trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Người Việt ở Đông Âu
 1   2   3   4   5   6   7   8 
22.10.2003
Phạm Việt Vinh
Người Việt ở Berlin và bức tường hình trụ
 
Người Việt ở Berlin

Ðầu tiên, mục sư Thomas rất lấy làm lạ khi thấy trong các buổi giảng lễ của ông ở Berlin có hai nhóm người châu Á luôn ngồi tách xa nhau. Không chỉ vậy, những lúc nói chuyện tại tiền sảnh nhà thờ, hai nhóm người này lại có ý tránh nhau, nhìn nhau với ánh mắt xa lạ, e dè. Sau này, ông mục sư còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng, tất cả họ đều là người Việt nam- chỉ có điều, một nhóm là người Việt Tây Berlin, còn nhóm kia là người Việt Ðông Berlin.

Thực ra, sự phân biệt này không hoàn toàn chính xác. Theo ước đoán của chính quyền Ðức, số người Việt hiện nay ở Tiểu bang Berlin xấp xỉ trên 40 ngàn , trong đó, số người có đăng ký nhân khẩu chính thức là khoảng 12 ngàn (Tây Berlin khoảng 4 ngàn, Ðông Berlin khoảng 8 ngàn), kể cả gần 3 ngàn người đã nhập quốc tịch Ðức. Như vậy, gần 3/4 số người Việt ở Berlin không có giấy tờ hợp lệ - họ là những người đang xin tỵ nạn (nhưng chưa hoặc không được công nhận tỵ nạn) tại các tiểu bang khác dồn về Berlin để tìm cách làm ăn. Ðối với mọi sắc dân xin tỵ nạn, nhà nước Ðức đều có trách nhiệm lo chỗ ở (tại Berlin nói riêng và các tiểu bang phía Ðông nói chung, là các chung cư trung bình 2-3 người một phòng), với chi phí chỗ ở khoảng 300-500 € mỗi tháng. Nếu tính cả phí tổn bảo hiểm y tế bình quân 200 €/tháng và các dịch vụ xã hội khác (như giảm giá tàu xe, miễn phí tư pháp,...) và tiền ăn mặc 160-200 €/tháng được phát (gọi là trợ cấp tỵ nạn), thì chi phí của chính quyền cho một người xin tỵ nạn là khoảng xấp xỉ 1000 € mỗi tháng. Tuy nhiên, phần đa người xin tỵ nạn Việt nam còn rất trẻ, còn rất nhiều nhu cầu, nên gần 200 € tiền mặt đối với họ là không đủ. Bà Meinbach- nhân viên xã hội một trại tỵ nạn dành cho thanh thiếu niên ngay gần trung tâm Berlin "hết sức ngạc nhiên khi thấy hầu hết các cô cậu tỵ nạn Việt nam đều xài quần áo mác-mỏ đắt tiền và hút thuốc lá sang chứ không dùng thuốc quấn". Lý do đơn giản là hầu hết dân xin tỵ nạn Việt nam đều không trông chờ (có nhiều người còn "khinh") trợ cấp tỵ nạn; và họ đều tìm kế kiếm tiền riêng.

