trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
31.7.2008
Trần Lê Văn
Chúng ta đã bàn tới những vấn đề gì trong Đại hội?
 
Để chuẩn bị Đại hội Văn nghệ Toàn quốc, báo Văn nghệ đã mở mỗi đợt phỏng vấn, một đợt tranh luận thu lượm ý kiến của các bạn văn nghệ sĩ và các bạn có cảm tình với văn nghệ về những vấn đề liên quan tới phong trào văn nghệ nước nhà.

Trong quá trình công tác văn nghệ, anh chị em chúng ta đã rút ra từ phong trào, từ hoạt động nghiệp vụ của mình nhiều kinh nghiệm, cảm thấy nhiều băn khoăn, ấp ủ nhiều mong ước. Những điều đã nói trong ngót năm tháng nay (từ số báo 122 đến số báo 144) mới chỉ là một phần những điều chúng ta muốn nói để xây dựng Đại hội. Trong bài báo này, chúng tôi không làm nhiệm vụ sơ kết, tổng kết gì, chỉ tạm hệ thống hóa và tóm tắt một số vấn đề chính để chúng ta cùng nhìn lại một cách khái những đợt thảo luận vừa qua. Trên trang Đại hội, chúng ta đã phát biểu ý kiến nhận định ưu điểm, nhất là nhược điểm và khuyết điểm của phong trào; bàn về phương châm đường lối sáng tác; phê bình lãnh đạo, tổ chức; có một số đề nghị cụ thể về chấn chỉnh tổ chức; bắt đầu đề cập tới những vấn đề cấp thiết nảy ra trong phong trào tranh luận sôi nổi hiện nay. Báo Văn nghệ còn thiếu sót, rụt rè trong việc khêu gợi ý kiến anh chị em, khuyến khích sự phê bình tranh luận mạnh dạn, bố trí từng đợt phát biểu cho có kế hoạch. Thành thử trang Đại hội từ trước tới nay không tránh khỏi tình trạng luộm thuộm, tắc trách và kém "kịp thời". Tuy nhiên, qua những ý kiến phát biểu chúng ta cũng thấy nổi lên một số vấn đề quan trọng. Một số ý kiến đã có khuynh hướng thống nhất với nhau. Ngoài ra còn những ý kiến khác nhau, trái nhau hoặc nêu ra mà chưa có sự bàn bạc, tranh luận. Sau đây là những vấn đề tương đối nổi rõ:


Vấn đề dân tộc tính

Chúng ta đều hiểu rằng văn nghệ của dân tộc nào phải mang cái bản sắc đặc biệt của dân tộc ấy mới góp phần xứng đáng vào kho tàng văn hóa chúng của nhân loại. "Cuộc sống tương lai là cuộc sống trong đó các dân tộc, các ngôn ngữ, các nền văn hóa đều nẩy nở phồn thịnh… Chủ nghĩa quốc tế vô sản xác nhận con người trong đặc tính dân tộc của mình, đồng thời nâng cao đời sống dân tộc tới một chừng mực mà xã hội tư sản không thể có được!” (báo cáo về thơ của Vuốc-gun ở Đại hội các nhà văn Liên-Xô lần thứ 2). Ở nước ta, trong một số ngành nghệ thuật còn cần phải tìm hiểu và phát huy mạnh thêm bản sắc dân tộc. Về mặt này các ngành họa, nhạc, kiến trúc đã lên tiếng…

Cuộc tranh luận về dân tộc tính trong hội họa có lẽ là cuộc tranh luận kéo dài nhất trên trang Đại hội từ trước đến nay. Thoạt tiên bạn Huy Toàn nêu thắc mắc: Dân tộc tính trong tranh của ta có những đặc điểm gì? Hướng phát triển của nó ra sao? Bạn Quang Phòng nói về "bản sắc dân tộc của hội họa Việt Nam", cho rằng "di sản của ông cha, gần như không có gì để lại", "bản sắc dân tộc của hội họa Việt Nam nói chung, kể từ Cách mạng tháng Tám ngược lên 20 năm trước có thể nói là chưa có… mặc dầu (trong thời Pháp thuộc) ta cũng có thể tìm thấy một số tranh, tuy rất ít, đã có ít nhiều bản sắc dân tộc", "trong Cách mạng và Kháng chiến, rất hiếm tranh có bản sắc dân tộc rõ rệt". Từ hòa bình trở lại − theo bạn Quang Phòng − "tranh có nhiều triển vọng vươn tới bản sắc dân tộc". Nhiều bạn họa sĩ (Phạm Văn Đôn, Sĩ Ngọc, Văn Bình,…) đã tiếp tục góp ý kiến nhưng vấn đề vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Cuối cùng, Quang Phòng và Đức Nùng cho biết "có nhiều điểm, trên chi tiết (các họa sĩ) đã đồng ý với nhau, thí dụ: sự liên quan giữa hội họa, kiến trúc, điêu khắc và các ngành nghệ thuật khác; sự chống đối của các họa sĩ ta (trong thời Pháp thuộc) không muốn chịu ảnh hưởng Âu tây…" Hai bạn Phòng và Nùng đặt lại vấn đề để thảo luận:
  1. Bản sắc dân tộc phải dựa trên cơ sở nào?

