trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
4.9.2008
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Tầng đầu địa ngục
Hải Triều dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
12. Một người không thể nói dối

Khi Nerzhin đi trở lại phòng âm thính với cảm giác mơ hồ rằng việc anh vừa làm không sao còn cứu vãn hay sửa chữa được, tâm hồn còn dao động, anh thấy Rubin không còn có mặt trong phòng nhưng tất cả những người khác còn nguyên trong đó. Valentulya, đứng trên lối đi hai bên xếp cao những dàn máy truyền tin, chiếu cặp mắt sáng, linh động, nhìn anh.

“Đừng vội, chàng trẻ tuổi…”

Valentulya giơ tay lên ngăn Nerzhin lại như một viên cảnh sát chặn một chiếc xe hơi đang chạy:

“Người ta gọi anh có việc gì vậy? Qu’est ce que c’est que c’est passé?"

"Đừng lắm chuyện Valentine…"

Nerzhin cau có lẩn tránh câu hỏi. Anh không thể nào nó cho gã trẻ tuổi đầy kiêu mạn này biết rằng anh vừa từ chối cơ hội hiếm có được làm việc với khả năng toán học chuyên môn của anh.

Valentine vẫn vui vẻ:

"Nếu anh có vấn đề gì nan giải, tôi khuyên anh nên mở nhạc khiêu vũ. Anh đã đọc bài thơ của anh chàng thi sĩ trên là gì đó nhỉ? Anh chàng thi sĩ chụp hình với điếu thuốc lá gắn trên môi đó…

Cảnh sát của tôi
Bảo vệ tôi
Trong khu vực hạn chế
Ôi… đời sống đẹp biết chừng nào…

Nói thực với anh, chúng ta còn đòi hỏi hơn ngoài nhạc khiêu vũ?"

Nói xong, không chờ Nerzhin trả lời, Valentine đã nghĩ ngay sang chuyện khác. Quay về cuối phòng, Valentine gọi lớn:

"Vadka… Làm ơn cắm điện vào máy cho tôi…"

Đi gần tới bàn mình, Nerzhin nhìn thấy rõ sự lo âu hiện trên mặt Simochka. Nàng trố mắt nhìn anh, dò hỏi, không cần che dấu và đôi lông mày của nàng nhíu lại.

"Gã Râu đen đi đâu rồi, Serafima Vitalyevna?"

"Anton Nikolayevich gọi anh ấy lên Phòng số bảy" – Simochka trả lời lớn để cho tất cả mọi người trong phòng cùng nghe, xong nàng lại nói lớn – "Gleb Vikentich… Chúng ta kiểm soát lại bản danh sách âm thanh này. Còn nửa giờ nữa mới hết giờ."

Nerzhin nhìn quanh và hỏi lại:

"Ồn ào như vầy làm sao có thể làm việc ấy được?"

"Ờ… vào phòng ghi âm…"

Simochka đã sắp đặt trước việc này. Nàng liếc nhìn Nerzhin để ra hiệu và cầm bản danh sách, nàng đi vào căn phòng kiếng nhỏ xíu ở cuối phòng trước Nerzhin.

Nerzhin đi theo nàng vào đó. Anh với tay đóng cánh cửa lại, gài khóa cẩn thận và buông tấm màn che xuống. Simochka bá lấy cổ anh, nàng đứng nhón gót để hôn lên môi anh.

Trong lòng căn phòng hẹp không còn chỗ để cho hai người xoay chuyển. Nerzhin nhấc bổng người thiếu nữ gầy và nhẹ lên, anh ngồi xuống chiếc ghế duy nhất trong phòng và đặt nàng ngồi lên đùi anh. Họ ngồi ôm nhau như thế trước ống micro và tập danh sách bị vứt ở góc bàn.

"Anton gọi anh lên làm gì? Có việc gì vậy?"

Nerzhin thì thầm:

"Máy phóng thanh có mở không đấy? Coi lại xem. Đừng để cho cả phòng nghe tiếng mình nói."

"Chuyện gì?"

"Sao em lại cho rằng có chuyện gì xảy ra?"

"Em biết ngay có chuyện khi họ gọi anh. Lúc anh trở về, chỉ nhìn mặt anh em biết ngay. Chuyện gì?"

Anh cảm thấy hơi nóng từ da thịt nàng chuyền sang anh, má anh chạm vào má nàng. Cảm giác này là cảm giác hiếm có với những người ở tù. Không biết bao nhiêu năm tháng đã qua trong đời anh kể từ lần cuối cùng anh được ôm một người đàn bà.

Thể xác Simochka thật nhẹ, nhẹ một cách lạ lùng, như trong nàng không có xương, như cả người nàng đều là sáp ong. Nàng như một loài chim trông thì có vẻ lớn nhưng chỉ có toàn lông.

"Em yêu… có lẽ anh sắp phải đi…"

Nàng xoay mình trong vòng tay anh và đặt hai bàn tay nhỏ bé của nàng lên hai thái dương anh, chiếc khăn len choàng trên vai nàng trễ xuống:

"Đi đâu?"

"Sao em lại còn hỏi anh đi đâu? Anh đến đây từ vực thẳm, từ địa ngục, anh lại trở về đó. Về trại tập trung."

"Nhưng tại sao…? Tại sao?"

Nerzhin nhìn vào đôi mắt mở lớn đang nhìn ngày chàng của người con gái mộc mạc này, người con gái mà anh không ngờ chiếm được tình yêu. Nàng còn xúc động vì số mệnh của anh hơn cả chính anh.

"Anh vẫn có thể ở lại được" – Nerzhin buồn rầu nói – "Nhưng anh sẽ phải sang Phòng khác. Dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, chúng mình cũng không còn được gần nhau."

Với tất cả sức mạnh của đôi vòng tay, nàng ôm ghì lấy anh, nàng đặt hết trọng lượng thân thể nhẹ bỗng của nàng lên anh và nàng hỏi anh có yêu nàng không.

Trong những tuần lễ vừa qua, sau khi hôn Simochka chiếc hôn đầu, tại sao anh lại không tiến tới việc yêu nàng? Sao anh lại thương hại nàng? Sao anh lại chỉ nghĩ đến chuyện nàng sẽ khổ sở nhiều hơn là sung sướng với cuộc tình ngắn ngủi này? Dù anh có không yêu nàng, nàng cũng khó lòng tìm được một tấm chồng, dù là chồng không ra hồn, nàng sẽ rơi vào tay một gã đàn ông nào khác, bất kể là gã nào có dịp gần gụi nàng. Nàng đến trong vòng tay anh, tự nguyện hiến dâng, sẵn sàng cho anh yêu. Tại sao lại từ chối anh và từ chối cả nàng? Mai đây anh sẽ trở về trại tập trung và cơ hội hiếm có này sẽ không thể đến với anh trong nhiều năm nữa…

Anh vội vã nói:

“Anh không muốn ra đi như thế này… Anh không muốn xa em mà không để lại cho em một kỷ niệm gì của anh… Anh muốn… anh muốn cho em một đứa con…”

Nàng giấu mặt nàng vào ngực anh và anh đặt ngón tay dưới cằm nàng, âu yếm nâng mặt nàng lên.

“Em yêu, đừng giấu mặt. Nhìn anh, xin em nhìn anh… Sao em không nói? Em không thích ư? Em không chịu ư?"

Nàng ngửng đàu lên và từ tận cùng trái tim nàng, tâm hồn nàng, nàng nói:

"Em sẽ chờ anh. Anh chỉ còn năm năm? Em sẽ chờ anh năm năm? Khi nào anh được ra, anh về với em?"

Nerzhin chưa bao giờ nói với nàng như thế. Nàng đã ước mơ, nàng đã làm cong queo sự thật, nàng làm như chàng là người không có vợ. Tội nghiệp cho nàng, người con gái có chiếc mũi dài quá khổ này, nàng ao ước được lấy chồng.

Vợ Nerzhin sống ở đâu đó trong thủ đô Mạc Tư Khoa ngay gần đây, nhưng với anh, nàng cũng xa xôi như nàng đang ở trên Hoả tinh.

Và bên cạnh người con gái đang ngồi trên đùi anh, bên cạnh vợ anh đang sống ở Hỏa tinh, anh còn những trang giấy giấu trong bàn viết của anh những trang giấy ghi những hàng chữ trừu tượng đã làm anh tốn không biết bao nhiêu công phu, tâm huyết. Đó là những ghi nhận và phê phán của anh, về thời đại hậu Lênin, những tư tưởng đẹp nhất được đúc kết trong óc anh.

Nếu anh đi khỏi đây trong một chiếc xe chở tù công cộng, tất cả những công phu ấy sẽ phải làm mồi cho ngọn lửa.

Anh nên nói dối nàng, nàng nên hứa là khi ra khỏi tù, anh sẽ đến với nàng, sống với nàng. Một lời nói dối, một lời hứa như tất cả mọi người vẫn nói, như bất cứ người nào ở trong tình trạng của anh cũng phải nói. Nói dối để khi anh phải ra đi, những tờ giấy quý báu của anh sẽ được nàng giữ cho anh. Chắc chắn, không sao có thể mất được.

Nhưng anh không sao có thể nói dối được với cặp mắt đang nhìn anh chứa chan hy vọng kia.

Để tránh tia mắt ấy, anh cúi xuống hôn lên đầu vai xương xẩu do những ngón tay anh mở lộ dưới áo nàng.

Một lát sau, anh do dự nói:

"Có lần em hỏi anh là anh viết những gì trên những tờ giấy nhỏ đó… Em nhớ không?"

"Nhớ. Mà anh viết gì vậy?"

Nàng hỏi anh với giọng tò mò y hệt lần hỏi đầu tiên.

Nếu nàng đừng hỏi lại anh câu đó, nếu nàng đừng tỏ ra tò mò, đừng có vể thúc giục anh nói, Nerzhin đã nói hết với nàng sự thật ngay lúc đó. Nhưng vẻ tò mò dục dã của nàng làm cho anh chợt nhớ đến việc đề phòng. Anh đã sống quá nhiều năm trong cuộc sống mà đề phòng trở thành một thói quen như việc hít thở khí trời, giữa những bãi mìn đầy những dây bẫy vô hình có thể làm nổ tung bất cứ lúc nào.

Đôi mắt ngây thơ, chan chứa yêu thương này có thể là đôi mắt của một nhân viên mật vụ. Lát nữa đây biết đâu nàng lại chẳng kể lại hết từng tiếng anh nói với tên sĩ quan thượng cấp của nàng.

Đột nhiên, nàng nhớ lại những chuyện đã xảy ra giữa anh và Simochka. Lần đầu tiên, chính nàng đã để má nàng chạm vào má anh trong phòng ghi âm này. Biết đâu đó lại chẳng phải là một hành động cố ý? Biết đâu nàng lại chẳng nhận được lệnh phải làm như thế? Biết đâu tất cả mối tình này lại chẳng là một cái bẫy?

