trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
18.8.2008
David Barboza
Trương Nghệ Mưu: Từ kẻ phản nghịch đến “anh hùng văn hóa”
Hoàng Nguyễn dịch
 
Trong gần một phần tư thế kỷ qua, đạo diễn điện ảnh Trung Quốc Trương Nghệ Mưu đã làm những bộ phim thể hiện cuộc chiến đấu của đất nước ông chống lại nạn đói nghèo, chiến tranh và sự cai trị sai lầm về chính trị cho thế giới bên ngoài – những bộ phim mà người Trung Quốc ở nhiều vùng chưa bao giờ được xem.

Hết lần này đến lần khác, những bộ phim sử thi súc tích và táo bạo của ông Trương bị các cơ quan kiểm duyệt của chính phủ cấm chiếu vì chúng mô tả mặt xấu của Trung Quốc. Khi ông được giải thưởng của Liên hoan Phim Cannes năm 1994, chính quyền không cho ông đi nhận giải. Một năm sau, khi diễn ra cuộc bình chọn giải Oscar, các quan chức chính phủ lại vận động hậu trường để phim của ông bị đưa ra khỏi cuộc tranh tài.

Nhưng hôm nay, khi Thế vận hội Bắc Kinh khai mạc tại sân vận động quốc gia mới, với sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Mỹ George Bush cùng nhiều vị lãnh đạo quốc tế khác và khoảng một tỷ người trên thế giới theo dõi qua màn ảnh truyền hình, ông Trương đã trở thành người chỉ huy lễ khai mạc.

Sau gần hai năm chuẩn bị, cuộc trình diễn của ông Trương có ý định trưng ra thế giới một bộ mặt mới của Trung Quốc, bằng những thủ thuật sân khấu và công nghệ pháo hoa mà các nhà tổ chức khoe rằng chưa từng có trong lịch sử Thế vận hội. Sự thành công của nó cũng làm nổi bật một thực tế trong sự trỗi dậy của đất nước Trung Quốc: nhiều nghệ sĩ hàng đầu giờ đây đã hợp tác, hoặc ít ra là không chống lại, Đảng Cộng sản cầm quyền.

Chủ nghĩa dân tộc dâng trào và niềm tự hào về sự trỗi dậy của Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế, sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ cho những nghệ sĩ nào tránh xa khỏi con đường đối kháng chính trị đã làm biến đổi cảnh quan văn hóa của Trung Quốc từ những ngày đầu của thập niên này. Ngày nay, những đạo diễn, nhà văn, họa sĩ nào tìm cách phơi bày mặt tối của sự cai trị độc tài sẽ không chỉ chọc giận các cơ quan kiểm duyệt mà còn bị gạt ra khỏi thị trường phim ảnh, sách báo, tranh ảnh béo bở của Trung Quốc. Trái lại, nhiều nghệ sĩ ít bày tỏ quan điểm chính trị trong tài năng của mình, đã trở nên giàu có.

Ngải Vị Vị (Ai Weiwei), một nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế sống tại Bắc Kinh [1] , nhận xét: “Thật tình người ta đang bán tài năng lấy tiền. Họ biết rõ rằng nếu làm việc với chính phủ họ sẽ có lợi.”

Lễ khai mạc Thế vận hội biểu hiện một cuộc chuyển đổi đặc biệt quan trọng của ông Trương, người mà kinh nghiệm về nỗi kinh hoàng thời Cách mạng Văn hóa đã truyền cảm hứng cho một số bộ phim được quốc tế tán dương nhưng bị cấm ở trong nước, như phim Cúc Đậu, Phải sống.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Trương nói rằng ông không có mục tiêu chính trị. Những người ủng hộ ông lại nói rằng, chính Đảng Cộng sản đã tinh vi hơn nhiều trong việc tìm cách chế ngự tài năng hàng đầu của đất nước và ủng hộ một quan niệm rộng rãi hơn về văn hóa dân tộc.

Nhưng những người chỉ trích thì cáo buộc ông Trương đã thỏa hiệp với một giới lãnh đạo chính trị từng có bề dày thành tích về hạn chế tự do sáng tạo nghệ thuật để sắm vai một nghệ sĩ cung đình được sủng ái – một phiên bản Trung Quốc của nghệ sĩ Đức Leni Riefenstahl, người tạo ra lớp vỏ đẹp đẽ cho những kẻ cai trị bằng nắm đấm sắt.