  2. Tiêu chuẩn bức tranh có bản sắc dân tộc?

  3. Bản sắc dân tộc của hội họa trong Cách mạng và Kháng chiến đã có đến mức nào?

  4. Nhận định đúng mức về vốn cổ. Khai thác và áp dụng vốn cổ như thế nào?
Như vậy là vấn đề còn cần được đào sâu thêm nữa, lý luận cần được vận dụng để soi sáng vào thực tế của ngành hội họa cũng như những ngành nghệ thuật khác ở nước ta, nêu thành những tiêu chuẩn, những nguyên tắc để định giá đúng dân tộc tính trong những sáng tác cũ và phát huy dân tộc tính trong những sáng tác mới.

Về nhạc và kiến trúc, cũng mới chỉ có những ý kiến bắt đầu. Các bạn nhạc sĩ, kiến trúc sư chưa phân tích cho chúng ta thấy rõ dân tộc tính trong hai ngành đó như thế nào. Tuy nhiên các bạn cũng đã góp ít nhiều ý kiến có ích chung cho mọi ngành.

Bạn Nguyễn Cao Luyện đề nghị Hội Văn nghệ chú ý hướng dẫn cho những công trình kiến trúc mới giữ vững và nâng cao được dân tộc tính, đối với những công trình cổ cần trân trọng bảo vệ. Việc này chắc Hội sẽ phối hợp lãnh đạo với những cơ quan hữu trách khác. Bạn Hoàng Việt nhạc sĩ Nam Bộ quan tâm đến việc khai thác vốn nhạc dân tộc, việc tìm hiểu đặc tính của nhạc miền Bắc, nhạc miền Nam để tiến tới bồi đắp một nền nhạc thống nhất của Việt Nam và nâng cao vốn dân tộc đó lên bằng cách áp dụng kỹ thuật tiền tiến của thế giới. Bạn Đặng Đình Hưng cho rằng "việc thể hiện dân tộc tính trong âm nhạc rơi vào khuynh hướng dân tộc một chiều". Nếu những bản nhạc của ta "chỉ phảng phất một số âm điệu cũ" thì chưa thỏa mãn được yêu cầu của quần chúng ngày nay. Cần phải "phát triển (dân tộc tính) theo chiều hướng khoa học". Bạn Hưng đặc biệt chú ý đến nhiệm vụ đề cao (bên cạnh nhiệm vụ phổ cập) của văn nghệ; "Nghệ thuật không thể tự thỏa mãn ở chỗ được sự hoan nghênh bằng cách khêu gợi vào khía cạnh thấp và lạc hậu của quần chúng. Phải phát huy những đức tính cao nhất dù mới chỉ là nẩy mầm. Đó là khoa học…". Tóm lại trong phương châm Dân tộc, Khoa học, Đại chúng, ba nhân tố cần phải kết hợp chặt chẽ với nhau, không thể nói đến dân tộc tính mà tách rời hai nhân tố kia.


