trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
23.10.2008
Mai Thảo
Gần mười bảy tuổi
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Chương 7

Một chiếc taxi đưa tôi về tới nhà. Chuông reo nhiều hồi, người chị Hai mới chạy ra. Giấc ngủ của chị người làm đã bị tôi phá vỡ.

Chị ta hỏi:

"Bây giờ ông mới về?"

Tôi đẩy cánh cổng:

"Bà hỏi gì tôi không?"

"Thưa không?"

"Bà có nhà đấy chứ?"

Chị Hai trả lời làm tôi giật mình kinh ngạc:

"Thưa, không".

Tôi cau mặt:

"Bà đi từ hồi nào?"

"Từ chiều hôm qua".

Như thế đó, tôi đi Thu Hà cũng đi luôn. Như thế đó, chồng một đằng vợ một nẻo. Như thế đó, cuộc chung sống của tôi với Thu Hà. Tôi đi vào phòng khách. Ngôi nhà vắng lặng, buốt lạnh, không một dấu tích nào của sự sống lứa đôi. Tôi ngồi phịch xuống ghế.

"Bà dặn gì không?"

"Thưa không".

"Bà đi một mình hay với ai?"

"Bà Liễu tới đón bà".

Tôi nghĩ mãi mà không thể đoán được là Thu Hà đi đâu. Đến nhà Liễu? Tôi hỏi:

"Bà có nói bao giờ về?"

"Chiều nay. Có thể sáng mai".

Tôi kêu lên, bực tức:

"Đi đâu mà có thể đến mấy ngày như vậy được. Thôi cho chị xuống nhà dưới".

Người chị Hai bỏ đi, tôi ngồi thừ, nghĩ ngợi. Tôi đi đã ghê, Hà đi còn ghê hơn. Tình trạng này không thể kéo dài mãi mãi. Vào buồng, tôi nằm vật xuống giường. Lúc này tôi mới cảm thấy tất cả sự mỏi mệt của một đêm thức trắng, nhất là thức cùng với một người đàn ông như Bằng và một người đàn bà như mụ Hường. Thức với hai người khác. Những đầu xương đau nhừ. Tay chân bải hoải. Đầu óc như tê liệt, trống rỗng. Mí mắt nặng trĩu. Tôi chỉ thoáng nghĩ được rằng Thu Hà đã vượt quá một giới hạn nào đó, tôi phải có với nàng một thái độ quyết liệt. Rồi tôi ngủ thiếp đi. Tôi ngủ mê man. Bằn bặt. Đến chiều mới tỉnh dậy. Bước những bước loạng choạng ra ngoài phòng khách, tôi thấy Thu Hà đã ở đó.

Nàng đang nói chuyện với một người đàn ông lạ mặt. Gã đàn ông thật tráng kiện. Y mặc một cái quần soóc màu tím, một cái áo sơ mi hoa ngắn tay, đi dép. Thu Hà mặc cũng tương tự như vậy. Tôi đoán được ra ngay. Họ vừa từ ngoài Vũng Tàu trở về.

Thu Hà giới thiệu:

"Đây là anh Hợp".

Hợp bắt tay tôi, nói vừa chở mấy người đàn bà cho ai về nhà nấy, và Thu Hà là người cuối cùng. Cái bắt tay của gã đàn ông chân thật cởi mở. Y tự nhiên mà không khả ố. Thân mật mà không suồng sã. Xem chừng y cũng không có tình ý gì với Thu Hà, chỉ là đi chơi vui vậy thôi. Nhưng nói tôi có cảm tình với Hợp cũng không đúng. Cảm tình thế nào được với một thằng đàn ông lạ mặt đã ở ngoài Vũng Tàu với vợ mình suốt hai ngày liền. Cái bắt tay của tôi vì thế miễn cưỡng và nhạt nhẽo.

Hợp chừng như không nhận thấy vẻ miễn cưỡng đó. Y hỏi:

"Sao anh không ra Vũng Tàu cùng với chị?"

Tôi lạnh lùng nhìn Thu Hà:

"Nhà tôi đi đâu tôi không được biết".

Thu Hà thản nhiên:

"Lúc em đi, anh không có nhà mà!"

Tôi gật:

"Phải. Không có nhà. Nhưng đáng lẽ anh không có nhà thì em phải ở nhà".

"Tại sao?"

"Vì nhà cửa không thể có bộ mặt như một ngôi nhà hoang như thế này được".

Thấy hai vợ chồng chúng tôi to tiếng với nhau đến nơi, gã đàn ông vội chào tôi rồi chuồn. Thế là giữa Thu Hà và tôi lại có một cuộc cãi vã vang động sang đến những ngôi nhà hàng xóm.

Tôi lại lầm về Thu Hà một lần nữa. Buổi sáng hôm trước, nàng dậy sớm pha cà phê cho tôi uống, săn sóc tôi, khiến tôi tưởng người đàn bà nội trợ ở Thu Hà đã sống lại. Tôi lầm. Thu Hà vui mừng thấy tôi làm ăn với Bằng trước hết chỉ vì tôi sẽ mang về cho nàng rất nhiều tiền. Để mua kim cương, mua hột xoàn. Thứ hai, tôi ra khỏi nhà, nàng mới được tự do bay nhảy. Hai chúng tôi cùng bỏ nhà suốt đêm ngày như thế và lẽ dĩ nhiên là chuyện phải xảy ra đã xảy ra.

Một tuần lễ sau, cũng vào một đêm cả hai chúng tôi cùng không có nhà kẻ trộm đã đột nhập và làm được một mẻ lớn.

Đêm hôm đó, trời mưa thật lớn. Tôi đi chơi với Bằng như thường lệ. Cũng ở một nơi chốn ăn chơi thâu đêm suốt sáng trong Chợ Lớn. Nửa đêm tôi tỏ ý muốn về. Bất ngờ trời đổ mưa thật lớn. Bằng nói trời mưa, về nhà là gì, về nhà cũng đến nằm nghe mưa rơi mà thôi. Tôi ngập ngừng và cuối cùng tôi đã ở lại. Suốt đêm hôm đó, nằm ở khách sạn, trong khi Bằng vẫn hút thuốc phiện, nằm với lũ ả sẩm ở một phòng bên cạnh, tôi cố gắng chợp mắt một lúc mà không tài nào ngủ được. Đầu óc tôi bồn chồn. Linh cảm cho biết là có một chuyện không hay đã xảy ra. Nửa đêm tôi xuống quầy, gọi điện thoại về nhà. Chuông reo hoài mà không có ai nghe. Tôi biết là Thu Hà cũng đi vắng chưa về. Người chị Hai thì ngủ mãi tận nhà dưới, không thể nghe thấy chuông điện thoại reo.

Năm giờ sáng tôi vùng dậy, mặc quần áo, sang phòng bên, nói cho Bằng biết là tôi về nhà.

Bằng hỏi:

"Sớm thế. Thì để sáng rõ hãy về có được không?"

Tôi đáp:

"Không hiểu tại sao tôi thấy nóng ruột quá".

"Gọi điện thoại về".

"Rồi. Nhưng chẳng thấy ai trả lời".

Bằng cười rộ:

"Nghĩa là ông anh đi thì bà chị cũng đi luôn? Như thế là được cả vợ lẫn chồng. Chỉ còn cái nhà không, anh để mặc nó, quan tâm đến làm gì?"

Tôi quả quyết:

"Thế nào tôi cũng phải về qua nhà một lát".

Bằng nói:

"Chờ tôi, tôi đưa anh về".

Tôi không nghe, xuống đường, gọi taxi về trước. Xe vừa ngừng trước cửa nhà, tôi đã thấy ngay là có chuyện bất thường xảy ra.

Cánh cổng đêm nào cũng đóng kín từ chín giờ tối tới sáng hôm sau, buổi sáng hôm đó mở toang. Nhìn vào trong, cửa vào phòng khách cũng mở rộng. Tôi trả tiền xe, chạy vào. Chiếc máy truyền hình, máy hát và máy thu băng ở phòng khách không còn ở những chỗ cũ. Tôi chạy vào phòng ngủ. Tủ áo cũng mở toang hai cánh. Kẻ trộm đã đột nhập đêm hôm trước trong khi cả tôi lẫn Thu Hà đều không có nhà. Chúng có thừa thì giờ để khuân đi tất cả những gì chúng có thể khuân đi được. Chúng đã lục lọi cùng khắp. Đến cái ngăn bí mật ở một góc tủ áo, nơi Thu Hà để tiền bạc và đồ nữ trang của nàng, chúng cũng khám phá thấy.

