trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
3.9.2008
Nguyễn Ðức Dương
Sao không dạy tục ngữ cho học sinh tiểu học?
 
Tục ngữ là pho tập đại thành những tri thức, những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đạo đức mà ông cha ta chắt lọc được trong suốt hàng ngàn năm để truyền lại cho con cháu mai sau. Cái gia tài bề thế và vô giá đó, tiếc thay, hiện vẫn chưa được đem ra giảng dạy cho học sinh tiểu học một cách hệ thống, tuy ai cũng biết mười mươi rằng ít có bài thuyết giảng đạo đức nào, dẫu hay đến mấy, có thể sánh bằng một câu tục ngữ về tác dụng giáo huấn. Ðứng trước thực trạng đáng suy nghĩ đó, những ai từng nặng lòng với con trẻ và tiếng Việt đều không khỏi băn khoăn tự hỏi: cái gì đã trói tay các nhà biên soạn?

Mục đích chính của bài này là thử đi tìm lời giải cho câu hỏi vừa nêu.
Theo chúng tôi, sách giáo khoa tiếng Việt bậc tiểu học sở dĩ đã e ngại với tục ngữ có lẽ vì vấp phải mấy thứ trở ngại chính sau đây: (1) những trở ngại về từ ngữ; (2) những trở ngại về ngữ pháp và (3) những trở ngại về ngữ nghĩa và văn hoá. Dưới đây chúng tôi xin đi vào từng điểm một.

1. Những trở ngại về từ ngữ

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, chúng ta tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh, nhất là học sinh còn ở tuổi thiếu niên. Giới biên soạn sách giáo khoa (SGK) e dè như thế kể cũng phải, vì trong cái gia tài đồ sộ gồm đến hơn năm sáu nghìn câu ấy chúng ta khó lòng có thể né tránh được những từ ngữ “hiểm hóc”, đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin minh họa bằng một vài dẫn chứng.

Dẫn chứng 1. Chắc vì chưa rõ RÀN là gì trong câu Ðại hàn trâu nằm RÀN, người ngồi bếp, các soạn giả Ðại từ điển tiếng Việt (1999) đành chép chữ ấy thành GIÀN, rồi diễn giải: “Trời quá lạnh phải ngừng mọi công việc để tránh rét” (tr. 577). Giá chịu khó tra cứu, chắc họ sẽ thấy RÀN là từ hiện còn thông dụng tại một số địa phương, như Từ điển tiếng Việt (của Viện Ngôn ngữ học) từng chỉ ra, với cái nghĩa tương tự như “chuồng [nhốt trâu bò]”, và chắc hẳn họ cũng sẽ tự thấy phải chia tay ngay với cách diễn giải “nông nổi” vừa nhắc để bằng lòng với lời diễn giải sau (vì nó gần sự thật hơn): “Vào ngày đại hàn giá lạnh thì hãy để trâu nằm lại trong chuồng [chứ đừng lùa nó ra đồng (vì trâu yếu chịu rét)], còn người thì hãy đưa nhau xuống bếp mà ngồi [cho ấm].”

Dẫn chứng 2.
Cũng do lầm tưởng THẢ CÁ trong câu Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc là “thả cá xuống ao đầm để nuôi”, một nhà giáo tên tuổi đã diễn giải câu này là: "Việc thả cá có lợi là đúng và cần khuyến khích, còn gá bạc thì ngày nay là một tội phạm, vì đó là một việc làm ăn bất chính" (x. Nguyễn Lân. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989), tr. 277).

Thực ra, THẢ CÁ còn có một nghĩa nữa là “thách cá”, như nhiều từ điển đã ghi nhận. Và theo quy tắc “phù ứng ngữ nghĩa”, cái nghĩa này mới ăn khớp với câu tục ngữ đang bàn. Bởi vậy, cả THẢ CÁ lẫn GÁ BẠC đều là những nghề “bất chính” như nhau, và câu tục ngữ ấy có lẽ nên được diễn giải là: “Thả cá và gá bạc là hai trò đỏ đen chóng sinh lợi bậc nhất [trong xã hội ngày trước].”

Dẫn chứng 3. Xin nêu một dẫn chứng nữa để bạn đọc có thể hình dung dễ dàng hơn về thứ trở ngại đang xét. Cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam vừa dẫn đã chép lộn TRÀNG trong câu Áo cứ TRÀNG; làng cứ xã thành CHÀNG, rồi diễn giải: “Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình" (tr. 10).

