trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
12.9.2008
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Tầng đầu địa ngục
Hải Triều dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
39. Tống giam vĩnh viễn

Đột ngột, cánh cửa mở – mặc dù khi đóng lại, cửa phát ra một tiếng rầm, khi mở ra, nó hoàn toàn im lặng.

Gã nhân viên mặt dài như mặt ngựa bước qua khung cửa hẹp, gã hỏi bằng một giọng nói trầm trầm nhưng đe dọa:

"Sao lại đập cửa?"

Innokenty cảm thấy đỡ sợ hãi. Nếu gã này dám bước vào phòng tức là nơi này chưa có hơi độc.

"Tôi khó chịu, tôi đau" – chàng ấp úng nói, sự tự tin của chàng tan biến đi đâu mất rất nhanh – "Cho tôi chút nước".

Gã nhân viên nghiêm khắc cảnh cáo:

"Nghe đây… Anh không được đập cửa vì bất cứ lý do gì. Nếu không, anh sẽ bị trừng phạt".

"Nhưng… nếu tôi đau thì sao? Tôi phải gọi người chứ?"

"Đừng có la. Nếu anh cần người, chờ lúc nào có người nhìn vào, giơ một ngón tay lên. Hiểu chưa?"

Gã nhân viên thản nhiên và lơ đãng nói, như gã từng nói câu đó cả ngàn lần với cả ngàn người.

Gã lùi qua khung cửa và đóng ngay cửa lại.

Giàn máy sau bức tường chuyển động một lúc rồi lại ngừng.

Cánh cửa lại mở, lần này cửa mở với những tiếng động lớn, Innokenty bắt đầu hiểu rằng bọn gác tù ở đây đã được huấn luyện để có thể mở cửa êm nhẹ hoặc là gây tiếng động tùy theo từng trường hợp.

Gã nhân viên đưa cho Innokenty một ly nước.

"Tôi đau" – Innokenty nói trong khi tay chàng đưa ra đỡ ly nước – "Tôi cần nằm…"

"Trong "thùng" không được nằm".

Innokenty sửng sốt, chàng hỏi vội:

"Cái gì? Anh nói trong cái gì?"

Chàng đang cần được nói chuyện, dù là nói với gã mật vụ mặt khô như gỗ đá này.

Nhưng gã đã lùi ra và đóng cánh cửa lại.

Đến lúc đó Innokenty mới nhớ chàng cần nói những gì:

"Này… Kêu giùm tôi ông Quản đốc… Vì sao tôi bị bắt?"

Nhưng khóa cửa đã vang lên một tiếng "cách".

Gã nhân viên vừa dùng danh từ "thùng" để gọi gian phòng này. Đúng đây là một cái thùng. Không còn tiếng nào đúng hơn là tiếng thùng để gọi nơi này.

Innokenty đưa ly nước lên miệng. Nước trong ly ít quá. Chàng cần uống nhiều hơn. Cái ly bằng sứ màu xanh có một hình vẽ khá ly kỳ: một chú mèo mang mắt kiếng đang ngồi đọc sách nhưng thực sự là đang rình một con chim dại dột đứng gần bên.

Tất nhiên là người ta không hề có dụng ý khi chọn những cái ly có hình vẽ này để dùng trong khám đường Lubyanka, nhưng sự ngẫu nhiên này thật là thích hợp. Quyển sách mà chú mèo đang đọc là sách Luật, và con chim nhỏ khờ dại kia chính là Innokenty – một Innokenty trong ngày hôm qua.

Ý nghĩ ấy làm cho Innokenty mỉm cười, rồi bỗng dưng, chàng biết là chàng đang cười, và nụ cười ấy cho chàng thấy rõ cả bề sâu ghê gớm của vực thẳm tai họa mà chàng vừa rơi xuống. Nhưng cùng một lúc, nụ cười ấy cũng làm cho chàng vui vui. Vì khi con người còn cười được là con người còn sống. Trong chàng vẫn còn sức sống.

Chưa bao giờ chàng tin rằng có thể cười được trong khoảng thời gian nửa giờ đầu tiên bị bắt vào khám đường Lubyanka.

Innokenty đặt cái ly bên cạnh chiếc áo ngoài của chàng trên mặt bàn.

Khóa cửa động. Cánh cửa mở. Một Trung úy bước vào, tay cầm tờ giấy. Bộ mặt dài trơ như gỗ của gã Trung sĩ trực nhật hiện ra sau viên sĩ quan.

Trong bộ đồng phục của nhân viên ngành ngoại giao màu xám thêu nhánh lá vàng trước ngực, Innokenty đứng lên trước mặt viên sĩ quan.

"Trung úy" – chàng nói bằng một giọng thân mật – "Sao lại có chuyện này xảy ra? Chắc là lầm lộn sao đó chứ. Cho tôi đọc trát tống giam. Tôi chưa được đọc cả trát…"

Đôi mắt người sĩ quan nhìn chàng vô hồn như mắt bằng thủy tinh. Y hỏi chàng bằng một giọng hoàn toàn vô tình:

"Họ gì?"

"Volodin".

Người tù sốt sắng trả lời.

"Tên riêng và tên thánh?"

"Innokenty Artemich".

"Năm sinh?"

Người sĩ quan kiểm soát lại những câu trả lời của chàng với những gì được ghi trên tờ giấy y cầm nơi tay.

"Một ngàn chín trăm mười chín".

"Nơi sinh?"

"Leningrad".

Đúng lúc vị Phụ tá Cố vấn Ngoại giao của chính phủ sửa soạn nói đến chức vụ của mình và yêu cầu được can thiệp, viên Trung úy lùi ra và cánh cửa được đóng vào mũi vị Phụ tá Cố vấn.

Innokenty ngồi xuống ghế và nhắm mắt lại. Chàng bắt đầu cảm thấy sức mạnh của bộ máy hệ thống đưa hàm răng vĩ đại ra cắn lấy đời chàng.

Tiếng động cơ bên kia tường nổi lên, rồi lại im lặng.

Nhiều việc mà chàng cần phải làm, những việc quan trọng cũng như nhỏ nhặt, ào ào đến trong óc chàng cuồng lên với ý muốn chạy vội đi để làm những việc đó.

Nhưng trong cái "thùng" này không có đủ chỗ để chàng bước được một bước dài, nói gì đến chuyện có thể chạy.

Nắp che lỗ nhìn chuyển động, Innokenty đưa một ngón tay lên. Mụ đàn bà nạ dòng bận đồng phục nhân viên MGB với hai cầu vai nền xanh da trời, với bộ mặt có những nét nặng nề, buồn nản, mở cánh cửa:

"Tôi phải…"

Mụ ra lệnh:

"Chắp hai tay sau lưng. Đi…"

Làm theo lời, Innokenty bước ra hành lang. Sau bầu không khí ngột ngạt trong cái thùng hẹp ấy, chàng cảm thấy không khí trong hành lang này mát rượi.

Mụ nạ dòng dẫn Innokenty đi một quãng ngắn trên hành lang. Mụ chỉ tay vào một cánh cửa:

"Đó…"

Innokenty vào đó. Cánh cửa được đóng lại sau lưng chàng.

Nơi chàng bước vào cũng hẹp như nơi chàng vừa bước ra. Trên sàn chỉ là một cái lỗ nhỏ và hai bực sắt để đặt chân hai bên lỗ. Sàn và tường đều được lát bằng gạch đỏ. Có nước chảy trong lỗ.

Dễ chịu với ý nghĩ là ở đây, chàng có thể tránh bị nhòm ngó, dù chỉ là trong chốc lát, Innokenty ngồi xuống bực sắt.

Nhưng có tiếng động trên cánh cửa. Innokenty nhìn lên và thấy cánh cửa này cũng có lỗ nhìn. Sau làn kiếng, con mắt quái đản nhìn chàng không lúc nào ngừng.

Không thể làm được việc này khi có người nhìn, Innokenty đành đứng lên. Chàng giơ ngón tay trỏ tỏ dấu chàng sẵn sàng đi ra. Cánh cửa mở.

"Chắp hai tay sau lưng. Đi…"

Mụ đàn bà ra lệnh như một cái máy.

Trở vào "thùng", Innokenty muốn biết bây giờ là mấy giờ, theo thói quen chàng vạch cổ tay áo nhìn đồng hồ. Nhưng "thời giờ" không còn ở cổ tay chàng nữa. Hai gã mật vụ hồi nãy đã lột mật đồng hồ của chàng.

Chàng thở dài và ngồi nhìn ngắm hình vẽ con mèo đọc sách trên cái ly, nhưng chàng không có thì giờ để suy tưởng. Cửa mở. Lần này, người vào là một gã đàn ông vạm vỡ, vai to, bận chiếc áo choàng ngoài màu xám. Y hỏi:

"Họ gì?"

Innokenty bất mãn đáp:

"Tôi đã nói rồi".

Gã đàn ông nhắc lại, vô hồn như một chuyên viên vô tuyến gọi một trạm vô tuyến khác:

"Họ gì?"

"Được rồi – Volodin".

"Lấy đồ. Đi…"

Gã áo xám ra lệnh.

Innokenty cầm mũ, áo trên bàn và bước ra. Chàng được đưa trở lại gian phòng tiếp nhận, nơi chàng bị lục soát các túi và lột mất hai cầu vai áo, hai quyển sổ tay và chiếc đồng hồ.

Cái khăn mùi-soa chàng để rơi không còn trên sàn.

Innokenty nói bằng một giọng khiếu nại:

"Họ lấy đồ của tôi…"

Gã áo xám nói như chó sủa:

"Cởi quần áo".

Innokenty ngạc nhiên.

Gã áo xám nhìn vào mắt chàng. Gã nghiêm khắc hỏi:

"Anh có phải là người Nga không?"

"Phải".

Innokenty vẫn hoạt bát, nhưng lúc này chàng không còn nói gì được ngoài tiếng "phải" ngơ ngẩn ấy.

"Tôi nói anh phải hiểu chứ? Cởi quần áo".

Innokenty gượng khôi hài:

"Người Nga thì cởi quần áo, không phải là người Nga thì khỏi cởi sao?"

Gã áo xám yên lặng như đá, gã đứng chờ đợi chàng.

Với nụ cười mỉa mai và sau cái nhún vai, Innokenty ngồi xuống chiếc ghế đẩu. Chàng cởi giày, rồi cởi bộ đồng phục. Chàng đưa cái áo cho gã áo xám. Tuy chàng không coi trọng gì lắm bộ đồng phục này nhưng chàng cũng không thể coi thường được nó.

Áo xám hất hàm:

"Bỏ xuống sàn".

Innokenty do dự. Áo xám giằng chiếc áo ra khỏi tay chàng, quăng xuống sàn và đột ngột nói:

"Cởi nữa".

"Cởi nữa?"

"Cởi hết".

"Sao được? Đồng chí không thấy trời lạnh ư?"

