trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
13.10.2008
Hoàng Hạc
Khủng hoảng tài chính thế giới: Ngày thứ Sáu đen tối
 
Hôm nay (10-10-2008) nhiều tờ báo lớn ở London, Paris, Madrid, New York... đều gọi ngày này là ngày "thứ Sáu đen tối" (Black Friday) vì ngay từ sáng, giá cổ phiếu của tất cả các thị trường chứng khoán thi nhau... rơi tự do. Tại London, trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, FTSE-100 trong 7 phút đầu tiên mở cửa đã mất 105 tỷ bảng Anh (mỗi giây mất 250 triệu bảng) vì những nhà đầu tư bị nỗi kinh hoàng giày vò suốt đêm đã bán tống tháo, khiến giá cổ phiếu của các công ty lớn nhất nước Anh đều tụt dốc thảm hại. Tờ London Lite giăng một cái tít lớn đen đậm trên trang nhất: 105 bn lost in 7 mad minutes (105 tỷ bảng Anh bị mất trong có 7 phút điên rồ), sụp đổ tiếp theo đêm bán tống tháo đồng loạt cổ phiếu tại New York và Tokyo trong sự hoảng loạn điên khùng. Tờ The London Paper trên trang nhất giật dòng tít co chữ cực lớn: "Black Friday, cổ phiếu rơi tự do khi nỗi sợ hãi tràn ngập thị trường!" Các tin tức tài chính rất xấu trên toàn thế giới làm thót tim mọi người: tại Nga, Brazil và Ireland, các ngân hàng phải "treo" vì làn sóng khủng hoảng tài chính thế giới, ở Nhật Bản thị trường chứng khoán giảm 3% đến 6% mỗi ngày và kể từ năm ngoái đến nay giảm 40%! Cổ phiếu DAX của Đức giảm 6% ngày thứ Hai (6-10-08) và 1.15% mỗi ngày tiếp theo, thị trường chứng khoán Pháp, Australia giảm sút mạnh...

Ở New York, phóng viên Tim Paradis của hãng AP viết: Phố Wall bị tàn phá ngày thứ Sáu bởi những nhà đầu tư, tuyệt vọng vì không thấy giải pháp nào của chính phủ có thể giúp cho họ, đã đẩy Dow Jones xuống đáy qua suốt 8 ngày liền thụt dốc. Chính phủ Mỹ đã thông qua số tiền khổng lồ 700 tỷ Đôla để bail-out (tài trợ, bảo lãnh) cho các nhà băng Mỹ, còn chính phủ Anh ngày 9-10-2008 cũng thông qua gói tiền khổng lồ 500 tỷ bảng để cứu các ngân hàng lớn nhất nước Anh và cắt giảm tỷ lệ lãi xuất khẩn cấp... Nhưng tất cả dường như không đủ để trấn an nỗi sợ hãi về một sự suy thoái kinh tế toàn cầu, nên các ngân hàng tư nhân vẫn "đua nhau" sụp đổ.

Còn gì khủng khiếp hơn là số tiền gửi ngân hàng của mọi người bỗng nhiên bị tuyên bố... đóng băng, không thể rút tiền được ra, rồi sau đó được biết là số tiền đó đã mất sạch vì nhà băng... vỡ nợ! Rồi thì một đồn mười, mười đồn ngàn, vạn... rằng ngân hàng A, ngân hàng B có thể bị phá sản, thế là mọi người cuống cuồng chạy ra ngân hàng rút hết tiền, bán tống tháo hết cổ phiếu... Hơn 200 ngàn người và các cơ sở kinh doanh ở Anh có tiền gửi nhà băng Iceland, tổng số lên tới 4,5 tỷ bảng, rụng rời khi bỗng nhiên sáng mồng 6-10 được tin là nhà băng Icesave đã đóng băng tất cả các khoản tiền và mấp mé... bankrupcy! Nhà đầu tư người Mỹ Karthik Rajaram ở Los Angeles (California) đã dùng súng bắn chết vợ, 3 con và cả chính mình khi biết số tiền vài triệu đô anh ta có trên thị trường chứng khoán London đã trở về số không!

Dường như thị trường tài chính toàn thế giới đang bị dẫn lái bởi những người điên mà sự hoảng loạn của họ đã khiến các ngân hàng sụp đổ rất nhanh, không cách gì ngăn giữ, hồi phục lại được. Ở Pháp người ta đổ xô đi mua vàng, nhất là các loại tiền vàng cổ. Điều lạ là giá xăng dầu lại giảm trên toàn thế giới: một thùng dầu thô ngày 10-10 giá chỉ còn 82 Đôla US so với mức kỷ lục 147 Đôla US dịp tháng 7-2008.

