trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
17.7.2003
Leslie Crawford
Kate Millet, nhà nữ quyền lưng chừng
Võ Tấn Phong dịch
 
Tác giả cuốn sách bán chạy nhất năm 1970 "Chính Trị Tình Dục" có lẽ là nữ anh hùng bất ngờ nhất của phong trào phụ nữ, hay có lẽ là không phải.




Kate Millet bị quên lãng như thế nào? Khi dừng bước ở một hiệu sách gần nhà để tìm mua một cuốn "Chính Trị Tình Dục", tôi không hề nghĩ rằng mình không thể tìm thấy tác phẩm gây tác động mạnh mẽ, tác phẩm hầu như đã khởi đầu cho cơn sóng thứ hai của phong trào phụ nữ này. Điều đáng nói là đây không phải là một phản ứng dây chuyền, nơi mà một tác giả nữ quyền hiếu chiến của thập niên 1970 không còn ai nhớ đến. Tôi đến một hiệu sách độc lập ở một vùng của San Francisco gồm nhiều cư dân phóng khoáng học vấn cao. Tôi được dẫn vào khu vực sách nghiên cứu về phụ nữ và tìm thấy lượng sách chỉ đủ chứa đầy một kệ gồm những đầu đề ngẫu nhiên kỳ cục, gồm cuốn "Tình Ta, Đời Ta" của Nancy Friday, "Người Đàn Bà Hoàn Hảo" của Germaine Greer và, trong một tuyển mục lẽ ra là nhỏ, một khối lớn sách về sự mãn kinh. Tôi quay lại quầy bán hàng và hỏi một phụ nữ, tuổi tác khoảng giữa 30 như tôi, rằng sách của Millett có thể ở chỗ nào khác, có thể ở tuyển mục văn-không-hư-cấu hay không?

"Để xem... Kate Millet" cô ta đánh máy tính và nhìn chăm chú vào màn hình, lục tìm phần dữ liệu của hiệu sách, và qua vẻ bối rối của cô, phần dữ liệu của chính cô. "Không phải bà ta là nhà nữ quyền sao?"

"Đúng rồi" tôi nói, và như đang trình bày bài tường trình sách của một học sinh lớp 8, tôi thêm vào: "Millett rất nổi tiếng 30 năm về trước; một nhà cách mạng".

"Ô, phải đấy", cô ngước mắt khỏi máy com-pu-tơ. "Một nhà cách mạng trong 10 phút". Cuốn sách, cô ta bảo tôi, không còn xuất bản nữa. Tôi không tin tưởng mấy khi đến một hiệu sách cũ gần đó, nhưng trong thùng sách thừa tôi tìm thấy hai trong số những tác phẩm ít nổi tiếng hơn của Millett: "Bay lên", cuốn tự truyện bà viết khi 38 tuổi, và "Hành Trình Trong Nhà Thương Điên", hồi ký của Millett về sự suy nhược thần kinh và bị nhốt trong viện tâm thần. Sau khi gọi điện thoại hỏi thêm năm hiệu sách nữa, gồm cả một nơi mà tôi hy vọng là chắc ăn như đinh đóng cột - một hiệu sách nữ quyền ở Berkeley - và tìm trong Amazon.com ("Tựa sách này không còn xuất bản..." là câu trả lời mỗi khi tôi đánh vào tìm một trong chín nhan đề sách của bà; chỉ có "Chính Trị Tàn Bạo" là vẫn còn bán), tôi mượn một cuốn ở thư viện chính.

