trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
10.10.2008
Trương Nhân Tuấn
Tìm hiểu về Ải Nam Quan qua một vài tài liệu
 1   2 
 
4.3. Tài liệu 3: Ðại Thanh nhứt thống chí

Theo Ðại Thanh nhứt thống chí quyển 365, tờ 17, ghi chú về châu Bằng Tường, trong mục các ải và các cửa biên giới thuộc châu này thì Trấn Nam Quan ở về phía Tây Nam châu Bằng Tường (Ping-siang tcheou), cách 45 lý. Người ta còn gọi nó là Ðại Nam Quan. Ðây là cửa chính của biên giới. Bên phải và bên trái cửa cổng là núi đá cao xuyên qua mây. Ở giữa các núi này người ta dựng lên cổng Nam Quan. Hai bên cổng là một bức tường xây chạy dọc lên núi, dài 1190 bộ (khoảng 377 mét). Cách cửa 30 lý về phía nam là trạm Pha Lũy Dịch. Tại trạm này người An Nam chuẩn bị đồ đạc triều cống để đưa sang Tàu.




Cũng theo Ðại Thanh nhứt thống chí, khoảng cách biên giới An Nam với các châu thuộc phủ Thái Bình được ghi nhận như sau:

Sse tcheou (Tử Châu): Biên giới An Nam cách 180 lý theo hướng Tây Nam và 100 lý theo hướng Ðông Nam. (quyển 365, tờ 4)

Sse-ling tcheou (Tử Lăng Châu): Biên giới An Nam cách 35 lý theo hướng Tây Nam và 50 lý theo hướng Ðông Nam. (idem)

Chang-Che Tcheou (Sơn Thạch Châu): Từ châu Sơn Thạch đến biên giới châu Vân Uyên là 30 lý về hướng Tây hay 25 lý theo hướng Tây Bắc. (tờ thứ 5)

Ning-ming tcheou (Ninh Minh Châu): cách biên giới An Nam về phía Nam là 70 lý. Cách châu Vân Uyên, theo hướng Tây Nam, 150 lý. (tờ thứ 2)

Ping-siang tcheou (Bằng Tường Châu): Từ châu Bằng Tường đến biên giới An Nam về hướng Tây là 20 lý, về hướng Nam là 30 lý. Từ đây cách châu Vân-Uyên 12 lý theo hướng Ðông Nam, cách 8 lý theo hướng Tây Nam. (tờ thứ 6)

Long tcheou hay Hia-long-sse (Long Châu hay Hạ Long Tử). Biên giới An Nam cách 80 lý về hướng Tây hay 100 lý theo hướng Tây Bắc. (tờ 6)

Chang hia Tong tcheou (Sơn Hạ Ðông Châu): Biên giới An-Nam cách 22 lý về hướng Tây và 30 lý về hướng Tây Bắc. (tờ 6)

Ngan ping tcheou (An Bình Châu): Biên giới An Nam cách 60 lý về Tây. (tờ 2)




Ghi nhận

Ðiểm đáng chú ý đoạn này là:
  • Hai bên cổng Nam Quan là núi đá, đỉnh cao xuyên qua mây.

  • Cửa ải cách châu Bằng Tường bên Tàu 45 lý (18 Km) và cách Pha Lũy Dịch của An Nam là 30 lý (12 Km).

  • Cửa Ải Nam Quan là cửa chính của biên giới. Có quân canh. Trong khoảng những năm 1884 cho tới 1895, quân số tại đây đóng trên 5 ngàn người.

  • Bản đồ 1 trích từ Đại Thanh nhứt thống chí, bản đồ 2 từ Đại Thanh hội điển đồ. Trong hai bản đồ trên ta thấy Tchen nan Kouan (Trấn Nam Quan) đều ở trên đất Tàu.

4.4. Tài-liệu 4

De Hanoi à la Frontière du Quang-si (Từ Hà Nội đến Quảng Tây) của M. Aumoitte, năm 1881. Tác giả tạm dịch như sau:

Ðồng Ðăng cách cửa ải 2 cây số rưỡi. Nơi này bề ngoài cũng giống như Kỳ Lừa. Dân chúng phần lớn Tàu lai với thổ dân và sinh trưởng tại đây. Có nhiều tiệm bán lẻ (chạp-phô); chỉ có 12 cửa hiệu buôn theo lối trao đổi (bông, dầu hồi, thuốc phiện, thuốc bắc)...