Thực ra, TRÀNG là một từ cổ chỉ cái vạt trước của chiếc áo dài (thời xưa), như Từ điển tiếng Việt (của Viện Ngôn ngữ học) đã thu thập và cắt nghĩa rất phân minh. Bởi thế, đây không phải là lời chê trách thói ỷ lại, mà là lời nhắc nhở người đời sau nên dựa vào cái gì khi định cắt may/bình phẩm về áo quần, cũng như nên dựa vào ai khi cần xét đoán/bình phẩm về dân tình sinh sống trong làng xã.

Tuy nhiên, chỉ cần đọc lướt qua mấy diễn giải vừa nhắc, chắc ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy ngay: trở ngại về từ ngữ quả tình chỉ là thứ trở ngại rất dễ vượt qua: chỉ cần chú giải cẩn thận, như chúng ta từng làm lâu nay khi dạy văn thơ cổ cho học sinh, là mọi “hóc hiểm” sẽ lập tức bị đẩy lùi. Vì vậy, có lẽ chúng ta không nên bàn tiếp chuyện ấy nữa mà nên dành thì giờ và công sức cho những công việc khác ý vị hơn rõ rệt.


2. Những trở ngại về ngữ pháp


Ngữ pháp của một ngôn ngữ, như chúng ta đều biết, là thứ công cụ nhằm giúp người nói truyền đạt dễ dàng và chính xác tới người nghe mọi nội dung ngữ nghĩa mà anh ta cần/muốn chuyển giao. Và sở dĩ không ít bạn đọc hiện chưa hài lòng lắm với công trình diễn giải các đơn vị tục ngữ hiện hành chắc hẳn chỉ vì các soạn giả đã hình dung chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của các đơn vị tục ngữ. Xin minh hoạ bằng một vài dẫn chứng.

Dẫn chứng 4. Do lầm tưởng RẮN MAI cũng như RẮN HỔ trong câu Rắn mai tại lỗ; rắn hổ về nhà là “chủ ngữ” [CN], còn TẠI LỖ cũng như VỀ NHÀ là “vị ngữ” [VN] của câu và mối quan hệ về nghĩa giữa CN với VN là mối quan hệ giữa “Người hành động” với “Hành động”, cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989) vừa nhắc đã diễn giải câu trên thành: “(Mai là mai gầm, hổ là hổ mang). Nhận xét cho rằng rắn mai gầm thường ở trong hang; còn rắn hổ mang thì thường ra ngoài" (sđd, tr. 244).

Tiếc thay, lời diễn giải ấy lại chẳng hề ăn nhập chút nào với vốn kinh nghiệm sống còn mà dân bắt rắn chuyên nghiệp đã tích luỹ được: “Hễ bị rắn mai [gầm cắn thì nạn nhân có thể chết ngay] tại lỗ [= hang của nó]; hễ bị rắn hổ [mang cắn thì nạn nhân có thể lê] về tới nhà [mới tắt thở].”

Tại sao lại có sự chênh lệch ấy?

Theo Cao Xuân Hạo, có lẽ vì người Việt không hề coi RẮN MAI cũng như RẮN HỔ là CN, mà coi là “đề ngữ” [tức topic], còn TẠI LỖ cũng như VỀ NHÀ chẳng phải là VN mà là “thuyết ngữ” [tức comment], và mối quan hệ về nghĩa giữa hai bộ phận ấy là mối quan hệ giữa “điều kiện” với “hậu quả (do điều kiện ấy mang lại)” [1] .

Nói cách khác, tục ngữ Việt (và chẳng riêng gì tục ngữ!) là những câu không hề được tổ chức theo khuôn “chủ–vị” [C–V] (như ngữ pháp nhà trường (vốn bị quan điểm “dĩ Âu vi trung” chi phối) đang cố dạy cho con em chúng ta!) mà là theo khuôn “Ðề – Thuyết”, như ông cùng nhiều nhà Việt ngữ học tên tuổi ở nước ngoài (L. Thompson, H. Dyvik, v.v.) đã nhận thấy từ rất sớm và đã chứng minh hết sức thuyết phục trong nhiều công tình đã công bố trong hơn mấy chục năm qua. Bằng chứng là nếu diễn giải câu Chó treo; mèo đậy theo khuôn C–V, ta buộc lòng phải cho rằng “Chó đem treo [thức ăn cần cất giữ lên cao]; còn mèo thì cố đậy [kín thức ăn cần cất giữ lại], tuy cái nghĩa đích thực của câu ấy lại là: [Ðể] chó [khỏi ăn vụng] thì [thức ăn cần cất giữ] nên được treo cao lên; [để] mèo [khỏi ăn vụng] thì [thức ăn cần cất giữ] nên đậy kín lại”, vì mối quan hệ về nghĩa giữa CHÓ cũng như MÈO với TREO cũng như ÐẬY là mối quan hệ giữa hai sự thể: sự thể thứ nhất nêu “cái đích cần được nhằm tới“ và sự thể sau nêu cái “hành động (mà chúng ta nên làm để đạt tới đích)”.

