trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
30.7.2008
 
Mấy trăm phụ nữ Việt Nam lấy chồng phi pháp tại Thanh Viễn
Tam Dương dịch
 
Gần đây một số phóng viên tờ Tân khoái báo (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa) đã tới Thanh Viễn, [1] Quảng Đông, điều tra, phát hiện thấy một số vùng núi xa xôi hẻo lánh thuộc thành phố này có khá nhiều phụ nữ Việt Nam di dân tới ở. Theo giới thiệu của quan chức Phòng Dân chính huyện Thanh Tân, thành phố Thanh Viễn thì cho đến hiện nay, chí ít đã có tới hàng trăm phụ nữ Việt Nam “được gả” tới huyện này và đã sinh con đẻ cái. Các khu vực miền núi xa xôi khác của Quảng Đông như Thiều Quan, Mai Châu…, thậm chí tại các miền núi xa xôi của Quảng Tây cũng có hiện tượng tương tự.

Người phụ trách hữu quan của Phòng Dân chính huyện Thanh Tân biểu thị, hiện tượng phụ nữ Việt Nam nhập cảnh phi pháp, kết hôn phi pháp với đàn ông trong nước là nghiêm trọng, hiện nay chính quyền chỉ có thể thông qua chính sách giúp đỡ thôn dân bản địa thoát nghèo, đồng thời phối hợp cùng các bộ môn có liên quan tiến hành giám sát, quản lý người nước ngoài đã nhập cảnh, nhưng “tất cả những cái đó dường như không có hiệu quả”.


Hiện trạng: phụ nữ Việt Nam vào miền núi, chính quyền khó giám sát, quản lý

Huyện Thanh Tân là một trong một trăm huyện trọng điểm được giúp đỡ xóa đói giảm nghèo trong cả nước. Các phóng viên qua điều tra được biết, chí ít từ năm 1992 đã có một số phụ nữ Việt Nam thông qua môi giới phi pháp đã tới vùng miền núi xa xôi của huyện này kết hôn với đàn ông bản địa lớn tuổi, và sau đó đã sinh con đẻ cái.

Hà Trác Phi, người phụ trách Trung tâm Đăng ký Kết hôn Phòng Dân chính huyện cho biết, hiện nay dự đoán có tới mấy trăm phụ nữ Việt Nam có cuộc “hôn nhân xuyên quốc gia” với đàn ông bản địa, mà phần rất lớn trong số họ là vào Trung Quốc không thông qua con đường bình thường.

“Ba năm gần đây, đã có một số đàn ông bản địa ‘cưới’ phụ nữ Việt Nam đến Phòng Dân chính đăng ký kết hôn, nhưng cuối cùng cũng không thành công”, Hà Trác Phi nói, bởi vì hôn nhân của họ không thể đăng ký được theo pháp luật hiện hành của Trung Quốc. Tuy vậy về căn bản cũng chẳng có biện pháp gì ngăn chặn được hiện tượng này phát triển, mà trên thực tế thì những cuộc hôn nhân không có giấy chứng nhận kết hôn thì không được pháp luật bảo vệ. “Từ năm 1992 đến năm 2002 là thời kỳ phụ nữ Việt Nam nhập cảnh phi pháp vào lấy chồng với đàn ông bản địa rồi sinh con đẻ cái mạnh nhất”, Hà Trác Phi cho biết thêm và nói, nghe nói giữa Quảng Tây và Việt Nam có một khu mậu dịch tự do, người Việt Nam có thể tự do ra vào Trung Quốc, chính quyền rất khó quản lý.

“Quản lý và giám sát cũng không giải quyết được hiện tượng hôn nhân siêu quốc gia phi pháp giữa đàn ông bản địa với phụ nữ Việt Nam, bởi vì ở những vùng núi xa xôi đó, về căn bản chính quyền quản không nổi.” Một quan chức địa phương nói một cách ngượng ngập.


Nguyên nhân sâu xa: nam vì nghèo phải mua vợ, nữ vì nghèo phải ra đi

Hà Trác Phi nói: “Những địa phương phát sinh hôn nhân phi pháp phần lớn là vùng miền núi xa xôi, nghèo nàn, tại đó đàn ông đều rất nghèo, không có trình độ văn hóa gì, rất khó kiếm được vợ địa phương, có một số đàn ông dường như độc thân suốt đời.” Theo giới thiệu của Hà Trác Phi thì con gái địa phương đều muốn chạy đi nơi khác, tạo thành mất cân đối tỷ lệ nam, nữ tại chỗ, và phụ nữ Việt Nam nhập cảnh phi pháp đã là một bước ngoặt để số đàn ông này giải quyết vấn đề lấy vợ.

