trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
29.7.2008
Xuân Thiêm
Mấy ý kiến về lãnh đạo sáng tác trong quân đội
 
1956 là một năm bản lề đối với toàn bộ khối XHCN trước đây. Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô cuối tháng Hai 1956 với “Báo cáo mật” của Nikita Khrushchev về những tội trạng của Stalin mở ra một giai đoạn “tan băng” ngắn ngủi nhưng cũng đủ để dẫn đến những biến động quan trọng trong các nước XHCN. Tháng Tám 1956, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức một lớp học 18 ngày về đường lối cải cách chống tệ sùng bái cá nhân tại Liên Xô. Trong chừng mực nào có thể xếp phong trào Nhân văn-Giai phẩm tại Việt Nam vào bối cảnh quốc tế do sự kiện nói trên mở ra, đó là đề tài còn cần được nghiên cứu. Trong loạt tư liệu do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số bài đăng trên báo Văn nghệ trong khoảng thời gian từ tháng Tám 1956 đến đầu năm 1957, với thư kí toà soạn là Nguyễn Đình Thi. Đây cũng là giai đoạn mà các số Giai phẩm và 5 số Nhân văn ra đời. Số Giai phẩm mùa Xuân đầu năm 1956 bị tịch thu cũng được in lại trong thời gian này.
talawas
Chưa bao giờ bằng lúc này, người làm công tác văn nghệ phải suy nghĩ nhiều về việc mình đã làm, suy nghĩ về sự chỉ hướng của Đảng trên mặt văn học nghệ thuật những năm vừa qua. Phê bình lãnh đạo văn nghệ trở thành một vấn đề lớn, nhất là sau kỳ nghiên cứu lý luận do Hội Văn nghệ tổ chức. Anh em trong Phòng Văn nghệ Quân đội cũng đã bàn cãi nhiều, tìm ra những cái gì đã cản trở sự phát triển của phong trào văn nghệ trong quân đội nói chung và sáng tác nói riêng. Giữa cái nhịp điệu suy nghĩ tìm sai đúng ấy thì chúng tôi nhận được những lời giãi bầy tâm sự và lên án Phòng Văn nghệ Quân đội của Trần Công đăng trên báo Văn nghệ số 136.

Trần Công đã nêu lên nhiều khuyết điểm của lãnh đạo rồi đặt ra những lời chất vấn: “Một năm nay Phòng Văn nghệ Quân đội đã làm được những gì… làm thiệt hại của nhân dân những gì… Tờ Văn nghệ Quân đội suốt năm hô hào viết về chỉnh huấn nhưng cho đến bao giờ các nhà văn quân đội sẽ ra được một tác phẩm văn học về chỉnh huấn”… Trước con mắt của Trần Công thì “Phòng Văn nghệ Quân đội có mấy nhà văn làm công tác nắm chính quyền ngồi vẻn vẹn trong buồng giấy để rồi bắt bộ đội phải nhai những tư tưởng cũ rích lạc hậu của họ và bán thuốc giả cho anh em uống” [1] .

Bài của Trần Công gây nhiều phản ứng trong cán bộ, chiến sĩ và một số anh em trong và ngoài bộ đội. Câu hỏi đặt ra là sự lãnh đạo của Phòng Văn nghệ Quân đội có sai hại đến mức như Trần Công nêu lên không? Nếu không thì trắng đen ra sao? Để góp phần làm sáng tỏ điều đó, tôi phát biểu một số ý kiến nhỏ đặt nó trong phạm vi góp ý kiến về lãnh đạo sáng tác vì tôi nghĩ rằng: Phê bình sự lãnh đạo về toàn bộ công tác văn nghệ trong quân đội là một việc vượt mức hiểu biết của tôi, hơn nữa phê bình sự lãnh đạo sáng tác tức là nói đến một mặt quan trọng của công tác lãnh đạo văn nghệ trong quân đội hiện nay.


Việc lãnh đạo sáng tác có những thiếu sót gì?

Trước hết là cấp lãnh đạo chưa thấy rõ tầm quan trọng của sáng tác, chưa thông cảm hết những băn khoăn thắc mắc của cán bộ văn nghệ để tạo điều kiện cho anh em sáng tác.

