trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
23.7.2008
Nguyễn Bính
Hội cần phải mạnh dạn tự phê bình
 
1956 là một năm bản lề đối với toàn bộ khối XHCN trước đây. Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô cuối tháng Hai 1956 với “Báo cáo mật” của Nikita Khrushchev về những tội trạng của Stalin mở ra một giai đoạn “tan băng” ngắn ngủi nhưng cũng đủ để dẫn đến những biến động quan trọng trong các nước XHCN. Tháng Tám 1956, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức một lớp học 18 ngày về đường lối cải cách chống tệ sùng bái cá nhân tại Liên Xô. Trong chừng mực nào có thể xếp phong trào Nhân văn-Giai phẩm tại Việt Nam vào bối cảnh quốc tế do sự kiện nói trên mở ra, đó là đề tài còn cần được nghiên cứu. Trong loạt tư liệu do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số bài đăng trên báo Văn nghệ trong khoảng thời gian từ tháng Tám 1956 đến đầu năm 1957, với thư kí toà soạn là Nguyễn Đình Thi. Đây cũng là giai đoạn mà các số Giai phẩm và 5 số Nhân văn ra đời. Số Giai phẩm mùa Xuân đầu năm 1956 bị tịch thu cũng được in lại trong thời gian này.
talawas
Được biết sắp tới có Đại hội Văn nghệ Toàn quốc năm 1956, anh em văn nghệ đều vui mừng chào đón. Anh em đều tin tưởng rằng bên cạnh những vấn đề đặt ra về đường lối chủ trương, đây còn là một dịp tốt để mọi người giãi bầy hết những thắc mắc đối với lề lối làm việc của Hội, đối với thái độ của một số người lãnh đạo và phụ trách công tác Hội. Đây không phải là những thắc mắc có tính chất cá nhân, mà nhằm xây dựng tổ chức Hội ngày một vững chắc để Hội đủ khả năng thúc đẩy phong trào văn nghệ tiến lên. Chúng ta không thể không đồng ý với nhau rằng: lề lối làm việc của Hội có được thông suốt, thái độ của những người lãnh đạo và phụ trách công tác Hội có đúng đắn thì đường lối chủ trương của Hội mới đảm bảo khỏi bị thực hiện lệch lạc.

Anh em thắc mắc những gì, thắc mắc như thế nào? Phạm vi bài báo này không cho phép nói ra hết cả với những chi tiết tỉ mỉ, tôi sẽ trình bày tường tận ở một chỗ khác. Ở đây tôi chỉ đơn cử một việc nóng hổi đã gây thắc mắc đến cao độ trong anh em, việc tập Ngôi sao của Xuân Diệu được giải nhì về thơ.

Dĩ nhiên tôi cũng có ý kiến riêng của tôi về tập thơ đó; tôi cho rằng nó không hoàn toàn xứng đáng được tặng giải như thế. Nhưng đây không phải chỗ phê bình tác phẩm của Xuân Diệu. Tôi chỉ muốn nhân đây đưa ra một ít nhận xét về lề lối làm việc của ban giám khảo, của Thường vụ Hội:
  1. Thắc mắc chung quanh tập Ngôi sao thực là nhiều và sôi nổi. Có những thắc mắc đã nói ra trên báo chí, có những thắc mắc chỉ trao đổi trong những cuộc mạn đàm. Có những thắc mắc trong anh em văn nghệ, có những thắc mắc của bạn đọc. Của những người ở vùng tự do cũ, cũng như ở vùng mới giải phóng, ở nhiều tầng lớp khác nhau, trong những cương vị công tác, hoạt động khác nhau. Nói chung, phần tán thành ít mà phần thắc mắc thì hầu như phổ biến. Tập thơ Ngôi sao lại đã xuất bản trước khi công bố giải thưởng. Ngay khi chưa biết nó được giải cũng đã nhiều anh em phàn nàn về những mặt hỏng của nó. Sao không có một cuộc thăm dò dư luận từ trước? Quả là ban giám khảo chưa thực mở rộng dân chủ, chưa tha thiết lắng nghe ý kiến nguyện vọng của quần chúng. Sự định đoạt giá trị và thứ bậc tác phẩm hầu như chỉ thu hẹp trong phạm vi ban giám khảo, trong sự bàn cãi phân tách của một số nhỏ người. Mà công việc nào cũng vậy, nhất là công việc văn nghệ, nếu chỉ do một số ít người định đoạt tất nhiên không tránh khỏi thiếu sót sai nhầm.

