trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
29.10.2008
 
Stuckism chống nghệ thuật Ý niệm và chủ nghĩa Hậu hiện đại
Phan Nhiên Hạo dịch và giới thiệu
 1   2 
 
Chống phản-nghệ thuật
“Trong tinh thần những điều cần làm”
  1. Những người Stuckists chống phản-nghệ thuật.

  2. Nghệ thuật Ý niệm (và hồn ma địa phương của nó như nhóm Brit Art) dựa vào và biện hộ bằng nghệ thuật của Marcel Duchamp.

  3. Nghệ thuật của Marcel Duchamp không phải nghệ thuật. Mà là chủ ý và hệ quả của phản-nghệ thuật.

  4. Để biện minh cho phản-nghệ thuật phải có sự tồn tại của nghệ thuật.

  5. Tác phẩm của Duchamp là phản ứng chống lại cái thiết chế nghệ thuật ung thối thiếu trí tuệ của thời đại ông ta.

  6. Nghệ thuật hôm nay phản-nghệ thuật.

  7. Nghệ thuật hôm nay không phải nghệ thuật. Phương pháp sáng tạo của nó là nghĩ ra một cái gì đó không phải nghệ thuật rồi gọi nó là nghệ thuật. Đây chính là ý tưởng của Duchamp.

  8. (Chủ nghĩa Ý niệm được gọi như vậy không phải vì nó tạo nên tình trạng thặng dư ý niệm, mà vì nó chưa bao giờ cố gắng thoát khỏi một ý niệm duy nhất, cái ý niệm nguyên thủy của Duchamp.)

  9. Sự mỉa mai sâu sắc (nhưng hoàn toàn không định trước) của chủ nghĩa Hậu hiện đại nằm ở chỗ nó là một tương đương trực tiếp của những kẻ thích nghi, cái thiết chế không nguyên thủy mà Duchamp đã tấn công.

  10. Nguyên lý của phản-nghệ thuật vô nghĩa trong sự vắng mặt của nghệ thuật.

  11. Sáng kiến duy nhất có sức sống hôm nay là một đường lối Duchamp thật sự chống thói làm dáng, tự tâng bốc, ám ảnh bị cầm tù, chủ nghĩa thích nghi bất tài, cụ thể như Phòng tranh Saatchi.

  12. Những người Stuckist là hậu duệ đích thực của tinh thần những điều cần làm.

  13. Chống phản-nghệ thuật vì nghệ thuật.
Billy Chidish và Charles Thomson
11.4. 2000

(dịch từ nguyên bản tiếng Anh)


*


Nhà văn Cappuccino và sự ngu ngốc của văn chương đương đại


Những người Stuckist là nhóm họa sĩ và người viết độc lập đã gây được chú ý trên toàn quốc mùa hè vừa qua bằng việc công bố bản tuyên ngôn của họ - một tấn công công khai vào chủ nghĩa Ý niệm, nhóm Brit Art, và tính châm biếm đầy tự tôn của chủ nghĩa Hậu hiện đại.

Họ là những nghệ sĩ duy nhất vươn lên tầm quốc gia mà không cần sự hỗ trợ của các định chế, những bảo trợ tư nhân giàu có và thói bợ đỡ của giới phê bình bạc nhược, không một ai trong những kẻ này từng có viễn kiến công nhận sự tồn tại của những người Stuckist.

Niềm tin chính của những người Stuckist là điều mà họ gọi là “đặt tên cho đúng” và “phân định các loại hình nghệ thuật”. Con cá trong bồn kính của Damien Hurst là sự hòa trộn giữa thơ ca ngớ ngẩn và kỹ thuật ướp xác tồi. Là trò bịp quảng cáo đáng vứt, tuyệt đối vô dụng trong tư cách nghệ thuật hay văn chương.

Như đa số mọi người, Billy Childish và Charles Thomson, (đồng sáng lập viên Stuckisim) đã chán ngấy loại nghệ thuật ám ảnh bệnh hoạn bởi sự phi lý và chủ nghĩa vật chất quá độ. Trong khi nhiệt tình cổ võ việc vẽ tranh như hình thái sinh động nhất của nghệ thuật tạo hình và là liều thuốc chữa chứng ung thư thương mại, họ cũng dành mối quan tâm tương tự đối với sáng tác thơ văn.

Mục tiêu của trường phái Stuckist là khai tử chủ nghĩa Hậu hiện đại, giảm thiểu nạn lạm giá của Brit Art và thúc đẩy sự chấn hưng tinh thần trong nghệ thuật và xã hội nói chung.