Liệu trong những ngày tới tài chính thế giới có qua được cơn hoạn nạn này mà hồi phục lên không? Câu trả lời của tất cả các nhà phân tích tài chính là không! Nó sẽ còn tồi tệ hơn nữa và kéo dài có thể 2 đến 3 tháng, thậm chí cả năm. Nguyên nhân gì đã khiến cả thế giới phải mấp mé bên bờ... vỡ nợ vậy? Các báo lớn trên thế giới cũng đi tiên phong trong việc tìm kiếm lời giải cho câu hỏi này. Khôi hài nhất là nhiều báo ở Anh quốc đều cho do biên tập viên tài chính Robert Peston của BBC đã để lộ tin tức về yêu cầu tài chính của các ngân hàng lớn Barclay, Lloy và RBS với chính phủ của Thủ tướng Anh Gordon Brown. Báo Canada thì cho là vì sự sụp đổ của Đại Công ty Tài chính Mỹ Lehman Brothers và sự rơi tự do của AIG. Báo Úc vạch nguyên nhân tiềm tàng từ chiến tranh của Mỹ với Iraq. Báo Nhật khẳng định do khủng hoảng tín dụng nhà cửa của Mỹ và chính sách đồng Đôla yếu của nước này, "khi nước Mỹ nhức đầu thì cả châu Âu đau bụng"! Nhưng cho đến ngày 10-10-2008 thì tất cả các nhà phân tích tài chính nổi tiếng thế giới đều có hướng quy nguyên nhân do khủng hoảng lòng tin của mọi người đối với hệ thống các ngân hàng trên thế giới, với thị trường chứng khoán. Thủ tướng Anh Gordon Brown kêu gọi các lãnh tụ thế giới hiệp lực cùng nhau tìm phương sách giải quyết: "Bởi vì đây là vấn nạn của toàn cầu nên cũng phải có giải pháp toàn cầu. Những giải pháp cũ của ngày hôm qua không hữu dụng tốt cho những thách thức của ngày hôm nay và ngày mai."

Bộ trưởng tài chính Anh Alistair Darling đang có mặt ở Mỹ để họp với nhóm G7 các quốc gia giầu nhất thế giới nhằm xiển dương kế hoạch 500 tỷ bảng Anh của mình. Tổng thống Mỹ G. Bush đã lên TV đọc bài phát biểu trước nhân dân Mỹ kêu gọi hồi phục lòng tin của mọi người vào hệ thống ngân hàng Mỹ. Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố sẽ bảo trợ cho những người có tiền gửi ngân hàng 20 ngàn Euro khi trường hợp xấu xảy ra. Thủ tướng Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu trước 27 thành viên của EU khẳng định tất cả các quốc gia thành viên của EU sẽ làm tất cả cái gì có thể làm để giữ an toàn cho hệ thống tài chính của mình. Tây Ban Nha, Áo, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Iceland, Hy Lạp đều lên tiếng bảo đảm cho các tín dụng tại ngân hàng. Tất cả hoạt động ở các nước này cho thấy cái đích mà họ mong đạt được chính là hồi phục lòng tin của mọi người vào hệ thống tài chính.

Ngay kẻ viết bài này mặc dầu chẳng có một xu gửi ngân hàng và thị trường chứng khoán, nhưng cũng hồi hộp theo dõi tin tức tài chính từng ngày trên các báo của London và thế giới. Nằm trong một tu viện nhỏ mang tên Saint Margaret ở phía Bắc sông Thames của thủ đô nước Anh, những tưởng mình cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi không khí tĩnh lặng nơi đây, nhưng cái sôi sục của thị trường vẫn hừng hực tràn về hâm nóng cái đầu lạnh về tài chính của tôi và mấy thày tu da trắng, khiến cho các bàn phím computer liên tục hoạt động. Có một nghịch lý là chính những người không màng đến tiền bạc hình như lại quan tâm đến số phận của các đồng tiền nhiều nhất! Có điều tôi không hiểu nổi là tại sao báo chí ở Việt Nam rất ít nhắc đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn thế giới này? Thi thoảng có tờ báo đề cập đến cũng chỉ dăm bảy dòng chữ. "Cách ngạn quan hoả", ngồi bờ bên này ngắm đám cháy bờ bên kia chăng? Hay là tai điếc hết cả rồi? Tôi thấy hơi buồn cho báo chí Việt Nam.

Ngày mai, ngày kia, ngày kìa... những gì sôi động đang sắp xảy ra sẽ lôi cuốn hàng tỷ người vào vòng xoáy của nó, chẳng lẽ cứ ngồi bình chân như vại hay sao?

© 2008 talawas