Làm thế nào mà Kate Millett vĩ đại đã gần như biến mất khỏi ý thức tập thể như thế? Có điều chắc chắn là, bà đã bị bỏ quên bởi giới truyền thông vốn đã từng theo dõi tỉ mỉ từng cử động của bà, và chỉ còn là một nốt nhỏ trong trí nhớ của chính những phụ nữ đã hưởng lợi từ lao động của bà. Vì một lý do nào đó, thế hệ của tôi dường như quen thuộc hơn với Betty Friedan, Germaine Greer và Gloria Steinem, một thời là những đồng vai của Millett. Những nhà nữ quyền nổi danh này - theo thứ tự là tác giả của "Bí Ẩn của Phụ Nữ" và đã thành lập Hội Phụ Nữ Toàn Quốc; viết cuốn "Phụ Nữ Bị Hoạn"; và đồng sáng lập tạp chí Ms. - vẫn còn trong lòng thời đại. Những cuốn tự truyện của Friedan và Greer được xuất bản mới năm trước, cũng như sách do hai bà viết; và Steinem vẫn là ngôi sao của toàn thể giới phụ nữ tiến bộ.

Nhờ ơn vị giáo sư đại học tôi ưa thích, tôi bị bắt đọc cuốn "Chính Trị Tình Dục". Thật ra, luận án tiến sĩ Đại Học Columbia của Millett, dài 543 trang mang tính luận chiến, đọc như một luận án vậy. Trừ những đoạn văn chương dâm tục của Norman Mailer, Henry Miller, D. H. Lawrence và Jean Genet, mà Millett dùng để minh họa cho việc đàn ông dùng tình dục để làm hạ thấp và làm giảm giá trị của phụ nữ, "Chính Trị Tình Dục" rất khô khan. Millett tấn công thứ tình cảm lãng mạn ("một phương tiện vận động tình cảm mà giống đực được tự do khai thác"), kêu gọi chấm dứt việc cưới gả một chồng một vợ và cấu trúc gia đình ("thiết chế chính của chế độ phụ quyền") và đề ra một cuộc cách mạng tình dục để "đem lại sự chấm dứt của chế độ phụ quyền". Tác phẩm cổ điển của Millett đã đánh thức tôi, làm thay đổi nhận thức của tôi về phụ nữ và về chính tôi, cũng như nó đã làm như thế cho hàng chục ngàn phụ nữ Mỹ khi nó xuất hiện lần đầu tiên gần 30 năm về trước.

Vào năm 1970, luận án của Millett - mà bà không hề nghĩ là nó sẽ được xuất bản chứ đừng nói đến được đọc bởi dòng độc giả chính thống - đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất. Cái mà Millett đề xuất không còn nghe có vẻ như lật đổ phá hoại vào năm 1999, có lẽ bởi vì phần lớn chuyện đó bây giờ được coi như nữ quyền học cơ bản - nổi bật nhất là, bà chất vấn chế độ phụ quyền đã đẩy hơn một nửa dân số xuống thành công dân hạng hai. Nhưng vào thời đó, nó gây ấn tượng mạnh. Kể từ thắng lợi của việc phụ nữ được quyền đi bầu vào đầu thế kỷ, cuộc vận động đã trở nên trì trệ. Với thập niên 60 làn sóng nữ quyền thứ hai đã đến, và ít nhất là ở dân chúng hạ tầng, đất nước đã bắt đầu nghe ầm vang từ những phụ nữ nói lên sự bất mãn của họ.

Có rất nhiều sự bất mãn, chắc chắn vậy. Vào năm 1970, phụ nữ làm ra 59 xu so với một đô-la do đàn ông làm được, và chỉ đại diện cho 7 phần trăm bác sĩ và 3 phần trăm luật sư trong cả nước. Tu Chính Án về Quyền Bình Đẳng, sống lây lất từ năm 1923, được đem trình lại trước Quốc hội, nhưng vẫn không được thông qua mãi đến hai năm sau (và vẫn chưa được tất cả các tiểu bang phê chuẩn). Vụ kiện Roe đối kháng Wade [1] chỉ xảy ra vài năm sau đó. Có lẽ đáng nói nhất: "Mười Phụ Nữ Đáng Kính Trọng Nhất" của tạp chí Nội Trợ Giỏi (Good Housekeeping) được nhận biết bằng tên của các ông chồng họ.