Vấn đề phục vụ kịp thời

Khẩu hiệu "phục vụ kịp thời" có từ đầu kháng chiến. Chúng ta đều quan niệm rằng văn nghệ phục vụ chính trị, văn nghệ là một thứ binh chủng trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Nhưng hai chữ "kịp thời" áp dụng một cách gò bó, máy móc đã gây ra tình trạng "đẻ non", lóc cóc chạy theo chính sách, sự vụ chủ nghĩa, v.v… Cái vội vàng hấp tấp làm cho văn nghệ kém chiều rộng, chiều sâu và vì thế tác dụng phục vụ của nó cũng kém đi. "Có nhiều bạn viết lia lịa, viết theo yêu cầu của khoa mục luyện quân của đơn vị mình để mỗi tuần lễ nhất định phải kịp thời có một bài hát động viên chiến sĩ ném lựu đạn bắn trúng điểm đen hay bò, lăn, lê, toài… Về công việc chống hạn có những bạn chưa viết xong, hoặc viết ra vội vã, còn chưa ráo mực, chưa kịp in để phổ biến thì công việc chống hạn đã qua, nông dân ta đang gấp rút đắp đê phòng lụt, nghiêng đồng đổ nước ra sông…" (Văn Chung). "Sở dĩ có những bài thơ đọc xong người ta quên ngay, không để lại một âm hưởng gì vì nhà thơ sự vụ lầm cái kịp thời với cái nhất thời, tháng này làm một bài thơ là thấy xong một việc, tháng sau lại làm một bài khác hợp với "trọng tâm" mới rồi chính mình cũng không bao giờ muốn đọc lại những bài mình đã viết" (Trần Lê Văn). Nói chung chúng ta đều đồng ý với nhau rằng: vấn đề chính là văn nghệ sĩ cần có cái vốn sống súc tích, cần rung động với đề tài, cần thấm nhuần đường lối của Đảng thì sáng tác mới có thể thành công được. Sáng tác không phải là làm công việc minh họa chính sách, diễn ca chính sách. Công tác nghệ thuật là công tác xây dựng tình cảm con người. Làm cho con người biết yêu biết ghét đúng để thêm sức mạnh đấu tranh cho xã hội tiến lên, thế là phục vụ chính trị, phục vụ chế độ. Hai chữ "kịp thời" cần được quan niệm một cách rộng rãi. Nhưng rộng rãi đến chừng mực nào? Theo ý kiến của Hoàng Huế: "Những nghệ sĩ lớn như Nguyễn Du, Ban-dắc, Goóc-ki đã thể hiện được thời đại, con người thời đại và những vấn đề lớn của thời đại. Như thế nên tác phẩm của các bậc thiên tài ấy vẫn còn sống mãi và bao giờ cũng vẫn kịp thời". Hiểu rộng nghĩa như vậy thì khẩu hiệu "phục vụ kịp thời” có nên xóa hai chữ "kịp thời" mà chỉ để hai chữ “phục vụ” chăng? Hoặc giả cứ để hai chữ “kịp thời” nhưng hiểu ngầm chữ "thời" là thời đại chứ không phải là thời sự chăng?

Vấn đề "phục vụ kịp thời" còn làm nẩy ra vấn đề "tuyên truyền và nghệ thuật". Một số chủ trương rằng công tác tuyên truyền thời sự nên dành cho các cơ quan chuyên trách như Ty Văn hóa, Ty Tuyên truyền, còn những người sáng tác chuyên nghiệp thì không nên gò bó vào việc tuyên truyền thời sự. Ngược lại có người cho rằng tuyên truyền thời sự cũng là công tác của văn nghệ sĩ và có thể đạt tới mức nghệ thuật được (ý kiến của Phạm Quang Trân). Những vấn đề trên đây cũng cần được tiếp tục thảo luận nữa.


Vấn đề chống công thức

Bên cạnh một số tác phẩm tương đối thành công, phần lớn những tác phẩm văn nghệ của chúng ta mắc phải hai nhược điểm khá nghiêm trọng: công thức và sơ lược.

Một tác phẩm công thức là một tác phẩm viết theo một khuôn sáo nhất định, khuôn sáo trong cách nhìn nhận thực tế và thể hiện thực tế. Tác phẩm đó "mang sách vở giáo điều đóng khung cho đời sống sinh động, lấy lý luận chụp mũ cho tình cảm, đem ý muốn chủ quan gán ghép cho thực tế khách quan, gò bó nhân vật thành những điển hình giả tạo, méo mó gầy còm. Cuốn truyện công thức thường không sai đường lối chính trị nhưng nghèo nàn đến nỗi làm cho người đọc mất hết nguồn xúc cảm, và thực ra làm hại chính trị ở chỗ sống sượng đem khẩu hiệu tuyên truyền thay thế cho cuộc sống muôn màu muôn vẻ" (Lý Đăng Cao). "Đem khẩu hiệu tuyên truyền thay thế cho cuộc sống muôn màu muôn vẻ" là sơ lược hóa thực tế trong tác phẩm.

Bệnh công thức và bệnh sơ lược thường đi đôi với nhau như bóng với hình. Nguyên nhân của những bệnh đó cũng khá phức tạp. Về phía chủ quan, người văn nghệ sĩ công thức vốn nghèo chất sống lại quan niệm vấn đề phục vụ chính trị một cách thiển cận, tưởng rằng phục vụ chính trị có nghĩa là theo sát từng câu từng chữ của chính sách trong khi sáng tác. Thí dụ: nông dân tất nhiên phải trong sạch, địa chủ tất nhiên phải độc ác, cải cách ruộng đất xong tất nhiên nông thôn phải vui tươi sung sướng ngay, v.v…. Viết gì, vẽ gì cũng cứ theo đúng cái mẫu mực có sẵn ấy chẳng khác gì anh thợ mũ làm trăm cái mũ giống nhau cả trăm vì cùng rập theo một cái khuôn. Về phía khách quan, một số khá đông cán bộ chính trị và cán bộ văn nghệ non nớt về lý luận, độc đoán trong tác phong đã kìm hãm phong trào văn nghệ trong cái lồng công thức suốt một thời gian khá dài.

