trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
2.10.2003
Deborah Tannen
Sinh ra để sống hoang dã - Robert Bly với Iron John (Ông Hai Thép)
Hà Vũ Trọng dịch và giới thiệu
 
Những vấn đề của nữ giới đương nhiên liên quan mật thiết đến những vấn đề của nam giới. Xin giới thiệu với độc giả chân dung một người nam đấu tranh cho phong trào nam quyền: nhà thơ Mĩ Robert Bly.
talawas


Robert Bly, sinh năm 1926, nhà thơ Hoa kì, chủ bút, và dịch giả. Trong văn chương, Bly là một thứ "ông bầu" (impresario) có sức thu hút mạnh mẽ, là nhà phê bình xã hội, và cha đẻ của phong trào giải phóng nam giới đương đại. Bly nằm trong số những nhà thơ trội bật và ảnh hưởng nhất của thế hệ hậu chiến. Trong suốt thập niên 1960, ông xuất hiện như là người cổ vũ đầu đàn của "thi phái hình tượng chiều sâu" (deep imagism), một trường phái thơ đặc sắc vì sắc thái siêu thực, những nguyên mẫu theo tâm lí học Jung, và sự mô tả mạnh mẽ về thế giới tự nhiên và những trạng thái xúc cảm mang thị kiến. Nói chung, thơ của Bly nằm trong ba thời kì dễ nhận thấy: loại thơ 'hình tượng chiều sâu'; thơ có tính công khai/chính trị; và loại thơ công cộng/liên-cá-nhân. Bly còn là vị khách mời được hâm mộ trên truyền hình công cộng, ở các buổi hội thảo sáng tác, và các buổi hội họp của nam giới. Sau tập thơ đầu, Silence in the Snowy Fields [Sự im lặng trong những cánh đồng tuyết, 1962] tập thứ hai của ông, The Light Around the Body [Ánh sáng bao quanh thân, 1967] đoạt giải National Book Award 1968, là tập thơ phản chiến, đã đem ông lên thành nhà thơ đương đại chủ chốt và là phát ngôn viên cuồng nhiệt cho những sức mạnh chữa trị trong văn học và kho tàng huyền thoại. Cũng trong suốt thập niên 1960 dấn mình hoạt động trong những lí tưởng chính trị và xã hội, ông đã khởi đầu một phương thức làm thơ mang tính chính trị và công khai để phản ứng lại với Chiến tranh Việt Nam, một lối viết gồm thể thơ xuôi như là một hành vi công cộng. Bly đã hỗ trợ lập nên tổ chức Văn giới Mĩ Chống Chiến tranh Việt Nam (1966), là một nhóm phản kháng chuyên điều hành những buổi đọc thơ "read-in" trong khuôn viên đại học trên khắp quốc gia. Ông đã từng bị bắt giữ trong một đại hội hoà bình tổ chức trước Ngũ giác đài. Trong thập niên 1980, Bly quan tâm đến sự phục hồi về tâm lí và tâm linh cho nam giới, được đúc kết trong cuốn sách trở thành best-selling của ông về sự khai tâm (initiation) cho nam giới: Iron John [Hai Thép], xuất bản năm 1990 kèm theo cuốn video A Gathering of Men [Một tập hợp đàn ông] và một cuộc phỏng vấn của đài PBS do Bill Moyers phụ trách, đã tấn phong ông lên ngôi lãnh đạo của phong trào giải phóng nam giới mà tiếp theo sau đó là những vụ tranh cãi. Ông cũng là tác giả của những bài phê bình văn học, những dịch phẩm và những tuyển tập. Cuốn sách khác nữa bán chạy nhất của Bly bình luận về văn hoá Mĩ, The Sibling Society [Xã hội anh em, 1966], cũng đã lôi cuốn một lượng độc giả rộng rãi trong dòng chủ lưu. Các tác phẩm dịch thơ của các nhà thơ mà ông chịu ảnh hưởng, nổi bật là Rainer Maria Rilker, Antonio Machado, Pablo Neruda, và nhà huyền học Ấn độ thế kỉ 15 là Kabir.

Iron John là một khảo luận mang tính diễn giải về một câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm cùng tên, Bly đã đưa ra quan điểm của mình về nam tính và tầm quan trọng của truyền thống dân gian, việc thụ giáo, và nghi lễ khai tâm cho nam giới có được sự xã hội hoá lành mạnh. Bly mở đầu cuốn Iron John bằng phác thảo ba giai đoạn mang tính lịch sử - loại đàn ông hùng hổ (macho man), loại đàn ông mềm (soft man), và loại đàn ông hoang dã (wild man). Qua câu chuyện cổ tích "Iron John", Bly đã khai phá khả thể thứ ba này - người đàn ông hoang dã. Còn người đàn ông mềm yếu đang thật sự chịu bất hạnh.