Kiểm điểm hàng ngũ văn nghệ trong quân đội hiện nay, ngoài một số ít văn nghệ sĩ từ ngoài chuyển vào còn phần lớn là xuất thân từ người chiến sĩ cầm súng chiến đấu. Trong kháng chiến mỗi người ở một đơn vị, một chiến trường khác nhau, hòa mình vào cuộc chiến đấu sôi nổi, ai nấy đều thấy mình lớn dần lên. Càng biết yêu biết ghét, càng thấy giá trị của cuộc sống, của con người, thì càng muốn sáng tác để nói lên sự nghiệp lớn lao của Đảng của quân đội. Khi tiếng súng ngừng rồi, mong muốn tha thiết nhất của anh em là được viết, được vẽ. Ngoài một số tác phẩm về kháng chiến, mỗi người ít nhiều đều có một số tài liệu gọi là "vốn liếng mười năm": mấy cuốn nhật ký, một tập ký họa, một số trang ghi vội trong từng đợt chiến dịch, trên những chặng đường hành quân. Đã đến lúc người văn nghệ cần bỏ cả trí tuệ và tâm hồn mình vào những vốn quý đó để có được những tác phẩm tốt. Đã đến lúc người văn nghệ hướng tất cả tấm lòng mình về lãnh đạo chờ đợi một sự giải quyết thỏa đáng. Một số anh em sáng tác ở các đơn vị lẻ xa sự chỉ đạo của cơ quan văn nghệ đã viết thư về nêu lên thắc mắc của mình, anh em văn nghệ sĩ chuyên nghiệp tập họp chung quanh Phòng Văn nghệ cũng đòi hỏi cấp lãnh đạo tổ chức những trại sáng tác, những cuộc họp mặt thảo luận một số vấn đề cần thiết như: người viết văn chuyển hướng thế nào, có nên viết chuyện kháng chiến cũ nữa không, thế nào là khô và ướt? Trước tình trạng đó cấp lãnh đạo đã nặng về mặt phát động phong trào văn nghệ cơ sở mà coi nhẹ việc chỉ đạo sáng tác, không thấy hết tầm quan trọng của sáng tác và tâm tư thắc mắc của những người phục vụ bộ đội bằng tác phẩm, do đó đã không kịp thời đề ra một số chính sách cụ thể tạo điều kiện cho người văn nghệ hoạt động. Khuyết điểm trên làm cho không khí hăng hái phấn khởi sáng tác giảm sút, khó khăn trở ngại càng nhiều. Ở đơn vị chiến đấu có đồng chí muốn có được đôi chút thời gian sáng tác đã phải giả ốm để được nằm lại nhà hoặc nửa đêm lẻn dậy viết. Ngay ở Phòng Văn nghệ, phần lớn anh em sáng tác không được làm công việc chính của mình mà phải chạy theo các công việc sự vụ, có đồng chí họa sĩ suốt một năm rưỡi không được vẽ vì bận các công việc phụ trách cơ quan, trang trí hội nghị, tổ chức triển lãm v.v… Có đồng chí viết văn phải bỏ dở cuốn tiểu thuyết của mình để làm công tác tổ chức để rồi hơn một năm sau vẫn chưa hoàn thành tác phẩm. Không sáng tác được, một số anh em bi quan về sự phát triển khả năng, đã sống gò bó trong sự dày vò về cả thể chất lẫn tình cảm, cằn cỗi như cây bị cớm mà nhẽ ra những cây đó có thể nảy ra hoa thơm quả ngọt nếu thuận nắng thuận mưa. Khuyết điểm trên hạn chế sáng tác của bộ đội trong một phạm vi nhất định. Nếu lãnh đạo đúng thì không những quân đội có 13 tác phẩm được giải thưởng vừa qua mà nhất định còn có nhiều tác phẩm tốt hơn nữa, phục vụ được quân đội nhiều hơn nữa.

