trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
25.10.2008
Mai Thảo
Gần mười bảy tuổi
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Chương 8

Thêm một mùa mưa nữa lại bắt đầu. Những đêm trăng xanh biếc của Hường không còn nữa. Không còn nữa những buổi sáng nắng lớn, những buổi chiều hoàng hôn đỏ thẫm, những đêm sao giải ngân hà sáng rực một vòm trời với một rừng sao thi đua cháy sáng. Mùa mưa thật sự tới, đuổi cái xanh trong về những vòm trời khác. Trời trên thành phố thấp xuống, xám ngắt, nặng trĩu hơi nước, và những trận mưa đầu mùa cũng bắt đầu nổi dậy.

Trên căn gác hẹp, có những đêm dài tôi nằm nghe tiếng mưa. Nghe mưa rơi trên thân thể mình buồn tênh. Nghe mưa rơi trên tháng ngày mình chán ngắt. Tình yêu của Hường không thay đổi được cái tâm trạng thảm sầu này. Tôi sống cái tâm trạng của người trong mấy câu thơ:

Sao lòng ta đêm nay buồn không thể nguôi.
Niềm u uất dâng cao, tháng ngày trôi xuôi.

Đấy là mấy câu thơ của một tâm trạng yếm thế, sầu hận chất ngất, của một cuộc sống đã hết, đã về chiều.

Nằm nghe mưa lại nhớ đến lời hứa giúp đỡ Nguyệt. Bỏ rơi Nguyệt trong khi Nguyệt đã bị cuộc đời tàn nhẫn bỏ rơi là điều không thể được. Tôi phải làm được một cái gì cho Nguyệt. Như giúp nàng một khoản tiền, đưa nàng ra khỏi sự túng thiếu cùng quẫn. Tôi nằm nghĩ hoài mà không ra. Nghĩ đêm nghĩ ngày, nghĩ hết cách này đến cách nọ.

Tôi muốn trở lại với nghề phi pháp cũ, mặc dầu tôi đã thề nguyện không bao giờ còn trở lại con đường cũ. Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền. Kiếm tiền trước hết mang một ý nghĩa, một chứng minh. Cho Hường biết tôi không phải loại đàn ông sống bám vào đàn bà, mãi mãi, mặc dầu Hường không bao giờ đòi hỏi sự chứng minh này.

Sự chứng minh với tôi là một cần thiết. Với Hường, cũng đồng thời cho tôi nữa. Nếu không, tôi không còn là tôi. Tôi chỉ là một hình bóng vật vờ, một cái giẻ rách đeo bám thảm thê vào vòng quay đời sống. Phải làm một cái gì để chống lại cái tâm trạng tê liệt, cái hoàn cảnh bất động kéo dài.

Ý nghĩ bỏ Hường, hay ít nhất cũng xa Hường trong một thời gian nẩy sinh trong đầu óc tôi trong mấy đêm mưa ấy của một mùa mưa đã bắt đầu. Tình yêu của Hường chừng như đã đến lúc tôi không chấp nhận được nữa. Không phải là tình yêu ấy không làm cho tôi xúc động. Nếu thản nhiên, rửng rưng, tôi đã bỏ đi từ lâu, đâu có chung sống được với Hường một thời gian lâu dài như vậy.

Một đêm tôi hỏi Hường:

"Chúng mình ở với nhau được bao lâu rồi?"

Hường không cần nhớ lại nhưng trả lời ngay, tức khắc:

"Tám tháng".

Tôi buột miệng:

"Đã tám tháng?"

Hỏi Hường:

"Thế là lâu hay chóng?"

Tôi muốn tìm hiểu ý Hường thế nào, xem nàng nghĩ về sự chung sống của hai chúng tôi bằng ý nghĩ nào. Hường nghĩ rồi trả lời:

"Em tưởng như mới chỉ vài tháng".

"Tại sao em tưởng như vậy?"

Hường cười:

"Nói ra anh giễu cợt em".

"Không giễu cợt. Nói đi".

"Em đọc thấy ở trong một cuốn truyện vừa coi hôm qua là khi cái gì đẹp quá, đẹp quá sức mình tưởng tượng, cái đó gần như là một giấc mộng".

Tôi chưa hiểu ý Hường. Bèn hỏi:

"Thế là thế nào?"

"Giấc mộng đẹp nào cũng quá ngắn, phải thế không anh?"

"Phải".

"Tám tháng chung sống của chúng mình cũng vậy. Đẹp như một giấc mộng, nên cũng quá ngắn như một giấc mộng quá đẹp".

Thấy tôi nín thinh, Hường lo lắng:

"Anh lại thấy nó quá dài?"

Tôi chối:

"Anh không nghĩ thế. Anh cũng thấy nó quá ngắn, như em".

Bây giờ nhớ lại, tôi mới nhận thức được tất cả sự hèn nhát, đê tiện của mình về cái ý định chấm dứt cuộc chung sống với người đàn bà duy nhất trên trái đất này đã thật tình yêu tôi bằng một tình yêu không bao giờ tìm thấy được ở ngoài đời, nếu không muốn nói chỉ tìm thấy trong tiểu thuyết. Bây giờ, nghĩ lại, tất cả đều đã muộn. Chứ mùa mưa ấy, cái ý định đoạn tuyệt thành hình trong những đêm thao thức nằm nghe mưa rơi, theo tôi là giải quyết tốt đẹp cho cả tôi, cho cả Hường. Chưa có một người đàn bà nào chết vì tôi. Và Hường sẽ quên. Tôi tin như vậy, qua những kinh nghiệm chua chát đã thu lượm được sau nửa cuộc đời tình ái. Marlène yêu tôi như thế. Rồi Marlène tàn nhẫn rũ áo. Có với nhau một đứa con, cũng bằng không. Liên hệ gắn bó đằm thắm đến thế là cùng, rồi cũng mỗi đứa một đường, không tiếc thương, không khóc lóc. Đến Thu Hà cũng vậy, Thu Hà của mối tình đầu tiên, Thu Hà của lần yêu thứ nhất, tình yêu cháy bùng thành lửa, bốc lên thành dông, thổi đi thành bão, vậy mà lúc bỏ đi, Thu Hà tàn nhẫn lạnh lùng, như tình yêu chỉ còn là một đồ dùng bỏ đi vì không cần thiết nữa.

