trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
17.7.2008
 
Sartre kết án các trí thức là ngụy tín: Một cuộc phỏng vấn
(John Gerassi thuộc tờ Thời báo New York phỏng vấn Jean Paul Sartre ngày 17 tháng 10 năm 1971)
Trần Thiện Huy dịch
 
Lời người dịch: Sartre của năm 1971, năm mà bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện, và nước Pháp của những cuộc cách mạng xã hội, bắt đầu chưa rõ nét từ những năm 50, và kéo dài suốt hai thập kỷ 60 –70, mà đỉnh cao là tháng Năm 1968, đối với chúng ta giờ đây như một đứa trẻ to tiếng hay làm phiền mà chúng ta đã dắt ra ngoài rồi vào nhà khoá cửa lại. Có chăng – không, thường xuyên – thì cuộc nổi loạn đã lật đổ de Gaulle cũng được nhắc đến trong khung ý thức hệ “chung cuộc của lịch sử” như một trường hợp cực đoan và bất thường của những biện pháp dân chủ, nhưng cũng là một biểu hiện triệt để của xã hội dân sự tư sản, và một sự chứng minh đầy hy vọng cho tính cách thiết thực và khả năng tự điều chỉnh của xã hội này. Nói một cách khác, không hề có bạo lực, đảo chính, đấu tranh bí mật, hay sự lãnh đạo đáng kể của những đảng phái tiền phong, nó chính là cuộc trắc nghiệm lớn nhất mà các lý thuyết gia về chính trị và pháp quyền phương Tây chờ đợi – mặc dù trong khắc khoải lo âu – đối với chứng minh niềm tin căn bản nhất của họ: dân chủ tư sản có thể, và dân chủ tư sản sẽ tự giải quyết mọi vấn đề có thể nảy sinh, và tự ổn định chính mình. Tuy nhiên, ta phải nhận định thế nào về việc ba năm sau, Jean Paul Sartre, một khuôn mặt trong biến cố ấy, trình bày quan điểm của mình như một bài học cũng từ tháng Năm 1968, rằng: “Họ [1] biết, bằng hành động của mình khi quyền lợi bản thân bị đe doạ, là thay đổi thật sự chỉ đến từ bạo lực”?

Tự cứu được mình khỏi sự sụp đổ toàn diện của nước Nga năm 1917, ngược ngạo thay, nhờ vào một cuộc biến động phần lớn nhân danh những khẩu hiệu tả phái thù địch với nó, xã hội dân sự - dân chủ tư sản đã chứng minh được khả năng hàm chứa và lợi dụng những mâu thuẫn xã hội/ chính trị theo kiểu Marxist kinh điển. Vậy thì, sau ba năm chứng nghiệm, vào năm 1971, mặc dù vẫn còn có một phong trào đấu tranh sôi động, phải chăng Sartre đã rút ra những kết luận và những viễn ảnh – mà đáng lẽ dễ hiểu hơn với thời kỳ trước năm 1968 - hoàn toàn đi ngược với thực tế? Nói cụ thể hơn, ông đã trở nên cực đoan và khích động hơn, với một lối suy nghĩ “hiếu chiến” không khoan nhượng, về việc lật đổ xã hội tư sản, một việc có thể khiến người ta nghĩ rằng ông đã đọc ngược trang sách lịch sử. Sartre vốn là một tư tưởng khá cô đơn và biệt lập; Raymond Aron đã nói về ông: “...Sartre, người theo cái nhìn của tôi là triết gia Pháp có tính cách Đức nhất, có được những kinh nghiệm và cái nhìn của ông về thế giới chỉ từ chính bản thân ông”. [2] Trong nhiều trường hợp, tỉ dụ như lần này, có hai từ có thể dùng để chỉ quan hệ giữa tư duy của ông và của chúng ta: extrametrical [3] (nằm ngoài thước đo, lạc điệu, không bắt nhịp) và asymetrical (thiếu đối xứng). Nói rõ hơn, một cách hình tượng, Sartre luôn chọn những lối đi trên một mặt phẳng chênh vênh, và cách bước đi phóng túng của ông đã phá hỏng nốt chút thăng bằng ít ỏi còn lại. Triết học của ông trong giai đoạn này đã tách biệt khỏi thực thể triết học hàn lâm chuyên môn - một hệ thống kiểu Platon những tư tưởng được trình bày theo những ước lệ trong một cuộc đối thoại cục bộ, như những hộc tủ sắp đặt và phân loại hiện thực một cách ngăn nắp - mà chỉ còn đơn thuần là một sự lập ngôn, hướng đến những người cần nghe tìm sự đồng tình, là những phát biểu về thể nghiệm tự thân. Ông gây ra nhiều tiếng ồn, và lôi kéo một cử toạ đông đảo tò mò, hẳn thế, nên nhiều lúc chúng ta có cảm giác rằng – như đối với bài phỏng vấn dưới đây – đấy là tất cả mục đích của ông.

Nhưng vào năm 1971, và muộn hơn nữa, Sartre không phải con người duy nhất của cuộc nổi dậy năm 1968 vẫn còn mang một cách phản kháng những ý tưởng cách mạng hoá triệt để, và một sự coi nhẹ những suy diễn chính trị quá hiển nhiên. Michel Foucault, một tên tuổi lớn khác của triết học Pháp và của Paris năm 1968, người đã xuất hiện giữa cuộc nổi dậy bên cạnh Sartre trong nhiều trường hợp, đã viết về cuộc cách mạng Iran năm 1978:

‘Thật vậy, chỗ đứng nào giữa những toan tính của chính trị, có thể xếp một phong trào như thế vào được, một phong trào không chịu bị chia cắt vì những lựa chọn chính trị, một phong trào thổi ra hơi thở của một tôn giáo giảng về cái mai hậu ít hơn là [sứ mệnh] biến đổi thế giới?” [4]

Ông đưa ra một quan điểm riêng về các cuộc nổi loạn, một quan điểm vượt thoát khỏi “thời đại của cách mạng” (đã chấm dứt với Paris 1968), khỏi rRealpolitik:

“Những cuộc nổi dậy thuộc về lịch sử, nhưng bằng một cách riêng, chúng cũng thoát được khỏi lịch sử. Bước chuyển động mà qua đó một người đơn độc, một nhóm, một thiểu số, hay một dân tộc tuyên bố ’Ta sẽ không vâng lệnh nữa’”, và sẵn sàng liều tính mạng để đối mặt với một quyền lực mà họ tin là bất công, đối với tôi có vẻ như không thể giản hoá đi được. Đó là bởi vì không có quyền lực nào có thể làm cho nó tuyệt đối không có cách xảy ra.” [5]

Di sản thật sự của tháng Năm 1968 chính là ý nghĩa của nó, không phải như một cuộc nổi loạn đơn thuần, cuộc nổi loạn thuộc về “lịch sử” và là một bước đến gần hơn “chung cuộc của lịch sử”, mà là một cuộc nổi loạn tự ý thức, một cuộc nổi loạn tồn tại - trước và song song với cuộc nổi loạn thực tế - trong triết học, được hướng dẫn bởi các triết gia và trí thức, những con người đi tìm kiếm ý thức mới, những con người không nhân danh bất cứ quyền lợi nào. Thành công của thể chế chính trị này hay thể chế kia không phải là thành công hay thất bại của họ. Antonin Artaud đã tóm gọn nguyên lý này trong câu nói sau:

“Nếu việc chúng ta đầu tiên phải ăn là quan trọng, thì việc chúng ta không lãng phí năng lực giản dị của cái đói trong mối bận tâm duy nhất về cái ăn còn quan trọng hơn.” [6]

Sartre, Foucault, và những người đã chứng kiến tháng Năm 1968 tại Paris hiểu rằng ý thức nổi loạn là một thứ “cái đói” của con người hiện đại, không thể bị lãng phí trong sự bận tâm duy nhất về các giải pháp chính trị. Loại trừ nổi loạn ra khỏi tập hợp những giải pháp có tính thường trực và những đề án dài hạn của chính trị - giống như chủ nghĩa xã hội, pháp trị, nghị trường, v.v. – là giới hạn mạng lệnh luân lý trong cái được mơ ước, và coi nhẹ khía cạnh cái không thể chấp nhận bằng bất cứ giá nào, và cái được thay đổi thường trực. Chính trị nổi loạn, chủ thuyết nổi loạn, và cả chủ trương nổi loạn, là một thứ lương tri vô hình, dù rằng khắc nghiệt, của lịch sử, không thể vắng mặt trong các tranh luận chính trị. Sartre cũng nhìn nhận điểm này, dù ông vẫn cố đặt nổi loạn vào trong những điều kiện nhất định:

“Đấy là một chọn lựa... Và ngay cả nếu nó thắng lợi rồi, thì sao? Điều kiện sinh sống của con người có loại trừ sạch được sự bóc lột, sự vong thân và tất cả những thứ làm chúng ta ghê tởm trong xã hội này không? Tôi không dám chắc thế. Tất cả những gì tôi hy vọng chỉ là nếu chúng ta thành công trong việc mang đến một cuộc cách mạng mà không có thảm hoạ, chúng ta sẽ có thể thẳng thắn đối diện với mọi sự, nghĩa là, nhìn vào quá khứ áp bức của chúng ta, tất cả những ý tưởng áp đặt trên chúng ta từ các guồng máy nhưng ngày nay chúng ta lại lầm lẫn coi như là ý tưởng của chính mình, và cùng nhau giải quyết những điều đó.”

*



Hỏi: Vài ngày nữa, phần một của công trình đồ sộ về Flaubert do ông viết sẽ được xuất bản. Vậy mà gần đây, ông đã từng nói với tôi rằng hoạt động có đất sống duy nhất của trí thức bây giờ là tranh cử chính trị. Đó có phải là một sự mâu thuẫn không? Đồng thời, xin ông giải thích ý ông nói có đất sống là như thế nào?

Trả lời: Đúng là cuốn sách của tôi về Flaubert có thể chỉ là một hình thức thoát ly thực tế kiểu tiểu tư sản trước những nhu cầu cấp bách của thời đại, mặc dù nó là một tác phẩm mang rất nhiều tính chính trị. Ý tôi chỉ đơn giản là vị thế của người trí thức đã thay đổi. Anh ta giờ đây phải viết cùng với quần chúng, liên hệ với họ, phải đặt kiến thức chuyên môn của mình dưới sự khiển dụng của họ. Nói cách khác, vai trò được ưu đãi của anh ta không còn nữa. Người trí thức sẽ tự lừa dối, qua đó trở thành phản cách mạng, nếu anh ta mải xoáy sâu vào vấn đề riêng của mình thay vì nhận ra rằng chính là nhờ quần chúng và qua quần chúng mà anh ta là một trí thức, và vì vậy, anh ta nợ họ những tri thức của mình và anh ta phải đi cùng họ và ở giữa họ; anh ta phải hiến mình cho những vấn đề của họ, không phải cho những vấn đề của riêng anh ta.

Về phần mình, tôi đã lao đầu vào khá nhiều việc, như ông cũng đã biết. Chẳng hạn, tôi đã làm việc cho toà án nhân dân ở Lens (nơi những công nhân nổi dậy bị buộc nhiều tội khác nhau), dùng kỹ năng của mình phục vụ cho phía nhân dân, giải thích trong những đoản văn rằng chính bọn chủ và giám đốc tổ hợp Renin-Lietard mới là tội phạm thật sự, soạn bản án, v.v…

Tôi viết ra những thứ đó nhưng tôi thật sự chỉ là công cụ phát ngôn cho thợ mỏ. Ngoài ra, tôi còn viết bài cho các tờ báo cách mạng, chẳng hạn như tờ J’Accuse [7] , mặc dù tôi có thể không đồng ý hoàn toàn với ý thức hệ của tờ báo đó. Tôi đã cho bất kỳ tờ báo cách mạng nào mượn tên tuổi của mình nếu muốn. Vì sao? Vì trong giai đoạn đầu, đó là một cách để lăng-xê những tờ báo đó. Simone de Beauvoir, như ông biết, cũng đã làm như vậy. Nhưng mục đích chính là tập thể hoá những tờ báo đó, loại bỏ hết tên tuổi, để rồi cuối cùng tạo ra được báo chí do chính những người tham gia hoạt động chính trị viết, tức do quần chúng đấu tranh; vai trò của ban biên tập sẽ chỉ là hỗ trợ kỹ thuật, lên báo và phát hành báo mà thôi. Mỗi khi có một phân xưởng bị công nhân chiếm giữ, việc của chúng ta là đảm bảo rằng chính bản thân những người công nhân sẽ giải thích hành động của họ, cảm giác của họ và bài học họ đã rút ra. Việc của chúng ta là hỗ trợ họ, vân vân, nhưng không bao giờ diễn dịch lời họ nói, không bao giờ bảo họ nên nói gì. Sự tự quyết không phải là một nguyên lý nơi thùng phiếu; nó là một hành động chính trị dẫn đến quyền lực của người dân.