"Đó là những tài liệu anh ghi về lịch sử" – Nerzhin trả lời mơ hồ – "Lịch sử nói chung kể từ đời vua Peter. Chẳng có giá trị gì với người khác nhưng có giá trị với riêng anh. Anh sẽ tiếp tục viết cho đến khi nào Yakonov tống cổ anh ra khỏi đây. Nhưng nếu anh phải đi, không biết anh có thể nhờ ai giữ giùm anh."

Đôi mắt Nerzhin bây giờ nhìn sâu vào mắt Simochka, nhưng anh nhìn không phải là để xúc động, để tỏ tình mà là để dò xét.

Simochka bình thản mỉm cười:

"Anh còn phải hỏi nữa sao? Đưa cho em, em giữ cho anh. Anh cứ viết đi. Đừng sợ."

Và nàng hỏi câu hỏi nàng muốn hỏi từ lâu nhưng vẫn sợ phải nghe câu trả lời:

"Nói cho em biết… vợ anh… đẹp lắm phải không?"

Tiếng chuông máy điện thoại nối liền phòng ghi âm với phòng thí nghiệm bên ngoài chợt reo làm đôi tình nhân giựt mình. Simochka mở máy khuếch âm trước khi nhấc ống nghe để trả lời người gọi vào bên ngoài. Nàng ngồi đó, đôi má đỏ hồng, y phục sộc sệch và nói vào máy như người đang bận rộn với việc đọc bản danh sách âm thanh “Dop, fskop, sthap”. Những người ở bên ngoài sẽ nghe thấy những tiếng nàng vừa nói.

Nàng nhấc ống điện thoại và trả lời:

“Chi đó Valentine Martynich? Ống đèn đôi diode-triode ư? Anh cần gấp không? Mình không có sẵn đèn 6G7 nhưng đèn 6G2 thì có. Được, để tôi đọc xong sẽ lấy cho anh… Droot, moot, shoot…”

Nàng tắt máy và vuốt nhẹ má Nerzhin:

“Em phải ra thôi. Họ nghi… Cho em ra…”

Nhưng nàng không có vẻ gì là muốn ra khỏi đó.

Nerzhin hôn nàng, anh ôm ghì lấy nàng chặt hơn.

“Em không đi đâu hết. Ở đây, anh… anh muốn…”

“Đừng. Họ đang chờ em. Em còn phải cất tài liệu…”

“Ngay bây giờ…”

Anh đòi hỏi. Và anh hôn nàng.

“Ngay bây giờ thì không thể được…”

“Bao giờ? Bao giờ?”

Nàng ngoan ngoãn trả lời anh như lời anh hỏi là một mệnh lệnh:

“Thứ hai. Thư hai em lại trực. Em trực thay cho Lyra. Anh đến đây sau giờ ăn trưa. Chúng mình sẽ có cả một giờ đồng hồ. Chỉ sợ gã khùng Valentulya giở trò đến làm việc.”

Trong lúc Gleb Nerzhin mở cửa, Simochka vuốt lại mái tóc, sửa lại y phục, gài lại nút áo và nàng bước ra khỏi đó trước anh, dáng điệu kiêu kỳ và vẻ mặt lạnh lùng.


13. Ánh sáng xanh

“Có đêm tôi sẽ quẳng cái giầy lên bóng đèn xanh kia. Nó làm tôi chịu không nổi.”

“Anh sẽ ném trật.”

“Gì mà trật? Sáu thước mà trật sao? Tôi cá với anh phần tráng miệng trái cây trưa mai là tôi ném trúng đây.”

“Nằm ở giường dưới này ném. Xa hơn một thước đấy…”

“Bảy thước cũng trúng như thường. Bọn quái quỉ… Không biết chúng còn nghĩ ra những gì để hành hạ mình nữa? Ánh đèn này rọi vào mắt tôi suốt đêm.”

“Đèn xanh mà?”

“Thì xanh chứ sao. Bộ anh thì không chói mắt sao? Ánh sáng cũng có sức ép. Lebedev phát minh ra chuyện ấy. Aristip Ivanich… ngủ chưa? Chưa ngủ thì làm ơn đưa cho tôi cái giầy của tôi…”

“Tôi sẽ đưa giầy cho anh. Vyascheslav Petrovich, nhưng trước hết, anh phải nói cho tôi biết tại sao anh lại không chịu ánh đèn xanh?”

“Ánh sáng xanh phát ra những làn sóng ngắn, và những làn sóng ngắn có nhiều lượng tử. Lượng tử làm hại mắt tôi.”

“Với tôi, ánh sáng xanh rất dịu, rất mát. Nó gợi cho tôi nhớ lại ánh đèn ngày xưa mẹ tôi thắp trên bàn thờ ban đêm, khi tôi còn thơ…”

“Mẹ ơi… Làm sao loài người có thể thực hiện được chế độ dân chủ? Làm sao thỏa mãn được tất cả mọi người? Vì mỗi người có một ý riêng, những sở thích riêng. Tôi nhận thấy trong một phòng giam, những vấn đề giản dị nhất thường gây ra những trận xung đột ý kiến gay cấn nhất. Chẳng hạn như việc chén đĩa, việc quét nhà. Tự do sẽ là giai đoạn cuối cùng của nhân loại. Hỡi ơi, chỉ có gậy gộc mới có thể cho loài người biết được sự thật mà thôi.”

“Đúng đấy. Nhưng việc đặt bóng đèn xanh ở chỗ này cũng được lắm chứ? Nơi đây trước kia là bàn thờ mà.”

“Không phải là bàn thờ. Đây tầng tháp tròn ở trên bàn thờ. Họ làm thêm ở đây một sàn phòng.”

“Dmitri Aleksandrovich… Anh làm cái gì vậy? Mở cửa sổ trong đêm tháng Chạp! Vừa thôi chứ?”

“Thưa các bạn… dưỡng khí làm cho những tù nhân trở thành bất tử. Có tới hai mươi tư gã đàn ông trong căn phòng nhỏ này và ngoài kia trời không có gió, không có sương tuyết. Tôi chỉ mở hé bằng một quyển Ehrenburg [1] .”

“Mở lớn hơn đi. Trong này ngạt thở lắm.”

“Bạn mở hé bằng chiều dầy một quyển Ehrenburg hay bằng chiều cao?”

“Bằng chiều cao chứ. Cửa sổ này lớn lắm mà.”

“Mình có thể phát điên lên vì phải sống ở đây lắm. Áo lạnh của tôi đâu rồi?”

“Nếu tôi có quyền, tôi sẽ cho hết những anh nghiện dưỡng khí này đến Oimyakon làm khổ sai ngoài trời. Làm việc mười hai tiếng đồng hồ một ngày ở một nơi lạnh sáu mươi độ dưới số không, các cậu sẽ chui hết vào vào chuồng dê để trốn lạnh.”

“Trên nguyên tắc, tôi không chống lại dưỡng khí, nhưng tại sao lại cứ phải là dưỡng khí lạnh? Tại sao không có dưỡng khí ấm?”

“Có chuyện gì xảy ra trong phòng này vậy? Sao tối om thế? Tại sao họ lại tắt đèn sớm quá vậy?”

“Valentulya, anh cứ làm như anh ngây thơ lắm vậy. Một giờ sáng rồi anh vẫn còn đi lang thang chưa chịu ngủ. Nửa đêm anh cần đèn để làm gì?”

“Còn anh là một tên nô lệ cho thời trang…”

“Phòng này đầy khói. Quái thật, tại sao các anh lại phải hút thuốc lá mới sống được nhỉ? Mà anh nào cũng hút. Trời, hôi quá. Bình trà lại nguội rồi.”

“Lev đâu rồi nhỉ?”

“Gì? Hắn không nằm trên giường hắn sao?”

“Trên giường hắn chỉ có mấy chục quyển sách người không có hắn.”

“Nếu vậy chắc hắn lại ở trong nhà vệ sinh rồi.”

“Sao anh biết?"

"Trong ấy có bóng đèn điện sáng, nhà bếp bên cạnh làm cho vách phòng ấm. Chắc hẳn ngồi đọc sách ở trong đó. Tôi đi rửa mặt đây, anh có cần tôi bảo gì hắn không?"

"… Sau đó chuyện như thế này: nàng trải tấm mền lên sàn cho tôi còn nàng nằm ở trên giường. Tuyệt vời… Ngon ơi là ngon…"

"Các bạn làm ơn cho tôi xin. Hãy nói sang chuyện khác, đừng nói đến đàn bà. Với tình trạng kiêng ăn thịt của bọn mình, đàn bà là một đề tài có hại."

"Thôi đi các bạn họ nhà vạc, ngừng nói và ngủ đi. Chuông tắt đèn reo từ lâu lắm rồi."

"Đúng, nhưng mà tôi chưa buồn ngủ. "

"Nếu anh muốn ngủ, anh sẽ ngủ…”

“… Ở Phi châu, tôi chiến đấu dưới quyền Rommel. Ở đó điều phiền nhất là khí hậu quá nóng mà lại không có nước.”

“… Ở Bắc Băng dương có một hòn đảo tên là Makhotkin. Makhotkin trước kia là một phi công bay thám hiểm Bắc Băng dương. Nay hắn ngồi tù vì tội tuyên truyền chống lại Xô Viết.”

“Mikhail Kuzmich… Anh làm gì mà trở mình dữ vậy?”

“Bộ tôi không còn có cả quyền trở mình hay sao đây?”

“Còn chứ, xong anh nhớ cho rằng mỗi một chuyển động nhẹ của anh dưới đó sẽ được chuyền lên trên này lớn và mạnh kinh khủng.”

“Ivan Ivanavich… anh cần phải được sống vài năm ở trại tập trung mới khá được. Ở đó mỗi lần có người trèo lên giường, nên nhớ mỗi giường nằm bốn người, là có ba anh bị xô vào nhau như đang nằm trên tàu biển. Và mỗi khi ở chiếc giường từng dưới có ai đóng cái đinh treo màn hoặc mang một chị đàn bà về là… rầm rầm, rung rinh như động đất. Vậy mà người ta vẫn cứ ngủ được như thường.”

“Tôi từng ở Auschwitz [2] . Ở đó mới thật là khủng khiếp. Họ đưa anh thẳng từ nhà ga xe lửa tới lò hơi ngạt và đốt xác, có cả ban nhạc đi theo.”

“Câu cá ở đó thì thật tuyệt. Đi săn cũng tuyệt. Vào mùa thu anh có thể đi trong một tiếng đồng hồ là có quyền trở về với cả chục con chim trĩ. Nếu anh đi vào rừng, anh bắn gấu. Nếu anh đi trong cánh đồng cỏ, anh bắn thỏ.”

