trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
21.4.2003
Phan Nhiên Hạo
Ghi chép ở New York, những ngày chiến tranh
 
Tôi trở lại New York sau hơn mười năm. Máy bay lượn trên thành phố san sát những ngôi nhà cao tầng một buổi sáng đẹp trời tháng Ba. Tượng Nữ Thần Tự Do vẫn sừng sững trên đường vào cảng New York. Hòn đảo đang đóng cửa vì lý do an ninh. Cuộc chiến tranh Iraq đang bước sang tuần thứ hai. Chiến tranh được chiếu trên TV từng giờ, từng phút với những diễn tiến như trong một bộ phim nhiều tập. Cuộc chiến tranh nào cũng tang thương. Nhưng rất tiếc thế giới không phải chỉ toàn những những kẻ biết chuyện phải trái. Và chiến tranh, cho dù đau lòng, trong nhiều trường hợp là cách duy nhất để tránh cho con người khỏi trở thành những nạn nhân tê liệt của bạo tàn và sự bịp bợp có hệ thống.

Tôi ở tầng thứ 26 của một khách sạn gần Central Park, đối diện với một tòa nhà cao tầng khác bên kia đường, nơi rất nhiều người làm việc cần mẫn trước máy điện toán cho đến bảy tám giờ tối. Ðường phố hẹp lại vì độ cao của những toà nhà hơn 50 tầng. Chỉ cần một ống nhòm thường là tôi có thể đọc được màn hình máy điện toán của những người làm việc ở tòa nhà bên kia. Những tin tức về nguy cơ khủng bố khiến người ở xa hình dung New York vào thời điểm này như một nơi bất an và ngưng trệ. Thật ra thì NewYork vẫn đầy người đi bộ, đầy những xe thức ăn nóng hổi trên lề đường, đầy những chiếc taxi như một bầy bọ vàng bận rộn đi lại, những biển quảng cáo khổng lồ rực rỡ ở Time Square. Ở New York, mọi sự chảy nhanh như trên một dòng sông mùa nước lớn và không có ai quá để ý đến những sự dị biệt.

Buổi sáng tôi đi bộ từ khách sạn lên Viện Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Hoa Kỳ, nơi đang có cuộc triển lãm dân tộc học về Việt Nam. Tôi băng chéo qua Central Park, lá phổi xanh của New York, nơi sáng thứ Tư vẫn có nhiều người nhàn tản ngồi sưởi nắng và nhiều người khác chạy bộ. Trước cổng vào Central Park phía Columbus Circle, ba người đàn ông đang chơi nhạc Jazz. Ðám đông ngồi trên các bức tường thấp quanh các bồn hoa, và ở dưới đất, trò chuyện, ăn uống, nghe nhạc. Một bức tượng thiên thần mạ vàng sáng lóa dưới ánh mặt trời. Cách đó không xa gần Rockefeller Center đang diễn ra một cuộc biểu tình chống chiến tranh. Ở khu Westwood gần đại học UCLA, Los Angeles, cách đây vài hôm cũng diễn ra những cuộc biểu tình chống chiến tranh. Bên cạnh những người xuống đường vì những xác tín của họ về hòa bình, tôi đã thấy lẫn vào những hậu duệ của mồ ma đám hippy ngày xưa. Những kẻ tóc dài, ăn mặc lòe loẹt, mang trống mang đàn xuống đường hò hét, mong làm sống lại không khí những năm phản chiến Việt Nam. Những thanh niên đầu óc nghệ sĩ nửa mùa và hời hợt này chỉ tìm kiếm một duyên cớ cho sự tụ họp vui chơi của họ trên đường phố. Rất nhiều la hét, khẩu hiệu, nhưng cũng rất nhiều trò nặng phần trình diễn trong những cuộc biểu tình phản chiến. Ðừng quên rằng các thăm dò dư luận ở Mỹ vẫn cho thấy số người ủng hộ cuộc chiến đông hơn những người phản đối. Chỉ có điều đại đa số họ đã không xuống đường.

