trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
8.8.2008
Trần Hà Tiệp
Bắc Kinh 2008
 
Tôi gặp chị Vũ đầu tiên vào năm 1989, trong lớp học Quản trị Kinh doanh (MBA) ở Boston. Tôi trẻ nhất lớp, cỏn chị lớn tuổi nhất. Dạo ấy, sau Thiên An Môn, sinh viên Trung Quốc sôi sục bàn tán. Chị Vũ hay dẫn tôi đi theo, chị phát biểu hăng hái, tôi nghĩ chị hết đường về Trung Quốc. Chúng tôi gần nhau vì cuộc đời chị cũng tang thương như những người Việt: cha mẹ chị phải li dị nhau vì cha chị bị đấu tố trong Cách mạng Văn hóa.

Năm 90 chúng tôi được mướn làm mùa hè ở Hong Kong cho một công ty tài chính. Hết mùa hè, chị rủ tôi đi Bắc Kinh. Mấy ngày ở Bắc Kinh, chúng tôi đạp xe đi khắp nơi. Thời đó Bắc Kinh còn đầy xe đạp và Thiên An Môn, một năm sau biến cố không có nhiều du khách. Nhưng Bắc Kinh rất đẹp và tôi cứ nhớ mãi là một hôm đang đạp xe giữa những tàn cây thì bỗng nhiên tiếng ve vang lên. Chưa bao giờ tôi nghe tiếng ve kêu lớn như vậy, lớn đến mức như có cái gì đó đang châm vào tai mình. Không quên được.

Chị Vũ ở Mỹ thêm vài năm nữa rồi về Trung Quốc, chị thành công lớn. Năm nay chị mời gia đỉnh tôi sang chơi cho biết Thế vận Hội.

Bắc Kinh thay đổi khủng khiếp, con rồng Trung Hoa đang gầm gừ móng vuốt và đây là dịp cho thiên hạ thấy một Trung Hoa không còn chỉ biết làm thuê. Những đại lộ thẳng tắp, những kiến trúc khồng lổ, tính bằng nhiều tỉ Đôla. Phi trường Bắc Kinh với mái vòm cong mà rất ít cột chống làm du khách liên tưởng sự vĩ đại cùa đất nước này. Từ xa lộ vào thành phố, Bắc Kinh đang phô trương một Trung Hoa tươi đẹp, không một tí rác trên đường, cây cối cắt tém cẩn thận, hoa hồng khắp nơi, những cửa tiệm sang trọng không thua gì Hong Kong, những trang hoàng hoàn hảo không thề nào chê được, như bảo với mọi người: thế kỉ Trung Hoa bắt đầu từ đây. Khu chúng tôi ở nhiều hoa đến nỗi con gái tôi nói lúc mới tới: “Mẹ ơi, sao Bắc Kinh giống Davos thế!”

Thiên An Môn, chỉ còn vài ngày trước lúc Thế vận Hội nhưng bầu trời Bắc Kinh vẫn còn mờ mờ sương khói.
Chúng tôi đi thăm Tử Cấm thành, đi từ phía Bắc, xuyên qua cả cây số toàn những cung điện được trùng tu nguy nga, qua cửa phía Nam để tới Thiên An Môn. Đi qua chỗ có ảnh Mao, chị Vũ chẳng bao giờ nhìn lên. Có lần chị nói: “Chẳng có Mao trong nước Trung Hoa của tôi”. Một người đàn bà cứng rắn, thông minh với tuổi thơ lê lết từ Bắc Kinh tới Tứ Xuyên, Trùng Hán, Quảng Đông trong cơn lốc tàn bạo của cuộc Cách mạng Văn hóa, nói thông thạo hầu hết các thổ ngữ, được đào tạo và có kinh nghiệm về tài chính ở Mỹ, chẳng phải là nơi tin cậy cho những nhà tư bản mới lên gởi gắm tiền bạc cho chị quản lí và sinh lợi sao?

Thiên An Môn những ngày này đầy hoa, biểu tượng của Bắc Kinh 2008 “One World One Dream” được dựng lên ở giữa quảng trường. 19 năm trước, rất nhiều máu của những người trẻ tuổi đã đổ ở đây. Hôm nay ảnh Mao ngạo nghễ đối diện với tòa nhà Quốc vụ Viện, như thiên tử mỉm cười với những khuôn mặt thường dân đang hạnh phúc chụp ảnh một Bắc Kinh rực rỡ trước Đại hội Thể thao Olympic.

Chỉ trong vòng vài ngày nữa, hàng tỉ người trên trái đất sẽ thấy một Trung Hoa tuyệt đẹp như con gái tôi đang thấy. Chỉ khi những hào quang của Thế vận Hội trôi qua, khi phải vật lộn với những vấn đề của đời thường, không biết những nụ cười có còn tươi không trên khuôn mặt hàng mấy trăm triệu công nhân đang vật lộn với mưu sinh.

Chị Vũ mời chúng tôi đi ăn cơm với vài khách hàng của chị, những người Trung Hoa giàu có, những người có rất nhiều tiền trong quỹ của chị. Phải công nhận họ lịch lãm, biết rất nhìều về quản lí và rất rành về tài chính. Một ông nói với tôi, đại ý: “Ông bà Trần biết không, giấc mơ của người Trung Hoa chúng tôi là có cơm ăn, áo mặc. Chỉ trong vòng 30 năm, chúng tôi đã làm được việc đó, thực là một sự vĩ đại!” Đối với những người đang dùng cơm với chúng tôi, không những có cơm ăn mà còn có cả rượu vang Petrus trên bàn.

“One World, One Dream”, chính phủ đang làm một giấc mơ cho những người Trung Hoa được thấy mình là cường quốc trong những ngày sắp đến, sau những năm tháng miệt mài làm cho thế giới bao nhiêu hàng hóa. Và bao nhiêu người Trung Hoa sẽ thấy giấc mơ của bản thân mình thành hiện thực trong tương lai?

Bắc Kinh 5/8/08

© 2008 talawas