trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
24.9.2008
Duy Lam
Cái lưới
Truyện dài
 1   2   3   4   5   6 
 
Vào một ngày mùa đông năm 19..., ông bà Hạ dọn đến biệt thự Hoàng Hôn. Trong khi ông Hạ còn mải đốc thúc người nhà khuân hòm xiểng đựng quần áo và những đồ dùng lặt vặt vào nhà, bà Hạ một mình lẳng lặng dạo thăm một lượt tất cả các phòng.

Tuy đây là chiếc biệt thự xưa kia bà Hạ và các con thiết tha mong ước được làm chủ, nhưng mọi công việc trông nom xây cất điều đình với kiến trúc sư, đốc thúc thợ thuyền bà đã để mặc ông tự ý lo liệu. Nếu ông cố gặng:

"Mình đến ngó qua một chút! Thợ đương xây đến phòng khách... Mình có muốn xây một chiếc lò sưởi thật lớn hay không? Đà Lạt vào mùa rét lạnh lắm đấy!"

Bà chỉ lắc đầu, thờ ơ trả lời:

"Tùy mình quyết định!"

Tuy bận chỉ dẫn người nhà kê tạm những đồ đạc cồng kềnh, ông Hạ vẫn kín đáo theo dõi những cử chỉ hơi khác thường của vợ. Ông băn khoăn tự hỏi, lần đầu tiên bước chân đến biệt thự, bà Hạ nghĩ sao về cách kiến trúc, sự sắp đặt các phòng và trang hoàng bên trong? Tự nhiên ông e ngại bà sẽ không hài lòng. Tự bao giờ ông bắt đầu quan tâm đến ý kiến của vợ?

Sau một hồi hò hét các người làm, ông thấm mệt và ngồi nghỉ trên một chiếc ghế bành rộng trong phòng khách.

Bà Hạ đang đứng trong căn phòng đáng nhẽ là phòng dành cho Di – đứa con trai thứ nhì của hai vợ chồng – quay lưng về phía ông. Cửa phòng mở, nên ông quan sát những hành động của vợ rất dễ dàng. Sau mấy phút trầm ngâm, vợ ông đặt một bức ảnh lên bàn – chắc vừa lấy ở va li ra – lùi lại mấy bước và ngây người ngắm nghía. Ngồi hơi xa nên ông khó nhận biết là ảnh ai.

Chợt bà Hạ đưa hai bàn tay lên ấp lấy mặt, hai vai rung nhẹ. Vợ ông khóc, ông đoán vậy, vì sống bên nhau bao nhiêu năm, ông không còn xa lạ gì lối khóc im lặng không một tiếng nức nở, đầy chịu đựng và nhẫn nhục của vợ.

Ông cảm thấy nửa như bực tức nóng nảy, nửa như lo lắng trước những cơn khóc lóc, rầu rĩ bất chợt của vợ trong những năm gần đây. Sức khoẻ của vợ ông cứ theo ngày tháng mà kém sút. Trước kia không hiểu sao ông có thành kiến vợ ông không bao giờ có thể ốm được. Từ khi lấy ông, đẻ con, qua thời kỳ gia đình tản cư và trở về Hà Nội sa sút đi, bà Hạ không lúc nào ngừng tay chân, làm lụng quần quật, xoay xở vay tiền, nhưng hiếm khi ốm.

Các con ông Hạ thường đùa me:

"Me không biết đau gì! Làm thế nào me ốm được nhỉ?"

Nhưng sau cái chết của Di, bà Hạ không còn được như xưa. Thân hình đẫy đà sút hẳn, làn da không còn trắng hồng, dáng đi chậm chạp nặng nề và đôi mắt to đã sâu lại sâu thêm.

Ông đứng dậy nhẹ nhàng lại gần vợ. Ông đến sát sau lưng mà bà không hay biết. Nhìn qua vai bà, ông nhận ra người trong ảnh là Di.

Chân ông đột nhiên trùn lại. Ông muốn lùi bước. Trong ngày theo ý ông, đầy vui vẻ và khoái hoạt này, ông không muốn nghe những lời trách móc và đối diện với khuôn mặt u tối của vợ.

Bà Hạ quay đầu lại, nhìn thấy ông. Trong một giây ngắn ngủi, ông Hạ bắt buộc phải nhìn thẳng vào cặp mắt đầy trách móc và oán hận chưa kịp che giấu của vợ.

Bà Hạ quay mặt đi lấy khăn lau nước mắt. Hai vợ chồng im lặng một phút. Đoạn ông đằng hắng, giọng nói làm ra vẻ cứng rắn, thản nhiên:

"Mấy cái thằng phu thật đổ đốn! Mình có thấy thiếu chiếc hòm nào không?"

Bà Hạ không đáp. Ông vội vã ra khỏi phòng không quay mặt lại.

Suốt trong ngày, ông tránh ngồi lâu một mình cạnh vợ. Ông tránh một trận cãi nhau giữa hai vợ chồng. Tâm tính vợ ông không còn giản dị như xưa. Bà có thể tức giận, gây chuyện với chồng gì những lý do không đâu. Một vài khi, những lời trách móc chua chát từ miệng bà Hạ thốt ra, khiến ông sửng sốt. Những nguyên nhân thầm kín nào đã biến chuyển tâm hồn vợ ông đến thế?

Sau bữa cơm tối, ông Hạ ngồi đọc sách, bà Hạ ngồi ở divan gần bên. Thói quen đọc sách từ bao năm nay ông không hề bỏ. Chiếc biệt thự rộng yên lặng lạ lùng. Tiếng các trang sách ông dở nghe rõ mồn một.

Một tham vọng nữa của ông Hạ đã thành sự thật: Ông hiện là chủ nhân một chiếc biệt thự lớn, đầy đủ tiện nghi. Ông không còn phải lo đến việc kiếm tiền. Hai vợ chồng có thể sống đến già mà vẫn giữ được một mức sống khá cao.

Nhưng, những căn phòng bày biện sang trọng và không người ở trong biệt thự làm giảm hẳn sự kiêu hãnh của ông. Các con ông đâu? Bên phải là phòng dành cho Tô – đứa con cả của ông bà – còn bên trái là những phòng của Lan và Di. Tại sao các con ông lại đã đều rời bỏ gia đình, cách này hay cách khác?

Bà Hạ đang mải mê đọc mấy bức thư mới nhận được. Chắc là thư của Tô và Lan. Một chiếc ảnh nhỏ lọt khỏi mấy tờ thư, rơi xuống đất. Bà cúi xuống nhặt lên và ngắm rất lâu. Bà mỉm cười, nụ cười hiền dịu âu yếm đầu tiên trong ngày xuất hiện trên mặt bà. Bà Hạ hình như có chuyện muốn nói với ông. Ông chờ đợi, mắt không rời khỏi trang sách. Nhưng bầu không khí yên lặng trong phòng vẫn tiếp tục kéo dài.

Ông giận dữ dỡ mạnh liền mấy trang sách và ho khan mấy tiếng, như muốn nhắc nhở là ông đang ngồi đây. Tại sao vợ ông không nói một lời nào? Thà rằng hai vợ chồng cãi nhau còn hơn ngồi bên nhau mà xa cách hàng vạn dậm, mỗi người theo đuổi một sự suy tưởng riêng biệt. Vợ ông không có quyền giữ riêng những thư của các con, đọc một mình. Chúng cũng là con ông, sao bà lại quên điều đo?

Nhưng suy đi nghĩ lại ông thấy thầm trách vợ như vậy cũng có phần bất công. Thư chúng ông đọc làm chi; khi mà ông còn nhất định cấm cửa chúng, không cho phép trở về với gia đình.

Đêm đã khuya. Ông bà Hạ sửa soạn đi ngủ. Bà loay hoay mặc chiếc áo ngủ bằng hàng bông điểm những cành hoa nhỏ, cắt theo lối âu phương, cổ áo viền đăng"ten xanh nhạt. Chiếc áo này và một chiếc khác mầu hồng nhạt đều đã cũ, nhưng đi đâu bà cũng mang theo và nếu không mặc lên người thời khó mà ngủ yên giấc.

Chính tay Lan đã vẽ kiểu và may những áo ngủ đó cho mẹ. Hồi công việc doanh thương của ông thua lỗ, cả gia đình phải sống chen chúc trong một căn nhà nhỏ hẹp không tối nào Lan không chui vào giường mẹ, nằm trò chuyện cho đến khi ông xem sách xong và kỳ kèo mẹ phải mặc chiếc áo ngủ hơi kỳ khôi cho bằng được. Lan viện cớ:

"Me mặc áo ngủ con may trông quý phái lắm. Trông mặt me chung quanh tóc lõa xõa con thú ghê."

Lan thường trò chuyện với hai anh là nó muốn luôn luôn được ngắm khuôn mặt thanh tú của mẹ nổi bật trên gối trắng và màu hồng xanh nhã nhặn của áo ngủ. Mới đây ông đã có lần càu nhàu:

"Sao mình không vứt mấy cái áo ngủ rách nát đó đi. Dễ thường tôi không đủ tiền may cho mình áo mới hay sao?"

Bà đáp ngay, giọng hơi sẵng:

"Mình để mặc tôi…!"

... Và rồi lẩm bẩm một mình:

"Áo mới mua dễ, nhưng ai mua được con gái."

Ông Hạ cứng họng không biết đáp ra sao.

Ông Hạ mang sách vào giường đọc thêm. Ánh đèn không làm bà khó ngủ. Hồi mới lấy nhau vợ ông chỉ ngủ dễ dàng trong bóng tối hoàn toàn, nhưng nể chồng nên cũng đã phải tập ngủ dưới ánh đèn sáng cho quen. Bây giờ trái lại nếu không có ánh đèn nhẹ, bà lại hay mê hoảng.

Bà Hạ giở tập ảnh gia đình ra xem một lúc đoạn thiếp ngủ lúc nào không biết.

Ông đặt sách xuống đùi, nhặt mấy chiếc ảnh vợ bỏ rơi xuống ngực, định cất vào ngăn kéo bàn ngủ, nhưng rồi không hiểu sao vẫn giữ chúng trên tay ngắm nghía rất lâu. Đó là những bức ảnh chụp các con hai ông bà qua nhiều thời ký: Hồi chúng còn nhỏ, khi đến tuổi bắt đầu lớn và cả những bức chụp mới đây khi chúng đã trưởng thành.

Hình như ông nghe thấy vài tiếng động nhỏ ở đâu đây: Có lẽ là những tiếng cười ròn rã của con trẻ, tiếng cười đùa văng vẳng, lẫn lộn với những tiếng khóc thút thít thật dễ thương.

Ông lắc đầu mạnh và tỉnh hẳn. Óc tưởng tượng vừa đánh lừa ông: Đấy chỉ là một giấc mơ.

Thực tại trần trụi khiến ông choáng váng: Chỉ có ông và vợ sống lủi thủi trong toà biệt này, hai vợ chồng già và cô độc.

Dầu ông muốn hay không, tất cả những kỷ niệm xưa cũ, hoặc không xa lắm trong thời gian lại vụt trở về, tràn ngập tâm hồn ông. Ông thở dài, hạ cặp kính lão xuống, mắt nhìn đăm đăm vào khoảng trời tối đen ngoài khung cửa sổ. Dĩ vãng! Ông không sợ đối diện với dĩ vãng, nhưng ông đâu ngờ dĩ vãng lại có thể khiến ông xúc động đến thế.