“Những nhà tù đặc biệt kiểu này được bắt đầu lập lên vào khoảng năm 1930. Năm đó người ta kết tội những kỹ sư nhóm “Promparty” tội âm mưu, tư thông với người Anh. Sau đó người ta lại muốn biến những kỹ sư ấy có thể làm được những việc gì trong nhà tù. Người điều khiển nhà tù đặc biệt thứ nhất là Leonid Konstantinovich Ramzin. Cuộc thí nghiệm là một thành công lớn. Ở ngoài nhà tù, người ta không sao có thể tụ hội được hai kỹ sư lớn hoặc hai vị đại khoa học gia cùng làm việc một nơi. Nếu chẳng may có hai vị cùng ở một chỗ các vị sẽ tranh chấp nhau vì tên tuổi, danh vọng, vì giải Stalin, và vị mạnh thế hơn nhất định sẽ đá vị kia ra khỏi sở. Vì vậy nên ở bên ngoài nhà tù tất cả những viện khoa học, những sở nghiên cứu đều chỉ có một nhóm người không có gì xuất sắc bao quanh một vị dẫn đầu tài ba. Nhưng còn ở trong nhà tù? Trong nhà tù người ta không còn bận trí đến chuyện tiền tài hay danh vọng nữa. Nikolai Nikolaich mỗi ngày được hưởng nửa ly sữa và Pyotr Petrvich cũng vậy. Cả tá khoa học gia cừ khôi như những con sư tử sống chung hòa bình với nhau trong một cái chuồng. Vì không thể đi đâu được hết, vì ngồi đánh cờ hay hút thuốc mãi cũng chán, họ rủ nhau: Sáng chế cái gì cho vui đi. Được đấy. Làm thì làm, sợ gì. Rất nhiều thứ đã được chế ra bằng cách ấy. Đó là căn bản tính của những nhà tù đặc biệt.”

“Các bạn ơi… có tin mới: Bobynin vừa được họ mang đi đâu đó.”

“Valentulya… Anh nói nhỏ chứ… Tôi đè cái gối này lên mặt anh cho anh hết thở bây giờ…”

“Họ mang Bobynin đi đâu, Valentulya?”

“Họ mang hắn đi bằng cách nào?”

“Gã trung úy đến tận phòng, bảo Bobynin bận áo ngoài, đội mũ.”

“Có mang tất cả quần áo đi theo không?”

“Không. Quần áo vẫn để lại.”

“Chắc hắn được đưa đi gặp Xếp Lớn rồi.”

“Gặp Oskolupov ư?”

“Oskolupov lên đây chứ không cho gọi đến. Người gọi là người cao hơn Oskolupov.”

“Trà nguội rồi. Khó chịu quá…”

“Anh bảo tôi làm cách nào cho tan đường?”

“Làm cách nào cũng được nhưng làm trong yên lặng.”

“Chỉ có những tai họa tinh tú mới xảy ra im lặng vì tiếng động không truyền đi được ở ngoài không gian. Nếu một ngôi sao mới nổ tan ở sau lưng anh, anh cũng không nghe thấy được tiếng nổ. Ruska, mền của anh rớt xuống sàn kìa, sao anh lại nằm vắt ngang mép giường kỳ vậy? Anh ngủ sao? Anh có biết rằng mặt trời của chúng ta chỉ là một ngôi sao mới thành hình và vì vậy, trái đất sẽ bắt buộc phải tan vỡ trong một tương lai gần đây?”

“Tôi không muốn tin chuyện ấy. Tôi còn trẻ tôi muốn sống.”

“Ha… Ha… Câu nói đơn sơ đến là chừng nào. C’est le mot. Hắn muốn sống. Trà nguội uống khó chịu quá."

"Valentulya… Họ đưa Bobynin đi đâu?"

"Làm sao tôi biết. Có thể đưa đi gặp Stalin lắm ạ."

"Valentulya… Nếu người ta đưa anh đến gặp Stalin, anh sẽ làm gì?"

"Tôi hả? Hô… Hô… Tôi sẽ nói với ông ấy tất cả những lời khiếu nại của tôi. Nói từ A đến Z."

"Nghĩa là nói những gì? Kể thử vài điều ra coi…"

"Kể hết. Kể hết. Par exemple… tại sao chúng ta lại phải sống không có đàn bà. Tình trạng ấy hạn chế khả năng sáng tạo của chúng ta."

"Pryanchikov… thôi đi. Mọi anh em khác ngủ cả từ lâu rồi. Tại sao anh lại cứ phải hét lên như vậy?"

"Tôi không muốn ngủ…"

"Các bạn, ai hút thuốc đó? Giấu đi. Gã trung úy tới đó…"

"Tên đó đến đây làm chi? Cẩn thận đó công dân trung úy. Cẩn thận kẻo ngã bể mũi đó."

"Pryanchikov!"

"Cái gì đó?"

"Anh nằm đâu? Anh ngủ chưa?"

"Tôi ngủ rồi."

"Dậy mau, bận quần áo lên, lẹ lên. Nhớ bận áo ngoài, đội mũ."

"Không. Lẹ lên. Có xe chờ anh."

"Tôi đi cùng với Bobynin ư?"

"Hắn đi trước rồi. Có xe khác chờ anh."

"Xe gì, trung úy ư? Xe Maria Đen chăng?"

"Lẹ lên. Lẹ lên. Xe Pobeda."

"Ai kêu tôi vậy?"

"Thôi đi, Pryanchikov. Tại sao tôi lại phải giải thích với anh nhỉ? Chính tôi cũng không biết ai. Mau đi."

"Valentulya… Nhớ nói hết với họ nghe."

"Khiếu nại với họ về quyền được tiếp thân nhân của chúng ta. Hỏi họ tại sao những tù nhân bị bắt vì Đoạn 58 lại chỉ được quyền tiếp thân nhân một năm có một lần."

"Khiếu nại về quyền đi bộ ngoài trời của chúng mình."

"Về thư từ…"

"Quần áo nữa."

"Ha… Ha. Vĩnh biệt các bạn."

"Đồng chí trung úy… Tên Pryanchikov đâu?"

"Hắn ra đây. Đồng chí thiếu tá, hắn đâu?"

"Nói thẳng với họ hết mọi chuyện, đừng khớp nghe Valentulya."

"Đêm nay lộn xộn quá ta…”

“Chuyện gì vậy?”

“Chuyện này chưa từng bao giờ xảy ra.”

“Có thể là lại mới có chiến tranh xảy ra. Họ lôi chúng mình đi bắn.”

“Đừng vớ vẩn. Ai thèm bận tâm đến chúng mình vào giữa một hai giờ sáng? Nếu có chiến tranh, họ đã dùng đại liên đốn bọn mình cho chết hết một lúc hoặc là cho bệnh dịch vào đây…”

“Xong rồi, các bạn. Đến giờ ngủ. Sáng mai chúng ta sẽ biết rõ hết mọi chuyện.”

“… Chuyện này thường xảy ra vào năm 1930. Tới năm 1940 Beria cho gọi Boris Sergeyevich Stechkin từ nhà tù đặc biệt về. Boris không phải là loại tù trở về nhà tù tay không. Mỗi lần được gọi về như thế là phải có sự thay đổi trong nhà tù, không tên giám đốc bị thay thế thì giờ đi bộ ngoài trời được nới rộng hơn. Boris nhất định không chấp nhận sự phân chia giai cấp trong phạm vi ăn uống. Ông không chịu cái cảnh cùng sống trong tù nhưng một đại học giả được ăn trứng gà và sữa chua, một giáo sư được hưởng ba mươi gờ ram bơ trong khi một tù nhân làm lao công chỉ được hưởng một nửa thế. Boris Sergeyevich Steckhin là một người tốt, thực tốt… Cầu cho ông ấy được yên vui…”

“Ổng chết rồi sao?”

“Không, họ cho ổng ra. Họ trao cho ổng giải Stalin.”


14. Người đàn ông nào cũng cần đàn bà

Giọng nói đều đặn, mệt mỏi của Adamson tắt đi. Adamson là một trong số những người sống kỳ cựu nhất trong những nhà tù đặc biệt như Viện Mavrino. Đây đó trong phòng giam, thỉnh thoảng lại có tiếng thì thào của những kẻ nói tiếp câu chuyện bỏ dở. Có người ngáy lớn. Có những tiếng ngáy dữ dội vang lên rồi tắt đi.

Bóng đèn xanh gắn trên vòm trần nhà hình tròn ngay trên cánh cửa đôi tỏa ánh sáng nhạt mờ xuống mười hai chiếc giường hai tầng kê thành hình cánh quạt trong căn phòng lớn. Căn phòng này có lẽ là căn phòng duy nhất có hình thể cổ lỗ còn sót lại ở Mạc Tư Khoa. Trên nó là một mái nhà hình tròn và ở đỉnh mái là một cái tháp. Vòng theo hình tròn của mái nhà có nhiều khung cửa sổ. Những khung cửa sổ này bị đóng chặt lại nhưng không bị che kín. Ban ngày, người ta có thể nhìn qua những khung cửa sổ này ra con đường nhựa lớn và những công viên không được sửa sang cây cối rậm rạp như rừng. Từ đó vào những tối mùa hạ, người ta nghe thấy tiếng hát khêu gợi, khuấy động của những thiếu nữ thiếu đàn ông sống ở vùng ngoại thành Mạc Tư Khoa.

Nằm trên chiếc giường trên bên cạnh cửa sổ chính của văn phòng Nerzhin trằn trọc không ngủ được. Và chàng cũng không muốn ngủ. Ở chiếc giường bên dưới giường anh, kỹ sư Potapov, từ lâu, đã ngủ giấc ngủ yên bình của những người vừa qua một ngày dài làm việc vất vả. Trên chiếc giường trên ở bên trái Nerzhin, người tù có khuôn mặt tròn vành vạnh tên là Zemelya nằm duỗi thẳng chân tay và ngáy ròn. Trên chiếc giường trên bên phải Nerzhin là giường của Ruska Doronin, người tù ít tuổi nhất Mavrino. Ruska cũng xoay trở trên giường và có vẻ trằn trọc không ngủ được. Bên dưới chiếc giường của Zemelya là giường của Pryanchikov. Giường này trống không có người nằm vì Pryanchikov vừa được gọi đi.

Giờ đây, trong khi nằm thao thức nhớ lại từng chi tiết cuộc nói chuyện vừa qua của mình với Verenyov trong văn phòng phòng của Yakonov, Nerzhin hiểu rõ tất cả mọi chuyện một cách sáng suốt và tinh tường hơn. Việc anh từ chối tham gia công tác ám số không phải là một sự kiện ngẫu nhiên mà có, nó đánh dấu khúc rẽ quan trọng trong đời anh. Hành động từ chối của anh chắc chắn sẽ có hậu quả, và hậu quả nầy có thể đến sớm hơn là anh tưởng, anh sẽ phải làm một chuyến đi dài và gian khổ tới. Tây Bá Lợi Á hoặc Bắc Băng dương, đến cái chết hoặc đến cuộc chiến thắng cơ cực cái chết.