Việc này, về bản chất, khác gì với việc của Đảng Cộng sản, một tổ chức luôn luôn bao gồm thành phần trí thức nhưng lại có nền tảng là giai cấp công nhân?

Đảng Cộng sản luôn tách trí thức khỏi quần chúng. Phương pháp hoạt động chính của họ là chia chi bộ: chi bộ cơ quan và chi bộ khu phố. Trong cả hai trường hợp, trí thức, vì không làm việc trong cơ quan, trong xí nghiệp, cũng không ở trong khu phố của dân lao động, nên bị ngăn cách khỏi quần chúng. Trong quá khứ, giữa những cuộc cách mạng năm 1848 và ’71 chẳng hạn, đã có những trí thức hoàn toàn hoà mình vào được với quần chúng và có được quyền lên tiếng nhân danh họ. Nhưng Đảng Cộng sản lúc nào cũng phản đối những sự hoà mình như vậy, sự hoà mình đáng ra đã tẩy sạch tính cách trưởng giả khỏi người trí thức, và cứ như vậy, nó tách biệt họ ra. Và ông biết không, tôi thật sự tin rằng, mặc dù có những trở ngại rõ rệt (như khác biệt về ngôn từ, cái rõ rệt nhất), sự hoà mình đó hoàn toàn có thể làm được.

Cũng có cả sự khác biệt về cách sống nữa chứ, phải không?

Phải, nhưng ông biết đấy, quần chúng không bao giờ để bụng chuyện anh sống khác họ. Tôi nhận thấy nhiều lần như vậy trong trường hợp của mình. Quan trọng là việc tôi hành động cùng công nhân, không phải là chuyện tôi sống kiểu khác và khá giả hơn ở Paris. Không, ngôn ngữ là một vấn đề trầm trọng hơn nhiều. Có nhiều loại mệnh đề mà trí thức coi là lẽ dĩ nhiên, còn công nhân thì không.

Ông cũng biết là đối với một triết gia, giải thích một khái niệm mới cho một triết gia khác dễ hơn giải thích nó cho một đứa trẻ nhiều. Vì sao? Bởi vì một đứa trẻ, với tất cả sự ngây thơ của nó, sẽ hỏi những câu hỏi thực thụ. Công nhân cũng vậy. Để đến được với họ, ta phải dùng một thứ ngôn ngữ khác. Đừng có thái độ chiếu cố đối với họ - cái đó luôn thất bại - mà phải dùng một thứ ngôn ngữ thành thật, tức phải tránh dùng từ ngữ mang nặng quá khứ. Phải tẩy rửa sự huyền bí ra khỏi từ ngữ. Ông cứ thử đọc tờ Rouge (báo của Đệ Tứ Quốc tế ở Paris) thì hiểu ý tôi ngay: đọc không nổi, vì nó chứa đầy những khái niệm Marxist, mỗi cái một quá khứ, mỗi cái là một thứ từ không ra từ, chỉ chuyên gia mới hiểu nổi nghĩa. Cái chúng ta cần là một ngôn ngữ giải thích được những thực tế chính trị theo cách ai cũng hiểu.

Nhưng loại báo chí này, dù cho được viết giản dị thế nào cũng vậy, có được quần chúng đọc đến không? Tôi nhìn vào J’Accuse thì thấy không được như vậy, và tôi biết là báo chí tả phái ở Anh hay Hoa Kỳ cũng thế.

Giải pháp duy nhất là sự phát hành tích cực. Một tờ báo dấn thân phải chứng tỏ sự dấn thân của mình không phải chỉ bằng nội dung mà còn qua việc phát hành nữa. Chất một đống báo ở chỗ người bán, hay mở một chiến dịch lôi kéo người mua dài hạn không đủ đâu. Tờ báo phải được phân phát trong các xưởng thợ, các khu phố dân lao động, các khu ổ chuột – bằng cách tiếp cận tích cực đến từng người thợ. Ở Pháp, La Cause du Peuple [8] J’Accuse đang làm chuyện này. Còn nữa, người phát hành tích cực không thể cứ bán hay cho phắt tờ báo của mình, mà phải nói về nó, hỏi người công nhân nghĩ gì về nó và tại sao. Cuối cùng thì tờ báo phải được làm ra bởi chính tay người đọc. Giả sử tờ báo nói về vụ chiếm lĩnh một phân xưởng ở Grenoble, bằng những bài do chính những công nhân đã tham gia viết. Tiếp theo người phát hành sẽ yêu cầu công nhân thuộc phân xưởng Renault ở Billancourt đọc tờ báo ấy, nhận xét và viết về nó hoặc họ sẽ được ghi âm, để rồi ý của họ sẽ trở thành bài viết cho số tới. Người phát hành, mà đầu tiên chắc chắn phải là một trí thức, như vậy chỉ làm việc như một người điều hợp giữa các công nhân ở Grenoble và Billancourt.

Ở Pháp thì làm như vậy còn được, vì công nhân ở đây đã được vận động chính trị sâu sắc, có ý thức giai cấp, còn như ở Mỹ, nơi mà tình hình không được như vậy, và trên thực tế là nhiều công nhân nghiệp đoàn chống lại các ông, cái chiến thuật ấy có thích hợp chăng?

Tôi cho là chiến thuật thì vẫn phải y như thế, nhưng sự nguy hiểm thì có khác thật. Ở Mỹ, người phát hành của ông có thể bị hành hung thường xuyên hơn. Nhưng ở Pháp thì cũng có chuyện đấy thôi. Người của chúng tôi thường bị bạo hành, đôi khi rất nghiêm trọng bởi những nhóm côn đồ của CGT (General Confederation of Workers – Hiệp hội toàn Công nhân, do Đảng Cộng sản điều khiển). Cho nên việc của tôi là phải ra làm những chuyện như thế, vì tôi so với một sinh viên bình thường có nhiều khả năng đến nói chuyện được với công nhân hơn.