Hường cũng sẽ như vậy. Nàng nói nàng yêu tôi nhưng rồi nàng sẽ lãng quên. Nàng nói chúng tôi phải chung sống với nhau suốt một đời, nhưng nếu chia tay, chúng tôi vẫn lại sống mỗi người một đời riêng không ai làm sao hết.

Thành ra, khi tôi hỏi nếu chúng mình xa nhau, thôi nhau thì sao, và khi Hường trả lời là nàng sẽ héo hon và chết, tôi không tin, cho là Hường nói quá, nói như một nhân vật lãng mạn của những cuốn tiểu thuyết mà Hường đã đọc, đọc mê man đến độ đồng hoá những nhân vật ấy thành nàng.

Tôi nói:

"Người ta sẽ lãng quên những điều tưởng không thể nào lãng quên được".

Hường gật:

"Em biết".

Tôi hỏi, vẫn để tìm hiểu phản ứng của Hường, nếu như sự chia ly giữa chúng tôi trở thành sự thật:

"Chuyện tình dang dở mới là chuyện tình đẹp nhất, em đồng ý thế không?"

Hường lại gật:

"Em đồng ý với anh".

"Anh đi xa ít lâu, em chịu không?"

Hường hỏi:

"Anh nói đi xa là đi đâu?"

Tôi nhún vai:

"Đi làm ăn một nơi xa chẳng hạn. Ra ngoại quốc một thời gian chẳng hạn".

Hường cười:

"Anh làm gì cũng được. Kể cả chuyện anh đi xa".

Nghe Hường nói như thế, tôi yên tâm. Tôi nghĩ là Hường chấp nhận dễ dàng sự chấm dứt, sự xa cách. Lẽ tất nhiên nàng sẽ buồn. Lẽ tất nhiên nàng sẽ khóc. Như mọi người đàn bà đều buồn, đều khóc một chút, trước bất cứ một tan vỡ tình ái nào.

Muốn phá vỡ đời sống ăn không ngồi rồi, muốn chấm dứt những ngày tháng giam cầm trên căn gác nhỏ, việc đầu tiên mà tôi phải thực hiện cho tôi là kiếm được một việc làm. Tôi xuống phố, đi tìm việc lần thứ nhì. Lần thứ nhất, nhớ là thời kỳ tôi mới ở Pháp về. Xuống tới phi trường Tân Sơn Nhất, về tới khách sạn Caravelle, chỉ mấy tuần sau, đi tìm việc làm, tôi mới thấy là đời sống Sài Gòn không dễ dàng như tôi tưởng.

Trong sự khó khăn này, tôi đã khám phá được nhiều sự thật chua chát và cay đắng hết chỗ nói. Những thằng bạn được tiếng là thân thiết nhất đều bỏ rơi mặt nạ, hiện nguyên hình xấu xa đê tiện khi tôi đến gõ cửa xin việc chúng. Tình bằng hữu với chúng chỉ là một danh từ vô nghĩa. Tôi giàu có, chắc chúng đối xử với tôi một cách khác. Nghĩ cho cùng, đó cũng chỉ là một hiện tượng đáng chán nản trong muôn vàn cảnh tượng đáng chán nản mà người ta phải gặp trên tất cả những chặng đường làm nên con đường dài thẳm của đời mình. Biết được sự thật đó, lần đi kiếm việc thứ hai của tôi là một xuống đường đầy miễn cưỡng. Mùa mưa làm cho sự miễn cưỡng ấy trở thành một cực nhọc. Mặc một chiếc áo tơi mưa, đi co ro dưới bầu trời xám ngắt, nước mưa thấm vào những chân tóc, tôi bước những bước thất thiểu, với mặc cảm thất bại đè nặng. Nhiều buổi, không biết đi đâu, tôi tạt vào một tiệm cà phê bình dân, ngồi lặng hàng giờ trước ly cà phê nguội ngắt. Đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, tôi lặng người đi trong nhìn ngắm mưa rơi. Mưa đổ xuống, mưa bay nghiêng, mưa lất phất, đường mưa nào cũng là một đường bay buồn bã. Mưa làm thối trí, làm chán nản, làm cho đầu óc tối đen, tâm hồn tuyệt vọng. Tôi ngồi chán, nhìn mưa chán, lại bò về nhà nằm vật xuống giường.

Những lần tôi đi và trở về như thế, Hường đến gần bên giường săn đón. Nàng hỏi:

"Anh đi những đâu?"

Tôi vắt tay lên trán, trả lời cho xong:

"Nhiều nơi".

"Có được việc gì không?"

Tôi lại trả lời cho xong:

"Nhiều người hứa hẹn nhiều chỗ làm tốt lắm. Nhưng chưa có gì là chắc chắn hết".

Hường lo lắng:

"Anh định thế nào bây giờ?"

Tôi chép miệng:

"Chờ đợi".

Hường dịu dàng:

"Anh vẫn không muốn ra Quy Nhơn với em?"

Tôi gắt lớn:

"Đừng bao giờ nói chuyện Quy Nhơn với anh nữa. Để cho anh sắp đặt lấy công việc của anh".

