trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
16.9.2008
Zhang Yongle
Không có vùng cấm trong lĩnh vực đọc? “Ðộc thư” và giới trí thức Trung Quốc
Hoài Phi dịch
 1   2 
 
Viễn kiến và ký ức

Những bài viết về nhiều mặt văn hoá được tuyển chọn trong tập Ba, Một cái nhìn thu hút - gồm khoảng 41 bài viết về sân khấu, mỹ thuật, kiến trúc, phim ảnh và âm nhạc. [1] Tựa đề này xuất phát từ bài viết của Zhang Chengzhi, một người Trung Quốc theo đạo Hồi, phê bình gay gắt những hoạt động của National Geographic ở Afghanistan. Năm 2002, tạp chí này uỷ thác cho một chương trình tìm kiếm một phụ nữ người Afghanistan có đôi mắt xanh; ảnh của cô xuất hiện trên trang bìa National Geographic mười sáu năm trước, khi đất nước cô đang là chiến trường cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai siêu cường. Họ tìm thấy cô, giờ là một phụ nữ trung niên, và chụp một loạt ảnh mới. Zhang biện luận là cái nhìn của cô, trong đó bộc lộ sự pha trộn giữa nỗi sợ hãi, buồn thương và nghi kỵ, cưỡng lại quyền lực diễn giải (interpretative power) của những kẻ xâm lược đế quốc, không chỉ gồm lính Mỹ, mà còn cả các phóng viên nhiếp ảnh. Ví dụ này có thể đại diện cho đường hướng phê phán chung của các bài viết này: mục đích là để diễn giải “cái nhìn thu hút” đã bị nền văn hoá thống trị che phủ. Mặc dù các tiểu luận viết về các thể loại và các hình thức nghệ thuật khác nhau, chúng cùng chia sẻ một viễn cảnh: hình ảnh, hình dáng và nhịp điệu không chỉ đơn giản là chuyên chở giá trị thẩm mỹ, mà còn có thể phơi bày những mối quan hệ xã hội trong những bối cảnh lịch sử đặc thù. Các tác giả của Ðộc thư đặt vấn đề: ai đang nói, nói thế nào, và về cái gì; ai đang nghe hay đang theo dõi? Câu hỏi của họ làm sáng tỏ những giả định, những sự kìm nén hoặc nổi loạn đằng sau các tác phẩm nghhệ thuật. Họ bàn luận về phong trào phim tài liệu mới ở Trung Hoa, về kiến trúc Liên Xô, về thiết kế của Bauhaus, về điêu khắc trong thời kỳ cách mạng, về bộ phim Không thiếu một của Trương Nghệ Mưu, về Thế giới của Giả Chương Kha, về phim Ðài Loan đương đại, về âm nhạc Trung Hoa trong Cách mạng Văn hoá và đương đại. Một ví dụ tốt là bài viết của Lü Xinyu năm 2004, phê bình West of the Tracks (Phía Tây đường xe lửa), một bộ phim tài liệu đầy tính sử thi về sự suy thoái của nền công nghiệp nặng ở miền Tây bắc Trung Quốc. [2] Bắt đầu bằng việc mô tả sinh động một số đoạn then chốt trong phim và phân tích nghệ thuật kể của thể loại phim tài liệu, Lü điểm lại toàn bộ lịch sử ý thức giai cấp công nhân Trung Hoa từ khi mới nổi lên cho đến khi lụi tàn. Bằng việc phê phán chủ nghĩa Marx chính thống, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh công nông: trong một đất nước nửa thuộc địa như Trung Hoa, nông dân là chủ lực của cách mạng; thế hệ công nhân ngành công nghiệp nặng đầu tiên (“giai cấp lãnh đạo”) cũng xuất phát từ nguồn gốc nông dân. Ngày nay, bi kịch là cả công nhân và nông dân đều bị cho ra rìa; Lü hàm ý là nếu muốn được giải phóng, cần có một liên minh giữa hai giai cấp này. Lý luận của bà được minh hoạ bằng việc phân tích sâu bộ phim tài liệu. Không phải tất cả mọi tác giả đều đồng ý với quan điểm cấp tiến của Lü; nhiều người chia sẻ lý thuyết tiếp cận của các đồng nghiệp Tây phương, bao gồm lý thuyết hậu thực dân, nữ quyền luận và lý luận của Edward Said phê phán phương đông học. Các học thuyết này cũng không phải vừa mới được du nhập và Trung Hoa: Những cuộc gặp gỡ đầu tiên của Ðộc thư với (lý thuyết của) Foucault diễn ra từ giữa thập niên 1980. Nhưng vào thời điểm ấy, việc đó mới chỉ là giới thiệu những tư tưởng mới. Một cái nhìn thu hút cho ta thấy những lý thuyết này giờ đây đã được giới trí thức Trung Hoa đồng hoá tới mức độ nào.


