trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: Aleksandr I. Solzhenitsyn (1918-2008)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
30.8.2008
Hồ Bất Khuất
Solzhenitsyn – Bài học về lòng yêu nước
 

Nhà văn Nga được Giải thưởng Nobel (1970) A. I. Solzhenitsyn (Солженицын) đã từ trần vào hồi 23 giờ 45 phút (giờ Moskva) ngày 3/8/2008. Tin buồn này lập tức lan truyền khắp nước Nga và cả thế giới, bởi vì Solzhenitsyn không chỉ là nhà văn vĩ đại mà còn là một nhà tư tưởng xuất sắc. Và trên hết, ông là một người dũng cảm và có lòng yêu nước sâu sắc.

Một cuộc đời đầy sóng gió và hiển hách

Ngay từ khi nằm trong bụng mẹ, Solzhenitsyn đã là đứa trẻ mồ côi vì cha ông tử nạn trước khi ông ra đời. Ông sinh ngày 11/12/1918, tuổi thơ không có cha trong thời kỳ kinh tế khó khăn vì nội chiến là vô cùng vất vả. Nhưng ông đã lớn lên với tấm lòng quả cảm của một người Nga. Ông đã có một thời sinh viên say mê và sáng tạo tại Khoa Toán – Lý của Trường Đại học Tổng hợp Rostov.

Là một người có chuyên môn về toán và vật lý, trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, ông là lính pháo binh. Ông chiến đấu dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Tháng 2/1945, khi đang mang quân hàm đại uý Hồng quân, ông bị bắt vì có những nhận xét có tính phê phán đối với Stalin. Ông bị phạt tù 8 năm và buộc phải sống ở miền nam Kazakhstan. Năm 1952, ông suýt chết vì bệnh ung thư. Năm 1956, dưới thời Khrushchev, ông được trở lại sống và dạy học tại miền trung nước Nga.

Năm 1962, ông in truyện vừa đầu tiên Một ngày của Ivan Denisovich trên Tạp chí Thế giới Mới. Tác phẩm này gây được tiếng vang lớn. Ngay trong năm đó, Ông được kết nạp vào Hội nhà văn Liên Xô. Ngày 16/5/1967, Ông viết thư gửi Đại hội 4 Hội Nhà văn Liên Xô, đề nghị bỏ kiểm duyệt và trả lại tự do và danh dự cho những nhà văn, nhà báo bị đàn áp vô cớ. Ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô.

Trong khoảng thời gian này, ông viết nhiều, nhưng tác phẩm của ông hầu như không được xuất bản ở Liên Xô. Những tác phẩm Tầng đầu địa ngục, Khu ung thư, được xuất bản ở nước ngoài vào năm 1968. Năm 1970, ông được Giải thưởng Nobel Văn học. Năm 1973, tác phẩm lớn nhất của ông, Quần đảo Gulag, được xuất bản ở nước ngoài.

Những tác phẩm và những phát biểu thẳng thắn của Solzhenitsyn làm một số nhà lãnh đạo Liên Xô thời đó khó chịu. Năm 1974, ông bị tước quyền công dân Liên Xô, bị trục xuất sang Đức. Sau đó, ông sống một thời gian ở Thuỵ Sĩ, rồi sang Mỹ. Suốt những năm tháng sống ở nước ngoài, ông đáu đáu nhớ về nước Nga.

Sau 20 năm dài đằng đẵng, ông trở về nước Nga trong sự chào đón nồng nhiệt của cả dân tộc. Ông trở thành một phần lương tri của nước Nga hiện đại. Ông đã sống trọn vẹn cuộc đời đầy sóng gió và hiển hách. Ông ra đi ngay trong căn nhà của mình, trong vòng tay vợ và các con. 5 năm trước, ông đã thoả thuận với người đứng đầu Giáo hội Nga là sau khi ông chết sẽ an táng tại Tu viện Donsky.

