trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: Aleksandr I. Solzhenitsyn (1918-2008)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
20.8.2008
 
Nói lên sự thật
Trịnh Lữ dịch
 
Alexander Solzhenitsyn và những người không theo nổi tấm gương của ông

George Kennan, trưởng tràng của giới ngoại giao Mỹ, gọi câu chuyện Quần đảo Gulag của Alexander Solzhenitsyn về chế độ khủng bố của Stalin là “bản án độc đáo mạnh mẽ nhất mà thế giới hiện đại từng có đối với một chế độ chính trị”. Bằng cách làm nhân chứng, rõ ràng Solzhenitsyn đã tận lực trong tư cách một nghệ sĩ để có thể hạ bệ chế độ Xô-viết, một quái trạng đã nghiền nát hàng triệu sinh mạng con người. Lòng can đảm đã khiến ông phải chịu tù đày và lưu vong. Nhưng cái chết hôm mồng 3 tháng 8 của ông đã làm nẩy sinh một câu hỏi. Ngày nay ai sẽ là người nói lên sự thật – không phải chỉ ở những nước độc tài hoặc tự do nửa vời như Nga và Trung Quốc mà là cả ở phương Tây nữa?

Trong trường hợp của Nga, câu trả lời thật đáng buồn. Giới trí thức đương thời của nước Nga – những người lẽ ra phải noi theo tấm gương của Solzhenitsyn, Sakharov và những trí thức phản kháng khác trong thời kỳ Liên Xô cũ – không những đang nằm im mà còn bị khuất phục hoàn toàn theo nhiều kiểu khác nhau. Đáng lẽ phải bảo vệ những tự do đã phải gian khổ lắm mới có được ở thời điểm cáo chung của chế độ cộng sản, nhiều trí thức Nga đã và đang câu kết với ý đồ và kế hoạch của Vladimir Putin nhằm biến dân chủ thành một màn múa rối. Một số có thể thực lòng khâm phục công việc vãn hồi một nước Nga “hùng mạnh” của ông Putin (mà than ôi có cả chính trưởng lão Solzhenitsyn trong số đó). Còn thì chỉ toàn vì những lý do nông cạn hơn mà thôi.

Trong thời Liên Xô cũ, phải can đảm lắm thì mới nói lên được sự thật, và sẽ phải chịu những hậu quả đáng sợ. Đó là lý do tại sao những người phản kháng chỉ là một thiểu số nhỏ bé trong giới trí thức mà Liên Xô đã tạo ra chỉ cốt để xây dựng công nghệ hạt nhân của mình. Ngày nay thì phần lớn lại không phải là vì sợ hãi mà trí thức ngậm tăm. Lên tiếng vẫn có thể nguy hiểm, như đã thấy trong vụ giết hại nhà báo điều tra Anna Politkovskaya năm 2006. Nhưng cái lẩn khuất sau sự im lặng của nhiều người không phải là sợ hãi mà là thèm nhạt: thèm lại được có những đặc quyền đặc lợi mà hầu hết giới trí thức đã được hưởng khi trung thành phục vụ chế độ Xô-viết.


Vấn đề của độc tài

Ở Trung Quốc, sự im lặng của trí thức còn dễ tha thứ hơn vì lên tiếng phản kháng vẫn bị kiểm soát rất khắt khe. Dù đã có những cởi mở mới mẻ, Trung Quốc vẫn có rất ít cơ hội xuất hiện những nhân vật lớn kiểu Solzhenitsyn. Họ đã dung chịu một vài mẩu văn chương viết về những khủng khiếp của Cách mạng Văn hóa, vì ngay cả chính phủ giờ đây cũng bảo thời Cách mạng Văn hóa đó là khủng khiếp. Còn thì ở chính Trung Quốc, có cố tìm cũng chẳng bao giờ thấy có văn chương gì viết về nỗi thống khổ của những năm 1950 sau khi cộng sản lên cầm quyền, hoặc về cái chết của hàng chục triệu người trong nạn đói đầu những năm 1960. Cửa sổ có mở hé ra trong những năm 1980, nhưng vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989 đã bóp nghẹt những tư tưởng tự do sang cả những năm 1990.

Sự xuất hiện của internet và ngành xuất bản theo quy luật thị trường đã không thay đổi được nước Trung Quốc nhiều như mong đợi. Cũng có nhiều trí thức đưa các quan điểm phê phán Đảng lên mạng. Ví dụ như Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), một học giả không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chỉ trích Đảng. Nhưng ngay cả ông này cũng không dám quá đà kêu gọi xóa bỏ chế độ độc đảng. Năm 2004 một tờ báo Trung Quốc đã gây ồn ào vì đăng tải một danh sách 50 nhà trí thức hoạt động xã hội, trong số đó có Cao Diêu Khiết (Gao Yaojie), người đã giúp phanh phui trận dịch AIDS ở Hồ Nam, Ôn Thiết Quân (Wen Tiejun), người viết về nỗi thống khổ của nông dân, và Hạ Vệ Phương (He Weifang), một giáo sư luật đã lên tiếng về quyền lợi của những người bị xã hội gạt sang bên lề, như những người thợ phải tha phương cầu thực.