Gã áo xám cảnh cáo:

"Không chịu, anh sẽ bị lột".

Innokenty suy nghĩ: Chàng đã bị chúng dùng sức mạnh lột đồ một lần, nhất định là chúng sẽ làm việc đó lần nữa. Rùng mình vì lạnh và ghê tởm, chàng cởi bộ đồ lót ra khỏi người và ngoan ngoãn vất lên đống quần áo.

"Cởi bí tất".

Sau khi cởi đôi vớ, Innokenty đứng trần truồng trên sàn, cặp giò trắng, không có lông của chàng cũng trần như nửa người trên.

"Há miệng ra. Lớn hơn. Nói… Aaaa… Nữa… Aaaa… Thè lưỡi ra…"

Sau khi dùng những ngón tay bẩn nắm hai má Innokenty vành ra để nhìn vào miệng chàng như khi gã xem răng một con ngựa trước khi mua, gã áo xám vành hai mắt chàng lên xem, sau khi tin chắc rằng chàng không giấu vật gì hết ở trong mồm, trong răng, trong mắt, gã nắm tóc chàng kéo ra đằng sau cho mặt chàng ngửa lên để nhìn vào hai lỗ mũi chàng. Rồi gã vành hai tai chàng ra để nhìn vào hai lỗ tai. Gã bắt chàng xòe những ngón tay ra để kiểm soát chàng có giấu vật gì giữa những ngón tay không, gã bắt chàng vung hai tay để xem chàng có giấu vật gì trong nách không.

Sau cùng, bằng giọng nói máy móc không cần trả lời, gã ra lệnh:

"Cầm dương vật bằng hai ngón tay, kéo lại. Nữa. Rồi. Đưa sang bên trái, sang bên phải. Thôi. Buông ra. Đứng quay lưng lại tôi. Dạng hai chân ra. Nữa. Cúi xuống. Thấp nữa. Vành hai mông ra. Thôi, ngồi xổm xuống. Lẹ lên".

Trong mấy ngày vừa qua, khi Innokenty tưởng tượng đến việc chàng có thể bị bắt, chàng vẫn nghĩ rằng tinh thần chàng sẽ chống cự lại quyết liệt và dữ dội lắm. Chàng đã chuẩn bị tinh thần để bảo vệ những thói quen và những tin tưởng, những giá trị nhân phẩm của chàng. Chưa bao giờ chàng ngờ rằng những gì xảy ra sẽ đơn giản, vô nghĩa và tàn nhẫn đến như thế này. Những kẻ có quyền với chàng ở đây đều là bọn nhân viên hạ cấp, bọn vô học, bọn óc thông minh và hiểu biết bị giới hạn, chúng lạnh lùng và thản nhiên không cần biết chàng là ai, vì sao chàng bị đưa đến đây. Cùng một lúc, chúng coi trọng và chú ý đến những sự kiện nhỏ nhặt mà Innokenty không hề ngờ trước, những sự kiện mà chàng không thể nào chống cự được. Dù chàng có chống cự cũng chẳng ích lợi gì cho chàng. Vì những lý do khác nhau, chúng bắt chàng làm những việc nhỏ nhen không có ý nghĩa gì so với việc quan trọng ghê gớm là việc chàng bị bắt – những việc nhỏ mà chàng thấy là không cần phải phản đối. Xong thủ tục này có cái tác dụng lớn không ngờ là bẻ gãy hoàn toàn tinh thần của người tù.

Rã rời và tuyệt vọng, Innokenty chịu đựng những nhục nhã ấy trong im lặng.

Gã áo xám ra lệnh cho chàng ngồi lên chiếc ghế đẩu thấp ở bên cửa. Ý nghĩ đầu tiên của chàng là chàng không thể để cho da thịt trần truồng của chàng chạm vào vật lạnh ấy, nhưng chàng vẫn ngồi xuống, và chàng cảm thấy sung sướng khi thấy mặt gỗ như làm ấm da thịt chàng.

Chàng từng cảm thấy nhiều cảm giác dễ chịu trong đời, nhưng cảm giác này là một cái gì mới tinh, đặc biệt. Chàng ngồi thu hai chân lại, hai tay ôm lấy đầu gối, ngồi co ro như thế chàng thấy ấm hơn.

Chàng ngồi bó gối như thế trong lúc gã áo xám đứng trên đóng quần áo của chàng, cầm từng cái lên xem thật kỹ. Gã cẩn thận giơ từng thứ lên để nhìn làn vải qua ánh đèn. Gã nắm kỹ từng ly những đường viền áo, gấu quần, xem kỹ từng cái nút. Xét kỹ xong mỗi cái, gã liệng về phía Innokenty. Chàng run rẩy đứng dậy mặc dần từng thứ vào người và cảm thấy ấm lại.

Gã áo xám lộn đôi vớ cùa chàng từ trong ra ngoài và vứt trả chàng. Rồi gã móc trong túi ra một con dao nhíp khá lớn và bắt đầu kiểm soát đôi giày của chàng. Gã đổ hai mẩu viết chì giấu trong giày ra nhưng không để lộ vẻ gì coi đó là chuyện quan trọng, gã tiếp tục khám. Gã bẻ cong đế giày xem trong đó có giấu vật gì cứng hay không. Gã dùng mũi dao cạy hai vòng dây thép cong trong giày ra, đặt lên bàn rồi cầm cái dùi xiên vào đế giày.

Innokenty đứng nhìn gã làm việc và chàng nghĩ đến chuyện đời gã cũng chẳng sung sướng gì: quanh năm và hết năm này đến năm khác, gã phải lục tìm trong quần áo lót của thiên hạ, đục đế giày, nhìn vào lỗ hậu môn. Phải làm những việc đó, mặt mũi gã rầu rĩ cũng không có gì lạ.

Nhưng ý nghĩ mỉa mai thoáng đến trong đầu óc Innokenty biến đi ngay, thay vào đó là những cảm nghỉ buồn rầu lo âu. Gã áo xám cắt và dứt hết những đường thêu trên áo chàng, rồi cắt hết nút áo. Gã cắt hết những đường viền và vải lót bên trong áo chàng. Quần chàng cũng bị cắt hết nút và vải lót. Tới chiếc áo lạnh bận ngoài của chàng, gã có vẻ chú ý hơn, vì gã thấy có cái gì cứng ở trong miếng độn vai áo. Một bản danh sách? Hay một ve thuốc độc? Tháo được hai miếng độn vai ra khỏi áo, gã xem xét rất lâu, nét mặt gã lúc nào cũng chú ý và nghiêm trọng như gã là một bác sĩ giải phẫu đang thực hiện cuộc mổ tim người.

Cuộc kiểm soát này kéo dài tới nửa tiếng đồng hồ. Sau cùng, khi đã tin chắc rằng không còn có vật gì gã muốn tìm còn sót trong quần áo, giày vớ của Innokenty, gã vứt nốt cái áo cuối cùng cho chàng và bắt đầu nhặt nhạnh những chiến lợi phẩm cất đi. Dây lưng và dây nịt vớ của chàng đều bị tước. Cùng với hai thứ đó là cà-vạt, nút cài cà-vạt, nút cài cổ tay áo, hai vòng dây thép cong trong giày, hai mẩu viết chì, những sợi dây vàng thêu trên áo chàng và những nút quần, nút áo. Đến lúc đó Innokenty mới bắt đầu hiểu và sợ phục công cuộc tàn phá mà gã áo xám đã làm. Không hiểu vì sao việc phải mặc quần không có dây thắt lưng, không có nút, làm cho Innokenty xúc động và khổ sở hơn tất cả những hành hạ chàng đã phải chịu từ lúc bị bắt tới giờ.

"Sao lại cắt nút quần tôi?" Chàng hỏi.

"Cấm".

Gã áo xám đáp gọn.

"Không có dây lưng làm sao tôi giữ quần khỏi tụt?"

Đã đi ra tới cửa, gã nói không ngoảnh lại:

"Lấy dây buộc".

"Lấy dây? Làm gì có dây? Lấy ở đâu?"

Nhưng cánh cửa đã đóng lại và khóa ở bên ngoài.

Innokenty không đấm cửa, không kêu la, không năn nỉ. Chàng nhận thấy vẫn còn vài cái nút được để lại trên áo chàng và việc này là một điều đáng mừng.

Chàng học hỏi được rất nhanh.

Hai tay xốc quần cho khỏi tụt, chàng đi vài bước trong phòng. Nhưng chàng thưởng thức khoảng không gian tương đối rộng rãi này chưa được lâu – chàng mới được có một vòng phòng – khóa cửa đã lách cách vang lên. Một gã đàn ông khác bước vào, bận cái áo choàng bẩn. Gã nhìn Innokenty như nhìn một vật quen thuộc vẫn có từ lâu lắm trong phòng này và đột ngột ra lệnh:

"Cởi quần áo!"

Innokenty muốn tỏ ra giận dữ, hung hãn, nhưng những gì thốt ra được từ cổ họng tắc nghẹn vì xúc động của chàng chỉ là một câu than thở yếu ớt:

"Tôi vừa mới mặc quần áo vào xong. Sao họ không bảo tôi đừng mặc vội?"

Nhưng chàng than thở vô ích. Gã đàn ông thản nhiên đứng đó nhìn chàng với nét mặt vô hồn, chờ đợi chàng làm theo lệnh gã, Innokenty cởi quần áo, cởi giày.

"Ngồi xuống".

Gã đàn ông chỉ tay xuống cái ghế đẩu Innokenty vừa co ro ngồi hồi nãy.

Người tù trần truồng ngồi xuống, chàng không còn nghĩ tại sao phải ngồi, ngồi để làm gì. Thói của những người tự do nghĩ đến việc mình làm trước khi làm đã biến mất trong chàng. Gã đàn ông nắm lấy gáy chàng và những lưỡi kéo nghiến mạnh vào tóc chàng.

"Anh làm gì?" – Innokenty rùng mình nói, chàng cố nghiêng đầu – "Ai cho anh quyền cắt tóc tôi? Tôi vẫn chưa bị bắt mà".

Trong cơn xúc động, chàng không biết là chàng phải nói: "Tôi vẫn chưa bị tòa kết án".

Nhưng gã thợ hớt tóc nắm tay vẫn ghì chặt ót chàng và những nhát kéo đẩy mạnh. Đốm lửa phản kháng vừa lóe lên trong Innokenty tắt đi ngay. Nhà ngoại giao trẻ tuổi, kiêu hãnh, lịch sự, hào hoa, tự tin, quen thuộc với việc lên xuống những chiếc phi cơ chở khách liên lục địa, thường thản nhiên trước cảnh hào nhoáng và đông đảo của đô thị Âu châu phồn hoa, nay chỉ còn là một sinh vật giống đực, gầy gò, trần truồng, yếu đuối với cái đầu có mái tóc bị cắt sát vào đến sọ.

