trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
24.9.2008
Trần Văn Tích
Nghĩ cho ai?
 
Trong những tuần lễ vừa qua, tôi, vì một lý do riêng, đã chủ động không gửi ý kiến đóng góp trên talawas. Nhưng cũng nhờ thế nên mới có dịp được hiểu rõ hơn lập luận của một số độc giả. Trước hết, xin hầu chuyện ông Trương Công Khanh ("Còn có một ẩn ngữ", talawas 19.09. và ý kiến ngắn ngày 22.09). Ông Khanh thích đưa ra những nhận xét ít nhiều mang tính triết học. Chẳng hạn “Tôi thấy, nhiều khi muốn hiểu chính mình cũng không phải dễ." Cùng chia sẻ ý nghĩ này với ông, có triết gia nhắn nhủ từ lâu lắm rồi: “Connais-toi toi-même."

Vì thích nghị luận triết học nên bài viết của ông Khanh dài và – như chính ông nhận định khi trả lời ông Dương Phẩm và ông Thanh Bình – phần nào khó đọc. Nhưng hầu như tất cả chỉ quy vào một đoạn đáng bình luận: “Nói đến mong ước của ông Trần Văn Tích, tôi hiểu được phần nào mong ước ấy của ông khi ông đang sống yên trong một xã hội phát triển và nhìn về quê hương với một con mắt khác. Còn tôi vẫn mang trong mình quốc tịch Việt Nam, tôi mong Việt Nam có một sự điều chỉnh lớn hơn trong đối nội cũng như đối ngoại, nhưng tôi không mong một sự thay đổi chế độ. Bởi muốn thay đổi một cái gì đó phải nghĩ kỹ lắm, nghĩ nhiều lắm, và không chỉ nghĩ cho mình thôi đâu mà còn phải nghĩ cho người, cho đồng bào, cho tương lai của dân tộc nữa."

Về ý “không chỉ nghĩ cho mình thôi đâu": Nhiều độc giả trên talawas, đang “sống yên trong một xã hội phát triển", chẳng có lý do gì để suy nghĩ cho mình.

Về ý “Còn phải nghĩ cho người, cho đồng bào": Chính vì nghĩ đến “người", đến “đồng bào" nên tôi – và nhiều người khác trên talawas – mới lên tiếng, và tôi càng thấy cần lên tiếng vì tôi đang sống ở một quốc gia có một quá khứ tạm gọi là “quốc - cộng" như Việt Nam. Quốc gia đó đã chuyển từ cộng sản từng phần sang dân chủ toàn bộ một cách êm thấm, thoải mái. Kết quả: Mua thịt heo rọi ở siêu thị HIT, bà xã tôi phàn nàn Ðức nó nuôi heo thế nào mà không còn ba chỉ nữa, mỡ rất ít, chỉ có nạc (ăn mỡ nhiều Ðức sợ bị cholesterol). Trong khi đó thì năm ngoái một anh bạn tôi ở Frankfurt về Việt Nam tìm mộ người em rể chết trong trại tù cộng sản ở Thanh Cẩm, Thanh Hóa, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn nguy hiểm vì đường đi, đến nơi được đồng bào ưu ái đãi khách với thịt trâu chết vì rét, còn chính bản thân đồng bào địa phương đó thì cả đời không biết mùi vị thịt lợn ra làm sao cả! Ðang ở Việt Nam, chắc ông Khanh biết nhiều về nỗi khổ của đại đa số đồng bào hơn tôi.

