trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
17.9.2008
 
Làn sóng tự do hóa tư tưởng lần thứ ba của Hồ Cẩm Đào
 
TTXVN (Hongkong 9/7) - Bên cạnh Olympic, thách thức lớn nhất đối với ban lãnh đạo Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc trong năm nay là việc đề ra lộ trình "cải tổ giai đoạn sau". ĐCS vào tháng 12 tới sẽ kỷ niệm 30 năm ngày bắt đầu thời kỷ cải tổ của Trung Quốc do nhà lãnh đạo kỳ cựu Đặng Tiểu Bình đề xướng ngay sau khi ông loại bỏ được phái Maoist cực kỳ bảo thủ. Phù hợp với hình ảnh cẩn trọng của người thừa kế thành tựu cải tổ của nhà "kiến trúc sư vĩ đại", Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo được trông đợi sẽ đưa ra một chương trình nghị sự quan trọng để thay đổi phù hợp với yêu cầu của thế kỷ mới. Nhà phân tích Trung Quốc kỳ cựu Willy Lam [Willy Wo-Lap Lam/林和立/Lâm Hòa-lập] vừa qua đã trao đổi với phóng viên TTXVN một bài viết về vấn đề này, chúng tôi xin tóm tắt như sau.
Câu thần chú "tiến lên cùng giải phóng tư tưởng" lần đầu tiên được ông Hồ đưa ra trong báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội lần thứ 17 của ĐCS Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, và ông Ôn Gia Bảo lại nhắc lại trong báo cáo công tác của chính phủ trình bày tại kỳ họp của Quốc hội tháng 3 vừa qua. Mặc dù cả ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo là những người cẩn trọng chứ không phải là những người nhìn xa trông rộng tiên phong, đầu năm nay họ đã quyết định để những ngôi sao đang lên ở cấp tỉnh, như bí thư tỉnh Quảng Đông Uông Dương [Wang Yang/汪洋], đi đầu trong việc thực hiện cái gọi là "Làn sóng tự do hóa tư tưởng lần thứ ba". Làn sóng tự do hóa lần thứ nhất ám chỉ cuộc vận động trong năm 1980 mang tên "Thực hành là điều kiện duy nhất của sự thật" để lấn át học thuyết Maoist cho rằng "Điều gì Chủ tịch Mao nói đều đúng". Làn sóng thứ hai, được đưa ra trong dịp Đặng Tiểu Bình đi khảo sát miền Nam trong năm 1992, là nhằm đẩy mạnh năng suất lao động bằng việc áp dụng cơ chế thị trường trong nền kinh tế.

Một điều quan trọng cần ghi nhận ở đây là cả ban lãnh đạo Bắc Kinh và những người được bảo trợ đều không muốn ủng hộ việc cải tổ chính trị như phương Tây mong muốn. Điều ban lãnh đạo Hồ - Ôn và ông Uông Dương, một thành viên kỳ cựu của phái Đoàn Thanh niên, mong muốn là việc cải tổ kinh tế nhanh hơn nữa bên cạnh cái gọi là "dân chủ trong nội bộ Đảng". Phát huy "dân chủ trong nội bộ Đảng" là đẩy mạnh tính giải trình của ban lãnh đạo ĐCS qua một số biện pháp, trong đó có việc cho phép các đảng viên cơ sở có tiếng nói lớn hơn trong việc chọn lựa các quan chức cấp trung. Một dự định nữa cũng được nêu ra là việc mở rộng dân chủ ở cấp cơ sở. Ông Uông, 53 tuổi, có biệt danh là "Nguyên soái trẻ" [Thiếu soái?] do tác phong giải quyết các vấn đề khó khăn một cách thẳng thừng và táo bạo của ông, bắt đầu đòi hỏi các đồng nghiệp ở Quảng Đông đưa ra chương trình cải tổ mạnh mẽ ngay sau khi ông được thuyên chuyển tới tỉnh này vào cuối năm ngoái. Nhắc nhở cán bộ tỉnh Quảng Đông về sự khởi động mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã làm cho tỉnh này, ông Uông cho rằng tỉnh tiên phong này phải "đạt được bước nhảy vọt mới trong lịch sử".