Nerzhin muốn suy nghĩ về ý nghĩa khác rẽ quan trọng này trong đời chàng. Anh đã làm được những gì trong ba năm sống tương đối đỡ khổ trong Viện Nghiên cứu này? Anh đã rèn luyện được anh đủ để có thể nhảy trở về vực thẳm là những trại tập trung hay chưa?

Và ngày sắp tới lại chính là ngày sinh nhật của Nerzhin. Anh đã được ba mươi mốt tuổi. (Tất nhiên là Nerzhin không nỡ nhắc nhở cho những người bạn đồng tù của anh biết sự kiện này.) Ba mươi mốt tuổi phải chăng là đoạn giữa của đời anh, là đoạn cuối cùng hay cũng là đoạn mở đầu?

Ý nghĩa của anh trở thành lộn xộn. Anh không sao có thể tập trung tư tưởng vào những vấn đề thiết yếu. Mặt khác, một cảm giác yếu đuối ám ảnh tâm trí anh: thực ra, tới lúc này anh muốn sửa đổi lại cũng chưa phải là quá muộn, nghĩa là anh vẫn còn có thể ngỏ ý muốn gia nhập công tác ám số. Anh lại cảm thấy cái đau nhói ở trái tim khi nhớ tới những tháng dài dằng dặc không được gặp mặt vợ anh, không được nhìn thoáng thấy nàng. Đã gần một năm rồi anh không được gặp vợ. Liệu anh có thể gặp nàng một lần trước khi ra đi hay không?

Và sau cùng, ở trong anh, trỗi dậy con người tinh tế, linh động, sắc sảo, con người đã sống trong anh từ lâu, từ ngày anh còn là chú thiếu niên đứng xếp hàng chờ đến lượt vào mua bánh mì trong kế hoạch ngũ niên thứ nhất. Con người bên trong kiên nhẫn và can cường này đã chuẩn bị chờ đợi những cuộc khám xét gắt gao mà anh sẽ phải chịu trong những ngày đen tối sắp tới – anh sẽ bị khám xét rất kỹ khi anh ra khỏi Mavrino, khi anh đến những trung tâm nhận tù nhân ở Butyrskaya, rồi đế Krasnaya Presnya – con người bên trong đó cũng đã thầm nghĩ đến chuyện làm cách nào để có thể dấu được những mẩu chì nhỏ lấy ra từ những cây viết chì trong nẹp áo, làm cách nào để có thể mang theo được hết số áo quần anh hiện có ở đây – với một người tù khổ sai phải làm việc ngoài trời, mỗi một lượt vải đắp thêm được lên người là một cái gì quí báu vô giá – làm cách nào chứng minh được rằng cái muỗng bằng nhôm đi theo anh từ ngày đầu anh vào tù là vật của riêng anh chứ không phải là vật do anh lấy trộm của nhà tù này – điều khó khăn là những chiếc muỗng nhôm được dùng trong nhà tù đặc biệt này cũng gần giống hệt chiếc muỗng của anh.

Nerzhin ngồi dậy và dưới ánh sáng mờ của bóng đèn xanh, anh lặng lẽ, âm thầm chuẩn bị. Anh xếp lại quần áo, tìm trước những chỗ giấu.

Trong lúc đó Ruska Doronin, người tù trẻ nhất nằm trên chiếc giường cạnh Nerzhin vẫn xoay trở không ngủ. Đột ngội, Ruska ngồi lên và đẩy cái gối sắt vào thành giường để ngồi dựa lưng trên đó, rồi chàng mở quyển Lịch sử La Mã của Mommsen ra định đọc. Nhận thấy Nerzhin chưa ngủ, hai mắt vẫn mở nhìn thẳng lên ngọn đèn xanh trên trần nhà, Ruska thì thầm:

“Gleb… Còn thuốc lá không? Cho tôi một điếu.”

Lúc thường Ruska vẫn không hút thuốc. Nerzhin thò tay vào túi chiếc áo ngoài treo ở cột giường, móc ra hai điếu thuốc lá. Họ châm lửa hút.

Ruska hút thuốc một cách chăm chú, chàng không quay lại nhìn Nerzhin. Dưới mái tóc bồng, khuôn mặt Ruska vẫn có những nét hấp dẫn mặc dù bị soi sáng bởi một làn ánh sáng ảm đạm như chết. Khuôn mặt Ruska luôn luôn thay đổi, có khi đó là khuôn mặt của một thiếu niên chất phác, thành thật, đôi khi đó là khuôn mặt của một người đàn ông hiểu biết, tự tin.

“Gạt tàn vào cái này…”

Nerzhin đưa cho Ruska một bao thuốc Belomor không.

Cả hai người cùng gạt chung tàn thuốc vào bao giấy đó.

Ruska mới đến Mavrino vào đầu mùa hè và Nerzhin có cảm tình ngay với người tù ít tuổi này từ phút đầu. Sự trẻ trung của Ruska gợi lên trong Nerzhin ý muốn bảo vệ, giúp đỡ.

Nhưng sự thực là mặc dù Ruska mới có hai mươi nhăm tuổi – (vì bị người ta kết án đúng hai mươi nhăm năm tù) – chàng không phải là kẻ cần được bảo vệ, che chở, hướng dẫn. Cá tính của Ruska và những quan niệm của chàng về cuộc đời đều đã được nhào nặn, trui rèn, thành hình trong cuộc sống tuy ngắn nhưng rất sôi động, bão tố của chàng – Ruska không biết gì về đời nhờ hai tuần lễ chàng sống ở Đại học đường Mạc Tư Khoa, cũng không nhờ hai tuần lễ chàng sống ở Đại học đường Leningrad – mà là nhờ hai năm trời chàng sống với một sổ thông hành giả trong lúc tên thật của chàng bị ghi trong danh sách tội phạm bị tầm nã trên khắp Liên Bang Xô Viết – (Gleb được chính Ruska tiết lộ cho biết sự bí mật này) – tiếp theo đó là hai năm tù ở. Với khả năng thích nghi với hoàn cảnh thiên phú, Ruska lập tức hiểu ngay và nắm được ngay những bí quyết để sống trong tù: chàng lúc nào cũng đề phòng, chỉ thành thật với một số rất í người và làm cho tất cả mọi người tin rằng chàng hãy còn ngây thơ, khờ khạo như một đứa trẻ. Ngoài những tính tốt đó, chàng còn tỏ ra nhiệt thành, muốn làm thật nhiều việc trong một thời gian thật ngắn, đọc sách là một trong những việc chính của chàng.

Gleb, bất mãn vì những ý nghĩ lộn xộn và hạ tiên của chính mình và chàng không muốn ngủ, nói nhỏ trong bầu không khí im lặng của gian phòng.

“Này… lý thuyết lịch sử đi theo vòng tròn của chú đến đâu rồi?”

Hai người từng thảo luận về lý thuyết này và Ruska đang cố ý tìm những chứng minh và công nhận trong tác phẩm của Mommsen [3] .

Ruska quay lại sau tiếng thì thầm, nhưng Nerzhin hỏi quá nhỏ và chàng nghe không rõ. Đôi lông mày chàng trẻ tuổi nhíu lại trong cố gắng tìm hiểu mình vừa được hỏi gì.

“Tôi hỏi… lý thuyết lịch sử theo vòng tròn của chú đến đâu rồi?”

Ruska thở ra một hơi dài và vẻ cố gắng biến ngay trên mặt chàng, cả những ý tưởng ám ảnh chàng trong lúc chàng hút thuốc cũng tan đi. Chàng nằm sấp chống hai cùi chỏ xuống giường, mặt hướng về phía Nerzhin và sau khi bỏ mẩu thuốc tàn vào bao giấy, chàng nói:

“Chẳng đi đến đâu hết. Tất cả làm tôi chán ngấy. Sách với lý thuyết cũng vậy.”

Họ lại yên lặng. Nerzhin muốn nằm quay mặt sang phía giường bên kia cho đỡ mỏi nhưng Ruska đã đột ngột phát lên tiếng cười nhẹ và bắt đầu nói. Càng nói, chàng càng nói nhanh hơn và thêm hào hứng:

“Lịch sử đều đều, phẳng lặng, không có sự kiện gì lạ đến nỗi làm cho tôi cảm thấy tiếc thì giờ khi đọc lại nó. Ở đâu và ở thời nào cũng vậy, mỗi người càng lương thiện, càng đức hạnh chừng nào càng bị những kẻ đồng thời đối xử tàn tệ chừng ấy. Cassius Vecellinus, Nhiếp chính quan La Mã, muốn phát đất ruộng cho quần chúng và quần chúng treo cổ ông ta. Spurius Maelius muốn làm cho dân đói bớt đói và người ta xử tử ông vì tội âm mưu chiếm đoạt ngôi vua. Nhiếp chính quan Marcus Manlius bảo vệ được điện Capitol khỏi bị tàn phá để rồi bị xử tử vì tội phản bội. Anh thấy không?”

Ruska cười cay đắng và ngạo mạn:

“Và khi nhớ lại anh hùng Hannibal, nếu không có người, chúng ta có thể sẽ không bao giờ nghe nói đến cái tên thành Carthage, bị lưu đày vì chính Carthage, sản nghiệp của ông bị tịch thu và tòa nhà ông từng sống bị đập phá thành đất bằng. Tất cả những gì đang xảy ra bây giờ đều đã xảy ra trước đây. Họ nhốt văn hào Gnaenus Naevius vào tù để ngăn không cho ông sáng tác những vở kịch can đảm đề cao tự do của con người. Và bọn Aetolia ban hành lệnh đại ân xá giả để đánh lừa những người di cư tị nạn trở về và giết họ. Ngay cả ở La Mã thời cổ người ta đã khám phá ra sự thật, nhưng sau đó người ta lại quên đi, là việc để cho bọn nô lệ đói khổ, là việc có hại cho bọn chủ nhân nhiều hơn là có lợi. Tất cả lịch sử chỉ là một chuỗi dài những thối tha liên tục, kế tiếp nhau. Ở đó không có sự thật mà cũng không có ảo vọng. Con người không thể trông đợi vào đâu và cũng không thể đi được đến đâu hết.”

Trong làn ánh sáng xanh leo lét, chết chóc, sự rung động, hoài nghi bi quan trên làn môi của người trẻ tuổi có một vẻ thê thảm đáng kinh sợ.