Những lọn tóc nâu của Innokenty rơi xuống từng nắm như tuyết. Chàng cầm lấy ít sợi và trìu mến xoe xoe chúng giữa hai ngón tay. Chàng cảm thấy tự yêu chàng và yêu cuộc sống đang rời bỏ thân thể chàng.

Chàng nhớ lại ý nghĩ hồi nãy của chàng là thái độ đầu hàng, sự cam chịu có thể bị coi là có tội. Chàng nhớ lại quyết định hồi nãy của chàng là phải phản kháng, phải tranh luận, phải cãi cọ, phải đòi gặp cho bằng được kẻ đã ký giấy bắt giam chàng, nhưng trái ngược với những quyết định ấy, tinh thần chàng đã bị tiêu diệt. Chàng đang ở trong trạng thái thản nhiên êm đềm của người từ từ chết vì lạnh trong băng tuyết.

Sau khi gã thợ hớt tóc đã cắt xong tóc Innokenty, gã bắt chàng đứng lên và giơ cao hai tay để gã cắt lông nách chàng. Rồi gã ngồi xổm xuống và cũng với cây kéo ấy, cắt lông ở bụng chàng. Việc này làm cho Innokenty ngạc nhiên, bất giác chàng rùng mình và gã thợ gừ lên một tiếng cảnh cáo chàng.

"Bây giờ tôi mặc áo vào được chưa?"

Innokenty hỏi khi gã nọ đã làm xong.

Nhưng gã không đáp, gã chỉ lẳng lặng đi ra và khóa cửa lại.

Lần này, kinh nghiệm cho Innokenty biết rằng chàng không nên vội bận quần áo. Chàng cảm thấy da thịt ngứa ngáy khó chịu và đưa tay lên sờ đầu, lần đầu tiên chàng cảm thấy những sợi tóc dựng đứng tua tủa trên đó. Ngay từ thời còn là trẻ thơ, chưa lần nào Innokenty cắt tóc ngắn hết.

Chàng bắt đầu bận quần áo. Nhưng khi chàng vừa kéo được cái quần không dây lưng lên, khóa cửa lách cách vang lên, một gã nhân viên bước vào, tay cầm một tấm giấy dày khá lớn. Gã này có cái mũi bự.

"Họ gì?"

"Volodin".

Người tù trả lời ngay mặc dù chàng cảm thấy buồn nôn vì những câu hỏi lý lịch liên tiếp và dài lê thê này.

"Tên họ và tên thánh?"

"Innokenty Artemich".

"Năm sinh?"

"Một ngàn chín trăm mười chín".

"Nơi sinh?"

"Leningrad".

"Cởi ra".

Chỉ lờ mờ hiểu có những việc gì đang xảy ra quanh mình, Innokenty lại cởi quần áo. Chiếc áo lót của chàng rơi từ mặt bàn xuống sàn nhà dơ dáy nhưng chàng chỉ nhìn nó rơi xuống không chút kinh tởm, và chàng cũng không vội vã cúi xuống lượm nó lên.

Gã mũi bự đi quanh người chàng, nhìn kỹ mặt mũi, thân thể và ghi những nhận xét của gã xuống tờ giấy. Khi thấy gã chú ý tìm những dấu vết đặc biệt của chàng, Innokenty hiểu rằng gã đang thiết lập bản lý lịch thân xác chàng để cho vào hồ sơ.

Rồi gã Mũi Bự cũng xong việc và đi ra.

Không bận quần áo, Innokenty ngồi xuống ghế.

Cánh cửa lại động. Một thiếu phụ to lớn, tóc đen, bận áo choàng trắng tinh bước vào. Ả có nét mặt kiêu căng, thô bạo và những cử chỉ giả tạo của một người trí thức.

Innokenty giựt mình khi thấy người vào phòng là đàn bà, chàng vớ lấy cái quần lót che thân, nhưng ả đàn bà trừng mắt nhìn chàng với vẻ khinh thị không cần che giấu, hơi trề môi dưới ra, ả hỏi:

"Có chấy, rận không?"

"Tôi là một nhà ngoại giao".

Innokenty bị chạm tự ái nặng, chàng nhìn thẳng vào đôi mắt đen đặc biệt của dân Armenia trên mặt ả đàn bà trong khi chàng nói câu đó, hai tay chàng vẫn khư khư giữ cái quần lót trước bụng.

"Thì sao? Anh có gì cần khai không?"

Innokenty vội vã:

"Có chứ. Nhiều lắm. Tại sao tôi lại bị bắt? Tôi muốn đọc kỹ trát bắt tôi. Tôi muốn gặp ông Chưởng lý, ông Quản đốc…"

Ả đàn bà nhíu lông mày:

"Không ai hỏi anh những chuyện ấy. Có bệnh hoa liễu không?"

"Cái gì?"

"Anh có bị giang mai, lậu, hột xoài? Phong cùi? Ho lao? Có bệnh gì khác không?"

Và ả đi ra không cần chàng trả lời.

Gã nhân viên đầu tiên chàng gặp ở đây, gã có bộ mặt như cái mặt ngựa, bước vào phòng. Innokenty cảm thấy ấm lòng khi chàng nhìn thấy mặt gã, vì gã này là người duy nhất ở đây không nạt nộ chàng, không làm chàng phải đau đớn.

"Sao không bận quần áo vào?" – Gã mặt dài hỏi như gắt – "Mặc vào. Lẹ lên!"

Nhưng bây giờ, việc mặc quần áo với Innokenty không còn là việc dễ làm nữa. Gã mặt dài để chàng ở đó một mình và Innokenty giải quyết tình trạng thiếu dây lưng của chàng bằng cách mà cả triệu tù nhân trước của chàng đã dùng: lấy dây giày buộc lưng quần. Chỉ đến lúc này chàng mới biết rằng những miếng sắt nhỏ xíu gắn ở những đầu dây giày đã bị cắt mất. Chàng chưa được biết rằng trong khám đường Lubyanka, những người có quyền tin rằng tù nhân có thể dùng những mẩu sắt nhỏ ấy làm cưa và cưa được song sắt.

Chàng buộc được lưng quần nhưng chưa biết làm cách nào giữ cho hai vạt áo mất nút khép lại được.

Gã mặt dài, nhìn qua lỗ nhòm trên cánh cửa thấy tù nhân đã mặc xong quần áo, mở cửa vào, ra lệnh cho tù nhân chắp hai tay sau lưng, đi sang một gian phòng khác. Ở đây có gã mũi bự mà Innokenty đã biết, đang ngồi.

Gã mũi bự nói ngay khi Innokenty vừa bước vào:

"Cởi giày".

Việc này không có gì khó, vì đôi giày của Innokenty không còn dây buộc, cả hai chiếc vớ của chàng, bị mất dây thun chằng, tụt xuống cổ chân chàng.

Sát tường có một cái cân bàn và một cây đo để lấy chiều cao của chàng, ghi xuống giấy.

"Đi giày".

Ra đến cửa, gã mặt dài ra lệnh:

"Tay chắp sau lưng".

Từ đó về đến thùng số 8 chỉ có mấy bước nhưng gã vẫn ra lệnh cho chàng phải chắp hai tay sau lưng.

Innokenty bị nhốt trở lại trong "thùng".

Bên kia bức tường, giàn máy nào đó vẫn chạy, vẫn ngừng.

Hai tay nắm hai vạt áo, kéo sát vào người, Innokenty mệt mỏi ngồi xuống ghế. Kể từ giây phút vào khám đường Lubyanka, chàng chỉ được thấy ánh đèn sáng rực, những bức tường như muốn ép chàng, nghiến chàng và những bộ mặt vô hồn của bọn cai ngục lầm lì. Những thủ tục mà bọn cai ngục bắt chàng phải qua, đối với chàng, đều khôi hài như trò trẻ con. Chàng không nhận thấy là những trò đó là một chuỗi dài sự kiện hợp lý và có nghĩa: trước hết là cuộc khám xét tù nhân do những kẻ đi bắt về thực hiện, rồi đến việc lập hồ sơ lý lịch tù nhân, việc vào sổ tên tuổi tù nhân do ban quản đốc khám đường thực hiện sau khi tiếp nhận tù nhân, cuộc khám xét căn bản khi tù nhân tiếp nhận, cuộc khám xét về y tế, việc ghi nhận những dấu vết đặc biệt trên thân thể tù nhân. Việc kiểm soát vệ sinh. Những thủ tục này làm cho kẻ bị bắt mất thăng bằng về tinh thần, mất khả năng lý luận và sức đối kháng. Giờ đây, nỗi khổ sở duy nhất đang hành hạ, dày vò Innokenty chỉ là nỗi khổ thèm ngủ. Sau khi nghĩ rằng như vậy là họ sẽ không còn hỏi đến chàng nữa trong đêm nay và đây là lúc chàng có thể ngủ, Innokenty đặt cái ghế đẩu lên mặt bàn để lấy chỗ nằm dưới sàn. Chàng trải cái áo ngoài lên sàn và nằm co quắp trên đó. Chỉ trong ba tiếng đồng hồ đầu tiên phải sống trong khám đường Lubyanka, chàng đã có được những quan niệm về vấn đề ăn ngủ. Với hai đầu gối co sát lên tới cằm, đầu ngoẹo trong góc tường, trước khi toàn thân chàng tê cứng, chàng cảm thấy dễ chịu.

Nhưng chàng chưa ngủ được say, cánh cửa "thùng" đã mở với những tiếng động cố ý.

"Đứng lên…"

Mụ đàn bà ra lệnh.

Innokenty chỉ còn đủ sức để mở mắt nhìn hai bàn chân thô trong đôi giày nhà binh đặt gần mặt chàng.

"Đứng lên… Đứng lên…"

Chàng nghe tiếng giục đã cấp bách vang trên đầu chàng.

"Tôi buồn ngủ. Tôi mệt quá, cho tôi ngủ".

"Đứng lên… Đứng lên…"

Chàng nghe tiếng giục đã cấp bách vang trên đầu chàng.

"Tôi buồn ngủ. Tôi mệt quá, cho tôi ngủ".

"Đứng lên…"

Mụ đàn bà quát lớn, mụ cúi xuống chỗ chàng nằm như một mụ phù thủy hiện ra trong ác mộng.

Innokenty khó khăn ngồi dậy rồi đứng lên. Chàng thều thào:

"Làm ơn cho tôi đến đâu đó, chỗ nào tôi có thể nằm ngủ…"

"Cấm không được ngủ".

Mụ phù thủy mặc đồng phục nhân viên Mật vụ màu xanh chặn lời chàng, mụ lùi ra, đóng cửa lại.

Innokenty đứng dựa lưng vào tường trong lúc mụ đàn bà nhìn chàng qua lỗ nhòm. Mụ nhìn chàng như thế một lúc lâu, bỏ đi, rồi trở lại nhìn nữa, rồi bỏ đi.

