trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
25.8.2008
Phùng Nguyễn
Lữ Phương và Đêm Lisbon
 
All that is necessary for evil to succeed is that good men do nothing!
Edmund Burke

"Đối thoại hay lại chiêu hồi" của Trần Văn Trạng là một ngạc nhiên mà BBT talawas dành cho tôi. Một cách thành thật, bài viết của Trần Văn Trạng nằm chễm chệ ở trang chính của diễn đàn ưa thích talawas trông giống như một nụ cười nhạo báng gởi đến những bài viết chất lượng và tử tế nằm cùng trang với nó. Điều này, tuy nhiên, được tôi diễn giải như là một "khuyến khích" của BBT talawas cho những phản hồi sẽ đến từ người đọc, đặc biệt từ đối tượng mà bài Trần Văn Trạng nhắm vào. Thật ra, tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Bởi vì có những điều không nên được phép tiếp tục. Sự lươn lẹo trong cung cách tiếp cận đối tượng tranh luận, chẳng hạn.

Toàn bộ bài viết "Đối thoại hay lại chiêu hồi" chứa đầy những lập luận, nếu có thể gọi chúng là lập luận, nhắm vào có mỗi một mục đích: hóa giải hiệu ứng của "Nỗi loay hoay của Lữ Phương" bằng cách dán lên nó cái nhãn hiệu "sản phẩm của tàn dư chế độ Việt Nam Cộng hoà", "tay sai đế quốc Mỹ", "chống cộng quá khích", v.v... xuyên qua việc áp dụng những quy chụp thiếu lương thiện. Đây không hề là điều mới lạ mà thực ra là một thủ đoạn phổ biến được áp dụng không chỉ bởi đảng cầm quyền ở Việt Nam mà còn bởi các tổ chức có quyền lợi hoặc chính kiến khác nhau trong và ngoài nước. Chỉ cần chụp cái mũ thân cộng, chống cộng, phản động, quá khích, cực đoan là xong ngay, chẳng cần phải cãi cọ lôi thôi! Thủ đoạn này thỉnh thoảng cũng được áp dụng trong các môi trường lẽ ra phải "sạch sẽ" hơn, như ở những diễn đàn văn học, khi một hay nhiều "phe" trong cuộc đối thoại đang ở vào tình thế tuyệt vọng, khi khả năng tranh thắng bằng lý luận đã nằm ngoài tầm tay với.

Bắt đầu với một nhận định mà tự thân đã biểu lộ sự hạn chế trong khả năng đọc và hiểu của Trần Văn Trạng, nhân vật này tuyên bố: "Theo tôi hiểu thì chỗ dựa đạo đức trong bài viết của Phùng Nguyễn về Lữ Phương là sự ứng xử của người trí thức. Trí thức thì phải lương thiện..." Thật vậy sao? Theo chỗ tôi, tác giả của "Nỗi loay hoay của Lữ Phương", hiểu, "lương thiện trí thức" chỉ xuất hiện ở đoạn cuối bài viết của mình, và chỉ để bày tỏ mối hoài nghi về sự lương thiện của một số trí thức, bất kể "chiến tuyến" mà họ chọn lựa để đứng vào. Không hề có chuyện tôi khẳng định "trí thức thì phải lương thiện", bởi vì lương thiện không chỉ dành cho trí thức hay bất cứ một giới nào khác trong xã hội. Chỗ dựa đạo đức của "Nỗi loay hoay của Lữ Phương", nếu Trần Văn Trạng không có khả năng tự phát hiện, chính là Lương Tri của một người (như là một thành viên của Loài Người) trước, trong, và sau khi người này là cộng sản, quốc gia, thiên tả, thiên hữu, phản chiến, diều hâu, vân vân và vân vân.

