trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
16.7.2008
Phạm Toàn
Trí thức: người ba đấng, của ba loài
 
Dạo này, chợt rộ lên rất nhiều bài viết về trí thức. Một tờ báo vốn tự phong là mang mấy góc nhìn của trí thức đã dành hẳn hai số liền để phát biểu phản biện về vấn đề trí thức. Có nhiều nhà trí thức tìm cách gửi bài tranh luận và thường khéo léo để dư ra một hai câu tự do hơi quá trớn để biên tập viên có việc làm và phần bài còn vừa lại vẫn vừa khuýp, đọc lên cũng vui vui, toàn chuyện chẳng chết ai mà cũng chẳng làm ai chết. Không khí trí tuệ nói chung thì vẫn bằng lặng, bởi vì trên lớp ao bèo dư luận hình như rặt những ông bà già là các nhà trí thức, còn lớp trẻ thì đang mải thức thâu đêm coi Euro 2008, sáng hôm sau các cụ Đông kinh Nghĩa thục hô Dậy dậy dậy thì chúng chỉ ngáp ngáp ngáp; thế rồi tiếp sau cảnh những anh đàn ông hùng hục đuổi theo một quả tròn tròn bên châu Âu, chưa kịp nghỉ ngơi cho lại người, con mắt thiên hạ đã lại đổ dồn theo đuổi nhiều quả tròn tròn khác đua nhau ưỡn ẹo ở Nha Trang…

Vì thế nên mới cần có bài viết này!


Trí thức là ai?

Đã có một cuộc cãi nhau qua ngày giữa bên soạn thảo giấy tờ nói trí thức là những người có học và có học vị, và một bên phản biện thì không đồng tình như vậy.

Có điều là, bên phản biện chẳng đưa ra nổi cái định nghĩa sẽ thay thế cho điều họ phản đối.

Vấn đề còn nguyên vậy đó: nếu như trí thức không là những người có học và có học vị, vậy thì họ là ai?

Chuyện thật đơn giản, vậy mà nghĩ mãi không ra! Nếu biết vận dụng cách định nghĩa tầng lớp người trong xã hội qua công cụ sản xuất, thì rành rành trí thức là người sống bằng công cụ tư duy. Cái đầu, và chỉ phần “mơ hồ” trong cái đầu con người, là công cụ lao động của người trí thức. Chứng minh cho sự tồn tại của công cụ này không gì dễ thấy hơn ở chỉ một điểm này: không ai tuyển chọn nghiên cứu sinh theo cân hơi cả. Cũng còn có thể chứng minh bằng cách so sánh công cụ tư duy với công cụ của những tầng lớp khác. Công cụ lao động của trí thức khác với công cụ của người nông dân, là ruộng đất, khác với công cụ lao động của người công nhân, là máy móc, và hoàn toàn khác với công cụ của người theo binh nghiệp chẳng hạn, là súng ống.

Sự rắc rối là do chỗ trong hàng ngũ trí thức đó có những ba tầng lớp khác nhau.

Có một tầng lớp thứ nhất tựa như sống trên mây trên gió, chỉ nghĩ được tới những điều trừu tượng, khi họ thành nhà triết học (như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm), khi thì thành nhà thơ (như cụ Nguyễn Du), hoặc khi thì thành người lãnh tụ trong tay chẳng có gì nhưng đứng cao chót vót (như cụ Nguyễn Quang Trung). Đặc điểm khi sử dụng công cụ lao động của tầng lớp này là năng lực tự do, luôn luôn vùng vẫy tư duy của mình một cách ung dung tự tại, có khi như nói lỡm:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”,

có khi bộc lộ chí hướng rành mạch, vào tù đấy nhưng:

“Thân thể tại ngục trung, tinh thần tại ngục ngoại”,

và có khi đứng cao tót vời nhưng vẫn ra cái vẻ khiêm nhường ban “Chiếu cầu hiền”:

"Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà có người tài cao học rộng chưa từng thấy đến. Hay Trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự?... Trẫm nơm nớp lo nghĩ, một ngày hai ngày cũng có hàng vạn sự việc nảy sinh. Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình - sức một người không thể đảm đương."