Michael Berry, giảng viên môn văn hóa Trung Quốc đương đại tại Đại học California tại Santa Barbara, nhận xét: “Ông ấy đã đi từ một người nổi loạn, làm ra những bộ phim bị cấm chiếu, một cái gai trong mắt chính phủ sang một loại thú cưng của nhà cầm quyền dưới mắt nhìn của một số người. Đây gần như là một sự xoay chiều hoàn toàn so với buổi đầu của ông ta”.

Những nghệ sĩ khác, kể cả những người bị lưu đày sau vụ đàn áp trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, giờ đây cũng có vẻ như tìm cách kết bạn với Bắc Kinh.

Nhà soạn nhạc được giải thưởng của Viện Hàn lâm, Đàm Thuẫn (Tan Dun), và nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Lang Lãng (Lang Lang) đã biểu diễn cho các nhà lãnh đạo đất nước xem tại Nhà hát Quốc gia mới xây ở Bắc Kinh và đóng vai trò đại sứ văn hóa ở nước ngoài. Ông Từ Băng (Xu Bing), một họa sĩ và nhà thư pháp mà trong những năm 1980 tác phẩm bị coi là có ý đồ phản loạn, giờ đây đã là phó chủ tịch Học viện Mỹ thuật Trung ương ở Bắc Kinh. Ông vừa sáng tạo một công trình nghệ thuật sắp đặt khổng lồ cho Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington.

Tuy vậy, chỉ có vài nghệ sĩ đi theo chính phủ theo kiểu ông Trương. Ông không chỉ giữ vai trò cố vấn nghệ thuật cho Bắc Kinh, quảng bá hình ảnh đất nước ở nước ngoài và làm ra một bộ phim ngắn giúp Trung Quốc giành được quyền đăng cai Thế vận hội 2008 mà giờ đây ông còn là thành viên Chính hiệp (Hội nghị Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc) – cơ quan tư vấn chính trị hàng đầu của đất nước.


Cuộc xoay chiều của Bắc Kinh

Về phần mình Bắc Kinh đã hỗ trợ ông Trương, những bộ phim của ông gần đây được sắp xếp để ra mắt vào những thời điểm thuận lợi nhất để có được doanh số bán vé cao. Cơ quan quản lý phim ảnh còn cho phép một bộ phim mới của ông được chiếu ra mắt tại Đại sảnh đường Nhân dân. Cơ quan văn hóa Trung Quốc thậm chí còn vận động hậu trường để các nhà quản trị Hollywood tặng giải Oscar cho bộ phim võ thuật tốn kém chi phí nhất của ông, phim Anh hùng.

Một vài nhà phê bình nghệ thuật Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt phim Anh hùng, coi nó như là sự tôn kính kín đáo đối với chế độ cai trị độc tài. Cho dù bộ phim này không được giải Oscar, nó vẫn trở thành một trong những bộ phim ngoại quốc ăn khách nhất trên thị trường Mỹ.

Sự thành công của nó đã khơi dậy xu thế thương mại hóa nhanh chóng – đồng thời phi chính trị hóa – nền nghệ thuật Trung Quốc. Cảnh quan văn hóa Trung Quốc giờ đây tràn ngập những vở kịch lịch sử dàn dựng với chi phí lớn, những cuộc đấu giá nghệ thuật nhiều triệu Đô-la, những vở nhạc kịch và những màn múa hát do chính phủ tài trợ cũng như những địa điểm giải trí do chính phủ bỏ tiền xây dựng hoành tráng cho thấy một sự cố kết giữa nghệ thuật, văn hóa, quyền lực và niềm tự hào dân tộc.

Cũng như ông Trương, đạo diễn Bằng Tiểu Cương (Feng Xiaogang) nói rằng mình từ lâu đã mệt mỏi với việc đấu tranh với các cơ quan kiểm duyệt và chuyển hướng sang làm phim có nội dung giải trí nhiều hơn, có doanh thu bán vé cao hơn. Trần Khải Ca, một đạo diễn xuất sắc khác, người từng có một lịch sử sáng tác những bộ phim nổi loạn và có tính khiêu khích, cũng đã bị chính quyền Bắc Kinh thuần hóa. Vài năm trước chính quyền đã cho phép ông sử dụng một trong những dinh thự quan trọng nhất của chính phủ để trình chiếu ra mắt bộ phim tốn nhiều tiền của Vô cực.

Ngô Thiên Minh (Wu Tianming), một đạo diễn và nhà sản xuất phim nổi tiếng, nhận xét: “Giờ đây chính quyền muốn các đạo diễn quảng bá sự phát triển kinh tế của đất nước. Còn các đạo diễn cần có tiền và có tiếng, và họ có thể nhận được nhiều tiền hơn nữa nếu có sự tài trợ của chính phủ”.