Chính Nerzhin đã gieo những tư tưởng hoài nghi ấy vào óc Ruska nhưng giờ đây khi nghe Ruska nói như thế, anh lại muốn chống đối. Trong số những người bạn tù đồng tuổi. Nerzhin vẫn nổi tiếng là người chuyên môn đập phá những thần tượng, nhưng ngay lúc này anh thấy anh có trách nhiệm với người trẻ tuổi này. Vì vậy, anh ngồi nhô người sang giường của Ruska để có thể nói nhỏ mà Ruska vẫn nghe rõ.

“Ruska… Tôi cần phải nói trước để chú biết, bất cứ chú hoài nghi và bi quan đến chừng nào chú cũng phải nhìn nhận rằng mục đích chính của những người bây giờ là làm cho chúng ta mất tinh thần. Họ chỉ áp dụng lại những biện pháp đàn áp xưa vì họ thấy những biện pháp ấy vẫn còn đem kết quả như ý họ muốn lại cho họ.”

“Cho tôi xin điếu nữa” – Ruska nói – “Có lợi gì cho họ khi họ ngăn cản không cho tôi học thêm? Tôi có thể tốt nghiệp đại học và học cao hơn. Tôi có thể trở thành một khoa học gia. Tôi có thể viết ra những quyển sách dày, thật dày. Tôi có thể thực hiện những cuộc khảo cứu như… khảo cứu về hệ thống hành chính quận lỵ thời cổ ở Novogrod hoặc về trận chiến tranh giữa Caesar với dân Helvetia. Có biết bao nhiêu là nền văn hóa trên trái đất này! Bao nhiêu ngôn ngữ, bao nhiêu quốc gia! Trong mỗi quốc gia có biết bao nhiêu người thông mình, biết bao nhiêu là quyển sách hay được viết ra… Và tình yêu…”

Tiếng nói của Ruska vẫn thì thầm, vẫn khàn khàn nhưng như bay vút lên trời cao khi chàng nói đến tình yêu:

“Tình yêu. Con người phải có tình yêu. Con người phải yêu. Không yêu lịch sử hay yêu lý thuyết mà là yêu một người đàn bà.”

Chàng nắm lấy tay áo Nerzhin, giọng đau đớn thê thảm và khẩn thiết:

“Họ tước đoạt của chúng ta những quyền gì? Thực sự ta bị mất những quyền gì? Nói tôi nghe coi… quyền đi dự mít tinh, quyền mua quốc trái? Điều duy nhất mà Lão Ma Đầu có thể làm chúng ta đau đớn là điều làm cho đời sống của có thể thiếu đàn bà. Và lão đã làm điều ấy. Trong hai mươi nhăm năm trời! Thằng chó đẻ! Ai có thể tưởng tượng được…”

Chàng nắm hai bàn tay lại tự đấm lên ngực:

“… một người đàn bà có nghĩa như thế nào với một người đàn ông bị tù?”

“Coi chừng. Cứ nghĩ như vậy chú sẽ phát điên đó…”

Nerzhin cố gắng tự trấn tĩnh nhưng một làn sóng đột ngột đến làm cho tâm hồn anh quay cuồng khi anh nhớ tới Simochka, tới lời hẹn hò ngày thứ Hai sắp tới của nàng, anh nói tiếp:

“Quên ngay ý nghĩ đó đi. Nó có thể làm cho óc chú tê liệt. Mặc cảm Freud hay gì đó… Mẹ kiếp không biết bọn ở ngoài gọi nó bằng cái tên quái quỷ gì. Chuyển năng lực tinh thần của chú sang những địa hạt suy tưởng khác. Tập trung vào triết học. Chú sẽ không cần đến bánh mì, đến nước, đến đàn bà khi chú suy tưởng về triết học.”

(Nhưng thứ hai này. Chuyện rất thường của những cặp vợ chồng yêu nhau trở thành sự thèm khát bốc cháy trong trái tim một người tù.)

“Óc tôi đã tê liệt rồi. Tôi sẽ không sao ngủ được cho đến sáng. Một người đàn bà. Tất cả mọi người đàn ông đều cần có một người đàn bà. Cảm thấy nàng rung động trong tay mình. Thấy… Trời ơi… trời…”

Ruska buông rơi mẩu thuốc hãy còn cháy dở trên tấm mền và không biết và quay vội đi. Chàng nằm úp mặt xuống gối, kéo mền lên phủ kín đầu.

Nerzhin lượm được mẩu thuốc trước khi nó rơi xuống giường của Potapov bên dưới. Anh dụi mắt nó và bỏ vào bao giấy. Anh chỉ còn phải sống có một ngày, một đêm nữa là được gần Simochka. Trong khoảnh khắc anh tưởng tượng ra tất cả những chi tiết những gì sẽ xảy ra trong ngày thứ Hai. Rồi anh rùng mình gạt bỏ ý nghĩ đó ra khỏi óc. Nghĩ đến nhiều chuyện đó, anh cũng có thể phát điên. Anh ghé miệng xuống tai Ruska:

“Ruska… Chú… sao? Chú có… người… nào chưa?”

“Có. Có chứ. Tôi có…”

Ruska khổ sở trả lời trong tiếng thì thào nghẹn ngào. Chàng nằm ngửa trở lại và ôm xiết cái gối trong vòng tay. Chàng thở vào đó và hơn ấm của chiếc gối, và sức mạnh của tuổi trẻ chan chứa trong cơ thể chàng, sức mạnh bị dồn ép tới chỗ héo quắt, tàn tạ – tất cả làm cho người chàng nóng ran, sứ sống trong tấm thân thể trẻ trung nhưng bị tù đày của chàng đòi hỏi được giải thoát. Chàng nói: “Tôi có”… và chàng nồng nàn muốn tin là chàng đã có… Xong, chàng biết rõ hơn ai hết là chàng vẫn chưa có. Những gì xảy ra chưa có gì đáng kể. Chàng chưa được hôn nàng lấy một cái, chưa được nghe nàng hứa hẹn một lời. Nàng chỉ là người thiếu nữ đã ngồi nghe chàng nói chuyện suốt buổi tối hôm đó với vẻ mặt thiện cảm và thích thú khi chàng kể về đời chàng, người thiếu nữ thứ nhất mà trong ánh mắt nàng Ruska thấy rằng chàng được nhìn như một người hùng trong một chuyện phiêu lưu kỳ thú. Chưa có gì xảy ra giữa họ nhưng những gì đã xảy ra cũng đủ để chàng có quyền nói “có”.

“Nàng là ai? »

Gleb hỏi. Và mở hé tấm mền, Ruska trả lời từ trong bóng tối:

“Clara…”

“Clara? Cô con gái của lão tổng biện lý ư?”


15. Tam đầu chế gian dối

Giám đốc Sở Không Một vừa trình bày xong bản báo cáo của y với Tổng trưởng Abakumov.

Cao lớn, với mái tóc đen chải ngược về sau ót, mang trên cầu vai áo cặp lon ba ngôi sao của Tướng Ủy viên Đệ nhị hạng, Abakumov uy nghi chống hai cùi chỏ lên mặt bàn rộng. Y to con nhưng không mập bự – y biết giá trị của một hình dáng đẹp và đôi khi y chịu khó chơi quần vợt. Đôi mắt của y là mắt của một người không mắc lừa ai bao giờ, không ai có thể đánh lừa được. Đôi mắt ấy biểu lộ sự nhanh trí, khả năng ứng biến và bản tính đa nghi. Mỗi khi y thấy cần nói một câu nào đó trong lúc Viên Giám đốc Sở Không Một đang báo cáo, viên này vội vã ghi những lời đó xuống giấy.

Văn phòng của Abakumov, mặc dù không quá rộng, không phải là một văn phòng tầm thường. Trong phòng có một lò sưởi bằng đá vân được để lại từ ngày xưa, lò sưởi này bây giờ không còn được dùng tới nữa, và một tấm gương soi lớn kín cả một bức tường. Trần phòng đắp bằng thạch cao đắp hình hoa lá, có một dàn đèn lớn và những hình thiên thần, tiên nữ đuổi nhau vẽ nhiều màu.

(Abakumov giữ lại những hình vẽ này, chỉ những nét màu xám bị xóa đi, vì đó là màu mắt y chịu không nổi.) Phòng có một cửa ra ban-công, cửa này bị đóng kín trong hai mùa đông và mùa hạ, và có nhiều cửa sổ lớn nhìn xuống công trường trước Bộ nhưng quanh năm không bao giờ được mở. Trong phòng có nhiều đồng hồ: một đồng hồ thường được gọi là “đồng hồ ông nội” nằm trong vỏ gỗ quý, một chiếc đồng hồ treo tường với một hình tượng nhỏ đánh chuông giờ, trên tường còn treo một đồng hồ điện, loại đồng hồ của các nhà ga xe lửa. Những chiếc đồng hồ này chỉ không đúng giờ nhau nhưng Abakumov bao giờ cũng biết đích xác thời gian là mấy giờ vì y còn có hai chiếc đồng hồ nữa mang trên người y: một đồng hồ đeo tay vàng trên cổ tay lông lá của y, một đồng hồ quả quít nằm trong túi đừng đồng hồ trong áo y.

Những văn phòng trong tòa nhà này lớn rộng hơn tùy theo địa vị và cấp bậc của chủ nhân cuộc sống. Những bàn viết cũng lớn hơn dần dần. Bàn hội nghị trên trải thảm xanh cũng mỗi phòng một lớn hơn. Tất cả những đồ đạc trong văn phòng của Abakumov đều lớn nhất trong nhà này. Nhưng bức hình Đại-Thống-Chế được đặt trong phòng này lớn nhất, rực rỡ nhất và nổi bật hơn tất cả. Ngay cả trong những phòng thẩm vấn tầm thường nhất cũng có treo những tấm hình Lãnh tụ lớn hơn người thật, nhưng trong văn phòng của Abakumov, bức hình vẽ này trở thành vĩ đại. Vị Chiếc Lược Gia Tài Ba Vô Song của Muôn Đời và Muôn Dân Tộc được vẽ trong một bức tranh cao mười thước, toàn thân, từ đôi giày ủng tới chiếc mũ Thống Chế lưỡi trai, trên ngực áo rực rỡ tất cả những huy chương và biểu chương. (Thực ra, trong đời sống thực, Stalin chưa từng bao giờ mang những huy chương này trên ngực, một số những huy chương này là do Stalin tự phong, số còn lại do những Sứ thần và Tổng thống các quốc gia khác trao tặng.) Chỉ có những huy chương của Yugoslav là không thấy vẽ lên tranh mà thôi.

Tuy vậy, như để xác nhận rằng ngay cả bức tranh vẽ vĩ đại ấy đứng trong phòng cần phải có hình ảnh Người Bạn Thân Nhất của Chuyên-Viên-Phản-Gián-Điệp ở luôn luôn trước mặt để gợi hứng, y đặt một bức hình chân dung nữa của Stalin trên bàn viết của y.