Ðến đây, chúng ta có thể đưa ra một nhận xét nhỏ nhưng hết sức hệ trọng: còn quyến luyến với cái khuôn C–V chúng ta còn cản trở con em chúng ta thừa hưởng cái gia tài đồ sộ mà ông cha đã dày công vun đắp nhằm truyền lại cho chính các em.

Tiện thể cũng nên dẫn thêm ra ở đây vài dẫn chứng nữa để bạn đọc có thể dễ hình dung việc vận dụng mô hình C–V cho tục ngữ thường gặt hái được những “thành quả tai hại” như thế nào.

Dẫn chứng 5
  1. Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại được diễn giải như là “Có tư tưởng coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ, ví như thà ẵm con của chồng tuy không yêu quý, thích thú gì nhưng dẫu sao vẫn thuộc dòng họ nội [sic!], còn hơn bế con của con gái mình” (Ðại từ điển tiếng Việt 1999, tr. 45) [2] ;
  2. Ăn cơm có canh, tu hành có vãi thường được diễn giải như là “Sự ham muốn nhục dục của đôi kẻ trong giới tu hành cũng là chuyện thường tình, ví như ăn cơm thì phải có canh, ở nhà chùa thì ắt có vãi” (sđd., tr. 48) [3] ;
  3. Ăn lúc đói, nói lúc say được diễn giải như là “Lúc đói ăn cảm thấy ngon, lúc say thường nói rất hay”(sđd., tr. 52) [4] ;
v.v. và v.v.


3. Những trở ngại về văn hoá

Tục ngữ trực tiếp phản ánh cách thức ông cha ta cảm nhận về thế giới; mà cách cảm nhận thế giới lại là nhân tố không thể không liên quan đến văn hoá, nên tục ngữ có lẽ là một trong những tấm gương phản chiếu trung thành nhất những đặc trưng văn hoá Việt mà chúng ta mong giải mã sớm để gìn giữ được các bản sắc Việt của chúng ta. Ấy thế nhưng không ít tác giả đã chẳng bận tâm mấy tới điều này, và rốt cục, họ đã phải trả giá cho sự khinh suất ấy rất đích đáng. Xin nêu một vài dẫn chứn minh hoạ.

Dẫn chứng 6

Ếch tháng ba, gà tháng bảy là câu chê bai cửa miệng của đông đảo người Việt sành ẩm thực. Vậy mà một giáo trình về văn hoá học Việt Nam phổ biến rộng khắp trong cả nước lại ngang nhiên coi đây là hai món ăn khoái khẩu nhất của đồng bào mình. Chắc tác giả giáo trình ấy đã quên mất một sự thực hết sức đau lòng từng hằn trong tâm trí dân ta, ngay cả giữa thời buổi hiện nay: THÁNG BA và THÁNG BẢY/TÁM là thời kì giáp hạt hằng năm. Vào dịp này, ngay cả con người cũng còn lay lắt vì thiếu đói [5] , huống hồ là GÀ và ẾCH. Nói cách khác, vào thời gian ấy, hai giống vật vốn cho thịt rất ngon kia chỉ còn da với xương thì làm sao lại có thể là những món ăn khoái khẩu được? [6]

Dẫn chứng 7

Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại là một câu đậm chất nhân bản và hay dùng để phàn nàn về thói ăn ở bạc bẽo của đám cháu ngoại đối với ông bà mình. Vậy mà Ðại từ điển tiếng Việt (1999) lại coi đây là lời chê trách “tư tưởng coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ”. Giá chú ý hơn chút đỉnh tới các đặc trưng văn hoá lồng trong ấy, chắc hẳn các nhà biên soạn đã nhận thấy ngay đây không phải là câu đề cập tới thói “trọng nam khinh nữ”, mà là một gợi ý cho các cô gái trẻ sớm bị goá chồng nên ứng xử ra sao khi còn chưa sinh được con trai để nối dõi giống dòng. Nói cách khác, nội dung của câu Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại có lẽ nên được diễn giải như là: “Thà [lấy một kẻ goá vợ làm chồng và] chăm bẵm cho lũ con thơ côi cút của anh ta [để có nơi nương tựa khi về già] còn hơn là [cứ ở vậy cùng con gái và] chăm bẵm cho lũ con của nó [những kẻ vốn chẳng hề ngó ngàng gì tới mồ mả của bà ngoại, như tục ngữ từng ghi nhận [7] ]”.

