Aleksandr Solzhenitsyn đã tiễu trừ sự gắn bó tả khuynh với lí tưởng Xô-viết ở châu Âu. Song thái độ của ông đối với tổ quốc mình thì phức tạp.
(Lời tựa của Prospect Magazine)
Nếu như Tom Stoppard
[1] định dựng mới một bộ ba bi kịch (
trilogy)
[2] bao quát lịch sử nước Nga trong thế kỉ 20, thì Aleksandr Solzhenitsyn sẽ phải chiếm những hoạt cảnh trung tâm. Từng là quân nhân, nhà vật lí, nhà bất đồng chính kiến, nhà tư tưởng mang tín ngưỡng, sử gia, tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, thi nhân, tù nhân
gulag và tị dân bất đắc dĩ, Solzhenitsyn đã nếm trải tất thảy những thăng trầm của nước Nga. Chỉ riêng thọ mệnh của ông thôi — từ tháng Mười Hai 1918 đến tháng Tám 2008 — đã dường như xác giới một thế kỉ Nga, ngót một trăm năm li loạn và khổ đau, thất bại và hi vọng. Tình cảnh của giới trí thức Nga, mà Solzhenitsyn là gương mặt biểu tượng, được ấn định bởi một kì vọng đầy ngạo mạn về một tương lai Đại Nga. Niềm tin này chưa bao giờ tan biến: họ có thể giấu nó dưới đất, gắn nó vào kỉ luật Đảng, thậm chí trục xuất nó ra nước ngoài, nhưng rồi nó vẫn cứ tái xuất, cứ được khăng khăng trì níu trong cái quan kiến cho rằng lịch sử, con người và vận mệnh của nước Nga là tựa như một địa vực đặc biệt của triết học mà trong đó, những vấn đề cam go nhất vẫn chưa được giải quyết, nhưng [nhất định] sẽ được giải quyết một ngày nào đó, rồi cả thế giới sẽ thấy.
Tôi nhớ lại rằng, từ kiến thức nền về văn học của mình, thời gian đầu tôi đã thất vọng bởi những gì mà giới phê bình khẳng nhận về hai bộ tiểu thuyết của Solzhenitsyn —
Khu điều trị ung thư (Cancer Ward) và
Tầng đầu địa ngục (The First Circle) — mà những phiên bản in lén của chúng xuất hiện lần đầu ở phương Tây vào năm 1968. Đúng ra, đó chỉ đơn thuần là những câu chuyện kể theo trình tự thời gian về một đám đông những nhân vật kì dị đang vật lộn với những hoàn cảnh trái khoáy của đời sống Nga. Không một câu văn nào được viết ra vì khoái cảm về ngôn ngữ hoặc vì tính đa nghĩa của nó. Trong thơ ca và văn xuôi Nga [vốn] không thiếu gì những tiết tố hoang đường vị nghệ thuật, song Solzhenitsyn không thuộc vào trường phái đó. Ông đã có nước Nga để kiến giải, và điều duy nhất được lột tả một cách mai mỉa trong các câu chuyện của ông là lịch sử.
Không một sử gia nào của nước Nga Xô-viết có thể thờ ơ với ảnh hưởng của hai bộ tiểu thuyết kia, song trớ trêu thay ảnh hưởng chủ yếu của chúng hiển nhiên chỉ là ở phương Tây. Cùng với bộ sử biên niên
Quần đảo Gulag (1973-78) đầy sức công phá về sự hung bạo thể chế [ở Liên Xô], các tác phẩm này đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên cỗ quan tài cho mặt hàng xuất khẩu “nền nhân văn Xô-viết”, một giấc mơ dài của cánh tả Âu châu. Cuối cùng, ngay đến Sartre và De Beauvoir, những tín chủ trung thành đối với các tuyên ngôn thánh thiện của Moskva, từ bản doanh của mình ở tả ngạn sông Seine đã phải thừa nhận rằng “những thành tựu Xô-viết” là vô nhân đạo.