Chúng tôi đồng ý với bạn Vĩnh Mai là "về phía anh em văn nghệ sĩ, phải hòa mình vào một cuộc đấu tranh (của nhân dân), học tập trau dồi kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của nhân dân; mặt khác phải đấu tranh với quan niệm hẹp hòi, máy móc của một số cán bộ chính trị. Bề ngoài, số anh em ấy vẫn nói là văn nghệ phục vụ chính trị nhưng trên thực tế công tác cũng như đi sâu vào tư tưởng, số anh em ấy đánh giá không đúng tác dụng của văn nghệ là giáo dục tư tưởng và tình cảm, mà xem văn nghệ là một trò mua vui sau những lúc công tác và hội nghị".

Hiện nay phong trào tranh luận để mở rộng đường lối sáng tác, thực hiện phương châm trăm hoa đua nở đang sôi nổi. Nó hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở một phần dưới.


Vấn đề phê bình văn nghệ

Phê bình văn nghệ là một công tác rất cần thiết để thúc đẩy văn nghệ tiến lên. Nó đánh giá đúng những tác phẩm của văn nghệ sĩ. Nó hướng dẫn quần chúng trong việc thưởng thức văn nghệ. Nó đại diện cho quần chúng vạch đường lối văn nghệ. Công tác phê bình văn nghệ của ta từ trước tới nay còn yếu. Nguyên nhân chính có lẽ không phải là tại chúng ta thiếu những cây bút phê bình sắc bén mà là tại chúng ta còn coi nhẹ công tác phê bình. Khuyết điểm của lãnh đạo là chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phê bình. Ở điểm này, ý kiến của bạn Trần Thanh Mại có nhiều phần xác đáng: "Những khi ấy (khi phê bình văn nghệ) chúng ta chỉ nhằm một nhiệm vụ chính trị trước mắt: nào như cần lái lại một vài dư luận, đánh thông một vài thắc mắc, ổn định một vài hoang mang thế thôi". Một bạn nói thêm rằng: "Có những hiện tượng không thuận lợi cho sự phát huy tự do tư tưởng trong phê bình văn nghệ. Một vài quan niệm hẹp hòi làm cho chúng ta có thái độ e dè thế này, khắc nghiệ thế kia, thậm chí có khi áp chế phê bình nữa". Xét lại từ cuộc phê bình thơ Tố Hữu bị chặn lại đến cuộc phê bình thơ Trần Dần biến thành cuộc "đấu" thì ta thấy rõ sai lầm khuyết điểm của lãnh đạo đối với công tác phê bình.

Muốn đẩy mạnh phong trào phê bình văn học cũng như phê bình nói chung, sự phát huy tự do tư tưởng, tinh thần chí công vô tư là những điều kiện không có không được.


Vấn đề bồi dưỡng chuyên môn

Nói chung các ngành, văn nghệ sĩ ít được bồi dưỡng về chuyên môn. Phần đông làm nghiệp vụ mò mẫm theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa. Muốn nâng cao phẩm chất của sáng tác theo kịp với nhu cầu của thời đại, việc học tập lý luận, trau dồi kỹ thuật là một trong những việc trọng yếu của văn nghệ sĩ. Các bạn Lan Sơn, Thụy An (ngành văn), Trần Công (điện ảnh), Sĩ Ngọc (họa), Trung Vũ (đoàn ca múa nhân dân), Nguyễn Thị Kim (điêu khắc), Nguyễn Hữu Hiếu (nhạc)… đều tha thiết đề nghị Đại hội chú ý đến việc này. "Cần bồi dưỡng cả cho già lẫn trẻ. Già thi tiêm thuốc cải lão hoàn đồng, trẻ thì dùng thuốc bổ cho phát triển sức nhớn. Đừng để già lụi dần, mà trẻ thì dường như không cần thuốc bổ cho nhớn hơn nữa." (Sĩ Ngọc).

Chúng ta cần phải luôn trao đổi với nhau những hiểu biết về lý luận văn nghệ, những kinh nghiệm sáng tác, tổ chức những cuộc học tập tranh luận có tính chất nghiệp vụ một cách thật chu đáo.