Nơi trú ngụ của dân xin tỵ nạn từ xa đến ở Berlin là nhà người quen hoặc là những căn hộ nhỏ nhờ người quen thuê hộ. Ðiều kiện ăn ở và sinh hoạt trong những "tổ hợp chung chạ" bất hợp pháp này cũng chẳng khá hơn so với ở chung cư tỵ nạn, có những căn hộ đứng tên một người thuê, nhưng tối đến là 9-10 người lăn lóc trên những tấm đệm trải tạm. "Nhưng dù sao, người mình ở với nhau vẫn cứ vui hơn, và cũng tiện cho chuyện làm ăn hơn"- một thanh niên 19 tuổi cho biết như vậy. Hàng xóm người Ðức "không thể tưởng tượng nổi" và không dễ chấp nhận hiện trạng "vui vẻ" này, nên chỉ những hãng nhà chả mấy đàng hoàng mới dám "nhắm mắt" cho thuê những căn hộ trên. Ðiều không may cho con số 3 /4 này là, theo luật tỵ nạn của Ðức, họ chỉ được phép cư ngụ và di chuyển trong phạm vi địa phương (quận, huyện, thành phố) mà họ đã nộp đơn xin tỵ nạn, và trong thời gian chưa hoặc không được chấp nhận tỵ nạn này (tỷ lệ người Việt được công nhận tỵ nạn tại Ðức là 2-3 phần ngàn), việc xin được giấy phép lao động, đặc biệt ở các tiểu bang phía Ðông, là một điều không tưởng. Vì vậy, 3 /4 người Việt ở Berlin phải ở "chui", và ngoài việc ăn trộm hay bán thuốc lá lậu thuế, nếu kiếm được việc làm trong một cơ sở kinh doanh của người Việt nam nào đó, thì cũng là làm "lậu". Ðối với số người này, việc bị cảnh sát bắt giữ và đuổi về vùng quy định là một nguy cơ luôn lơ lửng trên đầu.

Tại Berlin, cũng có khoảng 2000-3000 người Việt nam được đăng ký xin tỵ nạn và tạm dung- phần lớn là thanh thiếu niên hoặc những người khai bớt tuổi thành thanh thiếu niên, và cũng có những người từ nơi xa đến đây không phải để làm ăn phi pháp. Những người này "chui" vào Berlin mấy triệu dân này "để có bạn cho vui" (Nhiều trại tỵ nạn tại các tiểu bang khác phía Ðông được tu sửa từ những trại lính Liên Xô cũ, ở tách hẳn khỏi những khu vực dân cư). Một cô gái trẻ cho biết: "Mấy đứa bọn em suốt ngày nằm xem chương trình TVT 4 hoặc băng phim tập Trung quốc, Việt nam. Thực ra, cũng có đứa thích xem chương trình Ðức, nhưng mù tịt tiếng, nên đành chịu...Còn quay trở về Việt nam ư? Về đó, thần thế không có, chúng em biết làm gì? Mất bao nhiêu tiền mới sang được đến đây, nay về tay không, biết ăn nói với cha mẹ và làng nước ra sao? Thôi thì người ta cho ở ngày nào thì biết ngày đó vậy!". Rồi ở đây, cuộc sống bất ổn đến mức bấp bênh, khép kín đến mức bế tắc này sẽ dẫn những chàng trai, cô gái đó tới đâu? Cảnh sát Ðức cho biết: trong người Việt, nạn nghiện ma túy đã trở nên trầm trọng và đã có vài cô gái Việt phải bán thân.

So với số người này, 1/4 đồng bào còn lại (mà bà con tỵ nạn gọi gộp lại là "kiều", Việt kiều- để chỉ những đồng hương ở phía Tây, hay là "dân có Pass", dân có hộ chiếu - giấy tờ với dấu của Ðức cho phép thường trú, dùng để chỉ dân "cựu lao động hợp tác" phía Ðông ), có những quan tâm hoàn toàn khác. Tại nhà thờ đã kể trên, câu chuyện giữa những người được gọi là "dân Tây Berlin" chủ yếu xoay quanh chuyện xã hội Ðức, chuyện công sở, hội họp, chuyện tổ chức dạ hội Party,... Ðến nước Ðức từ trước 30.4.1975 (phần đa là sinh viên du học) hoặc sau đó (là thuyền nhân), họ đã được chính quyền sở tại ưu ái khá nhiều. Hoàn toàn không phải lo đến chuyện quy chế lưu trú, họ dễ dàng được tham gia các chương trình học tập, đào tạo và nhanh chóng hòa đồng vào xã hội Ðức. Phần đông những người này thạo tiếng Ðức, có công ăn việc làm ổn định, và ở ngay cái đất nước còn khá là "quốc gia chủ nghĩa" này, nhiều người trong họ vẫn có vị trí nhất định trong xã hội, có người là giáo sư viện trưởng y khoa, có người là chuyên viên cao cấp của công ty lớn,...Vậy nên chẳng có gì làm lạ khi nỗi đắn đo của họ khi hè đến là đi nghỉ mát ở Hy lạp hay ở Hoa kỳ, hoặc là cuối tuần này đi khiêu vũ ở đâu. Nếu ai trong họ không may bị thất nghiệp quá lâu, thì việc nhận trợ cấp xã hội đảm bảo cuộc sống cũng rất nhẹ nhàng. Trong con số hơn 4 ngàn người Việt ở Tây Berlin đã có khoảng gần 3 ngàn người là công dân Ðức, và nước Ðức luôn phải có trách nhiệm đối với họ.

