Dịch và tÆ° tưởng Tây phÆ°Æ¡ng hiện đại trên Ä‘Æ°á»ng phế thải?
- “Ngày nay, chính những đứa con ưu tú của Tây phương đã thay thế khuynh hướng nhị nguyên của Aristote bằng khuynh hướng đa phân (the multi-valued orientation) của toán học và vật lý học. Thật nực cười cho những ai cổ vũ cho những giá trị và ý thức hệ đã bị người ta vượt qua, phế thải.” (Nguyễn Minh Kiều)
- “Thật ra, tư tưởng của các nhà triết học Hi Lạp cũng như của Đức Phật, của Lão Tử, Khổng Tử, là của chung của nhân loại chứ không của riêng gì Tây phương hay Đông phương.” (Phong Uyên)
- “Trần Đức Thảo được các sinh viên trường Quốc gia Sư phạm (normaliens) nâng lên hàng á thần về tư tưởng… Đúng là một triết gia thuần tuý với lý lẽ là Thảo không bao giờ đặt vấn đề một thuyết triết đúng hay sai... Rút cuộc, một thuyết triết có thể vững chắc hay lỏng lẻo tuỳ thuộc ở những giá trị cơ bản và số lượng mâu thuẫn nội tại.” (theo J.F. Revel)
Lời dẫn (1) ở trên trích trong bài “
Tư tưởng Tây phương hiện đại đi về đâu” của Nguyễn Minh Kiều, trong đó người viết nhận định rằng tư tưởng Tây-phương đang “
suy tàn”, trong khi các tư tưởng Đông phương đặc biệt là Phật giáo mới dẫn “
con người đến an bình thực sự… đạt được tự do ngút ngàn về mặt tâm linh”. Lời dẫn (2) là phản biện hạn chế trong
ý kiến ngắn của Phong Uyên, phát biểu rằng các tư tưởng là tài sản tinh thần chung của nhân loại, việc phân chia Đông hay Tây là giả tạo.
Đọc
[1] đến giữa bài “Tư tưởng Tây phương…” thấy câu “
Như thế tôi đã trả lời cho vấn đề mà ông Nguyễn Lê Hiếu không theo kịp”; lại ngước lên đọc lại, trên có đoạn người viết Nguyễn Minh Kiều phàn nàn và giải thích lý do đọc và khai bút trên talawas, “
thi thoảng mới nghe được tiếng vọng trầm thống của con sư tử cô liêu nơi miền hoang dã... Chỉ mong mua được một vài canh vui”. Tôi toát mồ hội, vội vàng đứng dậy, sửa mũ, kéo vạt áo, buộc giây lưng mà muôn vàn cảm tạ. Cũng như khi ông Nguyễn Minh Kiều buộc tội “
Phong Uyên vong bản và nô lệ ý thức”, tôi có bênh Phong Uyên mà viết rằng “
Những người hiểu biết các ý niệm, ý thức hệ trên thế giới… là công đức trí tuệ, không nên kết án hay dè bỉu…” Bây giờ tôi cũng đa tạ cái công đức trí tuệ tôi được nghe/đọc hôm nay. Nhất là cái tâm Bồ tát, luôn luôn chỉ tin tưởng ở “
những câu nói vu vơ, ngắn ngủn, huyền bí của các hiền nhân thời Thượng cổ Hy Lạp và các vị thánh hiền phương Đông”, bỗng hôm nay, vì một câu vu vơ
không theo kịp của tôi mà ông “
cầm lòng chẳng đặng, vội lên tiếng bâng quơ mây gió”, thành một bài tràng giang rất vang vang.
Bài giảng vang vang vì ý sâu thẳm, lời nghênh ngang
, dẫn danh nhân Nam Hải như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện mà cũng lại kể nhiều danh nhân nước ngoài như Heidegger, Gibran; dùng đặc sệt các từ nước ngoài, khi tiếng Pháp
sociologie và
Être, lúc từ Đức tựa
Missdeutung hay
Missbrauch, dẫn người cổ như Homère, Héraclite, từ tân như… tiếng Mỹ
ethnology, chuyện phương Tây qua Hy lạp Logos, tích phương Đông có tiếng
Citta nhà Phật, v.v… có người đọc hoa mắt chóng mặt. Bài viết khác hẳn cái Đạo truyền thống bên Đông có câu ngắn ngủi, ý mù mờ “
huyền ngôn mật ngữ”; ở đây, bàng bạc toả ra cái quán thông kim cổ Đông Tây nay nằm gọn lỏn trong tay mình. Thành ra nhà Đông phương học cũng có khi nhả ngọc phun hoa, ăn nói cứ như “
những giáo sư tiến sĩ triết gia nhà trường thắt cà ra vát, đi giày đen bóng, khệng khà khệnh khạng” bên Tây học… nhưng mà chắc là không “
huênh hoang khoác lác rằng mình văn minh hơn”… đời!
