trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
4.8.2008
Hồng Vân
Xung quanh nhóm Pơ-rô-lê-cun và các nghị quyết về văn học của Đảng
 
Trên báo Văn nghệ số 145 ông Nguyễn Hữu Đang có viết một bài "Từ Pơ-rô-lê-kun đến trăm hoa đua nở". Bài báo đó giúp cho bạn đọc ít nghiên cứu văn học sử Xô-viết hiểu thêm tài liệu về một nhóm văn hóa phạm nhiều tư tưởng sai lầm tự xưng là "văn hóa vô sản" mà Đảng Cộng sản (b) Liên Xô đã đấu tranh kiên quyết chống lại. Bài báo đó cũng làm sáng tỏ thêm cho giới văn nghệ Việt Nam những khuynh hướng sai lầm mà chúng ta không nên phạm lại trong phong trào văn nghệ của chúng ta. Bài học của bạn là bài học của ta. Ông Nguyễn Hữu Đang viết lên với tinh thần ấy, rất đang hoan nghênh.

Vốn là người tha thiết nghiên cứu học tập văn học Xô-viết, nên tôi đã tìm đọc kỹ bài báo của ông Đang. Nhưng ngoài nhiều ý kiến đúng ra, tôi thấy có một số nhận định chưa thật đầy đủ, một ít tài liệu chưa thật chính xác, một số ý kiến có thể làm cho người đọc hiểu lầm. Vì thế tôi mạnh dạn viết bài này góp ý kiến thêm với ông. Bài viết của ông Đang gồm nhiều phần, đề cập đến những vấn đề đường lối văn nghệ. Trong bài này tôi chỉ góp ý kiến với ông xung quanh nhóm Pơ-rô-lê-kun và quyết nghị văn học của Đảng mà ông đã viết trong bài một.


1. Thực chất của nhóm Pơ-rô-lê-kun

Nói chung về sự hình thành và những khuynh hướng chính của nhóm Pơ-rô-lê-kun như "cắt đứt với dĩ vãng", muốn lập "một nền văn hóa thuần vô sản", "coi sáng tạo nghệ thuật như sản xuất máy móc", "đòi tự do và độc lập với chính quyền Xô-viết", v.v… mà ông Đang đã viết tôi đều đồng ý. Ở đây tôi không dài dòng nhắc lại những ý kiến đúng của ông cũng như không phân tích lại những khuynh hướng "tả khuynh máy móc" đó của nhóm Pơ-rô-lê-kun. Nhưng sự phân tích của ông Đang chưa đầy đủ, chưa vạch rõ được bản chất của những sai lầm về tư tưởng của nhóm Pơ-rô-lê-kun. Thực ra dưới nhãn hiệu là "văn hóa vô sản" nhóm Pơ-rô-lê-kun do thành phần và chủ trương của họ, đã mang nặng những tư tưởng tư sản mà Lê-nin và Đảng cộng sản đã nhiều lần chỉ trích.

Trong bức thư gửi cho nhóm "Pơ-rô-lê-kun" ngày 1-12-1920 công bố ở báo Chân lý, Đảng Cộng sản (b) Nga đã vạch rõ:

"Những phần tử phái vị lai, những phần tử phái đổ phế, những người bảo vệ cho triết học duy tâm chống chủ nghĩa Mác cho đến cả những người thất ý trong dư luận tư sản và triết học tư sản đang ra hiệu lệnh, đang chủ trì tất cả trong nhóm Pơ-rô-lê-kun". [1]

Cũng trong bức thư đó, Đảng đã vạch rõ bản chất của tư tưởng nhóm Pơ-rô-lê-kun:

"Về triết học, dưới nhãn hiệu văn hóa vô sản, đã đem quan điểm tư sản (chủ nghĩa Mach) vào giai cấp vô sản, về lĩnh vực nghệ thuật, đã vun trồng mọi thứ tập tục lệch lạc, điên đảo, láo dối đến cực độ (chủ nghĩa vị lai)." [2]