Không khó khăn gì để nhận ra phần còn lại của bài viết của Trần Văn Trạng là một chuỗi những áp đặt thâm độc nhằm liên kết bài "Nỗi loay hoay của Lữ Phương" và tác giả của nó với chế độ Việt Nam Cộng hòa, với đế quốc Mỹ, với chính nghĩa quốc gia v.v... ở góc nhìn tiêu cực nhất với những "luận cứ" mà Trần Văn Trạng nhất định đổ vấy cho tôi dựa vào sự lươn lẹo và mức độ trơ trẽn vượt quá giới hạn cho phép của một người viết tự trọng. Thử điểm qua một số các "luận cứ" mà Trần Văn Trạng đã rút ra từ những "tóm tắt nôm na" của mình:


1. Các khái niệm “lương tri’, “lương thiện” (cũng có thể thêm vào đó “chân lý đích thực”, “lịch sử chân thực”…) chỉ đứng về phía ông Phùng Nguyễn và cả cái chế độ tồn tại trước 1975 ở miền Nam đã bị cộng sản (trong đó có ông Lữ Phương) xoá bỏ.

Có thể phát biểu một cách an toàn là Trần Văn Trạng hoàn toàn không có khả năng hiểu được là người ta luôn có thể có lương tri và luôn có thể làm người lương thiện mà không cần phải dựa dẫm vào một thể chế hoặc một cơ sở "đạo đức cách mạng" nào hết! Điều này tôi đã đề cập ở phần trên. Việc gán ghép Phùng Nguyễn vào "cái chế độ tồn tại trước 1975 ở miền Nam" trong "luận cứ" mà Trần Văn Trạng khăng khăng cho là của tôi là một trong những bằng chứng của thủ đoạn "guilty by association", dịch một cách lỏng lẻo là "xét lý lịch ba đời”, vốn rất phổ biến trong những thập kỷ đầu tiên dưới chế độ cộng sản. Bằng cách liên kết tác giả và các khái niệm “lương tri", “lương thiện” trong bài "Nỗi loay hoay của Lữ Phương" với "cái chế độ tồn tại trước 1975 ở miền Nam đã bị cộng sản (trong đó có ông Lữ Phương) xoá bỏ", sự lươn lẹo của Trần Văn Trạng bắt đầu hiển lộ. Nội hàm của câu trích dẫn trên không thể bị nhầm lẫn: Lữ Phương xóa bỏ chế độ miền Nam "yêu dấu" của Phùng Nguyễn nên hắn giận dữ viết bài công kích Lữ Phương để báo thù!

Ở phần trích dẫn kế tiếp, cũng do Trần văn Trạng quàng vào người tôi, sự lươn lẹo và trơ trẽn tăng trưởng ở cấp số nhân.


2. Cái gọi là “cuộc xâm lăng của đế quốc Mỹ” mà ông Lữ Phương dựa vào để biện minh cho việc đi theo cộng sản của mình (với những công việc ông làm sau 30-4-1975) là không tồn tại, hoặc có tồn tại thì không đáng kể, không thể dựa vào đó để chạy tội.

Trần Văn Trạng đã tìm thấy điều này ở đâu trong bài "Nỗi loay hoay của Lữ Phương"? Tôi không tin rằng khả năng suy diễn của Trần Văn Trạng lại ấu trĩ đến độ "đồng hóa" việc phủ nhận tính đích thực của tác phẩm Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam của Lữ Phương xuyên qua những phân tích rạch ròi trong "Nỗi loay hoay của Lữ Phương" với việc phủ nhận sự hiện hữu của chiến tranh Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ bị phần lớn dư luận thế giới xem là kẻ xâm lăng. Đây là hành động bôi bẩn có tính toán, một bằng chứng khác của thủ đoạn "xét lý lịch ba đời" của Trần Văn Trạng, liên kết tác giả và tác phẩm với không chỉ "cái chế độ tồn tại trước 1975 ở miền Nam" mà còn với “cuộc xâm lăng của đế quốc Mỹ”. Cái kết luận mà Trần Văn Trạng trông đợi ở bạn đọc là: một người có một quá khứ như thế ("Mỹ + ngụy") chỉ có thể viết ra những điều phản động và ngập ngụa hận thù! Không phải những lập luận tương tự đã được sử dụng để biện minh cho “công cuộc” xóa bỏ văn học miền Nam sau tháng Tư 1975 hay sao?