Giờ xin bỏ qua vấn đề văn phong mà đi vào vài vấn đề nhỏ thuộc chuỗi ý quá dềnh dàng trong bài. Cái tư tưởng
Nhất nguyên lưỡng cực động (được dịch ra thành
Monisme dynamique polarisable) cũng còn gọi là
bất nhị của Đông phương không phải là điều cao siêu mới lạ. Nó đã được so với óc nhị nguyên (esprit dualiste) và óc khoa học (esprit scientifique) thiên về lý trí ở phần đầu chương trình Nhập môn triết học Đông phương giảng dạy cách đây 3, 4 chục năm tại Sài Gòn. Nó cũng phần nào đi song song với cái mà trong Nhập môn triết học Ðông phương gọi ở phần sau chương trình là sự
tương đối trong cách dùng văn tự. Tỷ dụ như nói Tây phương lo về vật chất, Đông phương chú trọng đến tinh thần thì đó chỉ là nói đến hướng chung chung thôi, chứ còn bên Tây cũng có tinh thần và bên Đông phương cũng có vật chất chứ. Lại nữa, nói đến cái
tánh khí đối nội và đối ngoại thì Đông phương cũng có đối nội và đối ngoại, nhưng có thể thiên về đối nội hơn chăng? Còn Tây phương tuy bề ngoài là đối ngoại nhưng tự trong cũng có phần đối nội. Do đó, cái mà gọi là sự chống đối giữa Tây và Đông, chính là sự đối chống
tương đối giữa tinh thần và vật chất, giữa đối nội và đối ngoại (mà tất cả các điểm đối chống đó, trên thực tế, đều có ngay trong nội bộ Tây và Đông phương).
[2] Tiến xa một bước, thì khái niệm Tây và Đông cũng mơ hồ và tương đối: quả đất tròn, tuỳ theo nếu đứng ở miền Do Thái Ai Cập hay là miền Guam, Honolulu thì Đông lại thành Tây và Tây lại thành Đông vậy. Do cái tương đối về danh tự và về vị thế mà có thể nói cái chống đối đó có mà cũng không có; và đó cũng là cái mâu thuẫn giữa hai cực trong thuyết nhị nguyên có cơ duyên biến chuyển khi cao khi thấp qua điểm thăng bằng rồi lại đến cảnh chỗ thấp chỗ cao.
Vì vậy,
“cò kè đo đếm phương Tây phương Đông, so bì đây hơn kia kém, cái ni cao cái nớ thấp, cái này siêu thịnh, cái nọ phá sản không phải là thái độ ích lợi trong cuộc đàm thoại nghiêm chỉnh; người có tinh thần xây dựng không muốn làm.” (Nguyễn Duy Cần)
[3] Cũng nên giữ
chính xác tối thiểu trong tranh luận. Khi suy tư đối nội cũng như lúc nhìn mình trên vách, “
huyền ngôn mật nghĩa” quý, cái vô hình quý hơn cái hữu hình, lời nói không bằng sự lặng thinh, tất cả các phương pháp đó - cũng như thiền vậy - đắc đạo cũng dẫn đến cái
triết lý của sự lặng thinh (philosophie du Silence). Nhưng khi đã hết đối diện với vách mà bắt đầu nói với người, thì khi phát biểu, cần một sự chính xác tối thiểu. Còn nói khơi khơi lửng lơ chính là làm đứt đoạn giao lưu. Tựa như một phát biểu loại “
Một ông nông dân chân lấm tay bùn hay một bà cụ già nhai trầu tỏm tẻm đôi khi còn có tinh thần dân tộc hơn khối người kêu gọi, quảng bá tinh thần đó, dù họ chẳng nói một câu một chữ nào” (Nguyễn Minh Kiều) Đây là một phát biểu loại chung chung, nghĩa là không nói một cái gì hết: nếu thay
ông nông dân hay
bà cụ già bằng một em bé câm, một cô yếm thắm, một anh hoạ sĩ gù, một triết gia răng sún, hay một cô ca sĩ hói tóc… câu đó vẫn có đủ nghĩa chung chung! Không chê được nhưng cũng không bổ nghĩa cho cuộc thảo luận.