Ngay từ năm 1919 trong Đại biểu đại hội giáo dục toàn Nga, Lê-nin đã nói:

"Thứ thái độ kỳ quặc, quái đản lại mạo nhận là cái mới, còn nấp dưới nhãn hiệu nghệ thuật thuần vô sản, văn hóa vô sản để đem đến cho độc giả những thứ vụng về rỗng tuếch". [3]

Tất cả những nhận định trên đây vạch rõ thực chất tư tưởng của nhóm Pơ-rô-lê-kun khoác ngoài cái áo văn hóa thuần vô sản. Trong bài viết của mình, không phải Nguyễn Hữu Đang không nói đến; ông đã viết: "Nhưng Cách mạng tháng Mười thành công chưa được bao lâu thì một mặt những phần tử tư sản thất thế chui vào tổ chức này để nhân danh văn hóa vô sản mà phá hoại công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Liên-xô…" Nhưng ông viết ít quá, sơ lược quá, dẫn chứng về biểu hiện tư tưởng không đầy đủ để người đọc có thể hiểu hơn thực chất của nhóm Pơ-rô-lê-kun đúng như Đảng cộng sản Nga đã vạch rõ, chính những phần tử tư sản này mới là bọn cầm cương nẩy mực "ra hiệu lệnh, chủ trì tất cả nhóm văn hóa vô sản".


2. "Tự do" và "độc lập" kiểu Pơ-rô-lê-kun

Một trong những xu hướng bộc lộ rõ rệt thực chất của nhóm Pơ-rô-lê-kun là đòi "tự do" và "độc lập" với chính quyền Xô-viết. Bọn họ muốn một thứ tự do tuyệt đối, vô nguyên tắc, muốn một thứ độc lập hoàn toàn với chính quyền Xô-viết như đối với chính quyền phản động cũ. Tư tưởng này đã dẫn họ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Nhưng một mặt khác thì họ lại nhân danh Đảng, lại cho mình là đại diện cho sự lãnh đạo của Đảng, cho mình là vô sản nhất, mác-xít nhất. Trong bức thư gửi cho nhóm Pơ-rô-lê-kun năm 1920, Đảng cộng sản (b) Nga đã viết:

"Trung ương Đảng không những không muốn bó buộc tính chủ động của các phần tử trí thức công nhân về phương diện sáng tác nghệ thuật, mà trái lại, Trung ương càng muốn xây dựng một hoàn cảnh thường xuyên hơn, lành mạnh hơn cho tính chủ động này, khiến cho nó phản ảnh một cách tốt đẹp, kết quả trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác nghệ thuật". [4]

Như thế tức là Đảng đã nói rõ trong lãnh đạo sáng tác nghệ thuật, Đảng không hề hạn chế tính chủ động, tính sáng tạo của nhà văn mà còn giúp đỡ cho tính chủ động đó phát triển một cách tốt đẹp. Quan điểm đó hoàn toàn trái ngược thứ tự do đòi thoát ly, độc lập với chính quyền Xô-viết của nhóm Pơ-rô-lê-kun. Cho nên:

"Trong bức thư đó, Đảng kêu gọi các nhà văn Xô-viết giúp Đảng và nhà nước Xô-viết chấp hành nhiệm vụ trước mắt, mật thiết liên hệ với đời sống thực tế mà không bó hẹp trong một nhóm nhỏ cô lập, cổ xúy cho những "độc lập", "tự do sáng tác" một cách vô chính phủ". [5]

"Trong bức thư đó Đảng không thừa nhận nhóm Pơ-rô-lê-kun được quyền lãnh đạo trong sự nghiệp xây dựng văn hóa mới. Quyền lãnh đạo đó chỉ có mình Đảng thực hành chứ không để cho bất cứ người nào." [6]

Trong bài viết, ông Nguyễn Hữu Đang cũng có nhắc đến sai lầm "đòi độc lập hoàn toàn đối với chính quyền Xô-viết đúng như đối với chính quyền phản động cũ". Nhưng ông chỉ nhắc qua, không phân tích, không nói rõ thái độ của Đảng đối với những quan điểm "tự do" "độc lập" đó thế nào. Trái lại một câu sau của Nguyễn Hữu Đang làm người đọc có thể suy nghĩ ngược lại: "Xu hướng thích độc lập và tự do ấy sẽ chẳng có hại gì nếu họ có một đường lối phát triển văn hóa sát đúng với thực tế Liên-xô lúc bấy giờ".