Cấp lãnh đạo đã không kịp thời uốn nắn lối lãnh đạo gò bó giản đơn, hẹp hòi. Tôi quan niệm phạm vi lãnh đạo sáng tác không chỉ bó hẹp ở một số văn nghệ sĩ ở ngay Phòng Văn nghệ mà phải tới cả lực lượng sáng tác trong toàn quân. Nhìn tình hình chung mà xét, lối lãnh đạo gò bó, giản đơn, hẹp hòi đã cản trở nhiều sự phát triển sáng tác. Nhiều cán bộ quân chính còn nhìn nhận người làm văn nghệ bằng con mắt thành kiến cũ, tưởng như chỉ có mình mới nắm vững đường lối chính sách của Đảng nên đã thô bạo can thiệp vào sáng tác, gò sáng tác phục vụ trước mắt một cách hẹp hòi, đặt yêu cầu cho những sáng tác đó chỉ là làm vui thêm cho một buổi lên lớp ở bãi tập hoặc ở giảng đường. Có cán bộ còn thiếu ý thức tôn trọng sự tìm tòi lao động nghệ thuật, dễ dàng chụp tư tưởng ăn to, ham danh ham lợi cho người sáng tác. Khi bộ đội bắt đầu chương trình học tập chính quy, việc đánh thông phương châm sáng tác Phòng Văn nghệ làm không được thấu suốt nên ở nhiều đơn vị chiến đấu, cán bộ quân chính đã gò sáng tác vào đề tài chỉnh huấn quân sự một cách máy móc. Sáng tác nào cũng muốn nói lên bằng được những việc đã xảy ra ở thao trường, trong lớp học, tưởng như con người chiến sĩ trong hòa bình chỉ đơn thuần nghĩ đến học tập, khẩu súng, chiếc bia chứ không còn có mối quan hệ tình cảm nào khác với xã hội bên ngoài, tưởng như chỉ có những sáng tác về đề tài bộ đội học tập chiến thuật chiến lược mới thiết thực phục vụ bộ đội. Do quan niệm hẹp hòi đó nên ít nhắc nhở khuyến khích anh em sáng tác về đề tài kháng chiến và các đề tài khác để mở rộng kiến thức của chiến sĩ và để nói lên truyền thống anh dũng của quân đội ta.

Lối lãnh đạo giản đơn hẹp hòi trước đây còn tạo ra nhiều khó khăn về tổ chức khác nữa. Nó đã gò người cán bộ sáng tác sống theo một trật tự hẹp hòi của thứ thi hành điều lệnh máy móc, đòi hỏi người sáng tác phải làm việc theo lối bàn giấy, tám tiếng một ngày, phải học tập theo chế độ chung tùy từng cấp trung đội, đại đội mà không kể đến trình độ hiểu biết và khả năng của từng người cán bộ văn nghệ cũng như chiếu cố đến yêu cầu về sáng tác nữa.


Cần chấn chỉnh một số nhận xét lệch lạc nguy hiểm của Trần Công trong bài phê bình Phòng Văn nghệ Quân đội

Ở trên tôi đã nêu lên một số vấn đề về sự lãnh đạo sáng tác của cơ quan văn nghệ trong quân đội mà theo tôi là những khuyết điểm lớn đã làm cho hoạt động sáng tác có lúc ì ạch đi bước một, có lúc bị chững lại trong lúc quân đội ta đã dướn lên qua nhiều chặng đường dài và quần chúng chiến sĩ đòi hỏi phải có những sáng tác tốt nói lên tâm tư của họ. Khuyết điểm đó là do nhiều nguyên nhân nhưng tôi nghĩ nguyên nhân chính vẫn là do cấp lãnh đạo đã không nắm vững đặc điểm của lãnh đạo văn nghệ, chưa thấy rõ tầm quan trọng của sáng tác và chưa đánh giá đúng mức người cán bộ văn nghệ trong quân đội, những người đã từng qua nhiều cơn thử thách cao nhất, dính chặt cuộc đời tình cảm và nghệ thuật với quân đội, một lòng phục vụ quân đội đến cùng.

Để góp với lãnh đạo kế hoạch sửa chữa khuyết điểm trên, anh em công tác văn nghệ trong quân đội cũng như một số văn nghệ sĩ ngoài quân đội có nhiều gắn bó với quân đội đã lên tiếng.

Tôi đã đọc bài Trần Công. Tôi đồng ý với anh một số điểm nhưng không thể không nói đến một số nhận xét thiếu suy nghĩ, lệch lạc quá đáng và nguy hiểm của anh.