Giai đoạn đầy rẫy những thay đổi quan trọng và đau thương của gia đình ông Hạ bắt đầu ngay sau khi hai vợ chồng ông và các con hồi cư về Hà Nội vào năm 194...

Hồi V.M. đảo chính, nắm chính quyền, hai đứa con trai ông – Di và Tô cũng tham sự những đoàn thể thanh niên và cũng sống ồ ạt, sôi nổi không khác những đứa trẻ cùng tuổi. Công việc làm ăn khó khăn buổi giao thời không cho phép ông Hạ có thời giờ chăm sóc con cái về mặt giáo dục cũng như tinh thần.

Chiến tranh bùng nổ. Gia đình ông bà Hạ tản cư về quê nội cách Hà Nội khoảng gần 20 cây số. Sau gần hai năm trời di chuyển từ vùng này sang vùng khác, số tiền dự trữ cạn hết. Hai vợ chồng cũng không tìm nổi cách gì để kiếm sống nuôi một gia đình năm miệng ăn.

Tuy ông từ trước đến nay, không hề tham dự trực tiếp hay gián tiếp vào một phong trào hay đảng phái chính trị nào, nhưng vì mấy người anh ruột của bà Hạ đều là những cấp lãnh đạo trong V.N.Q.D.Đ., nên các ủy ban kháng chiến tại làng ông bà cư ngụ vẫn ngấm ngầm theo dõi để mắt tới mọi hoạt động dù nhỏ nhặt nhất của gia đình ông Hạ. Gia đình ông bà luôn luôn sống trong sự lo ngại phập phồng và không dám ở lâu tại một làng nào nhất định.

Cho đến ngày, ông bà Hạ rồn rập tiếp được những tin tức đen tối, người anh thứ hai của bà vừa bị V.M. bắt đem đi, anh cả – một công chức cao cấp trong chính phủ hồi Pháp thuộc cũng như hồi V.M. – cũng bị ngầm mang đi an trí và giam lỏng, còn người vợ và đứa con trai cả của anh Bằng vừa bị V.M. bắt giam cách đây mấy ngày; hai vợ chồng sau một đêm bàn bạc suy tính, đành phải quyết định tìm cách trở về thành càng sớm càng hay.

Về Hà Nội nhà xuất bản trước kia ông Hạ hùn vốn và đồng thời làm quản lý bị đốt cháy tan tành. Người chủ chết trong cuộc chiến tranh. Tạm thời ông Hạ phải nhẫn nhục làm thư ký cho một hãng buôn ngoại quốc để chờ thời cơ. Cả gia đình chỉ còn trông cậy vào số lương quá ít ỏi của ông để sống. Đang quen với một mức sống vật chất tương đối sung túc, những sự túng thiếu không thể tránh được trong thời kỳ này ảnh hưởng đến tâm tính ông không ít.

Tuy ông cũng cố hết sức xoay xở tìm lối thoát, nhưng vốn không có, bạn hữu cũ đều thất lạc, ông đành bó tay. Làm một thư ký quèn, nhiều khi ông Hạ tưởng điên lên vì phải chịu lụy những kẻ trước kia chỉ đáng làm công cho ông.

Càng cảm thấy bất lực trong việc kinh doanh xây dựng lại sự nghiệp, ông càng trở nên gay gắt và khe khắt hơn đối với gia đình. Hễ đi làm về là ông gắt gỏng, hậm hực với tất cả mọi người – không kể một ai.

Ông Hạ luôn luôn lấy sự nghèo khổ ra làm đầu đề, phóng đại nó lên. Ông cũng cố ý hạ mình xuống để làm nổi bật sự nhục nhã chung của gia đình.

Tuy thừa biết vợ con rất sợ phải nghe những lời lẽ thô tục, mai mỉa độc ác của ông, nhưng hễ cứ ngồi nung nấu những tư tưởng đen tối và chua chát, chỉ một lúc sau chính sự bất mãn của ông làm ông say lên và ông bật nói rất lớn. Tuy nhiên ông vẫn còn đủ bình tĩnh để chọn lựa những câu nói cay đắng và thấm thía nhất.

"Tôi nói cho mà biết! Chưa ăn thua gì đâu. Bây giờ còn miếng cơm mà ăn là phúc lắm. Tôi thì tôi quen rồi. Từ bé tôi đã hiểu thế nào là thân phận một kẻ nghèo hèn. Nhưng nói đến đời tôi làm gì, tôi đâu có đáng kể... Sinh ra chỉ làm đầy tớ và lo lắng nuôi sống mọi người. Phải! Có ai lo đến kiếm ăn bao giờ đâu mà biết cuộc sống chật vật ra sao. Sinh ra đã được chiều chuộng, nưng như nưng trứng hứng như hứng hoa. Đã có người lo việc tiền nong... Hà! Tiền! tiền đâu mang lại hạnh phúc. Đúng lắm! Đẹp lắm! Cao thượng lắm! Chỉ đời sống tinh thần mới đáng kể. Giá tôi có hơi chút mắng mỏ đe nẹt, các ông con của tôi đã cho tôi là ác nghiệt độc tài..."

“Mà thôi nói làm gì nhiều vô ích. Có ai thèm nghe tôi đâu. Đành vậy, số tôi còn phải khổ nhiều. Nhỡ một cái tôi chết đi. Chết có lẽ lại may, đỡ phải lo kiếm tiền...”

Ông lấy cớ nhà không đủ tiền nuôi người ở, bắt các con phải làm đủ mọi việc. Ông cũng hay nhắc đến dự định trong tương lai cắt ngang mọi việc học hành của các con và bắt chúng đi làm sớm hầu giúp đỡ gia đình. Ông nêu ngay đời ông làm thí dụ.

“Học nhiều mà làm gì. Có bao nhiêu vĩ nhân lúc trẻ con nhà nghèo khổ nên phải làm những nghề hà tiện làm bồi, bán báo... Tao đây cũng thế! Tao có bằng cấp gì đâu, sao ra đời ai cũng kính nể. Học như con vẹt, nhồi vào đầu óc toàn lý thuyết chỉ làm mụ người đi và đảm óc phấn đấu.”

Ông không quên kể lại, lần này là lần thứ mấy mươi, quãng đời thơ ấu vất vả của ông. Để nêu gương khắc khổ, ông không hề nhếch miệng cười, bỏ hẳn sự ham mê mua và đọc sách báo. Những ngày lễ và chủ nhật ông cũng nhất định không đi đâu và cũng không tìm những cách giải trí không mấy tốn tiền như uống trà, sưu tầm tem thư hay hội họp với một số bạn đồng sở nói chuyện gẫu cho khuây khoả.

Vào năm ấy, những người buôn bán rau cỏ, thực phẩm tập họp tại bờ hồ Hoàn Kiến, ngay cạnh ngã tư Tràng Tiền, làm thành một cái chộ lộ thiên ở ngay trung tâm thành phố. Chẳng biết vợ con ông bàn nhau ra sao, nhờ vớ được mấy bao tải lá vối và một số sách cũ, tại mấy căn nhà bỏ hoang cùng phố, Di đột nhiên trở thành một chú bé bán nước và sách ở chợ.

Các bà các cô bạn hàng dần dần quen với khuôn mặt trắng trẻo, đẹp trai của “cậu hàng nước”. Tính hay ngượng, Di có một lối bán hàng rất kỳ khôi. Suốt buổi chợ, Di ngồi chúi mũi vào một cuốn sách, không mảy may quan tâm đến việc bán hàng. Có khách muốn uống nước, Di miễn cưỡng múc nước chè ra bát, mắt vẫn không rời trang sách. Ai muốn trả bao nhiêu thì trả, Di không hé miệng kì kèo.

Đôi khi, mấy bà mau mắn không muốn làm phiền Di, tự tiện lật bát, múc nước, đặt tiền trả trên giá hàng, Di cũng mặc. Tiền lãi kiếm được cũng tạm đủ để bà Hạ mua thêm ít món ăn cho bữa cơm gia đình bớt phần đạm bạc.

“Cậu hàng nước tài tử thường là đầu đề cho những câu chuyện khôi hài, cười ra nước mắt, của bà Hạ và các con. Riêng ông Hạ, ông bất mãn ra mặt trước thái độ coi việc buôn bán như một trò chơi của vợ con.

Khi số lá vối dự trữ cạn hết, ông Hạ đã tưởng câu chuyện buôn bán của vợ con chấm dứt luôn ở đây; thời đến một hôm, trong bữa cơm, Tô tự nhiên đề nghị:

"Ba! Me và con định bắt đầu đi buôn kể từ ngày mai."

Ông ngạc nhiên, cau mày nghiêm khắc nhìn Tô và vợ. Bà Hạ mà định đi buôn?

"Me mày thì buôn cái gì. Từ bé đến giờ ăn sung mặc sướng, buôn bán chịu đâu nổi cực nhọc. Mà...bây giờ buôn cái quái gì lời lãi cho được. Vốn đào ở đâu?"

Tô đỡ lời mẹ:

"Me đã vay được ít tiền vốn và dự định buôn rau cỏ, gạo, gà vịt ở vùng quê mang về Hà Nội bán. Mấy bà ở chợ nói rau quả hiếm, nên bán rất được giá."

Ông vặn hỏi:

"Đã xin được giấy phép chưa? Có mối bán không..."

Trước những câu trả lời gẫy gọn, đâu ra đấy của vợ và Tô, ông Hạ cảm thấy cay đắng, bực bội và thầm suy luận “À ra thế! Vợ con ông định buôn bán vì cho rằng ông không kiếm đủ ăn cho gia đình. Tại sao vợ ông không chịu đem bàn trước với ông. Vợ ông không còn tin tưởng vào ông?”

Ông im lặng ăn. Ông biết mọi người đang hồi hộp chờ đợi phản ứng của ông nhưng ông kéo dài giây phút chờ đợi. Ông cảm thấy đầy sức mạnh. Tuy vậy, ông không phản đối và cũng không nổi giận, ngửng đầu thản nhiên bảo:

"Được nếu mình đã tính toán kĩ càng hơn thiệt, mình cứ việc đi buôn. Càng hay! Tô chút nữa mang giấy tờ ra đây, ba viết cho lá đơn xin giấy phép thông hành."

Tất cả mọi người đều sửng sốt chưng hửng. Riêng Tô, sau giây phút ngạc nhiên ban đầu, yên lặng nhìn ông dò hỏi, ánh mắt thoáng nghi ngờ.

Không ai hiểu được sự ưng thuận của ông Hạ có ẩn dấu một chủ ý thâm hiểm như thế nào.

Trong mấy tháng đầu việc buôn bán của bà Hạ có vẻ phát đạt rõ rệt. Ông Hạ là người ngạc nhiên hơn ai hết. Vợ ông thạo buôn bán? Ông tưởng vợ ông chỉ có thể là một người vợ, người mẹ kiểu mẫu. Ông tự hỏi tại sao vợ không bỡ ngỡ, lầm lỡ khi phải tiếp xúc giao dịch với những con buôn quỷ quyệt.