Ðồng hương của họ ở phía Ðông thì ít được lưu tâm hơn. Nội dung chủ yếu câu chuyện của họ là tình hình cửa hàng buôn bán, là chuyện về phép thăm nhà, chuyện học hành của con cái. Tuyệt đại đa số có nguồn gốc là những người từ các tỉnh miền Bắc Việt nam sang "lao động hợp tác" tại Cộng hòa Dân chủ Ðức trước đây, họ chỉ được nước Ðức thống nhất chính thức cấp quy chế thường trú từ 1997, phần đa kèm theo điều kiện là không được đòi hỏi trợ cấp xã hội, tức là họ bắt buộc phải tự lo cho đời sống của mình. Với 5-6 năm được phép chính thức hóa "trung tâm cuộc sống" cá nhân trong một môi trường nói chung là mới lạ, kiếm việc làm trong hãng xưởng hay công sở chẳng khác nào "mò kim đáy biển", nên hầu hết người Việt bên Ðông đều phải làm chủ các hãng mini như quán ăn, quán báo, cửa hàng quần áo rẻ tiền, hàng xén, hàng thực phẩm,…cũng là lẽ đương nhiên. Một số ít đi làm hãng thì cũng chỉ được nhận những việc chân tay đơn giản như vệ sinh, phụ bếp,...Số làm khoa học, làm đúng chuyên môn có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Cũng may, nhờ tháo vát, chịu khó, người bên Ðông đã dần dần ổn định cuộc sống, thu nhập kinh tế của họ đã khá cao tuy sức lực bỏ ra quá lớn. Nhiều người trong họ tâm niệm: "Hy sinh đời bố, củng cố đời con", dồn sức cho sự học hành của con cái. Tỷ lệ học sinh Việt nam học giỏi, được vào Ðại học rất cao, âu cũng là một nét đặc biệt của những người di dân gốc Việt từ trước tới nay. Có điều, khi vào được Ðại học, sự vượt trội của người Việt không còn, rất hiếm có sinh viên Việt nam nào học Ðại học một cách xuất sắc. Có người lý giải hiện tượng này bằng thực tế những sinh viên đó nói chung là sinh ra, lớn lên ở Việt nam, và đã sang Ðức vào những năm thân nhân còn chưa ổn định. Vậy là, về mặt học hành và sự nghiệp, người Việt mình lại phải kiên tâm hy vọng vào thế hệ sau - vào những đứa con sinh ra và lớn lên ở Ðức.