Hường sợ, không dám hỏi han gì thêm nữa. Những câu chuyện giữa tôi và Hường đều chấm dứt như thế. Bằng sự cáu kỉnh của tôi và bằng sự nín thinh sợ hãi của Hường. Nhớ là trong mùa mưa đó, Hường đã chịu đựng nhịn nhục tôi hơn bao giờ. Sự nhẫn nại ở nàng vô bờ bến. Nàng linh cảm thấy tôi sắp thoát khỏi vòng tay ôm giữ của nàng. Nàng loay hoay tìm đủ cách chống cự lại một tan vỡ đã thấp thoáng, nhưng sự cố gắng của nàng chẳng những đã chẳng giải quyết được gì hết, lại chỉ làm cho tôi bực tức thêm.

Thực ra, tôi không bực tức với Hường, mà với chính mình. Tôi biết trước tôi sắp làm một chuyện không tốt đẹp, nếu không muốn nói là xấu xa và tàn nhẫn.

Vấn đề cuối cùng còn lại là xa Hường cách nào cho Hường chấp nhận được sự xa cách ấy là một hợp lý. Sau mấy đêm liền suy nghĩ, tôi tìm được một lối thoát. Cách thức rất tầm thường và cổ điển. Tôi tỏ cho Hường biết là tôi ngoại tình. Ngoại tình với Nguyệt. Một hôm, tôi ném ra một hòn đá dò đường mới:

"Hường, anh hỏi điều này".

Hường buông cuốn tiểu thuyết đang đọc xuống:

"Gì vậy anh?"

Tôi nửa đùa, nửa thật:

"Nếu bây giờ anh cho em biết là ngoài em ra anh còn một người đàn bà khác, phản ứng của em sẽ như thế nào?"

Hường cười:

"Nếu, không phải là thật. Đã không phải là sự thật, anh còn bắt em trả lời làm gì?"

"Đôi khi anh còn nhớ đến Marlène, đến Thu Hà, em biết như thế không? Họ khốn nạn, tàn tệ với anh, nhưng họ cũng đã sống với anh một thời kỳ, là vợ chồng. Thành ra, muốn quên cũng không bao giờ quên hẳn".

Nụ cười của Hường không được thành thực, tự nhiên như trước đó nữa. Nàng lật một trang sách mới, làm bộ chăm chú đọc. Nhưng tôi biết chỉ hai cái tên Marlène và Thu Hà được chính tôi nhắc lại đã làm cho nàng buồn rầu đau đớn. Người đàn bà nào cũng ghen. Không ít thì nhiều, không cách này thì cách nọ. Tôi biết như vậy. Trước sau Hường vẫn chỉ là một người đàn bà. Nàng đã muốn có tôi, hoàn toàn và riêng biệt cho nàng, nàng đã hy vọng những phần đời về trước của tôi là những quãng thời gian đã ngủ yên vĩnh viễn trong một nấm mồ quá khứ. Tôi nghiệm thấy là khi nào tôi nhắc đến những chuyện cũ của tôi hay của nàng cũng vậy, Hường đều gạt đi, hay lảng nhanh sang chuyện khác. Bây giờ tôi đang đưa quá khứ trở về. Và sự thản nhiên của Hường chỉ còn là một thản nhiên bề mặt.

Tôi lại nói, vẫn những điều Hường không muốn đả động tới chút nào.

"Chắc em cũng thế chứ?"

Hường ngẩng đầu lên, nét mặt đã tái đi và tròng mắt lung linh một ánh lửa mê hoảng.

"Không. Em quên là quên hẳn".

Tôi chép miệng:

"Chúng mình khác nhau rồi đấy, anh không được như em. Thiếu dứt khoát và thiếu cứng rắn".

Ngừng một giây rồi tôi mới thong thả từng tiếng một:

"Anh vừa gặp lại Thu Hà".

Tôi nói bằng một giọng thật nhẹ nhàng mà câu nói đã tác động vào tâm hồn Hường như một tiếng sét bàng hoàng kinh dị. Nàng vẫn ngồi im, tay vẫn cầm cuốn sách đang đọc dở. Nhưng tôi biết, tôi biết nàng đã lặng người đi.

Sự thật tôi không hề gặp Thu Hà. Có gặp, giữa tôi và Thu Hà cũng chỉ còn là một vùng nguội lạnh mênh mông. Tôi bịa đặt chỉ cốt xem phản ứng của Hường như thế nào.

Nàng đau, đau ghê gớm. Lời nói của tôi như một mũi nhọn đâm trúng tử huyệt nàng, làm cho đầu óc tan tành, trái tim chảy máu. Hường gục đầu xuống. Sự yếu đuối tuy vậy chỉ lộ ra trong khoảng khắc. Bằng một cố gắng phi thường, Hường lại gượng cười được ngay. Nụ cười của nàng thật thảm hại thiểu não. Nhưng nàng cười, nàng đã cười được.

"Thế à! Thu Hà bây giờ ra sao?"

Tôi đáp:

"Khá lắm".

"Còn nhớ đến anh không?"

Tôi đáp, lững lờ:

"Anh không rõ, chuyện đó cũng chẳng quan trọng. Thu Hà vẫn ở vậy, nói vừa đi chơi ngoại quốc về".

"Có cho anh địa chỉ?"

Tôi hỏi lại Hường:

"Em hỏi để làm gì?"

"Để biết. Chắc chị ấy phải cho anh biết địa chỉ, trong trường hợp anh muốn đến thăm chị ấy".

Tôi nhún vai:

"Không có lý do nào đưa tới một gặp lại như vậy".