"Luận cứ" kế tiếp Trần Văn Trạng "tặng" cho tôi cũng không tử tế hơn chút nào, như trích dẫn dưới đây.


3. Thái độ chuyển hướng của ông Lữ Phương về sau này với chủ nghĩa cộng sản nhưng vẫn giữ quan điểm “chống Mỹ cứu nước” của ông, đối với Phùng Nguyễn, là không đủ (nếu không nói là “nguỵ tín”). Thái độ “nhất quán” thật sự với ông Lữ Phương là phải thừa nhận hết những sai lầm trước đây của mình để được khoan dung.

"Chuyển hướng" hoặc "bỏ Đảng" là chuyện của ông Lữ Phương, và tôi không tin có điều này hay không sẽ làm thay đổi lập luận của tôi về trách nhiệm của ông Lữ Phương, đặc biệt trong việc cho ấn hành tác phẩm Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam vào năm 1981 và khăng khăng khẳng định giá trị "dựa trên sự đích thực" của nó vào năm 2008. Như đã đề cập nhiều lần ở trên, Lương Tri (viết hoa) không chỉ dành riêng cho người không cộng sản hoặc ngược lại! Việc Lữ Phương có thừa nhận những sai lầm trước đây của ông hay không là một quyết định rất cá nhân. Trước hết là Lương Tri và sau đó, bằng vào tư thế của một trí thức, là "lương thiện trí thức" sẽ là cơ sở cho quyết định này. Tiếp tục lươn lẹo để gợi ý là tôi chống cộng cực đoan, chỉ biết nhắm mắt kết án những người cộng sản một cách bừa bãi bằng cách thêm vào những chữ như "phải thừa nhận hết những sai lầm trước đây của mình để được khoan dung", Trần Văn Trạng, xuyên qua cung cách tiếp cận một cuộc thảo luận nghiêm túc, đã tự đưa nhân cách của mình xuống thấp hơn mức có thể chấp nhận được.

Như đã trình bày ở trên, đã có nhiều hơn là cần thiết những bằng chứng không thể chối cãi về thủ đoạn vu cáo để gán ghép, liên kết tôi với những điều hoàn toàn không được tôi đề cập đến trong "Nỗi loay hoay của Lữ Phương" trong bài viết của Trần Văn Trạng. Không chỉ dừng lại ở đó, bài viết của Trần Văn Trạng còn hé lộ một tâm địa đen tối không kém những kẻ chủ trương "cải tạo văn hóa miền Nam" trước đây. Xin lưu ý bạn đọc là bài viết của Lữ Phương cũng như của tôi chỉ đề cập đến những hoạt động của Lữ Phương SAU ngày chiến tranh chấm dứt, nghĩa là sau khi "đế quốc Mỹ" và "chế độ Việt Nam Cộng hoà" hoàn toàn không còn chút quyền lực nào để gây thống khổ cho nhân dân miền Nam. Quyền lực này, kể từ thời điểm đó, hoàn toàn nằm trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy vậy, bằng cách liên tục kéo những hành động của Lữ Phương, cá nhân tôi, và bài viết của tôi trở lại TRƯỚC ngày 30/4/75 (như đã trích dẫn), có vẻ như Trần Văn Trạng muốn đề nghị là người dân miền Nam, vì những liên hệ với chế độ Việt Nam Cộng Hoà và với đế quốc Mỹ, xứng đáng nhận lãnh hậu quả của những thảm họa gây ra bởi lỗi lầm của kẻ thắng trận (trong đó có cả Lữ Phương) ngay cả sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt. Đây là luận điệu mà Trần Văn Trạng muốn người đọc chấp nhận trong nỗ lực "chạy tội" cho những "sai lầm" của Lữ Phương!