Một lần nữa, Innokenty lại nằm gục trên sàn. Chàng lợi dụng khoảng thời gian ngắn mụ đàn bà không nhìn để ngủ.

Và một lần nữa, khi chàng vừa chợp ngủ, cánh cửa lại mở với một tiếng động lớn.

Lần này, người tới là một gã đàn ông, gã cao lớn, vạm vỡ như một anh thợ rèn hoặc một công nhân chuyên đập đá tảng. Gã đứng giữa khung cửa trong chiếc áo choàng trắng.

"Họ gì?" Gã nói.

"Volodin".

"Mang đồ đi".

Innokenty nhặt áo và mũ, với đôi mắt lờ đờ, chàng loạng choạng đi theo gã đàn ông. Lúc này, chàng ở trong tình trạng kiệt lực, hai chân chàng bước đi với những bước cao thấp không đều, chàng chỉ còn vừa đủ sức để đi nhưng không ghi nhận được gì chung quanh. Nếu có thể được, chàng nằm vật xuống lối đi và ngủ say ngay tức thì.

Chàng bị dẫn đi qua một lối đi nhỏ, hẹp, đục sâu trong những bức tường dày, rồi vào một hành lang khác, hành lang này bẩn thỉu, dơ dáy hơn hành lang chàng vừa rời bỏ, sau cùng, chàng được dẫn tới một cửa phòng tắm. Ở đây, sau khi dúi vào tay chàng một miếng xà-bông nhỏ hơn bao quẹt, gã đàn ông bảo chàng cởi quần áo vào đó tắm.

Innokenty phản ứng chậm chạp. Chàng quen tắm trong phòng tắm sáng choang, sạch bóng như gương. Phòng tắm bằng gỗ này, có thể là sạch với một người thường, đối với chàng thật bẩn. Chàng tìm một chỗ tương đối sạch trên mặt ghế dài và cởi quần áo để lên đấy. Rồi chàng co ro bước đi trên bậc gỗ còn ướt những vết chân, vết giày. Chàng không muốn cởi quần áo, không tắm, chỉ vào đấy rồi đi ra nhưng gã thợ rèn theo vào tận nơi, giục chàng vào đứng dưới vòi nước.

Có bốn vòi nước trên cao chảy vào chỗ đứng tắm, có đủ nước nóng, nước lạnh – nước nóng là thứ hiếm có trong nhà tù – nhưng Innokenty chưa biết nước nóng là quý. Và chàng cũng chưa biết thưởng thức điều kiện hy hữu là bốn vòi nước cho một người tắm. Nếu chàng biết rằng bốn người tù phải đứng tắm chung dưới một vòi nước, có thể chàng đã khoan khoái khi thấy một mình chàng được hưởng thụ bằng mười sáu người. Chàng đã vứt miếng xà bông ghê tởm đi. Trong suốt ba mươi năm trời chàng sống, chưa bao giờ chàng phải cầm đến một miếng xà-bông bẩn thỉu đến như vậy, hơn thế nữa, chàng còn không biết rằng ở đời này có những miếng xà-bông bẩn như thế. Trong vài phút đứng dưới vòi nước, chàng chỉ chú ý đến việc làm cho bụng dưới chàng sạch những sợi lông, tóc bị cắt làm cho chàng ngứa ngáy. Rồi, với cảm giác chàng chưa hề tắm gì cả, chàng chỉ vừa làm cho da thịt chàng dơ bẩn hơn, chàng trở lại chỗ để quần áo.

Nhưng quần áo của chàng không còn để trên mặt ghế nữa. Họ đã lấy mang đi hết quần áo của chàng, kể cả đồ lót, chỉ còn đôi giày của chàng là còn nằm dưới gầm ghe. Cửa phòng đóng, khóa bên ngoài. Innokenty không còn có thể làm được việc gì khác ngoài việc ngồi lom khom trên ghế, trần truồng, như pho tượng "người suy tưởng" của nhà điêu khắc Rodin.

Rồi gã đàn ông đem vào cho chàng một bộ đồ lót nhà tù bằng vải dày, thô cứng, từng được giặt nhiều lần. Mặt trước, mặt sau cái áo lót, cái quần lót này đều có in hai chữ "Khám đường". Ngoài hai thứ đó là một mảnh vải vuông gấp tư mà Innokenty không nhận được ngay đó là cái khăn tắm. Nút quần lót bằng giấy bồi và đã bị mất một, hai nút. Lưng quần thắt bằng dây, nhưng sợi dây này cũng đã đứt. Cái quần cụt quá chật, quá ngắn, bó sát hai mông chàng, cái áo lót lại quá rộng, quá dài. Gã thợ rèn không nghe nói đến chuyện đổi cho chàng bộ khác bởi vì chàng đã bận bộ này vào người rồi.

Khó chịu, ngượng nghịu trong bộ đồ lót mới nay, Innokenty ngồi chờ rất lâu trong gian phòng bên ngoài. Họ cho chàng biết rằng quần áo của chàng đang nằm trong "lò hấp". Danh từ này mới lại với Innokenty, chàng không tưởng tượng được "lò hấp" là cái gì.

Cuộc tắm đêm bất đắc dĩ đã xua đuổi cơn buồn ngủ ra khỏi Innokenty, bây giờ chàng chỉ còn thấy mệt. Cơn mệt mỏi ghê gớm đến đè nặng lên chàng. Chàng khao khát được ngả lưng trên một cái gì khô và ấm, nằm bất động và phục hồi sức lực. Nhưng chàng cũng không muốn nằm trên mặt sàn ướt nhớp nháp này.

Cửa mở, nhưng người vào không phải là gã thợ rèn, quần áo của chàng cũng chưa được mang vào. Người vào phòng là một thiếu nữ có bộ mặt vuông hồng hào, bận thường phục, Innokenty lúng túng vì cái quần cụt mất nút, lom khom đứng lên. Người thiếu nữ đưa cho chàng tờ biên nhận bằng giấy hồng, bảo chàng ký lên đó – tờ biên nhận ghi rằng: Hôm nay ngày 26 tháng 12, Khám đường của Cơ quan MGB, Liên bang Xô Viết, có nhận tạm giữ của tên Volodin: 1 đồng hồ tay bằng kim khí vàng, 1 bút máy cũng bằng kim khí vàng, một cây cài cà-vạt có viên đá nhỏ, một cặp nút cài tay áo có hai viên đá xanh.

Innokenty lại ngồi chờ, đầu gục xuống. Sau cùng, họ đem áo quần tới trả chàng. Chiếc áo choàng ngoài còn nguyên không hề hấn gì trong khi cái áo veste và quần của chàng nhàu nát, co rúm và hãy còn nóng ran.

"Sao các anh không cẩn thận bộ đồng phục cũng như cái áo ngoài này giùm tôi có được không?" Innokenty giận dữ hỏi.

Gã thợ rèn nghiêm giọng trả lời:

"Cái áo ngoài này bằng lông thú. Anh phải hiểu chứ".

Giờ đây, sau khi bị hấp trong "lò hấp", cả bộ quần áo của Innokenty cũng trở thành xa lạ với chàng. Với cảm giác khó chịu do áo quần lạ gây ra, Innokenty được đưa trở về "thùng" số 8.

Chàng hỏi xin hai ly nước và uống ngon lành. Ly đựng nước cũng có vẽ hình con mèo đọc sách.

Rồi một thiếu nữ khác lại đến, đưa cho chàng một tờ biên nhận màu xanh để chàng ký. Biên nhận này ghi: Hôm nay, ngày 27 tháng 12, Khám đường của Cơ quan MGB, Liên bang Xô Viết, có nhận để tạm giữ của tên Volodin những món sau đây: một sơ-mi lụa, một bộ đồ lót lụa, một dây lưng da, một dây cà-vạt. Bây giờ đã là 27 rồi ư?

Giàn máy bí mật sau bức tường vẫn tiếp tục phát ra tiếng động.

Sau khi bị nhốt trở lại, Innokenty ngồi khoanh hai tay trên mặt bàn và gục đầu xuống đó, chàng định ngủ ngồi.

"Cấm".

Một viên canh tù mới mở cửa sủa vào.

"Cái gì cấm?"

"Cấm gục đầu xuống bàn".

Innokenty đành ngồi chờ, tâm trí chàng hoảng loạn.

Một hồi nữa, họ lại mang đến một tờ biên nhận để chàng ký. Biên nhận này bằng giấy màu trắng, trên ghi Khám đường của Cơ quan MGB, Liên bang Xô Viết có nhận để tạm giữ của tên Volodin số tiền là 123 đồng ruble.

Thêm một nhân viên nữa tới, người này bận cái áo choàng màu xám. Mỗi lần mang biên nhận đến cho Innokenty ký, người ta đều hỏi tên họ chàng. Lần này, nhân viên mới đến lại hỏi lý lịch chàng từ đầu đến cuối. Họ gì? Tên riêng và tên thánh? Năm sinh? Nơi sinh?

Rồi gã nhân viên bảo chàng:

"Xong rồi. Đi…"

"Xong gì? Đi đâu?" Innokenty ngơ ngác hỏi lại.

"Bỏ đồ của anh lại đó. Đi theo tôi. Hai tay chắp đằng sau…"

Trong hành lang, bọn cai tù nói nhỏ hơn, đề phòng tù nhân bị nhốt trong những "thùng" bên cạnh nghe thấy.

Tắc lưỡi theo kiểu gọi chó, gã nhân viên áo xám mới đến đưa Innokenty tới một gian phòng lớn. Phòng này không có vẻ là một gian phòng trong nhà tù, các cửa sổ phòng đều có màn che kín, trong phòng có bàn ghế, tủ. Innokenty được chỉ cho ngồi xuống một cái ghế đặt ở giữa phòng. Chàng yên trí là họ sắp thẩm vấn chàng.

Nhưng họ chỉ đẩy ra trước mặt chàng một giàn máy chụp hình đặt trên giá gỗ. Họ bật đèn sáng trưng chung quanh chàng và họ chụp hình chàng.

Gã áo xám đưa Innokenty đến đây nắm lấy từng ngón bàn tay mặt của chàng, lăn trên mặt kiếng dính mực in nhơm nhớp rồi ấn xuống mặt giấy. Dấu chỉ tay của năm ngón tay chàng hiện trên mặt giấy.

Sau tay mặt, đến lượt những ngón tay của bàn tay trái.

Trên những dấu ấy là hàng chữ "Volodin, Innokenty Artemich, 1919, Leningrad" và trên tất cả là hàng chữ in đen đậm:

TỐNG GIAM VĨNH VIỄN

Đọc bốn chữ này, Innokenty rùng mình. Những chữ này có một cái gì huyền bí, siêu nhân, siêu nhiên.

Họ đưa chàng đến rửa tay ở bồn nước trong góc phòng. Ở đây có xà bông, bàn chải, nước lạnh. Dấu mực in không chịu đi và không ăn nước. Innokenty dùng bàn chải có xà-bông đánh ngón tay, chàng không nghĩ đến sự hợp lý của việc cho đi tắm trước rồi lấy dấu tay sau.