Và đó, cưỡi lên đỉnh cao của phong trào, là Kate Millett, một nữ anh hùng khá là bất ngờ - nhưng một lần nữa, có lẽ không. Khi "Chính Trị Tình Dục" được xuất bản, Millett 34 tuổi, một nhà điêu khắc và nhà hoạt động không tên tuổi sống một cuộc đời nghệ sĩ phóng túng nghèo khó ở địa hạt Bowery của New York. Tên khai sinh Katherine Murray Millett ở St. Paul, tiểu bang Minnesota, Millet đã sống một đời sống khác xa với điều cha mẹ của bà, vốn nghiêm khắc và theo đạo Công Giáo, hình dung. Cưới nhà điêu khắc Nhật Bản Fumio Yoshimura, người bà đã đề tặng cuốn "Chính Trị Tình Dục", bà vẫn giữ những quan hệ công khai với một loạt phụ nữ. Khi xuất bản luận văn của bà, Millett đạt được danh tiếng tức thì và, so với tình cảnh khốn khó trước đây của bà, một gia tài khiêm tốn gồm 30 000 đô-la. Một phần lớn số tiền này bà đã dùng mua bất động sản ở Poughkeepsie, tiểu bang New York, thành lập Trang Trại Nghệ Thuật Phụ Nữ cho văn sĩ và nghệ sĩ tạo hình.

Bà có thích điều đó hay không - và đối với Millett, đấy dường như mãi là một câu hỏi đầy mâu thuẫn - bà đã trở thành một người nổi tiếng bất thình lình, được hoan nghênh như một biểu tượng hoàn hảo cho phong trào. Bà rực rỡ, hấp dẫn, nhiệt tình trong hành động, hào phóng với thời gian của bà và lịch thiệp đến ngạc nhiên trong lúc phỏng vấn. Giới truyền thông nuốt chửng lấy bà và nhả ra một nữ phát ngôn viên được đơn giản hóa cho đám đông. Millett chưa hề chuẩn bị. "Tôi bị quăng cho một lớp vỏ bọc mà không còn nói được một tiếng; câm lịm với trách nhiệm", bà viết trong "Bay lên". "Vật thể trong tay tôi, đứa con đã quá xa lạ, có trở thành một con quái vật không?" Tạp chí Time vinh danh bà như "Mao Trạch Đông của Phong Trào Giải Phóng Phụ Nữ". Nhưng Millett không muốn là lãnh tụ; bà nói rằng nó đi ngược lại tinh thần của phong trào và bắt chước hệ thống áp chế của chế độ phụ quyền. "Mi-crô tống vào miệng tôi... 'Tương lai của phong trào phụ nữ là gì?'" bà viết. "Làm quái gì mà tôi biết được - tôi không điều khiển nó... Toàn bộ điều đó thật dơ bẩn, khó chịu, một sự gian lận". Mọi trường đại học trong nước dường như muốn bà đến nói chuyện, bà đã làm thế, thường thì một cách miễn cưỡng. "Tôi muốn tát vào những khuôn mặt nhỏ bé như chuột của họ", Millett viết, "và bảo họ rằng tôi sợ khủng khiếp đến phát ói... tại sao các vị biến tôi thành thứ trò lạ mắt như thế?"

Được đề cao bấy nhiêu, Millett bị phỉ báng bấy nhiêu. Trong tiểu luận năm 1971 "Tù Nhân của Giới Tính" của ông, Norman Mailer, người mà trong "Chính Trị Tình Dục" Millett đã vẽ ra như một kẻ trọng nam khinh nữ cực kỳ phản động, đã phản công. Đầy phẫn nộ, ông ta viết: "Đúng vậy, có thể nói về Kate rằng cô ta không có gì hơn là một kẻ láu lỉnh mũi hếch, và như thế cũng tốt, vì về mặt văn chương cô ta không có gì chút gì hơn thế". Và ông ta gọi bà "cô nàng Annie Hiếu Chiến đoan trang kiểu mới", một "quả bom xăng Molotov trong văn chương" - rồi chỉ trích gay gắt việc bà cố ý sử dụng nghiên cứu không chính xác, trích dẫn dối trá, và lô-gic đơn giản hóa và sai lầm. Làm thế nào mà bà dám cưỡi lên và thúc giày đinh vào những thiên tài văn chương như Henry Miller và D. H. Lawrence, và - dù ông ta chưa bao giờ ra mặt nói thế - Norman Mailer?