Trên trang Đại hội, trong những số báo gần đây, có một đôi bài đi vào hướng đó một cách tương đối sâu sắc và có suy nghĩ. Huy Phương nêu lên vấn đề "phê bìnhđả kích, một mặt của chủ nghĩa hiện thực". Những tác phẩm công thức, ca ngợi hời hợt và một chiều phần nhiều không hiện thực. "HIện thực xã hội chủ nghĩa gồm có hai mặt: một là ca ngợi cuộc sống mới, đề ra triển vọng và hướng đi lên của xã hội v.v… đó là mặt tạm gọi là xây dựng và lãng mạn cách mạng; thứ hai là: phê phán những tàn tích của xã hội cũ, đả kích những tệ tục còn tồn tại hoặc mới nẩy nở ngay trong quá trình phát triển của cách mạng, v.v… đó là mặt phê bình, (hoặc gọi là phê phán đả kích). Lác đác gần đây trên báo Văn nghệ có thấy đăng một số thơ của Mai-a, truyện của Sê-khốp đả kích những kẻ nịnh hót, đạo đức giả. Rồi đến những mẩu châm biếm nhỏ trong mục “Nụ cười”. Những "nụ cười" này chỉ mới là những cái cười hiền lành cũng đã gây phản ứng trong một số người đọc… Sự phản ứng của một số chúng ta đôi khi hơi khe khắt, thiếu độ lượng, thậm chí đi đến chỗ qui kết chụp mũ cho nhau chứng tỏ chúng ta đã "mất thói quen" đối với loại văn đó".

Bạn Huy Phương đề nghị đặt thành vấn đề tranh luận rộng rãi để đi đến chỗ thống nhất ý kiến. Chúng tôi rất đồng ý với bạn Huy Phương. Nếu không thông với nhau ở điểm này thì sáng tác sẽ còn mắc míu nhiều, vấn đề hiện thực trong văn nghệ của ta sẽ còn mắc míu nhiều. Bạn Quang Dũng góp "mấy ý nghĩ về thơ" cũng đi sâu vào những nguyên nhân làm cho "nguồn thơ chưa bắt được vào mạch sống, chưa có chất máu đỏ tươi, hơi thở khổng lồ của cuộc đời hiện tại" làm cho "tiếng nói chỉ là phụ họa mà không có được cái giá trị sáng tạo đóng góp cho cách mạng". Chúng ta cần nghiên cứu phê bình thêm nữa, thêm nhiều nữa để đánh giá đúng thơ ca của ta hiện nay và gạt bỏ những trở ngại đã làm cho thơ ca (cũng như các bộ môn khác) chậm tiến.

Về loại góp kinh nghiệm sáng tác cũng còn ít ỏi lắm. Bài "Gắn liền với thời đại chúng ta" của bạn Tế Hanh nêu ra một số kinh nghiệm của bạn trong quá trình làm thơ từ Cách mạng tháng Tám đến nay. Bài "Vì sao kịch bản còn yếu" của Ngọc Đĩnh và một vài bài khác cũng nêu được những kinh nghiệm bản thân của văn nghệ sĩ.

Việc bồi dưỡng chuyên môn cần thực hiện bằng nhiều phương pháp. Chắc Đại hội sẽ đưa vấn đề này ra để nghiên cứu chung.


Vấn đề văn nghệ ở các địa phương, các ngành, các giới

Văn nghệ của chúng ta là văn nghệ nhân dân. Nó không phải công việc riêng của một số văn nghệ sĩ ở Hội và xung quanh Hội. Vấn đề xây dựng văn nghệ từ cơ sở, cho cơ sở là vấn đề thiết yếu. Trên trang Đại hội đã thấy phản ảnh những thắc mắc, những đòi hỏi, những đề nghị của các địa phương, các ngành, các giới.

Về văn nghệ ở các địa phương, một vài bạn đã góp ý kiến (xem bài "Cần có chính sách giúp đỡ anh chị em ở các tỉnh sáng tác" của Hoài Giang, bài "Mấy ý kiến về công tác văn nghệ dân tộc thiểu số" của Nông Quốc Chấn, v.v…)

Về văn nghệ ở các ngành hoạt động của xã hội, có ý kiến của bộ đội (xem bài "Viết về bộ đội" của Hồ Phương; bài của Tô Hải nói lên những thắc mắc của anh em văn nghệ chuyên nghiệp trong quân đội, v.v…); của công nhân (xem bài "Góp ý kiến viết về công nhân" của Anh Tuấn); của giáo giới (xem bài của Nguyễn Quang Vinh có đoạn "tác dụng của các văn nghệ sĩ đối với nhà trường", v.v…). Về văn nghệ cho các giới và của các giới cũng có một số ý kiến tiêu biểu (xem bài "Văn học với thanh thiếu nhi" của Hoàng Quyết; bài "Vận động văn nghệ trong phụ nữ" của Phan Thị Nga, v.v…)

Để phát triển và tăng cường tính chất quần chúng của văn nghệ ta, mong Đại hội đặt thành vấn đề nghiên cứu, thảo luận.