Tâm trí nhàu nát và cam chịu của chàng đang bị thôi miên ám ảnh bởi những chữ ghê gớm, những chữ địa chấn:

TỐNG GIAM VĨNH VIỄN


40
Trận gió thứ nhì

Trong đời Innokenty, chưa bao giờ chàng phải sống một đêm dài vô tận đến như thế. Chàng không ngủ qua một phút nào và chỉ nội trong một đêm, những tưởng tượng quay cuồng trong óc chàng nhiều hơn số tư tưởng của một người thường có trong cả một tháng. Chàng đã nghĩ nhiều kể từ lúc đồng phục nhân viên ngành ngoại giao của chàng bị họ lột mất những dây vàng, khi chàng trần truồng ngồi chờ sau khi tắm và trong lúc chàng bị nhốt trong "thùng".

Giờ đây tâm trí chàng lại bận suy nghĩ vì những chữ "Tống giam vĩnh viễn".

Như vậy có nghĩa là dù họ có chứng minh được rằng chàng có đúng là người gọi điện thoại hay không – ít nhất bây giờ chàng cũng đã biết chắc rằng cuộc điện đàm ấy bị nhân viên mật vụ nghe lén – một khi họ đã bắt chàng, họ sẽ không để chàng trở ra nữa. Chàng đã biết rằng Stalin sẽ không bao giờ để cho ai trở lại với cuộc sống. Chàng sẽ may mắn nhiều nếu mai đây, họ cho chàng đến một trại tập trung, với tội trạng của chàng, họ sẽ nhốt chàng vào một nhà tù kín được cải biến thành nhà giam, ở đó họ sẽ cấm chàng không được ngồi suốt ban ngày hoặc không được nói nửa tiếng trong nhiều năm. Sẽ không một ai biết gì về chàng, và chàng sẽ không được biết qua sự kiện gì xảy ra trên thế giới, ngay cả khi nguyên một lục địa thay đổi màu cờ, hay loài người đặt chân lên mặt trăng, chàng cũng không hề hay biết. Và những tù nhân không có tiếng nói có thể bị bắn chết trong những phòng giam cô đơn. Việc ấy từng xảy ra…

Nhưng chàng có thực sự sẵn sàng chờ đón cái chết hay không?

Thoạt đầu, Innokenty sốt sắng chờ đợi bất cứ một việc nhỏ nhặt nào xảy đến với chàng, như cửa mở, người vào, bất kỳ việc gì làm ngừng sự cô đơn của chàng trong cuộc sống xa lạ mới trong tù. Nhưng giờ đây, chàng lại muốn được ngồi yên để suy nghĩ, để nắm bắt cái tư tưởng tuy rất quan trọng nhưng hãy còn mơ hồ trong óc chàng. Vì vậy, chàng hài lòng khi họ đưa chàng trở lại nhốt vào "thùng" và để chàng ngồi yên đấy trong một thời gian khá lâu mặc dù họ vẫn đều đều nhóm ngó chàng qua lỗ nhìn.

Bỗng dưng, làn sương mờ bao phủ tâm trí chàng tan đi. Tất cả những gì Innokenty đã đọc, đã suy nghĩ trước đây về cuộc sống, cái chết của con người hiện ra, rõ ràng, minh bạch.

Bây giờ, khi chàng không thể có giấy bút để ghi lại chúng, nhưng tư tưởng hiện trong óc chàng trở thành quý báu hơn. Chàng nhớ lại rõ rệt một câu từng làm chàng suy nghĩ và nghi ngờ trước kia:

"Không nên sợ những đau khổ vật chất. Đau khổ vật chất không đáng kể, những đau đớn do vật chất gây ra bao giờ cũng chóng qua".

Phải ngồi không được ngủ trong một cái "thùng" hẹp, không có khí trời, không duỗi thẳng được chân ra, trong nhiều ngày… là một đau đớn đáng kể hay không đáng kể? Sự đau đớn ấy dài lâu hay ngắn ngủi? Nếu phải sống mười năm không được nghe tiếng người, con người có đau đớn hay không?

Trong phòng chụp hình và lăn tay, Innokenty để ý thấy thời gian lúc đó là một giờ đêm. Bây giờ chắc đã quá hai giờ đêm. Một ý nghĩ vô lý kéo theo một ý nghĩ nghiêm trọng khác đến trong óc chàng: chiếc đồng hồ đeo tay của chàng đã bị người ta bỏ vào một ngăn tủ kín, nằm trong đó sẽ chạy mãi cho đến lúc dây thiều của nó giãn hết, đến lúc đó nó sẽ ngừng chạy. Sẽ không ai lên dây nó và cho đến lúc chủ nhân nó chết hoặc những vật sở hữu của y bị sung công, cái đồng hồ ấy chỉ còn chỉ giờ – giờ lúc nó ngừng chạy. Cái đồng hồ của chàng sẽ chỉ mấy giờ, mấy phút?

Và Dotty, vợ chàng, có chờ đợi chàng về đón nàng đi coi hát không? Nàng có gọi điện thoại đến Bộ Ngoại giao hỏi về chàng không? Chắc là không, nhân viên mật vụ sẽ đến khám xét nhà chàng. Với một tầng lầu rộng như thế, năm người sẽ phải lục soát suốt đêm mới xong. Bọn đó sẽ tìm thấy những gì?

Chắc là Dotty sẽ xin ly dị và sẽ sớm lấy chồng khác.

Và ông già vợ của chàng, ông Biện lý Pyotr Makarygin, chắc sẽ hận chàng lắm – chàng làm cho sự nghiệp của ông ta đổ vỡ, việc có một anh con rể bị tù chung thân sẽ như là một án tích trên lý lịch của ông ta – Ông ta sẽ công khai tố cáo chàng tội phản quốc trước hơn hết mọi người.

Tất cả mọi người từng quen biết Cố vấn Volodin sẽ, vì lòng yêu nước – quên chàng, xóa chàng trong ký ức của họ.

Con thủy quái khổng lồ câm nín sẽ bóp nghẹt chàng và sẽ không còn ai trên mặt đất này được biết gì về chàng.

Và chàng còn náo nức muốn sống để xem thế giới này sẽ ra sao. Rồi đây mọi khác biệt trên trái đất sẽ dung hòa, chiến tranh sẽ không còn xảy ra nữa. Những biên giới phân chia giữa những quốc gia sẽ được xóa bỏ, cả những quân đội sẽ không còn. Sẽ có một quốc hội chung cho cả thế giới. Sẽ có một ngày ông Tổng Thống chế Thế giới được bầu lên. Ông này sẽ ngả mũ trước nhân loại và nói…

"Mang đồ đi".

"Cái gì?"

"Mang đồ đi".

"Đồ gì?"

"Mấy cái quần áo rách của anh đó".

Innokenty đứng dậy, hai tay ôm cái áo ngoài và cái mũ của chàng. Trong hành lang, bên cạnh người gác hành lang, xuất hiện một gã Trung sĩ vạm vỡ, hỗn hào bận đồng phục MGB. Innokenty nghĩ đến chuyện họ tuyển lựa những tên này ở đâu ra và họ trao cho chúng những chức vụ gì.

Nhìn vào tờ giấy trên tay, gã Trung sĩ hỏi:

"Họ gì?"

"Volodin".

"Tên riêng, tên thánh?"

"Innokenty Artemich".

"Năm sinh?"

"Các anh còn hỏi tôi bao nhiêu lần nữa?"

"Năm sinh?"

"1919".

"Nơi sinh?"

"Leningrad".

"Lấy đồ đi. Mau".

Gã đi trước, miệng tắc lưỡi.

Lần này Innokenty được đưa đi qua hành lang xuống một cái sân tối. Ý nghĩ chợt đến trong óc Innokenty: họ đưa chàng đi bắn. Người ta nói rằng những cuộc xử bắn bao giờ cũng được thực hiện trong đêm khuya.

Rồi chàng tự hỏi: Nếu họ định bắn mình, họ còn đưa cho mình ký giấy nhận đồ làm gì? Không, chắc là không phải đâu.

Cho đến lúc này Innokenty vẫn còn tự tin ở sự hợp lý của những con quái vật trăm tay này.

Vừa đi vừa tắc lưỡi theo kiểu gọi chó, gã Trung sĩ hỗn xược đưa chàng qua sân, vào một tòa nhà khác và tới một thang máy. Một người đàn bà trẻ, đứng cạnh một bao quần áo vừa giặt xong, tránh sang một bên trong lúc chị nhìn Innokenty theo gã Trung sĩ bước vào thang máy. Mặc dù chị thợ giặt này không đẹp, lại ở một giai cấp thấp kém, và cũng nhìn Innokenty với cái vẻ thản nhiên, lạnh lùng như tất cả mọi người chàng gặp ở đây, Innokenty vẫn cảm thấy bị xúc động vì những người thiếu nữ đem biên nhận đến cho chàng ký. Có thể chị thợ giặt này còn thương hại chàng vì chàng tơi tả, khổ sở quá.

Nhưng thương hại hay không thì có quan trọng gì đâu, khi chàng bị "tống giam vĩnh viễn".

Gã Trung sĩ đóng cửa thang máy và nhấn một nút điện không đánh số tầng lầu.

Giàn máy kéo thang vừa chuyển động, Innokenty nhận ra ngay đây là một tiếng máy bí mật đã làm chàng nghĩ rằng đó là máy nghiền nát xương người trong những phút đầu chàng bị nhốt vào "thùng" số 8.

Chàng mỉm cười buồn rầu, sự lầm lẫn vô hại này làm cho tinh thần chàng lên được đôi chút.

Thang máy ngừng. Gã Trung sĩ đưa Innokenty đi thẳng tới một gian phòng rộng có viên giám thị bận đồng phục. Chàng bị nhốt ngay vào một "thùng" không có số. "Thùng" này rộng hơn nhưng có vẻ dơ dáy hơn. Sát tường có một cái bục gỗ dính liền vào tường đủ chỗ cho ba người cùng ngồi. Không khí trong "thùng" này lạnh giá. Cửa cũng có lỗ nhìn nhưng chàng không bị nhòm ngó nhiều bằng bên kia.

Từ bên ngoài vang vào tiếng chân đi, tiếng giày lên trên sàn. Những viên giám thị tấp nập đi ngang. Khám đường này có cuộc sống ban đêm thật nhộn nhịp.