Hình ảnh trước công chúng của Millett bắt đầu hoen ố. Phong trào phụ nữ quay sang tấn công bà khi bà bị phát hiện là người đồng tính. "Tiết lộ này", một bài của báo Time viết, "nhằm làm mất thể diện của bà trong vai trò nữ phát ngôn viên cho mục tiêu của bà". Và nó đã làm được điều đó. Phong trào đồng tính nhảy chồm vào bà vì đã không công khai việc đó sớm hơn. "[Tôi] Chưa bao giờ kỳ quặc đủ cho kẻ quá khích", bà tự thú trong "Bay Lên". "[Tôi] Bị bối rối giữa người bình thường".

"Những nhà lịch sử tương lai có bảo rằng tôi đã làm hỏng nó không?" bà hỏi, luôn đối lập với vai trò người ta mong chờ bà phải đóng. Khác với Friedan và Steinem, "tất cả đều là những nhà chính trị tài hơn nhiều", Millett nhận xét, và thoải mái trong vai trò sáng chói Những Nhà Nữ Quyền của Dân chúng, Millett không dễ dàng nắm bắt được - và dường như liên tục bị hiểu lầm. Kìa như Friedan, một bậc mẫu nghi oai vê; Steinem, một con bé xấc xược; và Millett, người hưng trầm cảm, có kết hôn, lưỡng tính, nhà cải cách của giới phụ nữ, người giải phóng của giới đồng tính, nhà điêu khắc ẩn dật, nhà hoạt động táo tợn, người dân Trung-tây kín đáo, người dân New York xấc xược. Có quá nhiều tính cách khác nhau; bà là một hình ảnh quá mâu thuẫn và phức tạp.

Đời sống cá nhân của bà cũng bị xáo trộn. Đúng vậy bà là một kẻ đả phá thần tượng, nhưng một phần của Millett không bao giờ ngừng mong muốn làm một cô gái Công giáo nhỏ bé ngoan ngoãn. Bà bị day dứt bởi nỗi đau mà những tin tức trên trang nhất về đồng tính của bà đã đem lại cho mẹ bà vốn rất mộ đạo. "Cái day dứt hối lỗi", Millett viết, "sự trả thù của nó vượt quá mọi sự phạm tội". Trong "nỗi cô độc" tự chuốc lấy do danh tiếng mang đến, bà càng ngày càng bị hành hạ do bệnh hưng trầm cảm - điều đó có thể giải thích rõ cho nhiều cá thể khác nhau của Millett, và chúng xung đột lẫn nhau cũng như với thế giới bên ngoài.

"Không thể phủ nhận điều bất hạnh và sự căng thẳng trong cuộc sống", bà viết trong "Hành Trình trong Nhà Thương Điên". "Cả đống sợ hãi, những khối tự tin, những khủng hoảng của quyết định và lựa chọn". Đây là cá thể tối tăm của bà, cái cá thể bị chẩn đoán là "loạn thần kinh về thể chất", và chính cái cá thể ấy, đi ngược với nguyện vọng của nó, được điều trị bằng phương pháp sốc điện. Đây không phải là người mẹ đẻ tự tin của phong trào nữ quyền, đây là người đàn bà khác mà, như Millett thừa nhận, thường xuyên do dự - "Tôi nghi ngờ mọi thứ", bà nói.

Cơn cuồng nhiệt lớn dần đã trở nên quá sức chịu đựng của bà. "Làm sao rút lui khỏi phong trào?" bà hỏi. "Lối ra ở đâu?... Tôi không thể nào là Kate Millett nữa... Một chuyện cười trong các bữa tiệc... Hãy để tôi nhìn vào từ bên lề. Như những phụ nữ khác. Thưởng thức cái xa xỉ nhìn vào trong khi người khác làm điều đó cho ta". Hãy cẩn thận khi mong ước điều gì. Trong ba thập niên tiếp theo đó, bà bị chìm vào quên lãng. Millett đã không còn là Kate Millett, nhà nữ quyền được yêu thích của nước Mỹ.