Ðền thờ các danh nhân

Chính tập thứ năm của tuyển tập, Không chỉ để kỷ niệm, đã bảo tồn tốt nhất tính liên tục với Ðộc thư cũ. [3] Nó tiếp nối truyền thống nổi tiếng của tạp chí này là đăng hồi ký, tiểu sử và chân dung của các học giả và trí thức, trong số đó có Lương Khải Siêu (1873-1929), một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của phong trào Cải cách Bách nhật năm 1898; nhà giáo dục Thái Nguyên Bồi (1868-1940); Trần Ðộc Tú (1879-1942), sáng lập viên của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời là biên tập của tờ tạp chí Tân Thanh niên; nhà Nho học Cô Hồng Minh (1857-1928); nhà nghiên cứu lịch sử Trung Hoa cổ đại Trần Dần Khác (1890-1940); nhà biên sử Tiễn Bá Tán (1898-1968); triết gia Phùng Hữu Lan (1895-1990) và nhà văn Vương Tiểu Ba (1952-1997). Trong tập này cũng có một cuộc thảo luận hữu ích của cộng đồng trí thức tại Southwestern United University (Ðại học Liên hiệp Tây Nam) thời điểm 1938-1946, khi ba trường đại học lớn ở miền bắc (Trung Quốc) phải tản cư để tránh cuộc bao vây của quân đội Nhật.

Mặc dù vậy, điều đáng lạ là hai nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc nửa đầu thế kỷ 20 là Lỗ Tấn (1881-1936) và Hồ Thích (1891-1962) đều vắng mặt trong tập sách, bất chấp thực tế là Ðộc thư đã từng đăng khá nhiều bài viết về họ trong giai đoạn này. Ông Wu Bin, người biên tập cuốn sách, không đưa ra lời giải thích nào. (Cần lưu ý là mặc dù Uông Huy và Hoàng Bình là chủ biên bộ Ðộc thư tinh tuyển, có một số tập do các biên tập viên khác chịu trách nhiệm; Wu Bin, người phụ trách tập Không chỉ để kỷ niệm, trở thành tổng biên tập của Ðộc thư sau khi Uông và Hoàng bị bãi nhiệm.) Sự im lặng (không có bài về Lỗ Tấn và Hồ Thích) này khá kỳ lạ, nhưng không hẳn hoàn toàn không thể hiểu nổi. Trong xã hội Trung Quốc đương đại, Lỗ Tấn là anh hùng của giới trí thức cánh tả, còn cánh hữu thì đề cao Hồ Thích; nghiên cứu về cả hai nhà tư tưởng này đều rất phức tạp và tinh tế. Nếu tập sách bao gồm cả (những bài viết về) Hồ Thích và Lỗ Tấn, những độc giả nhạy cảm hẳn sẽ tính toán mức độ cân nhắc được chia cho mỗi vị như thế nào. Sẽ không dễ dàng nói hết được tầm quan trọng lịch sử của hai nhân vật phức tạp đến như vậy chỉ vẻn vẹn trong một bài tiểu luận mà không gây ra những sự bất đồng gay gắt về chính trị hay học thuật; vì vậy, có thể việc không đăng lại những bài viết về họ thì an toàn hơn.

Ðộc thư bắt đầu quan tâm đến việc thuật lại cuộc đời của những trí thức (quan trọng – ND) từ cuối thập niên 1970. Vào thời điểm đó, khi kinh nghiệm về cuộc Cách mạng Văn hoá vẫn còn đang tươi rói, những chân dung như vậy thường nhuốm màu ký ức của chấn thương chính trị và bộc lộ niềm khát khao cho một không gian cá nhân tự trị. Chúng thường do các nhà thơ, học giả văn chương và các trí thức nổi tiếng trong Ðảng Cộng sản Trung Quốc viết, và thường đạt tới một chuẩn mực rất cao. Ðộc thư trở nên nổi tiếng với thể loại này vào thập niên 1980; không có một tạp chí nào khác đăng bài ở tầm mức có thể so sánh được. Loạt bài này đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức tập thể của giới trí thức mới.

Trong thập niên 1996-2005, thể loại tiểu sử vẫn là một phần quan trọng của tạp chí, nhưng không còn nổi bật như trước nữa. Một lý do quan trọng cho điều này là những thay đổi xã hội rộng lớn hơn đã diễn ra kể từ những năm 1980. Giới trí thức, từng là một bộ phận dễ bị công kích trong giai cấp công nhân xã hội chủ nghĩa, vượt lên chiếm một vị trí cao trong hệ thống cấp bậc của xã hội hậu chủ nghĩa xã hội; những chấn thương thời cách mạng bị bỏ lại phía sau. Ðây là nền tảng mà độc giả cần nhớ khi đọc tập sách, vì nó không trực tiếp phản ánh những nét thay đổi này. Các bài tiểu luận vẫn được viết bằng lối văn tao nhã, và trong hầu hết các trường hợp, tác giả hết sức thông cảm với các nhà tư tưởng mà họ viết bài tưởng niệm: các đánh giá mang tính phê phán khá hiếm. Thể loại này vẫn được dùng để tạo ra một “ngôi đền danh nhân” trí thức, một bảo tàng của các kiểu mẫu để (trí thức) đương đại có thể so sánh, đánh giá hoặc khẳng định căn cước và cam kết (dấn thân cho một lý tưởng nào đó - ND).