Trong nhiều tháng qua ông Trương và ê-kip của ông làm việc trong một khu biệt lập giữa quần thể các công trình Thế vận hội, chuẩn bị cho lễ khai mạc và bế mạc Olympics. Ông Trương đã sử dụng hơn 15.000 diễn viên và pháo hoa của nghệ sĩ nổi tiếng Sái Quốc Cưỡng (Cai Guoqiang). Những vũ công thể dục khiêu vũ trên lưng chừng trời, giống như trong các bộ phim võ thuật của ông Trương. Nghệ sĩ dương cầm Lang Lãng dẫn đầu một chương trình bao gồm cả biểu diễn vũ đạo và nghệ thuật tuồng Bắc Kinh.

Để giúp tạo ra khoảnh khắc văn hóa Trung Quốc, lúc đầu ông Trương đã mời đạo diễn Steven Spielberg làm cố vấn nghệ thuật cho lễ khai mạc. Nhưng dưới áp lực phải chấm dứt quan hệ vì vai trò của Trung Quốc ở Sudan, ông Spielberg đã từ chức hồi tháng Hai; ông nói rằng lương tâm của ông cắn rứt và lẽ ra Trung Quốc nên làm nhiều hơn để chấm dứt cuộc diệt chủng ở vùng Darfur của Sudan.

Vụ từ chức của ông Spielberg gây bối rối cho Trung Quốc và cho ông Trương; nó cũng cho thấy, nghệ sĩ ở phương Tây khi làm việc cho chính phủ có thể bị áp lực nặng nề như thế nào. Dù vậy ở Trung Quốc, ông Trương bỏ qua chuyện đó với câu nói đã trở thành châm ngôn của ông ta, “Tôi không quan tâm tới chính trị”.


Một lịch sử rắc rối

Chính trị, trong quá khứ, không dễ gì né tránh được.

Cha của ông Trương, một kế toán viên, đã từng là một sĩ quan trong quân đội Dân quốc chống cộng trong thời kỳ nội chiến kéo dài của đất nước. Chú của ông đã cùng với những người Quốc dân Đảng chạy ra đảo Đài Loan. Ông Trương lớn lên ở miền bắc tỉnh Thiểm Tây trong thập niên 1950, trong mặt sai lầm của lịch sử.

Những vấn đề của gia đình ông càng thêm nghiêm trọng khi cuộc Cách mạng Văn hóa nổ ra vào năm 1966, khơi mào cho một cơn điên chính trị kéo dài cả thập kỷ. Nhà ông Trương bị phá và cha ông bị chụp mũ “phần tử phản cách mạng kép”. Ở tuổi 18, ông bị đưa đi lao động ở nông thôn, cùng với nông dân cày cấy ngoài đồng lúa. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ông Berry của trường Đại học California ở Santa Barbara năm 2005, ông Trương đã kể lại một tuổi thanh xuân đầy tuyệt vọng.

Ông nói: “Đa số những kẻ thù của nhân dân vào thời ấy được liệt vào một trong ‘năm phần tử xấu xa’. Những người như tôi bị gọi là ‘phần tử xấu xa nhất’. Thế là trong 10 năm ấy, từ 1966 đến 1976, tôi sống dưới bóng của sự tuyệt vọng và bi kịch”.

Dù vậy năm 1971, ông cũng được phân công làm thợ cơ khí tại Nhà máy sợi số 8 ở Tây An trong tỉnh Thiểm Tây. Chính tại nơi ấy ông nảy ra lòng đam mê nghệ thuật và nhiếp ảnh.

Ông Lei Peiyun, người làm việc cùng ông Trương trong ban tuyên huấn của nhà máy nói: “Ông ấy tỏ vẻ không quan tâm tới chính trị. Nhưng có lần ông ấy bảo tôi rằng, nhân dân đang bị chính trị xiềng xích”.

Sau khi ông Mao chết năm 1976, ông Trương được nhận vào học trường điện ảnh duy nhất của Trung Quốc khi ấy, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Lúc đầu, ông là người quay phim; năm 1984 ông cùng làm phim Hoàng thổ do người bạn học cùng khóa là Trần Khải Ca làm đạo diễn.

Nhưng chẳng bao lâu sau đó, ông đã làm những bộ phim của riêng mình. Trong những bộ phim truyện gây chú ý về hình ảnh như Cao lương đỏ, Cúc Đậu Đèn lồng đỏ treo cao, ông khám phá cái quá khứ phong kiến của đất nước, nỗi thống khổ của người phụ nữ và những số phận đầy mâu thuẫn của người Trung Quốc.