Vào bài, Trần Công đã bộc bạch lòng mình là nhìn Phòng Văn nghệ Quân đội một cách không đẹp lắm (!). Cách nhìn sẵn bực dọc ấy không những làm cho Trần Công chỉ thấy một chiều xấu về sự lãnh đạo mà còn bóp méo sự thật nữa.

“Một năm nay Phòng Văn nghệ Quân đội đã làm được những gì… làm thiệt hại của nhân dân những gì”… Trần Công buông ra một câu hỏi như người vừa qua một cơn mê loạn. Tôi phân vân không biết rằng Trần Công cố tình quên những việc mà bao nhiêu anh em văn nghệ chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp đã làm để góp phần xây dựng quân đội hay Trần Công không biết thật. Trần Công mới ra khỏi quân đội hơn một năm nay lại thường xuyên tiếp xúc với bạn bè của mình còn tại ngũ và thường tự nhận mình vẫn quý mến quân đội chẳng nhẽ lại sớm phủ nhận những thành công của Văn nghệ Quân đội sao? Một năm nay phong trào văn nghệ trong quân đội phát triển khá mạnh, hoạt động văn nghệ ở khắp các đơn vị phân tán cũng như tập trung đều có nhiều tiến bộ rõ. Lấy một đại đội làm thí dụ, trước kia chỉ lẻ tẻ vài ba chiến sĩ tham gia văn nghệ, sau khi phát động phong trào đã có hàng trăm chiến sĩ hò hát nhảy múa, làm thơ ca. Họ đã thấy không thể thiếu được những tối liên hoan, họ đã thấy văn nghệ cần như cơm như máu. Cùng với sự phát triển rộng khắp của phong trào, bao nhiêu đội văn công đã được thành lập và trưởng thành mau chóng, bao nhiêu tiết mục mới được dựng nên làm cho đời sống quân đội thêm vui tươi và góp cho nền nghệ thuật thêm phong phú. Cũng chỉ trong vòng một năm, hàng mấy trăm diễn viên hát múa, nhạc công được bổ túc bằng những lớp huấn luyện ngắn ngày. Trại sáng tác về anh hùng quân đội đã có kết quả tốt, mấy chục cán bộ sáng tác có dịp gặp nhau, học hỏi kinh nghiệm của nhau và hoàn thành tác phẩm của mình. Báo Văn nghệ Quân đội, báo ảnh Quân đội được cải tiến về hình thức cũng như nội dung, được chiến sĩ đón đọc và coi là món ăn không thể thiếu. Nói riêng về mặt sáng tác, ngoài hàng trăm tập san nhỏ do chiến sĩ văn nghệ đại đội làm ra phục vụ ngay đơn vị cơ sở, phải kể đến những tìm tòi, những cố gắng của Nguyên Ngọc với tiểu thuyết Đất nước đứng lên, của Nguyễn Khải với truyện Người con gái quang vinh, của Nguyễn Khắc Thư với truyện Anh hùng Lê Văn Thọ, của Đỗ Nhuận - Trần Quý với nhiều bài hát mới gần đây, của Mai Văn Hiến cùng nhóm họa sĩ với những bức tranh góp vào cuộc triển lãm mỹ thuật của Việt Nam ở nước bạn.

Những thành công trên và còn nhiều việc khác nữa tất nhiên còn thiếu sót. Tôi không cho những việc làm được đó đã là hoàn toàn đủ và tốt, nhất là về mặt sáng tác. Nhưng có thể chứng minh rằng những người làm công tác văn nghệ trong quân đội đã không ngủ một giấc ngủ một hai năm. Họ là những người biết suy nghĩ, nhiều suy nghĩ, luôn luôn lao động để phục vụ quân đội dù khó khăn thế nào cũng vẫn gắn bó với quân đội. Những việc đã làm được ấy không phải ngẫu nhiên mà có. Công việc Phòng Văn nghệ làm có tác dụng cụ thể trong việc động viên giáo dục chiến sĩ, được quần chúng công nhận và hoan nghênh càng không thể là “thuốc giả” hoặc “những tư tưởng lạc hậu, cũ rích mà họ bán, bắt anh bộ đội phải nhai” như Trần Công nói.