Bây giờ lại thử so sánh hai câu ông Nguyễn Minh Kiều đã ghi. Một là:
“cái mà tôi (Nguyễn Minh Kiều) muốn nói với ông Phong Uyên rằng, tất cả cái gọi là tinh thần dân tộc, ý thức quốc gia, chế độ mẫu hệ không phải là điều căn bản giúp một con người, hay một dân tộc độc lập”;
hai là:
“Cái mà làm dân tộc đứng vững chính là cái Linh thể, cái Tâm linh, cái Lý tính (Logos), cái Đạo, cái Thái cực, cái Phật tính, cái Tâm thức Vũ Trụ (conscience cosmique)”.
Sau khi đọc các lời giảng rất rổn rảng của ông Nguyễn Minh Kiều, tôi có ý kiến rằng đó là hai nhận định cùng có chỗ đứng và cùng được hai người biết nhiều hiểu rộng đề ra và bảo vệ, đó là một cặp mâu thuẫn. Mà dẫn
Nhập môn triết lý Ðông phương thì
“quan niệm về nhất nguyên luận của Đông phương xem tất cả mọi cặp mâu thuẫn trong đời không phải là hai mà chung quy chỉ là một.” (Nguyễn Duy Cần)
Ý nghĩa ba phải của tôi nằm trong cái thuyết Tam nguyên, là
nguyên lý tối cao chi phối và điều hoà các nguyên lý mâu thuẫn, một bên ở đây là ý thức quốc gia ngoại lai (do sự lầm lẫn của Aristote và Platon mà ra) và bên kia là cái Đạo, cái Phật tính (do Lão tử bên Trung Quốc và Thích Ca Mầu Ni từ Nepal mang qua) trước tuy cũng ngoại lai, nhưng vì
“với thời gian dài như thế, Phật giáo không thể không thấm nhập vào tận đáy lòng con dân nước Việt được sao? Và sự thực là như thế, tinh thần đó thấm nhập sâu sắc đến nỗi khó có thể tìm thấy một dấu tích của Phật giáo Ấn Ðộ, Trung Hoa trong đời sống của dân Việt nữa”. (Nguyễn Minh Kiều)
Giờ xin góp ý về vài ý niệm bị ông Nguyễn Minh Kiều kết án là ngoại lai; bàn các điều đó là “
vong bản và nô lệ ý thức”. Tôi phản biện rằng Phật giáo được các triều đại Lý, Trần cổ võ đến độ thành tư tưởng “chủ đạo” mà không kỳ thị là ngoại bang. Ông Nguyễn Minh Kiều viết “
Ở điểm này, tôi thật sự chẳng hiểu tại sao ông (Nguyễn Lê Hiếu)
lại lý luận như vậy”. Xin giải thích như sau. Ông chê Phong Uyên là vong bản và nô lệ ý thức ngoại bang. Song lại khen thời Lý, Trần khi “
Phật giáo Thiền tông làm ngọn cờ chủ đạo dẫn dắt dân tộc vượt qua bóng tối u minh trong cả hai lãnh vực đời và đạo.” Điều tôi muốn trình bày là hệ thống suy nghĩ của ông có chút mâu thuẫn nội bộ: một mặt chê người khác là nô lệ ý thức ngoại bang, một mặt khen Thiền tông, cũng là một tư tưởng ngoại bang, được triều đình tin cẩn nên để cho cầm
ngọn cờ chủ đạo. Tôi muốn gợi ý để ông Nguyễn Minh Kiều có thể điều chỉnh lý luận hay cách nhìn sao cho hệ thống suy nghĩ của mình được thông xuất trôi chảy nhịp nhàng hơn, dòng suy tư vững chắc hơn, lỏng lẻo ít hơn. Cái ngộ là tuy không hiểu sự gợi ý xây dựng của tôi, ông cũng đã điều chỉnh cách nhìn và giải thích cái điểm ý thức ngoại bang. Ông viết:
“mãi đến thế kỷ thứ XI, XII nhà Lý, nhà Trần mới xuất hiện, thì làm sao họ có thể biện phân được thế nào là tôn giáo ngoại bang, cái nào là tinh thần dân tộc… trong đời sống của dân Việt nữa”.