Rồi tôi cắt ngang câu chuyện, đưa tới một câu chuyện khác. Tôi lại nói đến một người đàn bà khác. Một lần tôi đem cả Nguyệt ra làm đầu đề. Nói ngày trước, một thời kỳ thất cơ lỡ vận, tôi đã được một người đàn bà giúp đỡ. Người đó chính là Nguyệt. Tất cả những người đàn bà của những liên hệ quá khứ đó, đều được tôi phác hoạ chân dung bằng một phác hoạ thật diễm lệ. Người nào cũng trẻ trung, cũng đằm thắm hết sức. Hường nín thinh nghe, thỉnh thoảng ngắt quãng bằng một vài nhận xét cố làm ra thản nhiên, nhưng sự theo dõi bình thản thực ra đã là một cực hình cho Hường. Một vài tuần lễ kéo dài trong thứ trò đùa quái ác ấy, và cuối cùng là tôi đã gieo được sự ngờ vực vào Hường. Tôi làm như những người đàn bà ngày trước đã gặp lại tôi, tôi đã nối lại với họ, tôi không còn chung tình với Hường nữa. Thật là đê tiện, nhẫn tâm, và cũng thật là hèn. Nếu tình yêu là một xây dựng chỉ có thể có được ở cả hai phía, phía tôi, một phá hoại đã bắt đầu. Tôi tạo tôi, trước cái nhìn của Hường thành một người tình đã bắt đầu có những mầm mống phản trắc xuất hiện. Làm cho Hường chán dần, thất vọng dần, mất tin tưởng dần cho đến khi giữa hai người, chuyện ăn đời ở kiếp không thể được coi như một sự thật nữa, đó là âm mưu và mục đích của tôi. Và tôi đã thành công.

Hường không nói đến chuyện ra Quy Nhơn nữa, mọi dự định tương lai lâu dài ở Hường đều dẹp bỏ hoặc giấu kín trước thái độ của người tình mà Hường linh cảm thấy sẽ xa nàng, một ngày nào đó.

Cuộc hành hạ kéo dài. Hường cố gắng, chịu đựng bằng một sức chịu đựng phi thường. Nàng bám víu lấy tình yêu cuối cùng mà cũng là tình yêu duy nhất của đời nàng hệt như một người chết đuối nắm lấy một đầu cọc. Phần tôi, tôi đã gieo xong những mầm mống của một tan vỡ và một chia ly bắt buộc phải xảy ra. Vừa lúc đó, tôi tìm một việc làm. Đó là một chân dạy học ở một trường trung học tư thục trên Ban Mê Thuột. Một người bạn cũ làm hiệu trưởng ở trường học đó, về Sài Gòn có việc, tình cờ gặp tôi ở lề đường. Chúng tôi hỏi thăm nhau. Đưa nhau vào một quán cà phê. Thấy tôi than đang ở một tình trạng thất nghiệp kéo dài đã hàng năm, Minh hỏi:

"Thích đi xa ít lâu không?"

Tôi lại hỏi:

"Xa là tận chân trời góc biển nào".

"Lên núi".

"Đốt rẫy, phá rừng?"

Minh cười, lắc đầu:

"Không phải, mà anh làm sao nổi những công việc nặng nhọc như thế. Chừng như anh có một cái vốn ngoại ngữ khá lắm. Tôi có trường, đang thiếu một giáo sư Anh văn. Lên với tôi một thời gian".

Tôi hỏi:

"Một thời gian là bao nhiêu lâu?"

"Anh có thể thôi bất cứ lúc nào. Anh hoàn toàn tự do".

Tôi suy nghĩ. Ở một trường hợp khác, mang một tâm trạng khác, tôi đã cám ơn và từ chối không lưỡng lự một giây một phút. Hường đề nghị tôi ra Quy Nhơn, sống ung dung, sung sướng với nàng, tôi còn từ chối. Lên một vùng heo hút buồn rầu và xa lạ như Ban Mê Thuột để làm gì? Nghề dạy học không hấp dẫn tôi bao giờ hết, không thích nó là đằng khác. Tôi thiếu kiên nhẫn, không có một ý niệm nào về hướng dẫn giáo dục những người tuổi trẻ, tôi trở thành một ông giáo tỉnh nhỏ để làm gì. Thế nhưng cái việc đi xa, và đi một mình, trong một thời gian lại đang nằm trong kế hoạch đoạn tuyệt.

Tôi nghĩ rồi gật đầu:

"Có lẽ tôi đi theo anh".

Minh ngạc nhiên:

"Tôi hỏi đùa cho vui, không ngờ…"

Tôi ngắt ngang lời Minh:

"Không ngờ tôi nhận lời?"

"Phải, một người như anh…"

"Chỉ có thể sống ở thành phố lớn? Ý anh muốn nói thế? Sự thật có đúng như thế. Nhưng tôi đang muốn thay đổi không khí, đang muốn đi xa một thời gian. Đề nghị của anh vừa đúng lúc".

Minh vui mừng:

"Hay lắm".

Tôi hỏi:

"Anh còn ở đây mấy ngày?"

"Nhiều lắm một tuần".

Tôi gật đầu:

"Được rồi. Trước khi đi chúng mình sẽ gặp lại nhau một lần nữa".

Minh hỏi:

"Anh đến tôi hay tôi đến tìm anh?"

Tôi nghĩ phải để cho Minh gặp Hường. Cho chuyến đi của tôi là sự thật, không phải là một bịa đặt. Minh đến tận nhà, Hường mới tin là tôi đi theo Minh lên cao nguyên dạy học được. Tôi trả lời:

"Anh đến nhà tôi".

Minh hỏi:

"Quên chưa hỏi, anh ở một mình hay hai mình?"

Tôi nhún vai:

"Hai nhưng không hẳn là hai".

Minh hiểu ngay ý tôi, cười:

"Nghĩa là một người vợ không hôn thú, một người vợ không bao giờ cưới?"

Tôi nói, hơi ngượng, khi nghĩ đến tình yêu chân thật của Hường:

"Anh muốn hiểu như thế cũng được".

"Anh có thể đưa nàng đi theo".

"A, chuyện đó thì không, tôi lên một mình".