Tôi chạy xuống nhà bếp. Chị người làm mở choàng mắt, ngơ ngác khi tôi đánh thức chị ta dậy. Chị ta không biết gì hết, nói là suốt đêm không nghe thấy một tiếng động khả nghi nào. Có thể là chị ta đồng loã với bọn trộm, mở cổng cho chúng vào. Có thể. Thế thôi. Không có bằng chứng nào buộc tội chị ta được hết. Tôi đành lên nhà trên chờ Thu Hà về. Đến mười giờ, Thu Hà mới về cùng với Liễu. Thấy nữ trang và tiền bạc biến mất. Thu Hà vật vã than khóc, chúng tôi không còn biết làm thế nào hơn là đi trình quận. Vụ trộm không điều tra được ra manh mối. Người chị Hai bị giữ ở quận một ngày rồi cũng được thả về. Tính ra, cả đồ dùng lẫn tiền bạc, bọn trộm đã làm được một mẻ lớn, trên dưới một triệu đồng.

Vụ mất trộm khiến Thu Hà buồn bực hết chỗ nói. Nàng gây với tôi, nói tôi phải chịu hết trách nhiệm. Làm như tôi có bổn phận phải ở nhà, coi nhà, để nàng muốn đi đâu thì đi, muốn vắng nhà lúc nào cũng được vậy. Tôi đã bực mình vì thái độ tối thậm vô lý của Thu Hà còn bực mình phải ra quận trình báo, đi lại nhiều lần mất thì giờ.

Tức giận tôi, Thu Hà đâm ra thù ghét luôn căn biệt thự. Nàng nói ngôi nhà cũ đem đến cho nàng hết bất hạnh này đến bất hạnh khác. Nàng đòi tôi bán nó đi mua một căn nhà khác. Bao nhiêu chuyện là bấy nhiêu bực mình mới xẩy ra sau đó.

Từ sau vụ trộm, Thu Hà càng đi khoẻ hơn. Suốt ngày suốt đêm. Chúng tôi sống với nhau hệt như một cặp vợ chồng ly thân chờ ngày ly dị. Hệt như thế. Không khác. Liên hệ tình cảm giữa hai chúng tôi chỉ còn là một sợi dây mỏng manh, có thể đứt phựt bất cứ lúc nào. Tôi cũng nhân cái đà Thu Hà đi miệt mài, để đi luôn từ sáng đến chiều, và luôn luôn đến sáng ngày hôm sau. Căn phòng ở phía sau bàn giấy biến thành căn buồng riêng mà Bằng đã dành hẳn cho tôi sử dụng. Mụ Hường ra Trung rồi mụ Hường từ ngoài miền Trung trở về. Chúng tôi lại đưa nhau đi chơi, lăn mình từ một truỵ lạc này đến một truỵ lạc khác, vùi ngập miệt mài trong trác táng. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã có đến năm bảy người tình, nếu danh từ người tình cũng có thể dùng cho người đàn bà nào đã ăn nằm với mình một vài lần. Thu Hà cũng biết như thế nữa.

Mới đầu nàng còn la lối. Cuối cùng nàng để mặc. Đúng là trường hợp, tuy tiếng là chung sống dưới một mái nhà nhưng đã anh đi đường anh, tôi đường tôi, mỗi người sống hoàn toàn với tự do riêng biệt.

Tình trạng kéo dài như thế cho đến ngày tôi bị bắt.

Trước khi thuật lại cái trường hợp bị bắt, cũng nên nói đến sự làm ăn chung của Bằng và tôi. Chúng tôi hái ra tiền. Tôi không thể ngờ một công việc làm ăn phi pháp lại có thể tiến hành một cách đường hoàng như vậy. Sự thành công dễ dàng bao giờ cũng đem đến sự coi thường, không cẩn thận, không đề phòng tích cực như trước. Bằng mua tiền, tích trữ tiền, đổi tiền một cách lộ liễu, không thèm che giấu gì hết.

Đến nỗi, một hôm tôi phải nói:

"Chúng mình nên cẩn thận".

Bằng cười:

"Chẳng sao, anh đừng lo".

Tôi lo lắng:

"Đã nhiều tổ chức như mình bị phá vỡ, không lo sao được".

Bằng cười:

"Họ khác. Mình khác".

Thái độ chủ quan của Bằng thật ra cũng chẳng nên ngạc nhiên. Tính Bằng từ xưa tới giờ là thế. Y nhìn cuộc đời như canh bạc. Sống với Bằng chỉ có hai mặt, một mặt là may một mặt là rủi. Theo Bằng khi sự may mắn ở với mình, khó khăn nào cũng vượt qua được, trở lực nào cũng san phẳng được. Ngược lại nếu may mắn không còn nữa, đề phòng cẩn thận đến mấy, bất hạnh cũng vẫn đến như thường, không làm sao tránh được.

Mặt khác, công việc làm ăn phi pháp mà Bằng đang theo đuổi, với y không có gì là xấu xa hết. Y thường lý luận với tôi một cách rất đơn giản như thế này là cuộc sống chung quanh đã đầy đặc cái xấu xa, cái bẩn thỉu, y có làm bẩn, làm xấu cũng chỉ là làm theo tất cả mọi người. Lý luận ngang chướng ấy, nghe mãi, thấy nó cũng hợp lý. Nhìn sang chung quanh, tôi phải công nhận với Bằng là cái bẩn nhiều thật và cái xấu thì vô vàn. Thế nhưng, sự liều lĩnh của Bằng cũng làm tôi hoảng sợ. Những ổ buôn lậu tiền mỹ kim bị phá vỡ lung tung khiến tôi lo lắng là sau người khác sẽ đến lượt chúng tôi.

Tôi đề nghị:

"Hay là mình tạm ngưng hoạt động một thời gian".

Bằng cười, hất hàm:

"Để làm gì?"

"Cho nhà chức trách quên chúng ta đi một thời. Sau đó sẽ hoạt động trở lại".

Bằng không đồng ý. Và giải thích:

"Có phải lúc nào mình cũng làm ăn dễ dàng, thuận tiện như thế này được đâu. Sẽ có những mùa khô, ngồi mốc ra đấy hàng năm bảy tháng liền không tìm được mối hàng nào. Nhà chức trách một khi đã theo dõi mình, không bao giờ buông tha đâu, cho dù mình có ngừng hoạt động một thời gian".

Bằng kết luận:

"Vậy chúng mình chỉ có hai cách. Một là ngừng thì ngừng luôn hai là tiếp tục thì tiếp tục hoài hoài, mãi mãi, bất chấp nguy hiểm".

Tôi nín thinh. Sống với Bằng quả như một gã leo dây trong gánh xiếc, ngập ngừng một giây, phân vân một chút là rớt xuống, là ngã lộn nhào đầu. Tôi thấy mình bị thúc đẩy lôi cuốn tới cái tình trạng không ngừng lại được nữa. Nếu tôi có một cuộc sống yên ổn, chắc là cảm thấy nguy hiểm thấp thoáng tới gần, tôi đã thôi, để trở về những ngày tháng phẳng lặng. Nhưng tôi chẳng có gì hết. Ngoài sự nguy hiểm, để sống với nó. Để lãng quên những buồn phiền riêng tây.

Bằng bảo tôi:

"Anh có thể thôi, nếu anh muốn".

Tôi hỏi:

"Phần lời của tôi được nhiều chưa?"

"Nhiều. Nếu chúng ta không tiêu xài như đã tiêu xài từ mấy tháng nay. Anh muốn chia cũng được. Phần anh được chừng nửa triệu rồi đó".

Nửa triệu. Tôi thấy là số tiền này tuy lớn nhưng cũng chưa thể là một bảo đảm cho tôi trong một thời gian lâu dài. Bất quá được dăm bảy tháng. Cuối cùng là tôi lại tiếp tục cho đến khi cả Bằng và tôi cùng bị bắt. Theo dõi chúng tôi đã từ lâu, nhà chức trách giăng dần trước mặt chúng tôi một cái bẫy được che giấu cực kỳ khéo léo. Chúng tôi đã thản nhiên, ung dung bước tới. Và đã rơi vào bẫy.

Sự theo dõi của nhà chức trách thật kín đáo, thật chặt chẽ và cũng thật công phu. Khi bị bắt giải đến quận, làm biên bản tôi mới biết rõ như vậy. Chính mấy người cảnh sát cho tôi biết. Họ không có lý do che giấu nữa bởi cái lẽ giản dị là chúng tôi đã bị bắt quả tang và cũng không chối cãi việc làm phi pháp của mình.

Sự thật là chúng tôi không chỉ bị bắt về một tội buôn Mỹ kim mà còn về hàng chục thứ tội khác. Như mưu đồ trốn thuế. Như tàng trữ đồ ăn cắp, không có hoá đơn, không có biên lai. Chúng tôi bị bắt ở bàn giấy. Sau đó, được dẫn giải đến kho giấu hàng. Cuối cùng, chúng tôi được đưa về quận.

Như mọi lần, Thu Hà đi vắng. Chuông reo hoài hoài, mãi mãi rồi mới thấy cái tiếng nhấc ống điện thoại lên ở đầu dây đằng kia. Đó là người chị Hai.