Từ Ðồng Ðăng đến biên giới con đường chỉ còn là một con đường mòn nhỏ, đá lởm chởm, chạy quanh những ngọn đồi hầu như là trọc và không có người ở. Ði khỏi Ðồng Ðăng được 10 phút là không còn một bóng người. Con đường mòn này mỗi lúc một hẹp và dẫn tới trước một cửa cổng có hai cánh bằng gỗ. Cửa được gắn với một bức tường làm bằng gạch nung, xây dài lên tới đỉnh đồi, có độ cao chừng 50 mét. Hình thức của cổng và hai bức tường xây lên núi tạo thành như một cái phễu (nguyên tác viết là cuống họng, gorge). Ðó là biên giới. Trên đỉnh đồi, bức tường chấm dứt và người ta có thể đi qua Quảng Tây không có trở ngại. Trên hai cánh của gỗ có vẽ rồng, phụng mầu sắc rực rỡ.



Ghi nhận
  • Cửa ải cách Ðồng Ðăng 2 cây số rưỡi.

  • Ðường lên cửa ải là đường mòn, mỗi ngày một hẹp, chung quanh không có người ở.

  • Cửa ải làm bằng gỗ, có hai cánh, có vẽ rồng màu sắc rực rỡ. Hai bức tường làm bằng gạch nung xây (mur crénelé en briques) chạy dài lên đồi cao. Theo tác giả Aumoitte thì bức tường là đường biên giới.

Ông Aumoitte có nhờ người vẽ lại một bức hoạ cổng Nam Quan (đính kèm)


4.5. Tài liệu 5

Biên bản phân định biên giới số 4 ký kết ngày 7 tháng 4 năm 1886 giữa hai phái đoàn Pháp-Thanh, phân định từ Nam Quan đến Bình Nhi, tác giả tạm dịch như sau:

“Ủy ban Phân giới Pháp – Trung nhìn nhận, nhằm ngày Bẩy tháng Tư năm một ngàn tám trăm tám mươi sáu, từ một điểm được xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Ðồng Ðăng (ghi chú của tác giả: sau này [1894] mang số 18), đường biên giới theo hướng Tây đi lên đến đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn binh được đánh dấu là điểm A trên sơ đồ kèm theo đây, sau đó đường biên giới đi từ điểm này theo đường nối đỉnh cao của dảy núi đá nhìn xuống con đường Ðồng Ðăng cho đến điểm B đánh dấu trên sơ đồ (ghi chú của tác giả: sau này là cột số 17).


4.6. Tài liệu 6

Theo Dr. Néis, một ủy viên thuộc Ủy ban Phân giới Pháp – Trung (1886-1887), kể lại qua Sur les frontière du Tonkin (Trên vùng biên giới Bắc Việt) đăng trong Le Tour du Monde (1887)

Theo Dr Néis, “La Porte De Chine”, “Cổng Tàu”, được dựng trong một khe núi cạn. Các ngọn đồi có dốc đứng, chiều cao nhiều lắm 50 hoặc 60 mét, bọc quanh. Từ khi hòa bình thì cổng được xây lại bằng đá đẻo (pièrre de taille) và cổng này được nối bằng một bức tường xây với các trại quân sự đóng chốt bao vòng các ngọn đồi. Cũng trong tài liệu này, biên giới được thỏa thuận là con suối nhỏ ở dưới đồi, cách cổng khoảng 150 mét. Đây là điều ghi nhận sai. Theo biên bản (mà Dr Néis có chứng kiến) ghi lại phần 4.6 thì đường biên giới cách cổng chỉ có 100m.

Đường lên cửa ải, trích từ Sur les frontière du Tonkin (Trên vùng biên giới Bắc Việt) – đăng trong Le Tour du Monde (1887) của Dr Néis, lúc phái đoàn phân định Pháp đi lên của ải để họp buổi họp đầu tiên.


4.7. Tài liệu 7

“Rapport Général sur la Campagne 1890-1891 de la Commission d’Abornement des Frontière Sino-Annamites” - Bản tường trình tổng quát về công tác 1890-1891 của Ủy ban Phân giới Trung - Việt (Chủ tịch là ông Frandin) và bản đồ “Itinéraire de Bình Nhi à Long Châu par le Sông Kì Cùng et de Long Châu à Nam Quan par la route Mandarine” (Lộ trình Bình Nhi đến Long Châu theo sông Kì Cùng và lộ trình Long Châu đến Nam Quan theo đường quan lộ) của Ðại uý Chapès, Trưởng phòng Ðịa hình, năm 1894. Hình đính kèm. Tác giả tạm dịch và tóm lước như sau:



Công tác của Ủy ban Phân giới 1890-1891 nhằm vẽ họa đồ trên thực địa (đồ tuyến) và cắm mốc biên giới vùng Quảng Tây.
  • Ðường từ cửa ải đến Long Châu có nhiều chốt điểm quân sự được xây dựng. Những công sự này nghiêng về phòng thủ.

