trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
29.9.2008
Lý Đợi
Hai điều với hai tập thơ của hai nhà xuất bản
(Ghi chú nhân 2 tập thơ Bướm 6 cánh - Nxb Tân Hình Thức - và 7749 - Nxb Tuỳ Tiện - ra mắt trong năm 2008, một hình thức của tự do xuất bản)
 
1.

Có lẽ điều cần nói đầu tiên, và cũng là quan trọng nhất đối với hai tập thơ này là ở thái độ của những người làm ra nó – Nxb Tân Hình Thức và Nxb Tuỳ Tiện. Nhìn vào tiểu sử ở cuối tập Bướm 6 cánh, tôi thấy gần như các tác giả đã không dùng đến niềm tin vào các Nxb chính quy, vốn phải thông qua xin phép và kiểm duyệt. Gần như ngay những lần đầu làm tác phẩm cho mình, họ đã vượt qua ý thức xin-cho để tiến đến khả năng tự-cho, và để tác phẩm của mình được ra đời một cách tròn vẹn, sòng phẳng.

Tại sao tôi nói thái độ này quan trọng? Bởi ngay trong tiềm thức của đa phần những nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam thì được cấp phép, được xuất bản chính thức từ các cơ quan nhà nước mới là chính quy, còn những tác phẩm tự in - như tự nó vốn vậy - là rất đáng xem thường, thậm chí trong nhận thức của họ là không đáng quan tâm, và vớ vẩn. Chính vì thế, bất chấp việc cắt xén, biên tập và tự kiểm duyệt, phần lớn các tác giả ở ta phải chịu sự luồn cúi để tác phẩm được chui qua các ban bệ biên tập, kiểm duyệt, hoặc quan liêu, hoặc bảo thủ.

Tuy nhiên để có được thái độ thẳng thắn và rõ ràng này không dễ, nhiều khi đây cũng là một nhận thức mang tính và lệ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử. Ngay một nhà thơ mạnh mẽ như Nguyễn Quốc Chánh, trước đây cũng phải loay hoay xin phép cho hai, ba tập đầu tiên, để sau đó mới in Của căn cước ẩn dụ, Ê tao đây bằng vi tính và photocopy. Có một vài tác giả khác cũng cho ra đời tác phẩm của mình bằng photocopy, xuất bản trên mạng… nhưng niềm tin của họ vẫn đặt vào sự chính quy, vẫn nằm ở các Nxb cấp giấy phép chính thống. Dù thực tế đã chứng minh rằng cấp giấy phép chẳng có gì cản trở cả, nếu làm việc sòng phẳng, nhưng vẫn không đủ, và càng không đủ khi đó là những tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân, hay là những thể nghiệm nghệ thuật vượt qua khỏi các khuôn thước kiểm duyệt và biên tập. Cho nên việc các tác giả chủ động xuất bản hai tập thơ Bướm 6 cánh7749, có đứng tên người chịu trách nhiệm xuất bản, là một chứng tỏ về ý thức tự tìm kiếm sự dân chủ cho tác phẩm; chứng tỏ rằng họ đang làm một việc mang tính tiếp nối lịch sử của việc đấu tranh cho tự do xuất bản.

Chính việc xuất bản như thế này sẽ cho phép các tác giả tập trung đầy đủ năng lượng để tạo ra tác phẩm nghệ thuật [hoặc không nghệ thuật cũng được], họ sẽ không còn băn khoăn về đầu ra cho tác phẩm của mình, không (hoặc dần bỏ) thái độ tự kiểm duyệt, khuôn định những ý tưởng và cảm xúc của mình vào những cái rọ định sẵn. Chính điều đó đã cho phép tác giả trung thành nhất với những suy tư, cảm xúc của mình… nó tạo ra những tác phẩm phóng khoáng tự do, hoặc chủ ý gò bó tắc tị, đa phong cách trong ý định sáng tạo của tác giả.

Chính ý thức về việc xuất bản kiểu này cũng đã tạo ra hai tuyển tập đa dạng về phong cách, mạnh mẽ táo bạo - hoặc yếu đuối, tuỳ tiện cũng chả sao - về ý tưởng so với các tác giả và tác phẩm cùng thế hệ đang xuất hiện đều đều trên báo chí, các Nxb chính quy trong nước.


2.



Nếu nhìn vào chính các tác phẩm trong Bướm 6 cánh7749, nói như suy nghĩ thông thường, nếu chịu khó xin phép và chỉnh sửa đôi chữ thì giấy phép cho việc xuất bản chính quy là không có vấn đề. Đây cũng là cách làm phổ biến của các tác giả hiện nay, nếu xin phép không được hoặc in xong bị cấm thì mới đưa lên mạng, mới in photocopy… và bù lu bù loa. Chiến thắng được cám dỗ này quả thật là không dễ, nhưng cũng là một chiến thắng nên làm. Đã đến lúc nhìn người làm ra tác phẩm cũng là người làm ra hàng hoá, các nhà xuất bản muốn bán hàng hoá này đến với người tiêu dùng thì phải chủ động mua từ nhà sản xuất. Việc người sản xuất quỵ luỵ để mua một giấy phép, trả tiền in ấn cho một tác phẩm mà mình phải nhọc công làm ra, trong đa số trường hợp là vô lý. Chính vì vậy, tất cả các công việc biên tập, cấp phép, kiểm duyệt, đóng thuế… theo kiểu chính quy đều nên xem xét nó trong quan hệ được thông qua thoả thuận công minh, hoặc hợp đồng sòng phẳng giữa Nxb và tác giả. Hơn nữa, cũng nên nhìn các thủ tục này ở cấp độ pháp lý và kinh doanh, chứ không nên nhìn như một biện pháp kiểm duyệt tư tưởng, nghệ thuật và chính trị. Nhưng để thay đổi được những điều này ở trong một cơ chế độc quyền thì quả là không dễ, thậm chí là vô vọng. Nên cách mà Tân Hình Thức, Tuỳ Tiện và các Nxb tư nhân khác trước đó đã ứng xử với các tác phẩm của mình là công việc và quá trình rất đáng để suy nghĩ.

Cũng cần nói thêm, khi chọn một thái độ sòng phẳng ngay từ đầu thì thể nào tác phẩm cũng sẽ tìm được bầu khí quyển tự do của nó. Thái độ sẽ chi phối và nhiều khi quyết định đến sức mạnh của nhận thức, rồi sức mạnh của hành động. Ngày càng có nhiều tác giả học được cách thể hiện cảm xúc và quyền tự do sáng tạo một cách triệt để, không còn hoặc vượt qua được khái niệm xin-cho. Để từ đó, vì sự công bình và bao dung hơn cho tác phẩm, tôi nghĩ một thái độ như Nxb Tân Hình Thức, Tuỳ Tiện đã làm là xứng đáng để chúng ta ủng hộ và chia sẻ.

La Hán Phòng 26.9.2008

© 2008 talawas