Ông có ý nói là những tên tuổi trí thức lớn ở Mỹ cũng nên làm như vậy?

Chắc chắn rồi. Lên án chiến tranh ở Việt Nam bằng cách ký tên vào đơn kiến nghị hay đi diễu hành cùng với 20.000 đồng chí của mình thì rất dễ. Nhưng nó không thực hiện được một phần triệu những gì có thể thực hiện khi mà tất cả trí thức tên tuổi đi vào những khu ổ chuột, đi vào khu cảng Oakland, đến với những công xưởng vũ khí, chấp nhận khả năng bị bọn côn đồ của công đoàn hàng hải nặng tay nặng chân. Theo tôi, người trí thức chỉ đấu tranh từ bàn giấy ngày nay là phản cách mạng, dù ông ta viết gì cũng vậy.

Vậy là ông sẵn lòng đem cả tính mạng ra liều với chiến thuật này?

Đúng, và tôi đã liều rồi - ở Renault, ở Lens, trên những đường phố Paris. Dĩ nhiên, tôi biết rất rõ là tôi làm những chuyện đó dễ hơn vì tên tuổi tôi, danh tiếng của tôi cũng bảo vệ được cho tôi tới mức nào đó. Nhưng không phải những vị trí thức tên tuổi khác cũng thế sao? Thông thường ông đi tới bất cứ đâu, xuất hiện bất cứ chỗ nào, cũng có một nhóm ủng hộ ông, một nhóm chống lại, và đa số, gồm những người chỉ có ý tò mò, thường là trung lập, có lẽ cảm thấy lý thú muốn quan sát. Ông cần phải nói chuyện với chính những người này. Tuỳ thuộc vào quan hệ giữa những lực lượng trên mà mối nguy hiểm có thể nhỏ hay lớn. Nhưng nói thật, nếu bọn họ hành hung tôi, thì từ đó cũng thu được một số lợi thế chính trị nhất định chứ, không phải sao?

Nhưng một tên tuổi trí thức như ông được đón nhận trong giới báo chí thông thường, và họ được quần chúng đọc. Sao lại không lợi dụng điều đó?

Cẩn thận chỗ này. Quần chúng không đọc báo chí thông thường để lấy thông tin, mà là để giải trí. Đó là lý do họ đọc L’Aurore [9] ở đây và… gì nhỉ? … The Daily News [10] bên New York.

Nếu cái họ đọc là một tờ báo cánh tả, họ có thể không đồng tình với nó, thật sự họ có thể hoàn toàn nghĩ ngược với nó, nhưng họ biết rằng mục tiêu ở đây là để thông tin, không phải để giải trí. Ý niệm về tự do báo chí là một ý niệm tiểu tư sản. Quần chúng không bao giờ nghĩ ngợi gì đến chuyện đó, và ông sẽ không bao giờ thấy công nhân phản đối sự kiểm duyệt báo chí, ít nhất là ở bên Pháp này, và tôi dám phỏng đoán là ở bên Mỹ cũng không khi nào có chuyện quần chúng mở một chiến dịch chống lại sự kiểm duyệt những báo cáo từ Việt Nam đâu. Quần chúng hiểu từ bản năng là báo chí thuộc về giới tư sản, chứ không phải của mình. Tự do báo chí chính là tự do báo chí tư bản, và điều đó có nghĩa là, quần chúng nhìn báo chí, có lẽ là vô thức, như một kẻ thù. Vì thế họ không chờ đợi gì có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống của họ từ đó đâu. Điều này dĩ nhiên không đúng với trường hợp Tiệp Khắc, nơi công nhân và sinh viên thống nhất lại để đòi hỏi một nền báo chí cung cấp thông tin cho họ như là báo chí của chính họ, hay nói cách khác, là một nền báo chí xã hội chủ nghĩa.

Nhưng ở một quốc gia tư bản, báo chí thường thức không thật sự có công dụng gì, vậy thì viết cho chúng làm gì. Còn nói đến những tờ tuần báo hay nguyệt san độc lập cánh tả, quần chúng cũng không đọc đến chúng, chỉ có giới trưởng giả tả phái thôi. Nói chung thì tôi sẽ chỉ viết, ít nhất là ở Pháp này, cho những tờ báo thật sự có tính đấu tranh, kể cả khi tôi không luôn luôn đồng ý với vị thế ý thức hệ của chúng – nói rõ hơn, là những tờ báo mà nhân sự trong đó hiểu được rằng vai trò của họ là phá vỡ cái vòng tròn nghiệt ngã luẩn quẩn bằng cách đến thẳng với quần chúng như trong cuộc đấu tranh, tuy nhiên như thế không có nghĩa là đi đem báo đi chào mời trước các quán cà phê.

Và ông cho là những tờ báo này sẽ được quần chúng đọc, chứ không phải giới trí thức?

Phải. Nhưng báo phải được tổ chức tốt hơn. Ngoài ra, có quá nhiều báo như vậy, mỗi nhóm nhỏ đều có một tờ.

Đó có phải là vấn đề chủ nghĩa hệ phái của cánh tả không?

Thì đúng vậy, nhưng ngay từ đầu thì cánh tả lúc nào cũng đã hệ phái rồi. Tuy nhiên, ở Pháp này, tôi nghĩ chúng ta có thể phát hiện được một vài tiến triển đáng kể. Tôi đâu có nghĩ là những người Trotskyist của Đệ Tứ Quốc tế, và những nhóm Maoist có khi nào làm việc chung với nhau một cách đều đặn được, thế mà ở trong Secours Rouge [11] (Cứu trợ Đỏ),, được bắt đầu với 20 cái-gọi-là khuôn mặt, những thay đổi quan trọng đang diễn ra. Những khuôn mặt đang rút dần ra – chẳng hạn, tôi đã từ chức khỏi ban lãnh đạo – và đang được thay thế bằng các cán bộ từ hạ tầng. Nhiều người Trotskyist độc lập và những người Maoist đang làm việc với nhau rất tốt. Các chi bộ địa phương đang tụ họp được công nhân và trí thức lại một cách hiệu quả. Đúng thế, cứ nơi nào có sinh viên tham gia là đụng độ bùng nổ. Nhưng xét hết mọi mặt, Cứu trợ Đỏ đang phát triển lên thành một mặt trận thống nhất của những người đấu tranh tả phái. Trong cuộc diễu hành ngày 1 tháng 5 ở Paris, họ đã tụ tập được khoảng 30.000 người, trong khi Đảng Cộng sản chỉ gom được khoảng 70.000, một sự chuyển dịch có ý nghĩa trong tương quan lực lượng.

