Hai chính đảng của Hoa Kỳ đã tưng bừng tổ chức đại hội của mỗi đảng kéo dài 4 ngày để tiến cử ứng viên, phô trương thành tích và tấn phong liên danh của mình.
Tuần lễ cuối tháng Tám, Đảng Dân chủ họp ở thành phố Denver, bang Colorado, đồng thanh tiến cử Thượng nghị sĩ Barack Obama, 46 tuổi, làm ứng viên tổng thống. Hình thức đồng thanh tiến cử là để chứng tỏ tình đoàn kết nhất trí sau một cuộc đối đầu gay go, gây nhiều thương tích chính trị giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Barack Obama. Thay vì xướng tên từng tiểu bang với số đại biểu mỗi ứng viên đạt được, Clinton đã kêu gọi những người ủng hộ bà đồng thanh với những đại biểu của Obama để đề cử ông, khỏi phải đếm và cộng số đại biểu. Hơn bốn nghìn đại biểu hô to ủng hộ Obama giữa tiếng hoan hô của vài chục nghìn người khác có mặt. Dù đã biết Obama có số đại biểu nhiều hơn Clinton và sẽ được đảng tiến cử, nhưng nếu phải chia ra rõ ràng hơn kém thì phe Cộng hoà sẽ lợi dụng những con số đó để khai thác và tấn công Đảng Dân chủ là chia rẽ.
Sau kì bầu sơ bộ vào tháng Sáu, khi Obama vượt lên trên Clinton thì dư luận có bàn đến khả năng về một liên danh Dân chủ với Obama và Clinton để hàn gắn vì con số 18 triệu cử tri đã chọn Clinton, một ứng viên được số đông phụ nữ và những người lớn tuổi ủng hộ có thể là yếu tố quyết định vào tháng Mười Một. Sự liên kết đó với những số liệu làm bằng chứng là hy vọng về một liên danh của mơ ước - The Dream Team - sẽ thắng được liên danh Cộng hoà.
Nhưng gần ngày đại hội, dư luận được biết Obama không thực sự để ý đến việc chọn Clinton. Không có dấu chỉ nào cho thấy ban vận động của Obama ngó tới Clinton, vì trong tiến trình tìm ứng viên phó tổng thống đã không có những yêu cầu kiểm tra lí lịch và hồ sơ an ninh của Thượng nghị sĩ Hillary Clinton.
Barack Obama đã chọn Thượng nghị sĩ Joseph Biden, 65 tuổi, từ bang Delaware làm phó để quân bình những chỉ trích thiếu kinh nghiệm đối ngoại và quốc phòng nhắm vào ứng viên Dân chủ. Nhưng như thế liên danh Obama – Biden cũng vẫn không có người với kinh nghiệm điều hành một guồng máy hành chánh dù lớn hay nhỏ. Biden là một dân cử quốc hội 37 năm và đã nắm giữ những vai trò quan trọng như chủ tịch của ủy ban luật pháp và ủy ban đối ngoại.
Ngày cuối của đại hội được dời ra vận động trường, nơi Barack Obama đọc bài diễn văn nhận sự đề cử trước 85 nghìn người và đã được nhiều cử tri toàn quốc lắng nghe, được các nhà bình luận phân tích, tìm hiểu. Nhưng Obama cũng chỉ nói chung chung
về phương hướng lãnh đạo như đã phác thảo chứ không đưa ra đề án chính sách cụ thể. Khẩu hiệu “Change We Can Believe In” – Thay đổi chúng ta có thể tin vào - được nhắc đi nhắc lại, được giương lên tràn ngập sàn đại hội. Bài diễn văn của Obama tấn công đối thủ McCain và đảng đối lập qua hai nhiệm kì Tổng thống Bush với những chính sách đã dẫn đến mức thất nghiệp lên cao, nhiều công việc chuyển ra nước ngoài, nước Mỹ rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế tài chánh, năng lượng lệ thuộc nhiều vào xăng dầu, thích chiến tranh hơn là thương thuyết ngoại giao và nhấn mạnh nếu Cộng hoà thắng cử thì “4 năm tới cũng sẽ như 8 năm vừa qua”.