Cái tầng lớp thứ nhất này không nhiều, tỷ lệ số người này trong hàng ngũ trí thức không cao, nhưng sức đẩy của nó lại cực kỳ mạnh – hệt như hình ảnh cái đầu tàu thì nhỏ như con chanh chách, song cả đoàn tầu thì dài lê thê. Chính cái phần “đoàn tầu” này là một tầng lớp khác nữa của hàng ngũ trí thức. Tầng lớp này rất đông, gồm nào là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ… những người mà gọi họ là “kỹ thuật viên” cũng được, nhưng gọi là thành phần đông đảo hình thường của hàng ngũ trí thức thì có vẻ đúng hơn.

Những người này là trí thức, vì công cụ lao động của họ chỉ nằm trong đầu thôi. Ta hãy lấy thí dụ về phương thức lao động của người giáo viên ra để phân tích. Công cụ của người giáo viên là gì? Là bút giấy và phấn bảng chăng? Không phải! Vì có thể có cách dạy học không cần đến bút giấy và phấn bảng. Là hai cái lá phổi chăng? Cũng không phải! Vì có cách dạy học không cần đến lời nói, không cần “bán cháo phổi”, thậm chí thày và trò không gặp nhau nữa để thầy đem phổi ra bán. Nhưng có một thứ công cụ không thể thiếu ngay cả khi dùng bút giấy và phấn bảng hoặc dùng đến hai lá phổi, đó là “cái đầu” của nhà giáo trong sự tương tác với những “cái đầu” của học sinh, nhằm tạo ra một chất lượng mới trong những “cái đầu” của con trẻ. Nhà giáo nói đây có thể là một cá nhân đang đứng lớp, song nhà giáo nói đây cũng có thể là một thiết chế giáo dục tỏa ảnh hưởng khắp các vùng: một bộ sách giáo khoa chẳng hạn. Nếu như cái “ông” giáo khoa này chỉ nhìn thấy trẻ em như những chỗ để nhồi nhét kiến thức, khi ấy cái nhà giáo to tát kia đã không làm tròn vai trò người trí thức của mình, chỉ vì nó không dùng công cụ lao động là tư duy.

Ta mở rộng điều mới chứng minh ra và sẽ thấy người y sĩ, anh nhà báo, chị họa sĩ, cô biên tập viên truyền hình… cũng có phương thức lao động giống như của người giáo viên kia, với một sự khác biệt duy nhất: cử tọa của họ không phải là những thiếu niên trong những lớp học, mà là đủ hạng người ở bệnh xá, trong nhà hát, ở thư viện, hoặc đang đứng ngồi ngả ngốn trước những màn hình...

Những người trí thức rất đông đảo trong xã hội thuộc lớp người này chẳng cần lắm đến một không khí “tự do sáng tạo”. Xã hội chỉ cần họ làm đúng quy định, và bản thân họ cũng chỉ mong không ai vi phạm những điều đã quy định cho họ. Một xã hội mà ai ai cũng “sáng tạo” cả chưa chắc đã là xã hội tốt đẹp! Một xã hội mà những người trí thức không làm tròn những quy định cụ thể mà cứ lông bông “sáng tạo” chưa chắc đã tốt đẹp! Và có khi những ai đó to tiếng hô hào “sáng tạo” thực ra lại chỉ vì họ không làm tròn nhiệm vụ, chính họ không đưa ra nổi những quy định cụ thể và chặt chẽ, thường thấy xảy ra ở một xã hội dưới bàn tay thao túng của những con ếch ộp vừa à uôm lại vừa to mồm.

