trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
2.10.2008
Nguyễn Phi Hùng
Nhỏ không học, lớn đi dạy
 
Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý.
(Nhỏ không học lớn làm đại úy [1] )

1. Nhỏ không học

Nói chuyện “nhỏ không học, lớn đi dạy” nghe vô lí, nhưng việc học hành của tôi nó đặc biệt lắm. Học xong lớp 12, tôi rành đốt than hơn hiểu về cơ thể, giỏi làm ruộng hơn hiểu định luật III Newton. Lên rừng đẽo cây về làm cột kèo hay đánh tranh lợp nhà, tôi làm tốt hơn viết một bài văn…

Trước 1975, tôi học nửa chừng lớp 5. Mọi môn học đều được dồn trong bộ sách Tám môn yếu lược. Tôi chỉ nhớ rằng, nếu hồi đó không được học nữa thì bao nhiêu kiến thức đã tiếp thu, đủ “ra đời” làm một công dân tốt cho đất nước vào thời điểm đó và hình như cho cả bây giờ. Tôi biết viết một lá đơn đúng cách, viết một tờ thư bày tỏ được tình cảm. Tôi rành các phép toán cộng trừ nhân chia, nắm bắt được khoa học thường thức phục vụ đời sống. Biết qui tắc xã giao, biết tôn trọng nhân phẩm v.v… Tôi liên tưởng thế này: Trong cái dự án “Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” (PEDC) hiện nay, do Bộ Giáo dục và các tổ chức nước ngoài triển khai, nếu được phép dùng bộ sách Tám môn yếu lược cho người học, chắc chắn hiệu quả và đỡ tốn kém biết bao!

Sau 1975 tôi học lớp 6, gọi là lên cấp 2, rồi đến cấp 3, tôi gần như làm nhiều hơn học. Cắp vở (không có sách, hoặc rất ít sách) đến trường “bữa đực bữa cái”, tức là nghỉ học thường xuyên và chưa khi nào mở vở xem bài cũ ở nhà. Không có thời gian làm việc đó. Cứ đến môn học nào, tranh thủ giờ ra chơi, tôi liếc qua một cái đủ đối phó “kiểm tra miệng”, sau đó quên tuốt ngay.

Bây giờ tôi không nhớ lắm kiến thức các môn học, thầy dạy thế nào, sách viết ra sao, nhưng những chuyện tréo ngoe, thiệt thòi cho học sinh, tôi nhớ như in. Cả bốn năm học cấp 2 (lớp 6, 7, 8, 9), bỗng nhiên riêng lớp 8 được học tiếng Anh, mà lại là tiếng Anh lớp 6. Vậy rõ ràng tiếng Anh được học từ cấp 2, tại sao chúng tôi không được học? Trường cấp 2 tôi học ở đồng bằng, cách thị xã Tuy Hòa, nay là thành phố Tuy Hòa có 3 cây số, đâu phải núi non hiểm trở gì. Lên lớp 9, ông thầy dạy tiếng Anh chuyển đi đâu mất. Lên cấp 3 (lớp 10, 11, 12), đó là quãng năm 1980 – 1982, tôi nhớ một chuyện lạ thế này: cả ba năm cấp 3, môn Sinh vật chỉ học độc quyển Sinh vật lớp 12, học duy nhất phần nguồn gốc loài người. Môn Hóa bỏ luôn phần “hóa vô cơ” vì thiếu thầy dạy. Môn tiếng Anh mất tiêu luôn. Các bạn thấy phần nào là đúng, khi tôi nói “nhỏ không học” cả khách quan lẫn chủ quan rồi.

Xin nói rõ trường cấp 3 tôi đang học không phải nhỏ, chứng tỏ học sinh miền Nam khi ấy đều thiệt thòi như tôi. Số này hiện đang độ tuổi 44, 45. Nếu họ làm nông dân thì không nói làm gì, còn nếu họ làm cán bộ hoặc đi dạy học như tôi thì nguy hiểm quá. Hồi đó nếu báo chí được nói như nay, chắc “inh ỏi cả làng”. Bây giờ ngày nào báo chí cũng ra rả mổ xẻ sách giáo khoa thế này, thế nọ, chứ sách giáo khoa khi tôi học, người viết thậm chí không biết nhấn mạnh kiến thức trọng tâm nữa kia, cứ tuôn ra thuông luông vậy. Thỉnh thoảng thấy đâu đó mấy quyển sách giáo khoa Toán, Lí, Hóa… trước 1975 mà phát thèm, vì họ trình bày hay quá, khoa học quá.