Ông xin nghỉ việc một hôm, đi theo vợ xem buôn bán ra sao. Đi đâu ông cũng thấy vợ được mọi người vì nể một cách đặc biệt. Đứng giữa đám người buôn bán chuyên nghiệp, vợ ông và Tôi nổi bật hẳn lên. Khuôn mặt thanh tú của bà Hạ, thân hình giong giỏng cao hai bàn tay ngón dài chưa bao giờ phải dùng tới để khuân vác của Tô, khiến mọi người lưu ý bàn bạc. Họ kháo nhau, phỏng đoán thêu dệt rất nhiều chuyện về bà Hạ. Nào bà là con nhà gia thế, trước chiến tranh rất giàu, tản cư về gia sản khánh kiệt nên phải buôn bán nuôi con v.v...

Họ quan sát bà, tò mò nhưng rộng lượng. Họ cười khi thấy bà vụng về hớ hênh trong việc mặc cả, thương lượng. Họ chỉ dẫn cho bà những mánh lới của các con buôn thiếu lương tâm. Dần dần, bà Hạ cũng tìm được một số mối hàng quen.

Khi lên tàu xuống tàu, ông Hạ lưu ý thấy rất nhiều người không nề hà giúp bà bốc hàng lên hoặc rỡ xuống. Vợ ông chỉ biết cám ơn họ bằng những nụ cười. Họ tỏ vẻ hài lòng ra mặt.

Một buổi tối, bà Hạ và Tô đi buôn về, mọi người thấy mặt Tô đầy những vết tím và trán xưng lên. Trong bữa cơm ông hỏi tại sao, Tô đáp ngay:

"Bị ngã tàu đấy!"

Bà Hạ tủm tỉm cười, liếc nhìn đứa con cả. Ông nghi ngờ vặn hỏi:

"Mình! Có thật nó ngã tàu không? Me con mày dấu tao chuyện gì đây."

Lan sờ sờ cái bướu trên trán anh, ngây thơ:

"Ngã tàu thời phải gãy chân tay chứ đâu sưng trán."

Ông gắt:

"Tô! hay ai đánh mày? Nói cho tao biết để tao còn liệu can thiệp chứ!"

"Mình đừng mắng Tô! Nó bênh cô Khanh nên bị thằng đội Tây ở đồn đánh cho đấy!"

Khanh là tên một cô bạn buôn bán của bà Hạ, goá chồng nhưng còn trẻ và xinh đẹp nên hay bị tên đội Tây theo đuổi tán tỉnh. Ông Hạ vừa bực mình vừa cười thầm Tô trong bụng: Máu con ông cũng nóng và bướng bỉnh, lại hay quyến luyến gái đẹp chẳng khác gì ông hồi trẻ.

Ông mỉa:

"Anh hùng nhỉ? Gặp thằng hung dữ, có phen nó đánh cho què cũng chẳng biết kêu ở đâu. Thời này ấy mà."

Vẻ mặt Tô xầm tối, nhưng nó vẫn lầm lì không cãi lý với cha.

Công việc buôn bán nặng nhọc, sức chịu đựng của bà Hạ cũng có hạn. Bà xanh và gầy trông thấy. Tuy vậy vợ con ông Hạ vẫn nhất định đeo đuổi buôn bán.

Mấy tháng sau, số người đi buôn tăng lên, mối lời ít. Những con buôn khôn ngoan dần dần chuyển sang buôn đồ lậu: Thuốc tây, dầu hoả. Bà Hạ một phần không đủ vốn, một phần không có gan kiếm lời một cách nguy hiểm, nên tuy việc buôn bán rau quả chưa đến nỗi thua lỗ, ăn lạm vào số vốn, nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu:

Một buổi tối ông Hạ bảo vợ và Tô:

"Trước đây tôi ưng thuận để mình buôn bán là cốt ý để mình quen với đời sống chật vật. Tôi cũng thừa biết lời lãi không mấy, chẳng bỏ công. Đã đến lúc mình nghỉ ở nhà đi thì vừa. Dạo này tàu hoả hay bị giựt mìn. Nhỡ một cái rồi ra hối không kịp."

Bà cúi đầu im lặng, khuôn mặt hốc hác thoáng vẻ thấy vọng, buồn rầu. Ông Hạ đoán vợ chắc cũng đã nhiều lần cân nhắc, suy tính nên bỏ hay tiếp tục buôn bán.

Còn đương lưỡng lự chưa quyết hẳn bề nào, thời mấy ngày sau một tai nạn xảy đến cho bà Hạ, khiến bà đành nghỉ hẳn ở nhà. Tàu hoả bị giật mìn và bà bị thương ở chân.

Khi Tô về báo tin xấu, ông hốt hoảng hỏi:

"Có nặng không? Me bị thương ở đâu?"

Tô vội đáp:

"Không sao đâu ba ạ! Me được đưa ngay đến nhà thương và bác sĩ có nói với con chân me chỉ phải bó bột và nằm dưỡng bệnh vài tuần là khỏi."

Yên tâm và biết chắc vết thương không trầm trọng mấy, nên suốt thời gian cùng Tô đi đến nhà thương, thái độ ông Hạ nghiêm khắc và lạnh lùng.

Tô đi bên ông lặng lẽ. Cách đó hai, ba hôm, Tô đã cãi lại ông:

"Ba luôn kêu ca nhà thiếu tiền và muốn các con đi làm. Đi buôn dù không lãi nhiều nhưng cũng giúp được gia đình phần nào. Tại sao ba không chịu? Theo ý con, cứ tiếp tục đi buôn cho đến khi hoàn toàn không lãi nữa mới thôi."

Ông Hạ cũng tự biết, vì đã tỏ ra coi thường sự cản ngăn của ông nên vào giây phút này con trai ông đành câm miệng hến. Ông cũng không cần lên tiếng trách móc, hoặc mỉa mai cay độc. Cái chân bị thương của chính bà Hạ chắc cũng đủ dạy cho Tô một bài học cụ thể và đích đáng.

Vừa bước chân vào phòng vợ ông nằm ở nhà thương, bà ã vội nói ngay, giọng e dè và ngượng ngập:

"Tôi không sao đâu, mình đừng lo. Chỉ phải nằm đây ít lâu."

Ông yên lặng. Vợ ông thu hết can đảm tiếp:

"Mình...! Tôi xin mình đừng mắng Tô tội nghiệp. Tại tôi ham mấy món lời. Và...cũng chính tôi xui nó cãi lại mình. Vả lại... Tôi vừa nhất định sẽ thôi đi buôn, sau khi ra nhà thương... Ông đáp ngắn ngủi:

"Thế cũng phải! Dạo này mình gầy đi nhiều. Lãi chẳng thấy đâu, đã thấy ốm với què."

Bà Hạ thở dài. Cặp mắt đầy thương xót hướng về phía Tô, đang đứng tựa vào thành cửa sổ nhìn ra ngoài trời, quay lưng về phía hai vợ chồng ông bà Hạ.

Sau khi bà Hạ rời nhà thương về nhà, không ai bảo ai, bà và các con đều tránh không đề cập tới chuyện làm ăn buôn bán.

Việc chi tiêu trong gia đình từ đó trở đi hoàn toàn ông Hạ nắm giữ. Vợ ông không dám phản đối. Tô và Di, dù muốn hay không, cũng vẫn phải tuân theo những quyết định độc đoán của ông về mọi vấn đề. Trong khi chờ đợi ông kiếm cho chúng mỗi đứa một việc làm thích hợp, ông cho chúng theo học một trường trung học công lập. Tuy vậy thỉnh thoảng ông cũng không quên nhắc nhở chúng đừng quên đó chỉ là một đặc ân. Ông sẽ bắt chúng thôi học ngay, nếu chúng dám cãi lại, hoặc chống đối với ông.

Ông Hạ vẫn ngày hai buổi đi làm và nhẫn nhục chờ thời.

Năm năm qua. Ông Hạ xin được một chỗ làm tại một công sở. Số lương cũng tạm đủ cho sự chi dùng của gia đình. Tô và Di thay đổi hẳn. Chúng đã vượt qua tuổi thiếu niên đầy phức tạp và bắt đầu bước chân vào quãng đời thanh niên. Lan càng lớn càng xinh đẹp và giống mẹ hồi trẻ.

Hai đứa con trai ông Hạ càng lớn, ông càng chua chát nhận thấy những thay đổi trong tâm tính chúng không hợp với sự mong muốn của ông chút nào.

Riêng Di, chỉ trong có mấy năm nó đã gây cho ông bao nhiêu buồn phiền thất vọng. Di không sợ và kiêng nể ông như hồi còn nhỏ. Di không hề giấu diếm che đậy lòng oán ghét bố của hắn. Hắn không để lỡ bất cứ cơ hội nào để chứng tỏ bằng hành động, lời nói: Hắn phủ nhận trọn vẹn quan niệm sống của ông Hạ. Làm thế nào để uốn nắn Di. Đánh hay chửi mắng? Không lẽ Di đã 17, 18 tuổi cao lồng ngồng mà ông còn đánh nó như một đứa trẻ.

Ngay từ hồi nhỏ, Di cũng đã tỏ ra có một tâm hồn rất dễ xúc cảm và một óc tưởng tượng quá phong phú. Rất dễ khóc và cũng rất dễ cười. Vì không muốn con trai tâm tính ủy mị và đàn bà nên ông Hạ hay mắng – “Con trai gì động tí thì khóc. Mày sinh ra làm con gái đúng hơn”. “Khóc! Khóc mà kiếm được cơm ăn à? Hồi tao bằng tuổi mày tao đã kiếm được tiền rồi”.

Về thể chất, Di giống mẹ nhiều hơn là bố: Đôi mắt sáng to, lông mi dài và cong, nét mặt đầy đặn và đường môi thanh tú, làn tóc mềm sõa trên trán rộng. Các bà rất ưa Di, hay nưng niu và cho quà. Thấy Di được nuông chiều quá đáng, ông bất mãn. Ông không trách vợ, đàn bà nào chẳng chiều con, nhưng ông đổ nỗi bực bội vào đầu Di: “Con trai sao cứ quấn lấy mẹ! Phải cứng rắng mạnh bạo chứ”.

Di sợ những hành động mạnh và có tính cách áp chế. Nó hình như không thể nào hiểu nổi tại sao trẻ con lại thích hợp thành bè phái, bắt nạt và đánh nhau. Tô hay phải bênh vực Di chống lại những đứa trẻ không ưa giáng dấp như con gái của em. Khi Tô một mình đánh nhau với hai ba đứa trẻ, Di đứng ngẩn người, mắt mở to đầy ngạc nhiên và cũng không hề nghĩ đến chuyện tiếp tay với anh.

Về nhà, bà Hạ lấy cồn soa bóp những vết xưng trên trán và tay chân Tô, Di còn hỏi những câu thật chướng tai, “Tại sao chúng lại đánh anh Tô hở me? Tại sao trẻ con thích đánh nhau? Di kinh lắm! không bao giờ Di đánh ai đâu me ạ!"Trước thái độ ông cho là hèn nhát của Di, ông Hạ quát lên: “Sao mày hèn thế? Chúng nó xúm lại đánh anh mày mà mày để mặc à? Tay chân mày để đâu...? Hừ! Nhớn lên thằng Tô cho làm quan võ được. Còn thằng Di? bộ mày suốt đời chắc chỉ quanh quẩn xó nhà bám váy me. À! Hay đi đóng tuồng giả làm con gái được đấy”.