Ngay cả sau khi tung ra các đòn phép không được sạch sẽ cho lắm như vừa đề cập ở trên để mong hóa giải hiệu ứng của "Nỗi loay hoay của Lữ Phương", Trần Văn Trạng vẫn không che giấu được nỗi bất an của mình về những tổn thất đã có thể xảy đến cho bọn làm bạc giả. Điều này được thể hiện ở màn hài kịch dàn dựng trong phần kết của bài viết “Đối thoại hay lại chiêu hồi” của Trần Văn Trạng.


4. Rút lại, tôi cho rằng khi làm bộ cho ông Lữ Phương uống mấy giọt nước đường (những lời khen chỉ có “giá trị bề mặt”), ông Phùng Nguyễn chỉ muốn qua đó khuyến dụ ông Lữ Phương như khuyến dụ một đứa trẻ nên trở về với một thứ “chính nghĩa quốc gia” nào đó chỉ còn trong ký ức của những người như ông Phùng Nguyễn mà thôi. Một cuộc tranh cãi quốc/cộng cũ xì. Và cũng là một thứ luận điệu “chiêu hồi muộn màng” (chữ của Lữ Phương) đặt cơ sở trên một thứ chủ nghĩa chống cộng đã quá cổ lỗ – nói toẹt ra là như vậy!

Trong "Nỗi loay hoay của Lữ Phương", tôi luôn trân trọng đối tượng thảo luận của mình, và toàn bộ bài viết của tôi dựa trên chính những lời lẽ tuôn ra từ ngòi bút của Lữ Phương. Tôi không bao giờ cho phép mình ở vào vị trí khuyến dụ bất cứ ai "trở về" với "chính nghĩa quốc gia" hay với bất cứ cụm mỹ từ lộng lẫy nào khác mà chính tôi cũng có thể đặt nghi vấn, lại càng không dám xem ai như "một đứa trẻ", kể cả một người có những lập luận lươn lẹo và, về khả năng tư duy, vô cùng ấu trĩ như Trần Văn Trạng! Tôi xin thành thực chia sẻ nỗi "bất tiện" đến từ nhiệt tình tự phát của Trần Văn Trạng mà ông Lữ Phương đang phải gánh chịu. Tôi tin là Lữ Phương hiểu được sự tai hại của việc nuôi gấu để đuổi ruồi cho mình, kể cả gấu... tình nguyện.

Không hề là một hứng thú cho tôi phải “đối thoại” với ông Trần Văn Trạng trong một tình huống như thế này. Tôi cho rằng mình đã không phải hoang phí thì giờ vào cuộc đối đáp không cân xứng này nếu bài viết của ông nằm trong phần ý kiến ngắn của talawas. Việc “Đối thoại hay lại chiêu hồi” được đưa vào trang chính cùng với các bài viết công phu, nghiêm túc, và lương thiện thuộc nhiều thể loại khác nhau, theo tôi, có thể sẽ tạo một ảo tưởng về giá trị của bài viết này cho một số người đọc và do đó, sẽ vô tình khuyến khích những ứng xử tương tự trong các cuộc thảo luận trong tương lai. Tôi hoàn toàn hiểu được những chọn lựa khó khăn mà đôi khi ban biên tập của một diễn đàn uy tín phải thực hiện để có được sự cân đối về quan điểm từ phía những người đóng góp trong một hay nhiều đề mục hiện hành. Trong cùng một lúc, tôi tin rằng nên có một “vọng gác” nhằm bảo vệ những thảo luận nghiêm túc trong đó người tham dự tình nguyện tuân thủ một số quy ước, thành văn hay không, để gìn giữ sự trong sáng và bổ ích cho không khí và mục tiêu của cuộc thảo luận. “Đối thoại hay lại chiêu hồi” của Trần Văn Trạng, nhìn từ bất cứ góc độ nào, hoàn toàn không đáp ứng được những yêu cầu cần thiết để tiếp cận một cuộc thảo luận như vậy. Trong suốt bài viết của mình, Trần Văn Trạng đã không hề một lần có đủ dũng khí để trích dẫn không phải cả một đoạn mà ngay cả chỉ một câu trọn vẹn trong bài viết khá dài của tôi để phân tích, lý luận, và phản bác! Trái lại, chỉ có “theo tôi hiểu”, “sự tóm tắt nôm na”, “nếu mấy điểm trên đây mà được xem là đúng thì tôi thấy cái mà...“ cùng với một tá những chiếc mũ lỗi thời, rách nát thòi ra từ tay áo thụng của một ảo thuật gia tập sự!