Lúc mới bị đưa vào đây, Innokenty tưởng rằng chàng sẽ bị nhốt mãi trong cái "thùng" số 8 quá hẹp, quá nóng, quá sáng đèn ấy, và chàng đã lo sợ, khổ sở vì ở đó không có chỗ cho chàng duỗi chân, ở đó không đủ không khí cho chàng thở và ánh đèn sáng rực làm chàng chói mắt. Giờ đây chàng thấy chàng đã lầm, và chàng hiểu rằng chàng sẽ phải sống trong cái "thùng" khá rộng nhưng lạnh giá, trơ trọi và không có đèn này. Chàng lại khổ sở vì ở đây, nền xi-măng lạnh sẽ làm hai chân chàng tê cóng, tiếng chân đi liên tiếp ngoài kia làm chàng khó ngủ và sự thiếu ánh sáng làm chàng khó chịu. Chàng thèm muốn, ước ao có được một cái cửa sổ đến là chừng nào! Một khung cửa sổ nhỏ thôi, nhỏ xíu, như những khung cửa sổ trên sân khấu những vở tuồng cổ. Nhưng ngay cả khung cửa sổ nhỏ xíu đó chàng cũng không sao có thể có.

Người ta có thể nghe thật nhiều chuyện kể về khám đường, đọc thật nhiều hồi ký về khám đường nhưng người ta vẫn không sao có thể tưởng tượng nổi cảnh khám đường: hành lang, cầu thang, những dãy cửa vô số, giám thị đề lao đi lại, sĩ quan, trung sĩ, lao công. Khám đường Lubyanka vĩ đại nhộn nhịp với những hoạt động ban đêm, vậy mà người tù cô đơn không nhìn thấy qua một người tù nào khác. Y không sao nhìn thấy được một người khác ở trong cảnh ngộ của y, y không nghe được một lời nói nào khác ngoài những lời nói vì trách vụ, cả những lời nói vì trách vụ này cũng hiếm hoi. Y có cảm giác như cả cái tổ chức lớn này đêm nay chỉ thức vì một mình y, chỉ bận rộn vì tội trạng của riêng y.

Không phải vì ngẫu nhiên mà người tù không được nhìn thấy người tù nào khác. Người ta cố tình đặt y vào tình trạng đó trong thời gian đầu y bị bắt, để người tù mới bị bắt không nhận được qua một khuyến khích, một an ủi nào, để cho sức nặng của cả guồng máy tù đày giáng xuống một mình y mà thôi.

Tư tưởng của Innokenty xoay chuyển theo một chiều hướng mà không mấy thuận lợi cho tâm trạng của chàng. Cuộc gọi điện thoại đến cho Giáo sư Dobroumov, mới hôm qua đây còn được chàng coi là một hành động cao quý, nay chỉ còn là một việc làm vô ích, thừa thãi và vô giá trị không khác việc tự tử.

Bây giờ, chàng có đủ chỗ để có thể đi đi, lại lại, nhưng chàng đã mệt nhoài, đã rã rời vì những thủ tục mà chàng vừa phải qua, đến nỗi chàng không còn cả sức để mà đi lại nữa. Sau vài vòng đi quanh quẩn, chàng ngồi xuống bục gỗ và để hai tay xuôi bên mình.

Biết bao dự định vĩ đại đã bị chôn giữa những bức tường này, bị niêm phong trong những cái "thùng" giam ác ôn này, bị tiêu diệt, thui chột, chết ngúm mà đời sau không được biết?

Hôm nay hoặc là ngày mai, Innokenty sẽ đáp phi cơ bay đến Paris, ở đó chàng sẽ hoàn toàn quên người mà chàng định cứu, người mà … chàng đã cố gắng hết sức mà vẫn không sao cứu được.

Khi chàng tưởng tượng ra cảnh chàng đến Paris, nhất là những giờ đầu tiên chàng sống ở Paris, Innokenty rùng mình choàng dậy vì cuộc sống tự do thần tiên mà chàng vừa mất. Chàng muốn cào cấu lên tường cho hả cơn tiếc hận.

Nhưng cánh cửa mở đúng lúc giúp chàng khỏi làm cái việc vi phạm đến luật cấm của khám đường là việc cào cấu hay đấm lên tường. Một lần nữa họ chất vấn lý lịch chàng. Innokenty trả lời như người đang ngủ say. Rồi chàng được lệnh ra khỏi đó đem theo đồ. Vì trong "thùng" lạnh giá, chàng đội mũ và khoác áo ngoài lên vai. Chàng để áo như vậy để đi ra cửa, không biết rằng với cách khoác áo như thế chàng có thể cầm hai lưỡi dao nhọn hoặc hai khẩu súng lục đã nạp đạn giấu dưới vạt áo. Chàng bị ngăn lại để xỏ hai tay vào áo đàng hoàng, sau đó chắp hai tay sau lưng trước khi bước ra khỏi đó.

Chàng được dẫn đi – người dẫn chàng cũng tắc lưỡi như những người trước – tới cầu thang nằm cạnh thang máy và đi xuống thang. Nếu chàng nhớ được đường đi, bao nhiêu lần quẹo, lên xuống bao nhiêu bậc thang, để rồi sau đó khi không có chuyện gì để nghĩ, hồi tưởng lại và tưởng tượng ra vị trí của khám đường, việc đó sẽ là một việc hay ho, nhưng lúc này năng khiếu ghi nhận của chàng đã mòn đến nỗi chàng đi như người hoàn toàn không còn cảm giác. Chàng không biết rằng chàng đã xuống sâu đến bao nhiêu trong lòng khám đường khi bất chợt ở trước mặt chàng đi tới một người gác, người này cũng tắc lưỡi y hệt người gác dẫn chàng, và người gác dẫn chàng mở ngay một cánh cửa bên lối đi, đẩy mạnh chàng vào đó và đứng lấy lưng đè chặn bên ngoài.

Nơi Innokenty bị đẩy vào giống như một cái tủ, bên trên không có trần, vừa vặn đủ chỗ để chàng đứng. Phản ứng tự nhiên của con người trong trường hợp này là phản đối nhưng Innokenty đã quen với những thứ khác khó hiểu và sự im lặng của khám đường Lubyanka, đứng yên chịu đựng. Chàng vô hồn làm tất cả những gì khám đường đòi hỏi chàng làm.

Nhưng sự kiện này, sau cùng, đã cho Innokenty hiểu tại sao bọn giám thị trong khám đường Lubyanka lại tắc lưỡi khi đưa tù nhân đi. Đó là tiếng báo cho bọn giám thị khác biết rằng y dắt tù nhân đi. Chúng bị cấm không được để cho tù nhân trông thấy nhau, để cho tù nhân không thể dùng mắt nhìn an ủi nhau, khuyến khích nhau thêm can đảm.

Một tù nhân được dắt qua hành lang, rồi một người nữa. Sau đó Innokenty được ra khỏi ngăn tủ nấp và đưa xuống sâu nữa.

Ở những bậc thang đá cuối cùng, Innokenty nhận thấy mặt đá mòn lõm xuống. Chưa bao giờ chàng nhìn thấy những bậc đá mòn đến thế.

Vết mòn sâu đến nửa gang tay, lõm tròn trong mặt đá.

Chàng rùng mình. Trong ba mươi năm, có biết bao nhiêu bàn chân đã giẫm lên đây để cho mặt đá lõm đến như thế? Cứ mỗi hai người đi qua là có một người tù, một người gác tù.
Chàng được đưa tới một khung cửa khóa có một ô nhìn gắn song sắt ở trên. Tới đây, Innokenty được biết một thủ tục mới của khám đường: chàng bị người gác bắt đứng áp mặt vào tường, tuy không nhìn lại, chàng biết là người gác nhấn chuông vì có tiếng chuông reo, ô nhìn trên khung cửa được mở ra rồi đóng lại ngay. Tiếp đó là tiếng cửa mở. Có một người mà Innokenty không nhìn thấy, cất tiếng hỏi:

"Họ gì?"

Theo phản ứng tự nhiên, Innokenty quay đầu lại để nhìn kẻ hỏi mình, chàng nhìn thoáng thấy một bộ mặt không rõ đàn ông hay đàn bà, sưng sỉa, chảy xệ, bộ mặt có một vết sẹo đỏ hỏn thật lớn, và chàng nhìn thấy bên dưới bộ mặt ấy cặp cầu vai gắn cấp hiệu Trung úy.

Viên Trung úy quát:

"Không được nhìn lại".

Innokenty quay mặt vào tường và cuộc hỏi lý lịch đều đều bắt đầu. Innokenty trả lời, chàng nói với mảnh tường vôi trắng trước mặt chàng.

Sau khi kiểm soát và thấy rằng tù nhân trả lời đúng tên tuổi được ghi trên phiếu lý lịch được đưa đến, và tù nhân vẫn còn nhớ được năm sinh, nơi sinh của y, viên Trung úy mặt sẹo nhấn chuông trên cánh cửa gã vừa bước ra nhưng đã khóa lại sau lưng gã. Một lần nữa ô nhìn được mở, có một kẻ nào đó bên trong cửa nhìn ra, ô nhìn đóng lại và cánh cửa được mở.

"Đi vô". Gã Trung úy mặt sẹo ra lệnh.

Họ bước vào và cánh cửa đóng lại, tiếng khóa rổn rảng nổi lên.

Innokenty chỉ mới kịp trông thấy một hành lang tối có nhiều khung cửa hai bên, một cái bàn, một cái tủ có nhiều ngăn như chuồng chim bồ câu, nhiều tên giám thị đứng trong hành lang, gã Trung úy mặt sẹo đã ra lệnh cho chàng:

"Nhìn vào tường. Đừng động đậy".

Gã bắt chàng đứng như thế trong lúc gã xem kỹ hơn hồ sơ của chàng, rồi gã lại ra lệnh, gã nói nhỏ thôi nhưng tiếng nói của gã vẫn vang lớn trong bầu không khí im lặng lạnh giá:

"Số 3".

Người giám thị đưa Innokenty tới đây đi vào hành lang:

"Hai tay sau lưng. Đi…"

Innokenty đi theo gã vào hành lang. Chàng nhìn thấy những chữ số ghi trên cánh cửa chàng đi ngang:

47, 48, 49

Dưới những hàng số ấy là những lỗ nhìn. Cảm thấy toàn thân ấm lại vì sự gần cận những người bạn tù, Innokenty muốn nhấc một nắp che lỗ nhìn kia lên để dán mắt vào đó, nhìn cuộc sống bị nhốt trong đó. Gã gác kéo chàng đi mau và Innokenty rảo bước đi theo, chàng đã bị lây cái bệnh thụ động của những tù nhân, mặc dù một người đã mất tất cả, lẽ ra không còn gì để phải lo sợ nữa.