Báo Văn nghệ Quân đội có một số bài nhắc nhở chiến sĩ, cán bộ sáng tác về bộ đội chỉnh huấn. Tôi cho rằng đấy là một chủ trương đúng. Trước sau anh em làm công tác văn nghệ trong quân đội và cả những người có trách nhiệm lãnh đạo không hề có chủ trương lập một nền Văn nghệ Quân đội riêng biệt tách rời sự lãnh đạo của Hội Văn nghệ Việt Nam. Trong bài Khuyết điểm tại ai [2] đồng chí Tô Hải cũng đã nói điểm này. Văn nghệ Quân đội có đặc tính riêng của nó và cần phải có những sáng tác nói lên được con người bộ đội, những bước trưởng thành của quân đội… Lúc kháng chiến, ta viết về người chiến sĩ đánh giặc giữ nước, trong hòa bình ta vẫn tiếp tục viết về đề tài kháng chiến và còn nhắc nhau đi sâu vào đời sống thực của người chiến sĩ luyện tập, nói lên trung thực sâu sắc tâm tình của anh. Như phần trên đã nói, tuy có một số cán bộ quân chính ở đơn vị dưới có khuyết điểm hay gò sáng tác vào đề tài chỉnh huấn một cách máy móc nhưng nói chung sự lãnh đạo của cơ quan văn nghệ không hề bắt một cán bộ nào chỉ được sáng tác về đề tài chỉnh huấn. Sự thực thì trong năm qua, anh em sáng tác chuyên nghiệp ở Phòng Văn nghệ đã luân phiên nhau đi xuống đơn vị nghiên cứu và sáng tác về con người chiến sĩ trong học tập chính quy, đi tham gia cải cách ruộng đất để hiểu biết thêm về nông thôn, đi công trường, nhà máy, bờ biển để viết về sự kiến thiết của Tổ quốc. Sau những chuyến đi ấy, mỗi người đều có một thu hoạch về vốn sống cho sáng tác.

Hồ Phương và Vũ Cao đi nghiên cứu về đề tài bộ đội chỉnh huấn. Hồ Phương góp ý kiến viết về con người bộ đội hiện nay. Người văn nghệ có thiện chí bao giờ cũng trân trọng sự tìm tòi của bạn, lắng nghe ý kiến của bạn với một thái độ chân thành. Trần Công không thế. Trần Công đã cắt xén những ý kiến của bạn, vin vào đó để bóp méo sự thật về vấn đề lãnh đạo của Phòng Văn nghệ Quân đội và sau cùng đã nhận định bâng quơ: Hồ Phương vẫn thắc mắc, lo lắng một cách đáng thương (!).

Trần Công vẫn thấy “trong quân đội có một số cán bộ lãnh đạo vì đã chủ trương có một thứ văn nghệ riêng biệt nên đã có những hành động độc đoán, không đếm xỉa tới nguyện vọng và nhân phẩm của những anh em văn nghệ sĩ công tác trong quân đội”, hoặc “có một số nhà văn làm công tác nắm chính quyền ngồi vẻn vẹn trong bàn giấy”… Thậm chí gần đây Trần Công còn khẳng định “có một số văn nghệ sĩ trong quân đội đã nhẩy lên ghế lãnh đạo phong trào, thừa thế kết bè "làm láo, báo cáo hay" kìm hãm phong trào”… [3]

Tôi là một trong số anh em sáng tác ở đơn vị chiến đấu về phòng Văn nghệ Quân đội hơn một năm nay. Thấy rõ một số khuyết điểm của lãnh đạo, nhưng cũng thấy những cố gắng và tiến bộ chung của Phòng Văn nghệ Quân đội hiện nay, tôi càng thấy Trần Công có những nhận định mơ hồ, thiếu suy xét xem những lời nói của mình dựa trên cơ sở nào, đã đúng chưa. Trước đây, − ngày mà Trần Công ra khỏi quân đội − giữa một số văn nghệ sĩ trong Phòng Văn nghệ Quân đội đã có một số ý kiến bất đồng, cho đến kỳ học tập lý luận vừa qua, tập thể đã xác nhận những khuyết điểm của các cán bộ có trách nhiệm lãnh đạo từng bộ phận không phải xuất phát từ cái bệnh bè phái, tham quyền cố vị, chèn ép, như Trần Công nói trên giấy trắn mực đen.

