trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
4.10.2008
Võ Tấn Phong
Chủ nghĩa Marx?
 
1.

Mới đây đọc bài viết Chính trị và niềm tin [1] của Phan Huy Đường, tôi rất ngạc nhiên: tác giả có vẻ cười cợt sự cả tin của dân Mỹ về một hệ thống chính trị đã được thử thách qua 200 năm, còn bản thân thì vẫn hằng tin vào những lời của Marx ra đời trễ hơn, mới khoảng 150 năm, mà đã bị chứng minh là sai lầm trên toàn thế giới. Ai cả tin hơn ai?

Theo dõi những cuộc tranh luận về chủ nghĩa Marx trên mạng, chủ yếu là talawas, tôi nhận thấy một điều là các nhà Marxist cuối cùng của Việt Nam cố tình hoặc vô tình lờ đi một điểm then chốt, là chủ nghĩa của Marx có mang tính khoa học hay không. Dù có những bài về tính giả khoa học của chủ nghĩa Marx [2] , các nhà Marxist vẫn không thấu hiểu tầm quan trọng của nó. Bài viết của tôi sẽ xoáy quanh vấn đề này, và lý do tại sao đó là điểm then chốt nhất sẽ trở nên hiển nhiên qua bài viết này.


2.

Trước tiên hãy tìm xem “có tính khoa học” nghĩa là thế nào? Muốn thế thì hãy tìm hiểu, làm thế nào người ta đi đến các lý thuyết có tính khoa học.

Phương pháp khoa học, theo nhiều sách báo hoặc tài liệu trên mạng [3] , có những đặc điểm chung như sau:
  • Quan sát các hiện tượng, nêu ra định nghĩa, đo lường,
  • Đưa ra giả thuyết từ các quan sát trên,
  • Dùng giả thuyết và các suy luận để nêu ra các dự báo,
  • Thí nghiệm để kiểm chứng các quan sát, giả thuyết, và các dự báo.
Hãy lấy một vài ví dụ rất phổ thông về các lý thuyết có khoa học để minh chứng. Ví dụ như thuyết tương đối hẹp (hay đặc biệt – Special Theory of Relativity) của Einstein. Sau khi những thí nghiệm chứng minh vận tốc ánh sáng không thay đổi trong mọi hệ tọa độ (nói dễ hiểu là dù ánh sáng từ vật đứng yên hay vật di chuyển thì vẫn phát ra với cùng vận tốc), thì hệ thống vật lý cổ điển bị khủng hoảng – bước thứ nhất: quan sát. Einstein đặt câu hỏi, suy luận, và nêu ra giả thuyết vận tốc ánh sáng là bất biến trong mọi hệ tọa độ – bước thứ hai: nêu ra giả thuyết. Từ giả thuyết này ông tính toán và suy ra những kết luận ngược với trực giác thông thường: thời gian và kích thước thay đổi theo vận tốc, và công thức nổi tiếng giữa khối lượng vật chất và năng lượng: E = mc2 – bước thứ ba: nêu dự báo. Các nhà vật lý thực nghiệm đã mất nhiều năm sau mới kiểm chứng được thuyết tương đối và các dự đoán của nó, ví dụ các phản ứng hạt nhân đã chứng minh được công thức E = mc2 – bước thứ tư: thí nghiệm kiểm chứng.

Một ví dụ khác là lý thuyết về nhà nước dân chủ pháp quyền được áp dụng ở các nước phương Tây. Sau hàng ngàn năm, những người sáng suốt nhất của nhân loại đã nhận thấy sự nguy hiểm của các nhà độc tài với toàn bộ quyền hành trong tay – quan sát nhận xét. Và họ rút ra kết luận một nhà nước tốt phải có tam quyền phân lập (ba ngành độc lập của nhà nước: hành pháp, lập pháp, và tư pháp), và nhà nước phải do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước dân chúng – nêu giả thuyết. Từ đó họ lập ra nền tảng cho các nhà nước tự do trong tương lai – dự báo. Và các nhà nước dân chủ pháp quyền manh nha từ Anh sang Mỹ và được củng cố và lớn mạnh thêm ở các nước châu Âu, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan,… là những minh chứng hùng hồn nhất về tính khoa học của lý thuyết về nhà nước dân chủ pháp quyền.

