trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đạiThể thao
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
16.12.2003
talawas
SEA Games và talawas
 
Gần hai năm trước trong cơn sốt của dư luận về việc biên giới Việt-Trung, có độc giả gửi thư trách rằng giang san đang lâm nguy mà talawas ngồi bàn chuyện ruồi bu. Những ngày vừa qua cả nước đỏ rực mầu cờ và mầu băng "Tôi yêu Việt Nam", cũng có độc giả trách talawas ngủ quên một SEA Games lịch sử. Vâng, chúng tôi không chủ trương khảo sát những thước đất biên giới và bình luận về phút chót huyền thoại của trận bán kết Việt Nam-Malaysia. Mỗi tờ báo, tạp chí, diễn đàn có phạm vi và diện mạo của mình. Chúng tôi coi việc website của Liên đoàn bóng đá Việt Nam không mở thêm mục phê bình văn học là hoàn toàn hợp lí.

Câu hỏi về tính chính đáng của những luận đàm văn nghệ và trí thức thường xuyên được đặt ra, không chỉ riêng trong khung cảnh Việt Nam, lúc này, mà ở mọi nơi và mọi thời điểm. Trong bài viết của N. Xu, tính chính đáng ấy được gắn với giá trị sử dụng, hiệu quả thực tiễn và lợi ích của cộng đồng. Nói cách khác: những thảo luận như đang diễn ra trên talawas có phải là trò chữ nghĩa suông, xa rời hiện thực, rút lại là vớ vẩn và vô nghĩa không. Kèm với băn khoăn đó là nỗi e ngại, rằng tính chất thiếu thiết thực ấy có thể là một căn bệnh Việt Nam và phần nào của phương Đông, khiến chúng ta không vươn tới những thành quả vượt tầm quốc gia để trở thành quốc tế, bất lực trước các vấn đề của hiện thực, và nước ta vì vậy vẫn nghèo và lạc hậu.

Chúng tôi chia sẻ phần nào nỗi băn khoăn ấy. Nguy cơ khoá mình trong tháp ngà của văn nghệ và học thuật lớn hơn sự cảnh giác của chúng ta về nó rất nhiều, nhất là khi buộc phải ở vị thế ngoài lề, khi quyền tự do tiếp cận với hiện thực bị giới hạn, khi không đủ phương tiện tác động vào hiện thực; hoặc ngược lại, khi đã thất vọng, chán ngấy và dửng dưng với hiện thực. Một bộ phận của minh triết cổ và văn hoá phương Đông quả nhiên dễ được dùng làm chiếc then cài bên trong tháp ngà ấy, nhưng nếu muốn thì lịch sử gần đây hơn của cả Đông lẫn Tây đều đủ khả năng cung cấp thêm những chiếc khoá hiện đại bên ngoài.

Mặt khác, chúng tôi cho rằng định giá một sản phẩm tinh thần trên cơ sở tính thiết thực, cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, mang lại lợi ích tức thì của nó là việc không thật sự thoả đáng. Beethoven mà N. Xu lấy làm ví dụ không có một giá trị thực tiễn nào cho xã hội Việt Nam, bản dịch Hồ Xuân Hương của John Balaban không cải thiện xã hội Mỹ, 50.000 công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Dr. Faustus của Thomas Mann không cứu chuộc nhân loại. Trong trường hợp có thể lấy giá trị thực tiễn như một điểm xuất phát thì ít nhất cũng cần ý thức rằng hoàn cảnh và thời hạn sử dụng của những giá trị ấy đóng một vai trò như thế nào. Phần lớn các công trình của Sigmund Freud mà N. Xu cũng nhắc đến quả là có giá trị thực tiễn, còn ở Việt Nam mới cách đây không lâu, giá trị sử dụng duy nhất của học thuyết Freud là để làm một ví dụ đại diện cho những tư tưởng lệch lạc và phản tiến bộ của học thuật phương Tây. Nhưng đáng lưu ý hơn cả là bây giờ, khi Freud bắt đầu được cấp thị thực ngắn hạn vào Việt Nam và 100 năm phân tâm học bắt đầu được giới thức giả Việt Nam coi là đáng lưu ý thì phong trào phản phân tâm học và xét lại phân tâm học ở phương Tây mà đặc biệt là ở Anh và Mỹ đã lên đến cực điểm. Trước đó không lâu, hạn sử dụng của một học thuyết đầy giá trị xã hội và ý nghĩa thực tiễn khác cũng đã chấm dứt: học thuyết Mác-Lê. Con người, chẳng riêng người Việt cũng như chẳng riêng trí thức và nghệ sĩ, luôn là một hỗn hợp của óc thực tế và viển vông, của thái độ xuất thế và xử thế, của tỉnh táo và điên rồ, của tinh thần thực dụng và khả năng mơ mộng. Xác định tỉ lệ mỗi thành phần trong hỗn hợp ấy ở một dân tộc trong những giai đoạn lịch sử khác nhau có thể là một việc thú vị, song coi đó là cơ sở lí giải tình trạng phát triển hiện tại của dân tộc ấy thì lại là một việc có phần ngây thơ và hão huyền. Cũng như vậy, sự nghèo nàn lạc hậu còn tiếp diễn tại Việt Nam là hậu quả của hàng loạt yếu tố phức hợp của lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá, địa lí, dân số, môi trường, và hoàn cảnh quốc tế mà đổi thay quyết định nhất chắc chắn phụ thuộc vào các giải pháp chính trị. Đòi hỏi những sinh hoạt văn nghệ và học thuật tác động trực tiếp và góp phần khắc phục ngay lập tức hiện trạng nghèo nàn lạc hậu này mới chính là một đòi hỏi của ảo tưởng và duy lí. Việt Nam của ngày hôm nay, trong một thế giới đang toàn cầu hoá mà quyền lực không còn được phân chia theo tiêu chí biên giới quốc gia, chẳng còn là một cộng đồng thuần nhất về cơ cấu và lợi ích. Với tất cả lòng tôn trọng sự trăn trở của bất kỳ ai về hiện trạng và tương lai đất nước, chúng tôi cho rằng trong phạm vi của một diễn đàn như talawas, nên đặt sự trăn trở này vào đúng cấp độ và tương quan thích hợp, để tránh trở thành không tưởng hay thậm chí lố bịch.