Tôi luôn là học sinh trung bình vì có học bài đâu, để được điểm cao. Học tập trung bình, đạo đức trung bình, cứ riết vậy tôi đâm hèn nhát. Tôi đi học giống như ráng ngồi ké trong lớp, trông mau hết giờ để về. Tôi buồn lắm, quá nhiều lần muốn nghỉ học và cũng nhiều lần suýt bị đuổi học. Vậy mà trời thương thế nào, tôi cũng học xong lớp 12.

Thấy bạn bè làm đơn thi đại học, tôi nao nao trong lòng rồi cũng đệ đơn đi thi. Biết phận mình học dở, tôi thi đại học sư phạm (ĐHSP). Đề thi chung cho tất cả các trường, nhưng điểm tuyển sinh ĐHSP luôn thấp nhất. Tôi lủi thủi đi thi rồi lủi thủi về, lên núi đốt than. Ông chú ruột tôi hỏi: “Mày thi đậu không mày?”. Chú hỏi có vẻ xấc, vì học như con của ổng còn rớt, phải xin vô trung cấp sư phạm, cỡ tôi nhằm nhò gì. Tôi trả lời: “Dạ! chắc đậu chớ, ĐHSP lấy điểm thấp mà”. Ông chú không hỏi thêm nhưng tỏ vẻ không ưa vì cho tôi nói dóc. Tháng sau có giấy báo đậu với điểm số ba môn Toán Lí Hóa cộng lại bằng 16. Tôi có vui nhưng rất thất vọng vì điểm thi quá thấp. Lại lủi thủi lên đường đi học. Sau này tôi nghe bạn học trong lớp tôi rớt đại học ráo, có đứa chưa bao giờ nghe thầy cô than phiền về học vấn, thi ba môn cộng lại được 4 con số không, té ra là Toán 0, Hóa 0, Sinh 0, tổng cộng bằng 0. Với 16 điểm, tôi có thể đậu vào những đại học danh giá như: Đại học Hải sản Nha Trang, Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Buồn cười hơn, điểm thi của tôi như vậy là quá cao trong lớp toán ở ĐHSP năm đó. Mấy đứa con gia đình lí lịch nhóm 1, đậu vào chỉ có 9 điểm; chưa hết, thí sinh thi khối Văn Sử Địa, đậu ĐHSP tệ hại hơn, 7 điểm, trung bình mỗi môn 2,33 điểm. Vậy mà bảo họ ra trường dạy cho giỏi, cho tốt, có phải quá sức họ không? Ở phổ thông tôi chẳng học hành gì, cũng đậu đại học. Đậu với điểm số trung bình nhưng lại quá cao so với nhiều người, lên đại học tôi càng không học.

Mới chân ướt chân ráo vô trường, vào trễ vì trục trặc giấy tờ, nghe anh lớp trưởng tuyên bố: “Ai ở phổ thông đã học Anh văn 7 năm thì đăng kí lớp tiếng Anh, còn lại học tiếng Nga”. Tôi chọn học tiếng Nga. Sau đi ngang lớp Anh, biết họ học “vỡ lòng” lại mấy bài như: Greetings, At home, Countries… tôi cứ tiếc hùi hụi. Thiệt ra biết một ngoại ngữ nào cũng tốt cả, nhưng trong lòng không thích tiếng Nga thì không học được. Tôi học môn Triết học Mác-Lênin, chỉ nhớ: Vật chất quyết định ý thức. Hết. Tôi học môn Lịch sử Đảng chỉ nhớ: Nhờ Đảng ta mà đất nước được thống nhất như ngày hôm nay. Hết. Có quýnh tôi trăm hèo cũng chỉ nhớ bấy nhiêu đó. Thế mà hết bốn năm đại học, nghiễm nhiên tôi có trình độ “sơ cấp chính trị”, trong học bạ của chúng tôi thấy ghi rõ ràng vậy. Còn tiếng Nga thì khai thiệt, sau bốn năm ĐHSP chỉ nhớ mỗi câu nói của Lênin: “Учимся, Учимся и Учимся…” (Học, học nữa, học mãi).