Hội thoại

Tập cuối, Cùng với Ðộc thư, đăng lại những cuộc tranh luận quan trọng nhất trên tạp chí này trong thập niên vừa qua, [4] bao gồm một diện rộng về mặt đề tài: khảo cổ học và ngành biên sử Trung Hoa, hình ảnh nông thôn Trung Quốc đương đại, toàn cầu hoá, luật pháp, cải cách hệ thống đại học, nữ quyền luận, môi trường, chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố, v.v… Một số là văn bản ghi lại các hội nghị chuyên đề do Ðộc thư tổ chức; những bài khác là tập hợp nhiều tiểu luận về cùng đề tài. Tập Sáu cho độc giả thấy được phạm vi mà Ðộc thư đề ra chương trình nghị sự tranh luận trong thời đại của những thay đổi mạnh mẽ này. Phần lớn các chủ đề mang tính chuyên môn khá cao, nhưng chúng đều chia sẻ một đường hướng chung: giải cấu trúc hình ảnh được mã hoá của cái hiện đại (modernity) vốn được xây dựng trên một lịch sử tuyến tính và lấy phương Tây làm trung tâm; để tìm hiểu động lực của lịch sử Trung Hoa và các thực hành đương đại; và để thăm do khả năng của dân chủ, bình đẳng và công lý trong bối cảnh hiện thời.

Tập này bao gồm sự can thiệp quan trọng của Ðộc thư trong những cuộc luận chiến xung quanh những đề xuất cải cách hướng về thị trường của Ðại học Bắc Kinh. Bản kế hoạch do một nhà kinh tế học thảo ra vào năm 2003 nhằm giới thiệu nguyên tắc cạnh tranh, khuyến khích các phân khoa thuê giảng viên từ nước ngoài thay cho các học giả trong nước, và định lượng hệ thống đánh giá (chất lượng) để sao chép lại những quy tắc tiêu chuẩn về học thuật của Mỹ. Kế hoạch này bị học giả các ngành khoa học xã hội và nhân văn phê phán kịch liệt. Hội thảo chuyên đề về dự án này do Ðộc thư tổ chức đã nâng cuộc tranh luận lên một tầm mức mới. Tại hội thảo, các học giả hàng đầu của Bắc Kinh và những nơi khác đã biện luận là đại học cần là một thể chế cho việc theo đuổi tự do và sáng tạo tri thức, và đặt vấn đề với sự thiên vị (thị trường) của các nhà kinh tế học đằng sau dự thảo nói trên.

Vào năm 2005, Ðộc thư tổ chức một hội thảo chuyên đề khác về sự khủng hoảng của ngành y học cổ truyền Trung Hoa trong hệ thống y tế quốc gia. Hội thảo này có sự tham gia của các học giả và các thầy thuốc nổi tiếng trong ngành y học cổ truyền, trong đó có Lu Guangxin, thuộc Viện Hàn lâm Y học Trung Hoa (Trung Quốc Trung Y Khoa học Viện); Cao Dongyi, thuộc Viện Trung y Hà Bắc; và các nhà khoa học khác, trong đó có nhà hoá học Zhu Qingshi, thuộc Ðại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc; rồi các học giả ngành nhân văn chẳng hạn như nhà lý luận về pháp luật Deng Zhenglai. Cuộc thảo luận bao gồm cả những vấn đề về chính sách và những nền tảng khác biệt về nhận thức luận và phương pháp luận giữa Tây y và Trung y, bảo vệ những chỉ trích cho rằng Trung y “phản khoa học”. Họ cũng biện luận là thuốc cổ truyền Trung Hoa, rẻ hơn so với thuốc Tây rất nhiều, có thể giúp phát triển cho bảo hiểm của hệ thống y tế quốc gia. Vấn đề ngầm ẩn trong cuộc tranh luận này là lịch sử sóng gió mới đây của Trung Quốc. Trong Cách mạng Văn hoá, Mao Trạch Ðông khuyến khích y học cổ truyền và sử dụng nó để xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khoẻ khá thành công. Nhưng sau hai thập niên cải cách kinh tế (theo hướng) thị trường, giá cả dịch vụ chăm sóc y tế trở nên quá đắt đỏ so với túi tiền của dân thường. Mặc dù các nhà diễn thuyết không đưa ra sự so sánh trực tiếp như vậy, độc giả cân nhắc những ẩn ý của cuộc tranh luận và tự đánh giá tầm quan trọng của di sản xã hội chủ nghĩa Trung Quốc. Vai trò của Ðộc thư, một lần nữa, là cung cấp kiến thức chuyên môn và nhận xét phê bình trí thức ở tầm cao cho tranh luận công. Cùng với Ðộc thư cũng lại bao gồm cả bài viết của các học giả quốc tế như Habermas, Derrida, Perry Anderson, Mark Selden, Michael Hardt và Antonio Negri.