Tôi gắt:

"Bà đâu?"

"Bà đi từ sớm".

"Đi tìm bà ngay cho tôi".

Sự đòi hỏi thật nực cười, thật vô lý. Làm sao con chị Hai biết được Thu Hà ở đâu để tìm về. Nó nói cho tôi biết như vậy. Tôi đành dịu giọng:

"Nói với bà tôi đã bị bắt".

Con chị Hai hốt hoảng:

"Ông bị bắt thật sao?"

Bộ nó tưởng tôi nói đùa. Tôi không dặn dò gì hơn được nữa vì người cảnh sát hối thúc ra xe không cho nói thêm một lời nào thêm. Dặn dò cũng đến thế mà thôi, Thu Hà chẳng làm gì cho tôi được hết. Trên xe cảnh sát, trong đoạn đường từ bàn giấy trá hình đến quận tôi thầm nhủ với tôi là cuộc vui đã hết, trò đùa đã chấm dứt, những ngày đen tối bắt đầu. Bằng bình tĩnh như thường. Sự bình tĩnh của Bằng làm cho tôi thán phục. Y thật có tư cách, phong thái phải có của một tên trùm buôn lậu. Lúc nguy hiểm cũng như lúc bình thường y vẫn là thằng Bằng coi cuộc sống như một canh bạc. Y cười, nói với tôi.

"Mình được hoài. Bây giờ thua rồi, anh Viễn".

Tôi thiểu não:

"Thua đau là khác".

Bằng nắm lấy tay tôi:

"Đáng lẽ tôi không nên rủ rê anh vào vụ làm ăn này. Tôi thành thật hối hận".

Tôi gạt đi:

"Không nên nói như thế. Anh cũng bị bắt như tôi mà".

"Tôi khác. Anh khác".

Tôi gượng cười:

"Khác thế nào?"

"Tôi đã vào tù, vào khám rất nhiều lần. Thêm một lần nữa cũng chẳng sao. Anh còn gia đình, lại chưa bị thế này bao giờ".

Tôi nhún vai:

"Bị cho biết".

Tuy tôi nói thế nhưng Bằng vẫn băn khoăn. Y hối hận thành thực đã rủ rê tôi vào một cuộc chơi mà cuối cùng tôi đã phải trả một giá rất đắt, ngoài mọi tưởng tượng. Y nghĩ là cuộc sống tôi trước đó tốt đẹp. Vì y, nó trở thành xấu xa. Y nghĩ là tương lai tôi trước đó rực rỡ, sau đó cái rực rỡ chỉ còn là cái tối tăm của một vực thẩm tôi đã ngã xuống.

Bằng sốt sắng:

"Anh đừng lo, tôi nhận hết tội về phần tôi".

Tôi cười:

"Không bao giờ tôi lo như thế. Chúng mình cùng nhận chịu hậu quả làm việc của chúng mình. Thế thôi".

Bằng cãi:

"Nhưng anh khác. Anh không phải là cái thằng trùm buôn lậu chuyên nghiệp như tôi".

Điều mà Bằng không tài nào hiểu được là tôi đã mệt mỏi đã chán nản đến cái độ tôi không thiết tha gì nữa. Mọi giới hạn đã bị phá vỡ. Tôi đã buông thân thế vào một dòng thác lũ mặc cho nó trôi dạt tới bến bờ nào cũng được. Thì còn kể gì đến lao tù đến tai tiếng. Tôi đã hoà mình vào một lối sống không thể là của tôi. Để tìm lãng quên. Cũng là để đánh lừa mình. Tôi đã thức đêm, uống rượu, trác táng, không phải là thích bừa bãi, phóng đãng như vậy. Chỉ là để quên đi được phần nào những ưu phiền muôn mặt đè nặng lên một thâm thức đã chán chường đến cực điểm.

Thấy tôi thản nhiên, Bằng tỏ ý thán phục:

"Không ngờ anh cũng can trường lắm".

Tôi đùa:

"Can trường từ lâu. Bộ bây giờ anh mới biết?"

Bằng gật, thành thật:

"Bây giờ mới biết đó".

Tôi nghĩ đến Hường:

"Cũng may Hường không bị bắt".

Bằng phì cười:

"Rồi cũng bị".

Tôi ngạc nhiên:

"Sao vậy?"

"Mụ đó liều lắm. Sẽ tiếp tục như thường cho đến khi nào bị tóm như chúng mình".

Bằng nháy tôi:

"Anh biết mụ ấy mê anh lắm không?"

"Đâu có".

"Thật mà. Cũng là chuyện lạ lùng. Hường nào còn tình yêu, nào còn rung động. Thế mà gặp anh lại chịu quá. Thế nào mụ ta cũng tìm thăm anh".

Chúng tôi bị đưa đến quận cảnh sát, bị tống giam, ra toà và lãnh án tù. Tôi lãnh án tù một năm, Bằng hai năm. Giây phút cực nhọc nhất cho tôi là giây phút đối diện với Thu Hà ở quận cảnh sát. Nàng đến kiếm tôi ngày hôm sau. Thu Hà đã quên bẵng đi là chính nàng đã xúi tôi hợp tác với Bằng. Nàng đã nói nàng rất bằng lòng thấy tôi kiếm được nhiều tiền, dù các kiếm tiền phi pháp và đầy nguy hiểm. Bây giờ nàng trách móc, chửi mắng tôi đủ điều. Tôi giận không thể nào tả được. Nhưng tôi nín thinh không nói một lời mặc cho Thu Hà to tiếng trước mặt Bằng. Nàng hầm hầm:

"Tất cả đều do anh gây ra. Anh đừng trách tôi".

Tôi chán nản:

"Em muốn gì bây giờ?"

Thu Hà láo xược:

"Muốn gì, làm gì rồi anh sẽ biết".

Cho đến lúc vào tù tôi không gặp Thu Hà nữa. Cũng chẳng muốn gặp. Tôi chẳng muốn nàng tới thăm tôi ở khám đường làm gì. Những nơi chốn như thế không phải là những nơi chốn một người đàn bà sang trọng đài các như Thu Hà lui tới. Thời gian ở trong khám tạo cho tôi cơ hội kiểm điểm lại cuộc đời mình trên những chặng đường tôi đã bỏ lại, đã đi qua, bây giờ chỉ còn lưu lại một dư vị chán chường, cay đắng. Tôi muốn quên hết. Nhiều đêm, vào mấy tháng giam cầm đầu tiên, tôi cũng nhớ đến Thu Hà. Nhớ ghê gớm. Và nghĩ đến cuộc sống tự do của nàng ở ngoài, tưởng tượng ra những người đàn ông Thu Hà đang gặp, đang đi chơi với họ, tôi cũng ghen, ghen tuông ghê gớm. Sự bực dọc nhiều khi làm cho tôi mất ngủ và thao thức đến sáng. Nhưng rồi về sau, lòng tôi bình tĩnh thư thái lại dần dần. Thu Hà không bỏ một lần thăm viếng hàng tuần nào, phải công nhận cho nàng như vậy, nàng vào thăm đều đặn, mỗi lần vào mua cho tôi đủ thứ đồ dùng và thực phẩm.

Nàng cũng tỏ ra buồn rầu, và cũng mong mỏi tôi được trả tự do để hai vợ chồng lại xum họp như cũ. Nhưng tình cảm biểu tỏ xem chừng có một việc gì thật gượng ép. Tôi cảm thấy thế, giữa hai chúng tôi. Ngọn lửa tình yêu thắm đỏ ngày nào đã tắt. Còn, cũng chỉ là một đốm lửa leo lét, phai tàn.

Tôi cũng không muốn trách Thu Hà làm gì. Cuộc tình duyên nào của đời tôi cũng như là một lầm lỡ, cuộc hôn nhân nào của đời tôi cũng như một mù quáng, phương diện này ngôi sao bản mệnh của tôi đích thực là một vì sao xấu. Thật vậy. Vì sao đuổi theo tôi bằng cái ánh sáng vẩn đục của nó. Từ Marlène tới Thu Hà. Và có lẽ tới mãi mãi.

Người đàn bà biểu tỏ với tôi một tình nồng nhiệt chân thực và cảm động nhất lại là mụ Hường.

Biểu tỏ tình cảm ở một người đàn bà nạ dòng thường là những biểu tỏ khôi hài, làm cho tức cười, lố lăng và kệch cỡm. Mụ Hường đã có cái lối biểu tỏ đặc biệt đó. Nhưng trong sự lố lăng lại có cái cảm động, trong sự kệch cỡm lại có cái chí tình. Vào khám thăm tôi, vừa nhìn thấy tôi mụ đã khóc oà lên. Những kinh ngạc. Tôi chưa từng thấy Hường khóc bao giờ. Nghĩ chẳng bao giờ mụ khóc. Vậy mà mụ đã khóc nức nở, sầu thảm, và những giọt nước mắt ấy đã dành hết cho tôi.