Tuy nhiên đó là một bài diễn văn lịch sử của ứng viên tổng thống da đen đầu tiên của một chính đảng vào đúng dịp kỉ niệm 88 năm phụ nữ Mỹ, không kể người da đen, được quyền đi bầu và đúng 45 năm sau ngày Mục sư
Martin Luther King Jr. đọc bài diễn văn nổi tiếng “I Have a Dream” - Tôi có một ước mơ - trước hàng trăm nghìn người ở thủ đô Washington vào năm 1963 trong cuộc hành trình tranh đấu cho sự bình đẳng, cho dân quyền của người da đen mà sau bao năm làm nô lệ mới có được vào giữa thập niên 1960.
*
Nhưng chỉ qua đêm thì bài diễn văn của Obama đã bị lu mờ trước tin Thượng nghị sĩ John McCain chọn Thống đốc bang Alaska là bà Sarah Palin làm phó. Giới truyền thông hoàn toàn ngạc nhiên trước chọn lựa này và trách McCain đã chọn người mà không có những kiểm tra về thành tích. Thực ra nếu McCain quyết định chọn một phụ nữ thì đó là tiêu chí cần nhất, thành tích chỉ là phụ. Ít thành tích trong quá khứ thì ít bị đặt vấn đề hơn. So sánh với Obama – Biden thì Palin đã đem đến cho liên danh Cộng hoà nhiều kinh nghiệm điều hành hơn vì bà từng làm thị trưởng và hiện thời là thống đốc.
Năm nay tưởng chừng Hillary Clinton của Đảng Dân chủ sẽ là một phụ nữ Mỹ làm nên lịch sử. Nhưng bà đã thua Obama và lại không được mời làm phó. Trong khi Đảng Cộng hoà chọn một người phụ nữ trẻ hơn Obama, mới 44 tuổi, có nhan sắc với một thời đã được bầu làm hoa hậu tỉnh lẻ, và có lập trường bảo thủ vững chắc, khác với quan điểm của nhiều phụ nữ Dân chủ là những người ủng hộ Hillary Clinton thường có quan điểm phóng khoáng, đòi bình quyền về mọi mặt, từ công việc đến mức lương và muốn được tự do quyết định cho chính bản thân mình trong việc phá thai.
John McCain, 72 tuổi, và Đảng Cộng hoà muốn đánh một canh bạc để thu hút cử tri phái nữ mà phần đông ủng hộ Clinton và giới trẻ là những người có cảm tình với Obama.
Đang từ mầu da với Obama được Đảng Dân chủ tiến cử, những tranh luận đổi qua chuyện giới tính với Sarah Palin được chọn làm phó của liên danh Cộng hoà.
“Thống đốc Palin là ai?” là câu hỏi mà các nhà báo đã phải gãi đầu gãi tai đi tìm câu trả lời. Tên tuổi của bà còn xa lạ quá vì là thống đốc của một bang có đất rộng nhất nước Mỹ, nhưng dân số chỉ 700 nghìn và phải vượt qua Canada mới đến được. Chưa đầy hai năm trước, Sarah Palin được bầu vào chức thống đốc bang Alaska, một bang băng giá xa xôi, chẳng mấy khi có hoạt động nổi bật để truyền thông chú ý. Khi chân dung nữ ứng viên phó tổng thống Palin hiện trên màn hình, khán giả liên tưởng đến hình ảnh những phụ nữ quảng cáo mỹ phẩm: trẻ trung với mái tóc và cặp kính trắng thời trang.
Những thông tin đầu tiên về gia đình tiết lộ bà có 5 người con, đứa bé nhất mới 4 tháng tuổi dù trước khi sinh bác sĩ cho biết em bé bị dị chứng Down Syndrome, nhưng bà vẫn không chấp nhận việc phá thai là dấu chỉ của lập trường đối nghịch với Đảng Dân chủ. Bà thích săn bắn và không muốn giới hạn việc cá nhân được tự do có súng. Đó cũng là một quan điểm cứng rắn của Đảng Cộng hoà. Palin được biết đến là người sẵn sàng chống lại những nhóm vận động đặc quyền đặc lợi có ảnh hưởng ở thủ đô Washington.
