một lần đã sướng.

Đúng vào thời điểm những năm 50, khi bóng đá nhiều nước dân chủ nhân dân còn nhấn mạnh tinh thần tấn công tập thể trong hoàn cảnh danh thủ mến mộ còn nấp sau vai trò chiến sĩ vũ trang nhân dân, và như vậy: sự thờ phụng chỉ dành trọn cho một tập thể, thì ở phần kia của thế giới, mẫu anh hùng nhân dân hiếm hoi còn ngây thơ và đáng yêu như Carrinscha dần tuyệt chủng. Thần tượng bóng đá Tây Âu và Nam Mỹ xoay ra tỷ mẩn ghi nhớ, hoặc sưu tầm, thêu dệt và quảng bá những huyền thoại về mình bằng sách vở, tiểu sử, giai thoại bán tràn các quầy báo, dựng phim, hoặc không tiếc gì “ngọc thể” tự ôm đàn ca hát trong những câu lạc bộ ban đêm với nhóm nhạc riêng do mình sáng lập. Chỉ chậm hơn một chút so với các nhà đấm bốc, tay chơi bóng rổ, ngày nay, siêu sao bóng đá được nâng lên cuộc sống phú ông trưởng giả. Chính họ, những trung phong, tiền đạo của nền văn hóa đại chúng, nay thoát ly hẳn giới bình dân hơn bao giờ hết.

Bây giờ siêu sao bóng đá có cuộc sống ra sao? Họ đâu ngần ngại mượn những công nghệ đại chúng khác tôn vinh đời mình. Coi chênh lệch văn hóa, thành phần xã hội, gốc gác dân tộc không thành vấn đề, họ kết hôn với những ca sĩ (Beckham) những người mẫu thời trang (Zidane, Karambeu, Mpenza…), những diễn viên phim, kịch… khó mà kể hết những cuộc hôn nhân tự giác.

Nhưng điều kỳ lạ nhất là những anh hùng chế ngự túc cầu này, loay hoay định hướng giá trị, cuối cùng lại cũng chính là người cần vin vào thần tượng nhất. Những đại diện xuất sắc của “bóng đá tả” như Paul Breitner từng trang trọng đứng chụp ảnh dưới áp phích hình Mao Trạch Đông còn giải thích sự thất bại trận đá loại năm 1977 bằng sự ra đi của ông thánh Trung hoa xa xôi này rằng: “Các cầu thủ chúng tôi còn là những người trí thức. Họ vẫn chưa chịu đựng nổi cái chết của ngài Mao”.
Và như vậy, thần tượng, trên tháp ngà hay miếu đền do công nghiệp kinh doanh cắt đặt, sinh ra bực bội, khó ở với trật tự, nghi lễ của giới prominent bỗng bừng bừng nổi loạn. Chính Maradona siêu sao thế kỷ đá cho câu lạc bộ FC Barcelona, mới đây thôi, lại công nhiên bày tỏ niềm cảm phục Fidel Castro và khoe trên mặt báo vai xăm thần tượng Che Guevara mà siêu thủ này hết lòng bái mộ. Tôi không dám đứng về phía thần thánh nào cả khi mường tượng thấy cảnh sinh hoạt buồn cười: trên miếu đền phi thế sự, chúa thánh của các thần tượng đều không có cớ gì làm mình làm mẩy, rốt cuộc phải xoay lưng lại ngồi cùng chiếu với nhau. Và truớc hết trong bóng đá đã, loài người ta có nền đa nguyên cúng bái, đa nguyên tín ngưỡng và dân chủ thánh thần. Trong cuộc khủng hoảng hậu hiện sinh, té ra ý chí tự tôn bản thể cá nhân là duy nhất cũng không sao chu toàn thánh ý. Con người ta vẫn cần một hưởng ứng nỗi niềm riêng, một sự chờ mong, một sự đồng cảm từ người hùng, sự tự an ủi, và lý tưởng hoá mình ở một mẫu người lý tưởng. Hiện tượng phổ quát hoàn cầu này, tôi thấy hoàn toàn không đáng quan ngại, theo thiển ý nên được xem là tất yếu đáng dung nạp nữa. Đâu phải chỉ vừa hôm qua đây mới có xu hướng thực thi cúng bái. Tôi đã chứng thực cảnh khán giả lao ra xé quần danh thủ Thể Công làm mảnh kỷ niệm trên sân vận động Chùa Cuối Nam Định từ cách đây 27 năm về trước. Mới đây, trong dịp về thăm quê hương, tôi gặp một cô gái trẻ ở khu phố nằng nặc nhờ tôi lùng xin cho cô chữ ký của Jürgen Klinsmann. Hứa làm, nhưng tôi không gặp nổi, và không dám gặp (2) anh chàng này, tóc vẫn còn vàng nhưng đã giải nghệ, và, cũng vẫn nổi danh như vậy tại vị ở đội ngũ tượng nghiêm hàng trên đàn cúng tế, nay chuyển sang ngạch kinh doanh và bình luận bóng đá.
Cũng trên sân vận động Chùa Cuối 27 năm trước, một tốp điền kinh nữ tập luyện ở sân vận động, tình cờ lọt vào đám khán giả tan trận, phải âm thầm khóc ròng vì bị lạm dụng tình dục không thương tiếc. Ngạc nhiên với vẻ hào hứng chiêm ngưỡng quyết liệt của cô bé mới lớn thờ phụng Klinksmann cũng gay cấn chẳng kém gì sự say mê thần tượng của những nàng Nhật bản- một nước thuộc thế giới thứ 3 về mặt bình quyền phụ nữ- vừa nhen nhóm cho anh chàng tiền đạo Đức Carsten Jancker sau trận đá 02.06.2002 trở thành hình tượng sex mới có vóc hình điền kinh cùng cái đầu tròn lông lốc, tôi mong ngày gần đây được trông thấy cô trên màn hình phủ sóng vệ tinh toàn cầu đàng hoàng phô đồ lót hình cờ đỏ sao vàng như kiểu các cô gái Brazil mang quốc kỳ cổ vũ đội nhà, tươi tắn cổ động cho đội tuyển quốc gia thi đấu World Cup 2010 cùng bầy tỏ lòng bái vọng thần tượng của cô chẳng hạn. Dù lúc đó tóc bạc luốm màu thủ cựu, tôi thực lòng không cảm thấy bị xúc phạm trong những tình cảm thờ cúng đâu, trái lại còn mừng vui vô hạn.




(1) Nguồn số liệu, sự kiện: Christian Eichler - Lexikon der Fussballmythen, Piper, München, Zürich 2002.
(2) Dạo 1994-1996 báo chí địch thủ thêu dệt chuyện Jürgen Klinsmann đồng tính luyến ái. Đồng tính luyến ái là sự sát hại thanh danh trong làng bóng. 1980, đau buồn nhìn sự nghiệp kết thúc, cầu thủ ngoại hạng Anh Justin Fashanu treo cổ tự sát sau khi thú nhận mình là người gay trên nhật báo Sun.