Sau bao nhiêu thất bại mà phong trào và chính cá nhân ông đã trải qua suốt ba thập kỷ vừa rồi, làm thế nào ông vẫn giữ được sự lạc quan như vậy?

Tôi làm theo cái tôi tin là một người trí thức ngày nay nên làm, nhưng thế không có nghĩa là tôi lạc quan gì. Tôi đang ở trong hệ thống và bị buộc phải lưu lại trong ấy, nhưng tôi cũng cảm thấy là cách mạng cần phải thắng. Đấy là một chọn lựa. Nó không nhất thiết phải là chuyện hiển nhiên. Và ngay cả nếu cách mạng thắng lợi rồi, sau đó thì sao? Sự bóc lột, tha hóa và tất cả những thứ làm chúng ta ghê tởm trong xã hội này có được tẩy sạch khỏi điều kiện sinh sống của con người không? Tôi không dám chắc thế. Tất cả những gì tôi hy vọng chỉ là nếu chúng ta thành công trong việc mang đến một cuộc cách mạng mà không có thảm hoạ, chúng ta sẽ có thể thẳng thắn đối diện với mọi sự, nghĩa là, nhìn vào quá khứ áp bức của chúng ta, tất cả những ý tưởng áp đặt trên chúng ta từ các guồng máy nhưng ngày nay chúng ta lại lầm lẫn coi như là ý tưởng của chính mình, và cùng nhau giải quyết những điều đó.

Một cuộc cách mạng mà không gây thảm hoạ, vâng, nhưng điều đó có khả dĩ không?Chúng ta thật sự có thể trông đợi một cuộc cách mạng thành công mà không có báo oán ư? Chúng ta có thể mong đợi những người thắng cuộc quên đi được sự tàn bạo, sự nghiệt ngã, những hành hạ bởi những người hiện đang nắm quyền? Có thể trông đợi một người như George Jackson [12] tha thứ những tên cai ngục bạo dâm của anh ta sao?

Không, nhưng như thế chưa hẳn đã là xấu. Thà rằng những người làm cách mạng quét sạch đi bọn có tội còn hơn là quét sạch lẫn nhau. Một điều không may là trong quá khứ, những người chiến thắng luôn luôn nghĩ đến chuyện dừng tay. Các sử gia cho là những nhà cách mạng không bao giờ biết phải dừng lại lúc nào, ở đâu. Nhưng thật ra thì hoàn toàn ngược lại. Họ luôn luôn dừng lại, để rồi thế hệ kế tiếp làm cách mạng lại phải có nhiệm vụ đi loại trừ họ. Chuyện đó đã xảy ra bốn lần trong cuộc Cách mạng Pháp từ 1789-94. Có lẽ sẽ tốt hơn chăng nếu được một lần có một phong trào cách mạng sẵn sàng và chấp nhận đi đến cùng.

Dĩ nhiên, điều đó có nghĩa là phải thải bỏ đi hết những giá trị trưởng giả mà chúng ta được dạy dỗ ở trường, trên báo chí, trong gia đình. Cảm giác của tôi là trong tất cả mọi nhóm thuộc cánh tả ngày nay, những người Maoist không giáo điều, mà ở đây chúng tôi gọi là “les Maos”, là sẵn sàng nhất cho chuyện này – nghĩa là, họ đã hiểu được rằng để một cuộc cách mạng thật sự thành công, nó phải là thứ mà các sử gia tư sản cho là không thể xảy ra, nghĩa là một cuộc cách mạng triệt để mà không có thảm hoạ.

Đấy có phải lý do ông sẽ không làm việc với Đảng Cộng sản nữa không? Đã từng có một thời ông đã làm việc với họ. Và nó vẫn là một đảng quần chúng, ít nhất là ở Pháp.

Trong thời kỳ chiếm đóng, tôi quả thật đã có làm việc với những người cộng sản, cũng như tất cả những người kháng chiến thật sự chống phát xít. Sau khi giải phóng rồi, những chiêu bài đầy tính cơ hội của đảng này khiến chúng tôi không thể gắn với nhau, và tôi vẫn thường bị đả kích trên báo chí của họ như một kẻ thù. Nhưng vào thời kỳ đầu thập niên năm mươi, cụ thể là giữa thời điểm xâm lấn quy mô của người Mỹ, khối NATO v.v…, và sau khi lãnh tụ cộng sản Pháp Jacques Duclos, một dân biểu, bị bắt giữ (hoàn toàn bất hợp pháp, vì anh ta có đặc quyền miễn tố của quốc hội, và anh ta đang ở xa khi xảy ra cuộc biểu tình “Ridgeway hãy cút về” [13] , mà anh ta bị cáo buộc là đã đứng ra tổ chức), tôi đã quyết định đứng bên cạnh họ.

Những người cộng sản lúc ấy cũng đang lãnh đạo cuộc đối kháng chống chiến tranh Việt Nam – sau đó do chúng tôi lãnh đạo – và tôi đã giúp quảng bá vụ án Henri Martin, một thủy thủ cộng sản Pháp đã từ chối không chịu tham chiến và bị xét xử về tội phản quốc. Tôi đã làm tất cả những gì có thể. Tôi đi cả tới Vienna để dự Hội nghị Hoà bình. Thế rồi Liên bang Xô-viết đưa quân vào Hungary. Đối với tôi đây là một tội ác phi lý. Phải, cho tới lúc đó, chính phủ Xô-viết đã phạm phải rất nhiều tội ác kinh khủng, mà chúng ta gọi chung là chủ nghĩa Stalin, nhưng chưa khi nào quân đội nước này tiến vào một quốc gia độc lập khác để dập tắt một cuộc nổi dậy của quần chúng nước đó.