Cười thì cũng có thể cười được, bởi vì cái cảnh tượng mụ Hường khóc sướt mướt quả là một cảnh tượng khôi hài. Nhưng tôi không cười. Chưa ai thương xót tôi một cách tận cùng như vậy. Mụ Hường nhìn thấy tôi, trong bộ đồng phục của một tù nhân. Và đứng giữa nhà giam chung quanh đầy người, mụ đã xúc động và đưa tay lên bưng lấy mặt khóc thật lớn.

Nhiều cặp mắt ngó chúng tôi chằm chặp. Nhiều tiếng xì xào nổi dậy. Tôi gắt nhỏ:

"Đừng khóc nữa, người ta nhìn".

Mụ Hường cố cầm nước mắt:

"Em ở ngoài Cam Ranh về. Được tin, em muốn vào thăm anh ngay. Loay hoay chẳng làm sao vào được. Thành ra mãi đến hôm nay…"

Tôi ngắt lời:

"Vào thăm anh là tốt rồi. Sớm muộn có sao đâu".

Hường nhìn tôi từ đầu đến chân, xót xa:

"Anh chưa phải như thế này bao giờ".

Tôi cười:

"Chưa. Đây là lần đầu".

Tôi cười, lớn hơn:

"Mong cũng là lần cuối cùng".

Mụ Hường lau nước mắt, nhìn tôi:

"Còn cười được nữa?"

Tôi vẫn cười:

"Không cười thì khóc như em hay sao?"

"Anh ở trong này có khổ lắm không?"

"Mấy ngày đầu chịu không được. Muốn chết luôn. Bây giờ thì quen lắm rồi. Ở suốt đời cũng được nữa".

"Đừng nói nhảm. Anh bị bao nhiêu?"

"Một năm".

"Còn Bằng?"

"Hai năm, gấp đôi".

"Thằng ấy có bị hai mươi năm cũng mặc xác nó. Nó ra tù vào khám nhiều lần rồi chẳng sao. Em chỉ ân hận cho anh. Giá có em ở Sài Gòn, chưa chắc anh bị thế này".

"Sao vậy?"

"Em khôn hơn Bằng nhiều. Nguy hiểm là em biết liền à. Bằng chỉ được cái liều lĩnh. Ngoài ra chẳng biết gì hết".

Tôi hỏi:

"Có muốn gặp Bằng không?"

Hường lắc đầu.

"Em vào đây chỉ để thăm anh thôi".

"Cám ơn".

Hường nắm chặt lấy tay tôi.

"Giá em được ở tù cùng với anh thì hay biết mấy".

Khi Hường nói tuần nào, cũng sẽ vào khám thăm tôi một lần, tôi không bằng lòng. Chẳng phải vì không muốn. Giữa người đàn bà nạ dòng là Hường và người đàn ông lỡ dở công danh không thành sự nghiệp là tôi, đã có nhiều kỷ niệm, nhiều lưu luyến. Ít nhất tôi cũng gặp được một người đàn bà hoàn toàn thành thật với mình. Tôi đang thiếu cho tôi cái đó. Thiếu những đãi đằng, những biểu lộ thành thật. Nhưng tôi bắt buộc phải từ chối sự thăm viếng thường xuyên của Hường. Chỉ vì tôi chưa quên được Thu Hà.

Tôi nói với Hường:

"Tháng sau, hãy vào thăm anh".

Hường ngạc nhiên:

"Anh không muốn?"

"Muốn lắm chứ, Nhưng…"

"Anh sợ em đụng đầu với vợ anh?"

Tôi gật đầu công nhận:

"Đúng như vậy".

Hường ném cho tôi một cái nhìn thương hại.

"Bà ta còn thương yêu gì anh nữa đâu mà anh cần".

Hường nói một sự thật tàn nhẫn. Nhưng cũng là sự thật. Thành ra sự thực nào cũng tàn nhẫn hết. Chỉ có ảo tưởng là không tàn nhẫn. Điều tàn nhẫn cuối cùng lại là người ta không thể sống suốt một đời với những ảo tưởng, mà luôn luôn phải sống với những sự thật tàn nhẫn. Bao nhiêu tình cảm Thu Hà dành cho tôi đã tan biến gần hết kể từ ngày tôi bị bắt.

Thu Hà không còn nhìn thấy tôi là người chồng khả kính của nàng nữa. Trong cái nhìn, trong dáng điệu, trong ngôn ngữ, chỉ còn là sự coi thường. Trước kia, tôi là một giá trị nào đó của Thu Hà. Giá trị ấy không còn nữa. Điều này làm cho tôi đau buồn và thất vọng nhất. Vợ chồng chỉ có nghĩa là cố kết với nhau trong hoạn nạn. Đáng lẽ, những lúc như lúc này Thu Hà phải gần tôi nhiều nhất, khuyên nhủ, săn sóc tôi nhiều nhất. Nàng đã làm trái lại. Nàng không tha cho tôi cái tội thất bại trong công việc. Nàng khinh bỉ tôi khi thấy tôi chỉ còn là một thằng tù.

Tôi thở dài:

"Dù sao, Thu Hà vẫn còn là vợ anh".

Hường thản nhiên:

"Trên thực tế có còn như vậy không?"

Tôi buồn rầu:

"Anh bị giam cầm thế này, làm sao biết được".

Hường hỏi:

"Anh muốn biết không?"

Tôi ngạc nhiên:

"Em hỏi như thế là nghĩa lý làm sao?"

"Để em theo dõi mọi hành động của vợ anh trong một tuần. Xem thế nào. Rồi em vào đây, em thuật lại hết cho anh nghe. Cam đoan chỉ kể lại sự thật. Không thèm thêm bớt, không thèm bịa đặt".

Tôi nghiêm mặt:

"Cấm em làm thế".

"Anh lại sợ phải đứng trước những sự thật phũ phàng?"

"Không phải. Chỉ nhớ là anh không muốn. Cấm em đó".

Hường ngó tôi chăm chú, cái nhìn không trách móc, không thất vọng, nhưng đầy tò mò khó hiểu.

"Anh còn yêu vợ anh đến thế kia ư?"

Tôi nghiêm trang:

"Anh không muốn trả lời em câu hỏi đó. Hỏi như thế cũng không nên. Đừng bao giờ Hường hỏi anh như thế nữa".

Câu nói có phần tàn nhẫn. Đáng lẽ tôi cũng chẳng nên nói như thế để là gì. Nói, chỉ làm tổn thương đến tự ái của Hường, là điều không bao giờ tôi muốn. Sự làm tôi kinh ngạc là Hường chẳng những đã không giận, còn nhìn tôi bằng một cái nhìn kính phục.

Người ta bảo Hường là một thứ đàn bà nạ dòng. Không biết gì hơn là ăn chơi truỵ lạc, và tìm khoái cảm vật chất trong những cuộc tình chốc lát. Hường như thế thật. Đã như thế từ bao nhiêu năm nay rồi. Nhưng tới một phút nào đó, như một vòm trời nặng trĩu mây đen chợt hé lộ một nền trời cao vút và xanh biếc, Hường cũng đã nhìn thấy những cái đẹp, biết được cái phải. Tình cảm chân thật đã làm cho Hường thay đổi. Trên một ý nghĩa nào, người đàn bà này không còn là một người đàn bà nạ dòng như người đời vẫn tưởng nữa. Hay là người đời vẫn tưởng thế thì mặc cho cái nhìn tầm thường, phiến diện của người đời. Tôi đã thấy khác. Thấy ở Hường đã thay đổi một điểm gì tốt đẹp mà Marlène, Thu Hà và những người đàn bà khác đều không có. Sự tốt đẹp ấy được biểu hiện qua câu nói:

"Em lỡ lời. Xin lỗi anh".

Tôi xin lỗi lại:

"Chỉ là anh quá nóng, mất bình tĩnh".

Hường không đả động gì đến Thu Hà nữa. Nhưng sự tôi yêu cầu đừng vào khám thăm tôi luôn thì Hường không chịu nghe.

Công việc buộc người đàn bà trôi dạt này phải đi đây đi đó luôn luôn. Nay Vũng Tàu, mai Đà Lạt. Tuần này ở Cam Ranh, Đà Nẵng, tuần sau ở Biên Hoà, Pleiku. Chỗ nào có Mỹ kim, đồ lậu, hàng không thuế, là có mặt Hường ở đó. Chúng tôi bị bắt rồi. Dĩ nhiên là Hường làm ăn một mình. Như thế Hường càng kiếm được nhiều lời hơn vì khỏi cần phải chi chác cho ai. Vậy mà, theo cái tinh thần một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, Hường cũng thôi hoạt động luôn. Chỉ đến ở chỗ chúng tôi thuê làm bàn giấy. Và tuần nào cũng vào khám thăm tôi một lần.