Nhưng thực tế, điều này hình như cũng chỉ là một kỳ vọng. Một số thăm dò xã hội cho thấy, với cách nuôi dậy con em còn ít nhiều nặng tính Khổng giáo, với khả năng tiếng Ðức khá yếu, với sự thiếu hụt về kiến thức và ý thức xã hội nói chung, người Việt dường như đang chỉ có khả năng đóng góp cho cộng đồng một giới trẻ chăm chỉ nhưng ít sáng tạo và hầu như chưa có đầu óc phê phán - một trong những động lực của xã hội phương Tây. Chị T., một người Việt rất hăng say hoạt động xã hội và chính trị tại Berlin, khi tìm kiếm thiếu niên người Việt cho Kinderparlament (Nghị viện Trẻ em-một hình thức của chính quyền, tụ hợp những thiếu niên có quan tâm và có năng khiếu về chính trị, xã hội để luyện tập việc trình bày và đề xuất phương án giải quyết các vấn đề địa phương và quốc gia), đã rất buồn bã và thất vọng: "Theo tiêu chuẩn của Berlin, thì chỉ thiếu niên từ 12 đến 16 tuổi mới được tham gia Nghị viện trẻ em. Từ 16 tuổi trở lên, thanh niên đã phải có ý thức và hoạt động chính trị rõ ràng. Nhưng, thanh thiếu niên Việt nam thì cho đến 18 tuổi, vẫn hết sức thơ ngây trong chính trị và xã hội. Có một số thanh niên Việt nam bắt đầu quan tâm đến các vấn đề trên, thì họ đã ở lứa tuổi 19-20, tức là không đủ tiêu chuẩn vào Nghị viện Trẻ em". Nghĩa là, về tầm vóc xã hội, người Việt mình ít nhất cũng "trẻ em" hơn người Ðức từ 3 đến 4 tuổi.

Nhìn kỹ, thực trạng "tụt hậu" trên đây không phải chỉ có ở phía Ðông, mà cũng là một điều phổ cập cả ở phía Tây. Mặc dù cuộc sống coi như ổn định đã lâu, nhưng sự học hỏi của giới trẻ Việt nam ở Tây Berlin nói riêng và Tây Ðức nói chung không hề hơn giới trẻ phía Ðông và họ cũng không vượt trội cả về ý thức xã hội. Ðó là một sự giống nhau, một sự "thống nhất" của người Việt Ðông- Tây; và đáng buồn là ở chỗ "chưa thể bằng người". Dù sao, một điều dễ nhận thấy là thanh niên Việt nam phía Tây đã hội nhập sâu hơn vào cuộc sống nước Ðức - họ tự tin hơn, hồn nhiên hơn. Trong khi nhiều sinh viên Việt nam bên Tây đã theo học, đã tốt nghiệp những ngành "bay bổng" như vũ trụ hàng không, nghệ thuật biểu diễn,...thì sinh viên bên Ðông chủ yếu vẫn theo các ngành "truyền thống", "ăn chắc mặc bền" như tin học, kinh tế, kinh doanh,... Ở đây, tác động của những ông bố, bà mẹ phía Ðông "đã một thời khốn khó" đóng một vai trò không nhỏ.


Nhà văn hoá Việt Nam tại Đông Berlin
Ảnh của Trung tâm văn hoá Việt Nam


Hình như, để bù lại sự cực nhọc và thiệt thòi, bà con bên Ðông có một chốn đi về khá thuận tiện và rẻ tiền là Ðất Việt - nơi quê nhà cũ. Từ vài năm gần đây, khi chính sách đối với "kiều bào" của chính quyền trong nước thay đổi, người bên Ðông (tuyệt đại đa số vẫn dùng hộ chiếu Việt nam) có thể qua lại Việt nam bất cứ lúc nào mà không cần phải xin thị thực tại Tòa Ðại sứ. Hầu hết số bà con này còn cha mẹ, anh chị em trong nước nên sự đi lại thuận lợi này càng thiết chặt hơn mối quan hệ của họ đối với Việt nam. Nhiều người trở thành chỗ dựa kinh tế quan trọng cho thân nhân trong nước, có người mang tiền về mua nhà cửa, khách sạn cho thuê, ngoài thu nhập tại Ðức còn có lợi tức hàng ngàn đô la mỗi tháng trong nước; người ít tiền hơn thì chí ít cũng còn một góc nhà, một miếng đất cha mẹ, ông bà chờ đợi. Rõ ràng, sự gắn bó này, ngoài mặt tình cảm còn có một mặt không kém phần sắc đậm là vật chất. Theo một thống kê không chính thức, gần 80% người Việt tại Ðông Berlin nói riêng và tại Ðông Ðức nói chung có một số vốn nào đó còn "cắm" ở Việt nam.