Không phải tất cả các tác giả nước ngoài có bài trên Ðộc thư thời hai tổng biên tập Uông và Hoàng đều được chọn in lại trong 6 tập này, chẳng hạn như bài viết của Alasdair MacIntyre và Immanuel Wallerstein. Nguyên nhân có thể vì những đề tài được chọn không bao gồm các cuộc tranh luận về đạo đức và cộng đồng, hay về lịch sử khoa học xã hội; có thể các nhà biên tập thấy rằng cách đặt và giải quyết các vấn đề này của Ðộc thư chưa đủ chín chắn để có thể đưa vào tuyển tập. Tuy nhiên, một số đề tài quan trọng được thảo luận trên Ðộc thư trong thập niên này rõ ràng bị gạt ra vì những lý do khác, chẳng hạn như cuộc tranh cãi gây nhiều ảnh hưởng về Che Guevara. Vào năm 1998, tạp chí đăng bài tưởng niệm Che của Suo Sa, một nhà Mỹ-Latin học. Bài viết này đã gợi cảm hứng trực tiếp cho vở kịch do Huang Jisu và Zhang Guangtian dựng, trình diễn vào năm 2000. Cả bài viết của Suo Sa và vở kịch về Che Guevara đã gây ra một cuộc tranh luận căng thẳng trong giới trí thức Trung Hoa: một số người coi đây là việc gợi lại ngược đời về quá khứ cách mạng mà Trung Hoa đương đại đã chối bỏ một cách đúng đắn; những người khác lại coi đó là cách tái-chứng minh tính chính đáng cuộc tranh đấu cho giải phóng. Ðộc thư đăng một số bài viết có quan điểm khác nhau, tranh luận về ẩn ý của biểu tượng chính trị này trong bối cảnh hiện thời. Nếu Ðộc thư tinh tuyển chọn cả những bài đó và đăng trong tập Tái dựng lại hình ảnh của chúng ta trên thế giới, hoặc tập Một cái nhìn thu hút, thì hẳn sẽ rất hữu ích cho độc giả. Các bài viết đó cung cấp một bức tranh rõ nét về việc trí thức Trung Hoa xem xét di sản cách mạng của đất nước và việc đương đại tách khỏi quá khứ ấy như thế nào. Các nhà biên tập có thể có những quan ngại riêng của họ, dù về mặt chính trị hay kỹ thuật, về chủ đề này; nhưng từ quan điểm của độc giả, những bài viết đó chắc chắn sẽ làm tăng giá trị toàn bộ tuyển tập.

Những bài viết nhạy cảm về chính trị khác cũng bị loại bỏ, trong đó phải kể đến bài “Viết sử: Làng Gao” của nhà xã hội học Gao Mobo, gây nhiều tranh cãi nhất trong thời điểm này. Bài viết phân tích ảnh hưởng của Cách mạng Văn hoá tới sự phát triển của làng này và đặt ra câu hỏi: ai là người chi phố tường thuật về Cách mạng Văn hoá? Ðộc thư in bài này nhằm mục đích mở ra các quan điểm nhiều chiều về cuộc Ðại Cách mạng Văn hoá của Giai cấp Vô sản [无产阶级文化大革命] và hi vọng gây ra tranh luận. Nhưng người ta coi bài “Làng Gao” thách thức sự đồng thuận chính trị giữa trí thức và quan chức của đảng kể từ thập niêm 1980 rằng Cách mạng Văn hoá là một thảm hoạ toàn diện. Mỉa mai thay, không phải các quan chức mà chính các trí thức cấp tiến đã phát hiện ra luồng nguy hiểm trước, và, tuy không nhằm chỉ trích nghiên cứu của Gao, đã phê bình ông “thiếu tính đúng đắn chính trị.” [5] Sau đó, các quan chức kiểm duyệt can thiệp và cấm tiếp tục thảo luận về đề tài này trên Ðộc thư. Ẩn ý rõ ràng của động tác này là không thể đưa bài “Làng Cao” vào Ðộc thư tinh tuyển: tính chính đáng của kỷ nguyên cải cách kinh tế (theo hướng) thị trường là dựa trên, có lẽ ở một mức độ lớn đáng ngạc nhiên, phán quyết phủ nhận Cách mạng Văn hoá; (do đó) hiển nhiên việc đưa ra một bức tranh chỉ hơi tích cực về thời kỳ đó một chút thôi cũng đe doạ phá hoại nghiêm trọng công cuộc cải cách.