Nhưng không may cho loài người, và đây là điều may mắn cho những kẻ thống trị, con người được tạo thành với nhược điểm là còn sống thì vẫn còn sợ khổ, đã khổ hết sức, khổ đến cùng nhưng vẫn luôn luôn sợ mình sẽ khổ hơn. Ngay với một kẻ đã bị tù suốt đời, bị tước quyền hành động, không còn được nhìn thấy trời xanh, mất gia đình, mất hết của riêng, vẫn còn có thể bị trừng phạt cho khổ hơn bằng cách nhét xuống những hầm tối ẩm ướt, không cho ăn, đánh bằng gậy, và người tù này vẫn cảm thấy những trừng phạt nhỏ mọn này làm cho y khổ sở y hệt ngày nào y vừa mới mất tự do, tức là như ngày y mới bị bắt. Để tránh những khổ sở tối hậu này, người tù ngoan ngoãn tuân theo những luật lệ làm mất nhân cách của chế độ lao tù, và thói quen tuân lệnh, khuất phục dần dần giết chết con người ở trong y.

Những khung cửa ở đầu hành lang nằm sát gần nhau hơn, mỗi cửa chỉ còn ghi một số:

3, 2, 1

Người gác mở cửa số 3 và làm một cử chỉ mời chào bằng tay, trong khung cảnh này, cử chỉ ấy trở thành khôi hài. Innokenty nhận thấy sự khôi hài ấy và chàng nhìn người gác kỹ hơn. Gã là một thanh niên hãy còn trẻ, hơi thấp, vai to, tóc đen, hai mắt nhỏ như hai vết dao chém. Vẻ mặt gã cũng khá ác ôn, gã không cười, nhưng sau khi gặp chừng một tá viên chức khám đường Lubyanka đêm nay, Innokenty thấy rằng bộ mặt của gã này đáng kể là một bộ mặt dễ chịu.

Bị nhốt trong "thùng" số 3, Innokenty nhìn quanh. Sau đêm nay, chàng đã có thể tự hào là người biết khá nhiều về "thùng giam người" trong khám đường Lubyanka, chàng đã bị nhốt vào nhiều "thùng" và có dịp so sánh. "Thùng" số 3 này rộng, đẹp, sạch sẽ hơn tất cả. Chiều ngang của nó khoảng thước rưỡi, chiều dài chừng hai thước rưỡi, sàn gỗ, một cái ghế gỗ dài gắn liền vào tường, bên cửa có một cái bàn gỗ nhỏ. "Thùng" này, tất nhiên cũng kín mít và không có cửa sổ, chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ có lưới sắt che nằm cao trên trần, trần cao tới 4 thước. Tường quét vôi trắng, rực sáng vì bóng đèn điện 200 nến nằm trong cái giỏ sắt treo trên cửa. Ánh đèn mạnh làm ấm không khí nhưng cũng làm cho chàng chói mắt.

Rất nhanh, Innokenty đã nắm vững được nghệ thuật sống của tù nhân. Lần này, Innokenty không còn mơ mộng hão huyền rằng chàng sẽ có thể ở lâu trong phòng giam thoải mái này. Khi nhìn thấy cái ghế dài, người tù tập sự trước chàng – người tù tập sự mỗi phút qua là thêm một phút trở thành lão luyện – biết rằng vấn đề cần làm ngay bây giờ của mình là ngủ. Như một con thú mới được xinh ra đời trong rừng thẳm đã mất mẹ vội vã tìm cách sống một mình, Innokenty cuộn chiếc áo ngoài của chàng lại thành cái gối, chàng nằm ngay xuống ghế và cảm thấy dễ chịu. Chàng nhắm mắt và sửa soạn ngủ.

Nhưng giấc ngủ trốn chàng. Trước đây, chàng đã hai lần ngủ gục khi chàng không được quyền ngủ, chàng đã qua tất cả những hình thức mệt mỏi, nhưng tới đây, khi chàng có thể ngủ được, chàng lại tỉnh thức. Những khích động liên tục làm cho thần kinh chàng căng thẳng không chịu rời bỏ chàng. Cố gắng không suy nghĩ để khỏi tiếc hận hoặc mơ màng, Innokenty nằm im, thở đều và đếm nhẩm trong miệng… Thật là một điều tai hại khi được nằm ấm, hai chân duỗi dài mà không ngủ được, nhất là khi không biết vì nguyên do nào, người gác bên ngoài lại không mở nắm lỗ nhìn nhòm vào luôn luôn như ở trong phòng giam khác.

Chàng nằm im như thế trong khoảng nửa tiếng, cuối cùng, chàng cảm thấy trí óc bắt đầu không suy nghĩ nữa, rồi một cảm giác nặng nề nhầy nhụa đè nặng lên toàn thân chàng.

Nhưng đến lúc này, Innokenty lại thấy rằng chàng không sao có thể ngủ nổi với ánh đèn rực sáng này. Chàng nhắm mắt lại nhưng vẫn thấy một màu đỏ ối, ánh đèn như một vật hữu hình ép xuống mi mắt chàng. Đây là lần đầu tiên Innokenty cảm thấy sức ép của ánh sáng, sự nhận thức này làm cho chàng như điên lên. Sau khi thử nằm đủ mọi kiểu để tránh sức ép của ánh đèn, Innokenty tuyệt vọng ngồi dậy, buông hai chân xuống sàn.

Thỉnh thoảng, người gác bên ngoài mở nắp lỗ nhìn ngó vào phòng. Giờ đây, nghe tiếng nắp gỗ di động trên cánh cửa, Innokenty nhìn lên và giơ ngón tay trỏ.

Cửa mở êm. Gã nhân viên gác mắt ti hí yên lặng đứng nhìn.

"Làm ơn… Tắt đèn". Innokenty nói.

Gã dửng dưng:

"Cấm không được tắt đèn".

"Nếu cấm… cho tôi cái bóng nhỏ hơn. Cái phòng nhỏ như vậy, cần gì phải dùng bóng đèn lớn quá?"

"Đừng có nói lớn…" - Gã mắt hí thản nhiên nói, và quả thật, sau lưng gã, hành lang vắng và toàn thể khám đường im lặng như một tòa cổ mộ - "Không có chuyện thay bóng đèn".

Tuy vậy, bộ mặt lạnh lùng của gã vẫn có một nét gì sống động, một nét gì đó giống như với mặt người thường. Thấy rằng mình đã hết chuyện để nói và cánh cửa sắp đóng lại, Innokenty vội vã:

"Cho tôi xin ly nước".

Gã mắt hí gật đầu và lùi ra, đóng cửa lại. Gã đi rất êm trên hành lang. Ngồi trong "thùng" Innokenty biết là gã đi và chàng lắng nghe nhưng cũng không nghe thấy tiếng chân gã. Khi gã trở lại, tiếng khóa cửa mở rồi gã hiện ra giữa khung cửa, tay cầm ly nước. Cái ly này cũng cùng một kiểu với chiếc ly Innokenty đã được uống ở phòng tiếp nhận người bị bắt, ly cũng vẽ hình con mèo, chỉ khác là con mèo trên ly nước này không đeo kiếng, không đọc sách, và không còn có con chim nhỏ đứng gần.

Innokenty uống và thưởng thức chất nước. Vừa uống, chàng vửa nhìn gã gác. Gã này không bước hẳn ra ngoài, gã chỉ khép cửa và đứng dựa vai vào thành cửa nhìn chàng. Đột nhiên, trong lúc Innokenty không ngờ nhất, trái hẳn với những luật lệ trong khám đường, gã nheo mắt hỏi chàng:

"Trước kia, anh là ai?"

Việc được một người hỏi thăm lần thứ nhất trong suốt một đêm dài đầy những người lạ, làm cho Innokenty sửng sốt. Chàng xúc động đến nghẹn ngào vì lời hỏi thăm hiền hòa mặc dù được thốt ra một cách vụng trộm, và nhất là vì hai tiếng "trước kia", hai tiếng thật tàn nhẫn, nhưng cũng thật đúng, chàng cũng thì thào trả lời:

"Trước kia, tôi là một nhà ngoại giao. Nhân viên ngoại giao của chính phủ".

Gã mắt hí gật đầu, nét mặt gã để lộ cảm tình:

"Còn tôi, trước kia tôi là thủy thủ của Hạm đội Baltic".

Chậm hơn và nhỏ hơn, gã tiếp:

"Tại sao anh lại bị bắt vào đây?"

"Tôi cũng không biết tại sao nữa" – Đột nhiên, Innokenty trở lại đề phòng – "Tôi chẳng biết tôi có tội gì cả".

Gã gác lại gật đầu:

"Ai mới bị bắt vào đây cũng nói như anh hết".

Rồi với nét mặt hơi đểu, gã hỏi:

"Anh có muốn đi đái không?"

"Không. Chưa…"

Innokenty để lộ tình trạng tù mới của chàng qua sự từ chối ấy, chàng chưa biết rằng cho phép tù nhân đi tiểu là quyền hạn lớn nhất của bọn gác tù, và đó cũng là một đặc ân lớn lao đối với tù nhân, bởi vì tù nhân chỉ được đi giải đúng giờ chứ không phải bất cứ lúc nào mót là cũng được đi.

Sau cuộc đối thoại ngắn này, cánh cửa đóng lại và Innokenty lại nằm dài trên mặt ván, cố gắng chống cự ánh đèn sáng chiếu qua mi mắt. Chàng đưa tay lên che mắt nhưng che như thế, cánh tay chàng bị tê dại. Chàng nghĩ đến việc gấp cái khăn tay lại che lên mắt nhưng khăn tay của chàng đâu rồi? Thật bậy, tại sao chàng không chịu lượm cái khăn tay lên? Lúc mới bị bắt tới đây, chàng hành động như một thằng ngu.

Những vật nhỏ mọn – một cái khăn mùi-soa, một hộp quẹt rỗng, một sợi dây, một cái nút áo – là những vật chi bảo của tù nhân. Thế nào cũng có lúc người tù cần đến những thứ ấy, đôi khi, chúng có thể cứu vãn người tù khỏi quá khổ sở.

Đột ngột, cánh cửa mở. Gã gác mắt hí vứt lên người Innokenty một cái chiếu có những vạch sơn đỏ. Thật là tuyệt diệu. Ban quản đốc khám đường Lubyanka không những là chỉ lo giữ tù nhân không ngủ được mà thôi, họ còn lo cho tù nhân nằm thức êm ái hơn nữa. Cuộn trong cái chiếu là một cái gối nhồi lông nhỏ, một cái mền nỉ hẹp. Tất cả những thứ này đều in hàng chữ "Khám đường".

Hay quá. Giờ đây, với những thứ này, chàng đã có thể ngủ được. Innokenty thấy rằng những ý nghĩ đầu tiên của chàng về khám đường quá đen tối, quá bi quan. Chàng trải chiếu, đặt gối, nằm xuống, đắp mền lên mặt. Hai chân chàng từ đầu gối trở xuống không có mền nhưng hai mắt chàng không còn bị ánh đèn chói nữa. Chàng trôi vào giấc ngủ say lịm.

Nhưng cánh cửa mở với một tiếng động lớn và gã gác nói vào:

"Ê… Lấy hai tay ra…"

Innokenty nói như gần khóc:

"Cái gì? Sao lại đánh thức tôi? Để cho tôi ngủ chứ, tôi ngủ không được…"

"Lấy hai tay ra khỏi mền" – gã gác lạnh lùng nói – "Cấm không được giấu hai tay trong mền. Bỏ tay ở ngoài".