Cùng với "truyền thống lá rụng về cội", cái vốn rất vật chất này cũng là một trong những nguyên nhân sự hòa nhập rất yếu của người Việt bên Ðông vào xã hội Ðức. Cô Jane Chang- một nhà xã hội học người Hoa kỳ gốc Trung quốc, sau khi tìm hiểu người Việt tại Ðông Ðức đã than vãn: "Quả thật là tôi rất khó chịu khi thấy người Việt các anh ở đây luôn mong muốn bình đẳng và đòi hỏi mọi quyền lợi như người Ðức trong khi các anh chưa bao giờ coi đất này là quê hương của mình, các anh nguyền rủa nó và chưa bao giờ tự hỏi rằng mình có nghĩa vụ gì với nó hay không?" Khi ở Việt nam có lũ lụt, trong vòng vài ngày, một hội đoàn Việt nam ở Ðông Berlin quyên góp ngay được vài ngàn Euro gửi về trong nước. Lúc cơn lũ thế kỷ tràn qua nước Ðức, khi quân đội Ðức cùng hàng chục ngàn người tình nguyện dầm mình dưới nước đắp đê và chạy lụt cho cả những kho hàng và cửa hiệu Việt nam thì cũng hội đoàn này, sau vài tuần suy tính đã phải khá chật vật mới quyên được một số tiền khiêm tốn, còn trong dòng người tình nguyện tham gia chống lũ, hình như chẳng thấy đâu một gương mặt Việt nam. Tuy đã có hàng trăm người nộp đơn xin nhập quốc tịch Ðức sau khi Luật nhập tịch được nới lỏng cách đây gần bốn năm, nhưng trong tiềm thức, đa số người Việt bên Ðông vẫn coi nước Ðức là một chốn "ăn đậu, ở nhờ", hoặc là một "khu chợ" buôn bán nhất thời. Tình trạng làm việc hết sức, nhưng ăn ở lại tạm bợ, để "áo gấm về Việt nam" tiêu tiền như rác ("ở Tây thì sống như Ta, về Ta thì sống như Tây"!) vẫn còn khá phổ biến. Hệ thống bảo hiểm - một trong những cột trụ của xã hội Ðức, vẫn là một điều đáng ghét đối với bà con Việt nam luôn sợ thiệt. Do tâm thức "đóng vào thì phải lấy được ra" (và có lãi thì càng tốt), đã có người về nước ăn chơi 30 ngày vụ hè, khi sang Ðức khai bị tai nạn giao thông phải nằm viện 28 ngày, kèm theo "giấy chứng nhận" dởm của bác sỹ Việt nam nhằm mục đích đòi tiền bảo hiểm. Có người muốn cho con trai nhập tịch Ðức để "mọi chuyện được thuận lợi như người Ðức", nhưng phải vắt óc tìm cách "tránh cho cháu phải đi lính nghĩa vụ". Nhìn chung, người Việt bên Ðông Ðức vẫn coi đây là "cõi tạm", là một quãng chặng làm ăn, trong đó người ta trông mong và phấn đấu cho mọi lợi ích có thể có, người ta gạt đẩy mọi trách nhiệm và hầu như không có sự gắn bó tình cảm. Sự này, đối với Việt nam, chẳng biết có nên vui?