Đối với tôi đấy chính là chủ nghĩa đế quốc, đơn giản và thuần tuý, cũng giống như cuộc xâm lược vào Prague năm 1968. Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ cuộc xâm lược Hungary, nên tôi đã đoạn tuyệt với họ. Rồi sau đó, trong cuộc chiến Algeria, Đảng Cộng sản đã tỏ ra rất lạnh nhạt với việc ủng hộ FLN [14] , khởi nguồn là vì FLN không phải cộng sản, và vì thế, mặc dù có những lúc toàn bộ khối tả thống nhất lại tham gia biểu tình chống chế độ thực dân Pháp, chúng tôi thấy rõ rằng đã đến lúc tạo ra một phong trào về phía tả của Đảng Cộng sản. Cánh tả ấy đã ló dạng một cách nghiêm chỉnh với cuộc chiến Việt Nam – lần này của các ông – và tôi đã là một phần của nó. Nhưng tôi vẫn là một trí thức tiêu biểu, nghĩa là tôi làm việc bên bàn giấy, và thỉnh thoảng tham gia một cuộc diễu hành hay nói chuyện ở một buổi mit-tinh.

Thế rồi tháng Năm 1968 xảy ra, và tôi hiểu ra rằng những thứ giới trẻ đang đặt câu hỏi không phải chỉ có chủ nghĩa tư bản, đế quốc, hệ thống này, v.v…, mà còn có cả chúng tôi, những người làm ra vẻ chống lại những thứ đó nữa. Chúng ta có thể nói từ năm 1940 đến 1968 tôi là một trí thức thiên tả (un intellectuel de gauche) và từ 1968 trở đi tôi thành một trí thức tả phái (un intellectuel gauchiste). Sự khác biệt là ở hành động. Một trí thức tả phái là người đã nhận chân được rằng vị thế trí thức không miễn trừ cho anh ta chuyện gì cả. Anh ta từ bỏ những đặc quyền của mình, hay cố từ bỏ, bằng hành động. Tôi nghĩ nó cũng giống như cái mà ở Mỹ các ông gọi là đặc quyền da trắng. Một người trí thức da trắng ở Mỹ, tôi tạm giả định, hiểu rằng vì là da trắng, anh ta có những đặc quyền nhất định mà anh ta phải đập tan bằng hành động trực tiếp. Không làm như thế cũng tức là có tội giết hại những người da đen – hệt như anh ta thật sự kéo cò súng bắn vào những người như Bobby Hutton, Fred Hampton, Mark Clark, và tất cả những thành viên Đảng Black Panthers [15] khác đã bị giết bởi cảnh sát, bởi hệ thống.

Vậy nghĩa là theo ông nói thì trách nhiệm của người trí thức không thuộc về tri thức?

Phải, mà là trong hành động. Là việc dùng vị thế của mình trực tiếp phục vụ những người bị áp bức. Cũng giống như người trí thức Đức chạy trốn Hitler và nói về tinh thần chống Quốc xã của ông ta trong khi ngồi kiếm tiền bằng cách viết kịch bản cho Hollywood phải chịu trách nhiệm về Hitler ngang với người dân Đức đã ngoảnh mặt đi, cũng như người trí thức Mỹ chỉ lên án chiến tranh Việt Nam và số phận những người tù chính trị rồi vẫn tiếp tục đi dạy ở một đại học đang tiến hành nghiên cứu phục vụ chiến tranh và kêu gọi luật pháp với trật tự (một thứ mỹ từ cho chuyện dùng toà án và cảnh sát trấn áp những người bất đồng tích cực) phải chịu trách nhiệm về tội sát nhân và trấn áp ngang với chính phủ và các cơ quan của nó, thì ở nước Pháp này, người trí thức không đem thân mình cùng với đầu óc ra đặt trên chiến tuyến chống lại hệ thống thì về cơ bản coi như đang ủng hộ cho hệ thống – và phải bị xét đoán theo tinh thần ấy.

Nhưng nói xác thực ra thì những trí thức dấn thân có thể làm gì?

Ở nước Mỹ, tôi không phải người có thể trả lời. Chắc chắn là trí thức của các ông tự họ biết điều ấy. Họ phải biết là nếu Ericka Huggins và Bobby Seale bị bỏ ngục hay bị giết, thì không phải là một mình cảnh sát, toà án, FBI hay chính phủ bỏ tù hay giết họ. Chính họ khi đó để cho nó xảy ra, và vì vậy cũng phải chịu trách nhiệm tương đương. Mọi trí thức kêu gào bất bạo động với những người cố gắng giải thoát tù nhân chính trị - và tôi hiểu là ở bên Mỹ có tới hàng ngàn hàng vạn – phải chịu trách nhiệm về việc những người kia không được tự do. Tôi chỉ có thể nói rõ về nước Pháp, nơi tôi biết nhiều sự thật hơn. Ở đây, mỗi khi có các phiên toà chính trị, việc của chúng tôi là dựng lên những phiên toà của người dân, có mặt trên đường phố và kết tội những thủ phạm thật sự. Ở đây, mỗi khi thanh niên đối đầu với cảnh sát, việc của chúng tôi không những là chỉ cho thấy chính cảnh sát mới là những kẻ bạo động, mà còn phải nhập vào cùng với thanh niên. Ở đây, mỗi khi tù nhân chính trị tuyệt thực, tất cả chúng tôi ai có đủ thể chất đều phải tuyệt thực chung.

Nói đến cùng thì nó như thế này – và George Jackson diễn đạt nó rất đẹp đẽ trong những bức thư tù của anh ấy – người trí thức, hơn ai hết, chính vì vị thế đặc quyền của mình, phải hiểu và hành động theo cho đúng, rằng chỉ có hai loại người: loại vô tội và loại có tội, hay như những người Đảng Báo đen của nước ông đã từng nói: “Nếu chúng ta không phải là một phần của giải pháp, chúng ta là một phần của vấn đề”.

Như thế, có phải ông công khai ủng hộ việc sử dụng bạo động cách mạng để đáp trả với bạo động từ hệ thống?