Một buổi chiều, ở trong khám, tôi đem chuyện này nói với Bằng, Bằng cười:

"Anh cảm hoá được con nhỏ rồi đấy".

Tôi kinh ngạc:

"Làm gì đâu mà cảm hoá?"

Bằng ung dung:

"Cần gì phải làm gì. Nếu anh định cảm hoá một người, sự cảm hoá khó lắm. Nhưng nếu anh không định, sự cảm hoá thường lại xảy ra mà chính anh không hay".

Những buổi chiều ở trong khám dài lê thê. Những ban đêm ở trong khám dài vô tận. Bao nhiêu câu chuyện ngoài đời của người khác đã trở thành những đầu đề thảo luận giữa Bằng và tôi. Cũng hay. Cũng đỡ buồn. Cũng qua được thì giờ khiến cho tôi cũng bớt dẫn được những ý tưởng u uất.

Chúng tôi đã nói chuyện đến những người đàn bà sống ngang dọc hoang toàng như Hường. Chúng tôi còn nói chuyện đến những thân thể những khuôn mặt khác. Đến Marlène. Đến Thu Hà. Đến Nguyệt. Một Marlène như một cái cây trồng xuống đất mới, không hợp thuỷ thổ, khí hậu, cho nên cuối cùng Marlène đã bỏ tôi mà đi. Một Thu Hà bề ngoài thật lãng mạn, bên trong lại thực tế, lại vật chất hơn mọi người đàn bà khác. Tình yêu lớn nhất của tôi mà sự thật thì không phải là tôi. Hay nàng tưởng là tôi mà sự thật thì không phải như vậy. Nàng chỉ yêu những viên kim cương, và cái đám bạn gái mà nàng không chịu xa không chịu mất. Nguyệt có những cái tôi chưa hiểu được. Nguyệt nhẹ nhõm, phóng khoáng. Nhưng nếu lấy nhau, Nguyệt còn là Nguyệt? Hay rồi cũng như Marlène, cũng như Thu Hà? Câu hỏi này, tôi thú thật với Bằng là không làm sao trả lời được.

Bằng cười:

"Cuối cùng, anh đã nghi ngờ?"

Tôi gật:

"Người đàn bà nào với tôi cũng như một thứ đồ vật mà muốn mua được tôi đã phải trả một giá quá đắt. Cho nên tôi ngán lắm".

Bằng cười lớn:

"Anh vẫn thế. Cái chết của anh là anh không thể nhìn đàn bà như tôi".

"Anh nhìn họ như thế nào?"

Bằng nhún vai:

"Một thứ trò chơi".

"Nghĩa là chốc lát, tạm bợ?"

"Phải, hệt như một trò chơi, không hơn không kém".

Chúng tôi nói trở về Hường. Tôi hỏi:

"Rồi cuộc đời Hường sẽ ra sao?"

"Đó là một điều mà nó không bao giờ thèm nghĩ tới. Nhưng rồi anh xem, cũng chẳng sao hết đâu".

Tôi công nhận:

"Chắc thế. Chỉ có tôi còn phiền phức, rắc rối quá".

Chúng tôi lại nói đến Thu Hà, Bằng hỏi:

"Hai ông bà đang ở tình trạng nào?"

"Hết sức bi quan. Hết sức đen tối".

"Liệu có đi đến chỗ bỏ nhau không?"

"Chưa. Nhưng cũng gần".

Tôi không biết trả lời thế nào trước cái quan niệm của Bằng về đàn bà, một trò đùa chốc lát. Tôi cũng muốn nghĩ như Bằng. Cũng muốn sống như Bằng. Có lẽ, Bằng hữu lý, khi nhìn ngắm đàn bà như một sinh vật đầy chứng tật kỳ quái, chỉ nên gần gũi trong một thời gian ngắn và nếu phải xa cách thì đừng bao giờ nên coi sự xa cách ấy là một mất mát lớn lao.

Cho là Bằng hoàn toàn có lý. Cho tôi hoàn toàn sai lầm. Chỉ có điều là Bằng khác. Tôi khác. Và đàn bà với tôi trọn đời là một hệ luỵ tình cảm phiền toái, không thể nào thoát ra, không thể nào phá vỡ.

Tôi bảo Bằng:

"Marlène lừa dối tôi. Vậy mà tôi không quên hẳn được. Hiện giờ Marlène ở Thái Lan. Sống rất huy hoàng vương giả. Tôi mất Marlène vẫn thấy luyến nhớ. Còn con nhỏ Elga nữa. Nó chết rồi và không bao giờ tôi quên được. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nằm mơ thấy nó".

Bằng cười:

"Nhưng mà Marlène thì chắc không bao giờ còn nhớ tới anh".

Tôi thở dài:

"Đàn bà dễ quên. Tôi biết vậy. Nhưng sự đó cũng chẳng đổi thay được gì hết".

Bằng hỏi:

"Trường hợp người vợ đang ở với anh bây giờ cũng bỏ anh như vậy, anh có một phản ứng khác biệt không?"

Tôi ngẫm nghĩ rồi trả lời:

"Chắc là không".

Bằng lắc đầu:

"Cho nên đàn bà mãi mãi làm khổ anh".

Tôi nói như một người đàn bà thường nói:

"Cái số tôi nó thế".

Những buổi chiều trong trại giam, sau này nghĩ lại và nhớ lại có những cái buồn nhưng cũng có những cái vui của nó. Đi đến đâu, Bằng cũng thu xếp cho đời sống của y có được những tiện nghi mà người khác không thể nào có được. Nói về cái tài xoay xở, gây cảm tình với chung quanh, lợi dụng được kẻ này, sai khiến được kẻ nọ, Bằng số dách. Không ai bằng, không ai hơn. Trong tù, lúc nào Bằng cũng có thuốc lá thơm, rượu mạnh và những đồ ăn thức nhậu đàng hoàng như ở ngoài. Chiều nào chúng tôi cũng ngồi nhậu nhẹt với nhau đến thật khuya. Tôi kể hết những chuyện đã xảy ra trong đời tôi cho Bằng nghe. Những mộng tưởng thiếu thời như thế nào, tuổi trẻ tôi như thế nào với những thăng trầm, những biến chuyển của nó tôi đều kể cho Bằng nghe hết, giữa hai ngụm rượu, trong cơn say trong buổi chiều xuống trên trại giam buồn bã. Cuộc sống bên ngoài có những đổi thay gì tôi hoàn toàn không hay biết.

Rồi chuyện phải xảy đến đã xảy đến. Như không sớm thì muộn, nó phải xảy tới, không tránh được. Đó là sự đụng đầu với Thu Hà và Hường. Hôm đó là một ngày thăm tù như thường lệ. Khi tôi được gọi xuống phòng thăm Thu Hà đi cùng với Liễu đã ở đó.

Và Hường cũng đã ở đó nữa. Tôi đứng ngẩn người, không biết xử sự như thế nào, lẽ tất nhiên là trong một trường hợp tương tự, tôi phải lờ Hường đi, để chỉ nói chuyện với Thu Hà và Liễu mà thôi. Tôi định làm như thế. Nhưng Hường không chịu cho tôi làm thế. Tôi cũng không thể trách Hường vào đâu được. Tính Hường ngỗ ngược, ngang chướng. Nàng lại chẳng coi Thu Hà vào đâu. Thành ra thấy mặt tôi là Hường nghiễm nhiên tiến đến ngay.

Thái độ của Hường thật ngang nhiên đường hoàng. Nàng cũng lại nhanh chân hơn Thu Hà nhiều. Thấy một người đàn bà lạ mặt, Thu Hà ngẩn người đứng im.

Hường cũng không đứng lâu. Trao mấy gói quà cho tôi. Hường chỉ nói:

"Em đưa vào cho anh".

Tôi đành trả lời.

"Cám ơn".

Hường quay lại nhìn Thu Hà bằng một cái nhìn khiêu khích. Rồi nói với tôi:

"Em sang phòng bên thăm anh Bằng".

Tôi gật, để cho Hường đi. Thu Hà chờ cho Hường đi khỏi mới hầm hầm đi lại. Nàng hất hàm:

"Con nào?"

"Một người quen của anh Bằng".

Thu Hà gầm lên:

"Sao lại đưa quà cho anh".

Tôi gạt đi:

"Em đừng để ý. Chuyện đó không quan trọng".

Thu Hà quắc mắc:

"Ai bảo với anh là không quan trọng".

Liễu chen vào:

"Anh Viễn quen biết những loại đàn bà đê tiện như thế được sao?"

Tôi có thể nhịn nhục, chịu đựng Thu Hà. Vì nàng là vợ. Liễu không là cái gì hết. So sánh hai người với nhau, theo lối đánh giá của tôi, mụ Hường giá trị gấp mười lần Liễu. Tôi nổi nóng:

"Đê tiện thế nào?"