Trên một bức tường khác trong phòng treo một bức hình Beria khá lớn. Beria là thượng cấp trực tiếp của Abakumov.

Sau khi Viên Giám đốc Sở Không Một ra khỏi phòng, có ba người đến trước cửa vào văn phòng Abakumov. Ba người đó là: Ủy viên Phụ tá Tổng trưởng Sevastyanov, Thiếu tướng Oskolupov, Giám đốc Sở Kỹ thuật Đặc biệt và Đại tá Kỹ sư Yakonov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học Mavrino.

Để biểu lộ lòng tôn kính vị chủ nhân văn phòng này, ba người vào đi theo hàng một, theo cấp bậc. Họ bước theo nhau trên tấm thảm dày, gần như nối gót vào nhau và chỉ có tiếng giày của Sevastyanov là thấp thoáng vang nhẹ.

Là một ông già bận bộ y phục mà xám, mái tóc cắt ngắn lẫn nhiều sợi bạc, Sevastyanov là ủy viên duy nhất trong số mười ủy viên của Bộ An ninh là thường dân. Trách nhiệm của Sevastyanov ở đây không phải là việc điều tra hoặc hành chánh. Y giữ về liên lạc và kỹ thuật. Vì vậy y ít khi phải chịu đựng những cơn thịnh nộ lôi đình của Tổng trưởng trong những phiên họp kiểm điểm công tác hoặc trong những buổi trình diện nhận chỉ thị, có thể nói Sevastyanov là người thần kinh ít bị căng thẳng nhất Bộ An ninh mỗi khi phải đặt chân vào văn phòng này. Y ngồi ngay xuống chiếc ghế bọc da dày và êm đặt trước bàn.

Sau khi Ủy viên Phụ tá Tổng trưởng Sevastyanov ngồi xuống, Oskolupov trở thành người dẫn đầu. Yakanov đứng sát ngay sau lưng Oskolupov như để giấu đi thân hình vạm vỡ của y.

Abakumov nhìn thẳng vào mặt Oskolupov – người mà y chỉ mới gặp có chừng ba lần từ trước đến giờ – và y thấy trong con người của Oskolupov có một vẻ gì đó làm y có cảm tình. Oskolupov cũng có khuynh hướng trở thành to lớn về thân xác. Cổ y phình ra trên cổ áo và lúc này y cố ý ngửa mặt để cho cái cằm đôi của y khỏi xệ xuống. Bộ mặt nhẵn và trơ như gỗ của Oskolupov là bộ mặt của một người đàn ông chất phác, đơn sơ chỉ biết hành động, không phải là bộ mặt thâm trầm, khinh khỉnh của kẻ tự cho mình là trí thức.

Chiếu cặp mắt qua vai Oskolupov để nhìn Yakanov, Abakumov hỏi đột ngột và buông thõng:

“Anh là ai?”

“Thưa… tôi ạ.”

Oskolupov cúi mình về phía bàn, hoảng loạn và khổ sở khi thấy đồng chí Tổng trưởng không nhận ra mình là ai.

“Thưa… tôi ạ.”

Yakanov cũng nhô người về đằng trước, nhưng y chỉ nhô một chút thôi để ngực y khỏi chạm vào lưng Oskolupov, vì y vẫn đứng sát sau lưng Oskolupov. Lúc này y đang cố gắng giữ cho cái bu nguyện phệ của y khỏi phình ra nhưng y bối rối nhận thấy bụng y mỗi lúc một nở lớn bất chấp những cố gắng kềm giữ của y. Trong đôi mắt mở lớn của Yakanov không có qua một ý nghĩa nào được hiển lộ.

“Anh và anh…“

Ngón tay trỏ to tướng của Abakumov đưa ra điểm hai cái vào không khí:

"Hai anh phụ trách dự án Mavrino phải không? Ngồi xuống."

Hai người còn đứng trước bàn líu ríu ngồi xuống.

Tổng trưởng Abakumov đưa cây rọc giấy làm bằng plastic màu hồng ngọc lên gãi nhẹ sau tai và nói:

"Sao? Các anh đã đùa giỡn với tôi bao nhiêu lâu rồi? Hai năm? Theo chương trình, các anh chỉ có mười lăm tháng để hoàn thành công tác. Bao giờ có máy điện thoại?"

Và y tiếp bằng một giọng đe dọa.

"Đừng nói dối. Tôi không thích nghe nói dối."

Đây chính là câu hỏi mà ba viên chức cao cấp ngành dối trá đã chuẩn bị để trả lời ngay từ khi họ được biết là họ được gọi tới cùng một lúc để hỏi. Theo sự xếp đặt trước, Oskolupov là người đầu tiên lên tiếng nói. Y nói với đôi bờ vai vuông đẩy đẩy ra đằng trước như chính đôi vai vuông ấy đẩy tiếng nói ra khỏi miệng Y:

“Thưa đồng chí Tổng trưởng… Thưa đồng chí Đại tướng… Xin đồng chí cho tôi được trình bày trước hết rằng toàn thể nhân viên đều phục vụ với một tinh thần…”

Bộ mặt Abakumov để lộ vẻ ngạc nhiên:

“Anh tưởng anh đang ngồi ở đâu đây? Đây đâu phải là hội nghị. Tôi cần tinh thần của anh để làm cái gì? Để xuống đít ngồi lên ư? Tôi hỏi anh: Bao giờ? Ngày nào?”

Bây giờ, cũng theo như xếp trước, đến lượt Yakanov. Lối nói và nhất là giọng nói trầm, nhỏ của y cho người nghe hiểu rằng y nói với tư cách là chuyên viên kỹ thuật chứ không phải là một nhân viên điều hành:

“Kính thưa đồng chí Tổng trưởng… trong một hệ thống siêu tần cao tới 2.400 chu kỳ cho ta một cường độ truyền thanh ở mức zéro điểm chín…”

“Chu kỳ, chu kỳ…! Zéro điểm chu kỳ… Zéro … Các anh sản xuất ra… Zéro… Siêu tần… zéro… Mẹ kiếp… Tôi muốn có máy điện thoại. Hai giàn máy. Bao giờ tôi có? Hả?”

Bây giờ đến lượt Sevastyanov lên tiếng. Y nói chậm và nhỏ, vừa nói vừa lùa những ngón tay vào mái tóc thưa và xám:

“Xin cho chúng tôi biết đồng chí nghĩ như thế nào? Về máy điện thoại, chúng tôi đang chế tạo máy thâu phát ám hiệu…”

Abakumov trừng mắt:

“Đồng chí coi tôi là một thằng ngu hay sao? Máy thâu phát ám hiệu là cái quỷ gì? Tôi cần gì biết đến chuyện các người đang làm gì hay mấy người ăn không.”

Mười lăm năm trước đây, khi không một ai trong cõi đời này, kể cả Abakumov, lại nghĩ rằng có ngày y trở thành Tổng trưởng, khi y còn là một tống thư văn của Sở Mật vụ – thời đó Abakumov là một gã trai khoẻ mạnh, rắn rỏi, có cặp chân dài và đôi tay dài – bốn năm trời học ở bậc tiểu học đã cung cấp cho y có được số vốn học vấn đủ dùng. Từ đó y “tự tiến bộ” hoàn toàn nhờ ở những đòn Jiujitsu và trường huấn luyện chuyên môn của y là phòng tập võ của Hội quán Thể thao Dynamo.

Thế rồi, trong những năm ngành mật vụ phát triển và nhân viên mật vụ được thay mới, tăng thêm người ta thấy rằng Abakumov là một chuyên viên thẩm vấn có biệt tài và làm việc thật hữu hiệu, đôi tay dài và cứng của y là những lợi khí khi cần phải tra tấn người khác. Sự nghiệp lớn của y bắt đầu thành hình. Sau bảy năm hành nghề tra tấn người, Abakumov trở thành Chánh sở Phản gián SMERSH và bây giờ, y trở thành Tổng trưởng. Không một lần nào trong cuộc trèo dài dằng dặc ấy y cảm thấy y thiếu thốn về học vấn. Ngay cả bây giờ ngồi ở chức vụ cao nhất cái Bộ quan trọng nhất này, những thuộc cấp của y cũng không một người nào có thể lừa được y hay ngầm coi thường y.

Và khi nghe Sevastyanov nói ra câu trên đó, cơn giận của Abakumov nổ ra. Y giơ nắm tay lớn như cái búa sắt lên định nện xuống mặt bàn. Cánh cửa phòng bỗng mở ra và một gã đàn ông thấp nhỏ với đôi má trắng hồng bước vào phòng không cần gõ cửa. Gã này là Mikhail Dmitriyevich Ryumin. Nhân viên cả Bộ gọi gã là “Minka” – Nhưng ít có người dám gọi gã bằng cái tên này trước mặt gã.

Gã lướt đi nhanh và êm như một con mèo. Khi đến gần bàn, gã bao bọc cả ba người ngồi đó trong một tia nhìn. Gã bắt tay Sevastyanov và Sevastyanov nhổm người dậy, rồi gã đi tới đứng ở đầu bàn, cúi người xuống gần Abakumov, gã nói với vẻ mặt suy nghĩ:

“Victor Semyonovich… ông nên nghe tôi. Nếu chúng ta phải phụ trách vụ này, chi bằng giao hết cho Sevastyanov. Tại sao mình lại để cho họ ăn không nhỉ? Họ có thể nhận ra được tiếng một người ghi trên băng nhựa hay không? Nếu không, tống cổ họ ra hết…”

Trong khi miệng nói những câu đó, gã vẫn cười ngọt ngào như khi gã mời một cô bé ăn kẹo sô-cô-la. Gã nhìn ba kẻ có thể là nạn nhân của lời gã ngồi đó bằng đôi mắt vuốt ve, trìu mến.

Trong nhiều năm trời Ryumin sống hoàn toàn là một gã vô danh không được ai biết đến. Gã từng giữ chân ủy viên kích thước của Hợp tác xã Tiêu thụ Tỉnh Archangel. Má hồng và trắng trẻo, gần như mũm mĩm, với đôi môi mỏng luôn luôn mím chặt, hờn giận, gã hành hạ tận tình những nhân viên dưới quyền gã bằng những câu nói đểu giả, tàn nhẫn nhất mà gã có thể nghĩ ra được, trong lúc đó gã chia phần bớt xén, biển thủ với bọn chuyên chở, thảo luận chính trị với những bác tài xế xe hơi, tỏ ra khinh mạn những người đánh xe ngựa lạc hậu và đặt những bản thống kê thành tích toàn hảo lên bàn ông Chủ tịch Hợp tác xã đúng lúc cần đến.