Một số vấn đề cấp thiết của phong trào tranh luận hiện nay

Vấn đề phê bình lãnh đạo

Tháng 8 vừa qua, Hội Văn nghệ tổ chức một lớp nghiên cứu lý luận ngắn kỳ cho anh chị em. Đặc điểm của lớp này là: nhân liên hệ lý luận với thực tế, chúng ta đã thành khẩn hăng hái phê bình lãnh đạo, thành khẩn hăng hái như chưa từng thấy. Không khí phê bình ngùn ngụt. Bao nhiêu thắc mắc, ấm ức trong chín mười năm đối với những sự việc, những cá nhân lãnh đạo hẹp hòi, độc đoán, quan liêu, mệnh lệnh đã làm cho phong trào văn nghệ ì ạch, chậm tiến, chúng ta đã nói ra. Nói ra chẳng phải để cho "hả" mà chính là để góp phần xây dựng Đại hội, chấn chỉnh tổ chức. Phong trào phê bình ấy đã trở nên công khai. Nó kết hợp với phong trào phê bình chung từ dưới lên trên của nhân dân, của các tổ chức của Đảng và Chính quyền. Nó trở nên công khai trên một ít cơ quan ngôn luận như báo Nhân văn và tập san Giai phẩm. Ngoài một vài thái độ lệch lạc khó tránh nó có cái đúng căn bản là duyệt lại cái cũ để xây dựng cái mới.

Chính trên trang Đại hội, rải rác từ trước đến nay cũng đã có những ý kiến phê bình lãnh đạo. Thí dụ bài "Hội cần phải mạnh dạn tự phê bình" của Nguyễn Bính (Văn nghệ số 125), bài "Mấy ý kiến về lãnh đạo của phòng Văn nghệ quân đội" của Trần Công, số 136). Tuy nhiên trên trang Đại hội, không khí phê bình cũng còn êm ả lắm, so với phong trào chung lúc này. Phong trào phê bình chung có hiệu lực của cái đòn bẩy. Lãnh đạo đã dần dần nhận ra và đã công khai tự phê bình, ở mức này hay mức khác (xem bài "Tôi đã sai lầm như thế nào trong việc phê bình bài ‘Nhất định thắng’ của anh Trần Dần" của Hoài Thanh, số báo 139; bài "Một vài sai lầm khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ" của Nguyễn Đình Thi; bài "Giải thưởng Văn học 54-55" của Nguyễn Tuân, số báo 140).

Việc phê bình và tự phê bình góp phần tạo điều kiện tốt cho Đại hội thành công.

Vấn đề "trăm hoa đua nở"

Báo Văn nghệ đã đề cập tới vấn đề này. Chúng ta đã đăng tài liệu "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" của Lục Định Nhất, bạn Lê Đại Thanh đã góp ý kiến hưởng ứng phương châm "trăm hoa đua nở": "Chỉ có trên cơ sở phát triển văn nghệ tự do trên mọi mặt mới đảm bảo được sự nảy nở phong phú của văn nghệ". Vấn đề này, báo Văn nghệ sẽ nêu lên để chúng ta thảo luận tiếp.

Vấn đề phê bình Nhân văn, Giai phẩm

Những số báo gần đây nhất có đăng những bài phê bình một số bài trong báo Nhân văn và tập san Giai phẩm. Theo ý kiến riêng tôi, đối với phong trào phê bình của quần chúng mới nhóm lên, tờ báo Văn nghệ nên có thái độ khuyến khích và mở rộng tranh luận, cần phản ảnh những chiều hướng khác nhau, nhiều khi va chạm xung đột nhau. Có như vậy mới gọi là tranh luận và mới nảy ra ánh sáng. Chính báo Văn nghệ cũng phải có phần tích cực trong cuộc đấu tranh tư tưởng một mặt góp ý kiến phê bình xây dựng lãnh đạo hơn nữa, một mặt thành thật tiếp thu những ý kiến đúng của quần chúng.


Kết luận

Nói chung lại từ Cách mạng thánh Tám đến nay, Văn nghệ của chúng ta đã trưởng thành, về bản chất nó hơn hẳn văn nghệ của đế quốc, phong kiến ở chỗ nó phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân, phục vụ Cách mạng, phục vụ Tiến hóa. Nó đã đạt được một số thành tựu về mặt sáng tác. Nó đã đi vào nhân dân quần chúng và có mặt ở từng chặng đường chiến đấu gay go của dân tộc trong những ngày kháng chiến vừa qua. Nó đã làm nảy nở bên cạnh những tài năng cũ, một lớp tài năng mới. Đúng như bạn Lưu Trọng Lư nói: "Đó là một đặc điểm của sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng".