  • “La route Mandarine”, con đường mà sứ thần nước ta đem đồ triều cống sang Tàu chỉ là một con đường mòn rất khó đi và có rất ít người qua lại.

  • Trên bản đồ vùng Nam Quan, vừa rời khỏi Ðồng Ðăng, phía tay trái là núi đá cao vúi (màu nâu đậm trên bản đồ). Và như ta biết, núi đá vùng này, từ Thất Khê, Ðồng Ðăng cho tới qua khỏi Ải Nam Quan đều là đá vôi, đỉnh nhọn lởm chởm, tương tự như các đảo vùng Hạ Long.

4.8. Tài liệu 8

Theo kết quả hai thời kỳ phân giới 1890-1892 và 1893-1894. Kết quả cuối cùng thực hiện trong chiến dịch 1893-1894 do ông Gallieni làm chủ tịch, công nhận công trình phân giới của ông Frandin 1890-1892 ; cột mốc phân giới Việt - Trung tại vùng Nam Quan có tên Trấn Nam Quan Ngoại 鎭南關外, mang số 18, được cắm trên đường từ cửa ải về Ðồng Ðăng, cách cổng 100 thước. Điều này cho thấy tại nơi này việc cắm mốc tôn trọng các biên bản phân định.


5. Kết luận

Từ các dữ kiện trên ta có thể kết luận rằng:
  • Có thể Ải Nam Quan có thêm một tên Việt, ngoài tên Ải Bắc. Theo ông Tsai-tin-lang thì tên đó là Yo-Ai hay Io-Tsong-Ai. Tài liệu này không chua thêm tiếng Hán nên không tra được chính xác là tên gì. Có thể Yo Ai là cách đọc tiếng Tàu của Ải Rô, là nơi cắm cột mốc số 23, ở về hướng Bắc Ðông Bắc của Ải Nam Quan, cách đây 5 cột mốc (cột mốc Nam Quan mang số 18). Nếu vậy thì ông Tsai có thể đã sai lầm trong cái tên Yo Ai. Nhưng Io Tsong Ai thì sao? Io cũng phát âm tương tự như Yo. Tsong có thể đọc là “Tống”. Quí vị sử gia nghĩ gì?

  • Ải Nam Quan khó có thể mang tên là Ải Pha Lũy. Theo Ðại Thanh nhứt thống chí thì Pha Lũy Dịch cách Ải Nam Quan là 30 lý, tức 12 Km (1 lý = 400 m). Theo lộ trình trên bản đồ đã thiết lập do nhà Nguyên, nhuận sắc năm 1579, thì từ Nam Quan trước khi đến Pha Lũy Dịch thì phải qua châu Văn Uyên (Ðồng Ðăng). So sánh khoảng cách tương đối Pha Lũy và Kỳ Lừa theo các tài liệu trên, rất có thể Pha Lũy là tên cũ của Kỳ Lừa. Trong một số bài viết gởi lên Net đầu năm 2002 và trong một bài viết góp ý cùng GS Trần Huy Bích, tức nhà biên khảo Từ Mai, về các vấn đề biên giới và bài này có đăng trên các báo vào tháng 8 năm 2002, người viết đã đưa ra một giả thuyết về cái tên của Ải Nam Quan. Sau khi tham khảo quyển Việt sử toàn thư (Từ thượng cổ đến hiện đại) của tác giả Phạm Văn Sơn (Nxb Dainamco, P.O. 4279 Glendale, CA 91201 – USA), người viết đã cho rằng Ải Nam Quan có thể mang tên là Ải Pha Lũy. Có nhiều yếu tố cho thấy việc này sai. Ðọc lại tài liệu của Tsai-tin-lang ta thấy rằng, đoạn đường khó khăn nhất là đoạn đường trước khi đến Lạng Sơn, sau đó là đoạn Quỉ Môn Quan, cuối cùng là đoạn Ải Nam Quan. Có thể Ải Pha Lũy mà sử gia Phạm Văn Sơn đề cập là ở chung quanh, gần vùng Lạng Sơn và không phải là Ải Nam Quan.

  • Theo bản đồ lộ trình Nam Quan – Bằng Tường – Long Châu và các tài liệu trên đây, ta có thể ước lượng được độ dài của Ải Nam Quan. Vừa ra khỏi Ðồng Ðăng, con đường dẫn về Nam Quan phía bên trái là núi đá vôi cao ngất, phía bên phải là đồi chập chùng. Ðương nhiên, nếu quan niệm về “ải” của tác giả ở cuối phần 1 là đúng, thì Ải Nam Quan bắt đầu vừa khi ra khỏi Ðồng Ðăng. Ải chấm dứt, cũng theo bản đồ này, là nơi chấm dứt núi đá vôi phía trái. Ðó là Bố Sa (không phải cửa ải Bố Sa), gần Quang Thiên Ải. Tức là chiều dài của ải ước lượng là từ 5 đến 6 cây số (từ Ðồng Ðăng lên cửa Nam Quan là 2,5 Km). Cổng Nam Quan như thế được xây ở giữa ải.