Mấy ông giảng viên khoa Toán, mười ông thì hết chín không làm chủ được giờ dạy. Ông dạy Giải tích, nhiều lần giáo án để trên bàn bị gió lật sang trang, ông ghi ngay cái định lí cách bài đang học cả “cây số”. Ông thầy Đại số tuyến tính, thì ghi sẵn bài dạy vào tập giấy, mỗi lần quên cứ làm bộ cầm tập giấy quạt quạt vô mặt rồi lén nhìn vào đó. Thấy oải làm sao! Chưa thấy một giảng viên nào biết dùng tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Anh viết kèm các thuật ngữ khoa học hoặc từ chuyên môn. Chứng tỏ họ không có khả năng đọc giáo trình gốc mà chỉ nhai lại qua những bản dịch.

Mang tiếng học ĐHSP, tức học ra để đi dạy, nhưng môn Giáo học pháp ít được chú trọng nhất. Môn này được ngầm giao cho một giáo viên dở nhất khoa đảm nhận. Ông này giải toán phổ thông còn không xong, làm sao trình bày phương pháp giảng dạy để học sinh tiếp cận bài toán. Môn Giáo học pháp kết thúc năm thứ ba, tôi chỉ nhớ đúng một câu duy nhất về con đường nhận thức, theo sự luận giải của chủ nghĩa duy vật biện chứng (Dialectical Materialism): “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng rồi mới đến thực tiễn”. Chẳng lẽ một giáo viên bậc trung học phổ thông chỉ cần biết bấy nhiêu đó về cách tiếp cận tri thức thôi sao? Cái gì cũng phải “trực quan sinh động”, coi chừng chết cả vạt!


2. Lớn đi dạy

Tốt nghiệp ĐHSP, tôi xin dạy không được, quái lạ chưa? Tuy nói ĐHSP dễ đậu nhưng cả trường cấp 3, niên khóa tôi hồi đó (có 5 lớp 12) chỉ đúng 3 đứa đậu ĐHSP. Một Toán là tôi, cùng một Lí và một Sử - Chính trị. Vậy nguyên nhân nào thừa giáo viên? Đó là do số giáo viên miền Bắc phủ kín. Hình như tất cả ngành nghề đều có người của các tỉnh phía Bắc, riêng ngành giáo thì đông hơn hết, nhân lực như ứng trực sẵn vậy. Không xin dạy được, tôi đi đào vàng mấy năm, sốt rét gần chết.

Cuối cùng tôi cũng được đi dạy. Nhiệm sở là một trường cấp 2&3 miền núi (từ lớp 6 đến lớp 12). Trường nhỏ, có 20 giáo viên, nhân viên mà có đến hơn 15 người từ vĩ tuyến 17 trở ra. Chỉ mỗi tay hiệu trưởng điều hành hết các công việc, không có hiệu phó. Tôi chịu cực khổ từ nhỏ, ai cũng than thở lương bổng ít ỏi, chứ đối với tôi không thành vấn đề. Tôi còn ba xạo nói: “Nếu tôi làm thủ tướng, việc đầu tiên là tôi cắt bớt lương giáo viên, thầy giáo có đói khổ dạy mới hay!”.

Tôi kể một chuyện thế này: Một chị dẫn đứa con gái đến trường xin học lại. Con bé thấy chuyện học khó quá, đã bỏ học gần hai tuần. Nó đang học lớp 7, tôi đang dạy Toán lớp đó. Được hiệu trưởng đồng ý, chị ta hồ hởi đi ngang qua phòng đợi, gặp mấy giáo viên đang ngồi uống nước, chị tạt vô tâm sự: “Tôi biết nó (con của chị) học dở, chớ mà ráng, chắc ít nhứt nó cũng làm được giáo viên. Kệ nó, mấy thầy thương đừng có la rầy nó”. Nói xong chị cắp nón ra về. Trời ơi, cái bà ăn nói kiểu gì lạ!. Giáo viên già còn bình tĩnh, mấy anh tre trẻ đỏ mặt tía tai. Tôi không bình phẩm gì nhưng thấy trúng quá. Giáo viên cấp 3 (tốt nghiệp ĐHSP) còn có vẻ khó làm, chứ giáo viên cấp 2, cấp 1 (tiểu học), gần như ngành sư phạm lùa hết học sinh tốt nghiệp lớp 9, lớp 12 vào học. Hiện giờ số giáo viên cấp 1, cấp 2 này có bằng đại học (từ xa) cả. Được gọi là giáo viên đúng chuẩn, trên chuẩn mà tiếng Việt xài chưa rành; bằng A bằng B Anh văn tùm lum nhưng thấy người Tây nói chuyện cứ đứng đực, giương mắt ếch ra, rồi cười như người bị tâm thần.