Kỷ nguyên mới được gọi là chủ nghĩa Hồi phục Hiện đại (Remodernism). Tác phẩm dựa trên sự trống rỗng và nhạo báng, từng được coi là hay ho trong hệ quy chiếu cũ, sẽ không sống thọ trong hệ quy chiếu mới này.
  1. Có loại văn chương phổ thông bom tấn hay tiểu thuyết phi trường bị giới phê bình coi như rác. Có loại văn chương của bọn trí thức nửa mùa rất được yêu chuộng bởi giới phê bình nhưng đối với chúng tôi thậm chí còn rác rưởi hơn.

  2. Văn chương đương đại hèn nhát và không thách thức, bởi vì sự dơ dáy thì chỉ gây buồn chán mà không hay ho. Nếu quý vị ở trong thùng rác, chuyện thú vị duy nhất là làm sao trèo ra khỏi đó chứ không phải chuyện tự mình có thể gây thêm bệnh như thế nào bằng cách xơi rác.

  3. Vấn đề chính của văn chương đương đại, như những loại hình nghệ thuật khác, chỉ có thể luôn là sự phản chiếu một khía cạnh nào đó của tính cách người sáng tạo.

  4. Salman Rushdie là bản tóm tắt của thói khoa trương đương đại và thách thức bất cứ ai tỉnh táo có thể đọc hơn một đoạn văn, bất cứ đoạn nào. Văn chương của ông ta đạt đến đặc tính làm tê liệt bất cứ điều gì đáng nói, cái vị trí được bảo đảm bằng thứ chủ nghĩa thực dụng tự tỉa tót để thắng tất cả giải thưởng. Văn phong của ông ta giả tạo và xúc phạm ngay cả đối với những đầu óc thông minh trung bình, mạch chuyện lung tung và ngôn ngữ trật chìa. Chúng tôi khuyên không nên đọc ông ta.

  5. Chúng tôi cũng không thích các “nhà văn Cappuccino”, cụ thể là Will Self và Martin Amis, (được gọi như vậy vì thiên hướng yêu thích Cappuccino của họ thay vì trà hay café). Chúng tôi cũng chán ngấy Ian Banks, Irving Welsh và Ian McEwan.

  6. Đặc điểm chung của nhà văn Cappuccino là thói tỉa tót tự tâng bốc. Văn chương của y giả tạo và tự ý thức quá đáng đến độ đau đớn.

  7. Nhà văn Cappuccino không phải những kẻ ngoài lề. Thật đáng thương khi thấy những nhà văn dòng chính giàu có và được đãi ngộ đóng vai thánh tử đạo tầng ngầm.

  8. Lễ tấn phong cho buồn nôn là tác phẩm La nausée của Jean Paul Sartre, một bợm rượu trí thức. (Chủ nghĩa Hiện sinh là món đáng chán, ngay cả khi nó còn đang mới.)

  9. Đặc tính của nhà văn Cappuccino là mô tả chuyện thầm kín theo cung cách hôi hám và vụng về của một cậu học sinh trường tư mười hai tuổi.

  10. Việc đề cập đến thói cuồng dâm không biến các nhà văn Cappuccino trở nên nguy hiểm hay thành siêu sao ca nhạc. Các tác giả nên lưu ý là trong đời thực, phần lớn phụ nữ không tự động đòi giao hợp bằng đường hậu môn.

  11. Nhà văn chỉ có thể viết về điều mà hắn thật sự biết. Để phát triển như một nhà văn phải phát triển như một con người.

  12. Nhà văn cố gắng giữ thế đứng thời trang sẽ luôn bị hư hỏng bởi tất cả những giới hạn và sự khoa trương đã tạo nên cái thời trang đó. Điều này áp dụng đồng đều đối với văn chương ngoài lề lẫn loại sùng bái sành điệu và những loại khác ở giữa. Văn chương đích thực xé vụn những hạn chế đó, chứ không làm ma cô cho chúng như đang thấy trong loại văn chương ma túy của những kẻ vờ vịt thảm hại ở Anh.

  13. Trong bất cứ thời đại nào mà nhà văn đang sống, hắn cũng phải nói sai để sửa lại cho đúng.

  14. Nhà văn cần Melvyn Bragg [1] phỏng vấn để được công nhận là nhà văn thì không phải nhà văn.

  15. Nhà văn Cappuccino đau khổ vì không có được địa vị truyền thông như các đồng liêu Brit Art. (Đây là một ân huệ nên cảm ơn.) Y làm ra vẻ khá nguy hiểm và liều lĩnh nhưng nguy hiểm lớn nhất mà nhà văn Cappuccino đối mặt là việc y không được mời đến những tiệc tùng quan trọng.