"Anh sợ trên ấy không có chỗ ăn chỗ ở cho hai người? Điều đó, anh khỏi lo. Nhà cửa dễ dàng, thừa thãi là đằng khác, không khó khăn như ở dưới này đâu. Tôi sẽ tìm cho ông bà một chỗ ở ấm cúng thơ mộng".

Minh cười, nói tiếp:

"Một cái tổ uyên ương. Nếu anh muốn".

Tôi xua tay:

"Chính vì không muốn giam mình trong một tổ uyên ương mà tôi đã nhận lời lên trên ấy với anh".

Sau đó, tôi dặn Minh là gặp Hường, Minh phải miêu tả ngôi trường Cao Nguyên như một nơi đèo heo hút gió, và chỗ ở cho giáo sư chỉ là những căn phòng nhỏ, không thuận tiện chút nào hết cho đàn bà. Tôi nói tránh ra là Hường còn có nhiều công chuyện chưa giải quyết xong ở Sài Gòn, nàng muốn đi cũng chưa được. Minh cười, hoài nghi:

"Anh định thực hiện một cuộc bỏ rơi?"

Tôi đỏ mặt:

"Đừng nói bậy. Đâu phải thế".

Con người tôi, bây giờ nhớ lại, buổi nói chuyện với Minh hôm đó ở tiệm cà phê, chỉ còn là hiện thân của sử đê tiện đáng phỉ nhổ nhất. Vừa để tiện lại vừa ngu xuẩn.

Đê tiện vì tôi đã đóng kịch, đã hèn nhát, muốn làm một chuyện xấu mà lại tìm đủ cách che giấu nó bằng một bề ngoài tốt đẹp. Ngu xuẩn vì vở kịch sau đó xét ra hoàn toàn vô ích. Chia tay với Minh sau khi đã cho Minh địa chỉ, tôi về nhà. Nói với Hường là không chừng mấy ngày nữa tôi sẽ đi dạy học ở xa. Điều làm tôi ngạc nhiên là Hường không tỏ vẻ buồn phiền hay phản đối gì hết. Nàng thật hơn Marlène và Thu Hà thì thua xa nàng. Hường đã biết trước. Biết rằng sớm muộn tôi cũng tìm cách bỏ đi, và nàng đã âm thầm chấp nhận sự trở mặt của một người tình đã giả dối, không còn chung thuỷ nữa.

Thấy Hường nín thinh, tôi nói:

"Trường hợp em không bằng lòng, anh sẽ từ chối không đi nữa".

Câu nói này cũng là một đóng kịch giả dối và đê tiện. Từ chối cái gì khi tôi đã quyết định? Hường lắc đầu:

"Anh muốn thế nào cứ tự ý. Em thì thế nào cũng được".

Sự hổ thẹn ngấm ngầm của tôi càng gia tăng trước cái thái độ chấp nhận xa cách không gây chuyện, không phản đối của Hường. Thật không thể ngờ một người đàn bà như Hường khi muốn nghiêm chỉnh, khi chịu thiệt thòi, lại có được một thái độ cao đẹp như vậy. Tuần lễ trước khi đi xa trở thành một cực hình cho tôi. Tôi sống với một mặc cảm tội lỗi tràn ngập. Hổ thẹn, tránh những lúc đối diện với Hường. Gần như không dám nói chuyện, không dám nhìn thẳng vào mặt Hường nữa. Buổi trưa, ban đêm, tôi kéo dài những giờ phút nằm trên giường, nhắm mắt lại, giả vờ ngủ say, hay kiếm cớ có việc phải xuống phố. Tuần lễ đó đúng là tuần lễ dài nhất. Một buổi tối, không muốn ở nhà, tôi tìm đến chỗ ở người bạn gái của Nguyệt. Người bạn Nguyệt tiếp tôi niềm nở, nói chị ta đa được nghe Nguyệt nói chuyện thật nhiều về tôi. Nói Nguyệt có đến nhà chị ta mấy lần trong tuần lễ trước và xem chừng Nguyệt có ý mong chờ tôi lắm. Tôi dặn:

"Mấy hôm nữa tôi đi xa. Nhờ chị cho Nguyệt biết tôi muốn gặp Nguyệt trước khi đi".

"Anh muốn gặp ở đâu?"

Tôi hỏi:

"Nguyệt tránh không muốn cho ai thấy. Sợ phiền luỵ cả tôi, cả Nguyệt. Giá được ở đây thì hay quá".

Người bạn gái của Nguyệt ưng thuận liền:

"Sao không được. Anh hẹn giờ nhất định đi. Tôi sẽ đến nói cho Nguyệt biết".

Tôi tính nhẩm trong bụng. Sáng mai Minh đến nhà, tôi sẽ mượn trước Minh một khoản tiền, càng được nhiều bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Chắc cũng được dăm ba chục ngàn. Được bao nhiêu, tôi cũng đưa hết cho Nguyệt, để thực hiện, bằng được, ít nhất cũng một lần, điều tôi đã hứa.

Đưa cho Nguyệt một khoản tiền, đó là điều cuối cùng tôi làm trước khi rời khỏi Sài Gòn. Tôi nói với người bạn gái Nguyệt:

"Năm giờ chiều mai".

"Được".

Người bạn gái Nguyệt tủm tỉm:

"Chiều mai tôi sẽ cho ông bà mượn cả căn nhà này. Cho hai ông bà được tự do với nhau".

Tôi cười buồn:

"Cảm ơn chị".

Lúc đưa tiễn tôi ra cửa, người bạn gái của Nguyệt còn hỏi thêm tôi.

"Anh đi xa là đi đâu vậy?"

"Tôi lên cao nguyên".

"Làm gì?"

"Tôi tính dạy học trên ấy ít lâu".

Người bạn gái Nguyệt cười:

"Anh bỏ rơi Nguyệt sao?"