  2. Thường vụ Hội chưa thực sự hướng dẫn và làm gương mẫu cho công việc phê bình và tự phê bình trong văn nghệ. Sự dung dưỡng những sai lầm cho nhau trong toà soạn Văn nghệ trước đây về mục “Chữ với nghĩa”, “Sống cũ sống mới”… là một biểu hiện cụ thể. Ví thử không có một số thắc mắc của bạn đọc đăng trên báo Nhân dân thì tình trạng đó còn kéo dài chưa biết đến đâu. Nhưng sau đó phần tiếp thu ý kiến quần chúng của những người lãnh đạo và phụ trách ngó bộ lại chìm đi. Thắc mắc của anh em, của quần chúng thì nhiều mà những thắc mắc được phản ảnh và giải quyết trên tờ báo của Hội lại quá thưa thớt. Một số người lãnh đạo và phụ trách công tác Hội còn quá rụt rè trước vấn đề nghiêm khắc tự phê bình và còn quá lo ngại viển vông trước những lời phê bình của quần chúng. Những anh em đó lo rằng có những lời xây dựng thẳng thắn sẽ “sơ hở về chính trị”, lo rằng “địch có thể lợi dụng”. Dĩ nhiên vấn đề cảnh giác trước những âm mưu của kẻ thù là rất chính đáng. Nhưng tuyệt nhiên không phải vì thế mà không dám dũng cảm tự phê bình, đi đến lảng tránh sự phê bình của quần chúng. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, chỉ sợ có khuyết điểm mà không dám biết và không sửa chữa. Vả chăng có cái gì mà địch lại không thể xuyên tạc? Nhưng “chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”, những lời xuyên tạc của địch đâu lại có thể làm chúng ta giấu diếm sai lầm? Tôi tin rằng những anh em đó đều đã đọc những bài phê bình và tự phê bình trên báo Nhân dân hoặc bài tham luận của Sô-lô-khốp trong Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô là những lo ngại viển vông như vậy sẽ tan biến hết.
Trở lại việc tập thơ Ngôi sao đã đơn cử ra. Đối với những phản ứng trong quần chúng, Ban chấm giải không tự kiểm điểm, không trưng cầu ý kiến của quần chúng, khơi cho hết thắc mắc của mọi người, mà chỉ tìm cách xoa dịu bằng một bài báo nặng tính cách bào chữa của Hoài Thanh trong Văn nghệ số 122. Một vài anh em còn không bằng lòng ra mặt những bài phê bình tập Ngôi sao trên báo Trăm hoa, cho đó là lối “đập” thiên lệch và ác. Trong khi ấy trên tờ báo của Hội vẫn có những bài phê bình có tính cách “đập” thiên lệch và ác như bài của Nguyễn Đình Thi phê bình Giai phẩm. Phải chăng đó là lưu tệ của cái thói “lỗi người để túi trước, lỗi mình để túi sau”? Chính vì vậy mà có tình trạng nhiều bạn nêu lên thắc mắc muốn thành khẩn xây dựng cho cơ quan lãnh đạo Hội, song lại sợ bị thành kiến. Dĩ nhiên những thái độ của mấy bạn đó cũng cần được kiểm điểm lại,nhưng do đấy mà thành một vấn đề: những người lãnh đạo và phụ trách công tác Hội đã làm thế nào để anh em dè dặt đến như vậy?

Được biết Đại hội năm nay trong dự án có đặc biệt nêu lên vấn đề chấn chỉnh tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc, mở rộng dân chủ. Đó là một điều rất hợp với nguyện vọng của quần chúng, đáp ứng đúng một trong những đòi hỏi tha thiết của anh em văn nghệ. Để vấn đề có thể đặt ra một cách sát đúng, chúng ta sẽ thẳng thắn trình bày tất cả những ý kiến của chúng ta, những thắc mắc của chúng ta. Sách xưa có câu: “lời nói thẳng nghe trái tai nhưng lợi cho công việc”. Nhưng ngày nay chúng ta, những con người được uốn nắn theo đường lối giáo dục của Đảng, trong đấu tranh cách mạng, chúng ta ưa nghe lời nói thẳng mà không thấy trái tai, chủ yếu là lợi cho công việc chung. Chính trong bài kêu gọi của Ban chấp hành Hội để “Tiến tới Đại hội văn nghệ toàn quốc 1956” đã thiết tha kêu gọi mọi người tích cực góp ý kiến xây dựng Đại hội thành công. Lời kêu gọi đó rất đáng hoan nghênh và cần được chúng ta biến thành sự việc cụ thể.

Nguyễn Bính
Chủ bút tuần báo Trăm hoa
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s. 125 (14.6.1956), tr. 7, 8. Lại Nguyên Ân biên soạn.