Cũng là một cách suy luận riêng biệt và đặc biệt. Ông cho rằng vì thời gian kéo dài nên thấm nhập vào lòng dân. Tôi có một suy đoán khác. Cùng với nhiều người, tôi nghĩ rằng Lý Công Uẩn trọng Phật giáo là vì thấm nhuần cái hay cái tốt, không câu nệ là tư tưởng/tôn giáo đó từ nước ngoài đến. Chứ còn chỉ vì thời gian “
dài như thế” mà thấm nhập thì quá nguy: nếu phải một tư tưởng xấu mà kéo dài rồi cũng nhận luôn sao?
Hệ luận của việc chấp nhận Phật giáo trong nhân dân dẫn đến nhận xét sau đây: một ý tưởng có giá trị hay không là tự nó - giống như lời dẫn (3) ở đầu bài - chứ không phải cứ theo thời gian dài mà trở nên có giá trị cần chấp nhận, không nhất thiết từ nước ngoài là xấu mà phải dè bỉu. Do đó, lời chê bai dè bỉu “
vong bản và nô lệ ý thức” sẽ mâu thuẫn với việc khen ngợi một ý thức ngoại lai khác lâu dài thấm nhuần rồi cầm “
ngọn cờ chủ đạo”.
Cuối cùng, nói đến Heidegger. Dịch chứa ý chuyển động. Heidegger không bỗng nhiên nhảy ra; trước ông, có Husserl và thuyết Hiện tượng, chú trọng vào ý thức. Hiện tượng không bỗng nhiên hiện ra; trước đó có Freud và tiềm thức. Heidegger không trụ mãi. Sau ông có Trần Đức Thảo. Lại có Sartre với Hiện sinh. Lại có De Beauvoir với vận động giải phóng nữ giới. Và vẫn còn tiếp tục. Tất cả cũng có thể coi là Nhất thể: là cái tư tưởng của nhân loại. Theo tiềm thức hay ý thức? Theo lý tính hay trực tính giác quan? Descartes hay Pascal? Freud hay Husserl? Hay Heidegger? Hay Sartre? Tất cả giống như những công trình kiến trúc, hòn gạch nọ dựa lên trên hòn gạch kia. Có lần thì mâu thuẫn. Có lúc thì bổ sung. Lại có khi là điều chỉnh trong chi tiết. Mỗi thuyết là một mặt kim cương lóng lánh trong lịch sử suy tư của nhân loại, từ cổ đến kim, từ đầu này sang đầu kia trái đất (thay cho cực tương đối Đông Tây).
Heraclite có nói rằng người ta không bước xuống một dòng sông hai lần. Thi sĩ viết đại ý
Thuyền trôi mà nước cũng trôi, đám mây lơ lửng trên trời cũng trôi, rồi
tôi phút trước cũng khác tôi phút này. Thành cái thuyết Tam nguyên không nhất thiết trở về điểm xuất, trở về Nhất nguyên. Heidegger cũng không phải là điểm tận cùng của tư tưởng con người. Cái gì chúng ta học/đọc 3, 4 chục năm trước, cho nó theo Dịch mà chuyển đi. Pháp là cái thuyền giúp ta qua sông, qua rồi để thuyền xuống mà tiếp-tục đi đi chứ. Ngón tay chỉ trăng để ta nhìn trăng, không nhẽ cứ dán mắt vào ngón tay chỉ hay sao? Xin tạm cho Heidegger nghỉ yên.
© 2008 talawas
[1]Bài viết này khác các bài thường của người viết (Nguyễn Lê Hiếu) vì thiếu các dấu nối giữa những từ kép hay Hán Việt; đó là do talawas không dùng gạch nối.
[2]Nguyễn Duy Cần,
Nhập môn triết lý Ðông phương, Sài Gòn, 1963.
[3]Nt.