Sự thật là Kate Millett tiếp tục làm những gì bà vẫn luôn luôn làm: viết, làm nghệ thuật và hoạt động. Vào năm 1973, bà xuất bản "Tài Liệu Mãi Dâm", bào chữa cho quyền của gái điếm; năm sau đó, bà cho ra "Bay lên"; và năm 1977, "Sita", viết về mối tình kết thúc đau buồn với một phụ nữ khác. Vào năm 1979, Millett đến Iran để viết về quyền phụ nữ, bị trục xuất nhanh chóng, và viết về kinh nghiệm này trong "Đi đến Iran". "Chính Trị Tàn Bạo", xuất bản năm 1994 - cuốn sách đã mang cho bà nhiều chú ý hơn bất kỳ cuốn nào khác kể từ "Chính Trị Tình Dục" - đã phơi bày ra sự sử dụng vẫn đang tiếp diễn trò tra tấn do chính quyền chuẩn y ở hàng chục quốc gia. Một vài cuốn sách của bà gây chú ý; rất nhiều rơi vào quên lãng. Các trường đại học và các galơry nhỏ đôi khi trưng bày tác phẩm của bà, và các đại học mời bà diễn thuyết, dù càng ngày càng thưa dần. Và bà xoay xở để giữ trang trại của bà, ngày nay là một trại sáng tác có uy tín cho các nghệ sĩ.

Một năm trước, Millett xuất hiện trong tình trạng cực kỳ khó khăn, khi một bài bà viết cho London Guardian được trích ra và lưu chuyền trên Internet. Trong bài viết đó, tựa đề "Nhà Nữ Quyền Thời Gian Quên Lãng", Millett hiện ra tuyệt vọng và nghèo túng, lo sợ "nỗi kinh dị ăn mày" trong tương lai. Bất chấp bằng cấp của bà, bà không thể tìm được một việc dạy học tươm tất, thậm chí ở trường học mở rộng ban đêm. Không ai gọi lại cho bà. Thậm chí bà không thể được mướn dạy tạm thời. "Tôi không thể đánh máy đủ nhanh", Millett viết buồn bã. Bà được hứa trả 1 000 đô-la để xuất bản lại cuốn "Chính Trị Tình Dục", một khoản tiền quá nhỏ mà bà từ chối. (Mỉa mai thay, Millett viết, Doubleday [tên một nhà xuất bản - ND] đưa ra một hợp tuyển gồm 10 cuốn sách quan trọng nhất nó đã xuất bản trong thế kỷ trước - thì nó có một trích đoạn của "Chính Trị Tình Dục" được bao gồm). Đáng ngạc nhiên nhất là cái tin bà sống bằng nghề bán cây thông Nô-en từ trang trại của bà. "Tôi bắt đầu tự hỏi tôi đã làm gì sai", bà viết. "Tôi đã 'quá xa vời' hay quá già rồi? Có phải là tuổi tác? Tôi đã 63 tuổi. Hay tôi 'cổ lỗ sĩ' trong con mắt của 'tri thức nữ quyền mới'?"

Camille Paglia, tác giả của "Tính Cách Tình Dục", một nhan đề bắt chước chính Millett, thét lớn là đúng vậy. Viết trong cột báo Salon của cô ta về "cuốn sách tồi tệ" của Millett, Paglia đổ lỗi Millett đã khởi đầu "phong cách Stalin, đàn áp trong sự chỉ trích phê bình của nữ quyền... Phương pháp hạ cố, tàn phá, chống-nam giới chua cay của bà trong nghệ thuật được thừa nhận như một chủ thuyết trong những chương trình nghiên cứu phụ nữ khi chúng mọc lên khắp nơi trong thập niên 1970 và trở nên những vùng đất thiển cận không dung thứ sự bất đồng".