Liễu hỗn xược:

"Đê tiện ra mặt, anh chưa nhìn thấy sao?"

"Tôi không thấy ở người đàn bà ấy một sự đê tiện nào hết".

Trong khi Liễu ghen hộ cho Thu Hà như thế Thu Hà đứng lặng, nhìn tôi từ đầu đến chân. Không bao giờ tôi quên được cái nhìn ấy. Một cái nhìn làm cho tôi lạnh người. Vì nó là một cái nhìn chán chường và khinh bỉ nhất. Chính phút đó, phải, chính là trong giây phút đó, tôi biết là giữa Thu Hà và tôi hoàn toàn không còn gì nữa. Giọt nước mắt đã tràn bờ. Mọi tình cảm đều bị giết chết. Mãi rồi Thu Hà mới cười nhạt một tiếng:

"Không ngờ anh xuống đến mức đó".

Tôi nói:

"Em đừng hiểu lầm".

Thu Hà nhìn thẳng vào mặt tôi:

"Còn gì nữa đâu mà hiểu lầm".

Nàng vẫy Liễu:

"Thôi chúng mình đi về".

Tôi biết có giữ Thu Hà ở lại để phân trần cũng không được nữa. Nhà giam lại không phải là một chốn thích hợp cho sự phân trần này. Tôi hỏi với, khi Thu Hà đã quay gót:

"Tuần sau em vào thăm anh?"

Thu Hà quay đầu nhìn lại. Nàng ném cho tôi một cái nhìn quái gở. Như tôi đang là một thứ đàn ông xuẩn ngốc nhất thế giới.

"Thăm anh?"

Tôi gật đầu, thảm hại:

"Phải".

Thu Hà bĩu môi:

"Chờ đó, sẽ có người vào thăm. Con mụ đàn bà nạ dòng ấy chăm sóc, nuôi dưỡng cho không đủ sao?"

Không bao giờ Thu Hà vào thăm tôi nữa. Không bao giờ, cho đến khi tôi được trả tự do. Trong mấy tháng cuối cùng bị giam giữ, tôi được Hường kễ cho nghe nhiều chuyện về Thu Hà. Tôi cấm. Nhưng Hường vẫn mở một cuộc điều tra như thường.

Cuộc điều tra đem lại những bằng chứng rất tàn nhẫn và đau đớn. Để trả thù lại, Thu Hà đã cho đám bạn trai của nàng đến nhà. Liễu đưa thêm đám bạn gái hoá dại của Liễu tới nữa. Và ngôi nhà là một địa điểm du hí hàng ngày của chúng nó. Theo Hường thuật lại, những canh bạc được tổ chức thường xuyên ở nhà tôi. Suốt đêm, suốt ngày. Thâu đêm tới sáng. Tôi không có mặt ở nhà, nhưng cái sự tôi không có mặt lại trở thành một sự mừng vui cho mọi người đang có mặt ở đó.

Kể chuyện xong, Hường nói:

"Anh còn đợi gì nữa".

Tôi hỏi:

"Đợi là đợi gì?"

"Anh phải có một thái độ. Đâu có thể để cho chúng nó xem thường rỡn mặt anh như vậy được".

Lời khuyên của Hường hơi muộn màng. Ở cái điểm tôi chưa kịp có một thái độ dứt khoát với Thu Hà thì Thu Hà đã có trước một thái độ dứt khoát với tôi. Nàng thừa rõ là tôi không bao giờ chấp nhận cho nàng đưa bạn trai tự do về nhà. Vậy mà nàng đã đưa chúng nó về, biến ngôi nhà thành một nơi du hí hành lạc.

Thu Hà cũng thừa biết mọi hành động của nàng thế nào cũng được nói đến tai tôi. Biết và Thu Hà đã cố tình cho tôi biết như vậy. Nàng đã thả chất nổ vào cuộc sống chung, làm cho vỡ tan thành muôn ngàn mảnh nhỏ.

Một nguy khốn khác mà tôi phải đương đầu và giải quyết là vấn đề tài chính. Nằm trong khám, tôi đã nợ ngập đến cổ. Nợ tiền luật sư. Nợ tiền mọi người. Tuy Hường ngỏ ý muốn thay mặt tôi trang trải hết các món nợ đó, nhưng tôi không chịu. Ở tù được đến tháng thứ sáu, tôi ngỏ ý muốn gặp Triệu. Triệu là luật sư của tôi. Đang lo liệu cho tôi mọi chuyện. Triệu vào khám. Thấy mặt tôi, anh ta nói:

"Cứ yên tâm nằm mát sáu tháng nữa rồi ra. Còn chuyện gì nữa đâu? Tôi không thể rút ngắn bản án cho anh được. Bởi cái lý do giản dị là nó đã thành án".

Tôi lắc đầu:

"Không phải chuyện ấy".

Triệu khá thân cho nên tôi nghĩ có thể nói chuyện với anh ta về việc gia đình.

"Anh biết tôi và Thu Hà trên thực tế như đã bỏ nhau?"

Triệu gật:

"Tôi không mong cho anh như thế. Nhưng có vẻ là như thế thật. Hôm nọ tôi có đến nhà…"

Tôi ngắt ngang lời Triệu:

"Và anh đã thấy là căn nhà của tôi không còn là của tôi nữa?"

Triệu gật:

"Chị tiếp tôi ở phòng khách. Nhà anh bây giờ là một sòng bạc lớn. Tại sao Thu Hà có thể đối xử với anh như thế được".

Tôi thở dài:

"Đó, anh coi. Tôi chán đời lắm. Chẳng thiết tha gì nữa. Tôi lại nợ nần không biết bao nhiêu người. Trong số đó có anh".

Triệu gạt đi:

"Chẳng sao. Lúc nào anh thanh toán cho tôi cũng được mà".

Tôi nghiệm trang:

"Tôi muốn thanh toán cho anh ngay. Cũng như mọi người. Tôi không thích nợ ai hết. Anh có thể thay mặt tôi bán ngôi biệt thự cho tôi được không?"

Triệu gật:

"Được".

"Anh làm cho tôi việc ấy. Ngay lập tức. Càng sớm chừng nào càng hay chừng đó".

"Cũng phải có sự thoả thuận của Thu Hà".

"Anh điều đình cho tôi để có được sự thoả thuận ấy".

"Tôi sẽ gặp Thu Hà cho anh ngay tuần này".

Tôi bắt tay Triệu:

"Tốt lắm. Kết quả thế nào, anh cho tôi biết ngay. Tôi chờ anh đó".

Một tuần lễ sau. Người bạn luật sư vào khám cho tôi biết anh ta đã điều đình xong với Thu Hà. Thu Hà bằng lòng cho tôi bán nhà, với điều kiện là bán được bao nhiêu phải cho nàng một phần ba khoản tiền. Nghe mà buồn. Tôi có thể cho Thu Hà một nửa. Tôi có thể cho nàng tất cả khoản tiền hay nàng muốn làm chủ căn nhà ấy cũng được. Tôi chỉ đau vì thái độ của Thu Hà trong việc bán nhà. Nàng tỏ ra không cần mảy may cảm tình lưu luyến gì với tôi hết. Chỉ biết tiền. Chỉ muốn cắt đứt.

Nàng nói với người luật sư trẻ tuổi:

"Tôi đã muốn bảo anh ta bán nhà từ lâu rồi. Bây giờ anh ta muốn thế cũng tiện lắm. Càng hay. Bán nhà đi, tôi sẽ trở về nhà cũ của tôi. Hoặc là sẽ đi ở khách sạn. Anh vào khám nói cho anh ấy biết như vậy. Là tôi hoàn toàn đồng ý".

Tôi nghe những lời nói tàn nhẫn, đoạn tuyệt tình nghĩa của Thu Hà và muốn phát điên lên. Giá lúc đó có Thu Hà ở trước mặt, tôi đã đánh cho nàng một cái tát. Hay là tôi điên lên, tôi có thể bóp cổ nàng cho đến chết. Thu Hà không ngờ mà tệ hơn Marlène đến mười lần. Tôi không hiểu tại sao tôi có thể nhầm lẫn về Thu Hà đến thế.

Ngày trước hồi chúng tôi mới yêu nhau tôi nghĩ Thu Hà là một trong những người đàn bà khả ái nhất thế giới. Chỉ trong mấy năm, Thu Hà đã thay đổi hoàn toàn, thay đổi đến một mức độ tôi không thể nào ngờ được nữa. Thu Hà là loại đàn bà không nên lấy làm vợ. Chỉ nên coi như một người tình. Ràng buộc Thu Hà vào hôn nhân là đẩy nàng từ người đàn bà khả ái nhất thành người đàn bà khốn nạn nhất.

Tôi chẳng biết làm thế nào để cứu vãn cho cuộc sống chung đã rơi đổ tan tành.