Tuy viết vòng vo tam quốc loanh quanh luẩn quẩn dài dòng lê thê nhưng ông Trương Công Khanh lại viết bằng “ẩn ngữ ". Ông không cho biết “người" là hạng người nào hay cá nhân nào. Chẳng biết khi người cộng sản “muốn thay đổi một cái gì đó" mà họ hô hào “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ" thì họ có “nghĩ nhiều lắm" đến những thành phần dân tộc này hay không? Hoặc giả hễ là người cộng sản thì được... miễn khía cạnh này? Khi chế độ cộng sản bị thay đổi thì những “đồng bào" như anh chàng công an bịt miệng cha Lý – hình như anh ấy tên Tâm – hoặc ông Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh phụ trách tiếp phái đoàn giáo xứ Thái Hà, chắc không còn tiếp tục hành nghề được nữa? Nhưng nếu anh công an bỏ thói quen bịt miệng người khác thì anh ấy sẽ tìm được việc thích nghi không khó, nhờ sức vóc lực lưỡng. Phần ông Phó Chủ tịch, nếu ông ấy quên cách giải quyết vụ bốn tấm giấy bàn giao của cha Vũ Ngọc Bích mà lại có nội dung và hình thức khác nhau thì ông ta cũng sẽ không thất nghiệp đâu, dẫu rằng ông ta sẽ khó tiếp tục làm quan cai trị. Không nói loanh quanh luẩn quẩn như ông Trương Công Khanh nữa, hãy nói đến “người", đến “đồng bào" sẽ “có vấn đề" nhất khi chế độ toàn trị sụp đổ là ông Nông Ðức Mạnh. Thử cùng với ông Trương Công Khanh nghĩ giùm, nghĩ đến, nghĩ về ông Nông Ðức Mạnh. Ông ta có thể cùng vợ qua Chile như Erich và Margot Honecker. Hai ông bà có thể đến Ðức và chỉ cần học một chữ Ðức thôi, chữ Asyl [1] , là có đủ tiện nghi tối thiểu để ăn no mặc ấm, kể cả ăn thịt heo ba chỉ không có chỉ, chứ không như các đồng bào của ông hiện thuộc quyền cai trị của ông, không biết mùi thịt lợn nó ra làm sao. Tệ lắm thì ông ta bám trụ và sống cảnh đời của Egon Krenz, thủ lãnh Ðông Ðức cũ: Sau một vài năm thuê xà lim để rời xà lim đi làm hằng ngày với lương tháng bốn ngàn Ðức Mã, Krenz được Thị trưởng Berlin đương nhiệm Klaus Wowereit ân xá. Khối cộng sản đã tan vỡ trên khắp châu Âu. Có hai vợ chồng Ceausescu ở Lỗ Mã Ni bị thanh toán. Ngoài ra, không thấy ai phải tù đày hằng chục năm và nhất là không nghe ai phải lãnh án tử hình. Khoa học nhân văn được chứng nghiệm bằng lịch sử. Lịch sử như thế đó, xin ông Khanh đừng quá “nghĩ cho đồng bào".

Về ý “Nghĩ cho tương lai của dân tộc": ông Khanh có “nghĩ cho tương lai của dân tộc" không, trước sự suy thoái của giáo dục, sự tha hóa của tình người, sự ô nhiễm của môi trường, sự tàn phá rừng già nhiệt đới, sự giấu giếm kết quả thương thuyết về lãnh thổ lãnh hải, sự vay nợ nước ngoài không ai kiểm soát v.v...?