  16. Một trong những điều tệ hại nhất mà nhà văn có thể làm là cứ nghĩ mình là nhà văn trong lúc viết. Văn chương hay nhất được viết bởi con người. Những tên đần còn muốn trở thành gì nữa ngoài việc làm người? (Điều này đặc biệt đúng với thơ và nhà thơ.)

  17. Trong nghệ thuật tạo hình, bất cứ ý tưởng mới nào (thời trang) cũng được coi là nguyên thủy và cho rằng những hình thức trước đó đã chết hay lỗi thời. Trong văn chương Hậu hiện đại, thơ cụ thể và Finnegans Wake [2] không được coi là đã biến tất cả các loại văn chương khác thành thừa thãi, nhờ vậy mà nhà văn bị bắt buộc ít nhất cũng phải cố giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ-bán nhận diện.

  18. Lý do khả tín cho việc nhà văn phải giao tiếp bằng cung cách dễ tiếp cận hơn là vì, không như nghệ sĩ tạo hình, những người chỉ cần làm ma cô cho tầng lớp đặc tuyển tự lừa mị, nhà văn phụ thuộc vào đám đông công chúng mua sách. Đây là bằng chứng thuyết phục nhất của nền dân chủ trong thực tiễn mà chúng ta từng chứng kiến.

  19. Lợi thế chính của văn chương so với nghệ thuật tạo hình chính mạch hiện thời là nó ít được truyền thông chú ý hơn và vì vậy dễ bỏ qua hơn.

  20. Truy hoan trong tình dục buông thả, mua sắm, ma túy và trò làm dáng hư vô sành điệu là cách lẩn tránh dễ dàng chính mình và cảm xúc thật. Đời sống và sự sâu sắc bắt đầu nơi những trò này chấm dứt. Điều mà chúng ta cần là thách thức làm người, nói một cách khiêm tốn.

  21. Vấn đề tranh cãi là độc giả của Dazed and Confused [3] hay của Time Out [4] ai thời trang nhất, sành điệu nhất và vì thế vô ý thức nhất. Sự quan tâm tới những nhu cầu phù du của xã hội tỷ lệ nghịch với việc nhận biết điều gì đáng biết

  22. Điều gì khiến văn chương lớn vĩ đại? Bước đầu tiên có ý nghĩa là sự hiểu được và thiện chí của nhà văn không khinh miệt độc giả quá mức. Bước thứ hai có ý nghĩa thực ra là viết những điều đáng để hiểu. Những điều không đáng để hiểu trong văn chương thì cũng không đáng để hiểu ngoài đời. Đây là điều khiến văn chương lớn vĩ đại.

  23. Văn chương lớn xuất hiện như để thay đổi thế giới nhưng thật ra điều mà nó làm là phơi bày thế giới thật hơn.

  24. Quan hệ giữa khách quan và chủ quan: thông qua con đường chủ quan mà độc giả liên hệ với chính họ. Chủ quan mà chúng tôi muốn nói đây là kinh nghiệm trung thực không cấm đoán của cảm xúc, những động cơ, khát khao và sợ hãi. Đây không phải là thứ có thể giả mạo. Bất cứ cố gắng lựa chọn một tính cách được định trước nào cũng là sự lẩn tránh trái tim. Bất cứ thứ gì không tim, theo định nghĩa đều chết.

  25. Sự khách quan chỉ cần thiết để nhà văn nhìn thấy chính hắn trong chủ quan, ngăn chặn sự suy thoái vào thói tự kỷ điên khùng và sau cùng là chết cô đơn không xu dính túi ở Hastings [5] .

  26. Nhà văn phải gan dạ và nhân ái. Hắn phải có niềm tin, hay chí ít cũng phải cố gắng hiểu được sự thiếu hụt niềm tin. Bổn phận của nhà văn là quan tâm đến độc giả. Một chút quan tâm cũng tốt.

  27. Nhà văn nỗ lực và trung thành với văn chương của mình sẽ không tránh được việc phải liên tục đối mặt với hạn chế của chính hắn. Đó là lúc nhà văn không tìm thấy giải pháp chỉ bằng việc viết lách, văn chương tồn tại để phục vụ đời sống, đời sống lớn hơn và đòi hỏi nhiều hơn so với bất cứ công việc viết văn nào.

Tóm tắt

Xem ra văn chương đương đại đối mặt với ít vấn đề hơn nghệ thuật tạo hình đương đại, mặc dù cả hai đều có vấn đề của sự phá sản tinh thần. (Ngoại trừ thơ, nói chung là nhạt nhẽo cực độ.)