“Vào thời ấy, cả nền văn hóa bị đã phá hủy. Người ta thưởng thức cái xấu nhiều hơn là cái đẹp”, ông Ngô, nhà sản xuất và đạo diễn từng giúp tìm tài trợ cho một số bộ phim đầu tay của ông Trương, nói. Mặc dù những bộ phim đầu tiên của ông Trương được tán dương nhiệt liệt ở phương Tây, chúng thường bị cấm chiếu trong nước vì cho là quá đen tối, thậm chí độc hại.

Một số quan chức thậm chí còn cáo buộc ông Trương tìm cách vuốt ve thị hiếu của phương Tây bằng cách rập khuôn tính cách của người Trung Quốc, một sự cáo buộc mà ông Trương phản đối kịch liệt. Những người khác thì coi phim của ông như một sự phê phán ngấm ngầm đối với giới lãnh đạo, che giấu trong bối cảnh của các bộ phim là nước Trung Hoa trước thời cách mạng.

Wang Bin, cố vấn văn học lâu năm của ông Trương, nói rằng chuyện này xảy ra vào năm 1989, trong suốt thời kỳ chuẩn bị bấm máy phim Cúc Đậu, câu chuyện một người đàn bà bị ép buộc vào một cuộc hôn nhân dàn xếp sẵn với một ông già bất lực làm chủ tiệm nhuộm vải.

Mùa hè năm ấy, ngay sau khi quận đội tàn sát những sinh viên biểu tình đòi dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ông Trương và một vài đồng sự lấy can đảm đi ra quảng trường và chứng kiến những gì còn lại sau cuộc tàn sát. Ông Wang nhớ lại: “Chúng tôi thấy những chiếc xe bị đốt, những sinh viên máu me đầy mình. Giờ đây tôi không muốn nói nhiều. Nhưng lúc đó chúng tôi đã có nhiều đêm mất ngủ. Vì biến cố này, tôi tin ở ông Trương Nghệ Mưu. Tôi cảm thấy ông ấy lo lắng cho đất nước”.

Đau đớn với những gì họ tận mắt chứng kiến, ông Wang nói ông Trương và nhóm làm phim đã thay đổi kịch bản và cảnh cuối của bộ phim. “Ở cuối phim, Cúc Đậu đốt nhà thành một đám cháy lớn, và điều đó thể hiện cảm xúc của chúng tôi. Hôm ấy là ngày 4 tháng 6”, ông nói.

Ông Trương càng dũng cảm hơn khi làm bộ phim Phải sống, dõi theo cuộc hành trình bi thảm của một dòng tộc trong suốt bốn thập niên, kết thúc với cuộc Cách mạng Văn hóa – một đề tài mà cho đến hôm nay vẫn còn là một điều cấm kỵ. Các đồng nghiệp của ông nói rằng nhóm ông Trương đã nộp cho cơ quan kiểm duyệt một kịch bản giả để xin duyệt, hứa sẽ làm một bộ phim về tương lai tươi sáng của Trung Quốc để rồi sau đó họ bí mật dàn dựng phim Phải sống. Khi bộ phim ra đời và được phương Tây tán thưởng nồng nhiệt, cơ quan kiểm duyệt của chính phủ giận sôi lên. Ông Trương bị cấm làm phim ở Trung Quốc có sự tài trợ của nước ngoài trong 5 năm. Đó là lần cuối cùng ông thách thức cơ quan kiểm duyệt của chính phủ.

Theo ông Trương Chấn Yên (Zhang Zhenyan), nhà sản xuất phim lâu năm của ông Trương, mối đe dọa bị cấm làm phim hoàn toàn đã có một tác động sâu sắc – tuy không bao giờ biểu hiện rõ – đối với ông Trương.


Cách tiếp cận mới

Nhà đạo diễn tài năng xoay ra đùa chơi với những thể loại mới và ít gây tranh cãi hơn – một phim gangster, những phim mùi mẫn đẫm nước mắt và một câu chuyện nhẹ nhàng về một cô bé "giáo viên" trường làng, nhờ sự giúp đỡ vị tha của một ông trưởng đài truyền hình nhà nước mà cứu được một học sinh lưu lạc.

Thế rồi đến năm 2001, sau bộ phim tấn Ngọa hổ tàng long của đạo diễn người Đài Loan Lý An, tác phẩm của ông Trương trở nên có tính thương mại trên quy mô lớn. Ông làm liên tiếp ba bộ phim võ thuật tiêu tốn nhiều tiền của nhưng đều phá kỷ lục về doanh số bán vé ở Trung Quốc.