Ông Trương Công Khanh mở đầu bài viết với nhận định rằng ông Hồ Chí Minh đã để ra trọn đời mà không đạt được mục tiêu “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Rất tiếc ông nói đúng nhưng chưa đủ. Tôi xin bổ túc thêm: Ông Hồ Chí Minh bỏ ra trọn đời, rồi các ông Lê Duẩn, Ðỗ Mười v.v... cũng bỏ ra trọn đời và ông Nông Ðức Mạnh cũng đang bỏ ra một phần đời để làm cái công việc kiếm cơm đủ cho dân ăn, kiếm áo đủ cho dân mặc; vậy mà vẫn chưa làm được. Trong khi đó ông Konrad Adenauer – dựa vào Kế hoạch Marshall – chỉ cần bốn năm để cung cấp cho dân Ðức áo quần không những lành mà đẹp, thức ăn chẳng những đủ mà ngon, và còn thêm xe ôtô Volkswagen nữa! Xin mở ngoặc bên lề: Năm 1947, Liên Xô bắt Tiệp Khắc không được tham gia Kế hoạch Marshall. Ông Hồ Chí Minh có thể đổ cho chiến tranh. Nhưng từ 1979 đến nay, tìm đâu ra chiến tranh trên đất nước chúng ta? (Tôi không nêu niên đại 1975 vì ngay sau đó là chiến tranh với Tàu và Miên, hai cuộc chiến tranh kỳ cục, drôle de guerre, khái niệm văn học có thời từng được người Pháp sử dụng). Xin nói thêm là khi ông Hồ lên nắm quyền, Việt Nam đang đứng về phe đồng minh chiến thắng, Việt Nam bị tàn phá tương đối chẳng lấy gì làm nặng nề; còn nước Ðức mà Adenauer kế thừa là một nước Ðức bại trận bị cả thế giới nguyền rủa và bị bom đạn đồng minh gần như san thành bình địa. Còn có thể so sánh thêm về nhiều khía cạnh nữa, nhưng thôi xin ngừng, vì càng so sánh càng đau lòng mà chẳng được chi. Bởi người ta sẽ bảo là tiêu chuẩn Âu Mỹ khác tiêu chuẩn Việt Nam (Tiêu Dao Bảo Cự), rằng đó là do cơ chế (Nguyễn Thanh Giang hay Nguyễn Huệ Chi [?], Chu Hảo [?]), rằng cái nước mình nó vậy (Hoàng Ngọc Hiến).

Ngày 22.09, ông Trương Công Khanh lại nêu ra một số định đề triết học, luận lý (và luân lý). Ví dụ: “ai cũng có quyền cung cấp góc nhìn ấy, nhưng đừng bắt người khác phải nhìn giống mình". Có ai trên talawas bắt ông Khanh phải nhìn giống họ đâu? Nhưng nếu đây là một định đề phổ quát mà ông Khanh định dùng phương pháp tu từ học “ẩn ngữ" để gửi người cộng sản thì tôi xin hoan nghênh. Ông Khanh triết lý: “Mọi suy nghĩ đều có thể rất thừa thãi khi sự việc không hề diễn ra theo trật tự mong muốn của mình..." Nhà Thờ – thuở bấy giờ cũng độc tài lắm nhưng chẳng đến nỗi toàn trị – từng bắt tội hai ông Copernic và Galilée; sự việc bắt tội đó đương nhiên chẳng hề “diễn ra theo trật tự mong muốn" của hai nhà thiên văn học, vậy phải chăng suy nghĩ của họ rằng trái đất xoay quanh mặt trời là “rất thừa thãi"? Thế hệ của những Nguyễn Ðình Chiểu, Trương Ðịnh, Phan Ðình Phùng chứng kiến cảnh “sự việc không hề diễn ra theo trật tự mong muốn của mình" vì người Pháp thiết lập nền bảo hộ của họ càng ngày càng vững chắc; vậy phải chăng chủ trương cần vương chống Pháp là “suy nghĩ rất thừa thãi"? Ðặng Dung với "Cảm hoài", Nguyễn Biểu với "Ăn cỗ đầu người", Lục Du với "Thị nhi", Văn Thiên Tường với "Chính khí ca" v.v... đều đã “suy nghĩ rất thừa thãi" vào thời điểm giặc Minh còn đó trên đất nước ta, quân Kim-Nguyên còn đó trên đất Trung Hoa? Hai anh em Scholl bị hành quyết dưới thời Quốc xã, người sinh viên có tượng đài ở trung tâm Praha, theo ông Khanh, đều “suy nghĩ rất thừa thãi" trong khi sự việc (chế độ Hitler, chế độ Dubcek) không hề “diễn ra theo trật tự mong muốn" của họ? Và còn Aleksandr Solzhenitsyn, Lew Walesa, Václav Havel, Nelson Mandela v.v..., tất cả đều từng trải qua những năm tháng dài “suy nghĩ rất thừa thãi"! Với tất cả lòng kính trọng dành cho ông Trương Công Khanh, tôi cố hết sức tự chế mà vẫn không cầm lòng được để không dùng ý niệm drôle de philosophie nhằm mô tả cung cách lập luận mang tính lập thuyết của ông. Trước khi chuyển qua hầu chuyện ông Nguyen Thang, tôi xin ghi lại câu nói hình như của Gorbachev, đại loại đại khái như sau : “Chế độ cộng sản không thể thay đổi, nó chỉ có thể được thay thế" hoặc “Cách tốt nhất để thay đổi chế độ cộng sản là thay thế nó". Tôi xin lỗi không nhớ đích xác chủ nhân và nội dung câu danh ngôn này.