Khác với phía Ðông, mối gắn bó với trong nước của người Việt ở Tây Berlin hầu như không liên quan đến vật chất, mà chỉ mang tính tinh thần, mang cái bóng dáng của một hoài niệm cố hương. Anh A., ngày xưa vượt biển sang đây, học phổ thông, học nghề ở Ðức, nay là một thợ điện lành nghề cho một công ty thành phố; anh vẫn giữ quốc tịch Việt nam, có vợ Việt nam, nhưng mẹ anh đang ở Ðức, mấy anh em thì người ở Ðức, người ở Hoa kỳ. 3-4 năm một lần anh cũng "đi phép thăm Việt nam". Quê anh ở Sài gòn, nhưng ở đó hầu như "chẳng còn ai thân thích" nên gia đình anh thường về Hà nội. Sau mỗi lần, anh lại cho bạn bè ở Ðức xem những cuốn Video anh "du lịch" Việt nam- gần giống như những cuốn băng anh thu từ chuyến đi Las Vegas, Majorca hay Cyprus. Cũng có những người còn họ hàng trong nước, nhưng không còn hộ chiếu Việt nam, "xin thị thực về thăm quê cũng phải mất vài tuần để Sứ quán họ xét, nên cũng ngại". Một số người vì lý do chính trị, "nếu có xin thị thực cũng không được cấp", nên chẳng biết đến bao giờ mới được thấy lại quê hương. Con cháu những người này, mặc cho cha mẹ ông bà cố gắng đến đâu, cũng vẫn coi Việt nam là một vùng xa lạ. Nói chung, lòng yêu quê hương của người Việt phía Tây mang nặng tình thâm đối với một cái đã qua, kèm theo một vài tia hy vọng. Liệu rằng sẽ có lúc, hiện tại và tương lai sẽ đón họ về Việt nam với những nhiệt tình thủa cũ?
Có vẻ như, niềm hy vọng vẫn còn khá lớn, nên mặc dù vì những lý do khác nhau, nhưng chính ở Tây Berlin mới là nơi hay diễn ra những buổi gặp gỡ xoay quanh những vấn đề của Việt nam, chứ không phải bên Ðông - trừ những buổi họp của Tòa Ðại sứ được "đóng đô" cũng ở phía Ðông.


Đêm văn nghệ Nhân Văn Giai Phẩm,
03.5.2003 tại Hội quán Nhà Việt Nam, Tây Berlin
Ảnh của trang Thông tin Berlin


Có điều, thời gian bao giờ cũng là vô địch. Với người Việt tại Tây Berlin, thời gian không ngừng xói mòn sự gắn bó và hy vọng đối với quê hương. Anh S., một chuyên viên tạo mẫu xe hơi, tâm sự: "Do tham gia một hội đoàn hải ngọai nên đã rất lâu tôi không được về nhà, nhớ lắm! Giờ đã 55 tuổi rồi, nếu có điều kiện thì còn có thể đóng góp cho đất nước 5-7 năm nữa. Sau thời gian này, nếu có được phép, thì cũng chỉ về Việt nam để tĩnh già, hay để thăm thú "cưỡi ngựa xe hoa" thôi. Nỗi "chia lìa" chầm chậm này, ở bên Ðông cũng diễn ra, nhưng với bên Tây, nó đau đớn hơn, vì ít nhiều là một sự bắt buộc khách quan.


Bức tường hình trụ

Trên toàn nước Ðức, tất cả những khác biệt đặc thù trên đây chỉ là bề nổi, chỉ là hiện tượng. Ðiều đáng nói hơn là những dị biệt ngầm sâu, dị biệt tư duy. Bê tông cốt thép của bức tường ngăn cách Ðông-Tây Berlin vỡ vụn từ 13 năm hầu như vẫn để lại nguyên vẹn sự cách chia trong suy nghĩ, trong tư tưởng giữa người Việt Ðông-Tây; và, buồn hơn cả thân phận người Ðức, dân Việt mình còn bị níu kéo thêm bởi sự phân tuyến tinh thần được "di tản" từ Việt nam qua.