Trong câu chuyện ngụ ngôn trình bày lối chú giải của Bly về một hoàng tử trẻ bị một "Dã Nhân" tên là Iron John đáng sợ bắt cóc và hoàng tử được giáo dục cách li khỏi cha mẹ mình ở trong tận chốn rừng sâu bí ẩn, ở đó hoàng tử học được những đức tính tự chủ, chịu đựng gan góc, và can đảm. Nhờ những kiến giải rộng từ các nguồn huyền thoại, tâm lí học, khoa học xã hội, và thi ca, Bly cho rằng loại "nhu nam" ("soft male") hiện đại đang chịu nỗi đau khổ tự huỷ, uất giận, và tính thụ động bắt nguồn từ sự thiếu một nguồn chỉ đạo từ lớp đàn ông cao niên và bản sắc họ bị quá đồng nhất (over-identification) với những đặc tính nữ. Bly cũng đã mở rộng những chủ đề tương tự này trong Xã hội anh em, một luận giải về mặt xã hội học mà ông gắn liền sự suy đồi của nền văn hoá Mĩ, nền giáo dục, và lối thuyết ngôn dân sự với trạng thái suốt đời thiếu niên (perpetual adolescence) được cổ vũ bởi những giá trị văn hoá hướng tới sự trẻ trung, đã khuyến khích tính chịu khuất phục tức thời, tích ích kỉ, và những quan hệ xài rồi bỏ (disposable). Như Bly quan sát, lớp lớn tuổi đều miễn cưỡng chấp nhận những trách nhiệm làm vai trò khuôn mẫu và là những người lãnh đạo, còn lũ con cái, thì chứng kiến những sự không thoả đáng của lớp cha mẹ chúng thiếu trưởng thành và không mong trở nên lớp người trưởng thành. Với sự thành công lớn lao của Iron John, Bly đã chiếm được một khối lớn độc giả và lừng danh với tư cách là phát ngôn viên lãnh đạo của phong trào nam giới ở Mĩ. Trong khi khững người điểm sách tán thưởng cách phân tích nhận thức về bản sắc tính dục và sự băng hoại của nam giới trong xã hội hậu kĩ nghệ, thì có nhiều người cũng phản đối lại với những giả định mang tính phụ quyền về những vai trò giới tính theo truyền thống, sự phê phán của ông về chức năng người mẹ, và sự đề cao hàm hồ về "tính hung tợn" trong đàn ông, bị một số người xem như là mối đe doạ ngầm đối với chủ nghĩa nữ quyền. Bất chấp sự tranh cãi như thế, Mihaly Csikszentmihalyi viết, "Bằng những cố gắng để hoàn tất, cuốn sách của Bly thật là quan trọng và kịp thời." Cuốn The Sibling Society sau đó cũng đã được ca ngợi tương tự như vậy vì chủ đề ôm đồm của nó, mặc dù một số người điểm sách đã ghi nhận những sai lầm về phương pháp luận và những xác quyết không được vững chắc. Theo như Winifred Gallagher kết luận, "Trong cái thời của những nhà chuyên môn và chuyên biệt hoá này, thì lời oán thán chiết trung của Bly, rút ra từ những vấn đề chính trị, chuyện cổ tích, khoa hành xử học, kinh tế học, và huyền thoại học, là tân ước khai tâm cho mọi người và tình yêu hiểu biết mà ông thương tiếc"

Không ít những bài điểm và đánh giá cuốn Iron John của các tác giả đáng kể như Mihaly Csikszentmihalyi, Ted Solotaroff, Anne Tannen... riêng quan điểm của Anne Compton trong một bình luận về cuốn Iron John, thì phản đối lại với lối trình bày kiểu Bly về người phụ nữ và những người mẹ trong Iron John. Compton đi đến kết luận, "Iron John là một cuốn sách phản động, và tôi cho rằng, nó là một cuốn sách nguy hiểm".

Dưới đây là bài điểm của Deborah Tannen nhan đề "Born to be Wild" đã đăng trên Washington Post Book World, số ra ngày 18 tháng 11/1990.