Các nhà phê bình nói rằng ông đã bán mình cho Hollywood. Nhưng ông Trương bảo vệ thị hiếu của mình, ông cho như thế là có tính quốc tế và hiện đại. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái, ông nói: “Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiêu thụ và giải trí. Bạn có thể lên án nếu bạn thích nhưng đó là một xu hướng của toàn cầu hóa”.

Phim Anh hùng kể câu chuyện về vị hoàng đế Trung Hoa đầu tiên, Tần Thủy Hoàng – người nổi tiếng đốt sách chôn kẻ sĩ và thống nhất đất nước Trung Hoa bằng những phương thức man rợ. Một vài nhà phê bình cáo buộc ông Trương cố ve vuốt Bắc Kinh qua câu chuyện tán dương một nhà nước toàn trị chỉ chăm chắm lo giữ gìn sự thống nhất và ổn định. Quan chức chính phủ thì hết lời ca ngợi bộ phim, coi nó là “một điểm khởi đầu mới cho thế kỷ Trung Quốc mới”.

Và thậm chí trước khi bộ phim được công chiếu, chính quyền đã chọn nó làm tác phẩm chính thức của quốc gia để dự giải Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2002 (mỗi năm chính phủ chỉ chọn một phim duy nhất). Sau đó họ còn vận động hậu trường để các nhà quản trị Hollywood trao giải cho nó – theo thông tin của các giới chức trong ngành điện ảnh.

Một lá thư của ông Trương viết năm 2002 cho hãng phim Miramax – hãng được nhượng quyền khai thác phim Anh hùng, nói bóng gió về ảnh hưởng của ông. Bực bội vì việc biên tập bộ phim, ông bảo những người ủng hộ bên Mỹ: “Nếu như các ông không làm gì để ủng hộ bộ phim mà cứ tiếp tục trì hoãn, cắt cúp và cuối cùng là phá hỏng nó, tôi thật không thể nào hình dung chính phủ và toàn thể nhân dân Trung Quốc sẽ nghĩ như thế nào về các ông và về Miramax”. Ông nói thêm: “Tôi thật lòng tin rằng sẽ không ai ngăn cản nổi cơn tức giận của họ! Các ông sẽ không chỉ làm tổn thương cho tôi mà cho toàn thể nhân dân Trung Quốc”.


Một anh hùng văn hóa

Còn có những vụ hãnh tiến khác nữa. Vở nhạc kịch Turandot của ông được đưa lên sân khấu ngay trong Tử Cấm thành – một biểu tượng văn hóa của quốc gia. Bắc Kinh đã đề cử ba bộ phim cuối cùng của ông tranh giải Oscar cho phim nước ngoài, mặc dù phim Hoàng kim giáp năm ngoái không được giới bình luận chú ý nhiều.

Và rồi tột đỉnh vinh quang: ông được chọn làm cố vấn nghệ thuật cho Ban Tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh và sau này giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh vai trò người đạo diễn các lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội.

Trần Tây Hoà (Chen Xihe), giáo sư về điện ảnh ở Đại học Thượng Hải nhận xét trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái: “Chính phủ đã biến ông thành một anh hùng văn hóa của Trung Quốc. Thế thì tội gì mà ông ấy phải tiếp tục làm những bộ phim thách thức hệ thống chính trị?”

Ông Trương phủ nhận ý kiến rằng có những độ cơ chính trị ẩn đằng sau tác phẩm của mình. Và ông nói rằng Thế vận hội là cơ hội chỉ đến một lần trong đời và bất kỳ người Trung Quốc nào cũng sẽ bị coi là đần độn nếu để vuột mất cơ hội ấy.

“Trong suốt một thế kỷ, đây là thời khắc quan trọng nhất cho người Trung Quốc tiếp đón tất cả quan khách từ khắp nơi trên thế giới. Tôi đảm nhận công việc này chủ yếu vì tôi muốn làm một điều gì đó cho dân tộc Trung Hoa.”

Bạn bè của ông nói rằng, công việc tổng đạo diễn lễ khai mạc Thế vận hội là phần thưởng tối hậu dành cho một người đã nhiều năm đứng ở bên lề, thậm chí bị chụp mũ là kẻ thù của nhà nước. “Mặc dù ông ấy đã khởi nghiệp mà không quan tâm tới chính trị nhưng giờ đây ông ấy ở trung tâm của nước Trung Quốc”, Bai Yuguo, một người bạn thâm niên của ông Trương, nhận xét.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Ngải Vị Vị, kiến trúc sư hàng đầu Trung Quốc, cố vấn nghệ thuật cho công trình sân vận động quốc gia “Tổ Chim” ở Bắc Kinh (ND)