Vào những ngày bức tường Berlin mới sụp, nhiều bà con bên Tây hân hoan, tận tình chào đón những người đồng hương "mới thoát cũi, sổ lồng". Thế rồi, tiếp theo vài tháng mặn nồng tình nghĩa đồng bào, là một cảm nhận thất vọng bẽ bàng. Anh B., một kỹ sư tin học ở Tây Berlin từ 1972, đã đứng liền hàng tuần lễ bên những chỗ tường đổ tìm gặp và mời về nhà mình những người bà con từ bên Ðông, để sau khi tay bắt mặt mừng mới nhận thấy rằng "họ không thể nói chuyện được với nhau, nhất là những vấn đề về đất nước. Hình như, đầu óc những người bên Ðông còn đặc sệt ý thức hệ cộng sản". Anh C., cựu đội trưởng một đội "hợp tác lao động", không nhận vé máy bay về Việt nam cùng 3000 DM tiền nước Ðức bồi thường do hủy bỏ hợp đồng, kiên quyết ở lại Berlin, sau thời gian choáng ngợp với sự huy hoàng của Tây Berlin, lại quay về ngụ tại bên Ðông với một niềm tâm sự: "Dân bên đó -tức người Việt nam ở Tây Berlin, chẳng hiểu biết gì về chúng tôi. Chuyện chính trị của họ sặc mùi phản động". Những định kiến về nhau như vậy, cho đến nay, hầu như vẫn không hề phai nhạt. Vậy cho nên mỗi khi đến Tết Nguyên đán, Rằm Trung thu,...bà con hai bên đều phải tổ chức riêng. Ai đó "dũng cảm" đi thăm dò "phía bên kia", thường phải trải qua những kinh nghiệm không dễ chịu, để "một lần đi rồi không bao giờ quay trở lại". Thực ra, vài năm sau khi nước Ðức thống nhất, đã bắt đầu có sự "giao thoa" nhân khẩu: một số người bên Ðông thuê nhà ở bên Tây, và ngược lại; nhưng để vui vẻ, hòa đồng với bạn bè, họ bao giờ cũng tìm về chốn cũ.

Phần đa xuất thân từ miền Bắc, mang gốc gác "xã hội chủ nghĩa", người bên Ðông cảm thấy ngỡ ngàng, khó chịu khi phải đứng chào cờ vàng ba sọc của chế độ Việt nam Cộng hòa thuở trước để rồi sau đó được nghe những câu "quốc hận", "nhà tù quỷ đỏ" trong nhiều buổi hội họp bên Tây. Phần lớn ra đi từ miền Nam, nhiều người bên Tây đã phải chịu cưỡng bách, tù đầy, đã mất đi cả một cơ nghiệp, tương lai, cả một cuộc đời nhiều người hy vọng, và đã không ít người mất cả vợ con trên đường vượt biển. Họ sẽ có cảm giác bị làm nhục khi phải vỗ tay rào rạt lúc ai đó tặng hoa cảm ơn ông Ðại sứ Hà nội đã đến dự một lễ hội bên Ðông. Tại đó, họ sẽ phải âm thầm choáng váng khi được nghe hát vang "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Sẽ chẳng có gì là phóng đại khi thấy rằng: Người Việt tại đây chưa được chữa lành vết thương chia cắt Ðông-Tây, và cũng chẳng có ai giúp họ lấp rãnh đào ngăn cách Bắc- Nam ngày trước. Vĩ tuyến 17 đã được người mình mang ra nước ngoài và vẫn lù lù một cách vô hình tại đất Berlin.

Anh C., xưa kia là Ðại úy "Quân đội nhân dân Việt nam", nay cả vợ chồng con cái đang cặm cụi trong một "Quán Tầu" nhỏ tại Ðông Berlin, sau khi bị cô con gái kéo sang dự một buổi dạ hội sinh viên tại Tây Berlin, về nhà tức tối: "Ðù mẹ (một câu chửi anh học được trong những ngày "chiến đấu" tại miền Nam), dạ hội gì mà chúng nó treo cờ ngụy. Ngồi cạnh tôi là một thằng trước kia là sỹ quan cộng hòa, bị cải tạo 2 năm rồi di tản sang đây. Tôi bảo nó: Sao chúng mày ngoan cố thế? Mày có biết ngồi cạnh mày là một kẻ chiến thắng không...?". Còn đối với câu hỏi: "Sao chiến thắng mà ông phải kéo cả nhà sang đây?" thì anh Ðại úy lặng im, chẳng muốn nói gì. Khi được hỏi ý kiến về dự định tổ chức một buổi hội thảo về sự ngăn cách Ðông-Tây của người Việt, anh M.- kỹ sư, lãnh đạo một hiệp hội của người Việt ở Tây Berlin, trả lời dứt khoát: "Phía chúng tôi chẳng có một sự ngăn cách nào cả. Phá bỏ định kiến hoàn toàn là chuyện của bà con phía Ðông!", và anh vẫn tiếp tục "rất ngại sang phía Ðông", vẫn hăm hở hy sinh cả thời gian và tiền của tổ chức mít tinh vào ngày 30 tháng Tư "quốc hận", còn dân "Cộng mình" [1] phía Ðông vẫn hồn nhiên tổ chức "Ðêm thơ nghiệp dư nhân ngày Thương binh, Liệt sỹ", vẫn kính cẩn mời "Sứ quán nhà mình" đến nói lời ca ngợi "công ơn Ðảng ta và Bác Hồ vĩ đại".