Đến đây, tôi cảm thấy cần thiết phải để Trần Văn Trạng ở lại phía sau cùng với những lập luận lươn lẹo và tâm địa đen tối của ông trước khi chính bài viết này của tôi có nguy cơ trở thành một điều nhạo báng cho những bài viết "láng giềng" tử tế trên trang chính talawas. Tôi muốn dành phần còn lại của bài viết để nói về những điều thật sự tử tế.

*

Khi BBT talawas đề nghị gởi bài viết của tôi đến ông Lữ Phương ít nhất hai ngày trước khi đăng tải trên talawas để ông có cơ hội phản hồi, tôi đã nhanh chóng đồng ý, và trong cùng một lúc, nghi ngờ về chuyện khả năng này (có bài phản hồi của Lữ Phương) sẽ thành hiện thực. Thật ra, tôi hiếm khi chờ đợi phản hồi từ các đối tượng được đề cập trong những bài tham luận ít ỏi của mình. Tôi hiểu được nỗi "bất tiện" của họ, bắt đầu bởi "phản hồi" đồng nghĩa với nhu cầu phải phân tích và phản bác một số lập luận của tôi trong các bài viết liên hệ. Điều này ít nhất sẽ làm họ phải tốn kém một số thì giờ đáng kể, đó là chưa kể đến cái cảm giác tự đưa mình vào một cuộc phiêu lưu bất trắc, ở đó hồi kết cuộc không nhất thiết sẽ trùng hợp với điều mình mong muốn. Cho nên, thái độ khôn ngoan nhất, "minh triết" nhất, vẫn là "im lặng là vàng" cùng với hy vọng những xôn xao chung quanh bài viết của tôi sẽ nhanh chóng chìm xuống cùng với tháng ngày. Người ta luôn luôn có thể giải thích, nếu buộc phải giải thích, "chuyện nhảm nhí, không muốn tốn kém thì giờ" hoặc như Trần Văn Trạng đã rắp tâm, "tên đó chống cộng/chống quốc gia quá khích, dây vào làm gì cho mệt", hoặc cái gì khác nữa thì chỉ có trời biết!

Câu hỏi hướng về tôi trong một tình huống như thế sẽ là, "Biết vậy sao còn viết làm gì?" hoặc "Chờ đợi gì ở những điều đã viết xuống?" Để trả lời, thật ra không có gì khó khăn lắm. Là người, không tính đến những hoạt động trong lãnh vực sáng tác, quan tâm đến kết quả có thể nhìn thấy được ở công việc mình muốn thực hiện, tôi không đưa vào bài viết của mình những "nghĩa vụ" to tát, nặng nề. Tôi không đòi hỏi "regime change" hoặc sự quay ngoặt 180 độ của một chế độ, hoặc ngay cả chỉ để “dạy dỗ” một thế lực nào đó về chuyện kinh bang tế thế. Tôi phân biệt rạch ròi giữa ước mơ, phần lớn sẽ tiếp tục là những ước mơ, và những điều hoàn toàn có thể thực hiện được, không phải dựa vào khả năng đơn độc của mình mà vào sự tử tế của người khác, của nhiều người khác. Do đó, chủ đề thảo luận của tôi thường là những điều tuy cá biệt nhưng mang nội hàm về một hay nhiều điều rất chung, những điều ngỡ như đã trễ muộn nhưng thật ra vẫn còn có thể thay đổi và nhiều phần là sự thay đổi sẽ được phát khởi bởi chính những người trong cuộc, bất kể họ là ai và ở về phía nào của hàng rào văn hóa hoặc chính kiến. Tôi quan tâm đến những ngộ nhận, những trá ngụy mà cùng với thời gian đã trở thành những nọc độc văn hóa, chảy ồn ào hoặc âm ỉ trong và cùng với mạch văn hóa dân tộc. Chúng cần được sàng lọc và tháo gỡ. Để thực hiện điều này đến nơi đến chốn, ngay cả việc thay đổi một chế độ cũng không đủ để bảo đảm sự thành công của công cuộc thanh tẩy trong một vài thập kỷ. Nhưng đồng thời, đây chính là điều có thể và cần thiết phải bắt đầu mà không cần phải đếm xỉa đến thế lực cầm quyền! Chỉ cần những người tử tế.