Bây giờ hãy xem xét “chủ nghĩa Marx”. Sau khi quan sát xã hội tư bản, Marx rút ra những kết luận như: giai cấp vô sản là giai cấp tiến bộ nhất, và nhân loại cần chính quyền độc tài vào tay giai cấp vô sản (mà các nhà Marxist Việt Nam dịch một cách rất khôn khéo là “chuyên chính vô sản”). Marx có biết vô số bằng chứng lịch sử về những kẻ vừa thoát ách nô lệ hôm qua thì hôm nay lại trở nên bạo ngược? Có gì bảo đảm người công nhân bị bóc lột thậm tệ khi có quyền hành sẽ không thành bạo chúa? Đi ngược lại với sự tiến bộ của nhân loại nhằm hạn chế sự độc tài của nhà nước, Marx đòi chính quyền tập trung vào tay giai cấp công nhân. Marx lại “sáng tạo” ra lịch sử của “chế độ cộng sản nguyên thủy” [4] để hoàn thiện “lý thuyết” của mình. Và khi các cuộc cách mạng thất bại, Marx lại biện hộ một chiều, quy thất bại đó là do các nhà cách mạng quá nhân đạo [5] . Không trách các nhà cộng sản tương lai đã học được bài học phải tàn bạo đến cùng. Như thế, ngay trong bước đầu tiên Marx đã phạm những sai lầm nghiêm trọng về tính khoa học của giả thuyết của mình. Và những gì tất yếu phải xảy ra: những tiên đoán của Marx về tương lai hoàn toàn sai lầm. Chủ nghĩa tư bản không bị ai đào mồ chôn, mà ngày càng lớn mạnh. Những nhà nước cộng sản không có gì tiến bộ, mà chỉ vào tay những kẻ tàn bạo và vô lại. Nhân dân lao động bị bóc lột tàn nhẫn nhất dưới ách thống trị của các nhà nước toàn trị kiểu Marx, những nhà nước chuyên chính vô sản.

Như thế, “chủ nghĩa Marx” không có tính khoa học. Tệ hơn, nó không xứng đáng là một giả thuyết có tính khoa học. Và không nên gọi oan nó là một chủ nghĩa hay lý thuyết, mà hãy gọi đúng tên gọi của nó: ngụy thuyết Marx.


3.

Nhưng ngay cả khi các lý thuyết đã có tính khoa học, thì cách thực hành hay áp dụng các lý thuyết đó phải như thế nào? Một ví dụ rất gần gũi và đơn giản nhất là cái máy tính cá nhân. Phần cứng được chế tạo từ các dây chuyền công nghệ, phần mềm được các kỹ sư lập trình theo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhưng dù toàn bộ cái computer là một sự kết hợp các thành phần theo các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nhằm cố gắng loại bỏ sai sót, nhất là sai sót gây ra do những cảm xúc vốn bất thường của con người, thì một công ty máy tính vẫn có những đội kỹ sư chuyên sửa các lỗi kỹ thuật và giúp người tiêu dùng giải quyết những trục trặc của máy tính. Như vậy trong sự thực hành một lý thuyết, dù có khoa học đến mấy, vẫn có thể có sai lầm và phải chừa chỗ để sửa chữa những sai lầm đó. Hãy tưởng tượng một tay Mái-cồ Đeo-lờ nào đó lập một công ty chế máy tính Đeo-lờ Anh-cố-pò-ráy-tít, mà mỗi khi khách hàng gọi điện ca cẩm, thì lại quát tháo: máy tính của chúng tôi theo các quy trình khoa học lắm rồi, nếu có gì sai thì chắc chắn chỉ là lỗi của quý vị đấy. Cái công ty này có đáng sập tiệm ngay lập tức không?

Nhưng đó lại chính là cách thực hành ngụy thuyết Marx trong cả trăm năm qua. Trong khi các nước Tây Âu nhìn thấy sự bất cập của ngụy thuyết Marx, và không nghĩ đến việc đi theo “chủ nghĩa Marx”, thì ở các xứ lạc hậu hơn mà quyền con người chẳng đáng một xu, những nhà cộng sản như Lenin, Mao, và đồng bọn của họ lại muốn thiết lập những nền độc tài trong tay hoặc công nhân hoặc nông dân. Ngay khi vừa giành được chính quyền, các lãnh tụ cộng sản đã đặt một phần lớn nhân dân ở thế phản cách mạng, hoặc phải cải tạo hoặc phải tiêu diệt, và coi chính quyền mình là tiến bộ nhất, còn các kiểu chính quyền không cộng sản khác là phản động và, dĩ nhiên, cũng đáng bị tiêu diệt. Kết quả là họ ở thế leo lưng cọp, chỉ dùng khủng bố làm phương tiện chính để giành và giữ chính quyền. Và mặc cho những sai lầm khủng khiếp, họ vẫn cứ kiên quyết lý luận rằng chủ nghĩa Marx là đúng đắn và sẽ dẫn đến thiên đường xã hội chủ nghĩa. Các lãnh tụ cộng sản tin tưởng rằng một khối nhân loại dù phức tạp thế nào, khi ráp lại bằng “chủ nghĩa cộng sản” cũng sẽ trở thành một bộ máy trơn tru tiến bộ nhất, và bộ máy đó không thể sai lầm. Khi có ai đó phê bình cái nhà nước toàn trị cộng sản, dù ở khía cạnh nào thì cũng bị đánh hội đồng bằng những “lý luận” kiểu như:

“Trương Tửu đã áp dụng thủ đoạn đó trong lúc y đem hiện tượng ‘văn học chống chế độ hiện tạI’ là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ trong xã hội cũ, ứng dụng vào trong chế độ mới, mà chính quyền Nhà nước đã về tay nhân dân, mà sự chống đối đó trở thành một hành động phản cách mạng [6] .


4.

Có lẽ bao nhiêu đó cũng đủ để quăng ngụy thuyết Marx vào sọt rác. Nhưng chắc chắn các nhà Marxist Việt Nam sẽ tiếp tục tranh luận. Điều mỉa mai là những người ủng hộ một ngụy thuyết chủ trương độc tài toàn trị, lại được quyền phát biểu mạnh mẽ nhất ở những xã hội bị họ cho là thối tha nhất và cần phải xóa bỏ hay cải tạo. Tuy vậy tôi không phản đối những cuộc tranh luận này, mà tin rằng càng tranh luận thì những sai lầm và ngu xuẩn của ngụy thuyết Marx sẽ càng bị bóc trần. Nhưng để cho cuộc tranh luận không bị lạc đề và trở thành vô bổ, tôi xin nêu ra đây một số ngụy biện mà các nhà Marxist đã phạm trong các cuộc tranh luận vừa qua.

Trước hết có lẽ phải nhắc đến những bài tranh luận của Lữ Phương. Để trả lời cho bản dịch Chủ nghĩa cộng sản [7] của Phạm Minh Ngọc trên talawas, Lữ Phương đã ngay lập tức trả lời bằng hai bài viết [8] mà phần lớn nói về bản thân Richard Pipes. Thứ nhất, đây là một lối ngụy biện công kích cá nhân (ad hominem), một kiểu đấu tố. Thay vì trả lời những lý lẽ của Richard Pipes, Lữ Phương công kích những tư tưởng và hành động chống cộng của ông này, với ý rằng vì tác giả là người chống cộng điên cuồng, nên bài viết không có giá trị. Thứ hai, những lý lẽ khác Lữ Phương đưa ra không đáng thuyết phục. Thử xét coi, Liên Xô ngay khi ra đời đã tàn sát đối lập; thiết lập một chế độ độc tài tàn bạo vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại; lại sa sả tuyên truyền coi các nước tư bản khác là phản động và đáng xóa bỏ; và khi dân chúng các nước Đông Âu gắng nổi dậy lật đổ ách thống trị của Liên Xô, thì bị đàn áp thô bạo. Thế thì có nước tư bản nào ngu dốt đến nỗi không chịu “điên cuồng” chống lại Liên Xô để bảo vệ nền tự do dân chủ của mình? Như thế chống cộng điên cuồng có gì là xấu? Lữ Phương lại cho rằng nước Mỹ hiếu chiến. Hiếu chiến? Mỹ chỉ chống lại nhà nước cộng sản toàn trị Liên Xô. Còn khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã cùng các nước phương Tây cố gắng giúp đỡ để các nước cộng hòa Liên Xô cũ (và cả các nước Đông Âu) vực dậy nền kinh tế tan hoang và xây dựng các nhà nước dân chủ. Ngày nay trừ Nga, hầu hết các nước cộng sản vệ tinh của Liên Xô cũ đều là các nước dân chủ tự do và đều mang ơn Mỹ. Nếu Liên Xô chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh thì chắc chắn một phần lớn dân các nước tư bản chỉ có nước vượt biên sang thế giới bên kia, số còn lại sẽ âm thầm làm nô lệ. Ai hiếu chiến hơn ai? Thứ ba, chỉ có những người thích thú khâm phục “chủ nghĩa Marx” như Lữ Phương thì mới tìm được những lý lẽ xuất sắc nhất để bảo vệ nó, cũng như những người chống cộng điên cuồng nhất mới tìm thấy những ngu ngốc của ngụy thuyết Marx. Như vậy không có lý do gì để công kích hoặc đặt vấn đề về thái độ chống cộng, trí thông minh, hay đời tư của những Richard Pipes, Phạm Minh Ngọc hay ai đó không ưa chủ nghĩa Marx. Và thử hỏi ngược lại, nếu dùng kiểu lý luận này, nhắm vào bản thân Marx, người phải sống bằng tiền trợ cấp từ người bạn Engels, ắt phải căm ghét chủ nghĩa tư bản không biết trọng dụng tài năng của mình, thì sự chống đối chủ nghĩa tư bản ấy có giá trị gì không?