Đột phá chính trong "tư duy mới" của ông Uông là Quảng Đông phải đạt được "tầm cỡ quốc tế". Nhà lãnh đạo Đảng mang tư tưởng cải cách này đặc biệt đòi hỏi đồng sự của mình phải tăng cường khả năng trong việc "tạo ra đổi mới trong hệ thống và thể chế" qua việc học hỏi từ Hongkong và các nền kinh tế phát triển khác. Hưởng ứng tư tưởng của Đặng trong việc thực hiện cải tổ không giới hạn trong những năm 90 của thế kỷ trước, vị "thiếu soái" này cho rằng có thể cho phép nhà lãnh đạo mắc sai lầm. Điều này có nghĩa là nếu phương hướng mới không thực hiện được, Quảng Đông có thể thay đổi và thông qua biện pháp khác để đẩy mạnh cải tổ. Đầu tháng 5 vừa qua, vị ủy viên Bộ Chính trị này cũng chỉ ra rằng quan chức nên táo bạo đưa ra các khái niệm mới và táo bạo triển khai những chính sách này, miễn là nó phù hợp với quan điểm "phát triển khoa học". Điều này ám chỉ tư tưởng của ông Hồ về "đặt nhân dân lên hàng đầu" và phấn đấu tạo ra cân đối giữa việc tăng trưởng GDP và đảm bảo công bằng xã hội.

Về "dân chủ trong nội bộ Đảng", ông Uông đã tiếp bước những thí điểm thực hiện trong hai năm vừa qua tại tỉnh Giang Tô dưới thời bí thư Lý Nguyên-triều [Li Yuanchao/李源潮], một nhân vật được ông Hồ ủng hộ nữa trong phái Đoàn Thanh niên. Ví dụ, ông Uông đã đi tiên phong trong việc "nhận xét công khai" công tác của các cán bộ cấp trung ở Quảng Đông. Hai tháng trước đây, 71 thành viên của Ban chấp hành đảng bộ thành phố Trạm Giang đã tiến hành việc đánh giá công tác của 11 cán bộ lãnh đạo cấp huyện và quận trong phạm vi của thành phố. Việc đánh giá này, bao gồm việc đưa ra các mức độ khác nhau của các cán bộ, đã được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình và trang web của địa phương. Uông Dương và Lý Nguyên-triều, người hiện nay là chủ nhiệm Ủy ban Tổ chức Trung ương, cũng vạch ra các bước đi ban đầu để biến đặc khu kinh tế Thâm Quyến thành một thành phố thí điểm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các kế hoạch trên bao gồm việc cho phép cư dân Thâm Quyến lựa chọn người đại diện cho nhân dân ở cấp quận, và các đại biểu quốc hội cấp địa phương này sẽ được trao quyền lựa chọn các quan chức ở cùng cấp qua hình thức "bầu cử cạnh tranh", khi mà ứng cử viên - đã được ĐCS chấp nhận - sẽ phải vượt số ghế định bầu. Cho tới nay, các đại biểu của nhân dân cấp quận vẫn được chỉ định bởi lãnh đạo Đảng ở Thâm Quyến, những người cũng đề cử lãnh đạo cấp quận và các quan chức khác. Các chức vụ cấp quận cuối cùng được khẳng định bởi các hội đồng nhân dân cấp quận qua hình thức giơ tay biểu quyết.