Tôi xua tay:

"Giữa tôi và Nguyệt không có gì hết. Chỉ là tình bạn; xin chị đừng hiểu lầm".

"Tình bạn hay tình gì nữa thì cũng là bỏ rơi, vì Nguyệt đang cần anh".

Tôi hơi ngượng đành chỉ biết nói:

"Tôi không thể làm khác. Thôi, chào chị, chiều mai tôi trở lại".

Chiều hôm sau Minh đến nhà tôi như đã hẹn. Chúng tôi nói lại chuyện tôi theo Minh lên dạy học ở Ban Mê Thuột một lần nữa, lần này với sự chứng kiến của Hường. Thật là một màn kịch kệch cỡm mà Hường là khán giả duy nhất. Vừa nói chuyện với Minh, tôi vừa kín đáo thăm dò phản ứng của Hường, tôi đã quyết định đi xa, đi hẳn, không bao giờ trở lại nên mới phải bố trí công phu và cầu kỳ như vậy.

Tuy nhiên, tôi cũng chờ đợi ở Hường một phản đối quyết liệt vào những giây phút cuối cùng, để huỷ bỏ chuyến đi để ở lại, sống tiếp với Hường những ngày tháng khép kín và khuất lánh trên căn lầu chật hẹp.

Trái với dự đoán của tôi, Hường không có một phản ứng nào hết.

Trong một nửa tiếng đồng hồ, ngồi nghe tôi nói chuyện với Minh, Hường lặng lẽ, bình thản như bao giờ, trong một chịu đựng âm thầm không tỏ lộ.

Minh hỏi:

"Anh lên với chúng tôi ít lâu, chị không phản đối?"

Hường chớp mắt, nói thong thả từng tiếng một:

"Anh Viễn làm gì tôi cũng bằng lòng".

Minh cười, đưa mắt nhìn tôi:

"Tất cả những chuyện anh Viễn đã làm từ trước đến nay cũng được chị bằng lòng như thế này?"

Câu trả lời của Hường làm Minh ngạc nhiên:

"Từ trước đến nay vẫn như thế".

Hường yên lặng một giây rồi nói tiếp:

"Lần này cũng thế".

Minh nói:

"Chị có thể lên chơi trên đó nếu chị muốn".

Hường gật đầu. Nàng nhìn tôi bằng một cái nhìn không hiểu tại sao đã khiến tôi ngượng thẹn phải nhìn đi chỗ khác.

"Chừng nào anh Viễn muốn tôi lên, tôi sẽ lên".

Tôi nói cho xong, cho qua:

"Nhất định là Hường lên. Trừ trường hợp tôi không ở lâu trên đó".

Câu chuyện chấm dứt. Tôi đưa Minh xuống cầu thang. Ra đến đầu ngõ, tôi hỏi trước Minh một khoản tiền. Minh đưa cho tôi ba chục ngàn. Tôi giữ lại năm ngàn cho mình. Khoản tiền còn lại tôi tìm đưa cho Nguyệt. Nguyệt đến rất đúng hẹn. Khi tôi tới nhà người bạn gái của nàng, Nguyệt đã có mặt ở đó. Nguyệt vẫn xanh yếu, bệnh hoạn như lần gặp trước. Tôi cho Nguyệt biết tôi đi Ban Mê Thuột, ở trên đó một thời gian, trước khi đi, tôi muốn đưa cho Nguyệt một khoản tiền nhỏ, gọi là giúp đỡ nàng chút đỉnh trong cơn túng quẩn. Nguyệt nhận tiền của tôi. Nàng chảy nước mắt:

"Em chưa thấy ai, gặp ai tốt với em như anh".

Tôi nghĩ đến sự hèn nhát, sự giả dối mà tôi đang thực hiện với Hường. Tôi vẫn còn được coi là người tốt hay sao? Vô lý. Làm gì có sự tốt đẹp đó. Tôi lắc đầu:

"Anh chỉ là một thằng khốn nạn".

Thoạt đầu, Nguyệt tưởng tôi nói đùa. Thấy tôi nghiêm trang, buồn rầu, không cười, nàng mới hiểu tôi nói thật. Nàng nói:

"Anh đừng nói anh như thế. Khốn nạn là những người đàn ông khác. Không phải anh".

Tôi lắc đầu:

"Em chưa biết đó thôi".

Có phải tình yêu, trong cái sự thật cuối cùng và thảm hại của nó là như thế đó phải không? Là một cuộc đuổi bắt và không bao giờ bắt gặp? Là yêu nhưng không bao giờ yêu nhau trong cùng một lúc. Là lúc người này yêu đằm thắm thì ở người kia, sự lạt phai hờ hững đã thấp thoáng hiện hình? Là ở người này tình yêu nóng bỏng, ào ạt, như ngọn triều thì ở người kia ngọn lửa đã tàn và ngọn triều đã rút? Giữa lúc Nguyệt cần tôi, tôi đi xa. Nguyệt cần, sự cần thiết còn nằm trong một giới hạn nào đó. Hường cần, sự cần thiết mới tận cùng và toàn vẹn. Tôi bỏ rơi Nguyệt, Điều đó chẳng đáng kể, ít nhất Nguyệt cũng còn sống với người đàn ông khác. Tôi bỏ rơi Hường, sự bỏ rơi mới là đồng nghĩa với tội ác.

Vậy mà tôi đã bỏ đi. Tôi đã lên Ban Mê Thuột. Đêm cuối cùng, gần nhau, cả tôi và Hường đều không ngủ được. Tôi hỏi chuyện, Hường chỉ nín thinh không nói.

"Sao em không nói chuyện với anh?"

Hường quay mặt đi chỗ khác:

"Anh ngủ đi. Mai lên đường sớm".

"Anh sẽ viết thư về thăm em".

"Vâng".

Tôi dặn:

"Nhận được thư nhớ trả lời anh ngay".