Chiến tranh xảy ra, Ryumin được thâu nhận vào Hải quan và ở đây, người ta làm cho gã trở thành chuyên viên thẩm vấn của Sở An ninh Đặc vụ. Gã thích thú việc làm này và chẳng bao lâu gã thành công trong việc dựng đứng lên cả một vụ gián điệp vu cáo cho một phóng viên nhật báo hoàn toàn vô tội được phái đi viết phóng sự về Hạm đội Miền Bắc. Nhưng đây là vụ vu cáo đầu tiên trong đời gã, gã thực hiện nó lộ liễu và trắng trợn quá đến nổi Văn phòng Tổng Biện lý – vì không dính líu tới việc làm của ngành mật vụ – yêu cầu Văn phòng Tổng trưởng Abakumov điều tra vụ này. Chú chuyên viên thẩm vấn bé nhỏ của Ban SMERSH trên Hạm đội miền Bắc bị gọi về Tổng Bộ để chịu khiển trách. Gã sợ hãi bước vào văn phòng Abakumov để nhận lãnh những gì ghê gớm chờ đợi gã ở đó. Cánh cửa đóng lại. Khi cánh cửa mở ra cách đó một tiếng đồng hồ, Ryumin từ bên trong bước ra với vẻ mặt quan trọng – y vừa được Tổng trưởng cử giữ chức chuyên viên tình hình chính thức của SMERSH Trung ương, chuyên phụ trách thẩm vấn những vụ tối quan trọng. Kể từ ngày đó, ngôi sao của gã sáng đều và lên đều.

“Tôi sẽ lo cho họ, Mikhail Dmitriyevich Ryumin. Ông tin đi. Tôi sẽ đặc biệt lo chọ họ. Thân nhân họ sẽ không còn nhận ra họ được nữa…”

Abakumov gằn giọng nói, mắt y nhìn trừng trừng đe dọa ba gã đàn ông ngồi rúm ró trước mặt y.

Cả ba gã này đều cúi mặt xuống như những kẻ phạm tội.

“Tôi sẽ đưa cho họ những băng nhựa thâu tiếng nói. Họ có thể nghe lại và so sánh, tìm ra…”

Ryumin nói và Abakumov hỏi vội:

“Ồ… bắt được ai chưa?”

“Rồi. Nhất định là phải rồi chứ” – Ryumin trả lời với nụ cười ngọt – “Chúng tôi bắt được bốn tên tình nghi ở gần ga xe điện ngầm Arbat.”

Nhưng bộ mặt tươi tỉnh của Ryumin thoáng trầm xuống. Gã biết rõ hơn ai hết là những kẻ bị bắt đó đã bị bắt quá muộn, họ đều là những người bị nghi oan và bắt oan. Tuy nhiên, một khi đã bị bắt, dù có tội hay không những kẻ đó sẽ không bao giờ, mãi mãi không bao giờ còn được thả ra nữa. Họ sẽ bị giữ mãi và khi cần đến, họ sẽ phải nhận tội chỉ vì chấp nhận tình trạng có vụ án không tìm ra manh mối.

Giọng nói của Ryumin vừa có những âm thanh bất mãn vừa đề nghị:

“Tôi có thể ghi tiếng nói của một nửa tổng số nhân viên Bộ Ngoại giao lên bằng nhựa nếu ông Tổng trưởng muốn. Xong tôi nghĩ việc đó không cần thiết. Chỉ có sáu hoặc bảy người ở đó khả nghi mà thôi – họ là những người duy nhất được biết vụ đó.”

Abakumov giận dữ:

“Sao không bắt hết lũ chó ấy đi? Còn chờ gì nữa? Bảy người, Liên bang mình vĩ đại lắm, mất đi bảy tên đâu có ăn thua gì.”

“Ông không thể bắt họ như thế được” – Ryumin phản đối. “Đó là một Tổng Bộ trong chính phủ, đó không phải là một xưởng máy chế tạo thực phẩm và làm thế, chúng ta sẽ mất hết dấu vết. Trong vụ này, chúng ta cần phải tìm đúng kẻ có tội là ai. Và phải tìm ra cho mau.”

“Hừm…”

Abakumov suy nghĩ và nói lớn lên ý nghĩ:

“So sánh băng ghi âm này với băng ghi âm kia, tìm xem hai tiếng nào cùng của một người nói. Hay đấy. Sẽ có ngày mình phải nắm vững được kỹ thuật này. Sevastyanov, ông làm nổi việc này không?”

“Thưa… tôi vẫn chưa hiểu gì cả…”

“Có gì rắc rối đâu mà không hiểu. Không có gì hết. Có một thằng chó đẻ, một thằng khốn nạn nào đó – chắc chắn phải là một nhà ngoại giao nếu không hắn không sao có thể biết được chuyện này, gọi điện thoại đến cho một lão giáo sư. Tên lão giáo sư ấy là gì nhỉ?”

“Dobroumov…” Ryumin nhắc.

“Ừ, Dobroumov. Một lão bác sĩ. Nói vắn tắt là lão bác sĩ ấy vừa mới xuất ngoại sang Pháp trở về, trong khi ở trên đất Pháp lão có hứa sẽ gửi cho bọn bác sĩ Pháp một thứ thuốc mới do lão sáng chế – lão ôn dịch gọi đó là trò trao đổi kinh nghiệm và kiến thức y học. Nhưng lão quên rằng tổ quốc lão phải được hưởng ưu tiên thứ thuốc sáng chế đó. Chúng tôi muốn cho lão gửi đi số thuốc đó để bắt lão quả tang. Vụ án của lão sẽ là một vụ án chính trị lớn làm gương cho bọn khoa học gia hèn hạ nịnh bợ ngoại quốc. Nhưng có một thằng chó đẻ nào đó biết chuyện này và đã gọi điện thoại đến cho lão bác sĩ, bảo lão đừng gửi thuốc cho. Chúng ta vẫn sẽ bắt lão bác sĩ và lão phải nhận tội như thường, nhưng vụ này như vậy là đã mất một nửa giá trị. Sao? Các người nghĩ sao? Nếu các người tìm được ra tên này, các người sẽ nổi tiếng ghê gớm.”

Sevastyanov nhìn qua mặt Oskolupov sang Yakanov. Yakanov để mắt y chạm vào tia nhìn của Sevastyanov và lông mày của y hơi nhếch lên. Với cái nhếch lông mày này Yakanov muốn nói rằng việc tìm tiếng người nói điện thoại được ghi lên băng nhựa là một nghệ thuật mới lạ cần có một thời gian dài để nghiên cứu, tìm hiểu, thí nghiệm, và hiện lúc này Viện Mavrino còn đang chết dở vì công tác chế tạo máy điện thoại đặc biệt, không nên nhận thêm công tác mới. Sevastyanov cũng thông minh để hiểu ý nghĩ cái nhếch lông mày của Yakanov và tình thế khó khăn y chuẩn bị để trả lời lửng lơ câu hỏi của Abakumov.

Nhưng Foma Guryanovich Oskolupov lại có những ý nghĩ riêng về việc làm của y. Y không muốn y chỉ là anh giám đốc bù nhìn. Ngay từ khi y được tin y được cử làm Giám đốc, y đã tin chắc ở tài năng của y, ở giá trị cá nhân của riêng y và nghĩ rằng y làm chủ tất cả mọi vấn đề và có thừa khả năng giải quyết những vấn đề rắc rối nhất khéo léo hơn tất cả mọi người khác. Nếu không thế, người ta đã chẳng đề cử y. Tuy ngày xưa, y chưa học được đủ bảy năm ở nhà trường, nhưng bấy giờ không bao giờ y chịu rằng những thuộc cấp của y lại có thể hiểu biết về những việc làm hơn y. Họ có thể biết rõ hơn y về một phần nào đó của vấn đề, về chi tiết của bộ máy, về một đồ hình, nhưng họ không thể biết hơn y về đại thể. Cách đây không lâu, y từng có dịp đến nghỉ mát ở một khu nghỉ mát hạng nhất dành riêng cho những viên chức cao cấp và những khoa học gia làm việc với chính phủ. Ở đây y tự giới thiệu với mọi người y là một giáo sư điện tử. Y gặp ở đây một văn sĩ nổi tiếng và nhà văn này không sao có thể rời mắt nhìn Foma Guryanovich, nhà văn quan sát y và ghi những điều nhận xét vào cuốn sổ tay. Nhà văn cho y biết là ông sẽ diễn tả hình dáng của một nhà khoa học thời đại này theo hình dáng của Foma Guryanovich. Từ đó, Foma biết chắc rằng y là một nhà khoa học chính cống.

Đột ngột, Foma Guryanovich nhảy vào cuộc đối thoại:

“Thưa đồng chí Tổng trưởng… chúng tôi có thể làm được.” Sevastyanov nhìn y ngạc nhiên:

“Làm ở đâu? Ở phòng thí nghiệm nào?”

“Ở phòng thí nghiệm Âm Thính của Viện Mavrino. Ở đó chúng ta đang nghiên cứu về điện thoại. Họ cũng gọi điện thoại cho nhau mà.”

“Nhưng Mavrino đang bận thực hiện dự án khác quan trọng hơn…”

Oskolupov quả quyết:

“Không sao. Chúng ta sẽ tìm được người. Chúng ta có những ba trăm người ở Mavrino kia mà. Ta có dư người để phụ trách thêm vụ này.”

Và y nhìn ông Tổng trưởng của y với vẻ mặt của kẻ sẵn sàng thi hành mệnh lệnh.

Tuy Abakumov không hề mỉm cười nhưng một lần nữa trên mặt y hiện ra vẻ hài lòng, một lần nữa y thấy có cảm tình với Oskolupov. Thái độ này cũng từng là thái độ của y trong thời gian y hãy còn trẻ và đang xây dựng sự nghiệp – nghĩa là hăng hái, sẵn sàng làm tất cả mọi việc cấp trên muốn, giết bất cứ ai nếu cần. Một người trẻ hơn mình mà giống mình bao giờ cũng làm cho mình có cảm tình.

“Được lắm. Khá lắm” – Abakumov nói. “Đó là thái độ đúng: quyền lợi của quốc gia trên hết, những cái khác dẹp lại sau. Đúng không?”

“Thưa đúng. Đồng chí Tổng trưởng nói rất đúng.”

Ryumin không tỏ vẻ gì là ngạc nhiên, gã cũng không có vẻ nể nang hay chú ý đến Oskolupov hơn trước. Mặc dù Oskolupov là người nhận làm công tác này và Sevastyanov có vẻ muốn từ chối, Ryumin vẫn nói với Sevastyanov:

“Sáng mai sẽ có tin mới cho ông.”

Gã liếc nhìn Abakumov rồi lặng lẽ ra khỏi phòng.