Được đánh giá đúng và trở về trong yêu thương

Năm 1989, Tạp chí Thế giới Mới in Quần đảo Gulag và phổ biến rộng rãi trên toàn Liên Xô. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Solzhenitsyn. Năm 1990, ông được trả lại quyền công dân Liên Xô. Lúc này các nhà lãnh đạo mới như Gorbachev, Yeltsin cũng như phần lớn trí thức và nhân dân Liên Xô đánh giá cao những tác phẩm của ông. Ông được yêu thương, kính trọng và được kêu gọi trở về. Ông đã viết bản tuyên ngôn “Chúng ta đổi mới nước Nga như thế nào?” được xuất bản với số lượng kỉ lục là 27 triệu bản!

Năm 1994, trong lúc nước Nga đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế xã hội, đời sống vật chất rất khó khăn, Solzhenitsyn từ bỏ cuộc sống tiện nghi ở Mỹ để trở về. Ông thực hiện một cuộc về quê vô cùng đáng nhớ. Không như những người khác thường làm là bay thẳng từ Mỹ về thủ đô Moskva, ông lên miền đất Alaska (nguyên là của nước Nga), bay về Vladivostok; từ đây ông đi tàu hoả xuyên Siberia về Moskva. Nước Nga rộng lớn, nhưng ở nơi nào đối với ông cũng thân thiết. Dọc đường, ông được đón tiếp bằng bánh mỳ, muối, nụ cười và nước mắt. Những người dân Nga đã dành cho ông những tình cảm chân thành và sâu sắc nhất. Họ hi vọng ông sẽ có những đóng góp có ý nghĩa cho sự hồi sinh của nước Nga.

Ảnh hưởng và uy tín của Solzhenitsyn vô cùng lớn, ông có thể giữ một vị trí quan trọng nào đó trong cơ cấu quyền lực. Ông đã suy nghĩ rất nhiều về cách đóng góp. Cuối cùng ông quyết định đóng góp với tư cách là một nhà văn, một nhà tư tưởng chứ không phải là một nhà chính trị. Ông cũng không sống ở thủ đô Moskva đô hội mà chọn một làng quê yên bình để sống, nghĩ và viết. Ông là một trong những động lực đoàn kết dân tộc và huy động sức mạnh tiềm tàng của nước Nga, dù không giữ một cương vị lãnh đạo nào.

Trở thành tài sản và biểu tượng của nước Nga mới

Solzhenitsyn mất đi là một tổn thất lớn lao cho nước Nga. Ngay trong đêm chủ nhật, rạng sáng ngày thứ hai, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã gửi điện chia buồn tới gia đình nhà văn. Bức điện có đoạn viết: “Aleksandr Isaevich đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho Tổ quốc. Ông phục vụ Tổ quốc với tư cách là công dân và người yêu nước đích thực, ông đau đáu về số phận của nhân dân Nga với tất cả trái tim mình, ông đấu tranh vì hệ thống công lý của đất nước. Sự ra đi của con người vĩ đại này - một trong những nhà văn, nhà tư tưởng, nhà hoạt động nhân đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX – là sự mất mát khó bù đắp nổi đối với nước Nga và toàn thế giới”.

Các nhà hoạt động chính trị trên thế giới như Tổng thống Mỹ Bush, Tổng thống Pháp Sarkozy, Thủ tướng Đức Merkel và nhiều nguyên thủ quốc gia khác đã gửi tới nước Nga và gia đình nhà văn lời chia buồn sâu sắc. Các nhà văn, nhà khoa học, nhà hoạt động văn hoá, xã hội trên khắp thế giới cảm thấy hụt hẫng, mất mát rất lớn trước tin Solzhenitsyn từ trần.

Solzhenitsyn - tên của ông khó đọc, khó viết, nhưng dáng hình của ông vô cùng dễ nhớ. Ông thường xuất hiện trên truyền hình với dáng cao gầy, bộ râu dài gợi nhớ Lev Tolstoi thuở trước. Là một người hiểu sâu, biết rộng, đi khắp thế giới, nhưng ông vẫn giữ dáng vẻ đặc trưng của nông dân Nga: giản dị, mộc mạc, hóm hỉnh, sâu sắc. Trên thế giới, nhiều người không biết tên ông, nhưng cứ nhìn thấy gương mặt và dáng hình ông là họ nhận ra ngay. Hàng trăm triệu người đã đọc những tác phẩm của ông, ngưỡng mộ tư tưởng và nhân cách của ông; qua ông, họ hiểu thêm về nước Nga.