"Vâng. Em sẽ viết trả lời".

Chỉ có thế. Tôi chưa đi, Hường đã chết rồi. Chết trong tâm hồn. Chết vì trái tim nàng tuy vẫn đập nhưng đã chảy máu, đã vỡ tan thành muôn nghìn mảnh nhỏ. Nàng đã hiểu rõ cái ý định đen tối của tôi, cái ý định muốn chấm dứt, muốn đoạn tuyệt, bằng một lần đi xa. Và ý định đó đã giết Hường, làm cho Hường chết. Đó là lần chết mới. Lần chết đầu tiên vì tình yêu cũng là lần chết cuối cùng của cuộc đời nàng. Ngày trước, sự truỵ lạc đã giết chết nàng, một lần. Thân thế nàng ê chề, da thịt nàng tàn héo bởi vùi ngập đắm chìm trong miệt mài truỵ lạc. Tình yêu chợt đến. Như ánh nắng ban mai. Như trận mưa đầu mùa. Mảnh đất cằn cỗi dần dần tốt tươi. Trong cái héo hon bất ngờ hồi sinh, đời sống thoát xác lại nẩy ra được những mầm hạt mới. Hường như thế. Hường là một mầm hạt mới. Điều khốn nạn cho nàng là mầm hạt của một hồi sinh ấy chỉ có thể sống, nếu nó nhận được một nuôi dưỡng chu đáo. Sự nuôi dưỡng đến từ tôi, do nơi tôi. Đáng ân hận, biết chừng nào, đáng ân hận cho cả tôi cả Hường là sự nuôi dưỡng ấy không có, mãi mãi.

Đêm hôm đó, thật khuya tôi mới ngủ thiếp đi. Và, có cảm tưởng như lúc tôi chìm vào giấc ngủ, thì, như một hòn đảo trơ vơ giữa một đại dương mênh mông không cùng của cô đơn, Hường vẫn thức.

Buổi sáng hôm sau. Trời đất đúng là trời đất của chia xa và đưa tiễn. Trận mưa dấy lên từ nửa đêm về sáng, vẫn còn lai rai chưa dứt. Trời thấp đụng những mái nhà. Nền trời xám đục, nặng trĩu hơi nước của những trận mưa lớn hơn hứa hẹn sẽ đổ ập xuống lúc nào không hay. Trời lạnh. Hường trở dậy từ sớm. Đúng là cả đêm nàng chỉ nằm mà không ngủ.

Nhìn Hường đi đi lại lại, thu xếp quần áo vào va ly cho tôi, tôi chỉ mong Minh đến ngay, đưa tôi thật mau khỏi căn lầu, để cho cả Hường và tôi khỏi phải kéo dài thêm những giờ phút khó thở và ngượng ngập.

Khuôn mặt Hường tái nhợt. Bàn tay nàng run run. Nàng cố gắng trấn tĩnh. Đậy nắp valy cho tôi xong, nàng nói:

"Em đã thu xếp đủ những đồ dùng cần thiết cho anh. Lên trên đó, anh sẽ không thiếu thốn gì hết".

Tôi ấp úng:

"Cám ơn em".

Hường cười một nụ cười kỳ lạ:

"Đó là bổn phận của em. Tại sao anh lại cám ơn".

Tôi lại gần. Tôi ôm lấy Hường:

"Em ở nhà giữ gìn cho khoẻ mạnh".

Hường đáp, yếu ớt:

"Vâng".

Tôi băn khoăn:

"Em muốn dặn gì anh nữa không?"

Hường ngẫm nghĩ thật lâu. Nàng buông thõng hai tay, cúi đầu xuống, nét mặt chìm đắm tan nát. Nàng còn hàng trăm ngàn lời muốn nói với tôi. Như tại sao tôi lại như vậy? Như tại sao tôi lại bỏ nàng? Như nàng coi tình yêu giữa hai chúng tôi là lẽ sống, vận mệnh của đời nàng, tại sao tôi nỡ coi nó là một trò đùa chốc lát.

Phải, Hường đã muốn nói. Muốn trách móc. Muốn buộc tôi phải giải thích. Và hơn nữa, muốn van xin tôi đừng bỏ đi, tôi hãy ở lại. Nhưng nàng đã tôn trọng sự tự do là đời sống của tôi. Nàng biết tôi đã định đoạn tuyệt và nàng bằng lòng để cho tôi được làm như ý muốn.

Cuối cùng, Hường ngẩng đầu lên. Nàng thong thả lắc đầu:

"Không".

Minh tới sau đó. Minh chạy lên:

"Xong chưa?"

Hường đáp, thay cho tôi:

"Xong xuôi cả rồi. Anh Viễn em đang chờ anh".

Tôi nắm lấy tay Hường:

"Anh đi nhé!"

"Vâng. Anh đi".

Hường đưa tôi ra đến cầu thang.

Xuống tới đường, tôi nhìn lên. Thấy Hường đứng bất động, và nhìn theo sau khung cửa sổ.


Chương cuối

Hình ảnh Hường đứng bất động giữa khung cửa trên cao của căn lầu tiều tuỵ cũng là hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận được, về Hường. Cuối cùng. Cuối cùng. Buổi sáng mưa gió, với bầu trời xám ngắt hôm đó cũng là buổi sáng cuối cùng giữa Hường và tôi. Chúng tôi hẹn viết thư cho nhau. Nhưng không có một tờ nào được gửi đi, không có một tờ thư nào nhận được. Hường đứng nhìn tôi trong buổi sáng lên đường có mưa bay về một hướng núi rừng, phút đó nàng biết tôi đã đòi lại tình yêu, lấy lại sự tự do và sự thay lòng đổi dạ của tôi, hơn bất cứ liều thuốc độc, hơn bất cứ một mũi nhọn nào, đã giết nàng. Nàng không sống được nữa. Khi hy vọng duy nhất và hy vọng cuối cùng của nàng đã tắt.