Tuyệt đối rồi. Nhưng, hiển nhiên, là một người 66 tuổi, tôi không thể nào cứ nhảy vào tham dự được. Nhưng bất cứ khi nào có một hành động quan trọng mà không thuộc vào dạng bí mật, tôi nhất định tham gia, và cũng phải dùng ngòi bút của mình ủng hộ những hoạt động bí mật nữa.

Ông có cho là những nhóm tả phái ấy ở bên Pháp này, với lực lượng khá nhỏ bé của họ…

Đúng, lực lượng của họ nhỏ…

Và với phương pháp sử dụng bạo động để đáp trả, có thể đem lại cách mạng sao?

Tôi nghĩ bản thân họ chính là sản phẩm của một tình thế cách mạng, không phải theo nghĩa là sắp có cách mạng ngay, nhưng theo nghĩa là ngày nay đã có một sự phân chia thực sự giữa nước Pháp chính thức – nhà nước, chính phủ, các cơ quan – và sự thật. Đã có một sự từ chối mạnh bạo đối với quyền lực chính thức. Dù cho là từ những chủ tiệm nhỏ, người lái xe vận tải, nông dân, sinh viên, hay những công nhân chiếm giữ công xưởng, chúng ta đã có cái bào thai của sự chối bỏ toàn bộ quyền lực. Đương nhiên nó vẫn đa phần còn trong vô thức, vì ngay những người ấy, đến mùa bầu cử lại đi bầu cho nước Pháp chính thức. Nhưng họ biết, bằng hành động của mình khi quyền lợi bản thân bị đe doạ, là thay đổi thật sự chỉ đến từ bạo lực. Tôi cảm thấy chỉ có những nhóm nhỏ nhoi kia hiểu được điều đó, vì vậy họ mới là đội ngũ tiền phong. Họ cứ tiếp tục lặp đi lặp lại, thì ý thức bắt buộc sẽ tăng trưởng thêm, và sự chia rẽ trong xã hội sẽ trở nên rõ ràng hơn. Đến khi hai phía đã phân định minh bạch, cách mạng sẽ trở thành không thể tránh khỏi.

Vậy là ông chấp thuận chiến thuật của nhóm Weatherman [16] ở bên Mỹ?

Trừ khi những người theo Mao ở đây ít bạo động hơn, và họ không cố đặt nền tảng cho một đảng cách mạng mà cố tạo ra những điều kiện có thể chuyển động được quần chúng, mà từ đó, và chỉ từ đó, một đảng như thế mọc lên. Nhưng ông cũng thấy, các điều kiện ở hai nơi không giống nhau. Ở đây thường là chúng tôi thắng. Cuộc tuyệt thực đã thành công. Sau những phiên toà nhân dân ở Lens, những thợ mỏ bị kết tội đã được toà án của bên kia trả tự do. Sau khi ép bên kia đến chỗ phải bắt giữ nhiều trí thức tên tuổi, trong đó có tôi, họ đã ngừng tìm cách cấm cản tờ La Cause du Peuple. Bên Mỹ, sự trấn áp có nghiệt ngã hơn. Họ dám giết người. Tôi nghĩ bên ấy vẫn thắng được nếu những trí thức tên tuổi và các khuôn mặt lớn chịu tích cực hơn. Họ có dám nổ súng ở đại học Kent State [17] không nếu như mọi giáo sư phản chiến dạy ở đó đều có mặt ở ngay tuyến đầu? Cảnh sát có dám hung hăng quá như vậy không nếu tất cả những vị dân biểu và nghị sĩ được gọi là phản chiến và cấp tiến bên trong đại hội Đảng Dân chủ ra đường cùng với người dân? [18] Một trong những vị nghị sĩ đã dùng chữ Gestapo nói về cảnh sát [19] . Làm như vậy có tác dụng gì không? Nhưng hãy tự hỏi: nếu ông ta bị đánh đập cùng với người dân ở ngoài đường và phát biểu lời lên án vừa rồi khi đầu còn đang chảy máu, thì sẽ có tác dụng như thế nào? Tôi thấy có vẻ như còn rất nhiều điều có thể làm được về vấn đề Việt Nam, tập trung vào sự bất nhất của chính phủ: tuyên bố muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng thực tế thì lại mở rộng nó ra thêm.

Nhưng từ một hướng nhìn cách mạng, điều đó đâu nhất thiết tạo ra một phong trào sẵn lòng đánh cho sập hệ thống. Nói cho cùng, Algeria đã không tạo ra được một cánh tả như vậy ở Pháp, đúng không?

Không, và Chúa biết là chúng tôi đã cố lắm. Tôi nghĩ cái lỗi ở đây là một chính sách như vậy, nói cho cùng, mang bản chất đạo đức. Cái đó không có gì sai cả, ngược lại là khác. Từ chối không chiến đấu ở Việt Nam, ở Algeria, hay Chad, v.v…, đều rất tốt và nên được khuyến khích. Nhưng một chính sách cách mạng nhắm vào tầm địa phương: bóc lột tại quê nhà, phân biệt chủng tộc tại quê nhà, bất công tại quê nhà. Trong một quốc gia tư bản, bóc lột, phân biệt chủng tộc, bất công tất yếu phải dẫn đến chiến tranh, nhưng nó chỉ đứng hạng hai khi nói đến chuyện kiến tạo một phong trào cách mạng có cơ sở trong quần chúng. Và đó mới chính là phép thử thật sự, vào ngày hôm nay, đối với những trí thức tự xưng là dấn thân. Thật dễ dàng cho chúng ta nếu chỉ việc lên án chiến tranh – và không làm gì cả. Sẽ khó hơn nhiều nếu chúng ta làm bộ như mong muốn một xã hội công bằng và nhân đạo, và đối đầu với những bất công và vô nhân đạo ngay trong đất sống của mình, ngay nơi mình đang ở - nơi đang ban cho chúng ta cuộc sống thoải mái. Nhưng đó chính là nơi cần phải có hành động. Đó chính là nơi phải có cuộc đấu tranh. Tôi hình dung đến chuyện bao nhiêu trí thức tự xưng là dấn thân sống ở New Haven đầu tiên phải cùng dấn thân ngay vào chuyện giải thoát cho Bobby Seale...