Di sợ những lời chế giễu cay độc của bố hơn cả bị đánh mắng. Bà Hạ lắm khi thấy ông cứ nhắm vào đứa con thứ nhì làm tình làm tội, lên tiếng bênh: “Sao mình ác thế! Mình không biết nó khổ sở khi mình mang nó ra làm trò cười hay sao? Di hãy còn bé. Nhớn lên nó khác đi chứ”. Ông đáp tàn nhẫn “Phải thế mới được. Bé không vin, cả gẫy ngành. Nếu hành hạ nó mà nó khá lên được thời cũng rất nên”. Vợ ông im lặng không cãi, nhưng ông biết bà hầm không đồng ý với lối răn dạy con cái khe khắt của ông. Vợ ông đồng ý không thực ra ông Hạ cũng chẳng quan tâm.

Càng nhớn Di càng ít nói và không ưa những trò chơi mạnh. Khi Tô 12 tuổi, ông Hạ mua cho một chiếc xe đạp. Hễ nhàn rỗi, Tô nhảy lên xe đạp đi thật xa. Mới đầy, Tô còn chịu khó rủ em, nhưng sau nhiều lần thúc dục, thấy Di tỏ vẻ không thích thú những cuộc đi chơi ngoài những khoảng rộng, Tô đành đi một mình.

Di ham mê đọc sách từ nhỏ. Sách ông Hạ mua rất nhiều đủ mọi loại. Ngoài những sách viết cho trẻ con đọc, còn có những tiểu thuyết của các nhà văn hữu danh V.N. và sách dịch? Mặc dầu cấm các con đọc sách của người lớn, nhưng ông biết Di luôn luôn lấy sách cấm ra đọc. Mắng mãi cũng không chừa.

Di còn cố ý tránh dàn mặt với bố. Trừ trong những bữa ăn Di bắt buộc phải đối diện với ông Hạ, còn vào những khoảng thời gian khác trong ngày, Di tìm đủ mọi cách để có thể ngồi yên trong một xó kín đáo nào đó trong nhà, đọc sách và mơ mộng một mình.

Di tin tưởng vào Tkhông và coi như một người kiểu mẫu. Di cố gắng dập mọi hành động, suy luận ý hệt anh, một cố gắng không mấy khi đạt được kết quả. Mỗi khi ông Hạ mắng Di mà Di không tìm được đủ lý lẽ đối đáp, Di nhìn Tô cầu cứu. Ông Hạ bắt gặp nhiều lần hai anh em nghiêm trang ngồi bên nhau, Tô giảng giải, Di lắng nghe. Dần dần thái độ của Di cũng có vẻ cứng rắng mạnh bạo hơn trước phần nào.

Thấy Di có thể dựa vào Tô, bà Hạ cũng lấy làm mừng. Yêu con nhưng không dám bênh con ra mặt vì nể chồng, nhiều lần bà chỉ còn biết than thở với con cái, sau khi chồng rời khỏi nhà.

Ông Hạ cũng hay bắt gặp ba mẹ con Di, Tô thủ thỉ chuyện trò. Đôi mắt sáng lên thương yêu mến phục của vợ ông không rời khuôn mặt linh động của Tô. Hễ thấy ông, ba mẹ con tự động ngừng câu chuyện nói dở, trao đổi những cái nhìn kín đáo, hoặc lảng sang một vấn đề khác.

Sau khi nghĩ buôn bán, gia đình ông bà Hạ bắt đầu nợ. Vợ ông vay chỗ này một ít chỗ kia một ít, không cho ai hay biết, kể cá các con. Tiền chợ và chi tiêu lặt vặt ông giao cho bà quá ít – bà Hạ lại không phải hạng người có thể khoanh tay bất lực trước những kham khổ, thiếu thốn của những người thân.

Nếu ông biết vợ vay lãi ngay từ đầu, chắc ông đã có thể hoặc dùng uy quyền hoặc doạ nạt để ngăn cản. Nhưng thực ra ông đâu có thời giờ và tâm trí để theo dõi mọi hành động của vợ. Nhưng tình cảm hậm hực, bi quan đã chiếm hết tâm óc ông, ám ảnh ông ngày đêm.

Bà Hạ nay sắm món đồ này, mai sửa chữa món đồ khác, mua thêm thức ăn, chăm chút cho chồng và các con. Những món nợ chồng chất mãi lên nhau. Hàng tháng, bà Hạ chỉ vay nổi tiền trả nợ lãi, còn số nợ gốc tăng vùn vụt một cách đáng sợ.

Đến hôm chủ nhà đến tận nhà đòi và làm ầm lên, ông Hạ và các con mới khám phá ra bà nợ nhiều đến mức nào. Và từ đó trở đi chuyện nợ nần chẳng khác lửa được đổ thêm dầu, gây ra bao nhiêu cuộc cãi cọ, tranh luận giữa ông Hạ và vợ con.

Sau một thời kỳ trên bề mặt tương đối yên tĩnh, sóng gió lại xáo động cuộc sống của gia đình.

Vào một buổi sáng chủ nhật, cả gia đình ông Hạ đều ở nhà, một người khách đàn bà đến hỏi bà Hạ. Vừa trông thấy mặt bà ta, khuôn mặt bà Hạ tái nhợt nhạt. Bà vội chạy ra tiếp khách, dáng điệu lúng túng.

Bà Hạ thì thầm với bà khách những gì không hiểu, nhưng sau vài câu trao đổi, bà ta lộ vẻ tức giận, cất cao giọng nói không kiêng nể một ai:

"Thế bà nhất định không chịu trả? Bà còn khất đến bao giờ nữa? Tôi nể lắm mới gia hạn cho bà đến buổi nay, chứ người khác thì tôi đã lôi ra cẩm rồi."

Bà Hạ bối rối nho nhỏ:

"Chết! Tôi xin bà. Bà nói khe khẽ thôi chứ...! Vâng, tôi sẽ cố..."

Người chủ nợ đứng phắt dậy, hai tay chống cạnh sườn, nhìn tất cả mọi người trông nhà một lượt, giọng thách thức:

"Tôi không việc gì phải nói khẽ. Tôi đến đây đòi nợ chứ không phải để xin tiền bà."

Quan sát thái độ của vợ, ngay phút đầu ông Hạ đã nghi nghi, bây giờ mới vỡ lẽ: bà này là chủ nợ của vợ ông. Bà Hạ quay đầu nhìn chồng rất nhanh, khuôn mặt sợ hãi trông thật đáng thương.

Bà nắm tay người chủ nợ, nói liều:

"Vâng! Bà cứ về đi: đến sáng mai tôi sẽ đem đến trả bà..."

Người chủ nợ giật tay ra giận dữ:

"Tôi không đi đâu hết. Tôi sẽ ngồi lì đây đến hồi nào bà chạy được tiền trả tôi cả gốc lẫn lãi... Tôi tin vào lời hứa của bà để tôi chết đói rã họng ra ấy à. Hừ! Hứa với hẹn, khất ba lần bẩy lượt rồi chứ phải không đâu."

Tô đứng dậy lại gần me, trán nói cau nhẹ, mắt nhìn người chủ nợ đầy khinh bỉ. Tô hỏi thẳng mẹ:

"Cái gì thế me? Có thật me nợ bà này một số tiền?"

Bà Hạ nghẹn ngào không nói lên lời, chỉ khẽ gật đầu.

"Bao nhiêu hở me?"

Bà Hạ yếu ớt đáp:

"Hơn bốn vạn!"

Ông Hạ vùng đứng dậy như ngồi phải lửa. Thế này thì quá lắm! Lỗi lầm của vợ ông không thể tha thứ được. Tại sao vợ ông dám tự ý vay một món tiền lớn đến như vậy? Chắc hẳn vay tiền để các con được ăn sung mặc sướng.

Nhưng nhìn khuôn mặt rắn như sành và đanh đá của người chủ nợ, sự thận trọng cố hữu của ông ghìm cơn nóng giận của ông lại. Ông phải thật khôn khéo và dò hỏi xem vợ có làm giấy tờ gì không. Nếu bị tù vì nợ, danh dự của ông, của gia đình còn gì?

Tô ngạc nhiên hỏi mẹ:

"Bốn vạn! Sao me không nói cho con biết? Mà mấy món nợ bà Bốn, bà Chi con đã đưa tiền me trả đầy đủ cơ mà?"

Người chủ nợ giơ tay lên sỉa vào mặt bà Hạ, giọng chua ngoa và đe doạ:

"Gớm thật! Bà có tiền mà bà không chịu trả tôi. Bà định ăn quịt phải không? Rồi bà sẽ biết tay tôi. Con mẹ này không phải tay vừa..."

Tô quay phắt lại nhìn thẳng vào mặt người chủ nợ, giận dữ.

"Tôi xin bà im ngay! Tôi đang nói chuyện với me tôi. Mà bà không cần phải nhiều lời. Chúng tôi không phải hạng người quen quịt nợ. Rồi bà sẽ được trả đầy đủ."

Người chủ nợ vừa hé miệng định làm dữ, Tô đã tiến lên một bước, giọng cả quyết và đe doạ:

"Nếu bà mà nói thêm một câu thiếu lịch sự, tôi bắt buộc phải mời bà ra khỏi nhà. Đây là nhà chúng tôi. Nợ bà chúng tôi sẽ trả nhưng bà không có quyền làm ồn ào."

Thấy tình thế có vẻ gay go, ông Hạ vội lại gần người chủ nợ, cười rất xã giao:

"Mời bà vào trong này ngồi chơi. Xin bà yên tâm! Tuy tôi không được biết rõ về chuyện nợ nần của nhà tôi nhưng rồi tôi xin lo liệu. Tôi là chủ gia đình, có gì tôi xin chịu trách nhiệm..."

Người chủ nợ còn lưỡng lự, ông vội thêm một câu:

"Chúng ta là người lớn cả! Đâu mỗi lúc mang nhau ra trước pháp luật. Gia dĩ, chắc khi cho nhà tôi vay tiền bà cũng quên một điều là vợ các công chức không có quyền vay nợ, nếu không được chồng cho phép."

Biết gặp người thông thạo pháp luật, dù có làm ầm cũng không chắc đi đến đâu, người chủ nợ theo ông vào trong nhà. Ông khôn khéo hỏi cặn kẽ về món nợ của vợ nợ gốc hiện lên đến bao nhiêu, những điều kiện trả lãi và giấy tờ làm bằng chứng.

Sau gần một giờ đồng hồ điều đình, người chủ nợ ra về.

Không khí trong gia đình trở nên nặng nề khó thở, ngay sau khi người chủ nợ rời khỏi nhà. Bà Hạ ngồi cúi đầu gầm ra vẻ chăm chú khâu. Tô thì thầm trò chuyện với me. Bà lẳng lặng nghe, đôi mắt xâu chớp chớp, thỉnh thoảng lại thở dài. Nhưng tiếng thở dài não ruột của bà Hạ càng khiến ông, điên ruột. Di, từ lúc người chủ nợ bước chân vào nhà làm ầm ĩ và lăng nhục mẹ, vẫn ngồi bất động ở bàn học, khuôn mặt nó nhăn nhúm, cánh mũi phập phồng, đôi lông mày rậm nhíu vào nhau.

Ông Hạ mặt hầm hầm, đi đi lại lại trong nhà. Ông thầm nghĩ: “Được lắm! Thường lệ vợ con đoàn kết thành một phe để bênh vực lẫn nhau. Lần này thử xem còn ai bênh vực nổi ai nữa hay không”.