Nói thế chẳng lẽ trí thức chỉ còn lại là một đám công chức sao? Đúng như thế và cũng không đúng như thế. Trong đám “công chức” trí thức thông thường và đông đảo này, có một bộ phận nhỏ sẽ ngoi lên cao, nhờ sự sáng tạo của mình. Nhưng “sáng tạo” ở đây cũng có ba bẩy đường. Ít nhất là có ba đường. Có một con đường chân chính đích thực có thể phỏng theo khuôn mẫu của Einstein hoặc Lương Định Của. Thật vậy, hai vị đó đều từng là “công chức” trước khi thành nhà vật lý lượng tử hoặc nhà nông học đảo lộn cả thế giới quan lẫn thực hành nghề nghiệp vật lý hoặc nông nghiệp của con người. Có một con đường “thành đạt” lươn lẹo có thể phỏng theo khuôn mẫu hai ông Mitchourin và Lysenko, khi hai ông được nống lên để leo cao nhờ những cái tụt dốc có khi tụt mãi tận nấm mồ của những ai xứng đáng được coi là đi tiên phong trong khoa Sinh học phân tử và Di truyền học. Và cũng còn một con đường chật vật của những người làm ăn chân chính, nhưng tài không đủ cao, thời vận không hồ hởi, nên chẳng bao giờ thành công, những người chiếm số rất đông trong hàng ngũ trí thức, mà ai ai cũng có thể lấy mình ra làm mẫu được.


“Xớ rớ” hay không?

Có người nghĩ rằng trí thức là những người làm những công việc không ăn nhằm gì tới họ, những con người vụng dại xớ rớ đi lạc vào những lĩnh vực chẳng ai khiến họ đụng tay vào.

Có thật vậy không?

Nghĩ rằng ta khó có thể tin vào luận điểm này.

Trên phương diện triết học, người trí thức bao giờ cũng muốn cải tạo kẻ khác với hy vọng cái thế giới quan của riêng mình sẽ chiến thắng. Nhà thơ triết gia nói như chơi chơi:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

thực ra, đó là lời khuyên con người hãy sống thuận tự nhiên, sống thân thiện với môi trường, và đó chính là một lý tưởng của người muốn cải tạo thế giới. Thật khó có thể coi đó là chuyện “xớ rớ” một khi ngày nay con người dường như đang thực hiện triết lý trên với một nhận thức “tích cực” hơn.

Ta hãy xem xét một trường hợp khác nữa, sát sườn với thế giới ngày nay hơn, trường hợp Einstein và tác động của ông tới việc làm bom hạt nhân.

Nhà vật lý học Albert Einstein không trực tiếp phát minh và chế tạo bom hạt nhân. Nhưng ai ai cũng thấy rằng ông đã khiến cho tiến trình tìm ra và làm ra loại bom đó được dễ dàng lên rất nhiều.

Năm 1905, ở một phần trong Lý thuyết Tương đối, ông nói đến việc có thể giải phóng một năng lượng rất lớn từ một lượng nhỏ chất nào đó. Điều này được biểu diễn trong phương trình E=mc2 (năng lượng = khối lượng nhân với bình phương tốc độ ánh sáng). Bom hạt nhân minh họa rõ ràng cho công thức này.

Đúng là Einstein không nghĩ đến bom hạt nhân khi ông viết phương trình này. Ông còn coi mình là một nhà hòa bình chủ nghĩa nữa. Năm 1929, ông công khai tuyên bố nếu xảy ra chiến tranh ông sẽ “từ chối vô điều kiện phục vụ chiến tranh bất kể trực tiếp hay gián tiếp... bất kể ‘chính nghĩa’ nào của chiến tranh." (Ronald Clark, Einstein: The Life and Times – trang 428).

Việc tách được hạt nhân uranium ở Đức hồi tháng 12-1938 cộng với sự gây chiến liên tiếp của Đức khiến các nhà vật lý học lo sợ phát xít đã chế tạo xong bom hạt nhân. Einstein tuy “chưa hề nghĩ đến phản ứng dây chuyền”, nhưng nhanh chóng nhận ra ngay mối nguy đó (Clark, như trên, trang 669). Sau khi xin ý kiến Einstein, tháng 8-1939 Szilard viết thư cho Tổng thống Roosevelt và yêu cầu Einstein ký tên dưới lá thư đó. Thư được Alexander Sachs, bạn của Tổng thống đưa tới Roosevelt vào tháng 10-1939. Vào tháng 10 năm đó, ủy ban mang tên Briggs được giao nghiên cứu phản ứng dây chuyền của uranium.