Trong bối cảnh tương đối có giới hạn và chỉ dừng ở cấp tỉnh, "sáng kiến mới" của ông Uông về những thay đổi trong lĩnh vực hành chính và chính trị không thể mở rộng ra cơ cấu chính trị trong cả nước, đặc biệt là việc độc quyền về quyền lực của ĐCS. Bản thân ông Uông cũng rất thận trọng khi cho rằng sáng kiến của ông đối với Thâm Quyến không thể biến đặc khu kinh tế này thành một "đặc khu chính trị". Không ít những đảng viên ủng hộ "cánh tự do" trong Đảng, đa số là những người trung thành với hai cựu tổng bí thư chủ trương cải cách là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, đã nỗ lực tạo cho "làn sóng tự do tư tưởng lần thứ ba" ý nghĩa lớn hơn là dự định của ban lãnh đạo Hồ - Ôn. Trong số các cựu đảng viên có tư tưởng tự do này, đáng kể là ông Zhou Ruijin [周瑞金/Chu Thụy-kim], cựu Phó tổng biên tập của tờ Nhân dân nhật báo. Một thời là cố vấn của Đặng [Tiểu Bình], ông Chu đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về tư tưởng ủng hộ thị trường mà nhà lãnh đạo này đã đưa ra trong chuyến công du phương Nam vào năm 1992. Trong một bài viết nổi tiếng của mình, ông Chu viết rằng trọng tâm của "Làn sóng tự do tư tưởng lần thứ ba" phải là việc "trao lại quyền cho nhân dân". Nhà lý luận nổi tiếng này chỉ ra rằng hai cuộc vận động tự do hóa trước đây chủ yếu nhằm tăng năng suất lao động và đem lại lợi ích vật chất cho nhân dân. Ông cho rằng "trao lại quyền cho nhân dân" là sự thể hiện một cách tư nhiên khẩu hiệu của ban lãnh đạo Hồ - Ôn về việc "đặt người dân lên trên hết". Theo ông, Ban lãnh đạo Trung ương Đảng đã nói rõ rằng "công chúng có quyền biết, cũng như quyền bày tỏ ý kiến của bản thân và tham gia hoạt động chính trị". Ngoài ra, theo ông Du Daozheng [杜导正/Đỗ Đạo-chính, chủ bút nguyệt san Viêm hoàng Xuân thu/Yanhuang Chunqiu/炎黄春秋"], người vốn gần gũi với cố Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang, cuộc vận động tự do hóa hiện nay nên giải quyết xung quanh việc tăng cường "quyền của người dân", rằng bước đi đầu tiên là phát triển dân chủ chính trị, trong đó có việc tạo ra một môi trường bao dung cho báo chí và việc bày tỏ ý kiến.

Tuy nhiên, những sáng kiến của ông Uông Dương và đồng sự gắn kết với phái Đoàn Thanh niên đã húc đầu vào những phái bảo thủ trong Đảng, những người cho rằng ngay cả việc thay đổi cẩn trọng do ban lãnh đạo Hồ - Ôn đưa ra cũng là quá tham vọng và không chính thống. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tờ Nhật báo Bắc Kinh, cơ quan tuyên truyền của cánh cực kỳ bảo thủ trong Đảng kể từ giữa những năm 80, trong những tháng qua đã dội nước lạnh vào cái có thể được gọi là bắt đầu một hình mẫu "mùa xuân Bắc Kinh". Trong một bài viết của tờ báo này với nhan đề "Cao trào của phong trào tự do hóa tư tưởng lần thứ ba khó có thể hình thành", nhà bình luận Shi Zhongquan [石仲泉/Thạch Trọng-tuyền] lập luận rằng báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trình bày tại Đại hội Đảng 17 vừa qua không thể được hiểu là lời kêu gọi trang bị vũ khí cho việc tự do hóa mạnh mẽ. Ông Thạch cho rằng thay vì dự đoán về một làn sóng cải tổ thứ ba, một điều có tính khoa học hơn là nên nói rằng "chúng ta tiếp tục việc tự do hóa tư tưởng", đã được chỉ ra trong báo cáo tại Đại hội 17. Tác giả cũng khiển trách những người tỏ ra quá phấn khích trong việc thúc đẩy tự do hóa chính trị. Theo ông Thạch, sẽ sai lầm khi nói rằng đất nước Trung Quốc không thực hiện việc cải tổ cơ cấu chính rị trong những năm qua.