Ngôi nhà bán đi Thu Hà lấy một phần ba tiền, phần còn lại nhờ luật sư trang trải dùm mọi thứ nợ nần là vừa hết. Thế là trắng tay lại hoàn trắng tay. Tôi cũng không lấy chuyện này làm buồn, còn mừng thầm là như thế cũng nhẹ mình cũng sạch nợ.

Nhà bán rồi, Thu Hà dọn về nhà riêng. Suốt thời gian còn lại của tôi ở trong khám, Thu Hà không vào thăm tôi một lần nào nữa. Nàng chỉ viết cho tôi một lá thư. Đó là một lá thư đoạn tuyệt. Lời lẽ trong thư rất minh bạch dứt khoát. Thu Hà tỏ ý ân hận là chúng tôi không nên lấy nhau. Chỉ yêu thôi, đừng nên lấy. Như thế không chừng chúng tôi yêu nhau được tới trọn đời. Cuối thư Thu Hà nói nàng coi như hai chúng tôi đã ly dị, đã xa nhau hẳn.

Nàng nói nếu tôi muốn gì, cần thanh toán vấn đề gì nữa, tôi cho nàng biết nàng sẽ vào khám thăm tôi…

Tôi viết thư trả lời. Trong thư tôi nói là không có gì cần thanh toán nữa, mọi sự gặp gỡ đều không cần thiết.

Thời gian trôi qua, chậm chạp, lê thê, nhưng thời gian cũng không ngừng lại bao giờ. Tôi lại sống thêm những đêm tù, những ngày tù cho đến khi mãn hạn. Buổi chiều cuối cùng ở lại trong khám, Bằng tổ chức một bữa tiệc từ biệt linh đình không thua gì một bữa ăn tiệm ở ngoài. Cũng đủ thứ rượu sang. Cũng những món ăn cầu kỳ nhất. Chúng tôi mời thêm mấy người bạn mới trong tù tới. Bữa nhậu bắt đầu khi ánh nắng mặt trời đã mất đi trên những mái chòi canh. Tôi uống thật say, thật hào hứng, trong một cảm giác buồn vui lẫn lộn. Được trả tự do sau một năm giam cầm cũng thích lắm chứ cho kẻ nào mất tự do. Nhưng đời sống trong tù cũng đem lại cho tôi thật nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ.

Bằng còn ở lại trong khám một năm nữa. Đó là điều làm cho tôi ngậm ngùi. Thẳng lưu manh, thẳng du đãng đã trở thành người bạn thân thiết duy nhất của tôi. Từ đầu đến cuối. Lúc mọi chuyện tiến hành tốt đẹp cũng như lúc hoạn nạn, y đối xử với tôi thật đẹp. Thật chững chạc, đường hoàng. Với Bằng, tiền tài không đáng kể, tình nghĩa ở trên hết, với Bằng, sống là một trò đùa, sống nguy hiểm mới là sống, và khi phải trả, đắt bao nhiêu y cũng trả, thư thái, ung dung. Thế cũng là sòng phẳng với chính mình. Thế cũng là sòng phẳng với người nữa. Tôi phục Bằng, phục thành thật. Ngờ đâu một thằng lưu manh lại có được một cuộc sống đáng khen ngợi như thế. Tôi tự thấy thua Bằng. Không được như Bằng. Không bao giờ.

Nâng ly rượu mừng tôi được trả tự do, Bằng cười:

"Nào, mừng cho anh Viễn".

Mọi người đều nâng ly. Tôi điềm đạm:

"Uống với nhau cho vui. Vì được uống với nhau. Chứ mừng thì cũng chẳng có gì đáng mừng hết".

Bằng tròn mắt:

"Sao vậy?"

Tôi nhún vai:

"Thành thực tôi chẳng thấy cái sự được trả tự do của tôi có điều gì đáng mừng".

Bằng cười ha hả:

"Bộ anh Viễn muốn ở lại đây?"

Tôi lắc đầu:

"Cũng không phải là thế".

Mọi người nhao nhao:

"Thế là thế nào?"

Tôi nghiêm trang:

"Tôi cũng không rõ. Ở lại cũng không thích. Được phóng thích cũng vậy. Tôi chẳng thấy tôi muốn gì hết".

Bằng uống một ly rượu lớn, gật gù:

"Tôi hiểu được phần nào tâm trạng của anh Viễn. Anh đã chán nản hết thảy, nghi ngờ hết thảy. Nhưng thôi, tâm trạng riêng của anh Viễn thế nào, bọn mình phải tôn trọng không được động chạm tới".

Buổi tối xuống. Không khí bữa tiệc rượu chia tay càng thêm say đắm. Sau này, nhớ lại, trong tất cả những bữa rượu tôi đã uống, uống đến quên đời, uống đến mê loạn thần phách, bữa rượu chia tay với Bằng trong trại giam là bữa rượu sảng khoái nhất, đáng ghi nhớ nhất. Tôi uống thật hào hứng. Tôi uống. Vui buồn trong tôi lẫn lộn, tôi không còn phân biệt được tình cảm mình, tôi sống hoang mang, không chủ định.

Bằng hỏi tôi:

"Anh Viễn ra ngoài định làm gì?"

Tôi nâng cao ly rượu:

"Lại đi buôn lậu".

"Buôn một mình?"

Bằng vừa hỏi vừa ha hả cười lớn. Suốt bữa ăn Bằng nhìn tôi bằng một cái nhìn ngộ nghĩnh. Như tôi vừa hiện hình trong một hình dáng khác, con người ấy, với Bằng là một khám phá mới lạ, và Bằng rất khoái thích trước sự thay đổi này.

Tôi nói:

"Một mình hay mấy mình cũng được".

Vung tay, tôi nói lớn làm sóng sánh ly rượu trên tay:

"Bất chấp. Bất chấp hết".

Bằng vỗ tay đôm đốp:

"Hay lắm".

Tôi gõ mạnh tay xuống mặt sàn:

"Thủ lãnh không phải là Bằng nữa. Từ nay trở đi, thủ lãnh là tôi".

Bằng trố mắt, chỉ tay vào ngực y:

"Anh làm đảo chính. Anh cướp chỗ tôi?"

Tôi làm bộ trừng mắt:

"Không đồng ý sao?"

Bằng vỗ vai tôi, tiếng cười của Bằng lại vang động khắp phòng giam, ngang tàng và chơi bời hết chỗ nói:

"Tại sao không đồng ý? Đồng ý hoàn toàn là đằng khác. Ở đời muôn sự của chung hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi. Từ hôm nay anh là số một, anh là thủ lãnh. Anh là người anh hùng. Anh là trùm buôn lậu. Bàn giao cho anh Viễn ngay từ phút này".

Bằng rót đầy hai ly rượu, cầm lấy một ly, trịnh trọng đưa cho tôi. Tôi đón lấy, Bằng hất hàm:

"Mời đảng trưởng uống cạn ly rượu".

Tôi nâng ly uống cạn. Cuộc đời, cuối cùng là một thảm kịch. Cũng lại không phải như thế. Cuộc đời cuối cùng là một trò đùa. Một trò đùa đáng cười lên cho thật vang động, cũng đáng cười ra nước mắt. Tôi khóc lúc nào không biết. Trong cơn say, nước mắt tôi ứa ra, không giữ được. Tôi cũng chẳng muốn giữ nữa. Tôi để mặc cho tôi khóc, khóc lặng lẽ, khóc buồn rầu cùng với cơn say. Mọi người cùng im bặt trước nỗi xúc động buồn rầu đột ngột của tôi. Chừng như ai cũng muốn kính trọng sự buồn rầu đó.

Bằng hất hàm cho mấy người tù:

"Thôi, thằng nào về phòng thằng ấy. Giải tán".

Tôi gượng cười:

"Tại sao lại giải tán?"

"Anh đang buồn à".

"Buồn vui là chuyện thường. Đừng giải tán. Tôi còn muốn kéo dài. Tôi không muốn giải tán".

Tôi lau những giọt nước mắt, cố hoà nhập trở lại với bầu không khí vui nhộn, hào hứng của tiệc rượu. Khóc một chút, cũng có cái hay. Những giọt nước mắt của tôi không phải là những giọt nước mắt yếu đuối. Khóc xong tự nhiên cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi lại uống nữa. Đến gần nửa đêm tiệc rượu mới tàn. Tôi tiễn chân mọi người. Chỉ còn Bằng ở lại.

Tôi hỏi Bằng:

"Anh muốn nhắn gì ra ngoài?"

Bằng lắc đầu:

"Không. Tôi chẳng có bà con thân thích gì hết. Anh xem đó, thời gian một năm trời bị giam cầm, có ma dại nào vào thăm tôi đâu. Tôi lại thích như thế, chẳng muốn ai thăm hỏi làm gì. Đỡ phiền cho mình và cũng đỡ phiền cho người. Anh có nhận thấy như thế là đúng không?"