Ủy ban Briggs làm việc chậm, khiến Einstein, Szilard, và Sachs vào tháng 3-1940 thúc liền lá thư nữa cho Tổng thống. Tháng 4-1940 lại một lá thư nữa của Einstein, cũng lại do Szilard viết, thúc giục chủ tịch Lyman Briggs của ủy ban Briggs về nhu cầu “hết sức khẩn trương”.

Ronald Clark, người viết tiểu sử Einstein nói rằng bom hạt nhân có thể ra đời không cần đến những lá thư của Einstein, nhưng nếu Hoa Kỳ không sớm có bom hạt nhân thì sẽ mất thời cơ (Clark, trang 682-683).

Vào tháng 11-1954, năm tháng trước khi qua đời, Einstein có nói những ý nghĩ của mình về vụ quả bom hạt nhân đầu tiên: "Tôi phạm một sai lầm lớn trong đời... khi ký tên vào thư gửi Tổng thống Roosevelt khuyên ông hãy làm bom hạt nhân; nhưng nếu có lời biện bạch thì đó là ở cái nguy cơ người Đức đã làm được bom đó rồi." (Clark, trang 752).

Đó là những chuyện tưởng như đã xa…

Tức thời bây giờ có hành động của một nhà nông học Việt Nam hiện đang cải tạo đồng ruộng cho châu Phi. Ông đã làm thí điểm ở Sierra Leone, biến ruộng một vụ của họ thành ruông hai vụ, biến năng suất 1 tấn trên hecta thành 4 tấn trên một hecta. Rõ ràng rồi ông sẽ mở rộng dần những thành tựu đó ra toàn châu lục đen này cho mà coi.

Công việc đó đâu có “xớ rớ”?

Một nhà trí thức khác tôi rất kính trọng, khi chỉ đưa ra một con số so sánh về thời hiệu cho thuê đất 20 năm đối với nông dân và 50 năm đối với nhà đầu tư, con số vẻ đâu như rất hiền lành, thực ra là một thách thức vô cùng khó nhằn, đủ để đo năng lực tư duy và hành động của những ai cũng hô khẩu hiệu của dân, do dân, vì dân như những chính khách nhìn xa trông rộng mấy trăm năm trước đã kiến tạo nên nước Mỹ, một thách thức đối với cả một hệ thống hoạch định chính sách luôn luôn lấy bản thân mình làm thước đo chân lý.

Công việc đó tưởng đâu như “xớ rớ” song thực ra đâu có gì là “xớ rớ”?

Cái thước đo khách quan để thấy một công việc làm của người trí thức là có ích hay không có ích, trung thực hay không trung thực, nằm ở một và duy nhất một chân lý này: họ có cư xử đúng khái niệm hay không. Cư xử đúng khái niệm thì nói năng nhẹ nhàng ngọt ngào cũng thành dữ dội mãnh liệt, bởi khi đó mũi tên lập luận – cái công cụ tư duy muôn thuở của người trí thức – đi được trúng vào tim đen của sự vật.

Công cụ tư duy đó sẽ thành vũ khí đấu tranh. Chính vì lẽ đó mà đường lối đốt sách chôn học trò của Tần Thủy Hoàng đã thành bài học truyền đời cho các chế độ cực quyền, khẩu hiệu không bao giờ nói ra của họ là chớ tin tưởng bọn trí thức chân chính.

Chỉ tiếc là trong đám Nho sinh bị chôn sống ấy, không biết có bao nhiêu phần trăm bị chết oan!

Hà Nội, ngày 14 tháng Bảy năm 2008

© 2008 talawas