trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
24.10.2008
Lê Hoài Nam
Văn chương thiếu tính chuyên nghiệp
(Tham luận tại Hội nghị nhà văn khu vực phía Bắc, tháng 10 năm 2008)
 
Khoảng dăm bảy năm trở lại đây, trên các bãi cỏ lăn cỏ lác hoang vu hai bên bờ con sông Ninh Cơ quê tôi, tự dưng mọc lên những cơ sở đóng tàu sông biển, mật độ ngày càng dầy, tính đến cuối năm 2007 đã có tới 40 cơ sở, xí nghiệp. Vào buổi tối nọ, một vị lãnh đạo tỉnh kéo tôi lên mảnh sân thượng tầng ba của một toà nhà ven sông, chỉ tay về phía những "hoa lửa hàn" sáng loà hai bên bờ sông, ông nói với tôi: "Anh thấy đấy, công nghệ đóng tàu sông biển hiện nay là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh ta, nó sẽ làm cho tỉnh ta thịnh vượng, cất cánh." Ông nói thế thì tôi cũng biết thế, chứ tôi chưa yên tâm lắm về sự lạc quan quá sớm của ông. Và quả thật, chỉ chưa đầy một năm sau, nghĩa là vào thời điểm tôi đặt bút viết bài tham luận này, hầu hết các cơ sở sáng loà ánh lửa hàn ấy sập tối om om vì đã ngừng sản xuất, những con tàu đang đóng dở dang giờ nằm trơ dưới nắng mưa như những bộ xương khủng long thời tiền sử. Công nhân thôi việc hàng loạt chuyển đi tìm việc khác. Nhiều cơ sở đã bắt đầu tính đến chuyện bán sắt vụn, giải thể.

Nguyên nhân dẫn đến thảm trạng trên, có thể phân tích dài dài, nhưng cái căn nguyên cốt lõi nhất, ôm trùm nhất là ngành công nghiệp và thương mại đóng tàu của chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp. Cái sự thiếu tính chuyên nghiệp được thể hiện ở sự hiểu biết chung về ngành tàu thuỷ trên thế giới, về dự báo nhu cầu thị trường, ở trình độ thiết kế và thi công, ở khả năng cạnh tranh và sự rủi ro có thể gặp v.v...

Văn chương của chúng ta hiện nay, thôi thì cái mặt hay ho của nó chúng ta đã nói nhiều rồi, còn cái mặt dở thì mặt dở nổi cộm nhất, dễ nhìn thấy nhất, ấy là sự thiếu tính chuyên nghiệp. Cái sự thiếu tính chuyên nghiệp nó diễn ra từ thủ đô cho tới các tỉnh, nó có cả trong những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và cả những cây bút chưa hội viên, song ở các tỉnh hiện trạng này thấy rõ hơn cả. Thực ra, nhờ những cơ may trong lịch sử mà vào các thế kỷ trước ở các tỉnh từng sinh ra và dung dưỡng khá nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi. Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hàn Mặc Tử, kể cả Nam Cao. Chưa bao giờ những người này ngồi ở thủ đô mà viết văn. Họ sinh sống và viết văn trong những cái làng nghèo đồng chiêm (Nguyễn Khuyến, Nam Cao) và ở các thành phố, thị xã tỉnh lẻ (Tú Xương, Hàn Mặc Tử). Nhân vật trong thơ Nguyễn Khuyến, trong truyện ngắn, tiểu thuyết Nam Cao toàn là nhân vật thật hoặc nguyên mẫu người thật sống ở hai cái làng đồng chiêm của hai ông. Nhân vật của Tú Xương cũng rặt người thật ở cái thành phố tỉnh lẻ Nam Ðịnh. Nhưng ở những gì họ viết ra, ta thấy cái tính chuyên nghiệp của ngòi bút rất cao. Tính chuyên nghiệp được thể hiện ở sự am tường cái nghề văn họ đang theo đuổi, ở tầm hiểu biết văn hoá nhân loại và thẩm thấu chiều sâu văn hoá dân tộc, ở khả năng sáng tác phong phú, dồi dào, bút pháp điêu luyện, thể hiện những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc, hữu dụng cho cuộc sống, được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Nhưng những năm gần đây, hẳn là do cái nhịp sống ở các tỉnh có sự o bế, trì đọng, nhôm nhem nào đó, nó kích cầu cho cái quan niệm xấu đều hơn tốt lỏi - một quan niệm được sinh ra từ môi trường văn hoá tiểu nông - có điều kiện hiện diện, bùng phát, chi phối đời sống văn nghệ. Cái sự xấu đều đầy tính tự phụ nó sẵn sàng cầm chân những ai đứng cao hơn nó kéo tụt xuống cho bằng hoặc thấp hơn nó. Nó đắc ý, hả hê khi thấy người khác kém cỏi hơn nó, bất hạnh hơn nó. Vì thế, khi cái sự xấu đều lấn sân thì đương nhiên cái sự tốt lỏi khó sống, bị rẻ rúng. Sự sáng tạo trong âm thầm cô đơn, vốn là bản chất của nghề văn, luôn phải dè chừng với thứ văn hoá đám đông xấu đều huyên náo, làm mưa làm gió.