Bản thân Solzhenitsyn đã luôn luôn tinh tế khi nói tới những gì được ông kì vọng về nước Nga. Khi đọc lại
Khu điều trị ung thư và
Tầng đầu địa ngục trong tư cách một sử gia về tư tưởng Nga, tôi đã tìm thấy trong hai cuốn tiểu thuyết những tư liệu nổi bật cho một trưng diện đầy đủ của thế giới quan Nga mà chúng hàm chứa, cũng như phương tiện mà hệ tư tưởng đó dùng để biểu hiện. Nhiều nhân vật trong hai cuốn tiểu thuyết này đã lấy nguyên mẫu từ những trí thức danh tiếng cùng thời mà Solzhenitsyn đã gặp trong các trại tù. Một trong những chức năng văn học của các cuộc đối thoại “nước Nga đi về đâu” — được lồng vào khung cảnh nhà lao đặc biệt dành cho các nhà khoa học lĩnh án
gulag ở Mavrino, hoặc được đặt trong cảnh khu bệnh phòng ung thư (vốn là một y xá có thật dành cho các bệnh nhân sắp chết, một ẩn dụ về nhà nước Xô-viết đang hấp hối) — là hà hơi cho những lựa chọn mà [giai đoạn] lịch sử nước Nga thế kỉ 19 đã từng đứng trước: từ quyền lực của giáo hội — thông qua các trí thức có tư tưởng thân Slav (
Slavophiles) hoặc các triết gia tôn giáo — đến các nhà khai phóng (
liberals) như Herzen và Turgenev, hoặc các nhà dân tuý chủ nghĩa như Lavrov và Mikhailov. Dưới chế độ toàn trị, những triết thuyết này đã biến mất trên tấm bản đồ trí thức. Solzhenitsyn đã vực chúng hồi sinh bằng cách mô tả chúng vẫn tồn tại trong tâm khảm của những người [Nga] có lí trí.
Song Solzhenitsyn không chỉ là một người chép sử: trong quyền năng của mình ông còn là một nhà tư tưởng. Vả chăng, đã có những thời điểm mà quyền lực của phép loại suy đã nâng ông lên tới những đỉnh cao văn học. Nhan đề của
Tầng đầu địa ngục đã được gợi ý từ
Inferno của Dante
[3] : một lạc viên có tường bao quanh mà ở đó, các triết gia Hi Lạp có thể an hưởng một “thiên đường tương đối” trong lòng địa ngục. Cuốn tiểu thuyết của Solzhenitsyn đã khai thác cái ý kiến cho rằng đối với một số người — giống như bản thân Solzhenitsyn trong những ngày còn là một trí thức được ưu đãi — hệ thống Xô-viết có thể đã gần như là một thiên đường: một thế giới dành cho những người có đặc quyền, không khác mấy so với cái xã hội lí tưởng của Plato.
Bằng một hiểu biết đủ sâu rộng, trong
Khu điều trị ung thư, Solzhenitsyn đã giễu cợt những điều đã ngăn cách nước Nga với phương Tây về mặt triết học:
“Có một bậc hiền giả tên là Descartes từng nói: — Hãy hoài nghi tất cả!”
“Nhưng làm thế là vô nghĩa đối với nếp sống của chúng ta,” Rusanov giơ ngón tay nhắc nhở.
“Dĩ nhiên là như vậy rồi,” Kostoglotov hết sức ngạc nhiên khi bị phản đối. “Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta không nên tỏ ra là những con thỏ và đặt toàn bộ lòng tin vào bọn bác sĩ.”
*
Các chính quyền Nga nói chung không quan tâm đến những tế vi văn học. Sau những giờ phút muộn màng, tương đối tự do dưới triều Khrushchëv, khi mà cuốn sách
Một ngày trong đời của Ivan Denisovich được phép xuất bản và gây chấn động, Solzhenitsyn lại trở thành một “kẻ nguy hiểm” dưới triều Brezhnev. KGB đã nỗ lực hạ độc nhà văn trong một lần ông đi thị sát miền Nam. Họ đã chỉ thành công ở mức khiến ông thập tử nhất sinh: Solzhenitsyn, người đã sống sót qua ung thư và
gulag, ắt hẳn đã được phú bẩm một sức khoẻ huyền thoại về cả thể chất lẫn tinh thần. Cuối cùng, cách duy nhất mà họ khả dĩ áp dụng để tống khứ được ông là dùng sức ấn ông lên máy bay và thu hồi quốc tịch của ông, vào năm 1974.
Solzhenitsyn đã định cư ở Vermont, phần đất của nước Mĩ có cảnh quan gần gũi nhất với cái lạnh lẽo và hẻo lánh [ở nước Nga] mà trong đó ông vẫn thường làm việc. Cùng với người vợ sau của mình, ông đã tạo lập một hộ gia đình ẩn dật sau những bức tường rào cao vót, khuất hút khỏi thế giới bên ngoài để [tiếp tục] sống một cuộc sống Nga. Ông có một túp lều ở trong vườn, hệt như cái ông từng có ở
gulag, và một cái bếp lò để nấu nướng. Ở một nơi như thế, Solzhenitsyn đã viết
Bánh xe đỏ (The Red Wheel), cụm tiểu thuyết sử thi về lịch sử nước Nga thế kỉ 20 mà ông sẽ chẳng bao giờ hoàn tất, dù rằng vài tập đầu trong chúng đã được xuất bản trong sinh thời của ông. (Tất cả những tình tiết dị thường này đã được nêu trong cuốn tiểu sử về Solzhenitsyn của D. M. Thomas —
Một thế kỉ trong một cuộc đời (A Century in His Life, 1998).
Solzhenitsyn không thích nước Mĩ và nước Mĩ cũng chẳng khoái ông, khi nó nhận ra rằng một người bài Xô (
an anti-Sovietist) không nhất thiết là một người khai phóng (
a liberal). Trong những năm sống ở Mĩ, trước khi hồi hương vào năm 1994, Solzhenitsyn đã phát hiện lại mình là một người bảo thủ có tín ngưỡng (
a religious conservative), hoài nghi chủ nghĩa duy vật chất phương Tây (
western materialism) và mải mê kiếm tìm một con đường ưu việt cho nước Nga. Ông đã trình bày lập trường của mình trong cuốn sách sáng sủa nhưng làm thối chí nhiều người đọc, nhan đề
Câu hỏi Nga (The Russian Question, 1995): “Chúng ta phải dựng xây một nước Nga đức hạnh, hoặc chẳng làm nên trò trống gì hết.”
Nước Nga dưới triều Yeltsin, một nhà nước
gangster đã làm sống động — một cách đột ngột, trong các đô thị lớn — những quyền tự do mới mẻ đủ loại sau bảy mươi năm nhân dân bị đàn áp, chẳng hợp tí nào với những bài giảng khổ hạnh của Solzhenitsyn. Cuộc gặp giữa ông và Yeltsin, cũng như bài phát biểu của ông trước nghị viện Nga đã diễn ra đầy tính nghi lễ.
Show truyền hình hai tuần một lần của ông thường trôi tuột vào không trung, bởi có quá ít người bật máy lên xem nó.
Tuy nhiên, vào thập niên cuối cùng của cuộc đời, Solzhenitsyn dường như đã dàn hoà với quê hương mình. Năm 2006, ông đã công kích phương Tây về những đe doạ quân sự đối với “nước Nga hoà bình” thông qua việc mở rộng NATO về phía Đông. Ông cũng mạnh mẽ tán thành những chiêu thức độc tài của Vladimir Putin “nhằm cứu nhà nước [Nga] khỏi hoạ suy vong.”
Aleksandr Solzhenitsyn không chỉ là một nhà văn, không chỉ là một học giả (
an intellectual), mà là một trí thức Nga chân chính (
a true Russian intelligent), theo một cách mà ngay cả nhiều người Nga [giờ đây] cũng cảm thấy luyến tiếc quá khứ: dường như họ đã đánh đổi các lợi ích tâm linh của sự trật tự về chính trị lấy tình trạng hỗn loạn của sự sung túc vật chất vậy. Chắc chắn rằng ông sẽ được phát hiện lại vào những thời khắc tương lai cần thiết.
*
Tác giả bài báo,
Lesley Chamberlain, là nhà văn, nhà báo và nhà phê bình Anh quốc. Sinh ở Rochford, England năm 1951, thụ huấn ở các trường đại học Exeter và Oxford, bà đã từng thị sát nước Nga Xô-viết hơn một năm (1978-79) trong tư cách một phóng viên Reuters, trước khi dành toàn thời gian cho những sở nguyện mà bà thực sự theo đuổi. Niềm quan tâm tới nước Nga chi phối một trong những nhóm đề tài lớn nhất của bà, với những cuốn sách như
The Food and Cooking of Russia (Món ăn và phép nấu ăn Nga, ISBN: 0-80326-461-5),
Motherland: A Philosophical History of Russia (Tổ quốc: một lịch sử triết tính của nước Nga, ISBN: 1-84354-286-2) và gần đây nhất,
The Philosophy Steamer: Lenin and the Exile of the Intelligentsia (Con tàu triết học
[4] : Lenin và cuộc li hương của giới trí thức Nga, ISBN: 1-84354-040-1).
Bản dịch hoàn thành tại Hà Nội, ngày 24 tháng Tám năm 2008.
© 2008 talawas
[1]Sir Tom Stoppard: nhà viết kịch và kịch bản phim quốc tịch Anh, gốc Do Thái - Czech, nổi tiếng với những tác phẩm có nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, xử lí những vấn đề sâu sắc bằng ngôn từ dí dỏm và hình ảnh hài hước. Ông từng được vương triều Anh tặng thưởng Huân chương Tư lệnh Đế quốc (CBE, 1978) và phong tước Hiệp sĩ (Knighthood, 1997). (
Các chú thích là của người dịch)
[2]trilogy: một bộ gồm ba tác phẩm nghệ thuật (văn học, âm nhạc, sân khấu...) có nội dung liên quan đến nhau; ở đây là bộ ba tác phẩm sân khấu. Trong văn hoá sáng tác nghệ thuật Âu châu, thể loại
trilogy có truyền thống từ Hi Lạp cổ đại.
[3]Inferno: thi khúc đầu tiên trong
Thần khúc (Divine Comedy) của Dante, trong đó có mô tả về chín tầng địa ngục mà Virgil đã dẫn Dante đi qua.
[4]“con tàu triết học”: ám chỉ cuộc ra đi — vào năm 1922 — của khoảng 160 nhà hoạt động khoa học và văn hoá bất đồng chính kiến với chế độ Xô-viết, theo lệnh trục xuất của Lenin. Các trí thức bị trục xuất (phần lớn có thân nhân đi cùng) đã dời lãnh thổ Liên Xô trên hai chuyến tàu thuỷ
Oberbürgermeister Hagen (“Thị trưởng Hagen”) và
Preußen (“Nước Phổ”). Đây là lần trục xuất đầu tiên đối với những trí thức khác chính kiến, đồng thời là đợt trục xuất có số lượng người phải ra đi lớn nhất. Vì lẽ trong số những người ra đi có nhiều nhà triết học lỗi lạc, trong văn học sau này hai chiếc tàu thuỷ nói trên đã được gọi một cách bóng bẩy là những “con tàu triết học”. Việc trục xuất như một biện pháp trấn áp những người bất đồng chính kiến sau đó còn được chính quyền Liên Xô sử dụng nhiều lần trong suốt lịch sử tồn tại của thiết chế này, mà sự trục xuất Solzhenitsyn vào năm 1974 là một trong các thí dụ.