Bối cảnh phê bình

Bất chấp những nhược điểm này, 6 tập Ðộc thư tinh tuyển vẫn là một tuyển tập có giá trị. Việc sắp xếp theo chủ đề cho phép những tập sách này phản ánh một cách có trật tự hơn đường hướng chính trị và học thuật của tạp chí trong thời gian vừa qua. Mặc dù các tác giả có lập trường chính trị khác nhau, nhưng hồi đáp của các tổng biên tập trước con đường phát triển hiện nay của Trung Quốc được bộc lộ rõ ràng qua chương trình nghị sự tổng thể. Tuy nhiên, đối với những người vẫn ôm ấp niềm tin vào những cái tốt của tiến trình hiện đại hoá với thị trường tự do (hay những biến thể của nó), những vấn đề mà Ðộc thư đặt ra chắc chắn khiến họ bực mình: trong phạm vi của tạp chí này, tiêu chuẩn mã hoá của tiến trình hiện đại đã sụp đổ. Thay vì (niềm tin rằng) thị trường toàn cầu, tự do, dân chủ, nhân quyền và khoa học tay trong tay tiến bước, (người đọc thấy rằng) có thể có những xung đột về quyền lợi nghiêm trọng giữa các giá trị này. Con đường đơn nhất của hiện đại hoá, phỏng theo kinh nghiệm của phương Tây, không còn được xem như phương thuốc thích hợp cho bệnh lý Trung Hoa nữa. Vào thập niên 1980, trí thức thường dùng mô hình này để phê phán cả tình trạng đình trệ của Ðế chế Trung Hoa lẫn bạo lực phá hoại của Cách mạng; nhưng dưới thời Uông và Hoàng, những phê phán như vậy nói chung bị cho ra rìa. Ðộc thư chuyển sang tập trung vào những suy nghĩ về chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, điều kiện chính trị - xã hội của thị trường, và động lực của lịch sử Trung Hoa. Với những người còn vững tin vào sự đồng thuận trước đây, việc nhận ra rằng quyền sắp đặt chương trình nghị sự của Ðộc thư không còn nằm trong tay họ nữa quả là chẳng vui vẻ gì.

Vì vậy, việc có những trí thức ăn mừng việc chấm dứt “kỷ nguyên Uông và Hoàng” của Ðộc thư không phải là điều khó hiểu. Một số người từng công khai quy kết Uông chống lại hiện đại hoá, và do đó là “phản động”, dẫn dắt Ðộc thư đi sai đường. Những người khác, nhận ra rằng lý thuyết hiện đại hoá là một hệ thống đã lỗi thời ngay cả ở phương Tây, bày tỏ sự bất mãn của họ một cách gián tiếp hơn, hoặc dựa trên những điều phi-chính trị: Ðộc thư dưới thời Uông và Hoàng không còn giữ được truyền thống văn xuôi tao nhã nữa, và trở nên quá khó hiểu; tạp chí không còn là “không gian chung” hay “ngôi nhà tinh thần” cho toàn bộ giới trí thức nữa. Ðiều này đúng tới mức độ nào? Như trên đã nói, tập năm Không chỉ để kỷ niệm bao gồm những bài viết mang tính văn chương tao nhã bậc nhất. Các tuyển tập khác cũng có nhiều bài viết hay, cho thấy rằng ý định của hai tổng biên tập là duy trì phong cách của Ðộc thư trong quá khứ. Tuy nhiên, nội dung của một số bài viết khiến các tác giả của chúng không thể không dùng những từ vựng cần thiết để viết về những vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội đương đại. Không giống như hồi ký, các tiểu luận này thường có xu hướng phân tích, và thường có tính lý thuyết rất cao.

Một lần nữa, sự thay đổi về phong cách này cần được hiểu trong bối cảnh thay đổi về chuyên ngành diễn ra ở Trung Quốc trong thập niên vừa qua. Vào những năm 1980, trí thức đọc đủ mọi loại sách mà không mấy ý thức về ranh giới giữa các chuyên ngành; sang thập niên 1990, họ không thể không chú ý đến những ranh giới này nữa. So với văn học, các ngành khoa học xã hội mới dường như có một ngưỡng tri thức cao hơn rất nhiều: một độc giả trung bình có thể không hiểu nổi ngôn ngữ kinh tế; nhiều thuật ngữ mới được dịch sang tiếng Hán. Do vậy, việc duy trì phong cách tao nhã như trước thật không dễ dàng. Trong cuộc tranh luận gần đây, những người chỉ trích Uông và Hoàng diễn giải sự khác nhau về phong cách này là triệu chứng của việc hai tổng biên tập cắt đứt với truyền thống văn xuôi cổ điển của Ðộc thư. Trên thực tế, những phàn nàn về khả năng đọc được (readability) đã có từ giữa thập niên 1980, khi Ðộc thư bắt đầu giới thiệu lý thuyết phương Tây. Ðể bắt kịp với những thay đổi trí thức mau chóng trong thời kỳ này hiển nhiên là điều khó khăn với những thói quen đọc cũ. Nhưng cũng có những nhân tố không thể chối cãi được về những khác biệt nói chung: phần lớn các trí thức thế hệ Uông và Hoàng không được hưởng một nền giáo dục có hệ thống về các trước tác kinh điển của Trung Quốc, bị bãi bỏ sau khi Ðảng Cộng sản lên cầm quyền vào năm 1949. Một số trí thức lớn tuổi hơn như Fei Xiaotong chẳng hạn, được đào tạo ở các trường đại học phương Tây, nhưng vì được học hết các tác phẩm kinh điển trước khi ra nước ngoài, nên họ vẫn có thể viết được theo lối văn (cổ) tao nhã. Thế hệ trẻ hơn không hề có nền tảng đó để cân bằng với ảnh hưởng đột ngột của ngôn ngữ phương Tây. Nhưng đây là một hạn chế về kết cầu mà các nhà biên tập buộc phải cố giảm thiểu. Với bằng chứng là các tập sách này, có lẽ phải nói rằng Uông và Hoàng đã gắng hết sức mình để (biên tập) khiến tạp chí có thể dễ đọc hơn mà vẫn không bị biến thành lối văn bình dân. Ðộc thư hiếm khi đăng những tiểu luận nghiên cứu quá chuyên ngành, và khuyến khích tác giả viết để cho độc giả bình thường (không chuyên) có thể hiểu được. Các bài phân tích thường được đăng cùng với hồi ký hay những bài viết ngắn cho cân bằng.