Robert Bly, ngoài là một trong những nhà thơ tuyệt vời nhất của chúng ta, trong suốt mười năm qua [kể từ 1980], bằng những buổi nói chuyện, hội thảo và qua băng ghi âm - ông còn cổ xuý cho sự lớn mạnh của phong trào giải phóng nam giới, được hình thành không phải để đối lập lại phong trào giải phóng phụ nữ mà để đòi hỏi cho nam giới sức mạnh và sự phục hồi, qua việc ông nhìn thấy phong trào giải phóng phụ nữ đã đem lại cho người đàn bà. Iron John được viết theo một phong cách chiết trung bóng bảy, trầm tư về sự việc tại sao đàn ông ngày nay đều khổ sở và bằng cách nào để họ có thể trở nên vui sướng hơn không. Nhân vật Iron John, trong truyện cổ tích của anh em nhà Grimm, là một dã nhân, mình đầy lông lá, sống ở dưới đáy một cái ao trong rừng sâu. Bởi vì câu chuyện trải ra dần dần tạo cho cuốn sách ở trạng thái "treo", tôi sẽ không tiết lộ nó, mà chỉ lưu ý rằng Bly xem Iron John như là một ẩn dụ cho những gì mà đàn ông cần đến.

Tiền đề của Bly là những thập niên 60 và 70 [của thế kỉ 20] đã sáng tạo nên một loại đàn ông mềm liên hệ với phía nữ tính, kiềm chế tính bạo động và đi tìm kiếm sự hài hoà, là "một thằng bé hài lòng không chỉ với mẹ của mình mà cũng còn với người đàn bà trẻ mà hắn đang sống chung" - và tràn đầy đau khổ. Cam chịu tính thụ động, ngây ngô và tê bại, những gì hắn cần biết tới không chỉ là khía cạnh nữ tính không thôi (mặc dù cũng giá trị) mà còn cả cái "khí nam nhi bên trong" (deep male) được biểu tượng bằng Iron John. Việc tiếp xúc với (không phải trở thành) loại Người Hoang dã, đòi cần phải từ bỏ cha mẹ để tìm đến một ông thầy nam. Mặc dù "sự tuyệt giao hoàn toàn với người mẹ là iếu tố quyết định," trong một cách mới lạ, Bly không khiển trách những người mẹ khi sự tuyệt giao này không thành; ông khiển trách chính những người cha, kẻ bỏ rơi lũ con trai, để lại một khoảng trống cho người mẹ đổ đầy. Ông nhìn thấy xã hội chúng ta thiếu hụt [kích thước] huyền thoại và nghèo nàn bởi sự mất mát nghi lễ, đặc biệt là những nghi lễ khai tâm do người đàn ông cao niên tách những chú bé ra khỏi phụ nữ và dậy dỗ chúng cách để trở thành đấng nam nhi.

Quyển sách này được cấu trúc quanh lối diễn giải nôm na của Bly về câu chuyện cổ tích Iron John, được kể từng mảng một, chen lẫn với phần chú giải, chụp bắt những mẩu chuyện cổ tích từ các truyền thống khác và những truyện thần thoại, truyền thuyết dân gian có tính nhân học từ các nền văn hoá phi văn tự, những kiến giải kiểu tâm lí chiều sâu của Jung và tuyệt vời nhất là thơ ca, mà phần lớn do Bly viết hoặc dịch một cách tuyệt hảo. Quyển sách này được rọi sáng bằng tiếng nói, thị kiến hình tượng phong phú của một nhà thơ, dồi dào trong những diễn ngôn tuyệt diệu như "old-man-minded farmer," ("nông dân lão trượng") "the Idaho of the mind" ("vùng cao lĩnh của tâm trí") và "Men and women alike once called on men to pierce the dangerous places, carry handfuls of courage to the waterfalls, dust the tails of the wild boars." ("đàn ông và đàn bà đã từng cùng nhau kêu gọi đám đàn ông xông pha những chốn hiểm hóc, đưa dăm người dũng cảm vượt thác, rượt bám đuôi lũ heo rừng.")

Sự lớn mạnh của phong trào nam giới là chứng từ cho việc Bly đã rải hợp âm rền vang: nhu cầu tìm đến nghi lễ cùng những hình ảnh và chuyện kể mới mẻ để thay thế cho những cái đã cũ mòn, làm cho chúng ta chán chường, sự tha hoá của người cha và con trai trong xã hội hậu kĩ nghệ. Bly đi tìm sự phục hồi lại những thuật ngữ "nam tính" và "nữ tính" như những mô tả hợp pháp, phi chính trị thuộc về những giới tính lại vừa như sự dị biệt thiết iếu mà không đối kháng nhau. Những quan sát của ông về sự dị biệt giữa những giới tính là xác thực - và vận hành cả hai chiều. Thực vậy, "Rất thường khi mỗi người nam trưởng thành đều chột dạ giận dỗi, khi bối rối bởi một nhận xét riêng của một người đàn bà về lối hành xử của hắn - quá đỗi khác với của hắn."