Innokenty làm theo lời gã. Nhưng đã quen ngủ hai tay ở trong mền, chàng khó có thể ngủ với hai tay đặt ngoài mền. Luật này thật là luật quái đản, ác độc. Con người ở bất cứ thời nào, bất cứ đâu, vẫn quen ngủ hai tay giấu trong mền, để sát vào mình.

Innokenty lăn lộn trên mặt ván, nhưng rồi sau cùng, cơn mệt mỏi cũng thắng, chàng ngủ lịm đi.

Bỗng một tiếng động liên tục ngoài hành lang vang đến tai chàng, tiếng động rầm rầm mỗi lúc một đến gần. Có người đang đấm mạnh lên những cánh cửa. Họ đấm lên cánh cửa bên cạnh rồi cánh cửa phòng giam Innokenty bật mở:

"Dậy…!" Gã cựu thủy thủ biển Baltic la lớn.

"Cái gì? Sao lại dậy?" – Innokenty cũng la lên – "Suốt đêm tôi không ngủ được".

"Sáu giờ sáng là dậy".

Gã cựu thủy thủ đi sang phòng bên.

Đúng lúc ấy, Innokenty cảm thấy buồn ngủ hơn bao giờ hết. Suốt đời, chưa bao giờ chàng thấy cần ngủ đến như thế. Chàng nằm vật xuống và ngủ lịm đi ngay lập tức.

Nhưng cũng ngay lúc đó, gã cai tù trở lại, gã đập cửa rầm rầm và giục chàng:

"Dậy… Dậy đi. Cuốn chiếu".

Innokenty nhỏm người trên cùi chỏ nhìn ra kẻ hành hạ chàng, kẻ mà trước đó một tiếng đồng hồ từng tỏ cảm tình với chàng và được chàng coi là một người còn là con người.

"Suốt đêm tôi không được ngủ, anh biết không?"

"Không biết gì cả. Sáu giờ sáng là phải dậy. Cuộn mền chiếu lại".

"Cuộn mền chiếu lại rồi tôi làm gì?"

"Chẳng làm gì cả. Ngồi đó".

"Tại sao lại không cho tôi ngủ?"

"Tại vì bây giờ đã 6 giờ sáng rồi".

"Tôi sẽ ngủ ngồi".

"Ban ngày không được ngủ. Anh ngủ, tôi sẽ đánh thức anh".

Innokenty đưa hai tay ôm lấy đầu. Đầu chàng lắc lư như người say rượu. Một chút gì giống như là thương hại thoáng hiện trên mặt gã gác tù mắt ti hí:

"Anh muốn rửa mặt không?"

Innokenty đổi ý, chàng vội vã đáp:

"Muốn, muốn. Cho tôi rửa mặt…"

"Tay chắp sau lưng. Đi…"

Phòng rửa mặt ở trong góc. Sau khi đã tuyệt hy vọng có thể ngủ được trong những giờ sắp tới, Innokenty cởi áo sơ-mi và vã nước lạnh lên người tự do trên mặt nền xi-măng lạnh của phòng rửa mặt rộng, vắng. Cửa phòng đóng, gã gác tù mất ti hí không để ý gì đến chàng.

Có thể gã gác cũng còn chút nhân đạo, nhưng tại sao gã lại không chịu nói trước cho Innokenty biết rằng ở đây, tù nhân phải dậy vào lúc 6 giờ?

Nước lạnh làm tiêu tan cơn mệt mỏi của Innokenty. Ra tới hành lang, chàng hỏi gã gác tù về chuyện ăn sáng. Gã ra hiệu cấm nói, nhưng vào tới trong "thùng" gã cũng cho chàng biết là ở đây không có ăn sáng.

"Tới 8 giờ, anh được phát nước trà đường và món khô".

"Món khô là cái gì?"

"Là bánh khô".

"Bánh khô thì gọi là bánh khô có được không? Còn được ăn những gì nữa?"

"Hết. Muốn ăn, chờ đến trưa".

"Bộ tôi phải ngồi suốt ngày sao?"

"Hỏi ít chứ".

Gã gác tù đã đóng cửa, nhưng Innokenty giơ ngón tay trỏ lên. Cánh cửa lại mở, gã cựu thủy thủ hỏi vào:

"Anh còn muốn gì nữa?"

"Họ cắt hết nút quần, nút áo của tôi. Ai khâu lại cho tôi bây giờ?"

"Mất bao nhiêu nút?"

Hai người cùng đếm số nút thiếu trong bộ quần áo Innokenty bận trên người. Cửa đóng lại nhưng chỉ lát sau, lại mở, gã gác tù đem vào cho chàng một cây kim khâu, một tép chỉ nhỏ, chừng một chục cái nút đủ thứ, nút bằng xương, gỗ, plastic, đủ cỡ lớn nhỏ khác nhau.

"Nút này xài không được. Không cùng cỡ với những nút họ cắt đi của tôi".

"Xài đi. Hết rồi. Chỉ còn mấy cái nút này thôi".

Đây là lần đầu tiên trong đời Innokenty cầm kim khâu. Chàng không biết cách nhấm nước miếng cho ướt đầu chỉ trước khi xỏ chỉ vào lỗ kim, chàng cũng không biết cách thắt chỉ khi khâu xong. Vì không biết những bí quyết về khâu vá mà loài người đã truyền thụ cho nhau sau cả ngàn năm kinh nghiệm, chàng tự sáng chế ra một lối khâu nút riêng. Chàng bị kim đâm vào ngón tay nhiều lần, hai ngón tay trỏ của chàng đau nhoi nhói. Chàng phải mất một thời gian để khâu liền lại những viền áo, viền quần bị xé và những nút áo, nút quần. Chàng khâu lệch chỗ những nút áo nên khi mặc vào và gài nút, cái áo của chàng xộc xệch, méo mó một cách thảm hại.

Nhưng việc làm tẩn mẩn, mất mát thì giờ và cần chú ý này, không những chỉ làm cho Innokenty quên thì giờ mà thôi, nó còn sợ hãi hay bối rối nữa. Chàng đã có thể nhận biết và biết đúng, biết chắc rằng ngay ở trong đáy cái vực thẳm rùng rợn là khám đường Lubyanka này, vẫn còn có những người bằng xương, bằng thịt, rằng khám đường Lubyanka thực ra, không phải là nơi khủng khiếp ghê gớm như người ta vẫn tưởng. Bây giờ, chàng chỉ còn khao khát được gặp mặt những người bằng xương, bằng thịt đó ở đây.

Chàng là một người không được ngủ suốt đêm qua, một người không được ăn, một người có cuộc đời bị tan vỡ nội trong mười hai tiếng đồng hồ, nhưng chàng vừa nhận được một trận gió sức mạnh thứ hai, nhờ hơi thở thứ hai này, những tấm thân được luyện của những lực sĩ cảm thấy khoẻ lại và không mệt.

Một người gác tù mới tới lấy cây kim khâu đi.

Rồi họ mang tới cho cùng một miếng bánh khô vừa đen, vừa ẩm, hai cục đường rắn. Họ rót nước trà vào cái ly có vẽ hình con mèo. Họ hứa sẽ cho chàng thêm nước trà.

Tất cả những việc này cho Innokenty biết rằng thời gian bây giờ là 8 giờ sáng.

Innokenty bỏ cả số lượng đường để dùng cả một ngày dài của chàng vào ly nước và khuấy cho đường tan bằng ngón tay trỏ. Nhưng nước nóng quá, chàng đành lắc lắc ly cho tan đường. Uống hết ly trà nóng, chàng giơ ngón tay xin nữa. Chàng không cần ăn.

Với một cái rùng mình sung sướng, Innokenty uống ly nước trà thứ hai. Ly trà này không có đường nhưng nhờ vậy, chàng cảm thấy mùi trà đậm hơn.

Tâm trí chàng bừng sáng, minh mẫn như chưa bao giờ chàng minh mẫn đến như thế.

Chàng bắt đầu đi đi, lại lại trong khoảng hẹp giữa mép ván và bức tường trong khi chờ đợi cuộc chiến đấu mới.

Một tư tưởng của Epicurus [1] , một tư tưởng mà chàng vẫn không hiểu rõ trong thời gian chàng còn tự do bên ngoài, đột ngột trở về trí óc chàng:

"Cảm nghĩ nội tâm hài lòng hay mến thích, bất mãn hay chán ghét, là tiêu chuẩn cao nhất để định giá trị của Thiện và Ác".

Như vậy nghĩa là, theo Epicurus, những gì mình mến thích là tốt, những gì mình không mến thích là xấu?

Đó là những triết lý của những kẻ man rợ.

Stalin thích giết người – như vậy phải chăng với Stalin, giết người là một tính tốt? Và bị tù vì định cứu một người, việc bị tù không làm cho người bị tù hài lòng, cũng không ai thích bị tù cả, phải chăng việc ở tù là một điềm xấu, một tội lỗi?

Không! Thiện và Ác, tốt và xấu, giờ đây đã được phân chia rõ rệt mà Innokenty! Đã được chàng nhận thấy rành rẽ, nhờ cánh cửa có ánh đèn sáng rực này, nhờ những bức tường này, nhờ đêm ở tù đầu tiên trong đời chàng.

Trên những đỉnh cao chiến đấu và đau đớn mà chàng vừa được nhấc lên, sự hiểu biết của triết gia cổ xưa ấy là chỉ sự hiểu biết nông cạn của một đứa trẻ.

Cánh cửa chuyển động.

"Họ gì?"

Một gã giám thị mới đột ngột hỏi vào. Gã này có một cái bộ mặt người Á châu.

"Volodin".

"Đi chấp cung. Hai tay chắp sau lưng".

Innokenty chắp hai tay sau lưng, đầu ngẩng cáo như con chim uống nước, chàng đi ra khỏi "thùng".



[1]Epicurus, triết gia Hy Lạp, sống khoảng từ 200 đến 300 năm trước Công nguyên.
Nguồn: Tác phẩm viết bằng tiếng Nga của Aleksandr I. Solzhenitsyn, giải Văn chÆ°Æ¡ng Nobel 1970 do Nhà Harper và Row dịch và ấn hành lần thứ nhất năm 1968 ở Hoa Kỳ dÆ°á»›i nhan đề tiếng Anh The First Circle. Bản dịch tiếng Anh của Thomas P. Whitney. Bản Việt văn của Hải Triều dịch theo bản tiếng Anh của Thomas P. Whitney do Nhà xuất bản Đất Má»›i ấn hành lần thứ nhất Sài Gòn, Việt Nam, 1973. Nhà xuất bản Đất Má»›i giữ bản quyền. KD. Số 2137/PTUDV ngày 15-5-1973. Giá 900Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.