Bây giờ xin chuyển qua hầu chuyện ông Nguyen Thang (talawas 22.09). Ông Nguyen Thang viết: “... những điều mà các vị cố chứng minh, cổ xúy (chống cộng mút mùa) không biết khi nào mới thành công thật sự. Dù đêm đêm tôi cũng cố tưởng tượng ra một thiên đường khác như các vị mô tả."

Tôi thấy dường như không ai trong chúng tôi – những người chống cộng mút mùa – mô tả một “thiên đường khác" trên talawas. Vì đa số trong chúng tôi hiện đang sống ở các "thiên đường khác". Chúng tôi không phải đi bên lề phải, chúng tôi không được cởi trói. Chúng tôi mất việc thì có bảo hiểm thất nghiệp trả “lương" (và không ai dám đối xử với chúng tôi như đám tư bản Ðại Hàn ở Việt Nam ngày nay đối xử với giai cấp tiên tiến), chúng tôi ốm đau thì có bảo hiểm y tế chịu gần như trọn vẹn y phí (chứ không phải như cảnh đồng bào Huế từng được bà Trần Hà Tiệp mô tả trên talawas). Còn khi nào chống cộng mút mùa ở Việt Nam mới thành công thật sự? Có Trời biết. Nếu phải chờ đến mười năm Ba Lan mới thanh toán được chế độ cộng sản thì tại Ðông Ðức và Tiệp Khắc thời gian cần thiết ngắn hơn rất nhiều. Năm 1944, tại El Salvador và Guatemala, việc xóa bỏ guồng máy quân phiệt tàn bạo của tướng Hernández Martínez và tướng Jorge Ubico chỉ kéo dài khoảng hai tuần lễ. Nhưng không phải vì “không biết khi nào mới thành công thật sự" mà không chống. Ông Nguyen Thang thấy chuyện ác, chuyện sai thì ông chống, chẳng lẽ ông tự hỏi chống thế chẳng “biết khi nào mới thành công thật sự" nên ông không chống nữa? Ðó là nguyên tắc đạo lý, đó là nguyên lý đạo đức, thiết tưởng chẳng cần bàn thêm.