Ông lật đi lật lại chuyện vay nợ trong đầu, nhìn vấn đề dưới đủ mọi khía cạnh, cố tìm một lối thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng này của gia đình. Ông cũng không quên một sự kiện hiển nhiên: Vợ ông đã vay một món tiền lớn và đã lại dại dột làm giấy tờ hẳn hoi. Ông đã viện lý lẽ vợ một công chức không có quyền vay mượn tiền không có sự ưng thuận của người chồng để làm kế hoãn binh. Nhưng ông đã phải hứa sẽ trả thành nhiều tháng, vì biết nếu người chủ nợ nhất định kiện vợ ông trước toà, tên ông sẽ bị trưng lên mặt báo. Được toà xử vô can thì không sao nhưng nếu chẳng may bị tù tội...? Ông sẽ không còn hi vọng gây dựng lại sự nghiệp một khi danh dự mang một vết nhơ khó rửa.

“Bốn vạn bạc”. Với số tiền lương của ông dù trả thành nhiều tháng, đến bao giờ mới dứt món nợ. Mà chắc đâu vợ ông chỉ nợ có món đó. Chắc chắn còn vài món nợ khác vợ ông hãy còn dấu ông.

Suốt mấy năm hễ ông dự định làm gì là y như gặp khó khăn. Chưa bao giờ vận ông đen đến thế? Nhiều khi ông đâm nghi ngờ cả tài năng soay sở kinh doanh của ông. Nếu thực ông là người có bản lĩnh tại sao lại gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Thoạt đầu ông còn có thể đổ cho vận đen, nhưng dần dần lòng tự tin của ông bị lung lay đến tận cội rễ. Ông tự hỏi “Đen một hai lần chứ đâu có thể đen cả chục lần”. Hay có lẽ ông đã hết thời và bắt đầu già rồi?


Ông Hạ kéo một chiếc ghế, ngồi phịch xuống. Ông giang tay gạt mạnh. Mấy chồng sách, cốc chén văng xuống đất vỡ nát. Tiếng thủy tinh vỡ làm tất cả mọi người ngửng đầu quay mặt về phía ông.

Ông bắt đầu nói, giọng như quát. Càng nói cơn giận của ông càng bừng lên.

Ông hỏi vợ:

"Thế nào! Bây giờ bà nói ra làm sao? Tôi sẵn sàng giỏng tai lên nghe...! Bà vay tiền làm gì mà nhiều đến thế? Mà tại sao bà lại dám dấu tôi...? Bà tưởng bà vay nợ thời không liên can gì đến tôi phải không? Bà nhầm to! Nếu bà không trả nổi, con mẹ chủ nợ mang bà ra toà thì rồi chính tôi, bà nghe rõ chưa, chính tôi sẽ bị trừ lương hàng tháng cho đến khi nào hết hạn nợ..."

Trước những câu hỏi dồn dập bà Hạ không biết trả lời ra sao. Tô bênh me:

"Ba hỏi từ từ, chứ ba quát lên me trả lời sao kịp."

Ông quắc mắt:

"Tao không nói chuyện với mày! Để mặc me mày trả lời..."

Bị dồn đến bước đường cùng, bà Hạ cũng đâm liều.

"Tôi vay để tiêu cho gia đình... Để mua thêm cái ăn cái uống cho ông cho các con... Để may thêm quần áo cho chúng và mua sách vở chúng cần dùng... Lâu ngày nợ gốc không trả được, lãi chồng lên nhau mới nhiều đến thế."

"À! ... Thế bây giờ người ta không còn coi tôi ra cái thớ gì nữa! Tôi ngồi đây để làm gì? Tôi là phỗng đá hả? Dính đến chuyện nợ nần gỡ ra đâu dễ! Vào tù như chơi. Trời ơi! Vợ với con. Tại sao bà không cho tôi biết từ đầu? Tại sao?"

Câu trả lời của vợ càng khiến ông tức giận thêm, mất hẳn bình tĩnh và tự chủ.

"Nói với ông chẳng ích gì! Ông lại la hét mà rồi con cái đói rách vẫn đói rách...'

"Bà cấm tôi la hét phải không? Từ bao giờ bà cho rằng tôi không đủ sức nuôi gia đình? Bà phải nhớ tôi la hét là có lợi cho bà. Tôi lo lắng kiếm tiền vì ai? Cho tôi à? Dễ thường trong gia đình này chỉ có tôi ăn, tôi tiêu, tôi phung phí tiền bạc... Phải chỉ có tôi ăn báo hại, báo cô..."

Tô bất mãn, ngắt lời bố:

"Ba nói hơi quá! Me chúng con đâu ăn báo hại lúc nào cũng tìm cách kiếm thêm tiền đỡ ba đấy chứ! Me chẳng đi buôn là gì?"

"Đi buôn! Mày đừng nhắc đến chuyện đi buôn nữa mà tao lộn ruột. Suýt nữa què một cẳng, mà lãi đâu? Lãi đâu?"

"Cứ cho là không lãi đi, nhưng ba cũng phải công nhận là me đã làm hết sức rồi..."

"Tôi không cầu ai làm hết sức! Tôi chỉ mong mọi người để tôi yên. Đừng phá tôi, đừng làm nhục tôi, đừng đưa tôi đến cảnh tù tội! Nợ đến hàng chục vạn trả đến kiếp nào mới hết!"

Quay về phía vợ, ông hỏi mỉa:

"Bà tưởng tôi là con trâu kéo cày trả nợ cho bà phải không?"

Bà Hạ tự nhiên ôm lấy đầu, mắt nhắm lại, nước da tái xanh miệng kêu lên:

"Sao tôi chóng mặt thế này…?"

Tô đỡ me nằm xuống giường. Lan chạy vội lấy nước và mấy viên thuốc cảm.

Ông còn cố nói với:

"Sao lại vác cái lo lắng vào người. Vay nợ phải suy tính trước sau chứ…?"

Hình như bị động lực mãnh liệt thúc đẩy, Di vùng đứng lên mặt nhăn nhó, ánh mắt oán ghét. Giọng nói run rẩy:

"Sao ba không thôi đi! Ba nói thế chưa hả hay sao? Ba không thấy me ốm nặng mà còn hành hạ me?"

Ông Hạ hơi ngạc nhiên, nhìn Di. Thằng này điên hả? Dám hỗn cả với bố nó. Ai hành hạ gì me nó? Ông chưa kịp mắng Di, nó đã rảo bước ra khỏi phòng, không quay đầu lại.


Bà Hạ ốm dai dẳng hơn một tuần lễ. Căn bệnh của bà không rõ rệt, không hẳn ra cảm sốt, cũng chẳng phải là cúm. Người bà cứ rạc đi, mắt trũng sâu, không ăn không ngủ được. Mặc các con thúc dục, bà cũng không chịu đi khám bác sĩ và thoái thác: “Me khó chịu soàng thôi mà. Mai khỏi!”

Ban ngày bà tránh nói chuyện với chồng. Đêm đến nằm cạnh ông, bà hay trở mình vật vã, chốc chốc lại thở dài.

Trước đây trong đời sống vợ chồng, những lúc nằm trò chuyện trước khi ngủ là giây phút tương đối gần gũi và thân mật giữa ông bà Hạ.

Muốn biết điều gì về các con ông có thể hỏi vợ và nếu bà muốn bênh vực tranh đấu cho các con thời cũng lợi dụng được mỗi thời gian đó nêu các vấn đề gay go lên mà không e ngại ông gắt và mắng lấp đi.

Dạo này, mặc dầu ông cố ý gợi chuyện, bà cũng chỉ trả lời cho qua, đoạn nằm vắt lên trán mắt nhắm lại giả vờ ngủ. Ông hơi bực mình trước thái độ cách biệt đó của vợ. Vợ ông không có quyền giữ những mối lo âu riêng cho mình. Ông muốn vợ phải hỏi ý kiến, nương tựa vào ông, bám víu vào ông, trong mọi trường hợp.


Cả đêm ông Hạ nghi ngờ tự hỏi: Hay có lẽ vợ ông không còn tin cậy trông mong vào ông như xưa? Vợ ông cũng như các con, cho rằng ông là một người bất đắc chí, hết thời mà vẫn cứ tưởng mình tài giỏi.

Lần đầu tiên trong đời ông hiểu thế nào là cô độc.

Đêm này qua đêm khác vợ chồng ông nằm cạnh nhau, chia cách bởi một bức tường thành vô hình và cùng cảm thấy bất lực như nhau trước số mệnh.

Ông có thể chịu đựng cô độc, nhưng cảm thấy mình bất lực thật là một cực hình ghê khiếp.

Trong thời kỳ bà Hạ ốm đau và dưỡng bệnh, ông nhượng bộ không hề đả động đến nợ nần. Ông kiên nhẫn đợi đến khi vợ hỏi hẳn bệnh. Tuy ông đã giao hẹn với người chủ nợ, hàng tháng sẽ thân hành mang tiền đến tận nhà, nhưng không hiểu tại sao ông lại không cho vợ hay biết sự thoả thuận đó giữa ông và chủ nợ. Hễ có tiếng gõ cửa vợ ông lại giật mình, khuôn mặt nhợt nhạt, nằm trên giường thân hình bất động và chờ đợi...

Hôm vợ gần khỏi, ông Hạ mới kể vắn tắt công chuyện nợ nần đã được giải quyết cách nào. Bà Hạ ngồi yên, đầu cúi, không hé miệng nói một câu.

Ông Hạ tưởng với tư cách một người chủ gia đình, cố gắng thu xếp như thế là hết, không thể chê trách được. Thế mà ông linh cảm hình như các con – nhất là Di và Lan – lại còn đổ hết lỗi cho ông: Lỗi tại ông nên bà Hạ nợ nhiều đến thế, lỗi tại ông nên bà Hạ ốm đau. Sự vô ơn của các con làm ông Hạ thâm gan tím mật. Chúng đã không hiểu ông, tại sao ông còn tỏ ra rộng lượng làm chi?

Khi vợ ông khỏi hẳn và bắt đầu ăn trả bữa, ông lại mang chuyện nợ nần ra nói. Gia đình đã túng thiếu, mỗi tháng lại phải trích 2.000$ tiền lương để trả nợ, nên các sự chi tiêu lại càng phải dè sẻn hơn. Ngay đến thuốc lá rẻ tiền ông Hạ nhiều lúc cũng không đủ tiền mua. Các món ăn quá thanh đạm ông nuốt không nổi. Thời tiết mùa nực khiến nhà biến thành một cái hòm lớn. Hà tiện tiền điện đến nỗi có cái quạt máy cũ ông cũng không dám bật lên. Ăn không được, ngủ không được, ông gầy đi và ngày càng khó tính và khe khắt.

Đêm đến trằn trọc trở mình đi trở mình lại, giấc ngủ vẫn không đến: Ông Hạ dằn vặt vợ, nói những câu mỉa mai như róc thịt. Nằm nghe hoài những lời trách của bố, Di đang đêm đùng đùng dậy mặc quần áo, mở cửa đi đâu không biết, mặc dầu ông Hạ đe.

"Muốn chết hả! Nhà binh đang thiết quân luật, đi lớ quớ lính tuần bắn chết mất xác."

Những ngày đen tối của gia đình ông Hạ tiếp tục trôi qua. Vợ ông ngày nào cũng phải nghe những lời trách móc dai dẳng của ông, nên tâm tính thay đổi hẳn. Trước kia bà tươi tắn hay cười nói, duyên dáng không ai gặp mà không ưa mến; bây giờ ít nói, ra vào như một cái bóng, lúc nào cũng ngẩn ngơ như người bị một ác mộng ám ảnh. Nhiều lúc bà ngồi thừ người hàng giờ đồng hồ. Đôi khi ông còn bắt gặp vợ khóc một mình.