  • Ta thấy cách mô tả cổng Nam Quan trong Ðại Thanh nhứt thống chí phù hợp với hình vẽ cổng Nam Quan của ông Aumoitte: Hai bên cổng là núi đá cao ngất. Trên bản đồ 1894, ta thấy nơi xây cổng Nam Quan bên trái có núi đá (màu nâu đậm) nhưng bên phải thì không. Hình vẽ của ông Aumoitte vào năm 1881 cũng như sự mô tả của Ðại Thanh nhứt thống chí về cổng Nam Quan là lúc cổng này chưa bị tướng Négrier giật sập (năm 1884). Ta có thể cho rằng ÐTNTC viết sai, hoặc ông Aumoitte vẽ sai, nhưng không thể hai tài liệu một lúc cùng sai. Cổng hiện có trên các bản đồ hiện nay chỉ có thể được xây lại vào các năm 1884,1885,1886. Các bức hình hay các carte postale có hình cổng Nam Quan còn giữ được đều cho thấy phía tay phải của cổng là đồi đất mà không phải là núi đá. Tai sao? Câu trả lời sẽ là một nghi vấn, đúng ra, là một giả thuyết: có thể khi xây cổng lại, cổng mới không còn ở vị trí cũ. Ta khó có thể dựa vào khoảng cách đưa ra để khẳng định về một vị trí tuyệt đối của cổng Nam Quan. Vì cách đo không chính xác. Nhưng nội dung của sử liệu ÐTNTC và bức hình vẽ cổng Nam Quan cho phép ta có một nghi vấn hay đặt ra một giả thuyết. Vấn đề là nếu vậy thì cổng cũ ở chỗ nào? Câu trả lời ở trên thực địa và trong văn khố Quảng Tây (hay Bắc Kinh). Có nghĩa là ta đi dò tìm trên đoạn đường từ châu Bằng Tường đến Nam Quan, đoạn nào hai bên đường là núi đá, có dầu vết bức tường xây kéo dài lên núi, nơi đó có khả năng là vị trí cổng Nam Quan cũ. Tuy vậy, ta cũng có thể dò trên các bản đồ vùng Nam Quan để tìm thấy nơi nào hai bên đường đều là núi đá, tức được vẽ bằng màu nâu đậm. Trên bản đồ đính kèm, nơi mà hai bên đường có núi đá là kề cận Bố Sa, là nơi vửa vào ải. Giả thuyết này hợp lý hơn, nếu Ải Nam Quan có chiều dài như trên là 5 hoặc 6 Km, thì “cửa ải” phải là nơi bắt đầu vào ải. Vì thế, rất có thể cổng này đã bị Tàu dời về phía Nam khi bị giật sập. Vì nhu cầu phòng phủ mà họ phải dời cổng này đi. Khoảng cách cổng Nam Quan hiện nay và Đồng Đăng không có số chính xác. Không biết khoảng cách này hiện nay là bao nhiêu? Ta có thể xác nhận hay phủ nhận giả thuyết này qua các tài liệu hiện tồn trữ trong các văn khố Trung Quốc. Vấn đề là ai có thể làm việc này trong tình trạng hiện nay?

  • Đường biên giới theo Công ước Pháp - Thanh tại xác định cách cổng Nam Quan 100m về hướng nam.

  • Nếu quan niệm địa lý về “ải” của tác giả ghi ở phần 1 là đúng, Việt Nam được một phần ải, chiều dài từ Đồng Đăng đến đường biên giới. Thời Pháp thì dài khoảng 2,5km. Nếu “ải” không có ý nghĩa địa lý mà chỉ có ý nghĩa là nơi trấn thủ hiểm yếu, thì rất tiếc, ải ấy thuộc Tàu. Ta sẽ không tìm ra một tài liệu nào nói ngược lại.

Tài liệu tham khảo

Histoire des relations de la Chine avec l’Annam-Vietnam du XVI e au XIX e Siècle – Après des Documents Chinois (Lịch sử quan hệ Trung - Việt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ thứ XIX – Viết theo tài liệu Trung Quốc). Tác giả G. Devéria, Paris Ernest Leroux 1880.

La frontière Sino-Annamite (Biên giới Trung Việt). Tác giả Devéria, Paris Ernest Leroux, 1886

Le Tour du Monde 1887

Tài liệu CAOM về phân giới Việt - Trung 1886-1897

© 2008 talawas