Không, dù có đường lối sát đúng (!) gì đi nữa mà "đòi độc lập hoàn toàn với chính quyền Xô-viết như đối với chính quyền phản động cũ" thì cũng là xu hướng sai lầm rất có hại. Mà đã "tự do", "độc lập" kiểu Pơ-rô-lê-kun thì làm gì đẻ ra được một "đường lối phát triển văn hóa sát đúng với thực tế Liên Xô lúc bấy giờ". Chỉ có một Đảng gắn chặt với lợi ích của nhân dân, với sự nghiệp cách mạng và văn nghệ, với chính quyền xô viết như Đảng cộng sản Liên Xô thì mới có được một đường lối đúng, rộng rãi mà trong bài ông đã hết lời ca tụng. "Độc lập với chính quyền xô viết như với chính quyền phản động cũ", mà lại có "một đường lối phát triển văn hóa sát đúng" được, đó là một ảo tưởng đẻ ra những mâu thuẫn trong lý luận của Nguyễn Hữu Đang. Có lẽ cũng vì thế mà trong bài khi nói đến khuynh hướng Pơ-rô-lê-kun ông đã ít phân tích phê phán khuynh hướng đòi "tự do", "độc lập" này một cách sâu sắc mà chỉ lướt qua để chuyển sang nhiều khuynh hướng khác của Pơ-rô-lê-kun mà thôi.

Thực ra "tả khuynh máy móc" (văn hóa thuần vô sản) và "tự do vô chính phủ" là hai mặt của bản chất tư tưởng của Pơ-rô-lê-kun: Dưới chiêu bài rất cách mạng là cái nội dung tư tưởng rất tư sản. Đúng như E-gô-lin đã viết:

"Lý luận chung của nhóm Pơ-rô-lê-kun là có tính chất phản động. Dựa vào lý luận thần bí của Bô-gơ-đa-nốp (Bogdanov), những người trong nhóm Pơ-rô-lê-kun không coi nghệ thuật như một hình thức phản ảnh thế giới khách quan, không coi như một phương pháp nhận thức và cải tạo thực tại mà chỉ coi như "một phương pháp tổ chức kinh nghiệm xã hội". Nhóm Pơ-rô-lê-kun lại còn mưu toan đem đối lập công việc xây dựng văn hóa với đời sống chính trị của nhà nước Xô-viết và Đảng." [7]

Vì thế trình bày nhóm Pơ-rô-lê-kun chỉ nhấn mạnh có một "tả khuynh" mà không đi sâu tìm hiểu thực chất tư tưởng, phân tích thực chất tư tưởng thì cũng không hiểu sâu sắc về nhóm đó. Qua bài báo của ông Đang, ta thấy ông quá coi nhẹ phân tích phê phán những tư tưởng thực chất này. Đó là một điều ai cũng lấy làm lạ.


3. Từ những nguyên tắc văn học Lê-nin đề ra năm 1905 đến các quyết nghị sau Cách mạng của Đảng về văn học

Tôi không nói những năm trước Cách mạng, Đảng đã phải đấu tranh với bao nhiêu khuynh hướng sai lầm để xây dựng những quan điểm chính xác về văn học của Đảng. Trong thời kỳ này, bài luận văn Tổ chức Đảng và văn học Đảng của Lê-nin (1905) chẳng những có một ý nghĩa lịch sử lúc bấy giờ mà còn có giá trị cơ sở cho việc xây dựng nền văn học xã hội chủ nghĩa sau này nữa.