Xu hướng im lặng?

Trí thức Trung Quốc cấp tiến cũng đưa ra những hình thức chỉ trích khác đối với tạp chí; phần lớn số này sống ở bên ngoài Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa: rằng mặc dù Ðộc thư đã chọn một lập trường mạnh mẽ chống lại những chính sách kinh tế tân-tự do (neo-liberal) thiếu bình đẳng của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, tạp chí này thận trọng hơn rất nhiều trong việc đưa ra những phê bình chính trị về đặc tính đàn áp của chính phủ. Theo quan điểm của những nhà phê bình này, nhiệm vụ đầu tiên của giới trí thức là đấu tranh với chế độ để giành quyền tự trị trí thức. Ðiều không may là, tuy tất cả có thể đồng ý trên nguyên tắc về việc khao khát một nền tự trị như vậy, thậm chí ngay cả một số những trí thức cổ vũ cho điều đó hình như vẫn còn mang não trạng lấy nhà cầm quyền làm trung tâm (regime-centred), bằng cách kêu gọi giới quan chức trừng phạt các đối thủ trí thức của họ. Ðộc thư là nạn nhân của lối tiếp cận kiểu này.

Về câu hỏi rộng hơn, đúng là các tổng biên tập Uông và Hoàng thận trọng về chính trị trong một số mặt nào đó: việc loại bỏ - các bài viết về Che Guevara hay “Làng Gao” - khỏi bộ Ðộc thư tinh tuyển như đã nói ở trên, minh hoạ cho điều này. Tuy nhiên, nói rằng Ðộc thư dưới thời Uông và Hoàng không đóng một vai trò nào trong việc phê bình chế độ chuyên quyền là sai. Chẳng hạn, nhà phê bình cấp tiến nổi tiếng Qin Hui (được phỏng vấn trên New Left Review 20), thường xuyên tham gia đóng góp cho tạp chí thời Uông và Hoàng làm tổng biên tập và bài viết của ông cũng được đưa vào tuyển tập. Các trí thức cấp tiến nổi tiếng khác như Qian Liqun (sử gia nghiên cứu văn học Trung Quốc), He Qinglian (nhà báo, hiện đang sống lưu vong chính trị), Xu Ben (một nhà văn sống ở Mỹ, hiện đang nghiên cứu về Hannah Arendt) và Li Shenshi vừa qua đời cách đây không lâu. Sau khi Uông và Hoàng bị bãi nhiệm, Qian Liqun tuyên bố tại một hội thảo chuyên đề là ông lấy làm tiếc về việc này và kêu gọi trí thức đoàn kết lại trong cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận.

Việc tóm tắt vấn đề ở đây cũng giống như san phẳng một cảnh quan trí thức vốn rất nhiều cấp độ màu sắc khác nhau: trong cuộc tranh luận này, có nhiều luận điểm tinh tế và trùng hợp nhau, vượt xa nhãn hiệu “phe tân tả chống lại chủ nghĩa cấp tiến (liberalism)” mà người ta gán cho nó vào cuối thập niên 1990. Tuy nhiên, công bằng mà nói, tờ Ðộc thư dưới thời Uông và Hoàng tập trung chủ yếu vào việc phơi bày logic kinh tế - chính trị của liên minh giữa tư bản với một nhà nước vừa áp chế-vừa say mê chủ nghĩa phát triển. [6] Nhiều người chỉ trích tạp chí này tin rằng nhà nước có vấn đề, nhưng tư bản thì không. Vì vậy, theo quan điểm của họ, Ðộc thư phê bình tư bản quá nhiều, và tấn công nhà nước quá ít; đây chính là nguồn gốc của lập luận này.