Ứng viên Sarah Palin đã là điểm gây chú ý trong đại hội Đảng Cộng hoà tổ chức vào đầu tháng Chín ở thành phố St. Paul, bang Minnesota. Cùng lúc bão cấp 3 Gustav thổi vào New Orleans khiến Tổng thống George W. Bush viện cớ phải ứng trực tiếp để có biện pháp thích thời cứu trợ nên đã không dự đại hội mà chỉ gửi một thông điệp qua màn hình. Với tỉ lệ dân chúng ủng hộ Bush đang ở mức thấp nhất, dưới 30%, và có đến ba phần tư tin rằng Bush đang đi sai đường thì McCain chẳng muốn dính dáng nhiều tới Bush.
Diễn văn nhận sự đề cử của McCain cũng không đưa ra những chính sách cụ thể mà chỉ nhắm đến việc chỉ trích đối thủ và một chính quyền Dân chủ tương lai sẽ can thiệp nhiều hơn vào đời sống người dân, vì thế guồng máy hành chánh sẽ trở nên cồng kềnh, ngân sách nhà nước sẽ cao hơn, như thế sẽ phải tăng thuế để quân bình.
McCain không muốn chính quyền can thiệp và có những quyết định chọn lựa thay cho dân, có nghĩa là không muốn có nhiều luật lệ giới hạn mà để cho dân có nhiều tự do chọn lựa theo ý mình trong đời sống kinh tế cũng như vấn đề y tế. Về giáo dục McCain chủ trương cha mẹ được tự do chọn lựa trường học cho con mình.
Trong diễn văn, McCain đưa ra hai khẩu hiệu: “Country First” - Tổ quốc trên hết – để nhấn mạnh đến việc bảo vệ an ninh quốc gia. Còn “Change is Coming” – Thay đổi đang đến – chỉ thực tế với việc McCain và Palin đã đề nghị cho khoan thêm giếng dầu ở Alaska và dọc theo bờ biển Hoa Kỳ.
Điểm nóng là cuộc khủng hoảng kinh tế thì McCain vẫn chủ trương bất can thiệp. Nhưng cuối tuần qua chính quyền Bush đã phải nhảy vào cứu trước nguy cơ sụp đổ của nhiều ngân hàng và hệ thống tài chánh Hoa Kỳ, dự trù chi 700 tỉ Mỹ kim giúp các ngân hàng tiếp tục hoạt động. Chính sách nhất thời giảm thuế cho dân của Tổng thống Bush đưa ra hồi đầu năm nay đã không kích thích được nền kinh tế, nay lại phải dùng một số tiền lớn làm phao cứu nguy tình hình tài chánh thì người dân xem chừng sẽ phải đóng thuế thêm nếu Cộng hoà tiếp tục làm chủ Bạch Cung. Đây là điểm yếu của Cộng hoà mà phe Dân chủ đang nhắm vào để tấn công: chính quyền McCain chỉ là sự nối dài thất bại của chính quyền Bush.
Trong khi đó McCain đã hứa sẽ cắt giảm thuế và nói đối thủ của ông sẽ tăng thuế. Thực ra cả hai ứng viên đều muốn nhà giầu phải trả thuế nhiều hơn, nhưng Obama và McCain có những định nghĩa khác nhau về một gia đình giầu có. Obama đề nghị giảm thuế cho những gia đình có mức thu nhập một năm dưới 250 nghìn Mỹ kim, còn trên mức đó là giầu có sẽ không được giảm thuế. McCain cho là phải có thu nhập trên 1 triệu mới là giầu. Sống ở California hay New York, những bang mà Đảng Dân chủ đang nắm chắc phần thắng, một gia đình bốn người với thu nhập 250 nghìn Nỹ kim thì cuộc sống chỉ dư chút đỉnh, chứ chưa phải là giầu sang. Mức thu nhập này có thể là giầu có đối với cư dân ở những bang như Ohio, New Mexico hay Wisconsin là ba trong số chừng 10 bang mang tính quyết định trong ngày bầu cử.