Những năm sau Cách mạng, vẫn còn tồn tại nhiều khuynh hướng chính trị và nghệ thuật khác nhau trong nhiều tổ chức: "Pơ-rô-lê-kun", "Bạn đường", "Lef", "Anh em Xê-ra-pi-ông", "Cấu thành", "Đường núi", "M.A.P.P", "R.A.P.P", v.v… Tôi không đi sâu phân tích từng đoàn thể đó với những tư tưởng chính trị và nghệ thuật của nó. Thực ra có những nhóm như "Cấu thành", "Đường núi" đã bộc lộ rõ tư tưởng chính trị phản động của bọn Tờ-rốt-ky. Cuộc đấu tranh văn học trong những năm này rất gay go phức tạp, nó phản ảnh khá rõ rệt cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội Liên-Xô lúc đó. Cuộc đấu tranh thực hiện chính sách tân kinh tế đúng như Lê-nin đã vạch rõ, đó là cuộc đấu tranh sống còn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Vì thế khoảng từ cách mạng thành công cho đến năm 1932, Đảng Cộng sản Liên-Xô đã có những chỉ thị và nghị quyết quan trọng, chưa nói đến các diễn văn và báo cáo của các lãnh tụ của Đảng như Lê-nin lúc bấy giờ.

Chúng ta có thể nhắc đến một số văn kiện quan trọng:
  • Nghị quyết án của Lê-nin đọc trong Đại hội Đại biểu của "Pơ-rô-lê-kun" (10-1920)
  • Thư gửi cho nhóm "Pơ-rô-lê-kun" của Trung ương Đảng Cộng sản (B) Nga (1-12-1920)
  • Quyết nghị của Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Liên-Xô lần thứ 13 về vấn đề xuất bản (1924, Đại hội lần thứ nhất sau khi Lê-nin mất) chứ không phải Đại hội lần thứ 12 như bài ông Đang đã viết
  • Quyết nghị của T.Ư. Đảng về "Chính sách văn học nghệ thuật của Đảng" (1-7-1925) tức là quyết nghị của Trung ương chứ không phải quyết nghị của Đại hội như ông Đang đã viết
  • Quyết nghị của Trung ương Đảng Cộng sản (B) Liên-Xô về việc cải tổ các đoàn thể văn học thống nhất tổ chức thành Hội Nhà văn Liên-Xô (23-4-1932).
Sở dĩ tôi phải nhắc ra một số quyết nghị như vậy là vì trong những hoàn cảnh nhất định, những quyết nghị đó đã đánh dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử văn học Xô-viết và chứng tỏ những nguyên tắc đấu tranh từ trước đến sau vẫn nhất trí về căn bản của Đảng để xây dựng nền văn học Xô-viết lớn mạnh.

Trong bài báo của mình, một mặt sau khi trích dẫn một đoạn trong quyết nghị của Đảng về văn nghệ, ông Đang viết: "Điểm nghị quyết này phải là một bài học lớn cho chúng ta để xúc tiến thực hiện đường lối trăm hoa đua nở", một mặt khác ông lại công kích "những ai muốn lắp lại một cách giáo điều những ý kiến của Lê-nin phát biểu về văn học Đảng ở hoàn cảnh hoạt động cách mạng bí mật, họ lắp lại với dụng ý hạn chế "trăm hoa đua nở" ở nước ta ngày nay".

Tôi không thuộc vào những người "lắp lại ý kiến của Lê-nin" với "dụng ý hạn chế trăm hoa đua nở" nhưng tôi cũng không tán thành cách đặt vấn đề và nhận định như thế của ông Đang.

Tuy ông Nguyễn Hữu Đang không nói rõ ràng, qua cách so sánh và nhấn mạnh như vậy chúng ta cũng hiểu được ý ông muốn nói: cả hai văn kiện đó nếu không khác nhau về căn bản thì cũng khác nhau nhiều lắm, nhiều đến nỗi một người mang nguyên nghị quyết này ra thì có thể xúc tiến trăm hoa đua nở, còn một người khác với văn kiện nọ có thể làm hàng rào hạn chế đua nở trăm hoa.