Trong câu chuyện với các con, dần dà bà Hạ đưa ra những lý luận lời lẽ hơi kỳ lạ.

Bà nhận hết lỗi về phần mình. Lỗi với chồng vì không biết thu va thu vén, tiết kiệm mọi chi tiêu để đến nỗi sợ như chúa chổm, vì buôn bán vụng về không kiếm thêm được tiền nuôi con ăn học đâu ra đấy; vì không khéo léo hoà giải mỗi người trong gia đình nên không lấp được vực sâu oán hận thù ghét nhau giữa chồng và các con.

Bà lại còn bênh chồng “Trước kia ba đâu có thế! Tại me cả! Các con cứ trách me đây này!"Bà còn nhắc lại hồi mới cưới nhau và có con, ông đã chứng tỏ là một người chồng người cha kiểu mẫu thương mến vợ con như thế nào. Các con bà ngạc nhiên, bỡ ngỡ. Không biết chúng có tìm ra nguyên nhân thầm kín đã khiến mẹ chúng thay đổi thái độ hay không, nhưng nể và yêu mẹ, chúng bảo nhau tạm thời tránh đề cập tới những sự “độc ác"của bố. Chúng còn cố gắng tìm đủ mọi cách giúp mẹ quên đi một phần nào cảnh buồn của gia đình. Chúng khôi hài và làm ra vẻ coi nhẹ chuyện nợ nần. Nghe những câu khôi hài của các con, bà Hạ cũng chiều chúng cười đấy, nhưng rồi sau đó buồn và lo lắng hơn.

Về phần ông Hạ, ông không chịu nổi sự khôi hài cười cợt giả tạo và không đúng chỗ đó của các con. Ông cho thế là hèn nhát và trốn tránh thực tại. Nghe chúng bông đùa về chuyện quần áo mỗi người đều cũ và mạng tứ tung, thiếu tiền ăn sáng phải ăn cơm nguội. Di đi học phải lê một đôi giày há mõm, Tô không bao giờ có đến chục bạc trong túi v.v... Ông lộn cả ruột gan muốn tát cho mỗi đứa một cái – như hồi chúng còn nhỏ – để làm chúng tỉnh ngộ. Chúng không biết thế nào là nhục nhã hay sao mà còn cười.

Chiều đến, và các con thích bác chõng ra hiên trước nhà hứng gió và chuyện trò mơ tưởng những chuyện cao xa, tưởng tượng ra những thú vui mọi người sẽ được hưởng nếu có nhiều tiền. Bà Hạ mơ xây được một biệt thự ở Đà Lạt có đầy đủ phòng cho cả gia đình, hoặc hè đến rồi rào tiền nong cho các con ra bể tắm, nghỉ ngơi. Bà còn gợi lại những kỷ niệm êm đẹp của thời con gái sống trong một gia đình khá giả.

Ngồi bó gối lẻ loi trong nhà, xa cách hẳn vợ con, ông Hạ nhiều lần tưởng chừng đang nghe một lũ người điên hay dở người trò chuyện. Mơ mộng hão huyền hoàn toàn xa lạ đối với ông.

Tuy ông Hạ soay sở tìm được mấy chỗ làm cho Tô, giúp đỡ một ông bạn thầu khoán của ông trông nom các tù binh tại một công trường, hay làm bồi cho một sĩ quan Pháp, nhưng hễ ông đưa đề nghị nào ra, vợ ông – thường lệ vẫn phục tòng ông – đều khăng khăng phản đối “Thà để các con chết đói còn hơn làm đầy tớ cho người ngoại quốc”. “Trông nom phu phen thường có kham khổ may ra. Tô còn kham nổi, nhưng đốc thúc tù binh phải đánh đập họ dã man lắm. Vả lại, nếu các bác thằng Tô một ngày kia trở về biết chuyện, tôi còn mặt mũi nào...”

Cho vợ chỉ là đàn bà câu nệ, ông hỏi thẳng ý kiến Tô. Tô nín lặng. Khuyên nhủ nhẹ nhàng, mắng mỏ, Tô lơ đãng miễn cưỡng nghe. Tô đợi khi ông hết lời, buông độc một câu ngắn ngủi “Con chịu thôi. Con không thể làm vừa lòng ba”, ông nản lòng, đành bỏ cuộc. Nhưng, ông đâu ngờ Tô đã ngầm đến gặp ông bạn của bố, nhận một chân phu đốc công trại một công trường bên kia Gia Lâm, trông nom phu mộ ở mấy làng kế cận. Trong mấy tháng liền, Tô xin nghỉ học để “dưỡng bệnh”, đạp chiếc xe cọc cạch qua cần sông cái, làm việc suốt ngày ngoài nắng đến tối mịt mới trở về, ông Hạ cũng không hay biết mảy may.

Mãi đến hôm Tô hỏi me trước mặt người chủ nợ “Con đã đưa tiền me góp trả đầy đủ các món nợ bà Chi, bà Bốn rồi cơ mà..." ông mới nghi ngờ, và sau đó tra hỏi Tô:

"Mày góp tiền trả nợ hộ me? Mày lấy tiền ở đâu?"

"Con giúp bác Phú trông nom phu bên Gia Lâm, mỗi tháng bác trả 1.200$."

"Sao mày không cho tao biết?"

Tô nhún vai thản nhiên đáp:

"Cho ba biết thì làm sao góp được tiền trả nợ cho me."

Ông Hạ thầm nghĩ “À ra vậy! Nó đi làm cốt để trả nợ cho me, không phải vì bị mình bó buộc”.

"Hiện thời mày còn làm với bác Phú không?"

"Không! Con xin thôi ngay sau khi trả xong hai món nợ cho me."

Đôi mắt long lanh sáng của Tô soi mói nhìn bố. Tôi tiếp luôn, miệng thoáng một nụ cười chua chát, khinh thị:

"Chắc ba muốn con đi làm chứ gì? Đáng tiếc, bác Phú đã tìm người thay chỗ con mất rồi. Tuy nhiên nếu ba muốn, còn cái chân bồi hay bếp gì đó ba nói đến dạo trước, còn trống hay không? Kể ra, làm bồi cho một sĩ quan Pháp vào thời này cũng vinh dự cho cha mẹ lắm đấy chứ? Con cũng chỉ bắt chước óc thực tế của ba thuở nhỏ, đâu có gì xấu phải không ba?"

Bất giác ông vung tay tát Tô một chiếc. Tô đưa tay lên xoa má, vẻ mặt đanh lại. Hắn nhìn chăm chăm vào mặt bố, môi mím chặt, những thớ thịt hai bên hàm nổi hẳn lên. Nhưng rồi hắn trấn tĩnh được, gượng gạo nói:

"Xin lỗi ba!"

Tuy miệng xin lỗi, khuôn mặt Tô lại thoáng một vẻ kiêu hãnh khác lạ. Thật trái ngược, ông Hạ cảm thấy trong hai người kẻ thua trận bị lăng nhục lại là ông.

Tô ra khỏi phòng, ông Hạ vẫn ngồi trầm ngâm.

Về phần Di, Di đi về thất thường, nhiều tối không ngủ nhà. Di vẫn đi học nhưng hắn không mấy quan tâm đến bài vở thi cử. Thông minh thứ hạng điểm số của Di luôn luôn dưới mức trung bình. Ông Hạ mắng, Di cúi đầu nghe, vẻ mặt thờ ơ, chịu đựng – một sự thờ ơ còn khiêu khích và hỗn xược gấp trăm nghìn lần những câu phản đối cãi hướng.

Tệ hơn nữa, Di hình như còn định tâm gây ra nhiều chuyện rắc rối cho gia đình, và dĩ nhiên cho chính bản thân nó.

Đầu tiên là chuyện Di gây sự và cãi bướng với một người đội cảnh sát Tây.

Hôm đó ông Hạ đi làm về chưa kịp thay quần áo thời có tiếng gõ cửa. Một người cảnh sát Việt, đứng tuổi, tóc và bộ râu ghi đông cuốc điểm bạc, khuôn mặt vuông hiền lành, bước vào nhà hỏi:

"Đây có phải nhà cậu Di? Xin lỗi ông! Tôi chắc ông là ba cậu Di, vậy xin mời ông lên cẩm làm giấy bảo đảm và đón cậu ấy về..."

Ông hỏi Di bị bắt về tội gì, ông ta cười đáp:

"Cậu ấy đi xe không phanh lại đi trái đường. Ông đội Tây ra lệnh cho tôi bắt cậu ta vào bóp hỏi giấy tờ. Ông đội hỏi tên tuổi giấy tờ cậu ấy chẳng buồn cho biết lại còn cãi bướng “Tôi không có giấy tờ. Tôi không có nhà. Hỏi gì mà lắm thế!" Bị ông đội tát cho mấy chiếc cậu Di trừng mắt lên mắng “Đồ thực dân!" May mà ông đội không biết tiếng Việt. Rồi cậu ấy bảo tôi “Cụ làm ơn dẫn tôi đến phòng giam. Tôi không trả lời đâu”.

Ông ta cười tha thứ, lắc lắc cái đầu:

"Con trai thời này bướng thật! Tù cũng chẳng sợ!"

Ông Hạ cám ơn ông đã bênh vực cho Di. Ông đáp giản dị:

"Đâu có gì! Chẳng là tôi cũng có một thằng con trai tính nết bướng bỉnh chẳng khác gì cậu Di... Nó bị đạn lạc chết hồi Tây Ta đánh nhau trong thành phố..."

Ông thở dài nhỏ nhẹ khuyên ông Hạ:

"Tôi không muốn xen vào chuyện dạy dỗ con trẻ của ông, nhưng có lẽ ông nên răn dạy cậu Di bớt ngang tàng một chút. Nhỡ ra bị nghi là Việt Minh rồi tù tội thì khổ."

Ông Hạ sượng sùng không biết đáp ra sao. Nếu trả lời người cha yêu con đó “ông cứ bỏ tủ nó đi cho nó sáng mắt ra”, chẳng hoá ông thú nhận không những không dạy nổi con cái mà còn phải nhờ pháp luật trừng phạt để thoả lòng oán ghét của ông.

Sau khi ông Hạ giở hết tài ngoại giao ra xin lỗi viên đội Tây, Di được tha. Di lẳng lặng theo ông về nhà không hề lộ vẻ biết ơn. Về đến nhà ông mắng, Di đáp gọn lỏn:

"Ba đến đón con làm gì cho mất công. Cứ để mặc con bị giam ở bóp có hơn không. Con đâu có sợ! Hay ba tiếc trăm bạc nộp phạt…?"

Ông nổi giận cổ nghẹn tức chưa kịp phản ứng, Di thọc xâu hai tay vào túi, cánh môi trề xuống, buông một câu:

"Mà xin xỏ cái thằng đội Tây đó làm gì! Trông cái mặt thực dân của nó, con chỉ muốn tát chuyện cho mấy cái rồi muốn ra sao thì ra..."

Bà Hạ ngồi gần đó, hốt hoảng nhổm dậy níu chặt lấy cánh tay chồng. Ông gạt vợ ra quăng cái gối xuống đất, giọng đầy khinh bỉ:

Bà không cần phải can. Đánh đứa con bất hiếu vô ơn này làm gì cho bẩn tay. Di! Mày đi đâu thì đi cho rảnh mắt tao..."

