trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
25.8.2008
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Quần đảo ngục tù
Ngọc Thứ Lang, Ngọc Tú dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
10. Công lý trưởng thành

Điều 17 Hình Luật dự liệu xử bắn những thành phần lén lút trở về lãnh thổ Liên bang Xô Viết. Thông lệ đã có luật định thì chắc chắn sẽ có vô số kẻ vướng những trường hợp này khác: ai điên khùng đi chui đầu vào bẫy. Điên đầu nhât là Savinkov, bị quả tang và ra toà không chối mà còn không bị khép vô điều 71 mà. Vậy là điều 71 do chính Lenin chỉ thị cho Kursky đành bỏ xó! Nhưng ngược lại, bản án tống ra ngoại quốc thay vì xử bắn thì áp dụng tức khắc, liên miên.

Giữa lúc hăng say với ý định tống xuất nhất định gài vô Bộ Hình Luật mới, Chủ tịch Lenin ngày 19.5 còn chỉ thị mật cho sếp GPU (trích Tác phẩm Lenin, in lần thứ 5, tập 54, trang 265-266).

"Đồng chí Dzerzhinsky

Biện pháp tống xuất ra ngoại quốc văn sĩ, giáo sư theo giúp phản Cách mạng, cần phải chuẩn bị tối đa. Bằng không thế nào cũng có sơ hở. Phải gài bắt chúng dưới danh hiệu "gián điệp quân sự" công tác đòi hỏi tiến hành thường xuyên, có hệ thống và đày hết ra ngoại quốc. Chỉ thị này truyền tay các cấp Trung ương Đảng, không lập bản sao".

Dĩ nhiên một bản chỉ thị quan trọng, có tử đạo và tầm ảnh hưởng lớn như vậy phải tối mật. Thì ra trong công cuộc sắp xếp lại giai cấp của xã hội mới, chế độ mới, giản dị là không thể chấp nhận sự hiện diện nguy hại của đám trí thức tiểu tư sản bèo nhèo, ô hợp. Cứ gắn cho chúng nhãn hiệu gián điệp quân sự để bứng gọn những quân vô lại ấy, tống phứt ra khỏi nước này là tốt nhất.

Hồi đó đồng chí chủ tịch đã ngã bệnh nhưng Trung ương Đảng hiển nhiên đã chấp nhận để đồng chí Dzerzhinsky đi vơ vét và cuối năm 1922 tống cổ 300 tên trí thức tiểu tư sản Nga xuống tàu biển (chớ không phải thuyền bè) bắt buộc họ phải nhảy vào đống rác Âu châu).

(Một số người bỏ đi, bị chế độ Sô viết liệng vô sọt rác đã thực sự làm nên tên tuổi: Triết gia có Lossky, Bulgakov, Berdyayev, Stepun, Vyshelavtsev, Karsavin, Frank, Ilin, sử gia có Melgunov, Myakotin, Kizcvetter, Lapshin, nhà văn, nhà báo có Aikhenvald, Izgoyev, Osorgin, Peshekhonov. Hãy cứ kể bằng ấy! Đầu năm sau lại thêm những mớ lẻ tẻ, như Bulgakov (chính trị gia chớ không phải sử gia) bí thư của văn hào Lev Tolstoi. Toán học gia Selivanov cũng bị, chỉ vì thân thiết với nhóm văn sĩ, giáo sư Triết).

Phải chi những bản án đi đày ngoại quốc được tiến hành thường xuyên có hệ thống như đã dự liệu thì hay biết mấy! Nhà nước chỉ vấp lỡ vài đợt đầu rồi ngừng kịp để "sửa sai" ngay mà không tội nhân nào không thành khẩn tri ân nhà nước ầm cả lên. Thế là thế nào? Thôi thì lại xử bắn cho đỡ phí của, vả lại những mầm mống tồi bại gặp đất rác rưởi ắt sẽ nở hoa, dám sanh phiền phức sau này chớ. Xử bắn cho chắc ăn. Cho nên những đợt thanh trừng sau, bọn trí thức tiểu tư sản không ra pháp trường thì cũng lũ lượt dắt nhau vô quần đảo. Hết "án đi đày" ngoại quốc!

Năm 1926 trọn Bộ Hình Luật được tu chính (để sống dai một mạch tới thời Khruschhev) tóm thâu tất cả những điều khoản rải rác có liên quan tới chính trị về một mối là điều 58. Cuộc thanh trừng tiến hành không ngừng và mở rộng dần từ trí thức tiểu tư sản (giáo sư, văn sĩ) đến lớp kỹ thuật gia tức trí thức kỹ thuật. Bọn sau này mới là nguy cơ thiết thực vì chúng nắm giữ then chốt kinh tế mà lý thuyết Đảng suông rõ ràng khó lòng kềm giữ.

Đó là lúc nhà nước nhận định rằng quyết trừng phạt cán bộ Đảng chỉ vì để bênh vực cho gã Giám đốc Nhà máy Nước Oldenborger là một sai lầm tai hại. Bên trong chúng không có sẵn cả một tổ chức là gì?

Chính đồng chí Chưởng lý Krylenko cũng đã chủ quan quá vội khi khẳng định "không có vấn đề phá hoại của bọn kỹ thuật những năm 1920, 1921". Sao không phá hoại đâu đã đủ nghĩa? Phải nói là cả một sự băng hoại, nghĩa là làm cho lụn bại, hư hỏng bằng hết! (Danh từ băng hoại là sáng tác của một đồng chí điều tra viên cấp dưới của cơ quan khi làm vụ án Shakthy).

Khi đã có lệnh phải phát giác bằng được hiểm hoạ băng hoại – dù lịch sử con người chưa hề biết đến nó – thì cán bộ nhà nước lập tức khám phá ra ngành kỹ nghệ nào cũng có băng hoại, ngành công nghệ tư nhân nào cũng đầy dẫy. Phát giác thì thật nhiều nhưng toàn là rủi may không chắc thì bằng như chưa thống nhất kế hoạch, chưa hoàn thành tốt. Cá tính Stalin đòi hỏi phải vậy, mà cả một cơ quan điều tra hữu hiệu của bộ máy Tư pháp còn để làm gì? Giờ đây Công lý của chúng ta đã trưởng thành phải cho thế giới bên ngoài thấy rõ một kế hoạch đại quy mô đạt đến mức toàn thiện nhờ một công trình tổ chức tuần tự nhịp nhàng. Phải chứng minh bằng vụ án kỹ thuật mệnh danh Shakthy.


Vụ án Shakthy

Vụ án Shakthy được đưa ra xử phiên đặc biệt của Tối cao Pháp viện Liên bang Xô Viết. Chánh thẩm là đồng chí Vyshinsky, đương kim Viện trưởng Viện Đại học Mạc Tư Khoa. Ủy viên Công tố chính vẫn đồng chí Krylenko, Hội Thẩm vấn có 2 lão đồng chí Vasilyev Yuzhin và Antonov Saratovsky [1] . Đúng là một bồi thẩm đoàn tiếp sức, già có trẻ có! Một phiên toà với 53 bị cáo và 56 nhân chứng có thể gọi là vĩ đại lắm chớ.

Nó lại còn vĩ đại ở chỗ lỏng lẻo quá sức! Nếu mỗi bị can sơ sơ có 3 bằng chứng buộc tội thì ít nhất cũng có đến 159 cái gốc mà trước toà thì ông Chánh thẩm cũng như ông Ủy viên Công tố mỗi người chỉ có đúng 10 ngón tay!

Bị cáo nào chẳng bị khép tội "căm thù xã hội nên cố tình phạm pháp", nhưng trước toà chỉ 16 kẻ gật đầu nhận, 13 kẻ chối loanh quanh và 24 kẻ nhất định không hề nhận làm gì nên tội. Cả đám kẻ gật người lắc ô hộp không thống nhất chút nào làm cử toạ ngớ ngẩn. Vả lại in hệt như những nếp toà trước, bao nhiêu bị can đều lặng lẽ cúi đầu chấp nhận, luật sư biện hộ khoanh tay chịu phép, vì có muốn cục cựa hay nhúc nhích quả tạ công lý đi một chút cũng có được đâu mà chẳng cam đành? Phiên toà đâm rời rã, đầy những sơ hở. Một ông Chưởng lý cỡ Krylenko đời nào chịu chấp nhận?

Trước ngưỡng cửa của một xã hội đồng nhất, không giai cấp mà nhà nước Xô Viết đã tạo ra được một phiên toà không mâu thuẫn – chế độ ta làm gì có cái gọi là mâu thuẫn nội tâm? Nghĩa là một phiên toà êm ru, phẳng lặng. Không có hai bên chống đối. Toà và Công tố viên hợp một đã đành. Ngay các bị cáo và luật sư biện hộ cũng muốn cố gắng chung để cùng với Toà hoàn thành tốt một mục tiêu chung!

Như vậy thì cần gì phải đưa ra xét xử rình rang vụ án tầm thường như thế này, dù là đưa vào cả một kỹ nghệ than đá, cả một khu kỹ nghệ Donets Basin?

Không đâu. Phải đợi đúng lúc, đúng chỗ – nghĩa là vào ngày chót vụ Shakthy thì đồng chí Chưởng lý Krylenko mới đào bật sự kiện mới, để cho hố luôn cả 2 đồng nghiệp ở Công tố viện là Osadehy và Shein! Phải hiểu là Krylenko đã có chỗ dựa, đã trông cậy vào cả một cơ sở OGPU (tức GPU đổi tên trong một thời gian ngắn với đồng chí Yagoda vừa được cất nhắc lên thì công tác phải biết là kiến hiệu. Vụ án này không thể bó gọn lại tầm thường như vậy mà Cơ quan cần phải tạo ra để phát giác một hệ thống kỹ thuật toàn bộ, có mặt ở toàn quốc nhằm làm băng hoại kinh tế nhà nước. Một tổ chức rộng lớn cỡ đó thì phải có những thằng thật to đầu, cả nước biết tiếng điều khiển mới hợp lý chớ.

Nếu kể như "chuyên viên" băng hoại cỡ lớn, có tên tuổi danh vọng thực sự mà lại hách nữa thì đất nước này có tay nào dám sánh với Pyotr Akimovich Palchinsky? Đúng týp lãnh tụ kỹ thuật cần thiết!

Palchinsky ai chẳng biết là kỹ sư Mỏ cừ từ hồi đầu thế kỷ? Thế chiến I từng giữ vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Kỹ nghệ Chiến tranh, phải nói là người đã điều hợp toàn bộ kỹ nghệ Nga đương chiến, kề vai gánh đỡ cho những thất bại của chính phủ bảo hoàng không biết chuẩn bị một kỹ nghệ thời chiến. Tháng 2 năm 1917 Palchinsky lên chức Thứ trưởng Thương mại – Kỹ nghệ.

Dưới trào Nga hoàng, Palchinsky từng bị khó dễ, trừng trị vì hoạt động Cách mạng. Sau Cách mạng tháng 10 lại bị Cách mạng tống giam đến 3 lần vào những năm 1917, 1918 và 1922! Từ 1920 chỉ giữ chức Giáo sư Trường Đại học Hầm Mỏ và là cố vấn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Thâm tâm của Krylenko là giờ chót đưa ra tên Palchinsky để vén bức màn mới, tự mình nhảy vào một địa hạt mới toanh là Kỹ nghệ, là cơ khí sau 10 năm vang danh lý thuyết gia buộc tội số 1. Vì là địa hạt mới – địa hạt của máy móc, kỹ thuật – nên đồng chí Công tố sắc bén đâm tính sai nước cờ! Có biết đo lường sức chống cự dẻo dai của từng món kim loại đâu? Làm sao đoán nổi sự cứng rắn của lòng người, mức chịu đựng của con người?

OGPU thiếu gì đòn tra tấn, thiếu gì thủ đoạn nhưng có dễ gì lay chuyển nổi sự sắt đá của con người Palchinsky? Không cách nào bẻ được, khuất phục được con người thà chết chớ không chịu ký bất cứ cái gì mình không muốn ký. Palchinsky chịu chết.

Cùng bị tra tấn với Palchinsky còn Von Meck và Velichko. Dường như hai người này cũng không chịu khai và không biết sau đó họ bị xử bắn hay chết ngay trong phòng điều tra. Trường hợp của họ chứng minh một điều: có thể chống lại được, có thể không đầu hàng OGPU. Đó là những tia sáng rọi vào sau lưng những bị cáo lớn trong những vụ án sau này.

Để che giấu sự "khai thác" thất bại, ngày 14.5.1929 Yagoda cho ra một bản thông cáo ngắn về việc xử tử 3 can phạm vì tội làm băng hoại đại quy mô và nhân thể lên án một số người nữa không nêu tên (trích báo Izvestiya ngày 24.5.1929).

Coi, có thể nào mất đến gần một năm trời mà không thâu hoạch được một cái gì? Nào thời giờ, nào cán bộ, bao nhiêu công phu đã chuốc lấy thất bại? Không được. Chính đồng chí Krylenko có sáng kiến về vụ này thì phải lo kiếm một lãnh tụ kỹ thuật nào có tên, có ảnh hưởng nhưng chắc chắn là yếu xìu, có thể "bẻ" được. Lại phải khởi đi từ đầu. Vì không phải ngành chuyên môn xưa nay, khó thấu đáo bọn kỹ sư chết tiệt này nên đồng chí Chưởng lý lại mất đúng một năm nữa. Vẫn chưa kiếm ra "lãnh tụ"!

Mùa Hè 1929 đích thân Krylenko chỉ huy vụ "điều tra" kỹ sư Krennikov. Nhưng dễ sợ quá, Krennikov cũng đành chịu chết vì tra tấn còn hơn ký nhục nhã! Đến lượt kỹ sư già Fedotov bị "thử sức". Nhưng lão già nua quá, lại là Kỹ sư Dệt, không sáng giá, không dễ có mác "lãnh tụ"! Đành phải bỏ. Lại tốn thêm một năm.

Trong khi đó cả nước ngóng cổ trông chờ vụ án những thằng kỹ thuật phản động, dám làm băng hoại kinh tế nhà nước. Kẹt nhất là chính Lãnh tụ cũng nôn nao chờ. Nhưng vận hên bay đâu mất làm đồng chí Chưởng lý Krylenko loay hoay mãi mà không sắp đặt xong vụ án.

Không lẽ chỉ vì Krylenko dựng vở không nổi – nghĩa là vừa chứng tỏ sự bất lực – mà Stalin lại nỡ xử nặng tay đến vậy. Lập tức bay chức Chưởng lý để "thăng tiến" lên cấp cao hơn là Bộ trưởng Tư pháp nhưng trên thực tế đã mất tín nhiệm của lãnh tụ để cuối cùng, năm 1938 lại "đi đúng vết xe" của các nạn nhân, nghĩa là bị xử bắn!

Mãi đến mùa hè năm 1930 mới có một kẻ nhắc đến tên một thằng "coi được": hay là thử "tính" Ramgin, Giám đốc Viện Cơ khí Nhiệt lượng? Được lắm, câu lưu liền.

Thế là có một vụ án kéo dài 3 tháng. Một thảm kịch vĩ đại công diễn suông sẻ như đã vạch sẵn. Đó là điển hình một nền Công lý toàn thiện, một bản án mẫu mực chẳng chế độ tư pháp nào bắt kịp.


Vụ án Đảng Kỹ thuật (Promparty)

Cũng phiên Đặc biệt, Tối cao Pháp viện Liên bang Xô Viết. Vẫn Chánh thẩm Vyshinsky, phụ thẩm Antonov Saratovsky. Chưởng lý vẫn là đồng chí Krylenko, hồi đó chưa xuống dốc.

Đặc biệt hãn hữu: Toà sắp đặt cho tốc ký viên lập biên bản từ đầu tới cuối để sang năm 1931 Cơ sở Ấn loát Lập pháp xuất bản trọn tập. Không còn những "lý do kỹ thuật" cản trở. Lần này thông tín viên ngoại quốc còn được theo dõi tất cả các phiên xử từ 25 tháng 11 tới 7 tháng 12 năm 1930.

Nhưng cử toạ ngạc nhiên nhất điểm các bị cáo đại diện đủ mọi ngành kỹ nghệ trong nước, trừ các "tay trong" mới nhận ra nổi vắng mặt 2 ngành không thể có nổi là Hầm mỏ và Hoả xa. Rút kinh nghiệm vụ Shakthy rời rạc lỏng lẻo nên lần này trên băng bị cáo chỉ vỏn vẹn 8 mạng!

Có 8 mạng mà gọi là đại diện đủ mọi ngành kỹ nghệ? Đúng vậy. Bấy nhiêu đó quá đủ vì kỹ nghệ Xô Viết quả thực có gì đâu? 8 người thì ngành Dệt đã chiếm 3 vì là ngành quan trọng của kỹ nghệ quốc phòng. Vậy số nhân chứng chắc phải đông lắm? Không! Có 7 người thì ở tù hết 7 thì nhân chứng cũng là một phường làm băng hoại kinh tế nhà nước như bị cáo!

Nhân chứng ít, bị cáo ít, hẳn số tang vật phải nhiều. Ai chẳng đoán vậy? Phải cả núi, cả bó tài liệu để mang ra toà buộc tội cho hết chối! Kế hoạch, chỉ thị, báo cáo, biên bản hội họp chẳng hạn. Hoặc một văn thư thông cáo, một chứng minh thư, một thư riêng gởi cho nhau. Vậy mà tuyệt đối không có lấy một mẩu giấy tờ làm tang vật! Hoàn toàn không.

Có thể nào GPU lại sơ sót nặng tới vậy? Bắt người mà không có tang vật? Không, có chứ! Nhiều tang vật lắm chớ, nhưng tiêu hủy đi hết cả rồi. Cơ quan đâu đủ chỗ để chất đống hồ sơ, tài liệu?

Toà chỉ nghe đọc một số bài báo, trích đăng ở mấy tờ báo trong nước, của dân Nga di cư. Không thể truy tố mà chỉ căn cứ vào bấy nhiêu "tài liệu" nhưng dù sao Toà cũng còn đồng chí Nikolai Vasilyevich Krylenko, người từng nhiều phen tuyên bố: "Bất cứ hoàn cảnh nào, tang chứng quý nhất bao giờ cũng là bản tự thú của chính bị cáo!"

Chao ôi, tự thú! Không cưỡng bách mà chỉ "hướng dẫn" can phạm để hắn hối ngộ, rút ruột ra khai. Cứ khai nhiều, khai nữa ra đi, thành khẩn mà bộc lộ hết. Như kỹ sư dệt Fedotov 66 tuổi, dân kỳ cựu trong ngành, trước toà đã thành khẩn trên sự "hướng dẫn" của cán bộ thẩm vấn! Năm phiên toà liền, ông kỹ sư già khỏi đòi hỏi một câu, phăng phăng bộc lộ hết giải thích đến lý luận cho Toà nghe. Cứ đứng lên thao thao đến nỗi Toà phải hối thúc ngồi xuống nghỉ cho đỡ mệt kia mà. Các bị cáo thay phiên nhau thành khẩn bộc lộ, chỉ mong được đứng lên nói để hăng say trút ra những lời tự thú. Bao nhiêu sự kiện phạm pháp Công tố viên dẫn ra đều được họ tự miệng nhìn nhận bằng hết. Toà không cần nêu câu hỏi.

Trước toà Giám đốc Cơ khí Nhiệt lực Ramgin tự thú tràng giang đại hải rồi mới tóm gọn lại, đúc kết rành rẽ như cho học trò lấy nốt. Hình như họ chỉ sợ bộc lộ thiếu một sự kiện, quên một cái tên hay còn để Toà thắc mắc một vấn đề, bỏ qua không ghi nhận kịp tên tuổi một thằng làm băng hoại kinh tế.

Và hối lỗi đến mức tự hạ như các bị cáo hôm đó là cùng! Tôi đúng là kẻ thù của Công nông. Tôi ăn hối lộ. Tôi đầu óc tiểu tư sản. Bị cáo Charnovsky nhất định: "Tội của tôi lớn lắm" khi Công tố vặn hỏi: "Bị cáo có lỗi gì?". Năm phiên toà liền đồng chí Krylenko vô cùng nhàn nhã, chỉ ngồi uống nước nhấm nháp mấy cái kẹo.

Đồng ý các bị cáo đã thành khẩn tự thú nhưng cung cách họ khai như thế nào? Không có máy ghi âm để ghi lại từng lời của họ nhưng theo lời ông luật sư biện hộ thì: "Những lời thú tội của họ trước toà tuôn ra thật nghề nghiệp. Bình tĩnh, đều đặn, không cảm xúc!" Chao ôi, hăng say, thành khẩn tự kê tội mà có thể nghề nghiệp, tuyệt vô cảm xúc được sao? Bao nhiêu tội đều được thú nhận bình tĩnh, đều đặn? Họ nói lí nhí đến độ nhiều lần đồng chí Krylenko phải lên tiếng nhắc nhở: "Bị cáo hãy thú tội lớn lên, nói cho rành mạch cho Toà nghe!"

Lại thêm các luật sư biện hộ cũng ôn hoà, nhỏ nhẹ, không nghịch ý Công tố viện một lần. Ông biện hộ chính thức cho các bị cáo còn khoe bản cáo trạng tóm lược "có giá trị lịch sử" để tự cho điểm thấp bản biện minh trạng của mình, xét vì bận tâm không muốn bào chữa như thế, vả lại "luật sư biện hộ cũng vẫn là công dân Xô Viết và như bất cứ một công nhân nào, cũng căm hận cho những tội ác của các bị cáo!". Trọn 5 phiên toà cũng có vài câu hỏi do các luật sư e dè nêu lên nhưng đồng chí Krylenko vừa cất tiếng thì những thắc mắc được rút về liền. Gọi là bênh vực thì chỉ có 2 công chức ngành Dệt được bênh vực phần nào, dù các ông luật sư không đặt vấn đề tiên quyết, thủ tục truy tố và suy diễn tội trạng của Toà có đúng hay không. Họ chỉ xin hỏi Toà "Liệu thân chủ của chúng tôi có thoát nổi án tử hình?". (Nghĩa là Toà muốn lấy đầu, hay muốn cho một thằng sống để lao động cải tạo?)

Còn những tội ác ghê gớm của bị cáo, những thằng kỹ thuật tiểu tư sản ra sao? Đây, bản lược kê. Chúng âm mưu kìm lại mức độ sản xuất, công nhân đã bình nghị năng suất đồng niên phải tăng 40-50% nhưng kết quả chỉ lên được 20-22%. Chúng bê trễ khai thác mỏ than mỏ dầu. Cố tình kéo dài quá lố kế hoạch phát triển toàn vùng lưu vực Kuznetsk. Chúng đã đưa cả lý thuyết, biện chứng – chẳng hạn như nên dùng điện lực đập Dnieper để cung cấp điện cho vùng châu thổ Donets, hay là thiết lập một đường dây vĩ đại Mạc Tư Khoa chạy thẳng đến Donbas – để trì hoãn, lấp liếm khỏi phải giải quyết nhiều công trình cấp bách, các ông kỹ sư còn bàn cãi thì công tác công trường hẳn phải tốp! Chúng đã gác lại không chịu tham cứu nhiều dự án cơ khí mới. Chúng núp sau kỹ thuật, khi thuyết lý về sức chịu đựng của kim loại, đã chống lại đường lối nhà nước! Chúng thường ráp máy cũ, làm kẹt tiền nhà nước trong những công tác xây công trường tốn kém, kéo dài mãi. Không cần sửa cũng bày đặt phải sửa, không sử dụng đúng từng mặt kim khí, làm mất quân bình hoạt động xí nghiệp tức đặt sai mức cung cấp vật liệu và năng suất thực của nhà máy. Chẳng hạn mùa bông gòn số thâu hoạch chưa đủ đã phóng tay lập thêm 2 nhà máy lớn. Kế hoạch sản xuất vải sợi thì vẽ từ tối thiểu tới tối đa, chỉ vì không nắm vững mà thúc đẩy sản xuất đến băng hoại kỹ nghệ luôn. Chúng còn dám trù liệu kế hoạch phá hoại năng suất điện (dù chưa ra tay nên toàn bộ công kỹ nghệ chưa bị ảnh hưởng) và nếu thực hiện được sẽ tạo tình trạng khủng hoảng trên toàn quốc, kinh tế tê liệt lụn bại năm 1930. Tuy nhiên kinh tế đã không tê liệt mà mức sản xuất còn tăng gấp đôi vì quần chúng đã kịp thời có kế hoạch thi đua sản xuất.

Rất có thể bạn đọc bĩu môi: "Vậy thì có gì đáng gọi tội ác!". Không phải ư? Trước toà cứ vạch từng điểm rồi nhai đi nhai lại, 5 lần 8 luợt sẽ thành tội chớ? Không phải nhỏ đâu! Bạn có thể hỏi lại: "Kinh tế đã không tê liệt mà năng suất còn tăng hai lần chỉ vì quần chúng có kế hoạch thi đua sản xuất?" Hoặc là: "Liệu quần chúng công nhân cứ cho ra kế hoạch bình nghị mà năng suất tăng được thực, nếu không có sự cố vấn của Ủy ban Thiết kế?"

Suốt 5 phiên toà, đồng chí Chưởng lý Krylenko thỉnh thoảng đi sâu vào chi tiết kỹ thuật, chất chính các kỹ sư tơi bời từng điểm nhỏ, vặn đi vặn lại để thúc các bị cáo xổ ra những báo cáo chi tiết kỹ thuật đăng đầy nhóc trương trong các nhật báo, chữ nhỏ li ti. Có bỏ hết công việc chỉ chúi mũi ngày đêm vào cánh rừng kỹ thuật đó cũng chẳng hiểu gì hết. Chỉ thấy nhai đi nhai lại mỗi cuối đoạn một điệp khúc: "Chúng tôi phạm tội phá hoại, Chúng tôi làm băng hoại".

Nhưng ngày giờ này ví thử có người chịu khó đọc kỹ, phân tích từng hàng chữ thì sao?

Hiển nhiên họ sẽ thấy qua những lời tự thú, tự hạ, nhạt nhẽo cấu tạo một cách vụng về, rằng lần này bộ máy ép Lubyanka đã đi ra ngoài địa hạt chuyên môn, đụng tới một địa hạt hoàn toàn khác. Lớp dây gò bó có chặt thật, nhưng làm sao thắt nổi tư tưởng của con người văn minh thế kỷ XX? Này đây còn ở đâu, có bao giờ bọn kỹ thuật bị vùi dập, cưỡng ép, đầu óc khủng hoảng như trong Lubyanka? Bị đàn áp đến phát kinh hoảng được nhưng những con người kỹ thuật đó có dùng sai dùng bậy một danh từ một con số nào đâu? Bị cưỡng ép cho biết thì họ cho biết bằng hết sự thật,

*


Đây là tình trạng của họ:

Theo Kalinnikov thì, "làm ăn như vậy quá khó. Chẳng ai tin nổi ai. Đó là một sự cố tạo ra!" Kỹ sư Larichev than thở: "Muốn hay không muốn thì chúng tôi cũng phải sản xuất bằng đủ 42 triệu tấn dầu hoả vì cấp trên đã chỉ thị vậy. Điều kiện làm việc thế này thì không thể, không bao giờ đạt nổi mức 42 triệu tấn!"

Giới kỹ sư thời đó kẹt cứng giữa hai thế vô phương giải quyết. Một đằng là chỉ thị thượng cấp, một đằng là điều kiện làm việc. Viện Cơ khí Nhiên lực chỉ có mỗi niềm hãnh diện là nghĩ ra phương pháp sử dụng tối đa nhiên liệu mà kế hoạch nhà nước lại dự liệu giảm tiêu thụ nhiên liệu. Vậy làm sao phát triển?

Thế là ông Giám đốc Viện can tội băng hoại.

Ngành Hoả xa lo tối tân hoá bộ phận chuyên chở cũng bị tội băng hoại vì làm kẹt công quỹ! Tiền bỏ ra bắt buộc phải thâu vô cấp kỳ kìa! Đường có một rầy, muốn chuyên chở nhiều thì còn cách nào khác chế tạo đầu máy khoẻ hơn, toa chở hàng rộng lớn hơn? Nhưng phải đắp lại đường rầy, cầu cống để củng cố hạ tầng cơ sở. Phải tốn tiền, nghĩa là lại làm băng hoại kinh tế. Ngành sản xuất dụng cụ, máy móc phải tối tân hoá. Nhưng bắt chước Anh hay bắt chước Mỹ? Fedotov quyết định mua các giàn máy Ănglê. Đủ xài, đỡ tốn tiền nhiều. Nhân công Nga quá rẻ quá nhiều chớ đâu có hiếm, đắt như Mỹ mà sản xuất cái gì cũng phải dây chuyền? Cỡ 10 năm nữa, đến trình độ dây chuyền đặt máy mới cũng kịp chán! Vậy là lãng phí, băng hoại quỹ nhà nước! Lại lạc hậu, không lo tối tân hoá sản xuất. Ngành xây cất bỏ bê tông thường, xài bê tông cốt sắt. Tốn nhiều tiền lúc đầu nhưng 100 năm sau còn đứng vững, gỡ vốn lại dễ dàng. Nhưng bây giờ là băng hoại vì sắt thép đang quá hiếm!

Một mình Fedotov "xin Toà xét cho" tội băng hoại. Đâu phải hà tiện đến từng kopech là tiết kiệm? Cổ ngữ Anh chẳng có câu: "Chỉ nhà giàu rửng tiền mới dám mua đồ rẻ tiền" đó sao? Theo ông ta thì "băng hoại" cả ngàn triệu đồng rúp chính là Kế Hoạch Ngũ Niên. Bông gòn không phân loại ngay ở nơi sản xuất để Nhà máy sợi cần loại nào gởi loại ấy mà gởi đủ thứ để nhà máy tự lựa lấy nguyên liệu thích hợp mới là lãng phí! Công tố viện lờ đi, khăng khăng "quay" Fedotov đến lần thứ 10 về một lãng phí vĩ đại, sờ sờ: tại sao dám phí tiền xí nghiệp xây như lâu đài? Trần cao, hành lang mênh mông, chỗ nào cũng quạt máy. Rõ ràng quăng tiền nhà nước qua cửa sổ, một thói quen theo đuôi tư bản.

Xí nghiệp quả có đồ sộ thiệt, đồng chí Krylenko khiển trách đúng. Nhưng xin Toà xét cho bọn xây cất đâu dám cưỡng lệnh Bộ Lao động. Thiên đường cho thợ thuyền thì xí nghiệp phải vậy, trần phải cao 10 mét cho thoáng mát, theo đề nghị của y sĩ nhà nước. Làm 8 mét là lãng phí, băng hoại công quỹ. Sao không 7 mét? Mà coi chừng, hạ thấp trần xuống 6 mét là phản động, cố tình bôi nhọ nhà nước: thiên đường lao động mà xí nghiệp dám xây ổ chuột vậy? Vụ trần nhà cao lãng phí bị đồng chí Chưởng lý "quay" hoài, dù các bị cáo xin đưa con số chứng minh: cao, thấp, đắt, rẻ cũng chỉ 3% tổng số phí tổn xây cất. Nhưng vẫn còn quá lãng phí ở hệ thống quạt máy. Tại mùa hè có những ngày thời tiết quá nóng bức. Coi, đâu phải ngày nào cũng nóng bức?

Theo bị cáo Charnovsky thì "sự bất quân bình giữa khả năng và chỉ thị" ắt sẽ dẫn đến sụp đổ (trước khi có Trung tâm Kỹ thuật) dù nằm Lubyanka mấy tháng và đang đứng trước Toà Tối cao, Charnovsky vẫn còn nhận định được rằng:

"Cần gì phải hoạt động băng hoại? Cứ làm đúng (như cấp trên có lệnh) thì sự băng hoại tự nó cũng sẽ đến."

Cảm giác chung của cử toạ về phiên Toà xử "Đảng Kỹ thuật" là chứng kiến một màn kịch mà ông đạo diễn Công tố đã luôn mồm hò hét các bị cáo diễn viên. Rõ ràng diễn viên chê vở kịch quá dở nhưng bị đạo diễn nồ để có những ngôn ngữ, cử chỉ đúng lớp lang. Nên mới có cảnh ấp úng, ấm ớ, khi bị cáo chính Fedotov bị đồng chí Krylenko hỏi dồn:

"Anh có đồng ý vậy không?"

"Đồng ý, tôi đồng ý, dù nói chung, tôi không thấy."

"Sao? Anh có xác nhận không?"

"Nói đúng ra, ở một vài địa hạt, cứ kể ra, nói chung là tôi xác nhận."

Phiên toà đã báo hiệu trước cho giới kỹ thuật hiện còn chưa bị bắt giữ một thế kẹt đau đớn. Thấy các đồng nghiệp đã "đi" trước như vậy rồi đến họ cũng phải hăng say công tác trong hoàn cảnh làm hay không làm thì kết quả cũng đến vậy: ra toà là băng hoại. Dù băng hoại như thế nào họ đâu biết? Như lớp băng hoại trước đã chạm trán với các điều tra viên Lubyanka đó. Nằm trong xà lim lần lượt nếm đủ mục tra tấn, trong đó dễ sợ nhất là cấm ngủ, họ đã bị quay lên quay xuống cũng vì băng hoại. Các điều tra viên nhất định bắt họ phải cung khai cho rõ ràng những hoạt động băng hoại, đưa ra những dẫn chứng cụ thể và tin được. Ngay trước Toà đồng chí Krylenko còn hối thúc nhiều lần: "Anh đã làm băng hoại như thế nào? Hãy cho một thí dụ thật rành rẽ". (Đám kỹ thuật mất hồn ấy cho sao nổi những thí dụ băng hoại điển hình! Nhưng sau thế nào chẳng có người điều tra, nghiên cứu bằng được "Lịch Sử Nền Kỹ Thuật" thời đó? Sẽ có nhiều thí dụ lắm, những thí dụ toàn dẫn đến zê-rô! Chắc chắn sẽ có một bản ước lượng về chứng co giật động kinh của những Kế hoạch Ngũ Niên hoàn thành trong 4 năm! Tài sản, năng lực nhân dân sẽ bị tiêu hủy như thế nào. Kế hoạch tốt liệng bỏ, thực hiện toàn thứ bỏ đi bằng những phương tiện tồi nhất! Đại khái một nền kỹ thuật tốt đẹp, do những kỹ sư cừ khôi đảm nhiệm dưới sự kiểm soát, đôn đốc của mấy chú Hồng Vệ binh của họ Mao sau này).

Nếu Toà đòi hỏi những thí dụ rành rẽ, chi tiết thì rồi cũng phải có. Nhưng phản tác dụng ở chỗ càng rành rẽ chi tiết bao nhiêu thì những tội ác của các bị cáo lại càng nhẹ hều, càng xa dần bản án tử hình.

Ôi nếu vậy đã may mắn quá! Vở kịch đã đến màn chính đâu mà vội đoán kết thúc sớm thế "Đảng kỹ thuật" còn nhiều tội, những tội thật quan trọng mà Toà vạch ra đến bọn thất học cũng hiểu ngay. Ít nhất cũng có 4 tội lớn rành rẽ như sau: (1) dọn đường sẵn một cuộc xâm lăng (2) nhận tiền đế quốc (3) làm gián điệp (4) chia sẵn ghế trong một chính phủ sắp thành lập nay mai.

Bốn tội danh rõ rệt của "Đảng Kỹ thuật" vừa nêu ra là trong phòng xử mọi người ngậm câm. Những người mới đây còn le lói tí hy vọng chợt lặng thinh. Phòng xử im phăng phắc, nặng nề, Chỉ nghe từ ngoài đường những bước chân vang lên rầm rập, đám người biểu tình hò hét: "Xử tử, xử tử bằng hết!"

Vậy thì "chi tiết", "thí dụ" làm gì nữa? Còn cần gì nữa? Nhưng muốn biết thêm chi tiết thì cũng có. Một chi tiết mới thật rụng rời. Thì ra "Đảng Kỹ thuật" đã hoạt động theo chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh quân lực Pháp! Này đây, Pháp đang rảnh rỗi quá mà! Họ có gặp khó khăn, khủng hoảng hay tranh chấp đảng phái gì đâu. Chỉ cần thổi một hồi còi là cả Sư đoàn sẵn sàng tiến lên.

Nghĩa là có một âm mưu của Pháp nhằm xâm lăng, can thiệp vào nội bộ nước Nga! Họ đã sắp đặt chương trình định làm năm 1928 nhưng phải hoãn lại tới 1930: nội bộ ý kiến bất đồng, phương tiện tổ chức chưa đủ. Lại bất đồng ý kiến lần nữa, hoãn đến 1931. Đi sâu thêm vô chi tiết được biết thêm sự can thiệp sẽ tiến hành như sau: Pháp không chính thức ra quân, chiến đấu trực tiếp nhưng có công tổ chức toàn bộ kế hoạch nên sẽ được chia đất từ hữu ngạn miền Ukraine trở đi. Quân Anh cũng không tham chiến nhưng sẽ huy động hải lực làm thanh thế – một hạm đội Anh sẽ vào Hắc hải và biển Baltique. Quyền lợi chia chác sẽ là dầu hoả vùng Caucase.

Nhưng binh lực "can thiệp" lấy đâu ra? Có chứ! Nòng cốt sẽ là đám 100 ngàn dân Nga ly hương. Lâu nay sống rải rác bốn phương; chỉ chờ một hiệu còi là tập trung thành quân ngũ tức thì.

Bên cạnh "chủ lực quân hải ngoại" sẽ có quân Balan – phần chia của họ là chỗ đất còn lại của Ukraine. Còn một số quân của Lỗ-ma-ni: đám quân này tinh nhuệ, đánh hăng nức tiếng hồi Thế chiến I và họ chẳng ưa gì Nga. Ngoài ra hai xứ nhỏ Latvia, Estonia cũng sẵn sàng có quân chiến đấu. Đồng ý chính phủ bên họ vừa thành lập, đang bù đầu giải quyết nội bộ của họ nhưng nghe tiến quân đánh Nga chắc chắn họ sẽ bỏ hết để xung phong ngay.

Đến kế hoạch hành quân, mũi dùi cốt cán thọc sâu vào nước Nga mới là thần sầu [2] . Cơ quan đã biết trước đường hướng tiến quân của bọn chủ lực can thiệp. Từ lãnh thổ Bessarabia là vùng điều động quân, mũi dùi sẽ theo triền mặt sông Dnieper, bọc xuôiđánh rốc thẳng vào thủ đô Mạc Tư Khoa. Đúng lúc công phạt, tất cả hệ thống Hoả xa trên đất Nga sẽ là đích nhắm. Không phá hoại cho nổ tung hết mà chỉ đắp ụ, đặt chướng ngại vật chặn đường. Nhờ tay trong nằm sẵn trong toàn bộ cơ sở Điện lực toàn quốc gỡ ngòi cúp hơi điện nên cả nước Nga thình lình sẽ đen ngòm như địa ngục. Xí nghiệp là ngừng hết, kể cả những nhà máy dệt!

(Ôi chao, các bị cáo bị Toà dằn mặt nghe đây, đây là phiên Toà công khai, phải đề cao cảnh giác nếu không sẽ thêm tội "tiết lộ bí mật nhà nước"). Chỉ trong những phiên kín mới được đả động tới công tác phá hoại, địa điểm chọn sẵn tên xí nghiệp, sẽ phá.

Phải biết, với cuộc tiến quân như vậy thì còn gì là ngành kỹ nghệ Dệt? Ở điểm xuất phát Byelorussia, bọn phá hoại thiết lập xong hai, ba nhà máy dệt là có căn cứ hành quân cho bọn "can thiệp", từ đây đánh vô Mạc Tư Khoa [3] .

Thế đã lấy gì làm "kỹ thuật"? Điểm cừ nhất trong toàn bộ Kế hoạch Hành quân của bọn can thiệp là dự liệu mở đường nước, vét cạn các đồng lầy Kuban, vùng đất sình lầy hoang vu Polesye cũng như đồng lầy kế bên hồ Ihmen.

Dĩ nhiên đồng chí Chánh thẩm Vyshiniky đã cảnh cáo rồi nhưng một bị cáo dại dột đã buột miệng khai tuột mấy địa danh này!

Kể ra theo sông Dnieper tiến xuôi về thủ đô mà băng ngang được mấy chỗ đồng lầy mênh mông này thì rút ngắn được rất nhiều đoạn đường gian khổ thật. Nếu rút được bằng hết nước đi thì nền sẽ khô, ngựa không dính móng lính không bị dơ dáy đến bàn chân! Như vậy hiển nhiên bọn can thiệp đã qua mặt cả rợ Hung Nô lẫn Nã Phá Luân: họ bao lần bị chặn lại chính vì những thành lũy nước, bùn lầy quá hiểm trở này. Nếu san bằng được thì Mạc Tư Khoa kể như bỏ ngỏ.

Coi, kế hoạch vét sình đâu phải chuyện chơi? Ở ngay những địa điểm trên – những vùng bưng hiểm trở nhất Kuban – bọn can thiệp đã cất nhiều nhà kho ngụy trang hệt như nhà máy cưa, đủ chỗ chứa máy bay chui vô tránh mưa nắng an toàn. Nhiều đồn trại cũng đã được dựng lên san sát trong vùng (Thế mà sau này quân Đức không làm nổi một mái nhà tránh tuyết!).

Đúng chủ trương bảo mật, cử toạ phiên toà chỉ được biết bọn Kỹ thuật đã nhận chỉ thị của hai nhân vật bí mật, tên K. và tên R. Nói gì tên tuổi, ngay quốc tịch của họ cũng không được nêu lên. Một số đơn vị Hồng quân đã bị chúng móc nối được để sẵn sàng làm phản. Dĩ nhiên đây mới là kế hoạch dự mưu nhưng các đơn vị phản quốc này sẽ được lồng vào một cấp chỉ huy gồm đám sĩ quan phản động và một đám sinh viên.

(Có bọn sĩ quan phản động hả? Chuẩn bị quơ một mớ liên hệ là vừa. Có sinh viên nữa. Tốt quá, phải nhằm bọn này mạnh thêm. Nhưng kế hoạch hành quân của bọn can thiệp được "tiết lộ" như vậy quá đủ rồi. Đi quá xa dân tâm xao xuyến thực thì sao? Chỉ đến một giới hạn nào để quần chúng thấy những người chịu trách nhiệm bảo vệ xứ sở không hề ngủ. Chúng dự mưu nhiều lắm nhưng có làm nổi một cái gì. Có một ngành kỹ nghệ nào của ta hư hao đâu?).

Mọi sự sắp đặt đã tiến hành như vậy thì vì cớ gì cuộc "xâm lăng" không xảy ra? À, nhiều nguyên do lắm!

Có thể vì Poincaré hụt chức Tổng thống. Cũng có thể vì nhóm kỹ nghệ gia ly hương để lại bao nhiêu cơ sở trong nước cho bọn Bôn-xê-vích sung công thì cứ để nhà nước trùng tu lại tốt đẹp đã rồi chiếm lại sau! Vả lại cũng chưa thoả thuận xong các điều kiện với Lỗ và Balan.

Không có "xâm lăng", "can thiệp" nhưng Đảng Kỹ thuật hiển nhiên có! Ngoài đường những bước chân quần chúng đang rầm rập, những tiếng hô hào, gào thét: "Tử hình, Tử hình!" Không uất hận sao được, nếu âm mưu của chúng thành tựu thì giờ đây quần chúng đâu biểu tình được. Không chết trận khổ sở thì gia đình ly tán, đói rách. Cũng chỉ vì bọn chúng!

Bọn chúng kết hợp thành phe nhóm, rồi thành trung tâm. Trung tâm kỹ thuật, cơ khí mà. Từ trung tâm chúng lập Đảng. Phải có một Đảng Kỹ thuật thì hoạt động mới thuận lợi, mới hách. Phải có Đảng mới có vụ chia chác ghế trong chính phủ sau này, cũng như mới có danh nghĩa "kết hợp quần chúng kỹ thuật – cơ khí để đấu tranh cướp chính quyền".

Chúng đấu tranh chống ai? Chống các đảng khác, cố nhiên. Chống Đảng Công nông trước, chống Đảng Men-xơ-vích sau. Đảng Kỹ thuật đâu dưới 200 ngàn đảng viên. Mà cũng có thể 3 đảng của chúng liên kết lại thành Lực lượng, thành Mặt trận để liên minh chống chính quyền. Tuy nhiên GPU đã thanh toán xong cả 3 đảng liên kết!

Có Đảng là phải có một Trung ương Đảng bộ. Đó là Trung ương Đảng Kỹ thuật. Không có khai hội Đảng, chẳng cần bầu bán gì mà ai muốn gia nhập thì cứ vô thẳng – tổng cộng đúng 5 người cấp Trung ương! Cả 5 cùng "nhường" nhau chức Chủ tịch. Nói rõ ra là Đảng không nhóm họp, dù họp cấp Trung ương (điều này chẳng ai nhớ, trừ Ramzin sẵn sàng kêu tên đích danh) hay họp từng ngành kỹ nghệ.

Vấn đề đảng viên hơi hiếm. Theo Charnorsky thì Đảng chưa hề chính thức tổ chức. Con số đảng viên thiệt bao nhiêu? Larichev thú nhận là "khó lòng" đếm đủ số, ngay thành phần đảng viên cũng không rõ".

Như vậy thì Đảng chúng ta băng hoại thế nào? Chỉ thị hành động từ Trung ương xuống bằng cách nào? Giản dị là gặp nhau ở một địa điểm nào đó rồi chỉ thị miệng, để đảng viên tùy tiện thực hiện công tác băng hoại.

Riêng trường hợp Ramzin thì hẳn có thể kín đáo cho biết số đảng viên khoảng 2 ngàn. Hắn chỉ 2 ngàn. Hắn chỉ 2 người thì nhà nước bắt 5. Căn cứ theo tài liệu trình Toà thì Liên bang Xô Viết có khoảng 30 ngàn đến 40 ngàn kỹ sư. Nghĩa là cứ 7 kỹ sư thì bắt giam 1, còn lại 6 người chỉ khủng bố tinh thần cũng đủ. Cũng theo sự tiết lộ của Ramzin thì Đảng tiếp xúc với Đảng Công nông qua những phiên họp của Ủy ban Thiết kế Nhà nước, của Hội đồng Kinh tế Tối cao để nhằm "sắp đặt kế hoạch chống đối các cấp bộ chính quyền địa phương".

Coi, in hình Đảng Kỹ thuật và những công tác hoạt động của bọn chúng ta đã từng bắt gặp ở đâu? Quen thuộc quá! Phải rồi, trong vở ca nhạc kịch Aida. Lúc chiến sĩ Radames xuất quân, giàn nhạc thổi tưng bừng, 8 đồng chí nón sắt tuốt kiếm trần vung lên. Xa xa có bóng dáng 2 ngàn chiến sĩ vẽ trên phòng. Vụ Đảng Kỹ thuật là vậy.

Nhưng vậy là tốt rồi. Miễn là vở kịch diễn xuôi rót. (Không hiểu sao hồi đó vụ án lại đe doạ, nghiêm trọng tới vậy?). Đạo diễn bắt tập rõ nhiều lần, thuần phục quá rồi. Từng diễn viên đã được uốn nắn vào đúng khớp, không dám có cử chỉ lệch lạc rồi. Tuy nhiên xuôi rót cũng không xong. Trắng trợn quá! Các diễn viên – bị cáo bỗng nhiên phải quên đi một điểm nào đó , phải phản cung một điểm nào đó để Toà có lý do gặng hỏi lại, làm sáng tỏ vấn đề. Vậy đó mới đủ tiêu chuẩn nghệ thuật, như Viện Kịch nghệ Mạc Tư Khoa.

Nhưng đạo diễn Krylenko làm mạnh tay quá, nhất định mổ xẻ phanh Đảng Kỹ thuật để truy đến tận gốc gác giai cấp. Đặt vấn đề giai cấp đấu tranh thì nắm chắc phần thắng! Có điều đồng chí Chưởng lý đã không sắp đặt kỹ như Stanilavsky, cắt đặt rành rẽ từng vai trò mà còn để diễn viên "đóng tuồng" cho đúng sự thực. Nghĩa là để cho mỗi bị cáo có dịp nói lên thành phần giai cấp, tương quan với Cách mạng và trường hợp và dẫn dắt chúng tôi những hành động băng hoại: Thế là toàn bộ vở kịch sụp đổ trong cả 5 màn!

Điều phát giác thứ nhất làm mọi người kinh ngạc: có 8 bị cáo trí thức tiểu tư sản thì cả 8 đều xuất thân hàn vi, nghèo khổ cả! Người gốc con nhà nông, người con thầy thơ ký đông con, người con nhà thủ công, con thầy giáo làng, con buôn hàng rong. Tất cả đều là học trò nghèo, từ năm 10, 12 tuổi đã phải vừa kiếm kế sinh nhai. Không đi kèm trẻ học thì cũng phụ lái xe hoả. Vậy mà tất cả đều học lên được, cái đó mới là động trời! Học hết Trung học tất cả đều leo xong Đại học, làm giáo sư hay khoa học gia nức tiếng cả. (Vậy là chúng làm ngược lại, chớ không phải dưới thời Nga hoàng chỉ con nhà địa chủ, tư bản mới có điều kiện ăn học sao? Dưới chế độ Xô Viết bản thân các kỹ sư khổ cực đã đành, con cái cho đi học thực sự còn khó hơn con nhà lao động.)

Kế đó mới thấy rõ có sự phân biệt rõ ràng giữa các bị cáo. Đó là lớp tuổi. Dường như lớp tuổi trên 60 có cảm tình, đáng trọng nể hơn. Lớp tuổi quanh 40 thực sự nguy hiểm. Như trường hợp Ramzin, Larichev cùng 43 tuổi và bị cáo Ochkin, 39 tuổi. Cả 3 ông kỹ sư trẻ này cùng cho thấy sự trâng tráo, không biết nhục.

Chính kỹ sư Ochkin này từng xuất hiện, đứng ra tố cáo vụ án Glavtop – tức Ủy ban Nhiên liệu chính – năm 1921. Thuộc thành phần nhảy vọt thật lẹ, ngay từ năm 29 tuổi đã được "sự tín nhiệm vô giới hạn của Hội đồng Lao động và Quốc phòng cũng như của Hội đồng Nhân dân".

Kỹ sư Ramzin cũng thành công sớm, giữ chức lớn và cừ khôi ở điểm bao nhiêu anh em đồng nghiệp khinh khi, không muốn tới gần nhưng vẫn lờ đi, coi như không có chuyện gì. Ngay trước Toà hình như ông kỹ sư trẻ này đánh hơi sớm thấy đồng chí Krylenko muốn gì nên lựa lời khai xuôi theo tuyệt diệu và còn tự ý thú nhận nhiều điểm để căn cứ vào đó dựng nên hồ sơ buộc tội chung. Nghe những lời tự thú tỉnh táo của Ramzin không khỏi có cảm tưởng chính đương sự có thể xung phong nhận một chân đặc cứ toàn quyền của Đảng sang Bale thương thuyết can thiệp!

Trong khi đó, ông kỹ sư già Charnovsky 62 tuổi thì tư cách khác hẳn. Thiếu gì lúc nhà giáo uy tín này từng bị đám sinh viên vô danh bôi nhọ tên tuổi trên các bích báo của trường? Charnovsky vẫn dửng dưng. Sau 23 năm lo đào tạo học trò, có lần giáo sư đã bị Đại hội đồng Sinh viên yêu cầu tới "thuyết trình về thành tích" song Charnovsky đã thẳng thắn từ chối.

Kỹ sư già Kalinnikov thì từ năm 1921 đã có lập trường sẵn rồi đối với nhà nước qua một vụ đình công của các giáo sư. Chẳng là Viện Đại học Kỹ thuật Mạc Tư Khoa xưa nay vẫn có quyền tự trị rộng rãi (chỉ định giáo sư, bầu Viện trưởng). Năm 1921 đang làm Viện trưởng Giáo sư Kalinnikov được Hội đồng Giáo sư tái cử vào chức vụ điều khiển này nhưng bị Hội đồng Nhân dân chống lại, đưa một "gà nhà" ra tranh. Hội đồng Giáo sư bèn phản đối bằng biện pháp mạnh là đình công, với sự ủng hộ triệt để của các sinh viên. Dĩ nhiên nhà nước phải nhượng bộ để Kalinnikov làm Viện trưởng suốt niên khoá đó nhưng qua năm 1922 Viện Đại học Kỹ thuật bị cúp ngay quyền tự trị, dầu phải bắt bớ một số cứng đầu.

Kỹ sư Fedotov, 66 tuổi là tay kỳ cựu số một trong ngành Dệt, từng là kỹ sư quản trị xí nghiệp 11 năm nhiều hơn Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga, tiền thân của Đảng Cộng sản Xô Viết! Kỹ sư Fedotov đã đóng góp vào công cuộc thiết lập và điều hành tất cả những nhà máy sợi, máy dệt lớn ở Nga (càng kinh nghiệm nhiều, càng được cảm tình công nhân càng phải thanh trừng lẹ!).

Năm 1905 chính ông kỹ sư trưởng Fedotov đã từ chức, bỏ cả địa vị cao sang ở Nhà máy Dệt Morozov chỉ vì tội tham gia đám táng những công nhân dệt bị lính Cốt sắc đàn áp bắn hạ. Cho đến khi ra toà tối cao thì cơ thể đã quá mệt mỏi, mắt không nhìn rõ và đi coi hát cũng mệt nữa!

Có thể nào lớp người như Fedotov, Charnovsky, có những hành động làm băng hoại kinh tế và âm mưu trợ giúp bọn "can thiệp" ngoại quốc?

Kỹ sư Charnovsky thì ai cũng biết từ bao nhiêu năm nay không có lấy một buổi tối rảnh rang. Hết sửa soạn chương trình học cho sinh viên ở trường thì lại bù đầu nghiên cứu những chủ thuyết mới, đại để về kỹ thuật tổ chức sản xuất, kỹ thuật sản xuất hợp lý hoá. Như bất cứ một giáo sư nào tận tụy với nghề nghiệp thời đó, Charnovsky lo hướng dẫn sinh viên đủ mọi cấp có bao giờ được về nhà trước 11 giờ khuya? Một con người như thế đó có thể nào tham dự vào việc phá hoại kinh tế và nhất là làm gián điệp, lãnh tiền ngoại quốc.

Đến như Ramzin cũng còn một nhận xét trước Toà về vai trò của một kỹ sư (xét ra Ramzin chỉ có một câu này là thành thực).

"Xin lưu ý quý vị ngay là chủ trương làm băng hoại cũng đã đối nghịch với bản chất thực sự của một kỹ sư."

Đúng thế! Có thể là họ kém thành thạo (hay mù tịt) về chính trị như đồng chí Krylenko muốn sắp hạng họ – chính trị đâu phải dễ nhận định như phẩm chất một loài kim hay kiểu mẫu một động cơ tuya-bin mà là một địa hạt mà trí thông minh hay trình độ giáo dục chẳng có giúp ích gì hết! Nhưng là người của khoa học và kỹ thuật, chắc chắn họ phải nhận ra thành quả cấp thời của Cách mạng tháng 10 sẽ là cả một sự sụp đổ, tàn phá. Ba năm đầu tình trạng quả nhiên suy sụp. Ngoài ra còn là sự mất mát của một số tự do căn bản, mất là mất luôn, không trở lại! Họ muốn sống dưới chế độ Dân chủ Cộng hoà lắm chớ. Nhưng bản chất kỹ sư không thể chấp nhận được sự độc tài chuyên chế của công nhân. Trong ngành kỹ sư không thể chối bỏ được sự tùy thuộc của thợ thuyền đối với cấp lãnh đạo kỹ thuật. Với họ thì vấn đề giản dị là không thể để lớp người nghèo nàn kỹ thuật, không được đào tạo chuyên môn đứng ra đôn đốc, chỉ huy chính những người đủ tư cách và thẩm quyền điều khiển.

Khi vai trò lãnh đạo kỹ nghệ nằm trong tay những người không được đào tạo để chỉ huy, mù tịt về sản xuất thì kết quả hiển nhiên phải là một sự sụp đổ. Giới kỹ sư là những người đã bị Cách mạng đào thải, không cho tham dự nên cho đến 1920 đại đa số đã bó tay, không làm gì được hết. Cho đến lúc nhà nước nhận ra và đưa ra Chính sách kinh tế mới để sửa lại thì họ mới lại có cơ hội trở lại bắt tay vào việc. Họ chấp nhận chính sách mới cho là đã đến lúc nhà nước đã biết điều nhưng điều kiện làm việc thực sự đổi khác rồi.

Họ không phải là những người điều khiển, chịu trách nhiệm kỹ thuật như xưa mà là thành phần xã hội khả nghi, nuôi nổi con cái ăn học cũng đã khó. Lương lãnh quá thấp, không tương xứng với giá trị đóng góp. Cấp trên đòi hỏi phải làm được việc, sản xuất nhiều và kỷ luật tốt nhưng chính họ không được áp dụng được kỷ luật với cấp dưới. Thời buổi này công nhân không tuân lệnh kỹ sư đã đành. Nhục mạ hành hung còn không bị trừng phạt, giai cấp lãnh đạo mà.

Trong cảnh trạng đó giới kỹ sư không lo đoàn kết với nhau sao được? Họ cùng lâm vào một hiểm hoạ nên phải đoàn kết để tương trợ. Họ không cần nhóm họp, để cử Ủy ban mà đã có sẵn sự cảm thông tinh thần giữa người trí thức với nhau. Một vài câu nói nhẹ nhàng là đủ, đó là tình người mà Stalin, các điều tra viên hay quần chúng không hiểu nổi. Ở một xứ sở vĩ đại dân đa số thất học với những ông lớn đầu óc cổ hủ, giới kỹ sư đã duy trì mối tình người này qua nhiều thử thách. Nhà nước Xô Viết phát giác ra điều ấy và phải bẻ gãy.

Cho đến 1927 giai đoạn Kinh Tế Mới chấm dứt bằng một đổ vỡ lớn. Nhà nước đưa ra bao nhiêu kế hoạch to lớn nhưng toàn thứ đầu voi đuôi chuột, không đủ điều kiện thực hiện. Chịu trách nhiệm là giới kỹ sư, bộ phận điều khiển trong Ủy ban Thiết kế nhà nước hay Hội đồng Kinh tế Tối cao. Họ không muốn bị điên đầu, không muốn phủi tay đứng sang một bên thì chỉ có cách tận lực sửa chữa lại những kế hoạch phản kỹ thuật, những chương trình "cả dọc dài con số vẽ trên giấy" để cố giảm thiểu tai hại. Không cứu vãn được toàn bộ thì cũng gỡ gạc lại một phần tài nguyên phung phí. Giới kỹ sư đề ra chính sách phẩm trên lượng, nghĩa là làm ít nhưng làm tốt gắng sửa lại chủ trương số lượng trên hết mà nhà nước đã "thuốc" cho quần chúng đòi hỏi ào ào.

Bản chất thực sự của vấn đề chỉ là vậy. Trước viễn ảnh đổ sụp kinh tế – kết quả tất nhiên của những dự án phóng tay của nhà nước – giới kỹ sư Nga đã cố mang hết khả năng chuyên viên để giới hạn bớt thiệt hại. Nhưng kết quả trực tiếp là họ lãnh đủ hậu quả: nhà nước không chấp nhận thực trạng mà lôi cổ ra Toà về tội băng hoại kinh tế, thêm tội phản quốc, tán trợ xâm lăng. Để tìm ra bằng được đích danh thủ phạm, với tang chứng không thể chối cãi Cơ quan đã được giao trách nhiệm "tìm người thích hợp", dưới sự đôn đốc, kiểm soát của đồng chí Chưởng lý Krylenko. Phải sắp đặt trình diện trước Toà một Đảng Kỹ thuật!

Quả nhiên Krylenko đã "lập" xong Trung ương Đảng bộ Đảng Kỹ thuật. Có Trung ương Đảng ắt phải có đảng viên. Hãy để con số 2 ngàn đảng viên làm một thứ "phông" mờ mờ. Trước toà một nhóm 8 thủ lãnh dễ điều khiển hơn nhiều! Để khỏi hố như vụ án Shakthy, đồng chí Krylenko đã đề ra hai năm dò tìm cấp lãnh đạo Đảng, 8 người trong đám kỹ sư. Chỉ cần 8 người thì quá dễ, nhất là tên tuổi Palchisky được sử dụng làm "lãnh tụ tinh thần" của Đảng, dù Cơ quan chẳng đưa ra được một bằng chứng có sự liên hệ.

(Cơ quan không cưỡng bách nổi con người sắt Palchinsky, thà bị xử bắn chứ không chịu ký bậy. Muốn buộc tôi thủ lãnh Đảng Kỹ thuật cho kỹ sư Khrennikov cũng không xong vì biên bản GPU xác nhận Khrennikov từ trần trong thời gian điều tra. Nghĩa là ông ta chịu tra tấn đến chết, để tối đa Cơ quan cũng chỉ có thể, truy tặng chức Thủ lãnh Đảng Kỹ thuật! Cũng may mà còn tìm ra một ông kỹ sư Ramzin!)

Như trên đã nói, dù số diễn viên giới hạn nhưng đạo diễn Krylenko vẫn phải theo dõi sát nút để tránh mọi sơ hở tai hại. Dưới đây là một bằng chứng.

Dù 8 bị cáo thú nhận hết tội băng hoại kinh tế nhưng đó không phải tội chết. Công tố viện phải có sẵn một Đảng và một vụ can thiệp nhằm lật đổ chính phủ. Các bị cáo cố nhiên không thể đóng vai trò chủ lực, thành nòng cốt phải là bọn kỹ nghệ gia, tư bản lưu vong. Họ có mặt ở đây đâu mà cãi chối? Nhưng ở ngoài vòng kiềm toả của nhà nước, họ có quyền lên tiếng trên báo chí. Lập tức họ khẳng định không hề được biết cái gọi là Đảng Kỹ thuật cũng như chưa hề được tiếp xúc với Ramzin, Larichev, do đó nếu các bị cáo có phản tỉnh, tự thú thì phải hiểu đó là hậu quả của tra tấn.

Đạo diễn Krylenko lợi dụng những lúc Toà ngưng nhóm để "chuẩn bị tinh thần" đám bị cáo. Nếu bọn phản động hải ngoại vu cáo cho Cơ quan tra tấn các nạn nhân thì còn gì cụ thể bằng chính các nạn nhân lên tiếng công khai trước Toà? Họ bực bội đến nỗi xung phong đòi Toà phải cho họ lên án bọn mất gốc ở hải ngoại vu cáo Cơ quan. Sự hung hăng trái ngược sự chịu đựng nhục nhã, cúp tai ở 7 phiên toà trước. Họ đòi Toà phải cho đăng bản kiến nghị "nói lên sự thực" giùm GPU. Còn gì quý cho bằng niềm uất hận biểu lộ sôi sục!

Kỹ sư Ramzin vươn ngực cho mọi người thấy: "Sự kiện của chúng tôi trước Toà đủ là bằng chứng hùng hồn là chúng tôi không hề bị tra tấn hoặc ngược đãi". Ông kỹ sư quá ngây thơ! Tra tấn hay ngược đãi khiến can phạm ra Toà không nổi thì còn gọi là tra tấn sao được? Đâu phải là nghệ thuật?

Kỹ sư Fedotov còn đi xa hơn nữa. Không những bênh vực cho lề lối là việc của Cơ quan, bị can này còn xác nhận: "Đối với bản thân tôi ở tù thật hữu ích. Mà không riêng một mình tôi. Tôi cho là ở tù còn sướng hơn, thoải mái hơn tự do". Kỹ sư Ochkin phụ hoạ: "Tôi cũng vậy. Tôi cũng cảm thấy sung sướng hơn".

Các bị cáo đã giác ngộ, tự nguyện và hăng say như vậy, tại sao Krylenko và Vyshinsky không chấp nhận để họ công bố một kiến nghị cho được?

Màn kịch được chuẩn bị chu đáo, hạ màn một cách tuyệt vời như vậy nhưng vốn là một cây lý luận, Krylenko vẫn phải đặt một câu hỏi; giả thử những điều họ vừa nói hoàn toàn dóc láo thì tại sao họ bị bắttại sao tất cả đều thú nhận tội lẹ làng như vậy?

Chao ôi, cần gì phải lý luận? Thực tế rành rành cả mấy ngàn năm nay mà chỉ những ông Công tố buộc tội không hay là: bị bắt hẳn phải có tội. Và có tội là phải khai.

Trước toà Chưởng lý Krylenko vẫn lý luận: "Bây giờ ta bỏ vấn đề tra tấn sang một bên mà thử đặt một câu hỏi tâm lý: Tại sao họ thú nhận tội lỗi? Xin hỏi quý ngài: "Không thú tội, thì còn làm cái gì khác?" Điều đó đúng quá rồi! Và tâm lý nữa. Đã lọt vô Cơ quan một thời thì ráng nhớ lại coi: Có làm được một cái gì khác không?

(Theo lời bạn tù Ivanov – Razumnik trong tập hồi ký Tù đày (Nhà xuất bản Chekhov, Nữu Ước, 1953) thì năm 1938 có hân hạnh được nằm chung xà lim Byturki với ông cựu Chưởng lý Krylenko và ông cựu Chưởng lý được các anh em đồng xà lim nhường cho một chỗ nằm là gầm giường tập thể.)

Tôi cũng đã từng nằm xà lim Byturki nên không lạ gì nó thấp như thế nào? Muốn chui vô phải nằm úp sấp người, nằm thật sát đất nếu không muốn bị đụng đầu hay đụng đít. Ông Chưởng lý bụng bự đít to đã quen chui thế nào được? Người lồm cồm bò, nguyên một cái bàn toạ đưa lên, chìa ra ngoài nhấp nhổm, không làm sao chui lọt cái đít. Đó là hình ảnh của Krylenko mắc kẹt hay của nền Công lý Xô Viết Vượt Qua? Viết đến đây tôi cảm thấy an ủi vì hình ảnh chui luồn, mắc kẹt đó!).

Chính ông Chưởng lý Krylenko chui lòn gầm giường đó đã mạnh miệng lý luận lắm. Giả thử có thực vụ tra tấn đi nữa không thể hiểu nổi tại sao tất cả các bị cáo có thể thú nhận mọi tội lỗi một cách "chúng khẩu đồng từ" như vậy, không hề lệch lạc, mâu thuẫn? Làm sao tạo nổi cả một sự ăn khớp vĩ đại như vậy khi các bị cáo tuyệt đối không có cách nào liên lạc, sắp xếp, trong suốt thời gian giam cứu chờ ngày ra Toà? Họ gặp nhau ở đâu?

(Muốn biết ở đâu thì bạn đọc chịu khó đợi. Vài trang sau một nhân chứng còn sống sót sẽ cho biết liền!)

Quả thực lý luận vững! Hai năm chuẩn bị hồ sơ, đích thân lựa chọn từng bị cáo mà tổng cộng chỉ có 8 người chớ đâu phải vài ba trăm hoặc 2 ngàn mà không tạo được một sự ăn khớp tuyệt vời? Phải nói một tập luyện thuần thục tối đa! Đứa nào xét không thể cho ra trình diễn được thì GPU đã liệt vào thứ "hàng hoá hư hỏng trong thời gian giam cứu" và cho về nghĩa địa trước rồi mà. Còn số 8 còn sót lại sau nhiều thử thách "mất sức và xuống tinh thần" đã được điều trị chu đáo, nuôi vỗ cho mập trước khi trình diễn.

Ngoài một ông Ramzin tự nguyện hiếm có đã đành, trong đám bị cáo có ai không muốn sống? (Mình có thể thí thân, nhưng còn con cháu nữa chớ). Họ được cán bộ Cơ quan mở mắt: Nếu muốn bắn bỏ mấy người thì dễ quá, ngay ở sân trong, chẳng phải đưa đi đâu. Nằm Lubyanka là phải biết điều đó, đâu cần mở mắt. Vậy thì phiên toà sẽ diễn ra như thế này, mấy người biết điều thì tự tay viết sẵn thú nhận đi. Danh từ chuyên môn thì người chuyên môn mới đủ tư cách viết chớ. Kể ra bắt buộc mấy người công khai thú tội nhục nhã như thế cũng khó đóng thật. Nhưng phải vậy. Bằng không thì, mấy người sợ đóng xong vẫn cứ bị ra pháp trường? Đâu có! Mấy người thuộc thành phần kỹ thuật ưu tú, nhà nước trọng tài năng đâu cần ghép tội chết? Không thấy những phiên toà trước sao? Có người nào chịu thú tội cho đúng mức mà bị hành hình đâu? Nhà nước vẫn giảm khinh cho mấy người biết hối ngộ trước toà mà? [4] Dĩ nhiên muốn giảm khinh là phải đóng cho đúng chỉ thị, cho đến phút cuối cùng. Để đóng góp vào việc làm đẹp cho chế độ Xã hội chớ.

"Đóng cho đúng từng chỉ thị, cho đến phút chót..." để khỏi mất mạng và còn làm đẹp cho chế độ thì có bị cáo nào không mong mỏi? Tất cả đều thú nhận mọi tội lỗi, mong cầu giảm khinh. Và đóng trội hơn chỉ thị. Như kỹ sư Fedotov thẳng thắn nhìn nhận: "Bọn chúng tôi đáng tội hết, không đáng được tha thứ. Ông Chưởng lý nói đúng!"

Ở đúng ngưỡng cửa của cái chết, các bị cáo đã cố gắng minh chứng cho dân Nga và cả thế giới thấy rõ uy lực bất khuất và sự nhìn xa thấy rộng của nhà nước. Tinh thần Cách mạng lao động và cấp lãnh đạo đã được kỹ sư Ramzin ca ngợi là "tìm ra những đường lối vững vàng để thực hiện chính sách kinh tế và hoạch định mức độ phát triển chính xác đến độ giới kỹ thuật không sao so sánh nổi. Bây giờ tôi mới hiểu cách mạng kinh tế đòi hỏi một bước nhảy vọt cần thiết, bắt buộc phải có!".

Kỹ sư Larichev xác nhận: "Thế giới tư bản càng ngày càng yếu kém. Xã hội chủ nghĩa tất thắng" trong khi Kalinnikov khẳng định mạnh: "Độc tài vô sản là một nhu cầu cấp thiết, không có không được. Quyền lợi lao động và quyền lợi nhà nước thực sự hoà đồng làm một". Cũng chính Kalinnikov đi xa hơn: "Chính sách nông thôn của Đảng đi đúng đường lối, phải tận diệt bọn kulak!".

Trong khi chờ đợi tuyên án, các ông kỹ sư hối ngộ còn làm cả công việc tiên tri, đại khái: "Trong chiều hướng phát triển xã hội hiện tại đời sống cá nhân phải thu hẹp bớt, phải nhường chỗ cho tập thể".

Vì vậy nếu phiên toà được coi như một chiếc xe thì quả thực 8 con ngựa đã hợp lực kéo về đến đích chu tất, đạt đủ hết mục tiêu:
  1. Tất cả mọi tình trạng sa sút trên toàn quốc đều quy tội cho thành phần kỹ thuật: đói, lạnh, thiếu áo, hỗn loạn.

  2. Nhân dân bị đe doạ nạn ngoại xâm gần kề đâm hốt hoảng đành chấp nhận hy sinh, hy sinh thêm nữa.

  3. Tố cáo với cánh tả các nước Tây phương chính phủ họ đang có âm mưu chống Xô Viết.

  4. Giới kỹ thuật bị khủng bố hết dám đoàn kết mà tri thức nói chung bị dằn mặt, không dám nghĩ tới kết hợp thành một khối.
Mục tiêu thứ tư mới chính là quan trọng, căn cứ theo lời chót của "nhân vật số 1" Ramzin:

"Tôi mong được thấy sau vụ án Đảng Kỹ thuật này, nếp sống tăm tối, nhục nhã của trí thức trong quá khứ sẽ bị chôn sống luôn, một lần và vĩnh viễn".

Kỹ sư Larichev tiếp lời:

"Giai cấp kỹ sư phải bị tiêu diệt. Với bọn này không có, và không thể có lòng trung thành!"

Kỹ sư Ochkin đi xa hơn nữa:

"Trí thức chỉ là thứ nấm ăn bám. Đúng như lời ông Chưởng lý, bọn trí thức vốn không xương sống, suốt đời cong lưng. Giai cấp lao động có cảm quan cao hơn gấp bội."

Nếu trí thức đã hối ngộ và chịu cộng tác với chế độ đến mức đó thì xử tử làm chi? Tình trạng trí thức nước Nga là như vậy, từ thập niên 1920 qua thập niên 1930: đối với nhà nước không còn là thành phần ưu tú mà chỉ là thứ cặn bã, liên kết với bọn tướng tá phản động, tay sai ăn tiền đế quốc. Vì vậy kể từ ngày đó chẳng ai ngạc nhiên khi danh từ "trí thức" ở Nga trở thành tương đương với một sự mạ lỵ, bỉ ổi.

*


Những phiên toà công khai ở Nga đã được chế tạo như trên, kiểu mẫu đã có sẵn và cứ thế tiến hành, đúng sự tiên liệu sáng suốt và tùy hứng của Stalin (bọn đầu óc ngu ngốc cỡ Hitler, Goebbels thì làm sao sánh kịp và cháy tiêu luôn với chế độ Quốc Xã là phải). Đã có mẫu sẵn, những phiên toà sau chỉ việc rập theo, năm này sang năm khác, mùa này sang mùa khác. Những lãnh tụ nóng tính quá: Phiên xử Đảng Kỹ thuật mới có 3 tháng đã muốn có một vụ khác. Thời gian tổng dượt có 3 tháng quả có ít ỏi, nhưng rồi cũng chu toàn hết. Màn lại sắp vén lên để ra một tuồng khác: đó là vụ án tổng bộ Men-xơ-vích.


Vụ án Men-xơ-vích

Dĩ nhiên quan trọng như vụ án Men-xơ-vích phải ra phiên Đặc biệt Tối cao pháp viện. Ngồi xử án cũng như đứng buộc tội toàn là những nhân vật cũ, trừ một ông Chánh thẩm là Shvernik, gồm có: Antonov, Saratovsky, có Krylenko, được Roginsky phụ tá. Vụ án có tính cách chính trị quen thuộc quá rồi chớ đâu phải kỹ thuật? Nắm vững vai trò rồi, Công tố viện cho lên sân khấu 14 bị cáo.

Vụ án Men-xơ-vích không những hoàn hảo còn linh động tuyệt vời.

Năm đó tôi mới 12 tuổi. Ba năm liền tôi vẫn chú ý theo dõi chính trị trên những trang báo Izvestiya lớn tướng, đọc từng hàng một biên bản tốc ký cả hai vụ án lớn. Trong vụ Đảng Kỹ thuật, tuy đầu óc còn con nít tôi cũng thấy cả một sự ngụy tạo, che đậy, thông suốt. Nhưng ít nhất cũng còn thấy dàn cảnh: nào ngoại xâm, nào tê liệt toàn bộ kỹ nghệ, nào chia chác ghế Bộ trưởng. Vụ án Men-xơ-vích sơ sài hơn, vứt bỏ hết phong cảnh. Bị cáo không lớn tiếng, nói như không hồn nên không khí trầm trầm đến buồn ngủ, chán đến muốn ngáp. Nếu phiên toà là một buổi tập tuồng vô vị thì bị cáo chỉ làm công việc trả bài (có lẽ núp kín trong vỏ ốc Stalin cũng thấy sự buồn nản quá mức này nên mới cho lệnh đình vụ án Đảng Nông dân đã sửa soạn xong đâu đấy, mà năm bảy năm sau cũng không đem một vụ án nào ra xử nữa).

Vụ án đã nản mà bây giờ thuật lại căn cứ theo biên bản tốc ký thì còn gì buồn nản hơn? Cũng may mà còn có một nhân chứng quan trọng bậc nhất trong vụ là Mikhail Petrovich Yakubovich còn sống sót và còn muốn đóng góp một tài liệu đích đáng qua bản thỉnh nguyện xin khôi phục công quyền [5] quay bằng ronéo tố cáo tất cả sự thực bỉ ổi bên trong vụ án. Thỉnh nguyện thư của Yakubovich quả là bằng chứng cụ thể về những vụ án công diễn ở Mạc Tư Khoa suốt một thập niên 1930.

Trước hết có cái gọi là Tổng bộ Men-xơ-vích. Không. Nhận được chỉ thị thì GPU có trách nhiệm tạo ra một Tổng bộ để chứng tỏ phe Men-xơ-vích đã khôn khéo luồn lọt vô chính quyền Cách mạng và ôm được nhiều chức vụ quan trọng để nhằm những âm mưu phản Cách mạng. Dù thực tế không hề có chuyện đó! Có đảng viên Men-xơ-vích thiệt nào từng giữ chức vụ lớn đâu? Vả lại có đảng viên nào đích thực Men-xơ-vích bị đưa ra Toà! Có mỗi một ông Ikov thực sự có chân trong một phân bộ Men-xơ-vích rất hiền lành, không làm gì phi pháp là phân bộ Mạc Tư Khoa thì GPU lại bỏ sót: Ikov chỉ bị đưa ra xử ở đợt 2, đợt thứ yếu và bị có 8 năm tù!

Để trình diện một Tổng bộ Men-xơ-vích, GPU có cách lựa chọn riêng: 2 người trong Hội đồng Kinh tế Tối cao, 2 người ở Bộ Thương mại, 2 người ở Ngân hàng Nhà nước, 1 ở Ban Chấp hành Trung ương Hợp tác xã tiêu thụ, 1 ở Hội đồng Thiết kế Nhà nước. Đại khái chỉ nhái lại vụ án Trung tâm Chiến thuật vậy! Căn cứ vào sự phân loại đó, GPU lượm về những nhân vật thích hợp và nếu hắn không phải Men-xơ-vích thì cũng cứ gán nhãn hiệu Men-xơ-vích! Chỉ thị là như vậy. Thứ mà GPU ít chú trọng đến nhất là lập trường chính trị nên ngay trong số 14 bị cáo Men-xơ-vích có ông không biết ai vào với ai! Còn số nhân chứng cần thiết để xác nhận kẻ bị bắt là đảng viên Men-xơ-vích thì còn bị lượm quá dễ dàng nữa và sau này cũng lãnh án tù nữa! [6]

Theo hồi ký của Yukabovich thì dựng lên vụ án này, GPU đã đặt tất cả hy vọng vào 2 khuôn mặt lớn: bị cáo số một Vladimir Gustanovich Groman (nếu trợ giúp đắc lực cho Toà sẽ được ân xá) và chuyên viên xách động Petunin.

Xét ra cũng nên biết về con người và thành tích của Yukabovich. Một tay làm cách mạng quá sớm, hồi còn học Trung học. Tháng 3 năm 1917 đã được bầu Chủ tịch Xô Viết Smolensk. Tài biện thuyết rất cừ. Chẳng hạn tháng 4 năm 1917 ở Hội nghị Mặt trận Miền Tây, Yukabovich dám lên án "kẻ thù của nhân dân" những nhà báo chủ trương tiếp diễn chiến cuộc. Cử toạ hò hét, đòi quăng xuống khỏi diễn đàn và bắt phải xin lỗi, rút lại lời mạ lỵ. Ngay sau đó Yukabovich đăng đàn thuyết phục hay đến nỗi làm cử toạ say mê, khi lên án "mấy thằng nhà báo kẻ thù của nhân dân" được hoan nghênh rầm rộ! Được cử vào phái đoàn tham dự Xô Viết Petrograd, chưa đi đến nơi, chỉ nhờ danh tiếng như cồn đã được cử vào Ủy ban Quân sự và có ảnh hưởng mạnh đến vụ cắt cử, đề bạt các Chính ủy [7] . Sau đó Yukabovich là Chính ủy Mặt trận Tây Nam, đích thân bắt được tướng phản loạn Denikin ở Vinnitsa (sau cuộc khởi loạn Kornilov) và ngay trước Toà còn tuyên bố đã hối hận không xử bắn tại chỗ.

Cặp mắt sáng, tính bộc trực đến độ phải hay trái cũng nói rất hăng, Yukabovich được coi như một lãnh tụ trẻ xuất sắc của nhóm Men-xơ-vích. Mùa Xuân 1917 dám mạnh dạn đề nghị lên Trung ương thành lập một chính phủ Dân chủ Xã hội và năm 1919 còn chủ trương Men-xơ-vích nên tham dự vào Comintern. Cả hai đều bị bác bỏ. Ngay sau Cách mạng tháng 10, Yukabovich đề nghị lên Trung ương hãy tận tình ủng hộ phe Bôn-xê-vích để góp phần cứu quốc. Sau đó lập tức bị Martov tuyên bố khai trừ và năm 1920 tự ý rút lui khỏi phe Men-xơ-vích vì không lôi kéo được Đảng đi theo Bôn-xê-vích.

Sở dĩ tôi phải đi sâu vào chi tiết như vậy vì suốt thời kỳ Cách mạng Yukabovich chẳng phải đảng viên Men-xơ-vích và đúng là một Bôn-xê-vích thuần thành và bất vụ lợi. Cho đến 1920 ông ta còn có chân trong Ủy ban Tiếp tế thực phẩm Smolensk, một Ủy viên không phải Bôn-xê-vích mà còn được Bộ Tiếp tế ban khen là Ủy viên xuất sắc nhất (dù Yukabovich cả quyết không hề xúc phạm đến quyền lợi nông dân nhưng trước Toà khai có công tổ chức những biệt đội trừ gian). Khoảng thập niên 1920 ông ta là Chủ biên Thương Mại Tập san và còn giữ nhiều chức vụ quan trọng khác.

Với một quá khứ đảng viên Men-xơ-vích và từng giữ nhiều chức vụ như vậy hiển nhiên Yukabovich phải được GPU chiếu cố ngay lập tức và có tên trong danh sách ra toà.

Trước đó, Yukabovich được Chưởng lý Krylenko đích thân kêu lên thẩm vấn để sửa soạn vá víu hồ sơ trước khi ra toà như thông lệ. Dĩ nhiên hai người phải quen biết nhau nhiều vì hồi Yukabovich còn tại chức, chính Krylenko từng nhiều lần tới Smolensk để đẩy mạnh công tác thu mua thực phẩm. Vì vậy ông Chưởng lý mới nói:

"Mikhail Petrovich, tôi thành thực nói với anh điều này. Tôi coi anh là một đảng viên Cộng sản! (Làm gì bị cáo chẳng lên tinh thần!)

Tôi biết về vụ này bạn hoàn toàn vô tội. Nhưng bổn phận của tôi cũng như của bạn là thi hành chỉ thị của Đảng trong vụ án này. (Krylenko đã nhận chỉ thị của Stalin, điều đó còn làm cho Yukabovich hăng hái làm nhiệm vụ "đảng viên" nữa!). Vậy yêu cầu bạn bằng mọi cách giúp tôi toàn thành vụ thẩm cung, chừng gặp những khó khăn bất ngờ trước phiên toà chắc chắn tôi sẽ yêu cầu ông Chánh thẩm nhường lời cho bạn".

Thế là Yukabovich nghe xuôi tai và hứa hẹn. Ông ta coi đây là một nhiệm vụ. Có bao giờ được chính phủ Xô Viết giao phó một nhiệm vụ quan trọng tới cỡ này?

Như vậy Yukabovich là người nhà rồi. Hà tất phải đụng chạm đến trong thời gian điều tra? Nhưng cán bộ GPU đâu hiểu được như vậy? Cùng bị gởi đến đồng loạt với một số đảng viên Men-xơ-vích, lọt vào phòng Điều tra của Cơ quan là Yukabovich cũng được chiếu cố tận tình và đầy đủ như ai. Cũng nếm đủ mọi đòn, hết phòng lạnh đến phòng nóng và ép bộ phận sinh dục. Lãnh đòn đau đến nỗi cùng với bọn đồng tù Abram Ginzburg, ông ta đã phải cắt mạch máu tự sát. Sau khi được điều trị, cả hai không bị đánh đập, tra tấn nữa mà chỉ bị cấm ngủ 2 tuần lễ. (Về vụ này Yukabovich tuyên bố: Lúc bấy giờ chẳng có lương tâm hay danh dự gì nữa mà chỉ thèm được ngủ!).

Sau đó cả hai người được đối chất với các đồng chí từng cung khai hết và được họ khuyến cáo "có gì cứ khai hết ra". Sự thực có cái gì để khai đâu? Ngay đến điều tra viên Aleksei A. Nasedkin còn phải bảo: "Tôi biết, tôi biết chẳng có những chuyện như thế này. Nhưng chỉ thị phải có thì biết làm thế nào?

Vô lý nữa là một hôm Yukabovich bị kêu lên điều tra và đụng đầu một kẻ lạ mặt cũng đang thời kỳ chịu tra tấn. Gã điều tra viên cười gằn bảo:

"Đây là Moises Isayevich Teitelbaum. Hắn năn nỉ xin anh cho vô danh sách đảng viên của anh. Hai người có thể chuyện trò, tôi có việc ra ngoài một chút.

Teitelbaum năn nỉ ngay:

"Đồng chí Yukabovich thương hại tôi, cho tôi một chân trong Tổng bộ. Tôi bị họ nghi lãnh tiền ngoại quốc, doạ xử bắn. Đằng nào cũng chết thà nhận là phản Cách mạng."

Chắc gã Teitelbaum này được cán bộ GPU xui nhận tội phản cách mạng khỏi bị bắn. Quả nhiên hắn được bản án nhẹ nhất: có 5 năm! Thì ra kiếm không đủ đầu đảng viên Men-xơ-vích, GPU phải cho phép xung phong. Chẳng có cách nào hơn, Yukabovich cũng đành chấp nhận vậy. Thế là Teitelbaum bỗng "có chân trong Đảng Men-xơ-vích và được giao phó công tác vô cùng quan trọng là liên lạc với cánh Men-xơ-vích hải ngoại và với các tổ chức Đệ nhị Quốc tế! Một công tác quan trọng, nặng như vậy nhưng GPU giữ đúng lời hứa, 5 năm tù.

Trước phiên xử ít hôm, một phiên khai hội công tác thứ nhất của Tổng bộ Men-xơ-vích được triệu tập ở văn phòng của Điều tra trưởng Dmitri M. Dmitriyev để điều hoà, phân phối công tác cho các đảng viên. Ít ra ở trước toà họ cũng phải cung khai, vậy phải học trước cho thuần thục từng vai trò để khai cho ăn khớp như thực chớ. (Tổng bộ Men-xơ-vích khai hội ở đâu thì Trung ương Đảng bộ Đảng Kỹ thuật hẳn cũng gặp gỡ nhau ở đấy. Còn lạ gì mà ông Chưởng lý Krylenko phải nêu câu hỏi ngây thơ: "Trong thời kỳ giam cứu các bị cáo làm gì có cơ hội gặp nhau?" Tuy nhiên một phiên họp "phân phối công tác" đâu có đủ. Phải thêm một phiên tổng dượt nữa. Các diễn viên mới học thuộc bài để diễn trôi cả một núi sự kiện chế tạo!

Có dịp nói lên trước Toà, liệu Yukabovich có dám làm xì-căng-đan vì bị ăn đòn quá đau, lật mặt trái của vở kịch chế tạo như trên cho cả thế giới rúng động? Không!

Làm vậy khác nào đâm đằng sau lưng chính quyền Xô Viết, chối bỏ tất cả mục đích của một đời người, vứt hết mớ lý tưởng hằng theo đuổi kể từ ngày từ bỏ cánh Men-xơ-vích đi sai đường lối sao? Làm vậy ắt hẳn muốn chết, GPU cũng không cho chết. Đâu phải chỉ xử bắn là xong. Sẽ có một chầu tra tấn nữa, lần này là "đòn thù" nên không đau đớn mà chắc chắn sẽ phát điên. Thân thể đã quá suy nhược vì tra tấn thì tinh thần đâu mà chịu đựng thêm nữa?

(Có mấy ai có cơ hội như Yukabovich đã bị đưa ra Toà xử mà sau này còn được dịp lên tiếng giải thích tại sao phải xử sự như vậy? Chắc hẳn sau này Bukharin và Rykov cũng lý luận như Yukabovich để giải thích tại sao chịu khuất phục ngoan ngoãn. Cũng vì tính tình bộc trực, vì tinh thần phục vụ Đảng, vì cơ thể con người yếu đuối, vì thiếu sức mạnh tinh thần cần thiết để chống trả lại, vì cá nhân không có lập trường vững).

Phản ứng đầu tiên về vụ án Tổng bộ Men-xơ-vích dĩ nhiên phát xuất từ nhóm Men-xơ-vích Hải ngoại, gồm những đảng viên đích thực có chân trong Tổng bộ hồi trước. Nhóm này lên tiếng chính thức trên tờ Vorwarts vạch rõ vụ án bất quá chỉ là một trò hề bịp bợm, các bị cáo nếu không phải tay sai cũng là những người bị khủng bố buộc phải nhận tội. Đa số bị cáo đã rút khỏi Đảng ngoài 10 năm, không hề tham gia hoạt động. Phiên xử đã đề cập đến những số tiền hoạt động khổng lồ mà quỹ Đảng Men-xơ-vích không bao giờ có nổi!

Dĩ nhiên đọc bản cải chính trên, Chưởng lý Krylenko lại phải xin phép Toà cho những bị cáo công bố một bản kiến nghị và tất cả các bị cáo lại có dịp hăng say lên án nhóm Hải ngoại vu cáo cho GPU, in hệt trong vụ án Đảng Kỹ thuật.

Không hiểu Yukabovich còn nhớ thái độ của ông ta trước phiên toà hôm ấy? Được Krylenko yêu cầu "nếu gặp khó khăn sẽ đứng lên trước Toà gỡ rối", Yukabovich đã giữ đúng lời hứa, có dịp "nói lời nói chót" là xông lên, nhảy lên (chớ không phải đứng lên) để trổ tài hùng biện và để nói lên bằng hết những căm thù. Một kẻ từng chịu đựng tra tấn đến thừa sống thiếu chết, phải cắt đứt mạch máu tự tử mong tự giải thoát hiển nhiên có quyền bộc lộ căm thù, uất ức. Nhưng căm thù ai? Yukabovich không căm thù mà trút hận thù vào,nhóm Men-xơ-vích mới lạ lùng!

Nhóm Hải ngoại bị Yukabovich chửi là một bọn cầu an, lo ngồi sung sướng hưởng thụ ở ngoại quốc, bỏ rơi đám anh em đồng chí đang chịu đựng đoạ đày, không thèm bố thí chút lòng thương hại mà còn nỡ tuyên bố khai trừ phó mặc cho số phận. Yukabovich đã uất ức thực sự và giận dữ đến nỗi "ra ngoài sự mong ước của ban tổ chức vụ án". Cho đến 1967, ông ta còn giữ nguyên vẹn lòng căm thù nhóm Men-xơ-vích Hải ngoại, một bọn phản bội Cách mạng – lời lẽ không khác gì từng công kích họ năm 1917.

(Nhóm Men-xơ-vích Hải ngoại không hề dùng lời lẽ nặng nề, xúc phạm. Họ chỉ muốn tố cáo một trò hề của chính quyền Xô Viết, mang ra xử tội Men-xơ-vích, những người đã thoát ly khỏi mọi hoạt động Đảng từ lâu. Thực tế là họ có muốn bố thí chút lòng thương hại hay chiếu cố đến số phận các "đồng chí" cũng chẳng có cách nào!).

Không hiểu tại sao Yukabovich căm thù nhóm Men-xơ-vích Hải ngoại nặng như vậy? Đồng ý thói thường con người ta ưa trút mọi sự giận dữ lên đầu những kẻ yếu thế, những kẻ không đủ điều kiện trả lời, nhưng ít nhất những nguyên nhân căm thù phải chính xác chớ không thể "căm thù vu vơ" như vậy.

*


Trong bản cáo trạng chót, Chưởng lý Krylenko đã buộc tội Yukabovich "nuôi dưỡng và chủ trương một cách quá khích những tư tưởng phản Cách mạng" và yêu cầu Toà lên án tử hình.

Lúc đó Yukabovich đã xúc động, giọt lệ trào ra khoé mắt. Bây giờ ông ta vẫn còn nguyên cảm giác đó, sau khi đã sống lây lất hết khám đường này sang trại Cải tạo khác. Bây giờ vẫn còn cảm ơn Krylenko đã không hạ nhục, không giễu cợt "bị cáo" Yukabovich mà đã đánh giá đúng con người ông ta "nuôi dưỡng tư tưởng quá khích" (kể cả những tư tưởng, đi ngược lại tư tưởng của ông ta) và còn yêu cầu cho được chết trong vinh dự, chấm dứt mọi sự đau khổ.

Yukabovich còn đồng ý với Krylenko ở điểm: "Những tội ác mà tôi đã thú nhận (chớ không phải "những tội ác mà tôi đã làm ra", đó là một điều Yukabovich vẫn lấy làm hãnh diện là gài được vô lời nói chót) quả xứng đáng với hình phạt tối đa – tôi không câu xin tha thứ. Tôi cũng không xin bảo toàn sinh mạng!".

Giữa lúc Yukabovich khẳng khái phát ngôn như vậy thì cùng ngồi hàng ghế bị cáo, "đồng chí" Groman hoảng sợ quá phải bảo: "Anh điên rồi chắc? Anh phải nghĩ đến các bạn đồng chí, Anh đâu có quyền nói vậy?".

Sự tình xảy ra như trên thì bảo Yukabovich không phải "con cờ quý giá" của Krylenko sao được? Chỉ cần nhìn vào cách thức dựng lên một vụ án như vụ Tổng bộ Men-xơ-vích là đủ hiểu bản chất những vụ án từ 1936 đến 1938 – Phải chăng rút kinh nghiệm của vụ này mà Stalin hiểu ra và tin chắc từ nay tha hồ quơ tất cả những thằng chống đối miệng, bắt buộc chúng phải học thuộc lòng vở để ra toà trình diễn những vở kịch tương tự với vụ kịch Tổng bộ.

*


Nếu tôi thuật lại những vụ án nói trên mà tay không run run, tim không đập mạnh và tâm hồn bình thản được hẳn vì trong khoảng 15 năm đó, con người được bảo vệ trong lòng luật lệ Cách mạng hợp pháp. Nhưng từ đây về sau sự tình lại khác, căn cứ theo lời Khrushchev, "từ khoảng 1934 trở đi bắt đầu có những vụ vi phạm tiêu chuẩn hợp pháp của Lenin". Nghĩa là có sự bất hợp pháp. Vực thẳm giữa hợp pháp và bất hợp pháp quả là khó vượt.

Những vụ án dưới đây phải chi âm thầm bỏ qua được. Nhưng bị cáo lại là những tên tuổi quá lớn, vượt quá tầm mức quốc gia. Dư luận quần chúng bắt buộc phải theo dõi, thế giới cũng phải lưu ý. Đó là những vụ án được tường thuật, được bày giải và sẽ còn được bày giải nữa. Chúng ta ở đây chỉ khẽ đụng đến chúng, đụng đến tính cách bí ẩn của chúng.

Điều phải nói ra trước hết, dù chẳng phải vấn đề lớn là biên bản tốc ký không ghi nhận đúng hết, đúng hoàn toàn những sự việc đã xảy ra. Một nhà văn được phép dự những phiên xử đã ghi chép lấy và so sánh với biên bản thấy lòi ra nhiều chỗ khác. Dự phiên xử Krestinky, ký giả nào chẳng lưu ý tới một vụ "kẹt" bất ngờ Toà phải đình xử để "sắp đặt lại cho bị cáo đi đúng đường lối vạch trước".

(Theo tôi biết trường hợp "đi trật đường rầy’ được chuẩn bị từ trước. Chẳng hạn có sẵn một biện pháp chống kẹt sau đây. Một mật văn lập sẵn. Cột số 1 là tên bị cáo, cột số 2 là biện pháp sử dụng cấp tốc ngay khi toà đình xử nếu bị cáo "nhắc trật bài" và cột thứ 3 là tên điều tra viên chỉ định sẵn để phụ trách công tác. Do đó, Krestinky khai hay trả lời không đúng "bài" là có người và có cách giải quyết liền.)

Tuy nhiên vấn đề biên bản sai chỉ là thứ yếu. Cả thế giới đã ngạc nhiên khi chính quyền Xô viết dám mang ra xử liên tiếp 3 vụ án lớn với đầy đủ lớp lang, dàn cảnh công phu. Họ càng kinh ngạc khi chứng kiến tận mắt các tay thủ lãnh Cộng sản từng hét ra lửa và làm điên đảo thế giới nay xuất hiện trước Toà hiền lành, ngoan ngoãn như cừu để "đọc bài" một cách chăm chỉ và cong lưng xuống tự sỉ nhục, thú nhận những tội lỗi ghê gớm mà nếu có chút đỉnh đầu óc họ cũng không bao giờ có thể lầm!

Lịch sử chưa từng có những vụ án tương tự. Nó trái ngược hẳn vụ án Dimitrov ở Leipzig. Mới đây Dimitrov còn gầm thét như hổ dữ trước các quan toà Đức, rõ ra hào hùng, bất khuất, mà các đồng chí của hắn – toàn là đảng viên cỡ lãnh tụ, một thời đi sát Lenin – đã hèn hạ, khiếp nhược đến độ đái ra quần trước Toà Mạc Tư Khoa? Đó là một điều bí ẩn, dù được giải thích nhiều phen – nhất là trong tác phẩm Arthur Koesther – cũng vẫn cứ bao trùm bí ẩn.

Nhiều người cho là họ bị thôi miên hay bị uống một thứ thuốc mê dược gốc Tây Tạng làm mất lý trí. Nếu có thứ mê dược ấy thật thì NKVD không bao giờ ngần ngại. Chẳng còn gì bằng "thuốc" cho bị cáo mất hồn, ngu muội. Thập niên năm 1920 quả có nhiều thầy thôi miên tên tuổi đột ngột giải nghệ, đầu quân GPU cũng như khoảng 1930 NKVD còn có một bạn thôi miên. Trước khi Kamenev bị đưa ra toà, bà vợ được gặp mặt và nhận thấy chồng như một người nào khác, lờ đờ chậm chạp. Sau khi tiết lộ chuyện này với vài người bà Kamenev cũng bị bắt luôn.

Tuy nhiên nếu có thôi miên hay mê dược Tây Tạng thì tại sao những con người như Palchinsky, Krenikov vẫn không chịu khuất phục?

Sự thực giản dị hơn nhiều,và ít người biết đến!

Trước hết phần đông đều lầm tưởng các bị cáo đều là những nhà Cách mạng nghĩa là những chiến sĩ từng vào tù ra khám, từng nếm đủ mùi tra tấn dưới thời Nga hoàng. Có, họ có hoạt động cách mạng phản đế thật nhưng vào tù ra khám không phải họ! Chịu đựng tù đày là những đảng viên Narodnik, Xã hội Cách mạng hay nhóm Vô pháp, Vô quân, những chiến sĩ liệng bom hay xách động khởi nghĩa mà các đồng chí Bôn-xê-vích nhờ họ được hưởng tiếng thơm lây (còn tra tấn đến chết đi sống lại thì thực sự chẳng ai bị vì giản dị là dưới thời Nga hoàng chưa có "điều tra" khoa học!). Lãnh án khổ sai, đi đày những nơi dữ như Sakhalin, Yakutsk tuyệt đối không thấy nhà Cách mạng Bôn-xê-vích nào hết.

Chẳng hạn Dzerdzinslay từng nổi danh lãnh án nặng nhất, cả đời ở tù nhưng so với chúng tôi chỉ là thứ tập tễnh 10 năm! Khốn nạn, bản án 10 năm thì quá thường, bất cứ thằng nông dân nào thế hệ chúng tôi chẳng dễ dính như chơi. Đồng ý là trong số 10 năm có 3 năm khổ sai ở Trung ương khám đường, nhưng cũng chẳng có gì đáng nói.

Các đảng viên Bôn-xê-vích lớn bị đưa ra toà từ 1936 đến 1938 hồi hoạt động cách mạng nếu có bị ở tù, đi đày cũng chỉ ngắn hạn chưa từng nếm mùi khổ sai. Như Bukharin cũng từng vào tù nhiều thật nhưng bắt rồi lại thả, cộng lại cũng chưa đi đến đâu. Chưa lần tù nào ở quá một năm, lần đi đày Onega thì chớp nhoáng [8] . Như Kamenev hoạt động tuyên truyền nhiều năm, đi lại khắp nước Nga nhưng chỉ ở tù 2 năm, đi đày 1 năm rưỡi. Còn Zinoviev mới lạ lùng: chưa hề ở tù lần nào quá 3 tháng, chưa hề mang một bản án! Thời buổi chúng tôi thì con nít 16 tuổi lãnh án 5 năm tù quá thường, do đó so với dân quần đảo chúng tôi thì họ chỉ là tù sơ đẳng, chưa thể gọi là biết nếm cơm tù – như Rykov và Smirnov từng bị bắt nhiều lần và ở tù 5 năm thật nhưng thời gian ở tù của họ quá dễ lại chưa từng biết mùi đi đày (vì may mắn thoát khỏi hay được ân xá).

Phải nói cho đến ngày bị tống vào Lubyanka, họ chưa biết thực sự thế nào là ở tù, chưa biết điều tra thẩm vấn ghê gớm cỡ nào.

Không biết đích thân Trotsky lọt vào phòng Điều tra của Cơ quan có đỡ hèn hạ hơn họ chút nào hay chịu đựng tra tấn gan dạ hơn được không. Chỉ vì người chưa bị nên chưa thể nói chắc. Bản thân Trotsky chỉ bị tù nhẹ, chưa hề nếm mùi tra tấn và mới bị đi đày Ust Kut 2 năm. Nhắc đến tên Trotsky là nhắc đến khủng bố, đàn áp nhưng cái uy danh ghê gớm đó người mượn ở chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quân sự chớ người đã cho thấy nét con người oai hùng, tinh thần cao bao giờ? Thói thường những đấng tuyên án tử người thì bạo nhưng đến lần mình bị lại run hơn ai hết, xét vì sự bạo dạn bắt người khác chết và sự can đảm đối diện cái chết vốn khác hẳn nhau.

Như Radek thì trước sau cũng chỉ là một con cờ thí, như nhiều con cờ thí khác trong 3 vụ án lớn. Và Yadoga là một týp chỉ chuyên cong lưng và sát nhân.

Chính Yagoda, thủ phạm của cả triệu sinh mạng con người vẫn tin tưởng ở sự bảo vệ, che chở của người anh lớn, cấp trên vĩ đại. Đến phút chót hắn vẫn không ngờ Lãnh tụ có thể bỏ rơi. Trong phiên xử hắn tưởng tượng như đích thân Stalin tới chứng kiến, theo dõi vụ án nên mới ngước mắt lên cầu khẩn, van vỉ người: "Xin cho tôi một ân huệ , Tôi chỉ còn trông đợi ở người, Vì người tôi đã làm 2 con kênh lớn". Một nhân chứng kể lại rằng đúng vào lúc Yagoda kêu nài thì trên cửa sổ lâu đài hai ngó xuống phòng xử, sau bức màn the lờ mờ bỗng có ánh diêm bật lên. Thấp thoáng có bóng người lù lù ngồi hút píp.

(Đây là một cách kiểm soát hữu hiệu mà cũng là trò chơi thú vị của mấy đấng quân vương Đông phương. Đại sảnh đường Cơ Mật Viện nào chẳng có một cánh cửa sổ lầu ngó xuống, có rèm che khuất bóng tối đằng sau. Mỗi lần Cơ Mật Viện nhóm họp, các đại thần ngước nhìn lên chẳng thấy bên trên thấp thoáng bóng người: phải chăng đích thân Quân vương đang từ cao ngó xuống?)

Stalin rất khoái những trò Đông phương nên tôi tin bóng người hút píp bữa đó chính là người thiệt. Tại sao người không đến đại sảnh Tháng Mười để tận tai tận mắt thưởng thức vở kịch hiếm có để tạo chút cảm hứng?

Sau nữa phần đông còn không ngờ chỉ vì lâu nay quen đánh giá quá cao những con người lãnh tụ, từng có quá khứ vĩ đại, oai hùng. Phải là những siêu nhân, Bukhari, Zinoviev, Kamenev, Pyatakov, Smirnov! Những thằng dân thường, tinh thần yếu đuối, thấy chết là run thì tự thú, tự tố cáo lẫn nhau trước Toà là thường quá rồi. Nhưng họ, họ là những lãnh tụ Bôn-xê-vích cao cấp!

*


Vả lại chúng ta quen nhìn các bị cáo như những nhân vật khác thường hơn người. Làm sao có thể ngờ họ có thái độ hèn hạ trước Toà, tố cáo lẫn nhau tầm thường như vậy? Phải chi họ là dân thường, tinh thần yếu nên chịu không nổi đành bị khuất phục đi. Đằng này họ là Bukharin, Zinoviev, Kamenev, Pyatakov, I.N. Smirnov, toàn cỡ lãnh tụ lớn không!

Hiển nhiên những nhà đạo diễn vở kịch cũng biết vậy. Cũng phải chuẩn bị chế độ, lựa chọn cẩn thận, chớ không phải dễ dàng như phiên xử "Đảng Kỹ thuật" muốn chọn ai thì chọn. Những tên tuổi dỡ Bukharin, Zinoviev, quần chúng quen mặt, quen tên quá mất rồi! Họ muốn thấy đích danh, đích thực trước vành móng ngựa.

Trong số những nhân vật lớn biết sắp bị thanh trừng, có một số sáng suốt, cương quyết thà chết trước chớ không để bị điệu ra Toà. Thà họ tự sát! Đó là Skrypnik, Tomsky, Gamarnik, những người không sợ chết. Chỉ những đấng không dám chết mới chịu để bị bắt. Với bọn cầu sống thì tròng sợi dây vô cổ quá dễ. Cũng có một số không dám chết ngay nhưng lọt vào phòng Điều tra đã nhận ra sự thực nên chống đối lại, thà chết trong âm thầm chớ không chịu chết nhục. Nếu họ chịu ra Toà ắt hẳn sẽ thêm một tên: Rudzutak, Postyshev, Yenukidze, Chubar, Kosior và cả Krylenko nữa!

Do đó phải hiểu rằng ra Toà là những týp yếu nhất trong số những người yếu. Hơn nữa là nhà đạo diễn tối cao còn biết đích chỗ yếu nhất của từng người một để ra tay là phải gục. (Đó là một trong những biệt tài đã đưa Stalin lên tuyệt đỉnh danh vọng). Trong đám nào còn có ai cao cấp, có tên tuổi và có tài bằng Bukharin? Chỗ yếu nhất của đồng chí Bukharin thì Stalin đã nhận ra và kiềm chế được từ lâu, không có gì để e ngại nên đối với nhà lý thuyết xuất chúng, thông minh tuyệt vời này đạo diễn có quyền biểu diễn một màn mèo vờn chuột, tha hồ tung lên hạ xuống,

Sáng tác cụ thể nhất của Bukharin còn gì bóng bẩy, tuyệt vời bằng Bản Hiến Pháp Liên bang Xô Viết, đọc lên nghe thực hùng hồn mà hoàn toàn vô dụng? Viết xong bản văn Hiến pháp, cây lý thuyết Bukharin ắt phải hứng khởi tinh thần, muốn bốc lên tận chín tầng mây. Cỡ chú Koba [9] sao viết nổi một hàng! Chú mày lăm le độc tài độc tôn thì phải có bản Hiến pháp này cho chú mày coi chừng. (Chưa biết chú Koba có ngán không, chỉ thấy cha đẻ ra bản Hiến pháp đút đầu vô rọ!)

Nghe nói Bukharin vốn không ưa gì Kamenev và Zinoviev nên sau khi họ bị dính vào vụ án ám sát Kirov chính Bukharin còn bảo mấy đàn em thân cận: "Thì ra thế! Hai thằng ấy ghê lắm, chúng dám lắm, Chắc phải có một cái gì bên trong chớ nước này có ai vô tội mà bị bắt bao giờ?".

(Vẫn biết tâm lý chung thời đó là "thằng nào chết thây kệ, miễn không phải tao là được", nhưng không lẽ tới 1935 rồi mà "cây lý thuyết" của Đảng còn ngây thơ vậy?)

Mùa hè 1936, khi Kamenev và Zinoviev trở ra Toà lần thứ hai, Bukharin còn thong dong đi săn thú trong rặng Thiên Sơn. Có hay biết gì? Về đến Frunze, đọc mấy tờ báo mới hay cả 2 vừa bị lên án tử hình và họ lại cung khai vô cùng tai hại cho "lý thuyết gia". Phản ứng của Bukharin thế nào? Đánh điện văn phản đối sự thanh trừng dã man, tố cáo cả một âm mưu tàn độc đang hình thành. Đâu có? Bukharin vội gởi khẩn điện lên cho chú Koba, yêu cầu tạm hoãn hành quyết để ông ta về đối chứng cho rõ trắng đen! (Khốn nạn Stalin chỉ cần cung khai, tự thú. Đối chứng làm chi cho thêm phiền?)

Tuy nhiên vẫn chẳng ai đả động gì đến Bukharin hết. Dù mất chức chủ nhiệm Izvestiya, mất hết chức vụ, công tác Đảng, vẫn tiếp tục ở ngoài nửa năm trong Điện Cẩm Linh, ở ngay dinh Potesnhy của Poter Đại đế. Dù bị giam lỏng ông ta vẫn đi nghỉ mát và ra vô lính gác vẫn bồng súng chào như không có gì xảy ra. Tuy nhiên chẳng bạn bè nào dám lai vãng, kêu điện thoại tới và 3 tháng liền Bukharin hì hục viết tâm thư cả mớ để gởi chú Koba, Koba thân mến.

Cho đến lúc ấy Bukharin vẫn muốn gặp, vẫn trọn tin ở Stalin, dù không nhận được một lá thư phúc đáp. Chú Koba còn mắc quá nhiều công chuyện mà quan trọng nhất là đạo diễn cho xong buổi của đàn anh Bukharin thân mến. Bao nhiêu lần dượt thử rồi, kể như xong rồi nhưng vẫn phải biết trước đàn anh "đóng tuồng" thế nào chớ. Đàn anh có một số thủ hạ tâm phúc và đệ tử ruột – dĩ nhiên chẳng có bao nhiêu – đã triệt bằng hết mà có lên tiếng bênh vực một hồi. Môn phái của đàn anh vừa dựng, chưa đứng vững nổi thì đàn em, môn đồ lần lượt bị tỉa rụng hết đành đứng khoanh tay ngó. Còn chức chủ nhiệm Izvestiya còn có chân trong Trung ương Đảng mà thấy Kamenev, Zinoviev bị thủ tiêu công khai mà vẫn ngậm miệng làm lơ và còn chấp nhận kia mà. Nhớ lại có lần Đại hội Đảng, Bukharin và một nhóm nữa vừa ngo ngoe có tư tưởng chống đối, mới thử doạ trục xuất khỏi Đảng là anh nào anh nấy đã xanh mặt, xin rút ý kiến tức khắc!

Ấy đấy, còn tự do và còn nắm giữ chức vụ cao, quyền hành lớn mà cả bọn muốn bẻ sao cũng còn phải chịu vậy, thì để nằm một hồi ở Lubyanka, cho bọn chuyên viên "chiếu cố" chu đáo từ miếng ăn giấc ngủ cho đến từng bộ phận trong cơ thể thì còn hơi sức, tinh thần đâu mà chống đối? Đứa nao dám đóng kịch khác đi, không răm rắp tuân theo lệnh đạo diễn? Còn chờ gì không tổng dượt lần chót để sửa soạn kéo màn?

Thì ra chỗ yếu nhất của Bukharin mà Stalin đã nắm vững được là chỉ sợ bị trục xuất khỏi Đảng, thiếu Đảng, không có Đảng. (Mà Stalin đã đạt được tới mức "Đảng là ta, ta là Đảng"). Cũng như một số đồng chí thời đó, Bukharin không có Đảng không sống nổi. Họ không có lý tưởng! Nên họ làm gì có lập trường, tư tưởng cá nhân đích thực để đứng hẳn lên chống đối. Trước khi họ dám đứng lên Stalin đã đặt họ vào vị thế đối thủ và đốn hạ bằng hết rồi. Trong khi đó họ chỉ mong sao không bị trục xuất khỏi Đảng là may, thậm chí không dám làm gì có hại cho thanh danh Đảng nữa.

Trong vở kịch, đạo diễn đã dành cho Bukharin vai chánh nên càng phải dành thời giờ chuẩn bị cho chu đáo đã đành mà còn phải tập cho vai chánh thuộc vở nữa. Phải để Bukharin có dịp công xuất Âu Châu từ cuối năm trước, tiếng là để tiếp nhận các di cáo của Marx (để làm công việc này còn ai xứng đáng bằng cây lý thuyết của Đảng?) nhưng nếu cần buộc tội "có những tiếp xúc khả nghi" rộng rãi thì còn gì bằng? Huống hồ có dịp xuất ngoại công du tự do một thời gian càng làm ông lý thuyết gia nôn nóng ham muốn trở lại vai trò lãnh tụ!

Với ngần ấy biến cố, hết lên lại xuống, nào bị tố cáo dính vào những âm mưu phản động, nào tình trạng giam lỏng, cô lập cứ kéo dài hoài, ý chí Bukharin có là sắt thép cũng phải yếu xèo. Thời kỳ hành hạ "nguội" này còn có ép phê hơn áp lực trực tiếp của Lubyanka nhiều (tuy nhiên ngọn đèn Lubyanka vẫn được sử dụng đích đáng trọn một năm liền).

Để thử thách, có lần Kaganovich đã triệu Bukharin tới văn phòng, cho đối chất với Sokolnikov, với sự hiện diện của đông đủ cán bộ Cheka cao cấp, để nghe Sokolnikov cung khai về nhóm hữu khuynh song hành với nhóm Trotsky và về những hoạt động mật của chính Bukharin. Đích thân Kaganovich thẩm cung Sokolnikov một cách hung hăng, sốt sắng và sau đó đuổi về để nhẹ nhàng bảo Bukharin: "Thằng khốn nạn, mở miệng ra là thấy dóc láo!"

Báo chí cứ công kích, Bukharin chỉ lo tiếp xúc với Trung ương Đảng, viết thư cho "chú Koba" yêu cầu có thông cáo chính thức lên tiếng giải oan giùm. Để trấn an ông ta, viện Chưởng lý cũng cho ra một thông cáo "không có bằng chứng nào cụ thể về những sự tố cáo Bukharin có những hoạt động phản động".

Bukharin cẩn thận đến độ Radek gọi điện thoại tới cũng phản đối: "Anh cũng đang bị nghi ngờ như tôi. Điện thoại, thăm viếng làm gì thêm phiền phức?". Nhưng cả hai còn làm tờ Izvestiya, còn có nhà ở cạnh nhau nên Radek mò sang chơi buổi tối, tâm sự rằng: "Mai đây nếu có chuyện gì, và nếu tôi có cung khai điều gì xin đồng chí hiểu cho chẳng phải tự ý tôi muốn. Theo tôi thì đồng chí không bị dính vào một vụ nào đâu mà lo, đồng chí đâu có liên hệ với nhóm Trosky?"

Theo Bukharin thì Radek nói đúng. Rất có thể họ không truy tố, không trục xuất khỏi Đảng. Xưa nay ai chẳng biết Bukharin không chấp nhận nhóm Trotsky, những thằng dám ly khai khỏi Đảng, đứng riêng một khối và có sai lầm cũng vẫn đứng với nhau.

Ngày đại lễ tháng 11 có duyệt binh ở Công trường Đỏ, Bukharin đưa vợ đi coi trên khán đài dành cho tân khách (lần cuối cùng Bukharin xuất hiện ở Công trường Đỏ). Làm gì có giấy mời phải xuất trình thẻ nhà báo! Bỗng đâu có một quân nhân võ trang tiến tới. Bukharin đã xanh mặt: không lẽ họ tới bắt, và bắt ngay ở đây trong ngày này? Không phải, gã quân nhân bước tới chỉ để chuyển lại một lời chào mừng của chú Koba(!). Hắn đứng nghiêm chào và nói:

"Đồng chí Stalin ngạc nhiên thấy đồng chí còn ngồi đây. Chỗ của đồng chí bây giờ phải là ở nhà mồ!"

Sáu tháng cuối cùng của Bukharin cứ bị vờn như vậy hoài! Ngày 5 tháng 12 bản Hiến pháp do ông ta soạn thảo được long trọng công bố, mệnh danh Hiến pháp Stalin cho mọi thế hệ mai sau. Cũng tháng đó Trung ương Đảng nhóm họp Đại hội để "trình diện" Pyatakov, bị đánh sút hết răng, không ai nhận ra. Sau lưng bị can đứng một đám Cheka, đàn em Yagoda (vì bản thân Yagoda cũng sắp phải "đóng tuồng" mà). Họp Trung ương Đảng phải có mặt Bukharin (và Rykov) ở hàng ghế đầu, để nghe bị can "tự ý thú nhận) và cung khai. Bản thú tội của Pyatakov buộc Bukharin và Rykov dữ dội, gắt gao hơn bao giờ hết!

Vì tật lãng tai nặng, Ordzhonikidze phải bắc loa tay nghe cho rõ để hỏi gặng lại bị can: "Nghe đây đồng chí Pyatakov, đồng chí hoàn toàn tự ý cung khai, không bị ép buộc gì đấy chớ?" [10]

Pyatakov ấp úng: "Dĩ nhiên, hoàn toàn tự ý". Sau đó hắn loạng choạng, đứng hết nổi. Lợi dụng lúc nghỉ họp, Rykov khẽ rỉ tai Bukharin:

"Bây giờ tôi mới biết, Tomsky lì thật. Hắn biết trước từ tháng 8 nên thà tự sát quách cho rồi. Còn tụi mình là những thằng hèn mới ráng sống tới ngày giờ này".

Đến lượt hắn đăng đàn thì Kaganovich hăng lắm. Hắn không ngần ngại lớn tiếng mạt sát vì cho đến giờ vẫn muốn tin đàn anh Bukharchik vô tội lắm, nhưng tin hết nổi! Rồi Molotov cũng thế. Nhưng Stalin thì khác:

"Dầu sao đi nữa, tôi cũng thấy tội trạng Bukharin chưa có gì minh chứng cụ thể. Rykov thì có thể nhưng Bukharin tôi tin là không".

Ôi, còn gì cảm động bằng! Vừa mới xuống tinh thần Bukharin lại lên cái vù, Nhưng mấy ngày sau, ngày nào cũng có những người của Cơ quan mang tận nhà Bukharin đọc cho nghe nhiều bản cung từ. Nào của Radek, nào của nhóm cựu học viên Viện Giáo sư Đỏ, bản nào cũng buộc tội "cây lý thuyết" của Đảng, buộc đích danh. Có điều Cơ quan cho mang tới nhà đọc để cáo tri cho ông Ủy viên Trung ương Đảng Bukharin biết vậy thôi chớ đâu phải để buộc tội.

Số cung từ mỗi ngày một nhiều, một nặng. Họ không đọc nữa mà để lại cho nhà ông Ủy viên có thời giờ coi cho rõ! Mỗi lần có thêm một mớ, Bukharin lại gạt qua cho vợ [11] "Mình đọc đi. Tôi không đọc nổi nữa!". Những lúc đó Bukharin ưa nằm vật ra giường, úp mặt xuống gối. Chán chường hết mức, nhưng tự sát thì không! Nếu muốn chết thì quá dễ vì lúc nào trong nhà chẳng giữ tới 2 khẩu súng lục.

Thế rồi lại thêm một phiên toà công khai nữa. Một số phản động lại lãnh án tử hình. Nhưng Bukharin vẫn được chừa ra, không ai đả động tới! Bukharin khác, vì Stalin chẳng bảo: "Tôi tin là Bukharin không" đó sao?

Nhưng tình hình vậy thì sống sao nổi? Đầu tháng Hai 1937 Bukharin đành liều làm áp lực với Trung ương Đảng bằng cách tuyên bố tuyệt thực để yêu cầu Trung ương Đảng nghị xét một lần chót, nếu vô tội thì chính thức tuyên cáo để chấm dứt mọi dư luận mập mờ. Cố nhiên Bukharin nhịn ăn thật và vẫn có thư riêng gởi chú Koba nên Trung ương Đảng triệu tập phiên họp đặc biệt để bàn về (1) tội ác của nhóm hữu khuynh (2) thái độ chống Đảng của đồng chí Bukharin, bằng chứng là vụ tuyệt thực.

Bukharin bối rối. Vậy là mình, chống Đảng thiệt sao? Mặt mũi trắng nhợt, râu mọc tua tủa không khác một thằng tù, Bukharin ráng lết tới dự họp. Chú Koba thân mật hỏi: "Bộ đồng chí điên hay sao, mà nghĩ vớ vẩn", bèn than thở:

"Đành vậy, tôi biết làm gì khác, họ tố cáo tôi, họ buộc tội tôi ghê quá mà? Họ rõ ràng muốn trục xuất tôi khỏi Đảng!"

"Đừng nghĩ bậy! Chẳng ai trục xuất đồng chí khỏi Đảng!"

Chú Koba nhún vai cười, cho rằng "Đó là cả một sự vô lý!". Làm gì Bukharin không yên chí tin tưởng? Trước mặt đông đủ Đại hội, bèn có lời tự giác. Nếu tuyệt thực là chống Đảng thì xin hủy bỏ ngay, đâu dám tiếp tục nhịn ăn nữa? Về nhà cụ thể hoá quyết định bằng cách bảo bà vợ trẻ: "Mình cắt cho tôi khoanh xúc xích đi. Khỏi nhịn nữa! Koba xác nhận không bao giờ có vụ trục xuất". Đúng vậy, ý kiến Stalin mới là quyết định. Kaganovich hay Molotov [12] công kích thì ăn nhằm gì. Hai thằng quá khích, dám có ý kiến khác! Stalin đã nói vậy mà trước Đại hội, chúng cứ buộc tội tay sai Phát xít, một hai đòi bắn.

Sau này có lẽ tinh thần xuống đến cực điểm Bukharin mới để thì giờ gò gẫm lá "Tâm Thư Để Lại Trung Ương Đảng Ngày Sau". Vì tính cách "chúc thư" trối trăng nên lá thư được lưu giữ đến bây giờ cho cả thế giới cùng đọc. Có điều nó không làm rúng động nền móng toàn thế giới mà Trung ương Đảng ngày sau cũng chẳng ai buồn lưu ý, dù đó là chúc thư để lại cho đời của cây lý thuyết cừ khôi của Đảng! Bất quá chỉ thêm một tiếng kêu than với Đảng của một người vì nặng bầu nhiệt huyết với Đảng mà vong mạng. Bức tâm thư Bukharin còn xác định thêm một điều: ông ta hoàn toàn chấp nhận tất cả những gì xảy ra trước 1937 và cho tới 1937 luôn. Nghĩa là Bukharin công nhận là hợp lý những phiên toà phường tuồng trước đó cũng như toàn bộ hệ thống ngục tù bẩn thỉu, những ống cống vĩ đại từng cuốn đi những đợt sóng người khổng lồ.

Công nhận vậy thì có bị cuốn vô guồng máy ngục tù còn oan uổng nỗi gì? Con người đồ sộ vạm vỡ, khoẻ như đô vật là Bukharin sau cùng bị vật ngã để rồi bộ máy Lubyanka nghiền nát [13] .

Xét ra Bukharin biết trước vụ thanh trừng từ lâu, bị hành hạ "nguội" đến chán chê nhưng không hề bị tra tấn, đánh đập và lại là "cây lý thuyết" cừ khôi của Đảng, vậy lập trường nhất định phải vững hơn Yakubovich năm 1931 mới đúng. Sự thực lại trái ngược. Ông ta chịu đựng thua Yukabovich nhiều chỉ vì lẽ Yukabovich không thiết sống nữa trong khi Bukharin còn sợ chết, không dám chết. Nếu Yukabovich từng được Chưởng lý Krylenko thuyết phục hợp tác trong vụ Tổng bộ Men-xơ-vích nhân danh Đảng, nhân danh tình đồng chí (mình cùng đảng viên Cộng sản với nhau mà) thì Bukharin cũng bị đồng chí Vyshinsky "xỏ mũi" quá dễ dàng! Dù có là một "cây lý thuyết" trụ cột của Đảng, Bukharin cũng bị Vyshinsky dẫn dắt từ nhìn nhận có hành động đối lập trong nội bộ Đảng đến chống Đảng và đã chống Đảng là có thể sắp đặt hay nghĩ đến những hành động phá Đảng, phản quốc (chẳng hạn như làm gián điệp cho ngoại quốc, sát nhân, phá hoại). Tất cả tội trạng của Bukharin chỉ dựa trên lý thuyết "những gì có thể xảy ra rất có thể đã được làm rồi" nghĩa là chấp nhận những giả thuyết do Vyshinsky nêu ra là những tội ác mà chính mình đã phạm rồi.

Vyshinsky đã nói thẳng như sau:

"Nếu đồng chí đã nhìn nhận như vậy thì xin báo trước để đồng chí biết nếu đồng chí phủ nhận hay nói khác đi trước phiên toà thì phải hiểu rằng đồng chí chỉ làm lợi cho bè lũ đế quốc tư bản và có hại cho thanh danh của Đảng. Nếu trường hợp có xảy ra thì đồng chí có muốn chết nhẹ nhàng cũng không được! Ngược lại nếu mọi việc êm xuôi thì dĩ nhiên chẳng ai bắt đồng chí chết làm gì. Chúng tôi sẽ có cách thu xếp kín đáo để đưa đồng chí ra đảo Monte Cristo ở đó đồng chí tha hồ tham khảo, nghiên cứu."

"Nhưng trong mấy vụ án trước những người nhận tội đều bị xử bắn cả mà."

"Họ khác, đồng chí khác chớ. Vả lại chúng tôi cũng có bắn cả đâu. Chỉ tuyên án, các báo chỉ đăng vậy thôi. Thực tế một số vẫn được sống."

Những gì đã xảy ra đúng hệt như ý muốn của nhà đạo diễn lớn. Chỗ yếu nhất của Bukharin đã nắm vững trong tay thì làm gì "cây lý thuyết" chẳng ngoan ngoãn cung khai trước Toà? Khai ngược lại bè lũ đế quốc tư bản, phá Đảng phản quốc sao? Bề nào chúng ta cũng là Đảng viên Cộng sản mà?

Lịch sử quả là một cuộc tái diễn. Năm 1937 cũng như 1922, 1924 vậy thôi. Điệp khúc Đảng ru ngủ, tai hại đã khuất phục hết, bắt cúi đầu hết. Phải chi bọn họ dám có tư tưởng riêng, dám có lập trường độc lập để ngạo nghễ ngửng mặt, hét lớn vào mặt đạo diễn và bọn tay sai rằng:

"Không, chúng tôi không làm Cách mạng với các anh! Chúng tôi không đồng bào với các anh! Chúng tôi không Cộng sản với các anh!"

Chỉ cần một người đủ can đảm hét lớn lên như vậy là tất cả công trình dựng vở sẽ đổ sụp, những mặt nạ sẽ rã rời rớt xuống, ông đạo diễn chắc chắn sẽ chạy tuốt ra bằng cửa sau và đám tay sai sẽ trốn chui trốn nhủi xuống lỗ hết.

*


Với tuồng như thế là hạ màn thành công mỹ mãn. Có thế nói là vào hạng nhất nhưng dù sao cũng vẫn tốn của, tốn công. Do đó nhà đạo diễn không muốn mở những phiên toà công khai ở Đại sảnh Tháng Mười trụ sở Tổng công đoàn Mạc Tư Khoa nữa. Thay vào đó phải đưa toà án về cấp Quận cho gần quần chúng, để xử bọn phản động ở khắp nơi trên toàn quốc. Vấn đề là phải tìm cho ra "đạo diễn" chân tài, dựng vở không chu đáo đâu được?

Những phiên toà địa phương mở màn từ 1937, nhà "đạo diễn" lớn đã chuẩn bị chu đáo rồi. Nhưng sự thực ít ai ngờ là chỉ sau một vài vụ điển hình toàn bộ chương trình ngưng ngang: thiên tài đến như Stalin cũng lúng túng đành bó tay luôn.

Dưới đây là một phiên toà tiêu biểu. Nếu vụ án Bukharin, Kamenev, Zinoviev có tính cách trung ương bao nhiêu thì vụ án Kady có tính cách địa phương bấy nhiêu, xét vì nói là quận lỵ mới toanh của tỉnh Ivanovo địa đầu xa xôi, vả lại quận Kady chỉ mới được thành lập vào cuối năm 1934. Ngày đó nhà nước cũng đã có ý định coi Kady như một thí điểm để mang ánh sáng của văn minh khoa học tới một miền hoang vu, dân chúng nghèo nàn chậm tiến nhất nước. Cán bộ được gởi đến xây dựng Kady do dó, không phải thứ cán bộ quận thông thường mà toàn là thứ trung kiên, có thành tích hoạt động lỗi lạc ở nhiều địa phương khác gởi tới.

Được Trung ương đặc phái tới Kady cán bộ có hăng say phục vụ đến đâu cũng phải lắc đầu: địa thế xa xôi hiểm trở, dân nghèo mạt, mọi phương tiện thiếu thốn. Cán bộ thiếu quỹ phát triển, dân mệt mỏi vì chính sách thu mua.

Đại diện Đảng ở địa phương là Quận ủy Fyodor Ivanovich Smirnov, một cán bộ có tư cách, ngay thẳng. Trưởng chi Nông vụ là Stavrov, một nông dân thuần túy, chăm chỉ, tương đối có học nên biết điều khiển trại ruộng. Đó là thành phần mệnh danh Intensivniki, nông dân có tư sản nhưng tiến bộ nên chưa bị thanh trừng như bọn kulak. (Có thể là Stavrov sớm giác ngộ, vô Đảng sớm nên chưa bị đốn như bọn nông dân phản động Kulak!) Sự thực ê kíp Smirnov – Stavrov muốn phục vụ tốt, biết làm việc nên nông dân địa phương chắc chắn có phận nhờ, nếu không có những chỉ thị ngược đời, chỏi nhau từ trung ương gởi xuống bắt thi hành nghiêm chỉnh. Họ còn dám đề nghị lên cấp tỉnh Ivanovo, yêu cầu giảm bớt mức thu mua ngũ cốc vì nếu nhà nước buộc phải bán tới số thì dân Kady sẽ kiệt quệ. (Đòi giảm mức thu mua ngũ cốc là một đề nghị quá liều lĩnh vào thập niên 1930. Cũng may Kady còn là một quận mới, đang phát triển nên cán bộ còn được phép đưa sáng kiến!)

Ê-kíp Smirnov-Stavrov gặp khó khăn khi ông phó Quận ủy Varsy Fyodorovich Romanov lợi dụng lúc Quận ủy Smirnov đi công tác, đã vận động Đảng ủy quận Kady lên án Chi trưởng Nông vụ Stavrov, khép tội có khuynh hướng thân Trotsky kềm hãm sự phát triển của Quận!" (Romanov áp dụng đúng chính sách Stalin ở Trung ương Đảng: Muốn hạ bè lũ đối phương phải tỉa dần từng thằng một. Thằng yếu hạ trước còn thằng khoẻ bị chặt vây cánh hạ sau cũng không khó!)

Có thể Stavrov đã bị Romarov hạ ngay trong mấy phiên họp Đảng ủy đầu tiên. (Khốn nạn, tội có tư tưởng thân Trotsky thì cãi sao nổi! Càng cãi càng "lòi bộ mặt phản động") nếu hắn không được yểm trợ tích cực của Vasily Grigoryevich, Viasov, Quản đốc Hợp tác xã Tiêu thụ Quận Kady. Phải công nhận là Vlasov là mẫu cán bộ ngay thẳng, có tài điều khiển cơ sở và biện thuyết, dù không có vốn văn hoá cao. Trước Đảng ủy Quận, Vlasov đã hăng hái bênh vực Stavrov, đưa nhiều bằng chứng cụ thể để yêu cầu trục xuất Romanov vì tội mạ lỵ. Kết quả Romanov chỉ bị cảnh cáo nặng. Hắn đe doạ "Thế nào tôi cũng làm tới. Đảng sẽ điều tra, để lột mặt nạ bằng hết bọn thân Trotsky".

Chưa biết Đảng có điều tra thật không nhưng mấy ngày hôm sau cụ thể là Stavrov bị chi NDVD Kady câu lưu ngay và một tháng sau đến phiên Univer, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Quận. Thế là Romanov được đề bạt vào chức của Univer, một người gốc dân Estonia. Bị áp giải lên Ty NKVD Ivanovo, lập tức Stavrov có bản tự thú: Không những hắn thân Trotsky mà còn có chân trong một tổ chức khuynh hữu đang thành hình trong quận Kady. Sau khi lập xong bản tự thú thì Stavrov bỏ mạng trong khám NKVD Ivanovo nhưng căn cứ vào lời khai của hắn, trọn bộ tổ chức khuynh hữu ở quận Kady bị câu lưu mà dĩ nhiên Quận ủy Smirnov phải là Chủ tịch. Cán bộ thân thiết với Smirnov là bị bắt hết, ví dụ như Trưởng Chi Tài chính Saburov.

Nếu Stavrov đã nát xương trong khám NKVD, Romanov leo lên chức Chủ tịch Ủy ban Quận thì kẻ bênh vực Vlasov thoát sao nổi? Ngoài vụ làm mất mặt đồng chí Công tố Quận Rusov (như đã thuật ở Chương 4) hắn còn phạm tội với đồng chí Krylov Trưởng chi NKVD Quận vì dám bênh vực, che chở cho 2 nhân viên thuộc cấp dù làm việc đắc lực trong Hợp tác xã nhưng có tên trong sổ đen NKVD vì thành phần giai cấp.

Vì Vlasov có uy tín lớn ở địa phương nên NKVD chưa bắt vội. Hãy hăm doạ, làm tiền đã! Ông Phó NKVD Sorokin tới rỉ tai Vlasov muốn được để ra ngoài vụ phải đóng góp một số nhu yếu phẩm trị giá 700 đồng rúp. Có đời nào một cán bộ trung kiên như Vlasov chịu hối lộ cho bọn NKVD ăn bẩn 2 tháng lương? Ngay hôm sau đồng chí Krylov nhân danh quyền Quận ủy tới yêu cầu Vlasov thu góp tài liệu sẵn để nhóm họp Đảng ủy Kady sẽ đứng lên tố cáo "những hoạt động phá hoại của phe nhóm Smirnov-Univer đối với Hợp tác xã". Đời nào Vlasov chịu mắc bẫy NKVD. Biết có hoạt động phá hoại cơ sở mà không báo ngay cho NKVD, đợi lúc này mới thuyết trình là đồng lõa phá hoại sao? Hắn nói thằng với Krylov:

"Sao đồng chí không thuyết trình, mà lại là tôi? Đồng chí không nắm vững vấn đề, không phải địa hạt chuyên môn? Nếu vậy thì NKVD bắt người, không có bằng chứng gì cụ thể sao?"

Buổi họp Đảng ủy Quận Kady vậy là bất thành. Một đêm, viên Kế toán Hợp tác xã và người phụ tá bí mật tới nhà Vlasov, mang theo số tiền khá lớn là 10 ngàn rúp và bảo hắn rằng:

"Vasily Grigoryevich, bạn hãy lo thân bạn đi. Tình hình coi bộ không xong. Cầm lấy số tiền, đi khỏi Kady ngay tối nay. Đừng chần chờ tới mai."

Đời nào Vlasov chịu bỏ trốn hèn hạ vậy? Hắn đâu có làm gì trái phép? Tại sao phải sợ chúng?

Quả nhiên sáng hôm sau tờ nhật báo của quận Kady đã có bài tố cáo những sai lầm nghiêm trọng của Hợp tác xã (thời buổi 1937 thì báo chí với NKVD luôn luôn đi đôi thật chặt chẽ!) Ngay tối hôm đó Quận ủy Kady nhóm phiên đặc biệt để mời đồng chí Vlasov tới đích thân giải thích. Nhiều sai lầm của Vlasov được lôi ra mổ xẻ gay gắt. Đêm hôm đó ông Chủ tịch được về nhà thong thả nhưng sáng sớm NKVD đã có lệnh câu lưu.

Vlasov thuộc týp thẳng thắn, cứng rắn và ngang ngược. Buộc hắn trả lại thẻ đảng viên đâu được. Đã có quyết định trục xuất của Trung ương gởi tới Kady đâu. Truất chức nghị viên quận cũng không được vì hắn là thành phần dân cử. Nếu muốn bắt hắn đi phải sử dụng võ lực: Vlasov được bọn nhân viên NKVD chiều ý ngay!

Dù sao Vlasov cũng là nhân vật có uy tín ở địa phương. Nhưng NKVD đâu cần, sẵn sàng áp giải ông Quản đốc Hợp tác xã Quận đi như bất cứ một thằng tù nào. Người phản đối hăng nhất là gã cán bộ phụ trách quầy hàng Hợp tác xã lập tức bị vô sổ đen, trục xuất khỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản địa phương, mất luôn chức Ủy viên Quận!

Dĩ nhiên Vlasov bị đưa lên nằm khám NKVD Ivanovo để lập thủ tục truy tố. Hắn không phải đợi lâu vì hồ sơ trọn tổ chức đã lập xong, chỉ còn đợi một mình hắn. Bị thẩm cung vỏn vẹn 2 lần, tang chứng buộc tội chỉ có bản báo cáo của Hợp tác xã Kady và bài báo đăng hôm trước. Không hề có nhân chứng, Vlasov bị ra Toà vì 3 tội:
  1. Quản trị Hợp tác xã sai lầm

  2. Không giữ đủ số nhu yếu phẩm thường trực phải có ở trong các kho hàng Hợp tác xã

  3. Tự ý để tích lại trong kho một số dự trữ quá thừa về muối
Tội trạng Vlasov chỉ có thế nhưng trái hẳn với lề lối làm việc Hội đồng An ninh Đặc biệt in ra án thật nhặm lẹ, dễ dàng, vụ án Kady có lệnh phải tổ chức rình rang để làm gương. Tất cả các bị cáo đều nằm khám NKVD Ivanovo về Kaneshma (toa xe Stolypin!) rồi đi gần 100 cây số đường rừng bằng xe hơi về đến quận Kady. Trên 10 chiếc xe hơi, chạy thành đoàn về một quận hoang vắng như Kady thì phải là một biến cố trọng đại!

Đích thân đồng chí Klyugin, Chánh sở Đặc biệt chống Phiến loạn Ty NKVD phụ trách công voa với 40 công an xung phong chĩa lưỡi lê, súng cầm tay. Phải dàn cảnh để khủng bố dân địa phương luôn thể mà. Toà án chưa làm xong, chưa có điện nhưng dân Quận Kady được hướng dẫn đi coi xử án rất đông từ ngày 24 đến 27 tháng 9. Một quận lỵ hẻo lánh, xa xôi như quận Kady thì phiên toà phải biết là long trọng.

(Trong bản in, từ trang 553 đến trang 568 là 28 phụ bản hình, từ phụ bản 1 đến 22 có chú thích hình, phần còn lại thì không. Dưới đây là thứ tự của các chân dung và chú thích được in trong cuốn sách - talawas)
  1. Năm 1929 lãnh tụ Đệ Tứ quốc tế Leon Trotsky bị Stalin trục xuất khỏi Liên bang Xô Viết. Năm 1974, đến lượt nhà văn Aleksandr I. Solzhenitsyn bị lên án "phản bội", vĩnh viễn lưu đày ngoại quốc.

    Ngày chiếc phản lực cơ thương mại AEROFLOT thả công dân bị truất quyền Solzhenitsyn xuống phi trường Frankfurt (Tây Đức). Sau khi nhận một đoá hồng đỏ, nhà văn hôn tay cô chiêu đãi và lên chiếc Mercedès tới cư ngụ tạm nơi nhà ông bạn văn Đức Heinrich Böll, cũng giải Nobel. Hình chụp hai bạn già đứng bên nhau, ngày đầu tiên Solzhenitsyn bắt đầu cuộc "lưu đày hải ngoại" đau khổ vì bị THIẾN trên phương diện tinh thần.

  2. Những phút giây quý giá bên vợ con ở Mạc Tư Khoa. Nhờ sự can thiệp của nhà cầm quyền Tây Đức, chính phủ Nga cho phép Solzhenitsyn đi cho khuất mắt. Đã tưởng phải ra đi sống cô độc nhưng sau bao nhiêu ngày vận động bà Sotzhenitsyn và 2 con mới được phép xuất ngoại.

  3. Andrei Sinyasky: Nhà văn, nhà phê bình 48 tuổi. Cũng như đồng nghiệp Solzhenitsyn, vì để bản thảo lọt ra ngoại quốc ấn hành hắn bị 5 năm lao động cưỡng bách. Mãi 1971 mới được phóng thích và "cho phép" di cư. (Trường hợp chính thức bị nhà nước trục xuất cho tới bây giờ mới chỉ có 2 người: Trotsky và Solzhenitsyn). Hiện Sinyasky là giáo sư văn chương Nga Đại học đường Sorbone, Balê.

  4. Yuri Galanskov: Xuất bản lậu một tập san thuần túy văn nghệ, Galanskov lãnh 7 năm cải tạo. Bị chứng ung thư bao tử dằn vặt, chịu đựng không nổi chế độ lao tù, nhà thơ Galanskov từ trần ngay trên bàn mổ y viện trại giam năm 1972, vừa vặn 33 tuổi.

  5. Larisa Bogoraz: Nữ giáo sư Triết, 44 tuổi, tích cực chủ trương hoà bình, chống đàn áp. Năm 1968 biểu tình ở Công trường Đỏ Mạc Tư Khoa, chống vụ xâm lăng Tiệp Khắc. Sau 3 năm đi đày Tây Bá Lợi Á, Bogoraz hiện đã được trả tự do.

  6. Valery Ghalidze: 35 tuổi, được đào tạo về ngành Vật lý học nhưng đổi nghề luật gia chỉ vì phải để tâm nghiên cứu luật pháp Liên Xô khi tham gia một nhóm chống đối nhà nước. Năm 1972 được nhà nước cấp chiếu khán cho sang Mỹ nhưng Chalidze vừa đặt chân lên tân lục địa là bị tước quyền công dân Xô Viết. Ở lại Mỹ, sống về nghề viết báo từ đó.

  7. Pyotr Yakir: Chỉ vì là con trai nhà danh tướng Yakie mà cậu bé Pyotr bị Stalin cho lệnh giam từ hồi còn nhỏ, sợ cậu bé lớn lên không quên trả mối thù giết cha. Sau quãng đời niên thiếu cơ cực trong trại Cải tạo, Pyotr Yakir trở thành một sử gia lỗi lạc và mỗi khi có dịp, không ngần ngại tố khổ chế độ Xô Viết. Năm 1973 nhà chép sử 50 tuổi lại bị tống giam lần nữa và lãnh án biệt xứ tống khỏi Mạc Tư Khoa.

  8. Pyotr Grigorenko: Mang quân hàm cấp tướng Hồng quân, Pyotr Grigorenko là anh hùng quân đội, chiến sĩ xuất sắc trong Thế chiến II. Có tư tưởng tự do. Grigorenko trở thành chiến sĩ hoà bình, luôn luôn có mặt trong những cuộc tập họp đòi hỏi tự do. Tháng 5 năm 69 bị Mật vụ bắt vì nhất định đòi dự phiên toà xử bọn "đối lập phiến loạn"! Ở Lubyanka ra, ông già 66 tuổi Grigorenko bỗng điên khùng, bị tống vô Dưỡng trí viện ở luôn.

  9. Andrei Almarik: Nhà viết sử 35 tuổi bị chế độ Xô Viết tặng 3 năm lao động cải tạo tư tưởng vì cho ra cuốn sách tiên đoán tương lai hắc ám cho cả nước! Nhan đề sách: "Liệu Liên bang Xô Viết có tồn tại nổi đến 1984?".

    Hiện vẫn đang bị đi đày lãnh thêm bản án nữa vì "nằm trại Cải tạo" mà còn dám nhục mạ nhà nước!

  10. Zhores Medvedev: Nhà Sinh vật học lẫy lừng của Nga, chuyên khảo cứu về di-truyền-tính có thẩm quyền thế giới. Năm 48 tuổi, vì chống lại chính sách nhà nước giới hạn những giao thiệp, trao đổi với khối Tây phương mà bác học Medvedev bị tống vô nhà thương điên. Bị dư luận trong, ngoài nước ồn ào phản đối, chính phủ Xô Viết đành phải thả ra, cho phép sang Anh nghiên cứu, nhưng truất quyền công dân Xô Viết.

  11. Khung cảnh rùng rợn của một phiên toà Tối cao Mạc Tư Khoa những năm thanh trừng 1937-1938,

  12. Serge Kirov: Bị ám sát tháng 12 năm 1934 để Stalin có lý do khởi sự tổng thanh trừng.

  13. Lễ quốc táng Kirov ở Mạc Tư Khoa: khiêng linh cữu có đích thân Stalin, Vorochilov, Molotov.

  14. Zinpviev: Đảng viên kỳ cựu từ thời Lenin, lý thuyết gia lỗi lạc, song cũng không thoát khỏi pháp trường.

  15. Lev Kamenev và vợ đứng cạnh Krassine. Là em rể của Trotsky nên Kamenev có đầu hàng cũng bị xử bắn cùng Zinoviev.

  16. Smirnov: Bộ trưởng Hải quân cùng chịu chết trong vụ án Zinoviev – Kamenev. Có ai thoát trong vụ án số một này?

  17. Hung thần của những năm tổng thanh trừng, Chưởng lý Vyshinsky, người đòi xin nhiều cái đầu đồng chí nhất.

  18. Karl Radek: Kẻ trở cờ làm nổ vụ án cấu kết với Trotsky: thoát khỏi tử hình cũng không lạ!

  19. Sau Stalin còn ai, nếu không phải đồng chí Nicolas Boukharine thân thiết? Lý thuyết gia cừ, Bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm tờ Sự Thật, song vẫn không thoát xử bắn.

  20. Krestinki: Kẻ duy nhất dám đối đấu Vyshinsky trước Toà song đành khuất phục sau 3 giờ bị tra tấn nát xương lồng ngực. Xử bắn.

  21. Rakovski: Cựu Đại tá Xô Viết ở Balê, 1 trong 3 kẻ may mắn (?) thoát chết trong 21 người dính trong vụ Boukharine.

  22. Yagoda: Hung thần Mật vụ. Bị thanh trừng, xử bắn cùng Boukharine. Ít nhất cũng đã thủ tiêu văn hào Gorky, trùm GPU Menzhinsky.

  23. Viktor Petrovich Pokrovsky

  24. Aleksandr Sthrobinder

  25. Aleksandr Andreyevich Svechin

  26. Vasily Ivanovich Anichkov

  27. Mikhail Aleksandrovich Reformatsky

  28. Yelizaveta Yevgenyevna Anichkova
Chánh thẩm là Shubin, Công tố là Karasik, cử toạ không lúc nào dưới vài trăm người từ các làng xã xa xôi được triệu tới coi nhà nước xử tội nhóm phản động chạy theo Bukharin vừa phát giác. Cũng có một luật sư được chỉ định biện hộ chớ. Nhưng chứng nhân quan trọng duy nhất trong vụ là Stavrov thì đã từ trần trong khám. Đầu mối số 1 phanh phui toàn bộ vụ án phản động không còn nữa, nên Công tố viện yêu cầu Toà coi những lời khai của người đã khuất như sự hiện diện của Stavrov trước Toà vậy. Dĩ nhiên Chánh thẩm Shubin chấp nhận ngay nhưng rắc rối ở điểm trước Toà tất cả các bị cáo đều phản cung hết. Không ai chịu nhận những cung từ ký nhận trong phòng điều tra NKVD Ivanovo khiến ông Chánh thẩm phải hét lên:

"Vô lý quá! Tại sao lại có sự cung khai bất nhất như thế này! Tại sao mấy người đã khai như vậy còn phản cung?"

Lý do đó không ai đưa ra nổi. Chỉ một mình bị can Univer bạo gan lên tiếng, sau khi đã nhìn trước nhìn sau kỹ càng:

"Ông chánh thẩm muốn biết tại sao, nhưng nhân danh một đảng viên Cộng sản, tôi thấy không thể tiết lộ ở đây những thủ đoạn điều tra của NKVD. Đây là một phiên toà công khai."

Để sửa chữa lại sự bất nhất đó, chính đồng chí Klyugin được ủy thác "tiếp xúc" từng bị cáo một ở tận cát-xô. Hắn mơn trớn Vlasov:

"Anh đã thấy bọn Smirnov-Univer khai tầm bậy thế nào chưa? Chúng tôi tin là anh không hèn hạ như vậy, có thế nào cứ khai thực ra."

"Cung khai toàn sự thực hả? Sự thực thì chúng bay toàn là một bọn côn đồ, khát máu Phát xít".

"Mày muốn chết thì tao cho chết." [14]



[1]Antonov Saratovsky là một chiến sĩ Tư pháp lão thành, nổi danh cách mạng mà ngay cái tên cũng vô cùng thích hợp vì gốc gác bình dân, dễ nghe dễ nhớ. Vì vậy năm 1962 còn có kẻ nhớ ra người đó, là những người thân, bạn bè của đám nạn nhân từng bị người tuyên án tử hình. Mãi 1962 họ mới dám đăng cáo phó trên mặt báo Izvestiya!
[2]Không hiểu chiến lược gia nào đã phác hoạ trước – chắc là trên bao thuốc lá đang hút dở – cho Krylenko một cuộc tiến binh này? Nếu cũng vì đó chịu trách nhiệm hoạch định vòng đai phòng thủ của chúng ta hồi 1941 thì thảo nào!
[3]Xin đừng hiểu lầm đây là một trò chơi. Sự kiện nhà máy dệt làm căn cứ hành quân đã được ghi ở trang 156, tập Vụ án "Đảng Kỹ thuật" ấn hành năm 1931.
[4]Chính sự giảm khinh cho những phần tử biết hối ngộ tốt đã khiến những phiên toà sau tiến hành tốt đẹp và còn có ảnh hưởng quan trọng đối với những phần tử “to đầu” như Zinoviev và Kamenev sau này.
[5]Bản thỉnh nguyện khôi phục công quyền của Yakubovich bị bác bỏ chỉ vì vụ án Men-xơ-vích đã “đi sâu vào lịch sử”, như một toà lâu đài cổ xây đã quá lâu đời, không thể vì rút ra một viên gạch lẻ loi Yakubovich để có thể bị sập đổ hết. Vì vậy còn mang bản án trong tư pháp lý lịch nhưng Yakubovich để có thể bị ủi bằng cách được cấp một khoản hưu bổng với tính cách cá nhân cho những hoạt động Cách mạng. Đó là một trớ trêu vĩ đại!
[6]Oan uổng nhất là ông nhân chứng tên Kuzma A. Gvozdev. Ông này từng là thủ lãnh nhóm công nhân trong Ủy ban Kỹ nghệ Chiến tranh. Chỉ vì những thành tích bị chế độ Nga hoàng cầm tù vô cớ năm 1916 mà được Cách mạng tháng Hai giải thoát và ban chức lớn Bộ trưởng Lao động trong chính phủ lâm thời. Có thể nói Gvozdev là một trong những “chiến sĩ vô địch ở tù dai”: trại Cải tạo nào cũng thấy mặt! Trước 1930 không hiểu ông ta đã bị giam bao nhiêu năm song từ 1930 trở đi thì… ở tù thường trực. Mãi tới 1952 có nhiều người ở trại Cải tạo ra còn gặp Gvozdez ở trại Spasik tuốt bên Kazakhstan!
[7]Xin đừng nhầm với ông Đại tá Yukabovich thuộc Bộ Tổng tham mưu thời đó cũng hay xuất hiện trong các buổi họp tương tự, nhân danh đại diện của Bộ Chiến tranh.
[8]Tất cả những con số, bản án đều trích trong Tập số 41, Bách khoa Toàn thư Granat, đoạn nói về cuộc đời những đảng viên Bôn-xê-vích cao cấp. Nếu không do chính các đương sự tự thuật thì cũng là những tiểu sử chính thức, đáng tin cậy.
[9]Koba là bí danh trong Đảng của Stalin mà chỉ vài người thân cận nhất, từng sát cánh hoạt động từ lâu mới biết nổi.
[10]Chỉ vì tật lãng tai, trước đông đủ Trung ương Đảng dám cẩn thận hỏi gặng lại câu này mà chính Ordzhonikidze sau đó cũng bị lãnh một viên.
[11]Bà vợ Bukharin còn quá trẻ! Mới có 22 tuổi và mới đầu năm vừa hạ sanh một cậu quý tử.
[12]Nội vụ này cho thấy “nhân chứng” Molotov quan trọng là nhường nào, có thể soi sáng bao nhiêu sự kiện lịch sử còn mờ ám! Vậy mà cứ đụng nhắc tới là người ta lại yêu cầu: “Hãy kính trọng tuổi già, hãy để ông ta yên!”.
[13]Hỏi hai người còn thân thiện có những lần thử vật nhau chơi với sự hoan hô cổ võ của nhiều đồng chí trong Trung ương Đảng. Luôn luôn Stalin bị Bukharin cho nằm đài rất lẹ: Sức mấy chống lại ông thợ săn kiêm cây lý thuyết Đảng? Có lẽ vì vậy mà đàn anh Bukharin bị chú Koba “vờn mồi” mãi rồi mới cho chết hẳn.
[14]Sau cùng người chết không phải là Vlasov mà lại là Klyugin. Hắn mắc kẹt trong vụ Yezhov là bị một mật báo viên cắt cổ trong khám.
Nguồn: Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago) của Solzhenitsyn. Bản dịch Ngọc Tú - Ngọc Thứ Lang. CÆ¡ sở Văn Khoa Trí DÅ©ng xuất bản lần thứ nhất tại Việt Nam. Bìa Nguyá»…n Hè. In tại Vân Long 68/12A Trần Quang Khải, Sài Gòn. Chủ trÆ°Æ¡ng xuất bản: ông Đỗ Đăng Đảng. Giấy phép cuốn 1: số 5122/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP cấp 21.9.1974. Giấy phép cuốn 2: số 5240/74/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP cấp ngày 1.10.1974. Số lượng 2.500 ấn bản – phát hành ngày 7.10.1974. Tổng phát hành Nam Cường, 185-187 Nguyá»…n Thái Học, Sài Gòn, ĐT: 23.867. Giá: 1.200Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.