Ngày mới được đi dạy, nói thiệt tôi mừng lắm. Tay hiệu trưởng phân tôi dạy hai lớp 7, tôi vui vẻ nhận công tác. Sau cái vụ bà phụ huynh “trời đánh” phát biểu, tôi mới nghĩ, lẽ ra tôi phải dạy Toán từ lớp 10 trở lên chứ, thế này hóa ra tôi cùng mâm mấy thằng học cao đẳng sư phạm à? Càng nghĩ tôi càng ức, cho dẫu tôi có khiêm tốn nghĩ rằng, nhỏ tôi không học hành bao nhiêu, lớn được đi dạy thế này, quí hóa rồi. Nhưng rõ ràng tôi hơn hẳn mấy anh (chị) chàng giáo viên cấp 2 về chuyên môn cả nút. Nghĩ vậy thôi chứ tôi biết thân biết phận lắm. Tới 3 năm sau, tôi vẫn không được dạy cấp 3. Một lần anh giáo viên đang dạy lớp 12 bị bịnh, tay hiệu trưởng nhờ tôi lên lấp chỗ trống. Còn nhớ hôm đó tôi phải hoàn thành cho hết bài “Khảo sát hàm số”, rơi vô phần hàm số hữu tỉ (rational function). Tôi có khù khờ cỡ nào cũng nhận ra ánh mắt học trò ngỡ ngàng, ngạc nhiên, vỡ lẽ ra: “Sao có ông thầy dạy tốt thế này mà mình không được học nhỉ?”. Lớp 12 đó ra trường, chúng vẫn thường xuyên đến thăm tôi, chúng nói: “Thầy dạy tụi em có hai tiết, nhưng tụi em quí thầy lắm, em chưa thấy thầy cô nào viết chữ đẹp như thầy, nói rõ ràng, dễ hiểu như thầy”. Phụ huynh học sinh cũng biết tiếng, qua hai tiết dạy này. Năm sau tay hiệu trưởng phân công tôi lên dạy toán cấp 3. Chỉ có tôi biết rõ tôi. Tôi làm gì dạy hay đến mức độ đó, chẳng qua ở cái trường miền núi này, giáo viên yếu quá thành ra tôi hay.

Năm tôi đi dạy là năm 1989, đã gần mười lăm năm sau ngày giải phóng miền Nam, nhưng cánh giáo viên miền Bắc vẫn còn mang tâm lí kẻ chiến thắng: Chỉ có họ là hay, là giỏi, là kẻ được quyền áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác…