*
Bầu cử tổng thống Mỹ năm nay sôi nổi vì đời sống người dân đang chao đảo giữa những khủng hoảng: năng lượng, kinh tế, tín dụng ngân hàng và phải chọn lựa giữa hai ứng viên mà cử tri chưa rõ lắm về đường hướng chính sách. Hai câu hỏi lớn hiện thời không phải là vấn đề an ninh, khủng bố, hay về cuộc chiến ở Iraq hay Afghanistan mà là công việc đang làm có bền vững không và mức thuế đóng cho nhà nước có sẽ tăng hay giảm? Người dân Mỹ đang chờ đợi những câu trả lời cụ thể từ hai ứng viên trong những ngày tới trước khi quyết định bầu chọn vào ngày 4.11.
Dù chọn lựa thế nào thì cử tri Mỹ cũng sẽ làm nên lịch sử. Sự việc có một người lãnh đạo da đen hay một nữ phó tổng thống sẽ là dấu ấn của lịch sử Hoa Kỳ.
Nhưng chuyện bầu chọn một nữ phó tổng thống nếu so sánh với thế giới thì Hoa Kỳ còn thua xa nhiều nước khác. Ấn Độ, Anh quốc, Philippines, Do Thái, Sri Lanka, Đức quốc là những nước đã có phái nữ giữ vai trò lãnh đạo tối cao. Hiện nay trong chính trường Mỹ có nữ dân biểu Nancy Pelosi là chủ tịch quốc hội, theo hiến pháp bà là người thứ ba kế vị lãnh đạo quốc gia trong trường hợp cả tổng thống và phó tổng thống bị ám sát chết hay vì lí do nào đó không thể điều hành quốc gia được.
*
Trong số nhiều bích chương vận động được cử tri miền Bắc California dựng nơi sân nhà hay dán trên cửa sổ, có một bích chương ủng hộ Hillary Clinton với hàng chữ: “The only place for a woman is in the house – the White House” – Nơi duy nhất dành cho người đàn bà là ở trong nhà – Nhà Trắng. Tức là trở thành người lãnh đạo, nhưng đến nay mơ ước đó dành cho Clinton đã không thành.
Còn Sarah Palin có một câu nói được bà lặp lại nhiều lần trong diễn văn nhận sự đề cử khi bàn đến chính sách để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện thời: “Drill, baby, drill” – Khoan, cưng ơi, khoan. Nghe hấp dẫn đấy. Nhưng phải chờ đến ngày 4.11 tới đây xem cử tri Mỹ chọn lựa thế nào. Nếu bà trở thành phó tổng thống thì trong một tương lai gần Hoa Kỳ sẽ có một người phụ nữ là lãnh đạo tối cao.
Nhưng lịch sử Hoa Kỳ đã quay mặt với phụ nữ. Mới nhất là với Hillary Clinton.
Phần tư thế kỉ trước có nữ dân biểu Geraldine Ferraro được chọn làm ứng viên phó tổng thống của Đảng Dân chủ và kết quả là một một sự thảm bại. Năm 1984 liên danh Cộng hoà với Reagan và Bush (Cha) đã đại thắng tại khắp mọi tiểu bang, trừ bang Minnesota là quê quán của Mondale, với 54 triệu phiếu và 525 phiếu cử tri đoàn, trong khi liên danh Dân chủ với Mondale và Geraldine chỉ được 37 triệu và 13 phiếu cử tri đoàn.
Năm nay, với sự pha trộn đen trắng và nam nữ trong hai liên danh đối lập nhau, vì thế dù đa số chọn người lãnh đạo dựa trên căn bản chính sách, cử tri Mỹ ít nhiều cũng bị mang tiếng kì thị, không về mầu da đen trắng thì về giới tính nam nữ.
© 2008 talawas