Quan niệm cho rằng Ðộc thư từng là “ngôi nhà chung” cho toàn bộ giới trí thức Trung Hoa cũng chỉ mới nổi lên gần đây. Như đã đề cập ở phần trên, trong những năm 1980, Ðộc thư không phải là diễn đàn duy nhất cho đối thoại; có khá nhiều tạp chí khác cũng có tầm ảnh hưởng không kém. Nhưng ở đây cũng vậy, cần lưu ý đến mối quan hệ của giới trí thức với những thay đổi trong xã hội. Sự đồng thuận của thập niên 1980 về tiến trình hiện đại hoá đã tan vỡ, và Ðộc thư không thể tiếp tục dựa vào nó nữa. Xin nhắc lại: tạp chí này tiếp tục in tiểu luận của các tác giả có quan điểm khác nhau, bao gồm cả những nhà kinh tế học ủng hộ xu hướng thị trường tự do, chống lại những cáo buộc của He Qinglian. Ðiều khiến cho những người phê bình Ðộc thư đau đớn có lẽ không phải vì bài viết của những tác giả nghiêng về nền kinh tế thị trường không được đăng trên tạp chí này, mà là vì trong suốt thập niên vừa qua, những tác giả đó đã không thiết lập nổi chương trình nghị sự của họ.


Tiếng nói chất vấn

Người ta có thể biện luận là Uông và Hoàng có thể làm nhiều hơn để đáp ứng thị hiếu của những người vẫn vững tin vào sự đồng thuận trước đây. Nhưng không chắc liệu Ðộc thư có thể duy trì nổi hình ảnh của một “thời kỳ vàng son” mà không đánh mất chất lượng phê bình của mình trong bối cảnh phân cực rộng hơn của trí thức. Vì sự đồng thuận tư tưởng trong quá khứ dựa trên một số điều kiện không thể lấy lại được: trước tiên, đó là sự đoàn kết chưa từng thấy giữa quan chức của Ðảng và giới trí thức, có được do những ký ức còn tươi rói về Cách mạng Văn hoá; thứ hai, cấu trúc quyền lợi không có sự khác biệt trong xã hội Trung Quốc. Ngày nay, chính một bộ phận lớn công nhân và nông dân bị gạt ra lề trên con đường phát triển của Trung Quốc hiện nay cũng không còn tin vào sự đồng thuận tư tưởng này nữa. Trong bối cảnh đó, nếu Ðộc thư tiếp tục vận hành theo những giá trị của thập niên 1980 thì rõ ràng điều đó cũng đồng nghĩa với việc không nắm bắt được các thay đổi đang diễn ra. Chính vì thế mà Ðộc thư không chọn con đường duy trì “sự đoàn kết” bất khả của giới trí thức; thay vì vậy, tạp chí đặt ra những câu hỏi mới cho toàn xã hội.

Trên thực tế, nhiều vấn đề mà Ðộc thư đặt ra đã trở thành những mối quan ngại chung và thậm chí còn gây ảnh hưởng tới chính sách công. Nhà nước chỉnh sửa lại thuyết “hiệu suất là trên hết” vào năm 2004, và sự phát triển bền vững được chính thức chú ý hơn dưới khẩu hiệu mới của đảng là “phát triển khoa học”. Chi phí về y tế và an ninh xã hội được gia tăng, rồi ngân sách cho hạ tầng cơ sở nông thôn cũng vậy; thuế nông nghiệp được huỷ bỏ. Ðiều này không có nghĩa là những bất bình đẳng xã hội được hạn chế, chưa nói đến chấm dứt. Trong nhiều trường hợp, chính quyền địa phương cưỡng lại hoặc ngầm phá hoại các chính sách xã hội; với họ, việc gia tăng chỉ số GDP (tổng sản phẩm nội địa) là chỉ thị quan trọng nhất để họ có thể thăng tiến trong hệ thống quan chức. Ðiều đó biến chính quyền địa phương thành cỗ máy trục lợi. Dù các lãnh đạo chóp bu có thể muốn thay đổi điều này, nhưng nhiều nhóm có quyền lợi đã có mặt ở xã hội địa phương, nơi quyền lực nhà nước (địa phương) và tư bản hợp tác với nhau. Trong hoàn cảnh đó, các chính sách xã hội nhiều nhất cũng chỉ có thể cải thiện những điều tồi tệ đang diễn ra trên con đường phát triển chứ không thể chữa trị chúng. Tuy vậy, công bằng mà nói, những mối nguy hiểm của sự bất bình đẳng trong xã hội đã được biết đến rộng rãi, và những “thầy tu” quảng bá cho thuyết “hiệu suất là trên hết” không còn được coi là bất khả công kích nữa. Trên không gian ảo (cyberspace) của Trung Quốc, các nhà tân-cấp tiến (neo-liberal) bị chỉ trích gay gắt là quản lý cải cách tồi tệ, dẫn đến hậu quả là sự bất bình đẳng xã khủng khiếp. Người ta cũng đã đặt vấn đề với hình ảnh rực rỡ về thị trường tư bản toàn cầu và trật tự chính trị, đặc biệt kể từ khi các mặt hàng xuất khẩu của Trung Hoa vấp phải chế độ bảo hộ thương mại ở Mỹ và Châu Âu trong những năm gần đây. Ðiều này khiến cho nhiều người nhận ra rằng thế giới không phẳng. Các nhà cấp tiến giờ đây có xu hướng nói rõ là họ không thuộc trường phái tân-cấp tiến, và chú trọng hơn tới công bằng xã hội trong những bài viết của họ. Hẳn là sai lầm nếu chúng ta lờ đi ảnh hưởng của Ðộc thư trong tất cả những vấn đề này.