Thử làm một phép so sánh: cách đây khoảng 20-25 năm, một Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) địa phương mỗi năm chỉ in được dăm bảy cuốn sách, chục cuốn là nhiều. Còn bây giờ một năm cái Hội ấy in vài chục đầu sách là chuyện "nhỏ như con thỏ". Vậy ai dám nói văn chương ngày nay mất mùa, chỉ là nói càn! Cách đây 20 -25 năm mỗi năm một Hội VHNT tỉnh chỉ kết nạp dăm bảy người, bây giờ mỗi năm vài ba chục người mà xem chừng đám đông ôm hồ sơ xin vào Hội vẫn còn xếp hàng rồng rắn! Ai dám bảo Hội VHNT các tỉnh bây giờ trì trệ, biến tướng biến chất, chỉ là hạng nói nhảm! Biến tướng biến chất mà người ta lại tha thiết xin gia nhập thế đông đúc à!

Vâng, hội viên đông gấp bội, sách ra nhiều gập bội, chỉ có điều phần lớn cái gọi là tác phẩm văn chương ấy nếu không nhạt nhẽo thì lại giáo điều, hoặc vay mượn của người này người khác một cách lộ liễu, sống sít; thậm chí nó sặc mùi hủ lậu. Nó hủ lậu vì nó phơi ra những điều đã quá nhàm chán, cũ kỹ, mốc meo, tù túng, không còn một chút giá trị dung dưỡng trí tuệ, nâng giấc tinh thần con người. Và đương nhiên nó không còn giữ được vai trò góp phần to lớn vào công tác chính trị tư tưởng của Ðảng như hiện nay một số người vẫn còn tự huyễn hoặc.

Cũng là dễ hiểu, bởi lâu nay ở tỉnh rất hiếm những người viết xuất hiện trong tư thế của một trí thức, theo đúng nghĩa của khái niệm này. Các sinh viên từ tỉnh ra Hà Nội học và tốt nghiệp trường viết văn cũng không thấy trở về chốn cũ nữa. Xung thêm vào làng văn nghệ tỉnh thường chỉ thấy 2 loại người:

Một, đấy là những người không có công ăn việc làm hoặc không biết làm việc gì thì tìm đến với cây bút, bởi vốn liếng bỏ ra mua cây bút rất rẻ, kẻ hành khất cũng có thể mua một lúc vài ba cây. Loại người ít vốn này rất cần xin gia nhập Hội VHNT, để được đầu tư tiền in sách, được nổi danh. Loại người này coi tổ chức Hội như một cái phao cứu sinh của đời mình.

Hai, đấy là những người từng có những cương vị không to thì nhỏ trong guồng máy công chức nhà nước. Nhưng khi còn đương chức, anh ta (chị ta) mải mê phấn đấu cho những tham vọng chẳng liên quan gì đến văn chương cả; chỉ đến khi về hưu, sức khoẻ và tinh thần đều đã suy giảm, lại bị hẫng hụt, cô quạnh, họ mới tìm đến với văn học. Họ quan niệm, khi còn sung sức có quyền có tiền rồi thì khi về già phải kiếm thêm cái danh nữa, cho dù là cái danh hão, mới đáng mặt một kiếp người hạnh phúc viên mãn. Mà cái danh thì Hội VHNT chính là chỗ dễ kiếm nhất.

Cả hai dạng người ấy tìm đến với văn học, có thể có người đã có sẵn một chút năng khiếu trời cho hoặc tích tụ được một chút vốn sống thực tế ở xã hội, nhưng về mặt văn hoá, kiến văn, bút pháp hầu như chưa chuẩn bị được gì. Có người trong đời còn chưa từng đọc một cuốn văn học dịch, không thuộc một câu trong Truyện Kiều, hoàn toàn xa lạ với những khái niệm “hiện sinh”, “hiện thực huyền ảo”…, dù những khái niệm này với thế giới, không còn là mới nữa.

Những năm gần đây, trong hàng ngũ lãnh đạo các Hội VHNT tỉnh, những người không làm văn chương đông dần lên, những người làm văn chương ít dần, nhất là người làm văn chương có tính chuyên nghiệp vào thời điểm này đã trở nên rất hiếm hoi, thì đó lại càng là một môi trường màu mỡ cho đám đông văn chương nghiệp dư bành trướng, sinh sôi.