Vị Tổng trưởng đưa món tay vào miệng cạy một miếng thịt dắt ở chân răng từ bữa ăn tối:

“Bây giờ trở lại vụ máy điện thoại. Bao giờ đây? Các anh đã lẩn trốn tôi quá nhiều. Không biết bao nhiêu lần khất – mùng một tháng tám, rồi ngày nghỉ tháng chín, rồi ngày đầu năm. Sao?”

Y chiếu cặp mắt của Yakanov, bắt buộc Yakanov phải trả lời.

Yakanov có vẻ như đang khó chịu dữ dội vì cần cổ của y. Y nhích cổ sang bên trái, rồi nhích cổ sang bên phải, đôi mắt xanh của y nhìn vào mắt Abakumov trong vài giây rồi nhìn xuống.

Yakanov biết y là người có tài. Yakanov biết rằng nhiều kẻ khác còn có nhiều tài hơn y đang tập trung hết tư tưởng và tài năng để làm việc mỗi ngày mười bốn tiếng đồng hồ không hề có một ngày nghỉ từ hơn một năm trời nay để chế tạo ra dàn máy điện thoại mà Abakumov đang đòi hỏi. Và còn có không biết bao nhiêu là nhà khoa học ngoại quốc sống rải rác khắp nơi trên mặt đất này, những người công bố những phát minh của họ với đầy đủ chi tiết trên những tờ đặc san chuyên khoa, cũng đang tìm cách chế tạo dàn máy đó. Yakanov cũng biết rõ về cả ngàn những khó khăn đã được vượt qua nhưng đó cũng mới chỉ là bước đầu. Giữa cả chục ngàn những khó khăn đang phải đối phó, giải quyết, nhưng kỹ sư làm việc dưới quyền điều khiển của y ở Mavrino như người người đang bơi qua biển. Chỉ còn sáu ngày nữa là đến hạn chót, hạn chót của tất cả những hạn chót mà y đã năn nỉ, đã xin được ở đống thịt bận bộ quân phục kia. Y đã bị kẹt cứng vì một chỗi những hạn kỳ ngu xuẩn bởi vì bị Lãnh tụ Anh minh, Người Hướng dẫn Khoa học của Thế giới Cộng sản đã ngay từ đầu, đặt thời hạn một năm cho một công việc cần đến mười năm để thực hiện.

Hồi nãy khi gặp nhau trong văn phòng của Sevastyanov, họ đã đồng ý xin hoãn lại mười ngày. Họ hứa sẽ giao hai giàn máy điện thoại đặc biệt vào ngày mười tháng giêng, Phụ tá Tổng trưởng Sevastyanov quyết định như thế. Oskolupov cũng muốn như thế. Họ tính toán rằng từ nay đến đó họ sẽ có thể làm xong được hai giàn máy điện thoại, tuy chưa hoàn hảo, ngh cũng đã có hình thể, cũng có thể kể là một phát minh mới. Họ sẽ xin thí nghiệm thêm cho thật hoàn hảo trước khi đưa máy được trước mặt Lãnh tụ. Trong thời gian ấy, việc nghiên cứu ở Mavrino vẫn tiếp tục và rồi họ sẽ viện ra những khó khăn mới để xin triển hạn. Nhưng Yakanov cũng lại biết rằng những vật vô tri, nhất là những máy móc, không hề biết đến những hạn kỳ, những mệnh lệnh, và tới ngày mười tháng giêng, hai giàn máy điện thoại được y đệ trình sẽ không truyền đi tiếng người, chúng sẽ chỉ truyền đi những tiếng động chói tai và những gì đã xảy đến với Mamurin nhất định sẽ lại xảy đến với Yakanov. Lãnh tụ sẽ gọi Beria và nói: “Thằng khùng nào làm ra cái máy này đây? Tống cổ nó đi…”. Và Yakanov sẽ trở thành một Người Mặt Sắt nếu y còn may mắn, rất có thể y sẽ chỉ là một tù nhân thường.

Dưới mắt nhìn của Abakumov, với cảm giác nút thòng lọng đang thắt chặt dần cổ, Yakanov vượt lên được cơn sợ hãi khốn khổ, khốn nạn của y và cũng tự nhiên như khi y hít thở khí trời vào phổi, y thốt lên:

“Xin cho thêm một tháng nữa. Thêm một tháng nữa. Tới mùng một tháng hai.”

Y nhìn Abakumov bằng đôi mắt van xin của một con chó.

Những người có tài ở cõi đời này thường tỏ ra tàn nhẫn và bất công với những người có tài khác. Thực ra, Abakumov tinh khôn hơn là Yakanov tưởng nhiều nhưng sau một thời gian dài không dùng đến, trí óc đã trở thành một cái gì vô-giá-trị với Abakumov. Trong suốt sự nghiệp của y, Abakumov đã thua, đã thất bại mỗi lần y suy nghĩ và làm theo ý của y, đã thắng khi y làm theo lòng trung thành và theo lệnh. Vì vậy Abakumov chỉ làm bận đến trí óc y càng ít chừng nào càng tốt.

Y có thể hiểu rằng sáu ngày hay một tháng không có nghĩa lý gì hết so với hai năm trời đã qua. Nói cách khác, nếu trong hai năm trời mà không làm xong thì cho thêm một tháng nữa cũng vô ích. Nhưng trước mắt y, bộ tam-đầu-chế dối trá này là những kẻ có lỗi – Sevastyanov, Oskolupov, Yakanov là ba tên có lỗi và phải chịu lỗi. Nếu công tác khó khăn như thế, tại sao khi chúng nhận việc trước đây hai mươi ba tháng, chúng lại nhận hạn kỳ một năm? Tại sao chúng không đòi ba năm? (Bây giờ y đã quên rằng chính ý đã ra hạn một năm và ép buộc ba người kia phải nhận.) Nếu chúng nhất định không chịu nhận hạn kỳ một năm thì y cũng đã không chịu hạn kỳ một năm với Stalin, y đã đòi cho bằng được hạn kỳ hai năm để rồi kéo dài ra thành ba năm.

Nhưng y quên rằng chính y, y cũng không dám nói gì hết về những hạn kỳ do Stalin đưa ra. Nỗi sợ hãi tiêm nhiểm vào óc họ quá nhiều trong quá nhiều năm quen vâng lệnh như những tên nô lệ nên không một ai trong bọn họ, trước kia cũng như bây giờ, dám có can đảm chống lại can đảm ý muốn của cấp trên.

Abakumov cũng đã lo xa để dành riêng cho y được vài tháng. Y hứa với Stalin là máy điện thoại đặc biệt sẽ được trình vào ngày một tháng ba. Vì vậy, y có thể cho bọn này thêm một tháng và y cũng vẫn còn một thán để xoay trở.

Cầm cây viết máy lên, Abakumov hỏi:

“Anh nói một tháng là thế nào? Một tháng đúng hay anh lại nói láo lần nữa?”

“Một tháng. Một tháng đúng…”

Người nói câu này là Oskolupov. Mặt y tươi lên khi thấy cấp trên chấp thuận. Y có vẻ hăm hở như người ra khỏi đây là lập tức đi thẳng tới Mavrino ngồi vào bàn làm việc.

Với một cái ngoáy bút, Abakumov viết lên tập lịch để bàn:

“Rồi. Cho các người đến ngày 21 tháng giêng, ngày Kỷ niệm Lênin qua đời. Đúng ngày đó các người sẽ được lãnh giải Stalin. Sevastyanov… ngày đó có máy không?”

“Dạ… có.”

“Oskolupov … Có không? Đến ngày đó mà không có, tôi lấy đầu anh thế cho máy ạ…”

“Dạ… có. Thưa Đồng chí Tổng trưởng… tất cả những gì cần làm chỉ là…”

“Còn anh? Anh có biết những gì sẽ xảy đến với anh nếu anh hứa láo không? Đến ngày 21 tháng Giêng có máy không?”

Thâu hết can đảm, Yakanov nằn nì:

“Xin cho một tháng. Ngày mùng một tháng hai…”

“Nếu đến ngày mùng một tháng hai vẫn không có máy thì sao? Cẩn thận. Nói phải đúng. Tôi biết anh đang nói dối…”

Tất nhiên là Yakanov đang nói dối. Đáng lý ra y phải xin thêm hai tháng nữa, nhưng đã lỡ rồi, y đành hứa bằng một giọng âu sầu:

“Thưa… có.”

“Được rồi. Nhưng các người nhớ nghe… Tôi không có bắt các người phải hứa với tôi như thế. Tôi có thể tha thứ được hết trừ những kẻ nào lừa dối tôi. Cho các người đi.”

Ba kẻ thoát nạn líu ríu đi ra. Họ cũng đi theo hàng một, kẻ nọ nối gót kẻ kia, mắt họ nhìn xuống trước bức tranh Stalin cao kín bức tường.

Nhưng họ đã mừng quá sớm. Họ không biết rằng vị Tổng trưởng của họ đã giương một cái bẫy cho họ chui vào.

Ba người này vừa ra khỏi phòng được vài phút thì một người khác được đưa tới văn phòng. Tên người này được báo trước với Abakumov:

“Kỹ sư Pryanchikov.”




[1]Ilya Ehrenburg, văn sĩ Nga, tác giả những quyển tiểu thuyết Cơn bão, Cuộc sa đọa (La Tempete, La Chute) viết về đời sống của dân Nga và dân Đức trong Thế chiến thứ hai, được giải Văn chương Stalin.
[2]Auschwitz, tên một lò sát sinh do Đức Quốc xã lập lên để giết người Do Thái. Lò nằm trên đất Đức. Trong đó có lò hơi ngạt kiêm lò đốt xác người. Nạn nhân bị lùa vào phòng cả ngàn người cùng một lúc, bị xì hơi ngạt cho chết rồi xịt lửa đốt ra tro than ngay trong đó.
[3]Theodor Mommsen, sử gia người Đức, sinh năm 1817, mất năm 1903, tác giả nhiều bộ sử về văn minh cổ Hy Lạp và La Mã.
Nguồn: Tác phẩm viết bằng tiếng Nga của Aleksandr I. Solzhenitsyn, giải Văn chÆ°Æ¡ng Nobel 1970 do Nhà Harper và Row dịch và ấn hành lần thứ nhất năm 1968 ở Hoa Kỳ dÆ°á»›i nhan đề tiếng Anh The First Circle. Bản dịch tiếng Anh của Thomas P. Whitney. Bản Việt văn của Hải Triều dịch theo bản tiếng Anh của Thomas P. Whitney do Nhà xuất bản Đất Má»›i ấn hành lần thứ nhất Sài Gòn, Việt Nam, 1973. Nhà xuất bản Đất Má»›i giữ bản quyền. KD. Số 2137/PTUDV ngày 15-5-1973. Giá 900Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.