Di không nói nửa lời, lầm lũi ra khỏi nhà.

Tô từ đầu đến cuối vẫn ngồi im lặng quan sát bố và Di không can thiệp.

Tối đến ông Hạ trằn trọc mãi không ngủ được. Ông nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi miên man. Xưa nay trong vẫn ghét thậm tệ những tình trạng tranh tối tranh sáng.

Trong một khoảng thời gian ngắn ông đã đánh đập hai đứa con trai. Từ khi chúng bắt đầu lớn và hiểu biết, nhiều khi ông quát mắng chúng, nhưng chưa lần nào phải dùng đến chân tay. Đánh chúng là phải hay trái? Ông có thể tự bào chữa: Chúng hỗn láo và xúc phạm đến ông, đánh là đáng lắm. Nhưng một câu hỏi quái ác vẫn lởn vởn trong trí óc ông. Ông đã khổ công nuôi dạy chúng đến khi khôn lớn, tại sao chúng lại trả ơn bằng khinh bỉ oán ghét, hoặc thờ ơ cách biệt? Dĩ nhiên đôi khi ông cũng đã tỏ ra quá khe khắt và hành hạ chúng đôi chút, nhưng cũng vì bị thúc đẩy bởi thiện ý muốn chúng nên người, đầy đủ bản lĩnh đối chọi với đời. Ông đâu có sống chỉ vì đồng tiền. Sở dĩ ông say mê với tham vọng làm giàu là khổ vì đồng tiền quá nhiều trong thời thơ ấu và tuổi thiếu niên, ông không muốn vợ con ông nhục nhã trong cảnh nợ nần nghèo túng. Các con và kể cả vợ ông không chịu hiểu cho ông điều đó. Mà thực ra có ai chịu tìm hiểu tâm sự thầm kín của ông đâu?

“Vợ và các con ông không chịu tìm hiểu ông!"Tất cả những chuyện rắc rối trong gia đình đều phát xuất từ đấy mà ra. Đã vậy, tại sao ông không giải thích cho họ hiểu? Các con ông lớn rồi, óc phán đoán cũng đủ vững vàng để phân biệt phải, trái. Gặp cơ hội thuận tiện ông sẽ giải thích cho cả gia đình hiểu tâm sự của ông.

Sau hôm bị bố đánh, Di bỏ nhà đi dâu ba, bốn hôm không về. Ông Hạ vịn vào sự vắng mặt của Di, hoãn ít lâu ý định giải thích cùng mọi người trong gia đình. Thực ra ông cũng chưa quyết định hẳn; hễ định mở miệng thổ lộ những tư tưởng thầm kín là y như có một sức mạnh vô hình chặn họng ông. Sau năm hôm vắng mặt Di trở về nhà. Suốt trong bữa cơm chiều ông Hạ trò chuyện với vợ, Lan và Tô làm ra vẻ không lưu tâm đến sự có mặt của Di. Cơm nước xong xuôi ông ngồi ở bàn và tiếp tục câu chuyện dở dang với vợ. Khi ông cố gắng giảng giải là món nợ bốn vạn của bà sẽ trả xong trong năm tới, Di ngồi ở cạnh đó tự nhiên cười khảy một tiếng và nói khá to:

"Tiền! Lúc nào cũng kêu ca thiếu tiền..."

Ông Hạ quắc mắt, giọng đanh lại:

"Thế thì sao?"

Vợ ông lo lắng nhìn ông và Di. Giọng của Di ngầm mang một ý nghĩ thách thức. Tô thấy câu chuyện có vẻ gay go chêm vào, giọng khôi hài:

"Thì kiếm thêm chứ sao phải không me?"

Di mím môi ngồi không yên, dáng mặt nóng nảy. Ông Hạ gay gắt:

"Tôi xin nói để mọi người hiểu là để mặc tôi lo liệu! Hay có ông con nào muốn kiếm tiền thay tôi? Hừ còn là mệt mới thay nổi thằng bố già này..."

Di buông sõng một câu:

"Thật không! Ba cứ làm như kiếm tiền khó lắm..."

"Thưa ông không khó đâu, nhưng cái mẽ ông đi làm phu chưa chắc ai mướn..."

"Nếu ba cần tiền đến thế thì tiền đây!"

...

Mọi người hồi hộp chờ đợi phản ứng của ông Hạ. Ông hơi ngạc nhiên nhìn tập giấy bạc rồi lại nhìn Di. Chẳng lẽ Di thay đổi chóng thế, hết mơ mộng viễn vông và đã chịu khó kiếm việc làm giúp gia đình? Nếu vậy thì hay lắm! Ông sẽ cầm tiền, khen Di mấy câu và tiện thể hoà giải với tất cả mọi người trong gia đình. Đây là cơ hội ông không bỏ qua...

Nếu Tô không khéo can thiệp kịp thời, chắc ông Hạ đã vứt tiền vào mặt Di và đánh Di mấy cái tát. Di tưởng ông không đủ thông minh để hiểu ý nghĩa hành động hỗn sược của nó. Di cho rằng kiếm được một món tiền đưa cho ông, nó đã có quyền khinh bỉ sự tha thiết đồng tiền của bố. Di muốn làm nhục ông trước mặt mọi người.

Khi thấy mặt bố cau lại và rút mạnh tay về, Tô thản nhiên cầm số tiền lên, miệng tươi cười.

"À! Nhà phải ăn khao cái đã! Đây là tiền Di đi làm buổi tối đây mà. Con giao cho me làm một bữa cơm gà vịt ăn cho sướng mồm."

Di nhìn ông một lần nữa.

Mấy ngày sau tình cờ nghe hai anh em Di, Tô chuyện trò với nhau ông Hạ có dịp biết thêm ít điều mới lạ và khá bất ngờ về ý nghĩ của các con trai ông về chính ông.

Trưa hôm đó sau bữa cơm, ông nằm ngủ ở giường phòng ngoài. Đêm đến ông thường trằn trọc khó ngủ, nên giấc ngủ trưa tuy ngắn ngủi thường vẫn giúp ông lấy sức khá hiệu quả. Ngủ mê mệt được một lúc, ông Hạ chợt tỉnh giấc. Ông không ngồi hẳn dậy, nằm mơ màng, vì đoán chưa đến giờ đi làm. Tiếng Di và Tô rì rầm nói chuyện ở đâu đây. Chúng ngồi ở chiếc bàn phía trong. Ông không nhìn thấy chúng, một chiếc màn ngăn chia chỗ ông nằm và nửa phòng phía trong.

Thoạt đầu ông không lưu ý đến câu chuyện giữa Tô, Di nhưng sau thấy thoáng nghe thấy những tiếng “ba"ông đoán chúng đang nói đến ông. Ông lắng tai nghe. Chắc chúng tưởng ông ngủ say sưa như thường lệ, nên bàn tán không giữ gìn.

Tiếng Tô hỏi Di vẳng đến tai ông Hạ:

"Suỵt! Ba còn ngủ đấy chứ?"

Ông nhắm mắt lại vờ ngủ, cố giữ hơi thở đều đặn. Di vạch màn nhìn sang chỗ bố nằm

Di trả lời ngay:

"Ba ngủ say lắm!"

Chúng tiếp tục câu chuyện dở dang.

Tiếng Tô nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc:

"Tại sao hôm đưa tiền cho ba, Di có vẻ hằn học thế?"

"Em đâu muốn vậy! Mà nếu thật ra em đã có thái độ hằn học, em cũng chẳng cần."

Giọng Tô châm biếm:

"'Di đâu có muốn hằn học!'. Di không đùa đấy chứ? Tại sao không thú thật đó là một thái độ cố ý!"

"Anh rắc rối lắm! Em đã bảo em cóc cần mà! Mà tại sao em không có quyền hằn học, nếu em muốn thế!"

"Đấy nhé! Di công nhận Di cố tâm kiếm bằng được một số tiền để có thể “ném"vào mặt ba và có cơ hội bộc lộ tất cả sự hằn học của Di. Đúng thế không?"

"Cứ cho rằng Di công nhận đi thì sao? Anh định đưa câu chuyện đến đâu?"

Tô rành rẽ:

"A! Anh muốn biết sau khi chứng tỏ Di kiếm nổi ra tiền và tự lập, Di có ý định rời bỏ gia đình hay không?"

Im lặng một phút. Di lẩm bẩm chua chát:

"Anh suy luận nhanh nhỉ! Anh tưởng anh đọc rõ những tư tưởng trong óc Di phải không? Phải rồi anh vẫn thường tự phụ rất sành tâm lý mọi người mà!"

"Di cáu với anh đấy hả?"

"Không! Di không cáu khi thấy anh soi mói tâm hồn người khác, nhưng rất 'bực mình – và – khó chịu' vì cái giọng làm ra vẻ thản nhiên của anh khi đề cập tới những đau khổ của mọi người."

Tô láy lại, chế riễu:

"Anh thản nhiên khi nói tới những đau khổ của Di! Lạ nhỉ! Anh có cảm tưởng Di giận anh."

"Phải nói là Di bất mãn mới đúng! Ừ! Tại sao anh cứ đòi đóng cái vai quan toà hạch tội nhân? Tại sao Di hằn học? Tại sao Di làm thế này, thế kia? Anh đừng quên anh cũng là người trong cuộc! Anh cũng hằn học và oán ghét ba không kém gì em!"

Im lặng. Tiếng Tô lại cất lên:

"Di khó tính lại nhiều tự ái! Làm gì có chuyện ai là quan toà ai là tội nhân ở đây. Có điều Di quên mất là anh và Di tính nết khác nhau. Di hằn học, Di muốn lộ tình cảm đó ra mặt, anh cũng có thể hằn học, nhưng anh dấu kĩ thì sao."

Ngừng một chút, Tô tiếp giọng thành thật và dịu dàng như muốn làm lành với em:

"Hay bây giờ Di và anh gạt sang một bên những chuyện cãi vã rắc rối về bản chất của anh và Di. Tại sao Di không nghĩ rằng anh hỏi Di chỉ vì muốn tìm hiểu chút ít về Di. Dạo này Di và anh không có dịp nói chuyện với nhau... Anh ngại rằng nhiều điều anh nghĩ về Di có thể sai lầm. Di hình như muốn sống cách biệt với mọi người... với anh. Dĩ nhiên anh không trách móc Di nhưng ít nhất Di cũng phải để mọi người giúp Di chứ."

Trước những lời lẽ lúng túng của anh. Di ngắt lời:

"Em hiểu anh!"

"Nếu vậy Di nói thẳng ra đi! Có phải vì muốn tỏ ra khinh bỉ ba nên Di đã quyết định bỏ học đi làm kiếm thêm tiền. Trong tuần qua, Di không bước chân đến trường, anh đã làm giấy phép xin nghỉ cho Di, nhưng anh dấu cả me lẫn ba. Di còn muốn đi học nữa hay không?"

Di trả lời, giọng mệt mỏi chán nản:

"Em không biết nữa! Em cũng không rõ sẽ phải nghĩ gì làm gì. Bao nhiêu vấn đề cấp bách phức tạp em cần phải giải quyết. Ngay vấn đề ba và em chẳng hạn!"