Nhưng qua những cuộc phê bình gần đây, qua những ý kiến phát biểu trên trang Đại hội trong vòng 5 tháng nay, chúng ta thấy những nhược điểm khuyết điểm cần kịp thời khắc phục. Trên những nét lớn, có thể quy lại mấy điểm:
  • Chúng ta còn thiếu một lý luận thật vững chắc làm cơ sở cho mọi hoạt động văn nghệ.

  • Lãnh đạo mắc nhiều sai lầm làm cho văn nghệ ta đáng lẽ tiến hơn nữa thì vẫn ì ạch trong bấy nhiêu năm luẩn quẩn trong chủ nghĩa công thức, chủ nghĩa sơ lược.

  • Tự do dân chủ, tự do tư tưởng kém phát huy làm cho không khí văn nghệ trải qua một thời gian ngột ngạt.
  • Việc bồi dưỡng đào tạo con người văn nghệ vừa lệch lạc vừa thiếu sót làm cho tài năng khó phát triển đến cao độ.

  • Bản thân văn nghệ sĩ có một số chưa thật say mê với nghề nghiệp, đã có những lúc tiêu cực, kém phấn đấu để làm tròn cái chức trách cao cả "kỹ sư tâm hồn". Riêng về trang Đại hội của báo Văn nghệ đã thu lượm được những ý kiến dồi dào và bổ ích của anh chị em nhưng việc hướng dẫn tổ chức tranh luận còn mắc những khuyết điểm: gặp đâu hay đấy, kém theo dõi, thúc đẩy và còn có phần chủ quan, một chiều, ngại trước e sau.
Tôi tin rằng trong đợt tranh luận sắp tới mọi vấn đề nêu ra chúng ta sẽ đào thật sâu, phát biểu ý kiến thật chắc, thành khẩn và dũng cảm phát huy tự do tư tưởng. Như vậy là một cách thiết thực và tích cực chuẩn bị Đại hội Văn nghệ Toàn quốc.

Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Nội, s. 145 (2.11.1956), tr. 5, 11; s. 146 (9.11.1956), tr. 5. Lại Nguyên Ân biên soạn.

*


Phụ lục
Văn nghệ
Hoàn thành việc chuẩn bị Đại hội Văn nghệ Toàn quốc

Sau năm tháng chuẩn bị, ngày họp Đại hội Văn nghệ Toàn quốc đã tới gần. Đại hội năm nay của văn nghệ Việt Nam được sự theo dõi sôi nổi của mọi giới trí thức và đông đảo quần chúng vì nó mở ra nhiều phương hướng mới về tư tưởng và nghệ thuật, có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của cả xã hội ta trong lúc này. Anh chị em văn nghệ sĩ đều hết sức trông chờ Đại hội giải quyết những vấn đề cấp thiết về đường lối, chính sách và tổ chức, để đẩy mạnh phong trào văn nghệ của chúng ta lên một bước mới.

Việc phát huy dân chủ và phê bình lãnh đạo văn nghệ đã làm nổi bật lên một số vấn đề mấu chốt và vạch ra những sai lầm khuyết điểm kéo dài trong công tác của Hội Văn nghệ Việt Nam. Đó là những quan niệm giản đơn, máy móc về quan hệ giữa chính trị với văn nghệ, đưa tới những xu hướng công thức, sơ lược trong sáng tác và phê bình, đó là bệnh hẹp hòi bè phái về tư tưởng và tổ chức, đi kèm với lối làm việc thiếu dân chủ và tập thể, gây ra những hành động độc đoán, tùy tiện, coi thường công trình sáng tạo nghệ thuật và người văn nghệ sĩ. Những sai lầm khuyết điểm đó đã làm tổn thương đến sự đoàn kết của anh chị em văn nghệ, và làm kìm hãm sự sáng tác trong nhiều năm.

Trong các cuộc họp, trên báo chí, đã diễn ra những cuộc tranh luận gay go. Có một vài thái độ nóng nảy đáng tiếc và một vài quan niệm còn lẫn lộn, có một số biểu hiện tư tưởng sai lầm lệch lạc, nhưng dần dần, việc thảo luận và phê bình đã làm sáng rõ được một số ưu khuyết điểm chính của phong trào văn nghệ hơn mười năm qua, giúp chúng ta đánh giá các tác phẩm một cách đúng đắn hơn, và rút ra được những bài học thành công có giá trị cũng như những bài học thất bại đau đớn. Các cơ quan chỉ đạo của Hội Văn nghệ, Phòng Văn nghệ quân đội, Vụ Nghệ thuật, v.v… đã bước đầu kiểm điểm và sửa chữa. Việc kiểm điểm đó còn đang tiếp tục. Đại hội sắp tới sẽ kiểm điểm phong trào văn nghệ từ ngày Cách mạng một cách toàn diện và sâu sâu sắc hơn.