Đó là những con người đáng lưu ý mà sẽ đến ngày Trung Quốc phải biết ơn họ. Nhưng tiếng nói của những người phản kháng không còn có tác dụng như thời những năm 1980. Hồi đó, cũng như Liên Xô, Trung Quốc vẫn còn là một xứ sở ảm đạm chẳng có chuyện gì hấp dẫn về tri thức. Người ta còn thấy những ý tưởng táo bạo là hay. Còn bây giờ, thông tin thì tha hồ, kinh tế thì phồn thịnh, và rất nhiều trí thức đang thấy sống như vậy là sướng rồi. Trung Quốc có những nhà tư tưởng táo bạo, nhưng trong tâm thế hiện nay khó lòng tưởng tượng họ có thể truyền điện cho cả một tầng lớp như kiểu Solzhenitsyn đã làm.

Với người sống ở phương Tây thì việc chê trách trí thức ở các xã hội chưa tự do không theo được gương của Solzhenitsyn là hơi quá dễ. Thực ra trường hợp của Solzhenitsyn là rất hiếm. Solzhenitsyn nổi lên nhờ những hội tụ bất thường: một tội ác lớn, một im lặng lớn, một thế giới đang rất muốn lắng nghe, và một lòng can đảm cá nhân phi thường. Cũng có những bộ phận của thế giới Hồi giáo, nơi những nhà tư tưởng thế tục như tiểu thuyết gia đoạt giải Nobel của Ai Cập là Naguib Mahfouz đã phải đương đầu với bạo lực chỉ vì dám chọc tức đầu óc tuân phục ngột ngạt của xã hội mình. Ngược lại, trí thức phương Tây lúc nào cũng có cuộc sống dễ chịu. Ở Pháp, một nước vẫn quen chiều đãi những người có ý tưởng, De Gaulle nổi tiếng vì đã ra lệnh thả Jean-Paul Satre lúc ấy đang châm lửa cho cuộc bạo loạn năm 1968 với câu nói “Ta không bắt Voltaire”. Hầu hết các chế độ dân chủ đều đã làm nên một chiến tích đáng ghi nhận là tạo ra được trong các trường đại học một tầng lớp học giả có biên chế và lương bổng đảm bảo của nhà nước mà lại vẫn tha hồ, thường là còn rất thích, cấu xé thậm tệ chính bàn tay đang nuôi dưỡng mình. Nhưng nếu nghĩ cho hết nhẽ thì đúng là có như thế mới hay.


Vấn đề của dân chủ

Phương Tây đã cho in hàng tấn những cuốn sách đầy giận dữ về sự cáo chung của trí thức. Thái độ đúng đắn về chính trị và tình trạng chuyên môn hóa quá cao trong học thuật quả thật đang làm phương hại đến chất lượng của nhiều thứ vẫn được giảng dạy ở đại học và nói đến trên các kênh truyền thông đại chúng. Nhưng gốc rễ của phần lớn những lời phàn nàn này có thể chỉ là vấn đề dư thừa. Các nước độc tài nuôi dưỡng một tầng lớp trí thức được công nhận có tiếng nói luôn được lắng nghe và cũng luôn bị kiểm soát nghiêm ngặt. Các nước dân chủ thì sản sinh ra một mớ âm thanh chói tai, trong đó tiếng nói nào cũng kêu ca là thông điệp khẩn thiết của mình đang bị chìm nghỉm trong một biển cả hổ lốn. “Một dung chịu áp chế”, một nhân vật quá khích vô ơn của những năm 1960 đã gọi mớ âm thanh chói tai ấy như vậy. Quả thật, nếu Noam Chomsky, nhà trí thức phản kháng nổi tiếng của Đại học MIT, có được mời đến nói chuyện tại một đại hội thường niên của các nhà tư bản đi nữa thì cũng chẳng gây được một tí gợn sóng dư luận nào thật.

Nhưng mà thà có cái mớ âm thanh chói tai ấy còn hơn. Không nên đàn áp ý tưởng, nhưng cũng không nên tôn sùng chúng. Kennan gọi Gulag là bản án mạnh mẽ đối với một chế độ thì cũng đúng. Nhưng nên nhớ rằng năm 1848, có hai nhà trí thức thiện chí cũng đã ra một bản án mạnh mẽ khác về một chế độ, và Tuyên ngôn Cộng sản của họ đã biến một nửa nhân loại thành nô lệ. Chẳng có cách nào chắc chắn ngăn chặn được những ý tưởng tệ hại, nhưng có thể bắt đầu bằng việc các công dân có học và có đầu óc hoài nghi được tự do lắng nghe mọi ý kiến của trí thức nhưng không cần phải tâm phục ai cả – vâng, và nếu thích thì cứ việc chuyển sang kênh thể thao mà giải trí. Con người trưởng giả trong Solzhenitsyn đã căm ghét tình trạng thiếu thần phục này ở phương Tây. Đó là một phương diện mà nhân vật vĩ đại này đã sai lầm.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas