… Sau năm, sáu năm phát triển, các thế hệ cán bộ cả già và trẻ đang trên đà khởi sắc thì bỗng nhiên khựng lại! Trên bình diện chính trị và xã hội cả nước đã xuất hiện một luồng gió không bình thường. Sự mâu thuẫn giữa đường lối của Liên Xô và Trung Quốc ngày càng gay gắt và quyết liệt! Đài tiếng nói Việt Nam cho phát lại (tiếp âm từ Đài phát thanh Bắc Kinh) các văn kiện chống Liên Xô, chống Nam Tư, chống Khơ-rút-sốp, chống chủ nghĩa xét lại. Đứng giữa ngã ba đường, lãnh đạo Việt Nam dường như cũng đứng ra hoà giải, dàn xếp nhưng không thành. Cái xu thế Việt Nam nghiêng về phía Trung Quốc ngày càng rõ rệt. Chứng cứ là trong một bài thơ viết ra nhân chuyến thăm Cuba, trưởng Ban Khoa giáo Tố Hữu đã thể hiện sự nghiêng ngả đó. Ông ta trải lên bầu trời đất nước Xô-viết một màu ảm đạm, để rồi tô đậm màu hồng khi bay về nước Trung Quốc đang ra rả đả kích Liên Xô. Ông ta muốn phát ngôn quan điểm của Việt Nam! Khỏi phải chờ đợi, lĩnh vực văn hoá văn nghệ và tư tưởng, vốn rất nhậy cảm, đã phải rập khuôn theo quan điểm đó. Từ các lớp chính trị tập trung cho đến tạp chí
Học tập, tạp chí
Văn học, tuần báo
Văn nghệ…, cả đến hai khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều phải dấy lên tiếng nói chống chủ nghĩa xét lại hữu khuynh và sùng bái lập trường giai cấp. Các tên tuổi như Hồng Chương (báo
Học tập), Vũ Đức Phúc (báo
Văn học) tự coi mình là “chiến tướng” bảo vệ lập trường giai cấp. Đố ai dám nói ngược lại! Tại khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp thì Phan Cự Đệ và một vài người khác hùa theo, cũng luôn miệng hô hào “đấu tranh giai cấp”, chống chủ nghĩa xét lại ít nhiều gây lộn xộn trong nội bộ khoa. Đệ là người “xông xáo” hơn cả. Ông ta lớn tiếng phê phán Lê Đình Kỵ, Hoàng Xuân Nhị, làm cho ông Nhị có lúc hoang mang. Đệ còn đòi xoá bỏ giáo trình về lí luận văn học do Lê Đình Kỵ biên soạn, với lí do giáo trình đó mơ hồ về lập trường giai cấp! Thậm chí Đệ còn yêu cầu ban chủ nhiệm khoa bắt ông Kỵ phải ra xin lỗi trước các khoá sinh viên! Đòi hỏi quá trớn này đã bị ngăn chặn.
Theo bọn họ (Chương, Phúc, Đệ…) thì giới văn nghệ phải quán triệt lập trường giai cấp và giương ngọn cờ đấu tranh giai cấp lên hàng đầu! Theo họ, những khái niệm và nội dung khái niệm như nhân loại, nhân văn, nhân tính, nhân đạo, nhân ái, nhân dân… đều không thể chấp nhận được bởi nó xa rời lập trường giai cấp!
Cuộc tranh cãi về lập trường này kéo dài vài ba năm. Vào cuối năm 1964, nghị quyết 4 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra đời, chủ trương chống chủ nghĩa xét lại trên mọi lĩnh vực mà chủ yếu là lĩnh vực văn hoá, tư tưởng. Lãnh đạo Việt Nam đã thực sự đứng về một phía: ủng hộ Trung Quốc. Phong trào chống chủ nghĩa xét lại ở Việt Nam có xu hướng tả khuynh và không kém phần quyết liệt. Rất nhiều cán bộ cao cấp của Trung ương như Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Nguyễn Văn Vịnh, không đồng tình với nghị quyết đều bị kết luận là những phần tử chống Đảng. Đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ được giám sát chặt chẽ. Không viết bằng chỉ thị nhưng tại các chi bộ Đảng, cứ 3 hay 6 tháng một lần đều được nghe phổ biến ý kiến của đồng chí Thọ (Lê Đức Thọ) hay đồng chí Hoàn (Trần Quốc Hoàn) về diễn biến hoạt động của nhóm chống nghị quyết 4, chống Đảng.
Trong thời gian khoảng 1965 – 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng quyết liệt trên cả hai miền Nam Bắc, mọi tầng lớp nhân dân như bộ đội, dân quân, công nhân, nông dân, trí thức, học sinh… đang gồng mình vượt qua muôn vàn gian khổ và thử thách để dũng cảm chiến thắng kẻ thù ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, thì lãnh đạo Việt Nam vẫn cho rằng tư tưởng hữu khuynh đang ít nhiều chi phối đời sống xã hội! Đặc biệt với tầng lớp trí thức thì sự chi phối càng lớn. Hơn ở đâu hết, các trường đại học là nơi tập trung trí thức cần phải cảnh giác nhiều! Một số cán bộ chuyên chính như công an, khoa giáo thường xuyên rà soát đối tượng này.
Cũng cần lưu ý rằng: Vào cuối thập kỷ 60 (1965 – 1970) dù trường đã sơ tán lên vùng núi Việt Bắc, cả thầy và trò vẫn bị theo dõi sát sao. Những cán bộ giảng dạy được đào tạo từ các nhà trường Liên Xô về, nhất là những người có học vị phó tiến sĩ, tiến sĩ đều bị ghi sổ và không ngừng được dòm ngó. Các mối quan hệ của số người này đối với người Nga, với sứ quán Liên Xô bị kiểm soát chặt chẽ. Phản gián bủa khắp nơi. Tại các khối lớp sinh viên cũng có màng lưới theo dõi. Một trường hợp tại khoa ngữ văn được coi là điển hình: anh Trần Niêm
[1] , sinh viên lớp văn học II (năm thứ hai) khoá 1963-1967, thường ngày ăn nói bỗ bã, không biết giữ miệng, sinh hoạt có phần tự do. Thỉnh thoảng Niêm có lui tới thăm một số cán bộ giảng dạy đang bị thi hành kỷ luật của thời chống nhóm
Nhân văn - Đất mới như Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo…, Niêm bị theo sát. Có lúc Niêm đi vắng, công an đã tới lục soát tài liệu và tư trang của Niêm tại nơi cư trú. Và cuối cùng Niêm bị áp giải về nhà lao để điều tra, Niêm bỏ dở năm học 1966 - 1967. Suốt thời gian ở tù, một vấn đề chính trị đặt ra với Niêm là phải khai rõ mối quan hệ giữa một số cán bộ khoa ngữ văn và nhóm chống Đảng ngoài trường, theo chủ nghĩa xét lại. Các ông Nguyễn Tài Cẩn (có vợ người Nga), Tôn Gia Ngân, Nguyễn Hàm Dương, đã từng bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (học vị tiến sĩ Việt Nam) tại Liên Xô, có biểu hiện gì khác thường chứng tỏ thân Liên Xô hay không? Niêm đã suy nghĩ và nhất nhất trả lời là không biết, không nghe thấy. Niêm chẳng bịa đặt, không nói điều gì sai trái về các thầy, về khoa văn. Niêm vốn là học sinh con nhà nghèo ở Nghệ An. Niêm nhanh nhẹn, học tốt nhưng có khi phát ngôn thiếu thận trọng nên bị “vạ miệng” đó thôi. Trọn năm trong trại giam, cơ quan điều tra nhận ra là Niêm vô tội. Niêm không phải là một mắt xích chống Đảng, chống chế độ. Niêm đã được tha, được trở lại nhà trường để tiếp tục học tập.
Với vụ bắt và thẩm vấn Niêm, cơ quan chuyên chính không lần ra được “‘đầu dây múi nhựa” nào của hệ thống đường dây chống Đảng, theo chủ nghĩa xét lại nhưng người ta vẫn cứ tin là tư tưởng hữu khuynh xét lại vẫn chi phối tầng lớp trí thức, nhất là những trí thức thức đang giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học. Chẳng phải là các trường đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đã trở thành cái nôi của cuộc Đại Cách mạng Văn hoá long trời lở đất đó sao?
Đúng vào thời điểm này, tại nước láng giềng phía Bắc, Mao Trạch Đông đã và đang đưa cuộc đại cách mạng này lên cao trào. Mục tiêu được đề ra là chống hữu khuynh, chống chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô và Nam Tư, đồng thời chống phe nhóm trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc không khoan nhượng, về đường lối đi theo tư bản chủ nghĩa, chống xa rời đường lối đấu tranh giai cấp! Cả nước Tàu rung chuyển. Thực chất của cuộc cách mạng kỳ quặc đó là sự thanh trừng lẫn nhau trong giới lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc, Mao phế truất cả Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Hàng chục năm nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chao đảo! Chỉ đến sau khi Lâm Bưu và bè lũ bốn tên bị trừng trị, đất nước cả tỷ người này mới trở lại ổn định! Mao và chủ nghĩa Mao trở thành chuyện quá khứ!
Chúng ta tuy không nói ở đây kết quả bi thảm của cuộc cách mạng ấy để lại, nhưng không thể không lưu ý đến ảnh hưởng tai hại của nó đang vượt biên giới vào Việt Nam. Đúng là “thanh khí tương tầm”. Chuyện không có gì ngẫu nhiên. Vào Tết Mậu Thân (1968), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ở cả hai miền Nam Bắc đang diễn ra gay go quyết liệt. Với cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt, ta muốn tạo ra bước ngoặt mới. Có thành công và thắng lợi mà cũng có thất bại và khó khăn!
Có lẽ ban lãnh đạo Việt Nam mà người khởi xướng là Ban Khoa giáo Trung ương đã đặt vấn đề đột xuất: phải chăng tư tưởng hữu khuynh đã chi phối tinh thần quyết chiến quyết thắng trên nhiều lĩnh vực? Tuy vậy, ban này chưa dám ồ ạt triển khai đấu tranh chống hữu khuynh trên khắp các lĩnh vực và tại các địa phương. Ban bắt đầu làm thí điểm. Phạm vi thí điểm nhằm vào giới trí thức tại các trường đại học ở miền Bắc.
Với một nhận thức và định hướng như vậy, một cuộc đấu tranh mới bắt đầu hình thành và triển khai ngay tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là trường trọng điểm. Phát súng đầu tiên nổ ra tại trường này như là một định mệnh. Thế rồi, dưới sự chỉ huy của Trưởng ban Khoa giáo Tố Hữu, một ban lãnh đạo đấu tranh gồm “binh hùng tướng dũng” được thành lập, đứng đầu là phó ban Trần Quang Huy. Hai phó ban: Bí thư đảng đoàn kiêm Thứ trưởng Bộ Đại học Trần Tống và phó bí thư Thành uỷ Hà Nội Trần Sâm. Trần Tống trực tiếp làm phó ban điều hành cuộc đấu tranh. Dưới trướng chỉ huy của ban này còn có một đội ngũ cán bộ trung cao cấp khá đông đảo như Hồ Ngọc Nhường, vụ trưởng Vụ Đại học, Lưu Minh Châu, vụ trưởng Tuyên giáo, đại diện Đoàn Thanh niên, đại diện phòng đại học thuộc Thành uỷ Hà Nội. Đó là chưa kể hàng chục người nguyên là sinh viên tốt nghiệp tại nhà trường đang công tác tại Ban Khoa giáo Trung ương hay Thành uỷ cũng được bổ sung vào đoàn công tác này. Trong số này thường lui tới khoa Văn nhất là anh Lê Văn Tụng và anh Bích (gầy).
Vào đầu năm học 1963-1969, độ tháng 10, đoàn cán bộ Trung ương về trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tuyên bố triển khai cuộc đấu tranh chống hữu khuynh, chống chủ nghĩa xét lại để làm cho nhà trường trong sạch lành mạnh. Lập tức ngọn lửa đấu tranh được nhen nhóm rồi bùng lên ở tất cả các khoa trong trường, nhất là ở những khoa lớn có đông cán bộ và sinh viên, bởi ở đó tập trung đông tri thức có học hàm, học vị cao. Ngay trong tuần đầu kể từ khi đoàn đến trường, theo kế hoạch, khoa nào cũng phải gấp rút hội họp để quán triệt mục đích, yêu cầu và phương pháp của cuộc đấu tranh quan trọng này. Tất cả cán bộ đều phải có mặt đầy đủ và nghiêm túc tham gia đấu tranh để củng cố tinh thần cách mạng và nâng cao lập trường giai cấp. Tất cả các ban lãnh đạo từ trường đến khoa, từ đảng uỷ đến liên chi uỷ, chi uỷ phải tiến hành tự kiểm điểm về quan điểm lập trường, đặc biệt phải lưu ý về sai lầm hữu khuynh và mọi biểu hiện của chủ nghĩa xét lại.
Nhìn một cách khách quan, thì ở trường cũng như ở các khoa thuộc khoa học tự nhiên hay thuộc khoa học xã hội, trong quá trình phát triển đều nảy sinh ít hay nhiều sự nhận thức không giống nhau về phương hướng xây dựng trường và khoa. Việc có thể dẫn đến những mâu thuẫn nội bộ là khó tránh khỏi. Những mâu thuẫn xoay quanh những việc thường xuyên như: tuyển sinh, quản lý sinh viên, quản lý và đánh giá cán bộ, xét khen thưởng hay nâng bậc lương hàng năm (mỗi năm chỉ có 10% cán bộ được xét và nâng lương) v.v… Có nơi có những lúc mâu thuẫn kể trên gây mất đoàn kết ở một mức độ nào đó, cũng không loại trừ ở vào một thời điểm nào đó trở nên gay gắt. Tại nhà trường cũng như ở tại bất cứ cơ quan đơn vị nào khác, những mâu thuẫn nội bộ có khi là mâu thuẫn giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo, là chuyện bình thường chẳng có gì đột xuất dính dáng đến lập trường. Hơn nữa, ngành đại học của chúng ta còn rất non trẻ chưa vượt tuổi 15 (1955-1970), chúng ta vừa xây dựng vừa rút kinh nghiệm thì những mâu thuẫn kể trên nẩy sinh cũng chưa có gì đáng lo âu và quan ngại.
Điều đáng nói là Ban Khoa giáo và đoàn cán bộ khoa giáo có cách nhìn khác nên sự bình thường vốn có bỗng thành khác thường! Họ đánh giá và nâng những mâu thuẫn nội bộ thành quan điểm lập trường giai cấp có thể đẩy nhà trường đi chệch đường lối của Đảng! Trong một cuộc họp có đông cán bộ tham dự, phó đoàn Trần Tống đã dùng từ “cléviers” (tiếng Pháp) để nói trường đã “đi chệch” đường lối của Trung ương.
Tình hình ngày càng trở nên bức xúc khi đoàn công tác hối thúc Đảng uỷ, Ban giám hiệu, Đoàn Thanh niên, Công đoàn trường sớm và tích cực nhập cuộc.
Đoàn cán bộ khoa giáo về trường tức thì đến khoa toán học, nơi đang diễn ra mâu thuẫn căng thẳng giữa ban chủ nhiệm và một số cán bộ khoa. Đoàn thâm nhập thực tế bồi dưỡng rễ chuỗi, phát động đấu tranh. Những người được đoàn tin cậy được gọi là nhóm đấu tranh. Nhóm này hăng hái phê phán tố cáo lãnh đạo và chi uỷ khoa. Khoa toán phất cờ đầu. Đoàn hi vọng tìm ra được ở đây những sai lầm mang tính hữu khuynh, xét lại. Tiếc thay! Đó là một sự bắt mạch hụt! Tại khoa này, sau khi sàng lọc và đúc kết nhiều sự việc, nhiều ý kiến của nhóm đấu tranh, đoàn không tìm thấy bộc lộ quan điểm lập trường ở đâu cả mà chỉ thấy một số cán bộ yếu kém (không loại trừ phần tử cơ hội chủ nghĩa) về chuyên môn, phản ứng khi lãnh đạo khoa đánh giá họ thấp về chất lượng chuyên môn. Trong công tác tuyển sinh, được sự chỉ đạo của Giáo sư toán học Lê Văn Thiêm, hiệu phó, không tuyển những học sinh yếu kém vào trường đại học cơ bản, dù họ có xuất thân công nông, chỉ nên tuyển họ vào các trường chuyên nghiệp tuỳ khả năng của họ. Chủ trương ấy là đúng. Thế mà nhóm đấu tranh lại buộc tội hữu khuynh, thiên tài chủ nghĩa, mất lập trường giai cấp. Ngoài ra, một số mâu thuẫn cá nhân giữa người lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo cũng được nâng lên thành thành mâu thuẫn về quan điểm lập trường. Mất rất nhiều công phu và thời gian, đoàn công tác vẫn không thấy gì là nghiêm trọng. Tuy vậy, đoàn vẫn không chịu thừa nhận mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh ở khoa toán học không đạt, nếu không muốn nói là hẫng hụt! Đoàn bèn rút khỏi khoa này và chuyển hướng cuộc đấu tranh sang khoa ngữ văn, cũng là một khoa lớn trong trường với lập luận: quan điểm lập trường chỉ có thể dễ nhận biết tại ngành khoa học xã hội. Có thể chọn khoa ngữ văn làm tiêu biểu. Dù khoa sử học cũng là một khoa xã hội nhưng đoàn công tác coi là thứ yếu vì lý do đơn giản là ở khoa này có rất ít cán bộ giảng viên tốt nghiệp từ các trường đại học Liên Xô và Đông Âu. Cán bộ có học vị phó tiến sĩ từ Mạc Tư Khoa về lại càng hiếm
[1] . Ngược lại khoa ngữ văn lại nổi trội hơn khoa lịch sử. Tại đây, hiện có nhiều cán bộ giảng dạy tốt nghiệp đại học từ Liên Xô và Đông Âu về, trong đó có 4 phó tiến sĩ. Hơn nữa, ở đây có hai người nguyên là giảng viên đã bị thi hành kỷ luật vì trước đó họ có tham gia nhóm
Nhân văn - Đất mới, hiện nay là cán bộ phiên dịch. Về sinh viên tại khoa ngữ văn, nhìn chung thì cũng chuyên cần học tập, bảo đảm kỷ luật nhưng vẫn có một số sinh viên ưa sinh hoạt tự do. Cá biệt có người đã bị cơ quan công an sờ gáy như trường hợp Trần Niêm đã nói ở trên. Cũng không thể không nhắc lại, vài ba năm về trước, tại khoa đã diễn ra cuộc đấu tranh xung quanh vấn đề lập trường quan điểm về lý luận văn học.
Câu chuyện lập trường ở khoa toán quả là ví von. Đoàn công tác nắm khoa toán này như nắm kẻ trọc đầu! Thất bại là không thể tránh khỏi. Bây giờ điều đại quân đến khoa ngữ văn, với mấy đặc điểm kể trên, đoàn công tác chắc mẩm là vớ được người “có tóc”! Đoàn khẳng định là một phát hiện mới, một trọng điểm thật sự điển hình. Khoa ngữ văn bỗng nhiên trở thành đối tượng số 1, đoàn hy vọng đã nắm đúng và sẽ đánh trúng. Theo lệnh đoàn, từ đây, nhất cử nhất động, ban lãnh đạo khoa phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của đoàn. Tôi giật mình tự cảm thấy hình như mình là cán bộ xã thôn, đang bị đội thổ cải ép buộc! Tôi còn nhớ như in, có một lần, chi bộ Đảng khối cán bộ họp định kỳ để tham gia xây dựng cuộc đấu tranh đang diễn ra hừng hực. Theo lệnh đoàn, tức thì anh Lê Văn Tụng về buộc giải tán cuộc họp và triệu chi uỷ lên trụ sở đoàn để thẩm vấn. Dĩ nhiên, chi uỷ, chi bộ không làm điều gì sai trái, vi phạm nguyên tắc cả nên không đưa đến hậu quả gì đáng tiếc. Lê Văn Tụng là ai vậy? Ở phần trên đã có lần nhắc đến, ông ta không xa lạ gì đối với khoa ngữ văn vì ông là cựu sinh viên khoa này, nay là cán bộ đoàn chuyên trách khoa ngữ văn. Ông thâm nhập khoa ngữ văn và triển khai công việc theo trình tự “bắt rễ xâu chuỗi” của thời thổ cải. Ông đã tìm đến một số người trong khoa, ít hay nhiều có bất mãn với ban lãnh đạo khoa, liên chi uỷ, đại để xung quanh những vấn đề sau đây: Người thì bất mãn vì không được kết nạp vào Đảng hay không được cử đi học nước ngoài, không được nâng bậc lương trước thời hạn. Kẻ thì bức xúc đòi chuyển từ bộ môn này sang bộ môn khác. Có người dạy kém vì trình độ yếu, sinh viên kêu ca thì oán trách khoa không giáo dục sinh viên. Lại cũng có người bất bình về người này người khác trong ban lãnh đạo xung quanh cách cư xử lúc này hay lúc khác. Cũng không thể bỏ qua một trường hợp rất đặc biệt là chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị cũng tố khổ
[2] … Do đó, tình hình bình thường bỗng trở nên phức tạp, không khí trong khoa nhiều lúc trở nên căng thẳng, dù đang là ở vùng núi Việt Bắc đầy gian khó. Tất cả những ai có mâu thuẫn dù nhỏ hay lớn, có khi chỉ là chuyện vặt đều được cán bộ đoàn khoa giáo gợi ý, khích lệ tố cáo, tố khổ đối với lãnh đạo khoa. Quả là trăm dâu đổ đầu tằm!
Từ khi mở đầu cho đến lúc kết thúc kéo dài khoảng gần hai năm, lãnh đạo khoa ngữ văn có hàng chục cuộc hội họp, trong đó có nhiều cuộc họp toàn khoa do chính ông phó ban Trần Tống chủ trì, có rất đông cán bộ đoàn tham gia.
Tất cả các cuộc họp đều nhằm một mục đích là khẳng định tại khoa ngữ văn, bấy lâu nay lãnh đạo chính quyền và liên chi uỷ đã “thao túng” và đưa khoa ngả theo hướng hữu khuynh xét lại, có khả năng đi chệch đường lối xây dựng ngành đại học của Đảng.
Trong mấy cuộc họp đầu tiên, đoàn kêu gọi ai cũng phải tham gia, có gì nói nấy không hạn chế. Dù người điều khiển có gò hội nghị xoáy vào mục đích yêu cầu nhưng không ít người bỡ ngỡ, họ phát biểu xa trọng tâm. Người thì nói cho vừa ý đoàn. Ví dụ: “Có lẽ Đảng ở đây là phi Đảng” (Đinh Gia Khánh), hoặc “Xem ra chi bộ chỉ là chi bộ Đảng Dân chủ” (Nguyễn Văn Khỏa). Trở đi trở lại một số người phê phán lãnh đạo khoa bất công vì đánh giá sai cán bộ, cản trở không cho cán bộ có thể chuyển bộ môn, nhận nâng bậc lương cho cán bộ, không kết nạp vào Đảng những người “hay đấu tranh”! Có người còn nói khoa không biết giữ cán bộ, cứ để cho cấp trên điều động đi B! Khoa quản lý sinh viên kém để xuất hiện trường hợp sinh viên Niêm bị công an sờ gáy! Lại có người chỉ xoi mói một vài cá tính của ông Tôn Gia Ngân hoặc của ông Hoàng Hữu Yên chứ chả đụng gì đến quan điểm lập trường. Cũng phải kể lại đây có người quá trớn vừa suy diễn, vừa bịa đặt rằng: vợ chồng ông Nguyễn Tài Cẩn làm “gián điệp” cho Liên Xô, hay tiếp người Nga tại nhà, thường lui tới sứ quán Liên Xô (Phan Cự Đệ). Nghe Đệ tố, ông phó đoàn Tống sững người vội vàng gạt ngay cho rằng đây là việc nhạy cảm, không nên nói ở đây. Quả thật là nội dung họp quá linh tinh, không phù hợp với điều đoàn công tác chờ đợi.
Sau mấy lần lần rút kinh nghiệm, “nhóm đấu tranh” hình thành. Các cuộc họp khoa tiếp theo đã có điều chỉnh. Dưới sự chỉ đạo của đoàn, “nhóm đấu tranh” phải chuẩn bị trước nội dung của mỗi cuộc họp. “Nhóm đấu tranh” có sự phân công tương đối cụ thể. Ai là báo cáo chính, ai đọc báo cáo phụ (tức bản tố cáo trong một cuộc đấu)
Đến đây, tôi muốn dừng lại để nói đôi điều về một “nhân vật” không ra mặt nhưng có góp tay đáng kể suốt quá trình đấu tố này: Người đó là Lý Tân Hoa. Hoa là con Lý Ban, vợ người Hoa, từng nhiều năm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Lý Tân Hoa đã từng là Hồng Vệ binh trong cuộc Đại Cách mạng Văn hoá Trung Quốc, tốt nghiệp khoa ngữ văn trường Bắc Đại, có lẽ được Ban Khoa giáo gọi về “cấy” vào khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong các cuộc họp khoa, Hoa đều dự đầy đủ nhưng không nói một câu nào! Tuy vậy, nhiều cuộc họp trù bị lại được tổ chức tại nhà Hoa ở Hà Nội mà Hoa tự nhận là Mạnh Thường Quân lo lót mọi sự chi phí. Có lẽ đoàn công tác khoa giáo cũng biết chuyện này mà bỏ qua. Cho đến nay, tôi vẫn chưa hiểu hết về vai trò người họ Lý pha dòng máu ngoại bang này!
Những lần họp về nửa sau cuộc đấu tranh quan điểm này, bớt linh tinh hơn, tập trung vào mục tiêu do đoàn đặt ra. Nói chung, các cuộc họp đều diễn ra tại khu sơ tán, thuộc xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, nơi khoa ngữ văn “đóng quân”. Cũng có lúc, thư viện trường 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội là địa điểm tổ chức hội nghị. Để đảm bảo kết quả tốt, đoàn giao cho “nhóm đấu tranh” phải giữ thế áp đảo, do đó phải có phân công và được chuẩn bị kỹ.
“Nhóm đấu tranh” không phải là một tổ chức mà là một sự tập hợp những người đấu tranh trong các kỳ họp. Người tham gia không ít nhưng có vài nhân vật chủ chốt được dư luận cho là nòng cốt là Phan Cự Đệ và Nguyễn Văn Tu. Họ từng là chỗ dựa đáng tin cậy, vì họ được đoàn công tác giao khởi thảo những bản báo cáo, phê phán khá dài. Mỗi người chia nhau đi sâu một lĩnh vực. Đại để, Phan Cự Đệ tập trung vào những vấn đề mang tính chất quan điểm, lập trường giai cấp. Cũng không có gì mới. Đệ gắng hệ thống hoá những việc đang gây mâu thuẫn thành quan điểm lập trường. Tính chất nghiêm trọng được Đệ dùng đao to búa lớn khắc hoạ. Còn Nguyễn Văn Tu chuyên khai thác một số điểm yếu trong công tác giảng dạy, nghiên cứu của cán bộ và việc học tập của sinh viên. Họ đều lớn tiếng tố cáo và đều nêu lên những kết luận gay gắt. Họ “nổi tiếng” đến nỗi cả trường và ở một số trường đại học khác cũng biết đến. Có người đã đúc kết nên câu thành ngữ phổ biến:
“Quan điểm lập trường Phan Cự Đệ
Chuyên môn khoa học Nguyễn Văn Tu!”
Xin tóm tắt lại đây đôi điều về con người Phan Cự Đệ và những gì ông ta đã tố cáo.
Phan Cự Đệ vốn là sinh viên Đại học Sư phạm Văn khoa khoá 1954 – 1957, cuối năm 1957, vụ Nhân văn - Đất mới mở ra tại khoa ngữ văn. Lúc đầu, vì lý do Đệ không được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động (kỳ chuyển đoàn từ Thanh niên Cứu quốc sang Thanh niên Lao động) Đệ đã phản ứng và tham gia nhóm Đất mới. Khi nhóm này bị lên án, Đề quay ngoắt sang thân chi bộ Đảng, tích cực phê phán nhóm Đất mới. Đệ đấu luôn cả thầy học của mình là ông Trương Tửu [3] . Đệ chuyển hướng đấu tranh để cuối cùng được giữ lại khoa sung chức trợ lý giảng dạy. Sau đó, Đệ xin gia nhập Đảng. Chi bộ xét thấy Đệ khai man về lý lịch gia đình, lại thấy Đệ sống và làm việc ít nhiều mang tính cơ hội nên không xét duyệt. Cả hai chi bộ khoa ngữ văn ở hai trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội đều nhất trí không đưa Đệ vào danh sách kết nạp Đảng. Cho đến lúc qua đời Phan Cự Đệ vẫn không được vào Đảng. Cũng may và sáng suốt, nếu Đệ được vào Đảng thì chưa lường hết hậu quả tiêu cực mà Đệ đã gây ra!
Từ đó, Đệ lúc nào cũng thể hiện rõ thái độ đối lập với chi bộ khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Điều này thể hiện rõ nhất trong quá trình đấu tranh chống quan điểm hữu khuynh trong lý luận văn học trong nhưng năm 1962, 1963 mà chúng tôi đã nêu lên ở phần trên. Giữa năm 1968, đoàn công tác khoa giáo về trường Đại học Tổng hợp xem xét lập trường giai cấp, chống hữu khuynh và chủ nghĩa xét lại. Ở một góc độ nào đó, có thể nói, đoàn đang nối tiếp và triển khai với quy mô lớn hơn nhiều, nội dung bao quát hơn cuộc đấu tranh trước đó - chỉ xoay quanh lý luận văn học. Và khi cuộc đấu tranh do đoàn phát động và chủ trì về đến khoa ngữ văn thì bỗng nhiên Phan Cự Đệ khởi sắc hơn, coi như “cá gặp nước”. Tự nhiên như nhiên, từ ông Tống đến ông Tụng liền xếp Đệ vào hàng cốt cán của “nhóm đấu tranh”. Có người nhận xét: đoàn về khoa như “tháo cũi sổ lồng” cho Phan Cự Đệ. Cả khoa, ai cũng không thể không lưu ý là, tại một số cuộc họp quan trọng có ảnh hưởng đến thành hay bại của cuộc đấu tranh, thường căng thẳng và quyết liệt thì Đệ (và cả Tu) được xếp vào hàng nòng cốt. Đệ thường viết một số bản tố cáo rất dài để đọc trong giờ khai cuộc. Đoàn thường coi những bản báo cáo do Đệ trình bày là đúng trọng tâm, việc gì Đệ cũng quy lên lập trường quan điểm kiểu tam đoạn luận! Chúng tôi nghe thì thấy chối tai, lếu láo nhưng đoàn thì tỏ vẻ hài lòng!
Xin nêu lại đây một số sự việc, sự kiện trong khoa mà Đệ đã lớn tiếng tố cáo.
Một là, được coi là cơ hội thuận lợi nhất, Phan Cự Đệ, một lần nữa đem hệ thống hoá lại quá trình mà ông ta cho là sai lầm của lãnh đạo khoa mấy năm về trước, khi bao che, bỏ qua không bắt tội ông Lê Đình Kỵ về cuốn lý luận văn học của ông ấy. Từ vụ việc mà Đệ cho rất quan trọng này kéo dài, Đệ nêu lên nhiều vụ việc khác mà Đệ cho là lãnh đạo khoa đã đi chệch đường lối văn nghệ của Đảng.
Hai là vụ việc lãnh đạo khoa cho triển khai chuyên đề “Lịch sử tư tưởng cổ đại Trung Quốc”. Chuyên đề này chỉ đọc tại năm cuối (năm thứ 4) cho sinh viên ngành văn học, giúp sinh viên có thể thấy sự ảnh hưởng qua lại giữa tư tưởng cổ đại Trung Hoa và văn học Việt Nam trung đại. Là chuyên đề tự nguyện, không bắt buộc sinh viên nào cũng phải tham gia. Theo Đệ, đây là một chuyên đề cổ hủ, truyền lại tư tưởng phong kiến lạc hậu. Đệ còn bịa ra rằng khoa cho cắt bớt thời lượng dành cho môn Triết học Mác – Lênin để giảng chuyên đề này! Lời tố cáo bịa đặt của Đệ tất nhiên đã được cải chính bằng văn bản rằng khoa không bao giờ dở hơi đến thế! Tuy vậy, phần nội dung chuyên đề đang có sự hồ nghi, phải đợi đến lúc phó đoàn Trần Tống được trực tiếp nghe người biên soạn trình bày cặn kẽ, ông mới thấy là Đệ tố cáo láo!
Ba là: Vụ việc lãnh đạo khoa đưa dự thảo đề án mở khoa Hán Nôm tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là một dự án có tính khoa học cấp thiết, bởi nước ta đang sở hữu kho sách Hán Nôm đồ sộ mà người đọc và hiểu biết được Hán Nôm thì thưa dần. Dự thảo đề án đã được Bộ trưởng Tạ Quang Bửu quan tâm. Tuy chưa có kế hoạch triển khai mà Phan Cự Đệ đã lên tiếng chỉ trích, khoa lo “hậu cổ bạc kim” đi chệch đường lối của Đảng. Sự thực thì Viện Nghiên cứu Hán Nôm Quốc gia đã được thành lập. Và chỉ mấy năm sau, chính tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng đã xây dựng tổ nghiên cứu và đào tạo Hán Nôm.
Bốn là: Vụ việc 4 cán bộ đang học dở tại khoa triết học ở trường đại học Liên Xô về nước gồm các anh Toàn, Chuẩn, Khang, Hượu [4] . Mấy anh này được bộ môn phân về công tác tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trường đã đưa mấy anh ấy về bộ môn giáo dục chính trị và triết học, trực thuộc trường quản lý. Tiếc rằng để tổ bộ môn đúng chuyên môn này lại không tiếp nhận lấy cớ là họ từ xứ sở xét lại trở về! Cả 4 anh bơ vơ. Tìm chưa được cách xử lý, trường giao cả nhóm này cho khoa ngữ văn sử dụng. Nhiều năm khoa đã sử dụng tốt. Tuy vậy, trong thời đấu tố này, họ trở thành cái cớ để Phan Cụ Đệ, Nguyễn Văn Tu phê phán lãnh đạo khoa đã dung dưỡng những người từ trung tâm xét lại trở về! Dụng ý của Đệ và Tu là muốn vạch ra là lãnh đạo khoa lo kéo bè kéo cánh!
Trải qua ngót hai năm (1968-1970), rất nhiều chuyện, lắm vụ việc, lớn có nhỏ có được nhóm đấu tranh nêu ra dựng lên tại nhiều cuộc họp khoa. Trên đây, chúng tôi chỉ nêu một ít sự việc cụ thể chắc là còn sơ sài để chúng ta có thể hình dung được phần nào thực chất cuộc đấu tranh chống quan điểm hữu khuynh và chủ nghĩa xét lại ở trường Đại học Tổng hợp, một cuộc đấu tranh có thể nói là có một không hai! Trước tình hình này, lãnh đạo khoa đã xử sự như thế nào? Nói chung, chúng tôi nghiêm túc theo lệnh đoàn, lắng nghe ý kiến từ mọi phía, đã tự kiểm điểm về vai trò và trách nhiệm của mình. Điều gì đúng thì sẵn sàng chấp nhận, điều gì sai trái thì sẵn sàng phản bác. Chúng tôi không thụ động. Ngoài những phiên họp chung toàn khoa, có đoàn công tác tham gia, lãnh đạo khoa chúng tôi còn có nhiều buổi làm việc riêng với đoàn để trao đổi thẳng thắn về nội dung của những cuộc họp chung. Chúng tôi luôn bảo vệ chân lý và sự thật, không hề nao núng nhân nhượng [5] .
Thời gian chúng tôi tiếp xúc và cộng tác với đoàn cán bộ khoa giáo Trung ương không phải là ngắn. Chúng tôi đã phát hiện ra: thái độ thì hống hách, cách làm thì áp đặt, bất công, thậm chí vùi dập. Chúng tôi dứt khoát phê phán và chống lại.
Xin được “hồi ức” về một số lần “đụng đầu”:
Có một lần, do quá bức xúc, chi bộ cán bộ khoa mở hội nghị để xem xét lại những cuộc đấu tố vừa qua và thái độ thiên lệch của đoàn cán bộ, đồng thời nêu kiến nghị nên bảo đảm tính công bằng và dân chủ. Trong cuộc họp cũng có người ủng hộ việc làm của đoàn nhưng đa số thì biểu lộ thái độ không đồng tình. Thậm chí có ý kiến còn nhấn mạnh rằng: Việc tổ chức đấu tranh hao hao giống thời Cải cách Ruộng đất ở nông thôn! Có người nêu câu hỏi: phải chăng đoàn đang làm theo Cách mạng Văn hoá của Tàu ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội? Lại có người phẫn nộ đã lên tiếng chỉ trích: việc làm đã qua quả là “trên sống dưới khê, tứ bề nát bét!”.
Lẽ ra, đoàn công tác phải bình tĩnh lắng nghe ý kiến của quần chúng đảng viên để điều chỉnh mục tiêu của cuộc đấu tranh; đằng này, thường trực đoàn Hồ Ngọc Nhường đã tức tốc buộc giải tán cuộc họp chi bộ, triệu chi uỷ lên cơ quan Bộ Đại học, tỏ rõ thái độ bất bình, đập bàn đập ghế, cả tiếng quát nạt, doạ dẫm: “Ai cho phép các anh được làm việc này? Chi uỷ phải chịu trách nhiệm!” Nhìn thấy nét lúng túng trên bộ mặt của cán bộ Nhường, chúng tôi đồng thanh đáp lại: “Đảng ta luôn luôn thuyết phục mọi người bằng lẽ phải chứ không bằng sự nổi xung hống hách như anh”. Cuối cùng Hồ Ngọc Nhường cũng phải xuống giọng.
Lần khác, phó đoàn Trần Tống đã chuẩn bị khá kỹ để cật vấn chúng tôi chỉ riêng một việc “Vì sao các anh không kết nạp anh Phan Cự Đệ vào Đảng?” Ý đồ của ông phó đoàn là muốn tìm ra tính bè phái trong lãnh đạo khoa. Lần này, ông phó đoàn cũng bị hố to!
Với nhiều bằng chứng xác thực, chúng tôi chỉ ra là Đệ đã khai man lý lịch như thế nào. Tất nhiên, dù muốn bênh vực, ông Tống cũng không bênh vực nổi. Nhân tiện, chúng tôi còn nhắc ông, không nên quá tin vào anh Đệ, bởi anh tuy còn trẻ nhưng đã sớm bộ lộ tính cơ hội chủ nghĩa.
Buổi cật vấn kết thúc, ông Tống cũng không có gì phê phán chúng tôi. Cho hay, sự thật có sức mạnh chinh phục lớn!
Sau lần gặp ông Trần Tống, chúng tôi đều hiểu ra rằng không dễ gì Ban Khoa giáo thay đổi nhận thức và định kiến. Và chúng tôi lại nghĩ thêm rằng: cuộc đấu tranh đang diễn ra ở trường Đại học Tổng hợp sẽ có cơ tác động đến nhiều trường đại học khác, đến giới trí thức cả nước. Đồng thời chúng tôi cũng nhận thấy ban lãnh đạo cuộc đấu tranh ở trường Đại học Tổng hợp có phần thiên lệch, không khách quan, thiếu công bằng và rất thiếu dân chủ, chúng tôi đã nhiều lần gửi báo cáo lên các cấp trên như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Uỷ viên Bộ Chính trị, phụ trách Tổ chức Lê Đức Thọ, Thủ tướng chính phủ Phạm Văn Đồng để các vị can thiệp. Rất đáng tiếc, những bản báo cáo đầy tâm huyết ấy không có hồi âm. Ngược lại, có bản lại được chuyển về tay ban lãnh đạo đoàn khoa giáo! Thậm chí có lúc phó đoàn Tống cầm trong tay bản báo cáo lên cấp trên của chúng tôi để cật vấn, sao các anh lại dám nói thế này, thế kia?
Tinh thần kiên trì và can đảm của chúng tôi ở khoa ngữ văn kết hợp với dư luận bất bình ở các khoa khác ở ngoài trường có lúc cũng làm cho đoàn công tác suy nghĩ. Bằng chứng là sau hai phần ba thời gian triển khai cuộc đấu tranh mà không tìm đâu ra sự sai trái nghiêm trọng dẫn đến hữu khuynh xét lại! Và trong một cuộc họp sơ kết, trưởng đoàn công tác Trần Quang Huy đã xác nhận rằng tại trường Đại học Tổng hợp không có vấn đề gì quá nghiêm trọng để đoàn công tác Trung ương phải ra kết luận. Những khuyết điểm và sai lầm xảy ra trong quá trình phát triển ở đây cũng giống như ở nhiều trường đại học khác. Lời nhận định của ông trưởng đoàn làm cho không khí dịu xuống. Đoàn công tác chuẩn bị rút lui. Từ trường đến các khoa, nhất là khoa ngữ văn dường như được trút gánh nặng, chuẩn bị trở lại sinh hoạt bình thường dù đã có ít nhiều đổ vỡ và mất mát trong nội bộ cán bộ khoa. Tiếc thay, nhận định đúng ấy lại không trở thành hiện thực! Nguyên nhân do đâu vậy?
Phải nói chính xác rằng: người đề xuất chủ trương và phát động cuộc đấu tranh về quan điểm tại trường Đại học Tổng hợp là đích thân Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Tố Hữu. Ông đã chỉ định Phó Ban Khoa giáo Trần Quang Huy làm trưởng ban chỉ đạo như đã nói trên. Hai phần ba thời gian triển khai cuộc đấu tranh, Tố Hữu đi an dưỡng. Lúc ông trở về thì ông Huy đang chuẩn bị “rút quân”. Có lẽ vì muốn kiên trì chủ trương từ đầu của mình, lại bị “nhóm đấu tranh” khiếu nại, thúc ép nên ông Tố Hữu không chần chừ, đã hạ lệnh: phải tiếp tục cuộc đấu tranh cho đến lúc đạt được mục tiêu mới thôi!
Mệnh lệnh của ông Trưởng Ban Khoa giáo là núi! Những tưởng trường Đại học Tổng hợp có cơ bể lặng sóng yên thì bão tố lại bừng phát.
Lần này thì chiến thuật của đoàn công tác có thay đổi ít nhiều. Trong lúc vẫn tìm mọi cách qui chụp các sai lầm về quan điểm lập trường ở khoa ngữ văn và ở các khoa khác, thì đoàn tìm mọi cách định trong ban giám hiệu và Đảng uỷ ai là kẻ “đầu têu”? Và họ đã cố tình làm cái việc đó! Họ nhất trí khẳng định rằng giáo sư, phó hiệu trưởng đồng thời là thường vụ đảng uỷ được đoàn xác định là “đầu mối” của mọi chuyện “chẳng lành” ở trường này! Thế là hết Trần Tống, Trần Sâm đến Trần Quang Huy thay nhau hàng tháng thuyết phục, có khi nỉ non “Mình là lãnh đạo, mình phải gương mẫu trước, cứ nhận sai lầm rồi sau đó đoàn sẽ uốn nắn những kẻ tố cáo quá trớn! Là bậc trên mình phải dũng cảm!”.
Vốn là nhà toán học nổi tiếng nhưng thực thà, dễ tin người nên ông Lê Văn Thiêm đã bất đắc dĩ “đầu hàng”.
Thế rồi vào một buổi sáng tháng 5 năm 1970, ông phó đoàn Trần Tống cho tổ chức một cuộc họp lớn tại giảng đường giải phẫu, trường Đại học Y khoa, để tổng kết cuộc đấu tranh căng thẳng mệt mỏi.
Sau bản báo cáo có phần chung chung do Bí thư đảng uỷ Trịnh Thuận trình bày, ông Lê Văn Thiêm được “ưu tiên” lên đọc bản tự phê bình đã được đoàn thông qua.
Trong tình thế “làm thinh chẳng đặng, nói ra ngại lời”, ông Thiêm đánh bạo nói ra không ít điều mà ông không dính dáng; ông nhận cả những tội mà ông không liên quan. Không một ai trong trường tin rằng ông là “đầu têu”, “đầu mối” của mọi chuyện rắc rối trong trường!
Ông Thiêm xúc động thực sự! Cũng là người trong cuộc, chúng tôi thông cảm với tâm trạng của ông. Chắc chắn ông vừa băn khoăn về những gì mình đã nhận là tội lỗi lại vừa hối hận mình đã đánh mất hết lòng tin! Thực ra, ông là người trung thực, đã có nhiều công với nhà trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tất nhiên, tại hội trường thì đoàn cán bộ khoa giáo và “nhóm đấu tranh” hả hê coi như đã thắng cuộc! Trong lúc đó thì không ít người chính trực khách quan đượm buồn vì coi như trường Đại học Tổng hợp đã bị vùi dập [6] ! Chuyện ở trường Đại học Tổng hợp trở thành một vụ việc sớm lan rộng khắp miền Bắc. Chẳng mấy ai đồng tình.
Còn tại khoa ngữ văn thì sao?
Đoàn cán bộ cũng cho người cố gắng phân hoá ban lãnh đạo và cũng đến thuyết phục người này, người khác. Tại đây, đoàn có thuận lợi là chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị “nhũn như con chi chi”, đã phục tùng đoàn công tác ngay từ đầu. Đứng trước thế ép, một chi uỷ viên chi bộ cán bộ khoa thì không dao động, không bao giờ chịu khuất phục vì sức ép. Cán bộ đoàn có phần bối rối. Quá bức xúc, phó đoàn Tống đã trực tiếp cật vấn một cán bộ lãnh đạo khoa “có phải anh thắc mắc vì không được nâng một bậc lương hay không?”. Điều đó chứng tỏ ông và đoàn cán bộ của ông không hiểu gì chúng tôi cả.
Chúng tôi luôn đứng vững, giữ chủ kiến của mình dù biết rằng hậu quả đến với mình là khó lường.
Vào giữa năm 1970, cuộc đấu tranh kết thúc. Những gì có thể đến, đã đến. Đoàn để lại một bản kết luận dài dòng không mấy thuyết phục mà cũng chẳng mấy ai quan tâm. Sau đó, nó bị rơi vào lãng quên!
Để chứng tỏ sự thắng lợi của cuộc đấu tranh, ông Trần Tống, Thứ trưởng Bộ Đại học phụ trách tổ chức đã ký một loạt quyết định về điều động nhân sự mà ông cho là cấp thiết. Thực sự, đây là một sự gạt bỏ cán bộ ra khỏi Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ông Lê Văn Thiêm rời trường trước hết. Tiếp đến, một số cán bộ chủ chốt ở một số khoa cũng lượt lượt ra đi khỏi trường.
Tại khoa ngữ văn, hai ông Tôn Gia Ngân và Hoàng Hữu Yên được điều về Vụ Quản lý Khoa học của bộ, với lý do vụ này cần bổ sung cán bộ!
Vụ việc tại trường Đại học Tổng hợp ít nhiều gây náo động một thời trong giới trí thức ở các trường đại học. Những người trong cuộc, mãi về sau mỗi khi nhớ lại vẫn còn thấy giật mình! Sao mà cái thời ấy ấu trĩ đến thế! Những điều “nhớ lại” trên đây chỉ phản ánh được năm ba nét chính của tình hình mà chủ yếu là tại khoa ngữ văn thôi. Đọc lại những điều này ắt các thế hệ về sau hiểu được phần nào về “thời gian khổ” trong quá trình phát triển của nhà trường.
28-7-2008
Tác giả Hoàng Hữu Yên sinh năm 1927 tại Đô Lương, Nghệ An. Giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1958 đến 1970 và Đại học Sư phạm Hà Nội từ 1970 đến 1993. Hiện nghỉ hưu tại Hà Nội. Một số sách đã xuất bản: Văn học Việt Nam thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX, NXB Giáo dục Hà Nội 1962; Hoa tiên nhuận chính, NXB Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh 1995.
© 2008 talawas
[1]Trần Niêm: 1963-1966 học tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, Hà Nội. 1966 - 1971 bị giam tại Hoả Lò. 1971-1977 về cày ruộng ở quê Hưng Nguyên, Nghệ An. 1977-1981 học Đại học Văn hoá và ở lại giảng dạy tại Đại học này. Hiện nghỉ hưu tại Hà Nội. (Chú thích của người tổ chức bản thảo.)
[1]Trong một buổi về khoa sử, bí thư Lê Hoàng Linh cho rằng: khoa sử ít có người học Liên Xô về là hạnh phúc.
[2]Ông Hoàng Xuân Nhị làm chủ nhiệm khoa, đưa gia đình lên vùng sơ tán. Ông chẳng làm gì và cũng chẳng quan tâm gì cả, bỏ mặc cho hai phó chủ nhiệm. Đoàn công tác về khoa, ông theo đoàn, tách ra khỏi lãnh đạo và lớn tiếng tố cáo là những người phụ tá đã tranh mất quyền. Ông bị khống chế mất 90% khả năng!
[3]Có chuyện khôi hài là có người trong nhóm
Đất mới đã báo với thầy Trương Tửu rằng Đệ đã trở cờ! Suy nghĩ một lúc thầy Tửu nói: "Cái đứa có khuôn mặt chó Tây là Đệ có đúng không?" Sau này Đệ đã nhắc lại lời đó để đấu thầy Tửu!
[4]Lại Văn Toàn, Nguyễn Trọng Chuẩn, Đỗ Văn Khang, Trần Đình Hượu (Chú thích của người tổ chức bản thảo.)
[5]Xin được lưu ý: Đoạn trên chúng tôi phác hoạ đôi nét về anh Đệ, chỉ để nêu lên làm ví dụ. “Nhóm đấu tranh” còn có nhiều người như Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Trường Lịch, Hà Minh Đức, Hồ Tấn Trai.
[6]“Trần Huy, Trần Tống, Trần Sâm - Ba ông Trần ấy gieo mầm tai ương” là câu ca xuất hiện sau khi đoàn rút lui.