Viết nghiệp dư, nhưng đã là hội viên của Hội VHNT thì không thể không viết. Viết ào ào. Viết như búa bổ. Viết nhảm, viết nhạt, viết thô thiển, hủ lậu, nhưng vẫn được in. Mỗi Hội VHNT tỉnh đều có một tờ tạp chí, được kinh phí nhà nước hỗ trợ, nếu không in tác phẩm của hội viên thì in của ai? Mà đã in thì coi như những tác phẩm ấy được thừa nhận, chí ít thì cũng trong phạm vi một tỉnh một vùng (cho dù ở khá nhiều tỉnh hiện nay, tờ tạp chí văn nghệ in ra chủ yếu dùng để tặng nhau, mà tặng nhau trong giới, chứ tặng người ngoài giới chưa chắc họ đã có thời gian để đọc).

Dăm bảy năm nay, các Hội VHNT địa phương lại có thêm một nguồn đầu tư gọi là tài trợ sáng tác từ chính phủ, rót qua Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam, rồi cơ quan này có trách nhiệm phân bổ về các tỉnh. Hội nào ít cũng được vài ba trăm triệu; Hội nhiều thì bảy tám trăm triệu một năm. Cứ đều đặn rót về. Cái khoản "lộc nước" này tuy không lớn nhưng nó cũng đủ độ kích thích nguồn cảm hứng sáng tác ghê gớm. Có người sắp đến kỳ tiền rót về mà trong tay mới có dăm cái truyện ngắn, là phải vội vàng tăng tốc viết cho nhanh thêm vài ba cái nữa, in thành tập cho kịp lọt vào danh sách tài trợ. Có người in tập thơ mà non nửa số bài trong tập đã từng in ở các tập năm trước, dĩ nhiên là cũng nhằm mục đích ẵm khoản tiền tài trợ. Một miếng giữa làng hơn một sàng giữa chợ, vạ gì không in. Nhưng chỉ in 500 cuốn, thậm chí 200 hoặc 100 cuốn đủ tặng người thân và làm "chứng chỉ" quyết toán cái món tài trợ. Sách in ra, công chúng lạnh nhạt, trong giới cũng thờ ơ; để xua bớt cái không khí buồn tẻ ấy liền nặn ra cuộc hội thảo, cơ hội ngàn vàng cho các tác giả tự thể hiện mình và tâng bốc nhau. Các bài tâng bốc ấy lại được in "thâm canh" trong tạp chí văn nghệ. Tự lừa phỉnh mình và phỉnh nịnh lẫn nhau cũng là một nhu cầu tinh thần có thật trong văn giới thời nay. Chỉ công chúng độc giả là thua đơn thiệt kép, họ chẳng đón nhận được một chữ nào có giá trị từ những "nhà văn nghệ sĩ" ấy.

Rồi cứ 5 năm một lần, những "nhà" ấy lại được thêm một khoản "lộc nước" nữa, đó là giải thưởng văn học nghệ thuật. Giải thưởng này thường được mang tên một địa danh nổi tiếng hoặc một danh nhân văn hoá, văn học sáng giá. Mỗi lần như thế vài ba chục cuốn sách được trao giải, nếu tính cả các bộ môn khác như hội hoạ, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc... thì số "nhà" được giải lên tới bảy tám chục, thậm chí hàng trăm. Tiền giải thưởng chẳng đáng kể gì nhưng được cái tiếng thơm lưu danh thiên cổ!

Cái bằng công nhận giải thưởng thiết kế rất to. Có nơi làm to hơn cả cái bằng khen của chính phủ. Có nơi thiết kế hoa văn cổ kính như cái sắc chỉ vua ban cho kẻ sĩ thời xưa. Chất liệu của bằng là giấy cup-sê cứng, bóng láng, lồng trong khung kính mạ vàng, có thể lưu giữ được hàng trăm năm.

Nhiều lúc tôi cứ vơ vẩn tự hỏi, không hiểu một, hai trăm năm sau, con cháu chúng ta nhìn những tấm bằng giải thưởng rồi dò tìm đọc những tác phẩm được giải ấy, mới vỡ nhẽ ra những thứ được giải ấy toàn là hàng thứ phẩm, nếu không muốn nói là hàng dởm, họ sẽ nghĩ sao về văn chương thời chúng ta đang sống?

Mỗi lần tự hỏi như thế tôi lại bật ra tiếng cười. Miệng bật ra tiếng cười nhưng hai khoé mắt lại lăn ra những giọt lệ.

Khi viết bài này, tôi hoàn toàn không có ý chê bai hay khinh khi cái sự nghiệp dư trong văn chương, bởi có ai cầm bút trở thành nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp mà không phải trải qua cái thời đoạn nghiệp dư kia chứ. Nhưng nếu bằng lòng với tính nghiệp dư, đẩy tính nghiệp dư trở thành lực lượng nòng cốt, chủ đạo, thành phổ biến, chi phối đời sống văn học của cả một địa phương, một vùng đất, thì lại là điều đáng lo ngại, là một hiện tượng xã hội rất không bình thường.

Thị trấn Liễu Ðề, tháng 10 năm 2008

© 2008 talawas