Tấm gương về sự dũng cảm, trung thực và lòng yêu nước

Trong đời sống chính trị - xã hội quốc tế, đã từng xẩy ra nhiều trường hợp có những người không hài lòng với một số người lãnh đạo đất nước. Phần lớn là im lặng chịu đựng, một số phản ứng tiêu cực. Solzhenitsyn cũng đã từng không đồng tình với một số chủ trương và hành động của lãnh đạo. Ngay từ năm 1945, khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của nhân dân Liên Xô sắp kết thúc thắng lợi, uy tín của Stalin lúc đó là rất lớn. Stalin được khắp nơi không tiếc lời ca ngợi, nhưng là một người lính, một trí thức, Solzhenitsyn nhận ra những sai lầm của Stalin và ông đã lên tiếng phê phán. Một đại uý phê phán đại nguyên soái Stalin khi quân đội của Stalin đang chuẩn bị tấn công Berlin! Đây là một hành động mà chỉ có những người dũng cảm và trung thực đến tận cùng mới làm được. Solzhenitsyn đã phải trả giá cho hành động này bằng 8 năm tù đày.

Vào những năm sáu mươi của thế kỷ XX, Solzhenitsyn là ngôi sao mới nổi của văn đàn Xô-viết, Ông được ca ngợi, được yêu mến, được tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tác và công bố tác phẩm. Tuy nhiên, ông đã nhận thấy những hạn chế trong cách điều hành hoạt động của lãnh đạo Hội Nhà văn. Ông đã nói thẳng, nói thật về điều đó. Ngay lập tức, ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, không được xuất bản tác phẩm ngay trên quê hương mình.

Khi được xuất bản tác phẩm ở nước ngoài và được trao Giải thưởng Nobel, ông cũng nhận được vinh quang và cay đắng. Ông bị trục xuất khỏi Tổ quốc. Suốt những năm tháng buộc phải sống ở nước ngoài, ông vẫn là người yêu nước Nga tha thiết. Ông tránh những lời nói, hành động làm tổn hại tới quyền lợi và uy tín của nhân dân Nga. Ông đã cố gắng để thế giới hiểu sức mạnh văn hoá, tinh thần, nghị lực và trí sáng tạo của người Nga.

Khi có điều kiện để trở về Nga, dù lúc đó đời sống vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, ông vẫn về ngay. Không phải để tranh giành quyền lực mà để góp công sức, trí tuệ để xây dựng Tổ quốc. Một lần nữa, ông lại chỉ ra những thói hư tật xấu, những hành động tham nhũng của một số quan chức Nga. Một số người lại thù ghét ông. Nhưng đây chỉ là những cá nhân riêng lẻ. Lãnh đạo cao cấp của đất nước và nhân dân Nga ủng hộ ông mạnh mẽ. Ông tin tưởng vào những việc ông làm, những điều ông nói. Những tác phẩm, những ý kiến đề xuất, đóng góp của ông đã góp phần tạo nên sức mạnh của nước Nga ở thế kỷ XXI.

Bằng cuộc đời dài 90 năm của mình, Solzhenitsyn đã tạo nên nhiều giá trị lớn lao. Một trong những giá trị đó là ông đã nêu một tấm gương sáng về sự dũng cảm, trung thực và lòng yêu nước. Với những giá trị này, ảnh hưởng của Solzhenitsyn vượt ra khỏi biên giới nước Nga rộng lớn. Việt Nam cũng nổi tiếng với những con người có tấm lòng yêu nước sâu sắc, nhưng yêu nước trong hoàn cảnh như của Solzhenitsyn đòi hỏi sự nỗ lực đặc biệt của trí tuệ và nhân cách, nhất là đối với giới trí thức. Liệu chúng ta có học được điều gì ở Solzhenitsyn không?

© 2008 talawas