Từ hồi còn học cho đến lúc đi dạy, mỗi lần nghe giáo viên miền Bắc phát âm từ chuyên môn, hoặc tên riêng là tôi không nín cười được. Ví dụ electron thì họ đọc: ê léc tờ rôn, nhà toán học Pascal thì đọc: Pát sì can. Họ còn hay bốc thơm lẫn nhau. Nói hết ra chuyện họ bốc thơm nhau, thêm dài dòng. Tôi chỉ xin kể một chuyện: Cứ hai năm, Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức thao giảng cấp tỉnh một lần, thường tổ chức tại một trường cấp 3 nào đó dưới thị xã Tuy Hòa. Trường tôi cử đi ba giáo viên, một Văn, một Lí, một Toán, được coi là những giáo viên “giỏi”. Cả trường nháo nhác. Tiết dạy đã được biết trước non tháng, dù chương trình chưa tới, vẫn bắt học sinh học, để thầy cô có chỗ dạy thử từ lớp nọ sang lớp kia. Dạy xong rồi góp ý đủ kiểu. Khi khăn gói lên đường “cờ giăng trống giục”, đồ dùng dạy học phải cho người chở đi trước. Kết quả cả ba đều không đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Hai năm sau lại đến lượt “đi thi giáo viên giỏi cấp tỉnh”. Tay hiệu trưởng ngó tôi: “Lần này môn Toán, anh Hùng đi chứ”. Tôi buồn buồn chẳng nói gì. Khi biết bài dạy, cũng như lần trước, cả trường lại nháo nhác. Riêng tôi kiên quyết không dạy thử, nếu trường đã chọn tôi tham gia hội giảng. Đến ngày mai đi thi, chiều nay lớp 11 tôi đang dạy, phần hình học không gian đến bài “Khoảng cách”, đúng tiết hội giảng cấp tỉnh, tôi rủ các giáo viên trong tổ dự giờ. Chiều đó tay hiệu trưởng mời hai giáo viên cùng đi thi với tôi, ăn bún với ban giám hiệu. Tôi biết anh ta thích thành tích, mới săn đón chúng tôi thôi. Hiệu trưởng ngồi sát bên tôi hỏi: “Cá anh Hùng đạt giáo viên giỏi không hè”. Tôi lấy giấy lau cái miệng dính mỡ của tô bún bò, nói to cho mọi người cùng nghe: “Nói thiệt, như năm kia cả tỉnh 12 giáo viên Toán tham gia, đạt giỏi cả 10, chỉ có hai giáo viên không đạt (trong đó trường tôi có một), chẳng lẽ tôi không nằm trong top ten đó sao!” Nghe tôi nói, hai người cùng đi với tôi, một Văn, một Sử hơi vững tâm, nhưng những người khác trong ban giám hiệu chắc dễ gai tôi lắm.

Sáng hơm đó tôi lủi thủi đón xe đò đi thị xã Tuy Hòa, đường dài 45 cây số. Chiều đúng 1 giờ 30 tôi vào lớp. Tôi chẳng cần phải gặp trước lớp đó để mớm bài, cũng chẳng cần tranh ảnh vẽ trước. Trong bài “Khoảng cách” có sáu cái hình không gian, nói đến đâu tôi vẽ đến đó, vẽ bằng tay thẳng tưng, mặt phẳng ra mặt phẳng, đường thẳng ra đường thẳng. Dạy xong, tập trung tại hội trường góp ý, chấm điểm. Ngoài giáo viên Toán thực dạy, mỗi trường đều cử người đi theo để yểm trợ. Ban giám khảo hỏi: “Anh Hùng tự nhận xét giờ dạy mình trước đi”. Tôi nói năm câu ba sợi rồi kết luận giờ dạy của tôi đạt mục đích yêu cầu, tôi chả cần gì phải khiêm tốn: “Em còn thiếu sót chỗ nọ, chỗ kia…” Kết quả 11 giáo viên Toán tham gia đợt hội giảng đó chỉ một giáo viên không đạt. Thi cái kiểu gì lạ? Tôi mang cái giấy chứng nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh về trường, tay hiệu trưởng “nể” tôi ra mặt. Còn tôi thì buồn thêm một chút nữa.

Sau lần đó hình như cánh giáo viên miền Bắc bớt nổ, bớt bốc thơm cho nhau, kiểu như: “Ông X, ông Y đó hồi cấp ba, đại học, học giỏi lắm”. Thôi thôi, tôi rành cái sự giỏi đó quá rồi.

Mười năm sau, năm 1999 tôi xin về đồng bằng, dạy đúng cái trường ngày xưa tôi học cấp 3. Thời điểm này trường cấp 3 chuyển sang gọi là trường trung học phổ thông (THPT). Vài giáo viên lớn hơn tôi, ngày xưa là thầy tôi, ông nào giỏi, dở tôi cả biết rồi. Giáo viên cùng lứa, tôi càng rõ hơn; giáo viên nhỏ tuổi, tôi rành hơn nữa. Khả năng họ đến đâu, tôi biết. Cũng không đến nỗi ai đó không đủ khả năng dạy theo yêu cầu hiện nay, nhưng để gọi là xứng đáng một giáo viên THPT, bà con ngưỡng mộ, xã hội đặt niềm tin thì không có ai cả, tất nhiên có tôi lẫn chìm trong số đó. Vậy mà họ tụm lại là chê bai học trò bây giờ sao dốt quá. Trời ơi! Sao họ nói được như vậy nhỉ? Xưa họ có giỏi đâu, bây giờ ngổ ngáo thế. Nếu là học sinh giỏi, họ đâu có thèm thi ĐHSP? Như tôi đây ngày xưa, tôi học dở cỡ đó, bây giờ các anh chị có hơn gì tôi đâu? Cứ theo tam đoạn luận (Syllogistic) mà suy, biết ngay các anh chị thế nào! Vài giáo viên, tôi biết tỏng học hành chả ra làm sao, ra trường dạy được vài năm, họ quên tuốt cái đoạn học vấn khi xưa, lên lớp cứ ra rả mắng học trò dốt nọ dốt kia, thiệt không chịu nổi.