Trình độ trí thức thấp kém, ý thức pháp luật mờ nhạt, là “tính chung” của những người đàn ông Trung Quốc bỏ tiền ra “cưới” phụ nữ Việt Nam. Theo giới thiệu của một quan chức huyện này thì chính quyền địa phương đã không ngừng đả kích những vụ cưới phụ nữ Việt Nam phi pháp, nhưng rất nhiều người không biết đó là hành vi phi pháp. “Thậm chí có khi lấy vợ Việt Nam mang về giấu đi, đợi đến khi có con mới công khai.” Một điều nữa khiến các cơ quan thi hành pháp luật khó làm là hơn 10 năm nay, chính quyền địa phương không hề nhận được bất kỳ tố cáo nào của dân chúng.

So với những người đàn ông nghèo tại vùng miền núi xa xôi Trung Quốc, đời sống của đại bộ phận phụ nữ Việt Nam nhập cảnh phi pháp còn nghèo nàn hơn, họ đến Trung Quốc là để tìm kiếm cuộc sống mới. Và mặc dù mức sống của họ tại Trung Quốc cũng phần lớn ở dưới tiêu chuẩn nghèo của Trung Quốc, nhưng phần lớn họ không muốn về Việt Nam.

Tại cái nhóm người đặc biệt của họ này, chỉ cần bắt rễ vào nơi đang ở là có thể bắt đầu cuộc sống mới: kết hôn, sinh con, làm việc nông… Bà Nguyễn Kim Phượng, người Việt, đã ở trấn Hòa Vân 17 năm, cho biết cuộc sống ở đây khá lắm, mặc dù chỉ ở nhà gạch, thu nhập của gia đình chỉ dựa vào việc bán hàng tạp hóa và làm ruộng, nhưng đã có 3 người con gái như bà vẫn mỉm cười với cuộc sống. Họ không có quá nhiều yêu cầu, chỉ cần ăn no, mặc ấm, sống cuộc sống tương đối tốt là được rồi.


Giải quyết: thoát nghèo trở nên giàu và khống chế nhập cảnh

Qua điều tra, nhóm phóng viên hiểu được, ở một số huyện miền núi xa xôi thuộc Thanh Viễn, hiện nay các bộ ngành dân chính thông qua chính quyền đã giúp được một số nam giới có khó khăn trong hôn nhân thoát khỏi nghèo nàn để họ, về căn bản, giải quyết được vấn đề khó lấy vợ.

Nhiều quan chức huyện Thanh Tân còn biểu thị, chỉ cần các bộ môn có liên quan tăng cường giám sát và quản lý, khống chế người nhập cảnh ngay từ đầu nguồn, nhất là trong việc xuất nhập cảnh thì có thể đạt yêu cầu. Ở trong nước phải chú trọng cải thiện tình hình kinh tế của các địa phương đó, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người thì mới có thể ngăn chặn một cách có hiệu quả sự phát triển xấu của hôn nhân phi pháp.


Hai người phụ nữ Việt Nam [2] không hối hận với hôn nhân Trung Quốc

Bà Nguyễn Kim Phượng năm nay hơn 40 tuổi bị tổ chức “mẹ mìn” bán cho một người đàn ông nghèo ở Thanh Viễn, Quảng Đông, lớn hơn mình 13 tuổi, đã từ chỗ không ưa thích tới ưa thích, đã từ chỗ không thích ứng đến chỗ không bỏ được, bà đã sống ở thôn Hạ Kinh, trấn Hòa Vân, huyện miền núi Thanh Tân 17 năm và có 3 người con gái. Không có giấy chứng nhận kết hôn, thậm chí ngay đến chứng minh thư cũng không có, nhưng bà đã coi nơi đây là nhà mình. Chỉ tiếc là cho đến nay bà vẫn không có hộ khẩu Trung Quốc!