Hiện nay tâm sự của những người làm văn nghệ trong quân đội là lo làm sao có sáng tác tốt phục vụ quân đội, lo trau dồi một đạo đức tốt đẹp xứng đáng là người làm văn nghệ chứ không ai lo cấp lãnh đạo không đếm xỉa tới nguyện vọng và nhân phẩm của mình. Quân đội là nơi đào tạo ra những người biết yêu, biết ghét, biết làm văn nghệ, là nơi có nhiều đề tài tốt để sáng tác nhưng quân đội cũng có nhiều hình thức khác nhau để giáo dục người thiếu tự trọng, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, làm thinh trước lẽ phải, muốn thấy mình mà không thấy chung quanh, muốn tác mình ra khỏi những quy tắc cần thiết nhất của tổ chức.

Nhìn những thiếu sót về lãnh đạo của Phòng Văn nghệ Quân đội, tôi không tách nó ra khỏi những khuyết điểm của lãnh đạo văn nghệ toàn quốc nói chung. Tôi suy nghĩ nhưng không sửng sốt, bàng hoàng. Tôi thấy một số đồng chí văn nghệ sĩ có nhiệm vụ thực hiện sự lãnh đạo của Đảng trong Phòng Văn nghệ Quân đội đã mắc nhiều khuyết điểm, tác phong quan liêu, đại khái, thiếu tinh thần trách nhiệm trong một số trường hợp cụ thể. Các đồng chí đó cần nghiêm khắc kiểm điểm nhưng dứt khoát họ không phải là những người xấu, cố bám lấy danh vị, kìm hãm phong trào. Phòng Văn nghệ Quân đội vừa qua những buổi kiểm điểm sôi nổi, anh em gần gũi nhau hơn, hiểu thêm tâm sự băn khoăn sáng tác của nhau, nhìn nhau là những người bạn chiến đấu và văn nghệ. Một năm nay, Phòng Văn nghệ Quân đội đã đi vào nền nếp, làm được một số việc cụ thể trong không khí đoàn kết. Đó là cơ sở cho việc sửa chữa khuyết điểm, nó sẽ vươn mình lên, không như lối nhìn một chiều đượm mầu ảm đạm, chua chát của Trần Công.


Mấy lời cuối bài

Lúc này mỗi người văn nghệ chúng ta đều muốn góp với lãnh đạo những ý kiến chân thành xây dựng. Tôi thấy bài của Trần Công không góp một ý nhỏ cho lãnh đạo sửa chữa khuyết điểm mà còn nêu lên nhiều điểm lệch lạc dễ cho người không thiện chí có chỗ khoét sâu thêm khuyết điểm của ta hoặc làm một số anh em có thể hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng.

Quân đội ta đang lớn lên mau chóng.

Người chiến sĩ trên thao trường chính quy hiện đại luôn luôn sẵn sàng hy sinh mình để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Gia đình quân đội sẵn sàng đón những người bạn văn nghệ đến với mình. Tôi tin rằng sau đây, cũng như trước đây đã thế, không những chỉ một số cán bộ văn nghệ trong quân đội viết về bộ đội mà còn nhiều văn nghệ sĩ ngoài quân đội viết về người chiến sĩ cầm súng nữa.

Tôi mạnh dạn nêu lên một số ý kiến, mong sẽ có nhiều anh em khác góp thêm nhiều ý kiến phong phú hơn, nhất là các bạn Văn nghệ Quân đội mới chuyển ngành và các văn nghệ sĩ quen biết từng có mặt ở các chiến dịch sẵn có mối cảm tình với quân đội.



[1]Xem bài: “Mấy ý kiến về vấn đề lãnh đạo của phòng Văn nghệ Quân đội” cuả Trần Công, báo Văn nghệ số 136 (nguyên chú)
[2]Bài “Khuyết điểm tại ai? Mấy ý kiến về bài cuả Trần Công nêu lên những thiếu sót về lãnh đạo của Phòng Văn nghệ Quân đội”, báo Văn nghệ số 141 (nguyên chú)
[3]Bài “Chống bè phái trong văn nghệ” cuả Trần Công, Nhân văn số 2 (nguyên chú).
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s. 143 (18.10.1956), tr. 7, 8. Lại Nguyên Ân biên soạn.