Bất chấp có lợi thế sau hàng thế kỷ văn chương, nhà văn hiện đại vẫn tỏ ra kém phát triển, kém đương thời và kém sống động hơn những tiền nhân đã chết. Cố làm ra vẻ lớn lao và can đảm, nhưng sự thật hắn sợ ngay cả phát rắm của chính hắn.

Sự phản ánh của chủ nghĩa Hậu hiện đại dựa vào cái vị thế không thể bị tổn thương của loại cảm xúc băng ga-rô cầm máu. Nếu bạn không trải nghiệm đời sống thấm thía hơn sau khi đọc một đoạn văn, văn chương đó thất bại thảm hại. Nếu tâm hồn bạn suy kiệt sau khi đọc một đoạn văn, có khả năng bạn sẽ thấy tác giả đó trên show truyền hình South Bank [6] .

Đôi khi sự thật trần trụi trong văn chương khiến người đọc sợ hãi tê cứng, đó là lúc chất thép trong tâm hồn được lộ ra bằng cách đốt cháy lớp vỏ tự mãn. Đó là văn chương hay. Loại này không xuất hiện trên show truyền hình South Bank.

Billy Chidish và Charles Thomson
3. 5. 2000

Những người sau đây được đề nghị lên Cục Điều tra để cân nhắc làm thành viên Stuckist danh dự: Nicolai Gogol, Fyodor Dostoevski, Mark Twain, Herman Melville, Knut Hamsun, John Fante, George Orwell.

(dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

*


Tình trạng hom hem của nhà phê bình


Những người Stuckist phê bình nhà phê bình
  1. Công việc của nhà phê bình là nhìn thấy sự tự nhiên chân thật của những điều trước mắt, chứ không phải kém nhận thức hơn đứa trẻ sáu tuổi hay ông bán rau.

  2. Nhà phê bình cũng cần có nhiều chính trực, độc lập và can đảm như một nghệ sĩ – không may cả hai đều không sở hữu những phẩm chất này.

  3. Nghệ sĩ thường bị cám dỗ bởi ý nghĩ rằng bất cứ việc gì họ làm cũng đều đặc biệt đơn giản vì họ đã làm chúng. Công việc của nhà phê bình là nhắc nhở nghệ sĩ rằng điều đó không đúng. Hay, trong trường hợp này, công việc của chúng ta là nhắc nhở nhà phê bình rằng những gì mà họ làm cũng chẳng có gì đặc biệt.

  4. Nhằm thỏa mãn khao khát được là một phần của cái cộng đồng tiếng tăm lóng lánh gồm các nghệ sĩ ngôi sao, nhà phê bình phải dắt mối cho những cái Tôi ảo tưởng và vênh váo có khả năng phát vé vào cửa.

  5. Nên có điều khoản bắt buộc nhà phê bình công khai hoá mâu thuẫn quyền lợi và công việc, chẳng hạn Time Out nên thông tin việc Sarah Kent [7] cũng viết catalogue triển lãm cho Phòng tranh Saatchi và Phòng tranh White Cube của J. Jopling.

  6. Nhà phê bình đần độn nhất là nhà phê bình sợ tỏ ra mình đần độn.

  7. Nghệ thuật ý niệm chẳng có gì để nói về mình ngoài thành tựu duy nhất có ý nghĩa là việc gợi hứng cho loại thơ ca tồi trong phê bình.

  8. Khi nghệ thuật đương đại tập trung vào chất liệu tác phẩm, nhà phê bình hài lòng với việc phân tích kỹ thuật của quá trình sản xuất và làm bộ như còn gì hơn thế nữa. Thông đồng với nghệ sĩ vì sự cần thiết xuất hiện sành điệu và thời trang, nhà phê bình tự giảm thiểu mình vào vai trò kẻ mô tả những thứ rất hiển nhiên.

  9. Nhà phê bình nghệ thuật đương đại không phải là nhà phê bình nghệ thuật.

  10. Một trong những ngụy biện trầm trọng nhất là quan niệm cho rằng việc trưng bày một vật thể, như một phần bản chất của kinh nghiệm, theo cách nào đó sẽ diễn dịch một chủ đề hay giải quyết những vấn đề của kinh nghiệm. Một xác cá mập trưng bày như tác phẩm nghệ thuật chẳng nói lên điều gì về cái chết (hay về cá mập) mà chúng ta chưa từng biết thông qua các kinh nghiệm thường nhật khi nhìn thấy xác cá mập, bất chấp ngữ cảnh nghệ thuật của nó. Xác cá mập trong bồn ngâm foóc-môn không nói lên điều gì về sự chết: chính nó là một cái chết. Thông điệp duy nhất mà nó có thể nói lên là, chết thì giống như khi ta ở trong một phòng tranh đương đại.