Một luận điểm khác mà các nhà Marxist Việt Nam (và có lẽ trên thế giới) hay sử dụng là “chủ nghĩa Mác khởi thủy lại là một chủ nghĩa nhân đạo, nó chính là quy trình cách mạng nhằm xóa bỏ sự thống trị, bóc lột để mang lại công bằng và hạnh phúc cho toàn thể loài người” (Đông La) [9] nên đáng được nhân loại noi theo. Rõ là ngụy biện. Có bao nhiêu nhà chính trị chỉ toàn lên giọng yêu nước thương nòi, thế giới đại đồng, lý này thuyết nọ, cao cả ghê gớm, mà toàn là giết chóc, khủng bố nhân dân mình không thương tiếc. Như vậy thước đo một lý thuyết không phải là bằng lời hay ý đẹp mục đích cao cả, mà phải bằng tính khoa học và kết quả của sự thực hành lý thuyết đó.

Nhà Marxist khác là Đoàn Tiểu Long viết, “Phải thế nào thì Marx mới hấp dẫn được hàng trăm triệu con người trên khắp thế giới từ cả trăm năm qua[10] . Lại ngụy biện! Lại lạc đề! Thuyết của Marx hấp dẫn một người hay triệu người cả trăm năm qua thì cũng không liên quan đến cuộc tranh luận ở đây. “Chủ nghĩa Quốc xã” (Fascism), cũng từng hấp dẫn cả hàng chục triệu con người và vẫn còn có kẻ hâm hấp đi theo, có đáng bị quẳng sọt rác không? Các nhà bảo vệ Marx, như Nguyễn Hoài Vân, cũng hay trích dẫn người này người nọ trong xã hội tư bản vẫn còn sùng bái Marx [11] . Những dẫn chứng kiểu đó không chứng minh gì cả. Trong xã hội tự do, ai cũng có quyền phát biểu ý mình. Điều căn bản là chẳng còn mấy ai học Marx và sử dụng “lý thuyết” của Marx vào kinh tế hay xã hội cả.

Cũng Đoàn Tiểu Long trong bài trên, “Muốn phê phán Marx thì phải đọc Marx” với ý phải đọc kỹ Marx. Tôi tin chắc Marx cũng không đọc kỹ hết các tác phẩm về nhà nước pháp quyền và về chủ nghĩa tư bản, cũng như tất cả khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật của thế giới trong thời ông ta sống. Điều đó không ngăn Marx phê phán đủ thứ, từ xã hội sang khoa học, triết học, văn học, nghệ thuật. Nếu Marx sai lầm ở những phần cơ bản, thì có cần phải đọc tất cả các tác phẩm của Marx không?

Trần Thiện Huy trong Sự thảm hại của bộ môn phản biện Marx [12] lại viết “Trong suốt cuộc đời của ông, cũng như trong suốt lịch sử chủ nghĩa Marx, người ta không hề được nghe thấy câu nào đả phá Machiavelli, Locke, hay Montesquieu, những người mà nền dân chủ tư sản coi là bậc khai phá. Thái độ đó đã không nhận được sự đáp trả xứng đáng từ phía bên kia”. Thứ nhất, lạc đề. Marx có đả phá hay không đả phá, thì người thời nay vẫn có quyền đả phá Marx (mà thực ra Marx từng đả phá chủ nghĩa tư bản bằng những lời cay độc trong các tác phẩm của mình [13] ). Thứ hai, Machiavelli chưa bao giờ được coi là người khai phá nền dân chủ tư sản – sai lầm nhỏ này cũng cho thấy nhà Marxist Việt Nam này cũng không am hiểu về chủ nghĩa tư bản lắm nhưng cho mình có quyền phê phán chủ nghĩa tư bản, trong khi thích dạy dỗ người khác phải hiểu rõ Marx mới được phê bình Marx. Thứ ba, đây hoặc là dối trá, hoặc là Trần Thiện Huy không đọc hết Marx. Khi Marx viết tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, thì cả Chúa, Phật, Trời bị đi tong. Khi Marx đả phá nào là giới tư sản lẫn tiểu tư sản và cả nền tự do luật pháp tư bản đương thời, thì tất cả các học giả khác có sá gì? Đọc các tác phẩm của Marx, có ai mà không thấy sự ngạo mạn của Marx tự cho chủ nghĩa cộng sản của mình là đúng đắn nhất thiên hạ? Hãy đọc Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản thì đủ biết “Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”. (Một chú thích nhỏ ở đây, không liên quan đến cuộc tranh luận, là những người cộng sản chỉ kêu gọi đối xử nhau lịch sự khi đang ở thế yếu hoặc đuối lý, còn khi họ mạnh, thì “bọn phản động Phan Khôi, Trương Tửu, bọn Mỹ-Diệm, những tên tay sai bán nước, bọn phản động đội lốt thầy tu” là những lời lẽ họ rất ưa dùng để chỉ những ai đối lập.)