Bà cho biết, trước khi sang Trung Quốc bà sống tại một huyện nhỏ thuộc ngoại thành Hà Nội; sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở ở nhà bán hàng tạp phẩm, năm 24 tuổi bị người rủ đi làm xa, nhưng thực chất là bị lừa bán sang Trung Quốc. Trần Kỷ Tường, chồng bà Phượng nhớ lại, năm 1992 khi gặp bà Phượng ông đã 35 tuổi, “nhà rất nghèo, không cưới nổi vợ, có người giới thiệu có một phụ nữ Việt Nam chỉ cần bỏ ra 3000 Nhân dân Tệ [3] là có thể lấy về làm vợ, sau khi mà cả, ngã giá là 2500 NDT”. Trần Kỷ Tường đang rất muốn lấy vợ, sau khi thấy Nguyễn Kim Phượng, trẻ trung xinh đẹp, đã hạ quyết tâm vay họ hàng 2000 NDT, cộng với 500 NDT tiền để dành nhiều năm của mình, mua được Nguyễn Kim Phượng về.

Từ đó, hai vợ chồng chung sống hòa thuận, ngoài việc làm nông ra còn mở một cửa hàng nhỏ nên đời sống vật chất cũng dễ chịu. Họ đã có với nhau 3 người con gái, đứa lớn đã 16 tuổi đang học lớp 10 trung học phổ thông, đứa thứ hai 15 tuổi đang học trung học cơ sở, còn cô út năm nay 13 tuổi đang học lớp 5 tiểu học.

17 năm qua bà Phượng đã về thăm quê 3 lần (có lần có cả chồng, con cùng đi). Ông anh trai bà cũng đến thăm em gái 2 lần qua đường du lịch. Khi phóng viên hỏi gia đình ở Việt Nam có cần bà gửi tiền về hay không, bà Phượng đã nói, mẹ và anh trai tôi hiện nay sống ở nội thành, điều kiện tốt hơn tôi nhiều. Có lần tôi muốn gửi tiền cho mẹ nhưng rốt cuộc lại thành mẹ gửi tiền cho tôi.

Nguyện vọng tha thiết của bà Phượng là được có hộ khẩu Trung Quốc (3 cô con gái của bà với Trần Kỷ Tường đã có rồi), bởi vì bà có nguyện vọng ở đây mãi mãi với gia đình của mình.

Một người phụ nữ Việt Nam nữa đang sống ở huyện Thanh Tân, Thanh Viễn, tên là Hoàng Vỹ Trân, được dân địa phương gọi là “bà hoàng bán lạc” thì lại cho rằng: “Nếu được chọn thì vẫn chọn Trung Quốc vì ở bên tôi nghèo quá”.

Hoàng Vỹ Trân cùng chồng, con ở trong một căn phòng rộng chưa tới 15 mét vuông nhưng có gác phụ, nhà có TV, có xe máy… Khi phóng viên hỏi: “Bà có muốn về Việt Nam không?”, bà đã trả lời: “Chồng tôi không đánh tôi, đối xử với tôi rất tốt, hơn nữa hai đứa con trai cũng cũng đã lớn, nên tôi chẳng muốn về, tuy vậy rất nhớ nhà.”

15 năm qua, Hoàng Vỹ Trân đã về quê hai lần, lần gần đây nhất là vào tháng 6 năm 2007, “lần về đó mang theo 1500 NDT, bố mẹ tôi mừng lắm”.

Khi được hỏi vì sao không tính đến chuyện lấy chồng tại Việt Nam, Hoàng Vỹ Trân đã trả lời: “Bên chúng tôi nghèo lắm, chỉ có làm ruộng, cấy trồng được bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, ngoài ra không có thu nhập gì, có khi ngay gạo cũng không có mà ăn.”


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Thanh Viễn là một trong mười mấy địa khu - đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, trên cấp huyện - miền núi nghèo của Quảng Đông nên các huyện dưới nó còn nghèo hơn. (ND)
[2]Nói có mấy trăm phụ nữ Việt Nam lấy chồng tự nguyện hay không tự nguyện ở Thanh Viễn, sao gần ấy phóng viên mà chỉ giới thiệu được tình hình của hai người thôi? Sao không giới thiệu những mảnh đời bất hạnh, bị bán đi bán lại nhiều lần, bị đánh đập tàn nhẫn, bị trở thành gái điếm v.v…? (talawas)
[3]Một Nhân dân Tệ những năm 90 của thế kỷ trước khá lớn, theo tỉ giá không chính thức một USD lúc đó bằng khoảng 5,7 NDT. (ND)
Nguồn: Theo bài viết của các phóng viên VÆ°Æ¡ng Hoa Bình, Lê Trạm Quân, phóng viên thá»±c tập Tân Tiệp Khải. Lý Vịnh Kỳ, thá»±c tập sinh Hoàng Khải, Thầm Hoàng, Triệu Hồng Nhiên, đăng trên Tân khoái báo được mạng Tân Hoa chuyển tải ngày 25 tháng 7 năm 2008.