Nhưng những thay đổi này không hàn gắn được hố ngăn cách đang tồn tại trong giới trí thức Trung Hoa mà, ngược lại, còn làm sâu thêm. Hình thức của việc bãi nhiệm Uông và Hoàng có thể có vẻ như phi chính trị; nhưng nghiêm khắc mà nói, đây là một tiến trình chính trị bị phi chính trị hoá. Lý do kỹ thuật mà Nhà xuất bản SDX viện dẫn không thuyết phục nổi ai. Nguyên nhân thực sự nằm ở chỗ khác. Phần lớn các trí thức Trung Quốc đều dễ dàng nhận thấy ẩn ý chính trị của sự thay đổi đột ngột này. Là một doanh nghiệp nhà nước, SDX trực thuộc Tổ hợp Xuất bản Trung Quốc, nằm dưới sự lãnh đạo của Ban Tuyên truyền Trung ương của Ðảng Cộng sản Trung Quốc. Các quan chức có động cơ quan trọng để thuần phục tờ tạp chí “gây rắc rối” này; vì mặc dù phong cách của Ðộc thư là ôn hoà, những tư tưởng mà nó truyền bá có khả năng gây nguy hiểm, và các trí thức tân-cấp tiến không còn nói xấu nó nữa. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều gì xảy ra sau bức màn sân khấu (nguyên văn: trong hộp đen – ND); nhưng thậm chí ngay cả trước khi Nhà Xuất bản SDX công bố (việc bãi nhiệm) các tờ báo cấp tiến đã loan tin là Ðộc thư sẽ thay tổng biên tập, và một số những người không thích hai tổng biên tập này đã bắt đầu ăn mừng chiến thắng.

Ðiều bất ngờ là tuyển tập sáu tập này đánh dấu sự kết thúc “kỷ nguyên Uông và Hoàng” của Ðộc thư. Còn phải chờ xem con đường sắp tới của tạp chí này là gì. Vài tháng đầu sau vụ Uông và Hoàng bị bãi nhiệm, nó có vẻ như vẫn theo đường cũ. Nhưng số tháng Một năm 2008 đã có những thay đổi về bản chất, với bài viết mở đầu là “Kêu gọi một nền kinh tế thị trường theo pháp quyền”. Dưới thời hai tổng biên tập trước đây, khó có khả năng tạp chí này sẽ dùng một khẩu hiệu chính trị chính thống kiểu này làm tựa đề cho một tranh luận của trí thức. Bộ Ðộc thư tinh tuyển vẫn là một cửa sổ qua đó thế giới có thể thấy được những biến đổi xã hội của Trung Quốc trong thập kỷ đầy biến động vừa qua, và định vị những tư tưởng của giới trí thức Trung Hoa trong bối cảnh lịch sử của nước này. Giai đoạn vừa qua chứng kiến một sự đảo ngược: các nhà tư tưởng và các nhà văn trước đây từng đoàn kết do khát vọng hiện đại hoá giờ đây bị chia rẽ bởi tiến trình cải tổ và phát triển khắc nghiệt. Trước những phân hoá đau đớn này, một số người không thể không tìm nguồn an ủi bằng cách ngoái nhìn lại sự đồng thuận của những năm 1980. Với những lối nghĩ quẩn như vậy, quá khứ ngày càng giống như thời kỳ vàng son. Trong kỷ nguyên của hoài niệm, Ðộc thư tinh tuyển, 1996-2005 dội một gáo nước lạnh: “Thời kỳ vàng son” càng mất không thể cứu vãn nổi, vì giờ đây ngay cả huyền thoại cơ sở của nó cũng tan vào không khí. Với trí thức Trung Hoa, bây giờ là thời điểm họ phải đứng trên chính hai chân của mình và dũng cảm vật lộn để tự khẳng định.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Dushu Jing Xuan, vol. iii, Bishi de Yanshen, 390 trang.
[2]Bản ngắn hơn đăng bằng tiếng Anh với tựa đề ‘Ruins of the Future’, trên New Left Review, 31, Jan–Feb 2005.
[3]Dushu Jing Xuan, vol. v, Bujin Weile Jinian, 579 trang.
[4]Dushu Jing Xuan, vol. vi, Dushu Xianchang , 469 trang.
[5]Xem tờ Nanfang Zhoumo (Phương Nam cuối tuần), 29 March 2001.
[6]Nguyên văn: oppressive-developmentalist state – ND.