Từ “hậu hiện đại”, khái niệm “hậu hiện đại”, “tâm thức hậu hiện đại”, “trào lưu hậu hiện đại”, “chủ nghĩa hậu hiện đại”, “hoàn cảnh hậu hiện đại”… đều đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn học nghệ thuật với nhiều cách tiếp cận, cách hiểu và lý giải.
Ông
Trịnh Lữ nói “xuất hiện lần đầu trong cuốn
Hoàn cảnh Hậu hiện đại (La Condition Postmoderne) của Jean-Francois Lyotard” là không ổn, nhưng với việc “Góp chuyện hậu hiện đại”, thì không thể phủ nhận những gì ông đã viết và hiểu về “hậu hiện đại” dù là nông hay sâu, đúng hay sai. Tinh thần của hậu hiện đại là có quyền nghi ngờ vào tất cả những cái gọi là “văn bản lớn”, “trần thuật lớn”, “lý giải lớn”, “chuyên gia lớn”... Đã nghi ngờ vào mọi “lý giải lớn” thì cho dù ai đó có được cái tiếng là “chuyên gia hậu hiện đại” thì cũng không phải gì là ghê gớm. Những “kiến thức” về “hậu hiện đại” có thể đến từ vài thao tác nhấp chuột trên mạng internet. Thế thì cái gọi là “chuyên gia của chủ nghĩa hậu hiện đại” nếu không “tiêu hóa” được nó thì cũng chỉ là nhai đi nhai lại những mớ kiến thức đã được sắp đặt, trình làng mà thôi.
Ông
Hoàng Ngọc-Tuấn có tư cách nhất định trong nghiên cứu về “hậu hiện đại”, nhưng không có nghĩa rằng ông “nói đúng” tất cả về hậu hiện đại. Trong vô vàn cái đúng, có cái sai, và ngược lại, cho nên không ai có thể tự vỗ ngực cho rằng mình đã hiểu trọn về “hậu hiện đại”. Vì khi “chủ nghĩa hậu hiện đại” ra đời, nó cũng phải cho mình một “quan điểm”, một “định nghĩa”…, tức là nó cũng trở thành một “trần thuật lớn”, “văn bản lớn”, “lý giải lớn”… thế thì nó có phải là “chân lý tuyệt đối” để người ta không thể “phủ định” nó, nghi ngờ nó được không? Và nếu đúng với “tinh thần hậu hiện đại” và những gì nó kêu gọi thì nó cũng phải biết nghi ngờ chính nó, “phủ định” chính nó.
Tôi nghĩ, với một cụm từ “lần đầu tiên xuất hiện” mà Hoàng Ngọc-Tuấn đã phải hạ thấp một đồng nghiệp nghiên cứu và “góp chuyện” với hậu hiện đại như Trịnh Lữ xuống mức thua “cậu học trò” phổ thông thì e có phần quá ngôn. Dĩ nhiên, tôi không bàn về lịch sử ra đời của từ “hậu hiện đại” cũng như chuyện chữ nghĩa (càng bàn càng xa) của nó, vì khái niệm “hiện đại” vẫn còn là cái “đương là”, cái “đang ở”, thì cái gì có “hậu” ắt có “tiền”, tức có đối đãi, phân biệt.
Sau khi bài của ông Trịnh Lữ được đăng tải, tôi thấy trên
blog của Nguyên Đầu Bạc đã có phản ứng khá sớm (có lẽ còn sớm hơn cả bài phản ứng trên talawas) với khái niệm “lần đầu tiên”; nhưng so sánh bài này với bài của Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi thấy cũng là chỉ ra cái “sai”, cái “nhầm lẫn” về mặt chi tiết “lịch sử ra đời” của từ “hậu hiện đại”, nhưng nhiều khi “cách nói” còn quan trọng hơn “vấn đề nói”, bởi vậy cùng chỉ ra cái “sai” nhưng có người thuyết phục hơn mà có người thì không?
Hoàng Ngọc-Tuấn có thể bằng tinh thần của “hậu hiện đại” nghi ngờ mọi giá trị ẩn đằng sau những cái danh “nhà nghiên cứu”, “giáo sư”, “tiến sĩ”, “hội thảo khoa học”, để không bị những cái đó đánh lạc hướng nhận thức của mọi người. Nhưng nếu chỉ vì bản thân phạm vi nghiên cứu “có tiếng” của mình để kéo thấp giá trị từ một bài viết của một người đến cả một giới nghiên cứu, giới học giả trong nước… thì chẳng khác nào nhờ cái “sai phổ thông” của người mà tôn mình lên. Tôi tạm suy nghĩ, phải chăng đó là “thời cơ hậu hiện đại” để một số người trở thành “nhà hậu hiện đại” thực thụ? Nhưng không biết tôi có nhầm không, khi bằng tinh thần của hậu hiện đại, mọi người không chỉ có quyền được “đúng” mà còn có quyền được “sai”, quyền “ngộ luận” nữa.
Có nhiều bất đồng chung quanh sự ra đời khái niệm “chủ nghĩa hậu hiện đại”, nhưng đa số chọn thời điểm sau Thế chiến thứ Hai. Có người còn cho nó một ngày chào đời rất rõ ràng: “Hiện đại kết thúc và Hậu hiện đại bắt đầu ở Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945”, theo như Mark Taylor (Modernity ended and postmodernity began in Hiroshima on 6 August 1945)… Nhưng cũng có người cho rằng không cần thiết phải đóng Hậu hiện đại vào một khung lịch đại nào, như Umberto Eco: “Thực ra, tôi tin rằng chủ nghĩa Hậu hiện đại không phải là một khuynh hướng cần định rõ niên đại mà đúng hơn, là một phạm trù tư tưởng – hoặc, hơn nữa, một
Kunstwollen, một đường lối vận hành. Có thể nói, mỗi thời đại đều có chủ nghĩa Hậu hiện đại của riêng mình...” (Nhật Chiêu, “
Thiền và hậu hiện đại”).
Qua đoạn trích của Nhật Chiêu, tôi chú ý đến câu “Có thể nói, mỗi thời đại đều có chủ nghĩa Hậu hiện đại của riêng mình”. Vì vậy có một số người đã “sai” và đã “hồ đồ” một cách hài hước, đã chọn cả ngày giờ cho nó trong khi mọi người vẫn tiếp tục đưa giả thiết, bàn cãi về cái “nguyên nhân đầu tiên” của khái niệm, mà có một lúc nào đó cái “nguyên nhân đầu tiên” ấy chưa chắc đã phải là “nguyên nhân đầu tiên” đích thực. Chỉ biết “Ồ!”… rõ khổ “hậu (tiền, bán hậu, bán tiền) hiện đại”…