Nếu có người tuy không chia sẻ lập trường với tôi nhưng tôi lại chia sẻ lập trường với người ấy thì đó là ông Trần Trọng Hoàng Bách. Trên talawas ngày 20.09.08, ông viết: “Tôi tin rằng số người Việt Nam ở trong nước đồng ý với quan điểm của ông Trương Công Khanh (...) sẽ lớn hơn rất nhiều số độc giả theo quan điểm ngược lại". Tôi cũng đang cùng suy nghĩ như ông. Khi mà người dân bị bưng bít, bị nhồi sọ thì họ suy nghĩ khác hẳn người bình thường. Có em sinh viên học Việt sử hiện đại mà không biết là từng có phong trào vượt biên vượt biển của cả triệu đồng bào. Có ông nhà báo hân hoan kể chuyện thân phụ Bác từ quan như cụ Thượng Ngô Ðình Khả. Cho nên tôi cũng e rằng có nhiều nông dân đang nghĩ cuộc sống của mình không còn đen như mõm chó giống Chị Dậu; có nhiều nhà văn nhà báo đang nghĩ là mình tự do đi bên lề phải. Rõ ràng lỗi không phải ở sinh viên, ở nông dân, ở nhà báo, ở nhà văn. Nhưng hoàn toàn khác với nhị vị Trần Trọng Hoàng Bách và Trương Công Khanh, tôi chỉ cảm thấy đau xót cho dân tộc tôi, xấu hổ cho đồng bào tôi (như Ðức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt). Và do đó tôi thấy càng phải có nhiều người nói hơn nữa, nhiều người viết hơn nữa, nhiều talawas hơn nữa để cho đại đa số dân nước tôi học được bài học dân chủ tự do. Bài học đó rất khó học, khó học lắm. Khi phe đồng minh thanh toán xong chế độ Quốc xã thì trên lãnh thổ Tây Ðức, họ chủ trương bốn D mà một là Demokratisierung, dân chủ hóa. Rất nhiều người Ðức, thuộc mọi thành phần trong xã hội, từng kể với tôi về những nỗi nhọc nhằn, khó khăn khi họ học bài học dân chủ tự do. Khốn khổ cho đồng hương của tôi, đáng thương cho đồng bào của tôi, họ đang không được học bài học cơ bản để sống xứng là “ẩn ngữ ".

Tôi kính trọng các quí ông Lữ Phương, Tiêu Dao Bảo Cự, Ðào Hiếu, Trương Công Khanh, Nguyen Thang, Trần Trọng Hoàng Bách. Rõ ràng là các quí ông cùng có một mẫu số chung với tôi. Chúng ta cùng đau xót cho số phần dân tộc, chúng ta cùng lo sợ cho tương lai đất nước. Nên tôi rất hân hoan được dịp cùng các quí ông đổi trao suy nghĩ, đào sâu suy tư trong niềm tương kính. Xin cám ơn quí ông và đa tạ talawas.

Những người cộng sản đã thành công xây dựng nên một cỗ máy vĩ đại vận hành hoàn bị. Nhưng chính cỗ máy đó đã quay trở lại nghiền nát họ, giam hãm họ. Cho nên mới có dật sự kể ông Hồ Chí Minh muốn cứu bà Nguyễn Thị Năm bèn đến gặp tên tướng Tàu cố vấn tối cao để được nghe giảng rằng hổ cái cũng là hổ. Cho nên mới có sử liệu là lá thư của ông Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa. Ông Hồ Chí Minh bất lực trong vụ cứu bà Cát Hanh Long, ông Phạm Văn Ðồng vô quyền trong mấy thập niên làm Thủ tướng. Toàn trị là vậy, cộng sản là thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đều là nạn nhân. Tất nhiên nạn nhân không có nghĩa không phải tội nhân.

Cuối cùng xin ghi một điểm son cho những người cộng sản liên quan đến “tại hạ". Ông/bà “Một độc giả" trên talawas (17.09.08) đã đan cử những người có lý do để bất bình với chủ nghĩa cộng sản, trong đó có “một trí thức bị trù dập". Nếu ai đó đọc ông/bà mà nghĩ rằng đó có thể là tôi thì tôi xin cực lực đính chính. Thứ nhất, vì tôi không dám nhận mình là trí thức; thứ hai, vì tôi không hề bị cộng sản vùi dập. Trái lại, sáu năm làm việc với “cách mạng", tôi được trọng dụng và trọng vọng, rất được trọng dụng và trọng vọng.

Westpreußenstr., 23.09.2008

© 2008 talawas


[1]Asyl: Tị nạn