Trong một cuộc thảo luận về văn nghệ, có người cũng đã công nhiên lớn tiếng cho rằng: Những nguyên tắc về văn học Đảng mà Lê-nin nêu ra "ở hoàn cảnh hoạt động cách mạng bí mật" là đã lỗi thời rồi nhưng có một số người vẫn lắp lại như những giáo điều. Đó thực là một nhận thức rất sai lầm.
Đành rằng bài của Lê-nin viết là ở trong một hoàn cảnh cụ thể nhưng không vì vậy mà nó chỉ còn lại những giá trị lịch sử.

Tôi cho rằng về căn bản những văn kiện đó không khác gì nhau, hơn thế nữa, đúng như Đê-min-ti-ép đã viết: "Cơ sở của những quyết nghị đó là do lý luận của bài luận văn Tổ chức Đảng và văn học Đảng của Lê-nin xây dựng nên". [8]

Từ năm 1905 Lê-nin đã viết: "Đối với giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa văn học không những không thể là công cụ kiếm tiền của cá nhân hoặc những nhóm mà nói chung nó không thể là sự nghiệp cá nhân độc lập hẳn hoi đối với sự nghiệp chung của giai cấp vô sản… Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản". Thì năm 1920 khi nhóm Pơ-rô-lê-kun có xu hướng "độc lập với chính quyền vô sản", Đảng đã trên cơ sở lý luận của Lê-nin đấu tranh chống lại.

Khi Lê-nin nói: "Văn học phải thành văn học Đảng" thì trong các quyết nghị đã theo tinh thần đó vạch rõ nhiệm vụ cho sáng tác và phê bình văn học là: "Một phút cũng không buông lỏng tư tưởng vô sản" (Quyết nghị về chính sách văn nghệ của Đảng, 1925).

Trong bài luận văn của mình, Lê-nin nhấn mạnh đến đặc điểm của văn học và nói: "Không thể chối cãi được rằng sự nghiệp văn học ít nhân nhượng hơn cả đối với sự bình quân máy móc, đối với sự san bằng, số đông thống trị số ít. Không thể chối cãi được rằng trong sự nghiệp đó, tuyệt đối phải đảm bảo phạm vi rộng rãi bao la cho sáng kiến cá nhân, cho chiều hướng cá nhân, đảm bảo phạm vi rộng rãi bao la cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung". Nhận định này là cơ sở cho những chính sách "phê bình cộng sản chủ nghĩa phải hết sức tránh lối mệnh lệnh", "Đảng chủ trương phải tự do thi đua sáng tác", "không trao độc quyền cho một nhóm nào", v.v…

Và chính quyết nghị của Đảng về "không trao độc quyền lãnh đạo cho một nhóm nào, dù nhóm đó là vô sản nhất về tư tưởng đi nữa", và "quyền lãnh đạo đó chỉ Đảng mới là người thực hành", v.v… tức là Đảng chấp hành đúng nguyên tắc của Lê-nin "tất cả mọi văn học phải thành văn học Đảng", phải do Đảng lãnh đạo. Đảng không thừa nhận đảng tính chỉ có trong một số người nhỏ hẹp nào dù là những người vô sản nhất về tư tưởng, cũng như không thể để mặc cho những người nào đó núp dưới nhãn hiệu cách mạng nhất để đi ngược lại tư tưởng văn học của Đảng. Tất cả mọi tổ chức, cơ quan văn học do những người trong Đảng hay ngoài Đảng phụ trách, tất cả tác phẩm văn học do đảng viên hay không phải đảng viên viết đều có thể và phải thành văn học Đảng, phải có đảng tính. Vì thế Đảng chủ trương không thừa nhận độc quyền lãnh đạo của một nhóm nào tức là tăng cường và mở rộng hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng về văn học. Đảng chủ trương "giúp đỡ nhóm "Bạn đường" và các nhóm khác" không phải là giúp đỡ cho họ ngày càng đi xa Đảng, "tự do phát triển" theo ý thức tư tưởng riêng của họ mà chính là: phải chu đáo, phải tỉ mỉ đối đãi với họ (nhóm "Bạn đường"), phải có thái độ như thế mới bảo đảm mọi điều kiện cho họ mau chuyển biến đến tư tưởng cộng sản." [9] (Quyết nghị về chính sách văn nghệ của Đảng).