Hai tháng sau, một bức điện tín của một người hàng xóm chẳng hiểu sao biết được địa chỉ của tôi trên cao nguyên, báo tin cho tôi là Hường đã chết. Bức điện tín đến vào lúc tôi đang dạy học. Tôi bàng hoàng cả người. Tôi ngồi lặng đi với trời đất quay cuồng chung quanh, và một tâm trạng rùng rợn khủng khiếp trong đầu óc. Tôi nghĩ Hường sẽ quên. Mau chóng. Dễ dàng. Tôi nghĩ không còn tôi nàng sẽ trở lại cuộc sống phóng đãng của nàng như trước. Để lại lăn mình vào những đêm trác táng miệt mài ở Chợ Lớn. Gặp và làm tình với những người đàn ông khác, như Hường đã thế, sẽ lại như thế, không bao giờ đổi thay. Hường chết được sao? Vô lý. Vô lý quá chừng. Một người đã nửa đời gió sương lăn lộn như nàng mà chết được? Nhất là chết vì tình yêu? Vô lý. Vô lý. Hay là nàng đau mà chết? Dù thế nào đi nữa, cái chết của Hường cũng làm tôi sửng sốt đến bàng hoàng.

Ngay buổi chiếu hôm ấy, tôi bỏ dạy học trở về Sài Gòn. Về tới nơi, nhìn thấy xác Hường lạnh ngắt trên mặt đệm và trước những nhân viên công lực tới làm biên bản, tôi mới được mọi người cho biết là đêm trước, Hường đã uống hết một ống thuốc ngủ. Tôi ngã quỵ xuống bên cạnh xác Hường. Tôi nhắm mắt lại, lòng tràn đầy hối hận. Tôi thầm cầu nguyện Hường tha tội cho tôi, mặc dầu tôi biết tội lỗi của tôi không bao giờ có thể tha thứ được.

Người hàng xóm gởi điện tín, thấy tôi về, mời tôi sang nhà ông ta nói chuyện. Ông ta nói ông ta biết được địa chỉ của tôi vì nhìn thấy một chiếc phong bì ở đầu giường. Phong bì đề tên và chỗ ở của tôi trên cao nguyên. Nhưng phong bì không đựng một lá thư nào ở bên trong. Như thế có nghĩa là Hường đã định viết thư cho tôi rồi không viết nữa. Tính nàng như thế. Nàng yêu. Yêu tận cùng. Yêu sống chết. Nhưng nàng không van xin, không khóc lóc, không đòi tôi ở lại, cũng không viết thư xin tôi trở về, vì nàng biết tình cảm là cái không thể van xin như vậy. Và nàng đã chết. Còn tôi, tôi như thế nào?

Không biết nữa. Chỉ biết là tôi không trở lên cao nguyên, sau đó. Tôi viết thư cho Minh, nói tôi không thể trở lại Ban Mê Thuột, Minh nên tìm một người giáo sư khác thay tôi.

Rồi tôi sang căn lầu, dọn đi chỗ khác. Đời sống của tôi sau đó, không có gì đáng ghi nhớ nữa. Tất cả chỉ còn là một cơn ác mộng. Tất cả chỉ còn là một vô nghĩa lớn lao, không cùng. Tôi chỉ còn là một xác chết mặt dầu tôi vẫn còn sống.

Điều kỳ lạ cuối cùng là lúc sống, Hường tuy chung sống với tôi, nhưng ở ngoài cuộc đời và tâm tưởng tôi. Chỉ đến khi chết rồi, nàng mới ở trong tôi toàn vẹn, như một ám ảnh, như một trừng phạt. Như một hiện hữu tràn đầy.

Bằng đủ mọi hình thức của một cố gắng tuyệt vọng, tôi đã muốn xoá đi sự hiện hữu ấy. Bởi xoá bỏ là một cần thiết. Không có Hường trong kỷ niệm, trong lương tâm và trong trí nhớ, tôi mới tìm lại được cho mình những tháng ngày yên ổn. Mới có thể làm ăn, tính toán chuyện này chuyện nọ. Nhưng cuối cùng, tôi biết là mọi cố gắng ấy đều uổng công. Sự hiện hữu của Hường tuy vô hình mà thật ghê gớm, tuy phảng phất mà ở trong da thịt, trong hơi thở trong máu huyết tôi, mãi mãi. Trừ trường hợp tôi giết chết tôi đi, sự hiện hữu của Hường mới không còn nữa. Tôi đã uống rượu, nhiều và điên loạn hơn bao giờ. Tôi đã say, say như từng lần chết đi, từng lần sống lại. Tôi đã hút thuốc phiện, đắm mình trong truỵ lạc, tìm quên lãng bằng miệt mài đắm đuối trên không biết bao nhiêu thân thể đàn bà. Hết thảy đều vô ích. Vô ích. Đêm, tôi mơ thấy Hường. Ngày tôi nhìn thấy Hường. Cùng khắp. Mọi nơi và mọi chốn. Đôi mắt Hường từ bên kia thế giới lặng lẽ nhìn tôi. Đôi mắt ấy ở trong tôi, sáng ngày, như chính lương tâm tôi đã thức dậy vì cái chết oan khuất của người đàn bà đã yêu tôi, đã chết vì mối tình không được đáp lại. Bây giờ thì tôi như thế này đây. Một xác chết vất vưởng. Một thây ma lang thang. Và cực hình thì chưa chấm dứt. Và cực hình và trừng phạt chỉ mới bắt đầu.
Nguồn: Mai Thảo, Gần mười bảy tuổi, Nxb Nguyá»…n Đình Vượng, 38 Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn, ĐT: 23.595, Giấy phép số 2942/BTT/PHNT, 31-8-1972. Giá 40Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.