trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: Aleksandr I. Solzhenitsyn (1918-2008)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
6.8.2008
La Thành
Nước Nga vĩnh biệt Aleksandr Solzhenitsyn
 
Linh cữu A. Solzhenitsyn quàn tại Nghi lễ đường của Viện Hàn lâm Nga (Ảnh: www.vesti.ru)
Nước Nga đang tiễn biệt nhà văn, nhà tư tưởng và người công dân vĩ đại Aleksandr Solzhenitsyn. Trọn thời gian ban ngày của ngày thứ Ba, từ 11 giờ đến 19 giờ (giờ Moskva), những nghi thức tiếc thương sẽ được cử hành tại gian nghi lễ trong Toà nhà Mới của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nằm trên Quảng trường Gagarin ở Moskva. Tang lễ sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh tin tức Vesti.

Aleksandr Isaevich vừa qua đời tại nhà riêng hôm Chủ nhật, mồng 3 tháng Tám, lúc 23 giờ 45 phút theo giờ Moskva. Một cơn suy tim cấp tính đã là nguyên nhân cái chết của nhà văn.

Trong thời gian qua, Aleksandr Isaevich đã lâm bệnh, nhưng ông vẫn miệt mài lao động sáng tạo. Cùng với vợ, bà Natal’ya Dmitrievna – Chủ tịch “Quỹ A. Solzhenitsyn” –, nhà văn đang sửa soạn cho việc xuất bản bộ toàn tập gồm 30 quyển của mình. Sau ca phẫu thuật được thực hiện gần đây, Aleksandr Isaevich chỉ còn cử động được cánh tay bên phải. Trung thành với nguyên tắc của riêng mình – “đừng từ giã cõi đời, chừng nào chưa nói hết những gì cần nói” –, dù đau yếu nhưng Solzhenitsyn thấy hạnh phúc vì vẫn còn viết được.

Nhà văn đã thực sự làm việc đến những giờ cuối cùng của đời mình. Bà quả phụ Natal’ya Solzhenitsyna đã kể với phóng viên Interfax hôm thứ Hai: “Hôm qua, Aleksandr Isaevich vẫn còn làm việc suốt ngày, vậy mà đến đêm thì ông đã không còn nữa.” Theo bà, “Aleksandr Isaevich đã sống một cuộc đời gian truân, nhưng hạnh phúc.”

Ông muốn được chết tại nhà mình – chứ không phải trong bệnh viện –, vào mùa hè – chứ không phải mùa đông –, bên cạnh vợ và các con. Và tất cả đã diễn ra như vậy: Aleksandr Isaevich đã từ trần trong trang thất (dacha) của mình tại làng Troitse-Lykovo (ở ngoại ô Moskva).

Tin dữ đã tức tốc lan khắp thế giới. Ngay trong rạng sáng ngày thứ Hai, Tổng thống Liên bang Nga Dmitriy Medvedev đã gửi lời chia buồn đến gia đình Solzhenitsyn. Bức điện tín của Tổng thống Medvedev có đoạn: “Aleksandr Isaevich đã cống hiến toàn bộ cuộc đời cho Tổ quốc. Ông đã phục vụ Tổ quốc như một công dân và một người yêu nước chân chính. Bằng tất cả trái tim mình, ông luôn đau đáu vì số phận của nhân dân Nga, vì một thiết chế công bằng trên đất nước. Sự ra đi của bậc vĩ nhân này – một trong những nhà tư tưởng, nhà nhân đạo chủ nghĩa và nhà văn tầm cỡ nhất của thế kỷ XX – là một mất mát không thể bù đắp đối với nước Nga và toàn thế giới.” Chủ tịch Chính phủ Nga Vladimir Putin, trong điện chia buồn của mình, coi sự tạ thế của Aleksandr Isaevich Solzhenitsyn là một “tổn thất nặng nề đối với toàn nước Nga”. Đại Giáo chủ Moskva và Toàn Nga-la-tư Aleksiy Đệ nhị cũng đã bày tỏ sự đau buồn về cái chết của Solzhenitsyn.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá Liên bang Nga Aleksandr Avdeev chia sẻ: “Đất nước đã thành quạnh hiu, gia đình Solzhenitsyn đã thành cô quả. Tôi xin bày tỏ niềm cảm thông đặc biệt đối với Natal’ya Dmitrievna Solzhenitsyna và những người con của ông bà.” Theo lời vị Bộ trưởng, “Aleksandr Isaevich đã trở thành người thầy mẫn tuệ đối với toàn thể dân tộc chúng ta. Bằng một lương tâm đích thực, ông chưa từng một lần giả dối, cũng như chưa bao giờ ngại nói lên sự thật theo cách ông hiểu.”

Sự ra đi của Solzhenitsyn đã gây nên một âm hưởng toàn cầu. Tổng thống Hoa Kỳ George Bush, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel, các tổng thống của Ukraine, Armenia, Lithuania, Estonia và nhiều quốc gia khác đã bày tỏ niềm thương tiếc trước sự lâm chung của nhà văn. Điện văn chia buồn của người đứng đầu nước Pháp bày tỏ: “Aleksandr Solzhenitsyn có quyền giữ chỗ trong lâu đài văn học thế giới... Sự cương nghị của tâm hồn, những lý tưởng và cuộc đời đầy ắp trải nghiệm của Solzhenitsyn đã khiến ông trở thành người thừa kế di sản của Dostoevsky.”

Những lời phân ưu vẫn còn tiếp tục.