Hiện nay, các ngành (Văn, Hội họa và Điêu khắc, Kiến trúc, Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh) đang ráo riết chuẩn bị cơ sở để tiến tới thành lập những hội riêng của từng ngành. Các Ban vận động hoặc Ban phụ trách lâm thời của ngành đã được thành lập, những bản dự thảo điều lệ, chế độ công tác và sáng tác v.v. bắt đầu đưa ra thảo luận rộng rãi. Các tiểu ban trù bị Đại hội căn cứ vào kết quả những cuộc thảo luận vừa qua, đang hoàn thành các bản báo cáo. Một số anh chị em đang chuẩn bị viết những bài phát biểu ý kiến ở Đại hội. Việc chuẩn bị chung đã tới giai đoạn gấp rút.

Để góp phần xây dựng Đại hội, báo Văn nghệ đề nghị các bạn gần xa tập trung thảo luận vào một số vấn đề chính đã được phát hiện trong mấy tháng vừa qua.

1. Về đường lối, phương châm văn nghệ, nổi bật nhất là vấn đề quan hệ giữa chính trị với văn nghệ: mối quan hệ đó như thế nào là đúng? Văn nghệ phục vụ chính trị như thế nào? Phương thức lãnh đạo văn nghệ cần phải như thế nào? Làm thế nào để phát huy tự do sáng tác? Phương châm "Trăm hoa đua nở" như ở Trung Quốc đề ra gần đây có áp dụng được ở Việt Nam không hoặc áp dụng như thế nào?

Một vấn đề thứ hai đang có rất nhiều thắc mắc là vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa. Văn nghệ nói sự thực như thế nào? Nói cái tốt, cái xấu như thế nào? Có thể chỉ tập trung vào phê bình cái xấu không? Biểu hiện con người phải như thế nào? Phương hướng xây dựng những điển hình tích cực có còn đúng không?

Vấn đề khai thác và phát triển những hình thức văn nghệ dân tộc đã được trao đổi nhiều trong những ngành mỹ thuật, âm nhạc, và sân khấu, nay cần tiếp tục được thảo luận thêm.

2. Về chính sách đối với văn nghệ sĩ: Trong xã hội mới của chúng ta, vị trí xã hội của văn nghệ sĩ phải như thế nào? Cần những chính sách cụ thể nào để tạo điều kiện và giúp đỡ văn nghệ sĩ sáng tác cho có kết quả (việc đi vào thực tế, việc học tập và bồi dưỡng về chính trị và chuyên môn, việc bảo đảm quyền lợi tinh thần và vật chất, việc tổ chức sự sáng tác, chính sách xuất bản, v.v…)


3. Về tổ chức của văn nghệ: Tính chất, nhiệm vụ các hội văn nghệ sĩ sẽ thành lập nay mai cần như thế nào? Thành phần và tiêu chuẩn hội viên? Tổ chức của hội? Chế độ công tác và sáng tác cho các văn nghệ sĩ nên như thế nào? Làm thế nào để "giải phóng" mọi lực lượng sáng tác ra khỏi công việc sự vụ hành chính? (Về những vấn đề này, đã có những dự án của từng ngành làm cơ sở đầu tiên để thảo luận).

*


Chúng tôi chắc rằng những cuộc thảo luận trên báo, kết hợp với những cuộc trao đổi ý kiến rộng rãi trong các ngành sẽ tạo nên "không khí Đại hội" ngay trong những ngày sắp tới. Đó là bầu không khí thảo luận tự do, sôi nổi, phê bình và tự phê bình mạnh bạo, đó là bầu không khí đấu tranh thẳng thắn để tìm ra lẽ phải và chân lý. Đó cũng là bầu không khí đoàn kết của những người cùng chung lý tưởng, và cùng chung trách nhiệm đối với tương lai văn nghệ nước nhà.

Giữa chúng ta hiện nay có những điểm nhất trí và những điểm không nhất trí. Có cả những mâu thuẫn. Nhưng nhất định đó là những mâu thuẫn sẽ giải quyết để đi tới một bước trưởng thành mới.
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s. 145 (2.11.1956), tr. 5. Lại Nguyên Ân biên soạn.