Di ngừng một chút, đoạn tiếp giọng cả quyết:

"Em sẽ nói hết anh nghe ý nghĩ của em về ba. Từ dạo tản cứ về ba không ngớt than phiền kêu ca về chuyện tiền. Đối với ba kiếm tiền và thành công là những chuyện quan trọng nhất trên đời. Ba than phiền nhà mình nghè. Ba đe doạ anh em chúng mình sẽ có ngày phải đi ăn mày làm phu phen để kiếm sống. Chuyện này em chẳng phải nói dài, anh cũng rõ như em. Nhưng ba tha hồ mắng nhiếc và hành hạ mọi người, anh và em nhớn rồi cũng đủ sức chịu đựng ba. Miễn là ba đừng đụng chạm đến me."

Giọng Di nghẹn ngào:

"Em không tưởng tượng nổi, khi hành hạ áp chế một người yếu hơn mình, người ta lại có thể cảm thấy vui thú. Thử hỏi me có tội gì? Từ khi lấy ba đến giờ me ăn bao nhiêu cơm và tiêu bao nhiêu tiền của ba? Lúc nào me cũng tươi cười, nhẫn nhục chịu đựng ba. Ba đâu biết ba làm khổ me đến bực nào. Me không than thở kêu ca, nhưng me khổ ngấm ngầm? Nghe những lời riếc móc ray rứt me muốn khóc mà cũng không dám. Dạo chúng mình còn bé chẳng nhiều lần bắt gặp me khóc thầm là gì? Ba luôn luôn chỉ biết có ba. Ý kiến của ba là nhất ai cũng phải theo. Nếu cưỡng lại ba sẽ tìm cách ép buộc phải vâng theo ba."

Tô xen vào:

"Di! Di muốn thêu dệt ra những chuyện thực ra không hề xẩy ra hay sao?"

"Thôi Di! Làm sao chúng mình biết được những chuyện thầm kín giữa ba và me. Hơn nữa, nếu kết tội ba một phần nào Di cũng kết tội me. Theo ý anh, không ai hoàn toàn vô tội cả, kể cả me chúng ta."

Di bướng bỉnh cãi:

"Em không tin me có lỗi!

"Hay em không 'muốn' tin thì đúng hơn… Anh yêu me, nhưng cũng không lạ gì tính me. Một khi đã yêu con chiều con, me quên hết mọi thận trọng, tính toán. Me vay nợ lu bù để bù đắp cho chúng ta. Làm sao anh lại có thể trách me yêu các con? Anh tự hào có người mẹ như me! Tuy nhiên gia đình mình sẽ đi đến đâu, nếu me tiếp tục vay nợ? Em thử nghĩ xem?"

Hai anh em lại im lặng. Ông Hạ nằm không động cựa, và không dám thở mạnh. Ông đâu ngờ Di khe khắt với ông đến thế.

"Anh không biết chứ dạo me đi buôn, ngồi ở lớp học em lo lắng ghê rớm. Lúc nào cũng thấp tha thấp thỏm chỉ sợ tầu bị mìn và nhỡ me làm sao mỗi buổi tối thấy me và anh trở về bình yên, em nhẹ hẳn người và mừng không thể tưởng được. Càng mừng em càng thù ghét ba. Tại ba hết! Sau này, me ốm và gãy chân, ba chắc hể hả lắm. Ai bảo mọi người trái lời ba! Trông bộ mặt đắc thắng của ba, em mong me và anh chết cả trong một tai nạn tàu để xem ba phản ứng ra sao. Liệu ba còn sống nổi một mình hay không?"

"Sao Di hay nghĩ ra nhiều chuyện rắc rối làm khổ mình cho mệt. Chỉ vì muốn 'trả thù' ba, Di muốn me và anh chết đi hay sao?"

"Em cũng biết nghĩ thế là bậy, nhưng anh đã hỏi em cũng không giấu."

"Em thật kỳ lạ!"

Di nhắc đi nhắc lại hai chữ “trả thù" Tô vừa nêu ra.

"Trả thù! Trả thù! Có lẽ anh nói đúng! Em thù ba! Ngay từ hồi bé. Anh còn nhớ hồi nhỏ, em đâu bạo dạn như anh. Em rút rát như con gái. Nhưng, tại sao ba không để em yên thân? Ba chế nhạo em, mắng chửi em và không hề quan tâm là tâm hồn một đứa trẻ nhạy cảm và mỏng manh đến mực nào. Dĩ nhiên em khác hẳn tính ba hồi nhỏ. Nhưng, tại sao ba muốn em phải có được bộ óc thực tế sát đất của ba? Tại sao ba muốn em phải sớm đụng chạm với những sự ti tiện của đời sống? Ba khổ thuở bé, nên thấy các con được hưởng một đời sống vật chất và tình cảm tương đối sướng hơn, ba không chịu được!"

Giọng Tô suy nghĩ:

"Em nói cũng có phần nào đúng. Nhưng suy đi nghĩ lại mình cũng khó trách ba được. Nếu lúc bé em hay anh cũng phải khổ như ba?"

Di nóng nảy:

"Em không chịu cái lối suy luận của anh. Anh quá rộng lượng đối với ba. Mình đã khổ sở, thời mình phải cố gắng giúp những người thân yêu khỏi bị khổ như vậy chứ. Không lẽ nếu người khác tát anh một cái, anh sẽ có quyền tát cho người thân của anh một cái hay sao?"

Tô không cãi lại em, Di tiếp:

"Vì vậy hồi nhỏ, và ngay thời kỳ cách đây mấy năm, cứ nghe ba nói mãi, mắng mãi em đâm mất cả tự tin. Em nghĩ có lẽ em là một đứa trẻ bỏ đi và không có một khả năng, đức tính nào hết. Rất nhiều lần em ngồi khóc thầm một mình trong căn phòng xép. Khóc, em cũng dấu mọi người. Em sợ nhỡ ba bắt gặp, em lại phải nghe những lời chế diễu. Em so sánh em với anh, với những đứa trẻ bình thường khác. Càng so sánh, em càng tủi thân và hoang mang. Em tự biết không bao giờ em bạo rạn được bằng anh. Em cũng không ưa thích lối sống hoạt động như anh. Thời giờ của em chỉ dùng để tưởng tượng, mơ mộng hão huyền. Dần dần em đâm ra ít nói, không thích chơi bời với bất cứ ai. Vì em cho rằng, em chỉ là một đứa trẻ bệnh não, gần như tàn tật. Anh xem, chỉ vì ba mà thời thơ ấu của em không còn chút gì là ngây thơ, êm đẹp!"

Di nửa đùa nửa thật:

"Em nói điều này chắc anh không tin. Còn bé, em đã nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử. Không có anh và me, không biết chừng em khó sống được đến nay."

"Di nhiều óc tưởng tượng quá!"

"Giàu óc tưởng tượng đâu phải lỗi tại em!"

"Dĩ nhiên! Nhưng, anh nghĩ không chừng vì quá giàu tưởng tượng, Di đã gán cho dĩ vãng một ý nghĩ đen tối hơi quá sự thực chăng? Hồi nhỏ em ngây thơ, em đâu đã thù ba ghê gớm đến như vậy. Bây giờ, em mới thù ba đấy chứ!"

Di nồng nhiệt:

"Không! Anh đừng nhầm! Em thù ba bất cứ vào thời kỳ nào – Xưa nay em vẫn thù ba."

Tô cười nhẹ, chế giễu:

"Di nói thế, anh cũng biết vậy. Nhưng, tính em ấy mà... Hôm nay thế này mai thế khác. Lúc nào cũng cả quyết, nghe phát ớn. Không hiểu sao anh tin rằng một ngày kia Di sẽ hết thù ba. Di sẽ hướng lòng thù hận của Di vào một nhưng khác, hướng khác, cũng hăng hái chẳng kém."

Di cười khảy:

"Anh lại giở giọng tiên tri gàn rồi?"

Tô, Di cùng im lặng. Ông Hạ tưởng chúng đã trò chuyện xong, nhưng rồi Tô lại lên tiếng:

"Anh cũng đồng ý với Di là ba không dễ dãi với mọi người. Ba ích kỷ độc đoán và nhiều khi rất tầm thường. Nhưng Di phải công nhận một điều: Làm sao thay đổi được ba. Ba cứng rắn như một hòn đá! Anh chắc ba sẽ vẫn như thế mãi, suốt đời ba. Di, me, chính anh, chúng ta một phần nào cũng đã là những 'nạn nhân' của ba."

"Nhưng đó là chuyện 'ngày xưa'. Hiện tại anh và Di đều lớn cả rồi, không lẽ chịu sống dưới ảnh hưởng của ba. Ô! Tại sao chúng mình không nhìn đời khác đi? Tại sao lại oán và thù ba? Làm khổ mình sống trong những tư tưởng đen tối như Di. Phản đối, trả thù mà làm gì? Ba nói gì mặc ba. Nói lắm cũng mỏi mồm. Di cứ làm như ba không có đấy. Di có đời sống riêng của Di. Di còn phải lo cho tương lai nữa chứ?"

Di ngắt lời anh, giọng gay gắt hẳn lên:

"'Làm như ba không có đấy'. Nói đến thì ngon lành nhưng trong thực tế đâu dễ như vậy. Anh khéo lý luận lắm nhưng em không rơi vào tròng đâu."

Tô cất cao giọng một chút, ngạc nhiên:

"Tròng nào? Em nói cái gì đấy anh không hiểu!"

Im lặng.

Tô gặng:

"Di điên đấy à! Di làm như anh dùng lý luận để đánh lừa Di. Đâu có, anh chỉ muốn giúp Di."

Di nói như khóc:

"Không! Bây giờ em mới thấy chính anh cũng không thể giúp được Di... Vì anh không bao giờ có thể là Di, nghĩ được, cảm được, đau khổ giống hệt Di! Anh là anh, Di là Di! Anh không ghét ba 'giống' Di. Anh đâu biết oán hận đã ăn xâu vào tâm hồn em. Dứt đi sao được. Lắm khi em sợ chính nguồn tình cảm mãnh liệt của em. Em không biết rồi đây lòng oán ghét ba của em sẽ đưa em đến đâu... Em muốn bỏ gia đình mà đi. Nhưng thế là hèn nhát là trốn tránh. Em còn cảm thấy ghét ba, em còn nhìn thấy mẹ héo hon, chết dần chết mòn đi. Vì mẹ vì mọi người; em càng thấy rõ 'Em không thể rời bỏ nơi đây được'. Anh hiểu chưa? Em – không – thể!"

Giọng Tô trầm hẳn xuống, khắc khoải và thương xót:

"Kể ra những điều anh nghĩ về Di cũng không sai lầm bao nhiêu. Anh cũng đoán biết có một nguyên nhân nào, rất quan trọng lôi kéo Di, và giữ Di sống tại gia đình. Nhưng anh cũng đã lầm, khi tưởng đó là tình yêu! Anh không ngờ lòng oán hận đã giữ Di. Không phải tình yêu!"

"Làm sao em phân biệt được tình yêu hay oán hận đã giữ em ở lại gia đình? Mà có lẽ cả hai thứ không chừng?"
Nguồn: Cái lÆ°á»›i, truyện dài của Duy Lam, Giao Điểm xuất bản lần thứ nhất. Sách in xong ngày 25-01-1965 tại nhà in riêng của nhà xuất bản. Ngoài những bản thường có in riêng má»™t ấn bản đặc biệt gồm 3 cuốn trên giấy vergé và 30 cuốn trên giấy trắng mịn, dành riêng cho tác giả. Giấy phép số 3035/BBT/BC3/XB Sài Gòn ngày 22-10-1964. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.