  11. Cả nghệ sĩ lẫn nhà phê bình đương đại đều không được chuẩn bị để truyền đạt bất kỳ điều gì thích hợp và có giá trị đến đời sống bên ngoài cái khuôn khổ chật hẹp của vương quốc nghệ thuật.

  12. Nhiều người đến phòng tranh để xem cái gọi là nghệ thuật đương đại nhưng đối với họ dường như chẳng có gì ngoài một đống rác. Tuy vậy, vì mọi thứ đặt ở trong phòng tranh và đã được tiếp nhận trịnh trọng bởi các nhà phê bình, những người xem tranh kết luận chúng không thể là rác, rằng có điều gì đó họ đã bỏ qua và họ là những kẻ đần độn. Chúng tôi có tin vui cho những người này: quý vị không hề đần độn.

  13. Như một bài tập tưởng tượng, hãy nghĩ đến bất cứ thứ gì, đặt trong bảo tàng Tate Modern, hay trong một triển lãm British Art, và hãy tưởng tượng một phản ứng phê phán. Một vài món yêu thích của chúng tôi cho kiểu phê phán đó là ủng cao su, nắm đấm cửa, một đống gạch, tai nạn xe mới xảy ra, một tivi đang chiếu chương trình South Bank, và những thứ từ bồn chứa nước thải.

  14. Nhà phê bình cho rằng họ là người diễn dịch cảm xúc, trong khi đơn giản họ đã trí thức hóa chúng. Nói về cảm xúc thì không phải là đang trải nghiệm cảm xúc. Bất cứ ai đang trải nghiệm cảm xúc sẽ không có khả năng viết về chúng với sự lừa mị đầy thuyết phục như vậy.

  15. Sự thống trị của phê bình đã giảm thiểu nghệ thuật thành trò thể thao trí thức. Điều này ảnh hưởng rất tai hại đến xúc cảm của người nghệ sĩ, những người dĩ nhiên tìm kiếm sự tung hô của giới phê bình nhưng dễ bị tổn thương bởi trò bắt nạt, vì thường họ là những người trí tuệ kém cỏi hơn. (Chúng tôi là những ngoại lệ hiếm hoi.)

  16. Nhìn là một trải nghiệm vật chất, hiểu là trải nghiệm văn hoá, và tiếp nhận là trải nghiệm tâm linh; định nghĩa của nghệ thuật đích thực (và của phê bình) là sự cân bằng ba thành tố này.

  17. Thấy thiên hạ thường đặc cược sai vào những con ngựa, nhà phê bình khôn ngoan đề cao những thứ mà họ coi thường và coi thường những thứ mà họ đề cao. Không gì rõ hơn tình trạng này hôm nay khi có sự đồng lòng phê bình gần như phổ quát trong việc nâng bi Pollock, Warhol và Hirst lên hàng thiên tài.

  18. Nhà phê bình hôm nay là kẻ hèn nhát đáng xấu hổ.

  19. Nhà phê bình hiện nay, biết rõ nhiều nhà phê bình trong quá khứ sau cùng đã bị coi là ngớ ngẩn vì lên án sai, nghĩ rằng họ có thể vượt qua những oái ăm lịch sử bằng cách ca ngợi tất cả mọi thứ rác rưởi. Nhưng không phải vì thiên tài từng bị gọi là rác thì suy ra rác phải là thiên tài.
Chấm hết.

Billy Chidish và Charles Thomson
31. 5. 2000

(dịch từ nguyên bản tiếng Anh)


© 2008 talawas


[1]Melvyn Bragg là người trình bày chương trình In Our Time bình luận văn hóa, nghệ thuật trên BBC Radio 4, phát mỗi sáng thứ Năm, lúc 9 giờ.
[2]Tác phẩm của James Joyce, 1939, viết theo lối “dòng ý thức” (stream of consciousness)
[3]Một bộ phim nổi tiếng về giới thanh niên trung học mới lớn, Richard Linklater đạo diễn, 1993
[4]Tạp chí ấn hành bởi công ty xuất bản cùng tên, thông tin và bình luận các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hàng tuần. Time Out có nhiều ảnh hưởng trong sinh hoạt nghệ thuật Anh.
[5]Một tỉnh lẻ ven biển, cách London khoảng 100 km
[6]Chương trình tivi về nghệ thuật trên ITV, Anh quốc, dẫn bởi Melvyn Bragg
[7]Sarah Kent, sinh 1947, nhà phê bình mỹ thuật, từng biên tập mục nghệ thuật của tạp chí Time Out