Cuối cùng, chẳng phải chúng ta sinh ra chỉ để tham dự và giải quyết một vấn nạn nào đó. Những người trèo núi bỏ cả tài sản, cả đời, rất nhiều khi cả mạng sống vào một đỉnh cao, nơi không khí loãng, mọi giác quan vô dụng và các quy luật xã hội đều vô hiệu. Trên đó không có một ý nghĩa nhân văn nào chờ sẵn, không có tiến bộ lịch sử, không có giải pháp cho ngành giáo dục Việt Nam, không có bí quyết cứu châu Phi khỏi Aids, không có giải đáp chính xác về số phiếu đã bầu cho Bush. Không có lợi ích quốc gia hay cộng đồng, dù có người đem cờ tổ quốc mình lên cắm. Không có cả Thượng Đế, như một số người từng chinh phục Mont Everest tiết lộ.

Như thế là câu chuyện đã trở về với SEA Games 22 lịch sử: việc chinh phục những đỉnh cao. Những huy hoàng của Đại hội thể thao Đông Nam Á vừa bế mạc tại Việt Nam sẽ không làm môn thể dục dạy trong các trường phổ thông của chúng ta bớt nhàm chán hơn, nội dung chính của nó vẫn sẽ tiếp tục là tập đội hình và đi đều bước như 50 năm qua. Bóng đá Việt Nam thua bóng đá Thái Lan là đúng thực lực, mọi lợi thế và quyền ưu tiên của chủ nhà trong vòng một tuần lễ không bù nổi bao nhiêu bê bối và tiêu cựu, khiến quả bóng trên sân cỏ nước ta trước SEA Games là quả bóng méo, và sau SEA Games đội tuyển áo đỏ chắc sẽ không qua nổi vòng chọn vào World Cup 2006. Chúng ta đều biết thế. Việt Nam đoạt nhiều giải bắn súng, bắn cung, đấu kiếm, võ và vật không phải để chuẩn bị lực lượng tinh nhuệ cho một cuộc kháng chiến vĩ đại nữa. Các nhà vô địch môn billiards & snooker trong khi thi billards & snooker nghĩ đến billards & snooker chứ không nghĩ đến cộng đồng và sau khi thi billards & snooker cũng không nhất thiết phải nghĩ đến gì khác ngoài billards & snooker. Và chúng ta đều biết, đó là một đại hội thể thao khu vực, gồm 11 nước chưa bao giờ có thành tích thể thao hàng đầu trên thế giới, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô danh trên bản đồ thể thao quốc tế. Nhưng nhiều đứa trẻ sinh đầu tháng 12 năm 2003 tại Việt Nam đã được đặt tên là Thế Anh và Văn Quyến. Chúng tôi biết một em bé mang tên Nguyễn Xi Gêm.

Có lẽ SEA Games 22 và talawas có nhiều điểm chung hơn ta tưởng, tuy việc trao huy chương và chấm tỉ số thua được cho các thành tựu trí óc không dễ dàng như trong thể thao.

© 2003 talawas