Qua những điểm trên ta thấy tất cả những văn kiện đó đều là những nguyên tắc căn bản của văn học, đều là "những bài học lớn" của ta cả nếu ta biết đi sâu nghiên cứu, hiểu rõ thực chất của văn kiện. Nhưng tất cả cũng sẽ trở thành giáo điều nếu chúng ta không nghiên cứu toàn bộ, không nắm vững nội dung và nhất là không xuất phát từ hoàn cảnh đặt ra chính sách và áp dụng chính sách đó trong những hoàn cảnh khác.

Trong quá trình nghiên cứu việc phát triển văn học nước ta, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp thu những bài học kinh nghiệm của nước bạn và của văn học thế giới. Ông Nguyễn Hữu Đang trong khi nghiên cứu "một đường lối văn nghệ thích hợp với giai đoạn cách mạng hiện nay" đã mở đầu bằng việc rút những kinh nghiệm của văn học Liên-Xô.

Chúng tôi rất mong đợi ở ông một công trình nghiên cứu đầy đủ chính xác và sâu sắc. Nhưng ở đây, qua bài báo của ông, chúng tôi thấy ông đã làm công việc đó một cách sơ sài phiến diện. Ông nghiên cứu một lưu phái văn học nhưng không đi vào thực chất tư tưởng của lưu phái đó hay toàn bộ những khuynh hướng của lưu phái đó mà chỉ rút ra một số kinh nghiệm phù hợp với một đường lối định sẵn của ông. Ông nghiên cứu một số quyết nghị văn học của Đảng nhưng không nghiên cứu toàn bộ mà chỉ nắm được một vài điểm và cũng không đặt những quyết nghị đó vào trong những hoàn cảnh xã hội và thực tế văn học lúc bấy giờ mà phân tích.

Chỉ vạch được một phía "tả khuynh máy móc" của nhóm Pơ-rô-lê-kun mà không phê phán đầy đủ sâu sắc tư tưởng hữu khuynh cơ hội, đòi đem văn học độc lập với đời sống chính trị của Đảng và chính quyền Xô-viết, không bóc trần thực chất lý luận có tính chất phản động của nhóm đó, chỉ trích lấy một điểm trong toàn bộ quyết nghị của Đảng về chính sách văn học nghệ thuật mà không giới thiệu được nội dung chung của quyết nghị, bỏ rơi không nhắc đến những vấn đề thuộc về nguyên tắc của bản quyết nghị, đó là biểu hiện của phương pháp nghiên cứu chủ quan, một chiều, thiếu trung thực. Phương pháp nghiên cứu đó tất nhiên sẽ đưa ông đến những chủ trương phiến diện, không tránh được sai nhầm thiếu sót.



[1]Trích dẫn trong quyển Văn học Xô-viết Nga của Đê-min-ti-ép, trang 246 (nguyên chú)
[2]Nt.
[3]Lênin toàn tập, bản Nga, bản 4, quyển 29, trang 308 (nguyên chú)
[4]Trích trong Văn học sử Liên Xô của Chi-mô-phi-ép, trang 344 (nguyên chú)
[5]Trích trong Văn học Xô-viết Nga của Đê-min-ti-ép, trang 246 (nguyên chú)
[6]Nt
[7]Ba mươi năm văn học Liên-Xô, Ê-gô-lin, trang 268 (nguyên chú)
[8]Văn học Xô-viết Nga của Đê-min-ti-ép, trang 217 (nguyên chú)
[9]Văn học Xô-viết Nga , trang 256 (nguyên chú)
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s. 149 (30.11.1956), tr. 6; s. 150 (7.12.1956), tr. 5. Lại Nguyên Ân biên soạn.