Tôi hy vọng những điều mình suy nghĩ về và bỏ công viết xuống đã mang lại ít nhất một số kết quả tuy nhỏ nhặt nhưng cụ thể. Bất kể thái độ "cao quý như vàng" đã được áp dụng để đáp lại Đọc "The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction" của Nguyễn Bá Chung, hoặc "Khi nhà văn không chỉ là kẻ đồng lõa", hoặc gần đây nhất, "Nỗi loay hoay của Lữ Phương", tôi có cơ sở để tin rằng những điều tôi viết ra đã có một số hiệu ứng nhất định. Tôi có thể tuyên bố một cách an toàn rằng ông Nguyễn Bá Chung, trong khi không nhất thiết sẽ thay đổi cách nhìn ở chốn riêng tư, nhất định sẽ không phát biểu một cách công khai như đã từng trên Manoa Journal những nhận định mang tính "vơ đũa cả nắm" của mình về dân thành thị nói chung và giới sáng tác nói riêng của miền Nam Việt Nam trước năm 1975, các quý vị văn sĩ Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái sẽ không léo hánh đến vùng đất có "bọn lính ngụy ăn thịt người" trong tất cả các tác phẩm tương lai của mình, và ông Lữ Phương sẽ nhìn trước nhìn sau mỗi khi muốn tái xác lập giá trị "đích thực" của Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam trên các diễn đàn trong và ngoài nước. Bởi vì những bài viết của tôi, vốn chưa hề bị thử thách bởi các đối tượng vừa đề cập, sẽ được sử dụng như là một trong những điểm quy chiếu cho việc bộc lộ/khám phá những điều trá ngụy! Liệu tôi sẽ hài lòng với những kết quả khiêm nhường này? Có nhiều phần là không, bởi vì tôi thực sự mong muốn các quý ông Nguyễn Bá Chung, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Lữ Phương không chỉ chấm dứt việc rao giảng điều không thật mà còn giúp làm giảm thiểu những hậu quả tai hại đã làm méo mó khuôn mặt văn hóa dân tộc! Tuy nhiên, điều này hoàn toàn lệ thuộc vào quý vị này, và có vẻ như ước muốn của tôi sẽ tiếp tục chỉ là ước muốn.

Liệu có nên tiếp tục đầu tư công sức vào những điều mà một người biết rõ sẽ chỉ đưa đến một số kết quả vô cùng hạn chế? Câu trả lời có thể tìm thấy trong Đêm Lisbon của Erich Maria Remarque mà tôi có cơ hội đọc qua cách đây hơn ba mươi năm và chỉ còn nhớ có mỗi một điều. "Bớt một." Bớt một chiếc gai độc hoặc một điều trá ngụy là điều nên làm lắm chứ! Nhất là khi biết rằng mình không đơn độc. Có rất nhiều người ở bên này hoặc bên kia những ranh giới văn hóa, chính kiến, và địa lý đã và đang làm như thế, có khi rất âm thầm. Phần “tử tế” của bài viết này xin được dành cho họ.

© 2008 talawas