Đây có phải là lời mộ chí cho Millett - một nhà nữ quyền chua chát, sai lầm? Bà có thể không còn trên giá sách của chúng ta, nhưng Millett vẫn còn hiện diện rất nhiều. Khoảng hơn một tháng về trước, bà đã lên tin thời sự về tòa nhà Bowery nơi bà đã sống trong 40 năm; bà đang đấu tranh để cứu nó khỏi bị đập xuống. Tờ New York Times chạy trong trang đối diện mục xã luận - "Bowery Bị Giữ Làm Con Tin" - đã nghiêm trách Millett, "một thần tượng trong giới quá khích của chủ nghĩa nữ quyền", vì một mình ngăn cản tiến trình phát triển thành thị đầy sáng lạn.

Tôi đến gặp Millett ở phòng tranh NoHo ở New York, chỗ bà đang triển lãm một loạt tranh vẽ. Cuộc triễn lãm, "Khúc Bi Ca cho một Phụ Nữ Bị Giết", được dâng tặng cho dì Margaret của bà, người đã chết trong một viện dưỡng lão, mặc dù Millett đã đấu tranh với những thành viên trong gia đình không thành để đem bà dì ra ngoài. Khi tôi gọi, Millett đang chỉ hướng cho một ông giao hàng cứ khăng khăng rằng bà đã gọi đặt làm một đống bánh ngô nhồi thịt. Câu chuyện của đời bà: Millett đã bị hiểu lầm. "Thưa ông", bà nói bằng cái giọng thân ái, trầm và hơi lạo xạo - nghe như giọng một người nghiện thuốc - "Tôi nghĩ là ông nên thử lên tầng trên xem".

Vấn đề bánh ngô nhồi thịt giải quyết xong. Không, bà bảo tôi, bà chưa hề đọc những gì Paglia nói về bà. "Đó không phải là phong cách của tôi đưa ra nhận xét như thế về người khác", bà nói bằng cái giọng quý phái ở St. Paul. "Có lẽ cô ta nghĩ rằng tôi quá cực đoan chăng?" Millett hỏi dường như bối rối thật sự. Và về bài của New York Times, "Đó là một hiểu lầm. Tôi tìm ra là bài viết đối diện mục xã luận đã được trả tiền". Ngược với những gì báo Times viết, bà không chống lại nữ ủy viên hội đồng thành phố Kathryn E. Freed về bất động sản đó. "Chúng tôi rất hòa thuận với nhau". Tòa nhà Bowery là một động cơ quan trọng của bà, Millett nói; tòa nhà lịch sử này đã từng là nhà thổ tồi tệ nhất ở New York, tồi tệ tới mức phụ nữ trong đó thường xuyên tự tử. "Hãy tưởng tượng bạn viết về gái điếm và cuối cùng bạn sống trong một tòa nhà mà gái điếm đã tự tử".

Millet giải thích bà cũng không biết bài tiểu luận của bà đã ở trên Internet và có vẻ phiền muộn rằng bài tiểu luận đó có vẻ tự than thân trách phận. "Thật đáng ngượng", bà nói. "Họ đã chỉ lấy phần nào hấp dẫn thôi. Bài tôi viết dài và vui nhộn hơn". Thật ra, bà bảo tôi, bài tiểu luận có mục đích là một bài công kích chống lại hệ thống trợ giáo đại học đầy áp bức đã trả các giáo sư mức lương ăn xin, chứ không phải là Kate Millett đã rơi xuống khốn cùng như thế nào. Một lần nữa, ý của Millett đã bị biến mất qua giới truyền thông. Giá mà, giá mà người ta có thể hiểu.

Leslie Crawford là nhà văn ở San Francisco

© 2003 talawas



[1]Vụ kiện Roe đối kháng Wade: kết quả Tòa Án Tối Cao của Mỹ vào ngày 22 tháng 1 năm 1973 quyết định rằng nhà nước không đủ thẩm quyền cấm việc phá thai, và như thế hợp pháp hóa việc phá thai.
Nguồn: salon.com, June 5, 1999