Vậy đấy, những người bênh vực Marx hay dạy dỗ người tranh luận là phải đọc hết Marx rồi hãy tranh luận với họ. Nhưng họ lại phạm những lỗi lầm sơ đẳng trong khi tranh luận. Có nên nhắn bảo các nhà Marxist Việt Nam này, rằng hãy học các phép tranh luận trước khi nhảy ra bênh vực Marx hay không?


5.

Tóm lại, ngụy thuyết Marx không khoa học, và đáng ra không nên được áp dụng để thống trị một cách tàn bạo một phần lớn nhân loại như 100 năm qua. Nhưng lịch sử không thể đổi được, thì nhân loại phải biết sự ngu xuẩn và tàn bạo của cả “lý thuyết” lẫn “thực hành” của ngụy thuyết Marx, để ngăn ngừa kiểu nhà nước toàn trị ngóc đầu dậy, và từng bước “diễn tiến hòa bình” những nhà nước toàn trị còn lại. Một câu chuyện cười (ra nước mắt) có lẽ đủ để kết luận về “chủ nghĩa Marx” ở đây.

Hỏi: Chủ nghĩa Marx có tính khoa học không?
Đáp: Dĩ nhiên là không! Nếu có thì nó đã được đem thí nghiệm lên súc vật trước.

29.9.2008

© 2008 talawas



[1]Phan Huy Đường, Chính trị và niềm tin, Diễn Đàn
http://www.diendan.org/giot-muc-giot-doi/chinh-tri-va-niem-tin/
[2]Lấy ví dụ
Ernest van den Haag – La Thành dịch, Tính giả-khoa-học của chủ nghĩa Marx, talawas, 5.10.2007
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11112&rb=0301
[3]Ví dụ trang wikipedia:
http://en.wikipedia.org/wiki/Scientific_method
[4]Nguyên Trường, Phê Phán Marx không khó như ông Đoàn Tiểu Long đã dạy, 18.9.1007, talawas
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=10974&rb=0503
[5]Karl Marx, letter to Ludwig Kugelmann, April 12, 1871
If they [the Communards] are defeated only their "good nature" will be to blame.
http://www.marxists.org/
[6]Hồng Chương, Phải tước vũ khí tư tưởng của tên phản động ấy, talawas, 16.12.2004
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=3443&rb=08
[7]Richard Pipes – Phạm Minh Ngọc dịch, Chủ nghĩa cộng sản, talawas, 10.9.2007
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=10911&rb=08
[8]Lữ Phương, Về cuốn Chủ nghĩa cộng sản của Richard Pipes, Diễn Đàn, 23/09/2007
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/ve-cuon-sach-cua-r-pipes
Lữ Phương, Với tôi, R. Pipes viết về Marx vẫn rất bậy bạ!, talawas, 2.10.2007
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11085&rb=0301
[9]Đông La, Các Mác – Một tình yêu bao la, talawas, 24.1.2006
http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6323&rb=0306
[10]Đoàn Tiểu Long, Muốn phê phán Marx thì phải đọc Marx, talawas, 11.6.2007
http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10150&rb=0503
[11]Nguyễn Hoài Vân, Những ngộ nhận về học thuyết Marx, Giao điểm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_I06/306_daihoiX-nhv.htm
[12]Trần Thiện Huy, Sự thảm hại của bộ môn phản biện Marx, talawas, 9.10.2007
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11146&rb=0301
[13]Tài liệu trên mạng:
http://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/index.htm