"Đúng. Nhưng thỉnh thoảng tôi vào thăm anh được chứ?"

Bằng nghiêm trang:

"Tôi coi đó là một vinh dự lớn".

Tôi ngạc nhiên:

"Một vinh dự? Anh với tôi là bạn mà. Bạn hữu sao còn nói đến vinh dự?"

Bang lắc đầu:

"Không bao giờ tôi là bạn của anh".

Tôi càng ngạc nhiên hơn:

"Sao lạ vậy?"

Bằng bật cười, vẻ nghiêm trang không còn nữa:

"Không bao giờ tôi quên được tôi chỉ là một thằng lưu manh, một gã du đãng. Anh thì không bao giờ như vậy. Tôi và anh là hai loại người, hai giai cấp khác nhau".

Tôi xua tay:

"Chúng mình cùng một tổ chức".

"Khác, vẫn khác. Khi tôi cùng làm công việc đó với anh, tôi thành công, tôi đi lên, cuộc đời tôi coi như một thành tựu hoàn toàn theo ý muốn. Anh đến với tôi từ một phương hướng khác. Chẳng qua anh đang thất bại, đang chán đời, anh đang xuống dốc, anh mới gặp tôi. Như thế là anh đi xuống, tôi đi lên, chúng mình gặp nhau ở đoạn giữa".

Tôi nắm lấy tay Bằng:

"Chả sao".

"Tôi muốn xác nhận với anh rõ ràng điều này. Ít nhất cũng một lần. Như thế tốt hơn. Để không thể có ngộ nhận".

"Anh muốn thế cũng được. Nhưng tôi thì chỉ muốn coi anh là bạn thân nhất".

Bằng chớp mắt, có vẻ cảm động:

"Chúng mình sẽ gặp lại nhau sau".

Buổi sáng hôm sau. Cổng khám mở rộng thả một người tù ra với đời sống bên ngoài. Không bao giờ tôi quên được cái cảm giác lạ lùng của buổi sáng hôm ấy, khi cổng trại giam từ từ khép lại ở sau lưng. Tôi đứng lặng, bàng hoàng, bỡ ngỡ với sự tự do vừa được trao trả lại cho mình sau đúng một năm tù đày. Tôi như từ một thế giới quen thuộc rơi hẫng vào một thế giới hoàn toàn xa lạ. Phải, cái thế giới bên ngoài, sau một năm cách biệt đã chỉ còn là một vùng xa lạ với tôi. Một năm thế là lâu hay chóng? Những chuyện gì đã xảy ra, những đổi thay, biến chuyển nào đã xảy đến cho mọi người? Tôi ngỡ ngàng không có một ý niệm nào về thời gian cũng như về nơi chốn. Tôi lại có tự do. Như một kho tàng châu ngọc quý báu vô ngần bị cướp mất bây giờ lại được trao trả tận tay. Cái điều kỳ quái nhất là tôi chẳng biết sử dụng sự tự do ấy như thế nào, cho những công việc gì.

Trời hôm ấy thật đẹp. Nắng rực rỡ chung quanh. Buổi sáng có một vẻ gì thư thái bình yên, khác biệt với tâm hồn tôi xao xuyến. Tôi bước lững thững, hết nhìn chung quanh lại nhìn trở lại khám đường vừa dời bỏ. Bằng cò4n ở trong đó. Tôi nghĩ nếu sau này, Bằng được tha, tôi lại tìm Bằng, giao dịch với Bằng thân thiết như cũ.

Tôi đang lủi thủi bước đi trên hè đường thì một chiếc taxi tốp lại trước mặt. Cửa xe mở toang. Một người đàn bà đã nhìn thấy tôi, reo lên mấy tiếng reo mừng rỡ. Tôi nhận ra Hường. Hường chạy tới. Chẳng ngại ngùng chung quanh có hàng trăm cặp mắt nhìn ngó Hường ôm chầm lấy tôi. Biểu tỏ của Hường thật tức cười nhưng cũng thật cảm động.

Tôi phải nói thầm vào tai Hường là nhiều cặp mắt đang nhìn chúng tôi bằng những cái nhìn quái lạ Hường mới chịu buông tôi ra.

Hường nói:

"Xin lỗi anh".

Tôi hỏi:

"Có gì đâu mà em phải xin lỗi".

"Sao không? Đáng lý em phải vào đón anh từ lâu. Gặp chủ nhà, thành ra nói chuyện với y lâu quá. Vào muộn, anh có đợi em không?"

Tôi gật:

"Anh nghĩ thế nào em cũng tới. Chủ nhà nào vậy?"

Hường cười:

"Đang điều đình với họ, thuê một cái nhà nhỏ cho anh".

Tôi tròn mắt:

"Thuê nhà?"

Hường thản nhiên:

"Anh không có nhà mà!"

"Anh đang tính mướn một phòng khách sạn".

Hường xua tay:

"Ở khách sạn chẳng ra làm sao hết".

Tôi nhìn Hường đăm đăm. Người đàn bà nào cũng có một cái gì thật lạ lùng. Ở Hường, là một quan niệm rất đơn giản về đời sống. Lên voi xuống chó, ba chìm bảy nổi, bề ngoài là một người đàn bà lão luyện, từng trải mùi đời, nhưng thực ra, Hường đơn giản thật thà, hơn ai hết. Hay là với riêng tôi, Hường đã sống bằng sự chân thật, chỉ với mọi người nàng thủ đoạn và giả dối? Thú thật, tôi không trả lời được câu hỏi này. Tôi rất kém cỏi và lầm lẫn hoài hoài trong những nhận xét của mình về đàn bà.

Tôi dịu dàng:

"Tại sao em làm thế?"

"Anh không bằng lòng?"

Tôi lắc đầu:

"Bằng lòng hay không là chuyện khác. Việc gì liên quan đến anh, em cũng phải hỏi ý kiến anh trước đã".

Hường ngẩn người, cười toe:

"Ử nhỉ? Thì bây giờ em hỏi ý kiến anh rồi đó".

"Để xét sau. Bây giờ cho anh ăn sáng cái đã".

Chúng tôi lên taxi. Sau một năm giam cầm, tôi trở về đời sống tự do, cảm tưởng thứ nhất của tôi trong sự nhìn ngắm thành phố ở chung quanh là thành phố này vẫn vậy. Nếu có một vài điểm khác biệt là nó đông đúc ồn ào hơn, nhưng lại buồn hơn, mỏi mệt hơn chính vì sự ồn ào đông đúc ấy. Xe chạy vào khu trung tâm. Hường ngồi bên cạnh tôi, một tay nắm chặt lấy tay tôi, nhìn tôi không rời. Hường khen tôi béo, trắng ra khiến tôi vừa buồn cười vừa hổ thẹn. Anh nào vào tù cũng vậy hết. Béo ra. Trắng ra. Ngờ đâu khám đường lại là một nơi chốn nuôi dưỡng chu đáo. Đó là cái khía cạnh tức cười nhất và cũng ngộ nghĩnh nhất của tù đày.

Trên xe Hường hỏi tôi:

"Ở trong ấy anh làm gì?"

Tôi nhún vai:

"Ăn ngủ, uống rượu tối ngày".

"Còn Bằng?"

"Cũng thế. Chiều nào hai thằng cũng đánh ngã một chai rượu lớn".

"Anh được ra, Bằng chưa được, anh ấy có buồn không?"

"Không".

Tôi kể cho Hường nghe về bữa tiệc chia tay chiều hôm trước. Nhiều đoạn làm Hường cười lớn. Nhất là cái đoạn tôi đòi thế chân Bằng, làm lãnh tụ đảng buôn lậu.

Hường nói:

"Anh đùa hay thật?"

"Cũng là đùa nếu chẳng làm được việc đó. Cũng là thật nếu hoàn cảnh cho phép".

Hường suy nghĩ rồi nói:

"Em không bằng lòng, dù hoàn cảnh cho phép anh".

Tôi hỏi tại sao, Hường giải thích:

"Nguy hiểm lắm. Bây giờ còn nguy hiểm gấp mười lần. Anh bị bắt một lần là đủ rồi không nên để bị bắt đến lần thứ hai".

Chiếc taxi đi sâu và khu trung tâm thành phố, cảnh tượng càng ồn ào tấp nập hơn. Tôi ngắm nhìn tất cả bằng một cặp mắt chán chường mỏi mệt. Niềm vui gặp lại Hường chỉ như một giọt nắng nhỏ lọt qua một vùng trời mây mù nặng trĩu. Giọt nắng vừa dấy lên đã muốn tắt.
Nguồn: Mai Thảo, Gần mười bảy tuổi, Nxb Nguyá»…n Đình Vượng, 38 Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn, ĐT: 23.595, Giấy phép số 2942/BTT/PHNT, 31-8-1972. Giá 40Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.