Cùng bày tỏ những phản ứng thiện cảm trước cái chết của Solzhenitsyn có các danh nhân là chính khách, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học và – đương nhiên – đại diện của giới sáng tác. Đặc phái viên của Tổng thống Liên bang Nga về hợp tác văn hoá quốc tế Mikhail Shvydkoy nhận xét: “Thật đau lòng khi một câu châm ngôn của Pushkin lần nào cũng được khẳng định, rằng ở nước ta, người ta chỉ biết yêu quý những người đã chết, khi các thiên tài đã ra đi.” Nhà đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Nga Yuriy Lyubimov – người sáng lập và lãnh đạo Nhà hát Hí kịch và Hài kịch Moskva ở Taganka, một người quen gần gũi của Solzhenitsyn – thừa nhận: “Cho đến giờ, tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên về đức vị tha của Solzhenitsyn, về sự tận tuỵ của ông đối với luân thường đạo lý.” Và Lyubimov cho rằng: “Chính Solzhenitsyn đã dạy chúng ta những bài học về cách sống lương thiện.”

Hội đồng Các giáo sĩ Islam của nước Nga cũng đã ngỏ lời chia buồn với goá phụ và các thân nhân của nhà văn quá cố trên website của tổ chức này hôm thứ Hai. Lời chia buồn viết: “Chúng ta được sống trên nước Nga như ngày hôm nay là nhờ một phần lớn ở các tác phẩm của Aleksandr Isaevich Solzhenitsyn... Trải qua nhiều thập niên, đối với các công dân Nga tên tuổi Solzhenitsyn đã gắn bó bất khả phân với lịch sử của đất nước thế kỷ XX.”

*


Aleksandr Isaevich Solzhenitsyn sinh ngày 11 tháng Mười Hai năm 1918 tại Kislovodsk. Ông đã tham chiến (cuộc kháng chiến chống Đức [1941–45] của Liên Xô, trong bối cảnh Đại chiến Thế giới thứ II), từng được tưởng thưởng các huân chương quân công, và từng mang quân hàm đại uý Quân đội Liên Xô. Do một bức thư ngỏ gửi người đồng ngũ, trong đó viết những lời chỉ trích Stalin, Solzhenitsyn đã bị bắt và – theo “Điều 58” khét tiếng (của Bộ luật Hình sự Liên Xô thời Stalin) – lãnh án tám năm tù khổ sai.

Năm 1952, trong trại giam, Solzhenitsyn đã suýt chết vì khối u. Ông được tha khỏi chốn lưu đày vào năm 1956.

Thiên truyện vừa Một ngày của Ivan Denisovich (Odin den’ Ivana Denisovicha) của Solzhenitsyn, được công bố trên tạp chí Thế giới Mới (Novy mir) vào tháng Mười Một năm 1962 nhờ nỗ lực của Aleksandr Tvardovskiy, đã làm một cuộc đảo chính trong đời sống văn học và chính trị - xã hội (của Liên Xô).

Năm 1969, Aleksandr Solzhenitsyn bị khai trừ khỏi Liên đoàn các Nhà văn Liên Xô, và năm 1970, ông được trao Giải Nobel Văn chương – “vì sức mạnh đạo đức mà với nó, ông đã tiếp nối truyền thống nguyên sinh của nền văn học Nga” (trích Thông cáo của Uỷ ban Giải Nobel). Bốn năm sau, Solzhenitsyn bị trục xuất khỏi Liên Xô.

Chỉ từ năm 1989 trở đi, tác phẩm của Solzhenitsyn mới được xuất bản trở lại ở trong nước (Liên Xô cũ, rồi [từ tháng Mười Hai 1991] Liên bang Nga). Một năm sau, tác giả của các tiểu thuyết Khu nhà ung thư (Rakovy korpus), Tầng đầu địa ngục (V kruge pervom), Quần đảo GULAG (Arkhipelag GULAG) được khôi phục quyền công dân Liên Xô, và ngay lập tức, bài báo vang dội “Chúng ta sẽ dựng xây nước Nga theo cách nào” (“Kak nam obustroit’ Rossiyu”) của Solzhenitsyn đã được công bố tại Liên Xô với một tirage 27 triệu bản.

Tháng Năm năm 1994, nhà văn hồi hương bằng một chuyến bay từ Alaska tới Vladivostok, tiếp đó là một chuyến tàu hoả [từ Vladivostok] dọc theo chiều dài đất nước tới Moskva. Năm 1997, một giải thưởng hằng năm mang tên Aleksandr Solzhenitsyn được thành lập; đã có những nhà văn, nhà điện ảnh, nhà khoa học danh tiếng trở thành các laureate của giải thưởng này. Trước ngày ra đi, Aleksandr Solzhenitsyn còn đề xuất trợ giúp gia đình của các tù nhân chính trị và đã tài trợ cho những cuộc điều tra về các nạn nhân lương tâm trong những năm dưới chính quyền Xô-viết.

Nước Nga hôm nay đang tiễn biệt một con người như thế!

Aleksandr Isaevich đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình theo tín ngưỡng Thiên Chúa giáo, từ khá lâu trước lúc lâm chung. Năm năm trước, ông đã xin Đại Giáo chủ Aleksiy cho mình được yên nghỉ trong Tu viện Donskiy, và ông đã được ban phúc.

Lễ truy điệu và an táng Aleksandr Solzhenitsyn sẽ được cử hành vào Thứ Tư, mồng 6 tháng Tám, tại Tu viện Donskoy (Moskva) – tin từ ITAR-TASS.


Tổng hợp và dịch thuật từ các nguồn:

© 2008 talawas