Dẫn chứng 8


Chết đuối đọi đèn chỉ là một “trích đoạn” chưa từng thấy một người Việt bình thường nào sử dụng trong giao tiếp. Vậy mà Ðại từ điển tiếng Việt (1999, tr. 345) vẫn thu thập và diễn giải: “Thất bại hoặc chết vì những hoàn cảnh, lý do, duyên cớ tầm thường, không đáng phải chịu chết thiệt”.

Trong khi câu đầy đủ của nó là Chết sông, chết suối, chẳng ai chết đuối đọi đèn lại được các soạn giả diễn giải như là: "Thà phải đương đầu với khó khăn lớn lao, chứ không chịu thất bại trước một đối tượng tầm thường" (tr. 347).

Ðọc những lời cắt nghĩa kiểu "vọng văn sinh nghĩa" vừa nhắc, chắc ai cũng phải lấy làm tiếc: chẳng hiểu sao các soạn giả lại không chú ý đến"tập quán thề nguyền" của người Việt ngày trước? Giá chú ý chút đỉnh, chắc họ sẽ lập tức nhận thấy ngay hồi xưa, mỗi khi thề nguyền, ông bà chúng ta thường thốt ra một câu thề độc (chẳng hạn, “sẽ chết ngay tức khắc nếu đơn sai”...), rồi lấy các vật thể trường tồn trong vũ trụ (như sông biển, núi non, v.v.), các nguồn sáng (như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, đèn nến, v.v.) hoặc các lực lượng siêu nhiên (như thần linh, ma quỉ, v.v.) ra làm các "đấng" chứng giám cho lời thề. Ngoài ra, thế nào họ cũng còn nhận thấy thêm: thời chưa có đèn dầu hoả hoặc đèn điện, ông bà ta thường phải lấy một cái đĩa hoặc bát [tiếng địa phương gọi là ”đọi”], cho dầu lạc [= đậu phụng] và một ngọn bấc [= tim] vào để làm vật thắp sáng đêm đêm.

Dựa vào các tri thức văn hoá ấy, chúng ta có thể dễ dàng đưa ra cho câu tục ngữ đang xét một lời diễn giải gần với sự thật hơn như sau: “[Người ta chỉ có thể] chết đuối ngoài sông ngoài suối, chứ chưa thấy lại có thể chết đuối trong bát dầu lạc vốn được dùng làm đèn [và thường được đưa ra để chứng giám cho những lời thề]. Hay dùng để khuyên người đời chớ có vội tin vào những lời thề thốt, ngay cả những lời thề độc, vì nó chưa từng được ai coi là thứ chứng cứ xác đáng cả”.

Những tri thức văn hoá kiểu ấy chẳng lẽ lại không đáng để truyền giảng lại cho học sinh tiểu học?


4. Vài lời kết luận

Từ những gì vừa trình bày, chúng ta có thể đi đến kết luận: hãy sớm giã từ khung ngữ pháp C–V (vì câu của tiếng Việt không hề có CN ngữ pháp, như nhà thơ Ðoàn Phú Tứ từng nhận thấy từ rất sớm khi đi tìm CN trong Truyện Kiều), để đến với cái khuôn “Ðề – Thuyết” từng được nhà ngữ học Cao Xuân Hạo tâm đắc vì đó là phương sách hiệu quả nhất nhằm giúp cho học sinh tiểu học chúng ta thừa kế được cả một gia tài đồ sộ với bao tri thức, bao kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đạo đức vô giá mà ông cha ta đã chắt lọc được trong suốt hàng ngàn năm qua.

Tháng Chạp năm 2006



[1]Về điểm này, xin xem thêm Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt. Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Bản in lần thứ hai, 2004, nhất là các trang 137-170.
[2]Trong khi nghĩa đích thực của câu này khác hẳn, xem Dẫn chứng 7.
[3]Trong khi nghĩa đích thực của câu này là: “Ăn cơm thì cần có canh [cho dễ nuốt]; tu hành thì cần có vãi [để đỡ bị phân tâm vào chuyện cơm nước khi đang phải dồn hết tâm trí cho việc tu hành]”.
[4]Trong khi nghĩa đích thực của câu này là: “Ăn là việc mà ai cũng hay làm lúc đang đói; nói là việc mà ai cũng hay làm lúc đang ngà ngà say [rượu]”.
[5]Như dân gian từng phản ánh trong nhiều câu tục ngữ đáng kinh sợ, chẳng hạn, Tháng tám đói qua; tháng ba đói chết.
[6]Ðối chiếu thêm câu Ếch tháng mười, người tháng giêng, một câu có nghĩa hoàn toàn trái ngược với câu đang phân tích.
[7]Tục ngữ ta có câu: Cháu ngoại chẳng đoái đến mồ [ông bà mình].
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ tháng 4.2008