Một người bên Ðông, tham gia vào một tổ chức đòi "Dân chủ cho Việt nam", khi hỏi lý do không được Sứ quán Việt nam cấp thị thực về thăm nhà, nhận được trả lời: "Vì cậu đã đứng hẳn vào chiến tuyến bên kia..." Ðất Việt hết đạn bom đã được 28 năm, bức tường Berlin đã không còn từ 13 năm, mà chiến tuyến vẫn còn trong đầu quá nhiều người Việt tại Berlin. Bên này "chiến tuyến" có những cửa hàng sách báo tràn ngập An ninh thế giới hay Văn nghệ Quân đội, bên kia "chiến tuyến" có những buổi hội thảo "Dân chủ, Nhân quyền" và những tạp chí chính trị phát không hai, ba tháng một lần. Nhìn kỹ, sự phân chia "chiến tuyến" còn phức tạp hơn nhiều: Ở bên này, có không ít người bị chính quyền trong nước liệt vào hàng "phản bội", mang "âm mưu chống phá thành quả cách mạng"; ở bên kia, có nhiều người bị nguyền rủa "ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản". Xem ra, chiếc bánh chưng Việt nam vẫn được coi là nhân nghĩa ngày xưa, nay không phải chỉ bị xẻ dọc làm đôi, mà là bị phân chia nhàu nát bằng vô số những bức tường vô hình nhưng có đầy uy lực.


Sinh viên Việt Nam tại Đức:
giữa họ dường như không có tường ngăn
Ảnh của Hội sinh viên Avys


Lỗ Tấn - văn hào Trung Hoa, từng nói: "Ngày xưa làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi". Nay xin nhại lời ông: "Nước Việt ta làm gì có tường. Người ta xây mãi thì thành tường thôi". Ở nước Ðức, có câu chuyện cười: Một người say rượu bí tỷ, mắt nhắm mắt mở loạng quạng trên đường phố tìm đường về nhà. Ðang lúc mò mẫm, người này đụng phải một cột trụ bê tông tròn và lớn được dùng để dán quảng cáo. Mắt nhắm tịt, tay lần theo mặt bê tông mà anh ta tưởng là mặt một bức tường. Lần hàng chục vòng quanh cột, thấy "bức tường" vô tận, anh ta gào lên hoảng lọan: "Trời ơi! Cứu tôi với! Họ giam kín tôi rồi". Men rượu say sẽ loãng dần để anh ta mở mắt nhận ra "bức tường" hình trụ. Còn cái cơn "say chính mình", liệu đến lúc nào tan?

Berlin 10.2003

© 2003 talawas


(Phạm Việt Vinh sinh năm 1954, hiện sống tại Berlin.)




[1]Trước đây, người Ðông Ðức thường gọi người Việt nam là "Vietcong" (Việt cộng- do ảnh hưởng của các thông tin phương Tây thời chiến tranh). Dần dần, người Việt tại phía Ðông thuận miệng tự gọi nhau là "Cộng", "Dân Cộng mình" một cách hồn nhiên và cũng chẳng cần biết chữ "Cộng" kia xuất thân từ "Cộng sản".