Bất chấp những ảnh hưởng của các lập luận do những người "cực tự do" như ông Chu Thụy-kim hay những người cực bảo thủ như Thạch Trọng-tuyền, một điều rõ ràng là những sự kiện bất thường trong năm nay, đặc biệt là cuộc bạo loạn ở Tây Tạng và trận động đất Tứ Xuyên, đã làm mất đi ngọn gió thổi vào cánh buồm "phong trào tự do tư tưởng lần thứ ba". Giới trí thức Bắc Kinh thân cận với các cơ quan nghiên cứu của Ban lãnh đạo Hồ - Ôn cho hay nhà lãnh đạo tối cao Hồ Cẩm Đào đã chuyển trọng tâm của ông từ việc khởi động phong trào cải tổ mới sang việc duy trì sự ổn định, và khuyến khích mọi người dân Trung Quốc phát huy tinh thần của chủ nghĩa yêu nước phù hợp với các khẩu hiệu của ĐCS. Giới trí thức cho hay, nhà chức trách đã có một chỉ thị của ông Hồ nhấn mạnh "duy trì ổn định là trách nhiệm không lay chuyển của chúng ta, là trách nhiệm trước tiên của chúng ta". Về bên ngoài, ĐCS có thể biến một loạt thách thức, từ sự bất ổn định ở Tây Tạng và các tỉnh lân cận, nỗ lực của phương Tây nhằm tẩy chay Olympic, và trận động đất vừa qua, thành các cơ hội để đẩy mạnh làn sóng dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là trong giới trẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Olympic có thể bị gián đoạn bởi các phần tử "bán khủng bố" từ Tây Tạng và Tân Cương, ban lãnh đạo Hồ - Ôn đang đặt ưu tiên cho việc tái tập trung hóa quyền lực và cổ vũ cho sự trung thành tuyệt đối với đường lối của ĐCS.

Sự thực, bản thân bí thư tỉnh Quảng Đông Uông Dương rõ ràng đã bắt đầu đưa ra những tín hiệu về tự do hóa tư tưởng kiểu Quảng Đông. Trong một cuộc hội thảo về hoàn thiện pháp luật và trật tự xã hội tổ chức ở Quảng Châu vào đầu tháng 6, ông Uông cho rằng lời kêu gọi về cách suy nghĩ táo bạo, không chính thống, không nên hiểu là được toàn quyền hành động để tấn công vào luật pháp hay vào các học thuyết của ĐCS. Theo ông, "tự do hóa tư tưởng không có nghĩa là cho phép không chấp hành luật pháp và chống lại các nguyên tắc của Đảng". Trong một khung cảnh rộng hơn, ban lãnh đạo của ĐCS đã tước mất một số quyền tự do mà họ dường như trao cho trí thức và báo chí nước này trong hơn 10 ngày sau trận động đất Tứ Xuyên ngày 12/5. Một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng cũng như các nhà hoạt động trong các tổ chức phi chính phủ lại bị kiểm soát hoặc bị bắt trong quá trình hướng tới đại hội Olympic sắp tới. Một sự thật là Ban lãnh đạo Hồ - Ôn vẫn dự định tổ chức một hội nghị trong tháng 12 để kỷ niệm 30 năm ngày Trung Quốc bắt đầu cải tổ. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra cuộc bạo loạn ở Tây Tạng, Ban lãnh đạo Đảng đã phải chú tâm phản ứng lại sự kiện này và thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ, hơn là bắt đầu một sự cải tổ lớn trong kinh tế hay hệ thống chính trị. Có thể đặt cược rằng tại lễ kỷ niệm vào cuối năm nay, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ tập trung vào các giá trị ổn định truyền thống và vì chủ nghĩa dân tộc chứ không đưa ra lời kêu gọi về một tiến trình tự do hóa mới.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 11/7/2008, tr. 4-8