Ngược lại với số đông, tôi vẫn thường nói với học trò: “Hồi trước tôi học ở trường này, tôi học dở lắm, may sao giờ tôi được làm thầy”. Học trò cười ầm ầm không tin: “Thầy cứ xạo tụi em không à!” Tôi nghiêm sắc mặt: “Được rồi, không tin phải không, ngày mai tôi lấy học bạ cho xem”. Bỗng cả lớp cười to hơn nữa. Thì ra giáo viên nào cũng khoe mình học giỏi để áp đảo học sinh, và chúng tin đó là thật.

Ngày mới về trường cũ, học trò cứ theo hỏi: “Sao thầy không dạy thêm?” Tôi nói: “Thầy có giỏi giang gì đâu mà dạy thêm, dạy bớt”. Tôi chỉ chúng đến ông nọ ông kia học. Xưa tôi học hành có đàng hoàng, nên nỗi gì đâu mà giờ dạy thêm, tới tháng ngửa tay lấy tiền học trò, tôi mắc cỡ lắm. Tôi có cảm giác dạy thêm giống chuyện làm ăn phi pháp, bất chính vậy. Bởi tôi biết rõ và mọi giáo viên cũng đều biết quá rõ, không cần học thêm học trò vẫn học tốt kia mà!

Tôi năm nay 44 tuổi, dạy học được 19 năm, có lẽ đến cuối đời không ra khỏi Việt Nam để quan sát một trường phổ thông nào đó ở nước ngoài. Nhưng tôi tin chắc không ở đâu có kiểu “thi đua” trong trường học, như Việt Nam hiện nay. Chuyện này nhiều người nói rồi, để sinh động và dễ hiểu, tôi chỉ xin kể: Theo nguồn tin từ học trò, từ các bậc phụ huynh và từ các giáo viên xầm xì, xác định rõ anh giáo viên nọ quá yếu về chuyên môn, đến độ chỉ có thể sắp xếp làm “cán bộ quản lí giáo dục” thì được. Nhưng hãy xem, không có năm nào anh không là “chiến sĩ thi đua” [2] . Rất đơn giản, anh không bao giờ để lộ một vi phạm hành chính nào, một kiểu nô lệ các qui định. Lớp anh dạy, điểm số môn học của học sinh bao giờ cũng cao ngất, như vậy về chuyên môn anh hoàn thành xuất sắc, ai làm gì được anh. Không có cách đánh giá chuyên môn nào khác, và hình như ngành giáo dục cũng không muốn làm sát sao chuyện này, chỉ tổ mệt xác. Ôi, cái vụ “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” còn lâu mới thực thi được. Nghe khôi hài thế nào.

Tôi kể giăng dấm có vẻ dài chưa nhỉ? Xin hẹn dịp khác viết tiếp chuyện học và dạy. Tôi mượn một câu mà hàng trăm, hàng ngàn lần khai lí lịch cá nhân, viết bản kiểm điểm công tác, viết bản thu hoạch chính trị,… phải dùng đến nó cho cuối mỗi văn bản, đó là: “Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thật. Nếu có gì sai trái tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm”.


Tác giả Nguyễn Phi Hùng là giáo viên trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

© 2008 talawas



[1]Một chuyện vui trước 1975: Thầy đang giảng nghĩa câu “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Tức là ngọc chẳng mài chẳng ra chi, người không học trí tri đâu tường. Anh học trò nọ đang lơ mơ ngủ, bị thầy gọi nhắc lại điều vừa giảng. Anh vụt dậy nói: “Dạ thưa thầy đó là nhỏ không học lớn làm đại úy ạ!”
[2]Danh hiệu thi đua cá nhân trong các cơ quan nhà nước hiện nay