À không, có vẻ như những trí thức ở Yale nhìn thấy quá nhiều thứ để phê phán ở Đảng Báo Đen, đến nỗi không thể nào ủng hộ Ericka và Bobby tích cực được.

Tôi sợ rằng như vậy cũng tương tự như tôi bảo tôi không thể tham gia kháng chiến chống Đức được chỉ vì phong trào kháng chiến do cộng sản lãnh đạo mà tôi thì lại chống cộng sản. Chỉ có một chữ để chỉ cái vị trí ấy thôi: collaborationist (hợp tác với địch). Chúng tôi cũng có rất nhiều những kẻ hợp tác như vậy ở nước Pháp này đây. Họ không bao giờ hiểu nổi về tháng Năm 1968. Họ từ chối không chịu hiểu rằng địa vị được bảo vệ của người trí thức đã qua rồi, rằng không còn có nơi nào thiêng liêng để che chở họ nữa. Cả đại học, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, những chỗ đó đều là cơ quan nhà nước, và như vậy cũng thuộc vào hệ thống chẳng khác gì CRS (lực lượng cảnh sát dã chiến chống bạo loạn của Pháp). Nhiệm vụ của người trí thức không phải là quyết định những cuộc chiến nào ở đâu, nhưng là tham gia vào mọi nơi mọi chỗ mà người dân đang khởi chiến.

Và, như tôi hiểu, phục vụ như một trung gian qua đó người dân diễn đạt ý mình, cũng chính là làm công cụ phát ngôn của người dân tranh đấu?

Nhưng anh ta chỉ là công cụ phát ngôn nếu anh ta cũng tranh đấu cùng một lúc nữa. Dấn thân là một hành động, không phải một lời nói.


(Những chú thích trong ngoặc đơn là của nguyên bản. Chú thích ở bên dưới là của người dịch).


Bản tiếng Việt © 2008 talawas

Xem thêm ý kiến của dịch giả Trần Thiện Huy ngày 20.7.2008: Về một bản dịch đã đăng trên talawas


[1]Người dân Pháp (Các chú thích trong bài đều của người dịch.)
[2]Aron, Raymond. History and The Dialectic of Violence - An Analysis of Sartre’s Critique de la Raison Dialectique, bản dịch Anh ngữ của Barry Cooper, New York: Harper & Row, 1976, Preface, tr. xii: “What remains true is that Sartre, who in my view is the most Germanic of French philosophers, owes his experiences and his vision of the world only to himself.”
[3]Đây là một từ ban đầu do người viết nghĩ ra, sau mới biết là một thể loại thơ phá vận của thi ca cổ châu Âu.
[4]Foucault, Michel. The Mythical Leader of the Iranian Revolution, trích từ tập Dits et écrits, 1976-1979, Éditions Gallimard, Paris (1994).
[5]Foucault, Michel. Is it Useless to Revolt? Đăng trên Philosophy & Social Criticism, Vol. 8, No. 1, 2-4 (1981), bản dịch của James Bernauer.
[6]Artaud, Antonin. The Theatre and Its Double, Grove Press, New York, 1958.
[7]Tôi lên án – Tờ báo của Mặt trận Dân chủ thuộc tổ chức Gauche Prolétarienne (Người Lao động Cánh tả - GP) do Robert Linhart và Andre Glucksmann sáng lập tháng Giêng năm 1971
[8]Mục đích của người dân - Tờ báo cũng của tổ chức GP, sáng lập năm 1968. Năm 1970, Sartre đã từng làm chủ bút cho tờ này.
[9]Rạng đông – Tờ báo mang quan điểm cấp tiến, phát hành từ năm 1897 đến 1914, do Georges Clemenceau sáng lập. Đến thời điểm Sartre trả lời phỏng vấn thì tờ báo đã đình bản, không hiểu vì lý do gì ông lại nêu tên nó ở đây.
[10]Tin hàng ngày – Một trong những tờ báo tin tức hàng ngày lớn hạng nhất nước Mỹ, do Joseph Medill Patterson sáng lập năm 1919.
[11]Một tổ chức cực tả
[12](1941-1971), người tranh đấu da đen ở Mỹ, tham gia Đảng Báo Đen ở trong tù. Bị bắn chết trong khi đang toan vượt ngục
[13]Cuộc biểu tình vào tháng Sáu 1952 phản đối tướng Mỹ Matthew Ridgway đến nhậm chức chỉ huy trưởng quân đội NATO thay cho tướng Dwight Eisenhower.
[14]Front de Libération nationale: Mặt trận Giải phóng Quốc gia, tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng Algeria.
[15]Đảng Báo Đen: Tên nguyên thủy là Đảng Báo Đen vì Tự vệ, do Huey P. Newton và Bobby Seale thành lập tại Oakland, California, vào tháng 10 năm 1966, chủ trương tổ chức người da đen tự vệ chống lại bạo hành của cảnh sát, và đấu tranh đòi quyền bình đẳng.
[16]“Người báo thời tiết”: Tên của một nhóm đấu tranh bạo động quá khích ở Mỹ, thành lập năm 1969 do một nhóm lãnh đạo và thành viên của tổ chức Thanh niên vì Xã hội Dân chủ tách ra. Có tên gọi đó từ lời bài hát “Subterranean Homesick Blues” của Bob Dylan: “Anh không cần người báo thời tiết cũng biết được gió đang thổi chiều nào.”
[17]Ám chỉ vụ thảm sát ngày 4 tháng 5 năm 1970 tại đại học Kent State, bang Ohio, khi vệ binh quốc gia thuộc bang này nổ súng bắn vào sinh viên đang biểu tình, làm nhiều người chết và bị thương.
[18]Ám chỉ cuộc biểu tình quy mô trước đại hội Đảng Dân chủ ở Chicago, Illinois, suốt 8 ngày liền, bắt đầu từ 22 tháng 8 năm 1968. Cảnh sát đã huy động lực lượng đàn áp rất dã man.
[19]Thượng nghị sĩ Abraham Ribicoff của bang Connecticut.

Nguồn: “Sartre accuses the Intellectuals of Bad Faith - An Interview”. Existentialist Philosophy, do James A. Gould va Willis H. Truitt bien tap, Dickenson Publishing Company, Inc. xuat ban, tai Encino, California. http://www.sartre.ch/iron.htm