Mặc dù cô ta có lẽ chắc là ưa nói về hơn là giận dỗi, mọi người đàn bà trưởng thành, cũng vậy, đã bị bối rối bởi một diễn giải riêng về lối cư xử của bà ta. Tương tự, Bly quan sát đúng, những người mẹ có thể làm méo mó cái nhìn của lũ con trai về người cha của chúng: "Những người mẹ có thể đúng về mặt tiêu cực của người cha ấy, nhưng người đàn bà cũng có thể bị phê phán vì những nét nam tính thì thuần là điều khác biệt hoặc là bất ngờ," chẳng hạn như không nói chuyện về cảm xúc của hắn. Ðiều này quan trọng và cũng áp dụng cho những người cha cho lũ con trai (và con gái) một cái nhìn về người mẹ của hắn như là bị chứng ưu uất, có tính thao túng và không hợp lí.

Tôi cũng hơi bị bối rối, không phải về cái nhìn đã được rọi sáng và đang rọi sáng của Bly, mà về những gì có thể đã tạo ra chuyện đó. Bly cảnh giác rằng Dã Nhân là kẻ hung dữ, không nên lẫn lộn với "người đàn ông man rợ," kẻ có tính hung hăng phá hoại; thế nhưng hai loại người này đều dễ dàng bị lẫn lộn. Nhà văn Trip Gabriel thấy rằng, trong thời gian thu mình (retreat) của một người đàn ông (không phải là đào tẩu) của Bly, những kẻ tham dự dễ dàng nhảy múa như những kẻ man rợ nhưng họ sẽ lạc hướng ngay nếu được iêu cầu nhảy múa như đám đàn ông hoang dã. Và tôi có thể hình dung Bly đang cắm cúi viết thư trả lời bài báo của Gabriel về sự thu mình, ở đó một người đàn ông tự cho là đã phô bày Dã Nhân của mình trong những vụ ẩu đả băng đảng và nện gõ vào thùng rác trong những buổi liên hoan bia bọt ở trường.

Một chủ đề xuyên suốt cuốn sách là người đàn ông phải đạt được sự an ủi bằng thanh gươm, học cách chiến đấu, tiếp giáp được với "người chiến sĩ bên trong" họ. Bất chấp sự nhấn mạnh của Bly rằng người chiến sĩ bên trong được biểu lộ tốt hơn qua sự biểu lộ có tính nghi lễ, chẳng hạn như trong thơ ca, hơn là bằng cuộc chiến theo nghĩa đen, ông sử dụng nhiều hình ảnh hiếu chiến. Ví dụ, ông nói về loại đàn ông ngố (naive), " Nếu vợ hắn hoặc bạn gái hắn, giận dữ, la lối rằng hắn là một kẻ 'thành kiến với đàn bà' một 'kẻ phân biệt giới tính" một 'thằng đàn ông,' hắn không cãi lại mà chỉ hứng lấy. Hắn mở phanh áo để cho cô ta thấy chỗ cất những mũi phi tiêu. Hắn kết thúc bằng ba hoặc bốn mũi vuột ra ngoài, và máu me chảy lênh láng xuống sàn nhà." Vậy thì sự phản đối của tôi đối với hình ảnh như thế dùng để minh hoạ cho tiêu điểm của Bly về sự bực bội của người phụ nữ đối với sự ganh đua của nam giới - sự đôi co hoặc xử sự hung hăng.

Bly đã đánh giá quá cao kết quả của phong trào phụ nữ, của sức mạnh và sự tự tin của họ, và của sự chuyển đổi ở nam giới có được từ tư duy của phong trào Thời Mới (New Age). Dường như thật khó lòng cho đại đa số đàn ông khước từ thanh gươm, khi mà sự bạo hành trẻ con, hiếp dâm, đánh vợ, tội ác ngoài đường phố và chiến tranh ngày càng gia tăng đều đang là bằng chứng. Nếu, như Bly chứng minh hùng hồn, thuyết về sự ganh đua của nam giới (male agonism) là một phần thiết iếu, vốn có của ý thức nam giới, ông cũng đúng khi cho rằng niềm hi vọng của chúng ta nằm trong sự tái khám phá những thực thi có tính nghi lễ để mà thay thế cho những thực thi thiển cận (literal enactments) mà xã hội chúng ta và cả tương lai của mặt đất đang chịu sự bủa vây. Cuốn sách đáng tưởng thưởng này là một đóng góp vô giá cho cuộc tập hợp đàm thoại về những gì mang nghĩa là nam - hay nữ.


Nguồn tham khảo:
Anne Compton
"In Iron John's Sloshy Swamp, There Is a Bitterly Cold Undercurrent," in Dalhousie Review, Vol. 72, No. 2, Summer, 1992
Mihaly Csikszentmihalyi
"Bring on the Hairy Mentor," in New York Times Book Review, Dec. 9, 1990
Ted Solotaroff
"Captain Bly," in Nation, Sept. 9, 1991


© 2003 talawas