Nhưng xuống đường là một phần của truyền thống dân chủ Mỹ. Nước Mỹ sẽ không còn là nước Mỹ nữa nếu không có biểu tình. Chỉ có điều, người ta phản đối cuộc chiến Iraq nhưng người ta quên rằng cuộc chiến này sẽ đem đến cho người dân Iraq một xã hội mà trong đó người Iraq rồi cũng sẽ được quyền xuống đường biểu tình về bất cứ vấn đề gì, kể cả biểu tình chống Mỹ. Sẽ có những thường dân bị giết hại trong cuộc chiến tranh này vì bom Mỹ. Nhưng không có cuộc chiến tranh này thì Sadam cũng đã giết hại, đày đọa hàng ngàn người mỗi năm ở Iraq. Những cái chết chậm rãi có lẽ còn đau đớn và súc vật hơn nhiều. Cái hậu quả khủng khiếp của những xã hội độc tài kiểu Sadam là việc nó làm tê liệt khả năng suy nghĩ của hàng thế hệ. Trong những xã hội như vậy, những đứa trẻ lớn lên sẽ chấp nhận tình trạng phi dân chủ như một điều tự nhiên. Chúng sẽ chỉ có hai chọn lựa, hoặc là trở thành những kẻ bị thống trị, hoặc là tiến thân bằng cách trở thành một bộ phận của bộ máy cầm quyền phi nhân tính. Trong cả hai trường hợp, về mặt tinh thần phần lớn chúng đều sống đời sống của những kẻ ở trong hang. Người ta chống Mỹ nhưng người ta không chịu tưởng tượng thế giới này sẽ ra sao nếu không có nước Mỹ, hoặc nếu nước Mỹ chỉ là một kẻ lo mở nhà băng mặc kệ chuyện thiên hạ như Thụy Sĩ. Nước Pháp hay những kẻ rêu rao những giải pháp hay ho khác, mỉa mai thay, hoàn toàn không đủ sức duy trì nền an ninh thế giới, và thường thì họ là những kẻ rất ích kỷ và đố kỵ, một phần vì mặc cảm túng thiếu của chính mình. Và còn khá nhiều những kẻ vô liêm sĩ khác trên thế giới luôn ngửa tay xin tiền nước Mỹ, mong muốn làm ăn với Mỹ, nhưng lại không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để mạ lỵ những người mà mình cầu cạnh. Ðó là một thứ văn hóa của những kẻ bần cùng, một thứ "văn hóa nạn nhân" mà ngày nay người ta đang lợi dụng để chống lại những xã hội dân chủ như Hoa Kỳ, những xã hội mà chính sự phát triển mạnh mẽ của các giá trị nhân bản đã khiến nó trở nên quá nhạy cảm, và vì thế, rất dễ bị tổn thương.

Bên ngoài viện Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Hoa Kỳ là một bức áp phích về cuộc triển lãm Việt Nam. Một khung vải lớn treo theo chiều thẳng đứng chụp hình những người đàn ông mặc áo dài đỏ trong cuộc rước lễ. Bên trong, cuộc triển lãm Việt Nam được trưng bày ở một góc của tầng một. Viện bảo tàng ở đây đã làm việc với Bảo Tàng Dân Tộc Học Việt Nam trong nhiều tháng để trưng bày, có lẽ là lần đầu tiên, hình ảnh một Việt Nam không dính líu đến chiến tranh. Hiện vật trưng bày gồm các video chiếu trên màn ảnh lớn, các hình chụp, mẫu quần áo, bàn thờ, đồ chơi trẻ con và nhiều vật dụng sinh hoạt khác. Nhưng ngoại trừ một vài hình ảnh về người Chăm và một hai dân tộc Tây Nguyên, toàn bộ cuộc triễn lãm chỉ phản ánh đời sống của người miền Bắc, đặc biệt là người Hà Nội. Sự phiến diện đáng buồn này là hậu quả của tinh thần tự hào địa phương lố bịch của những người trong nước kết hợp với sự thiếu hiểu biết của người ngoại quốc. Những năm gần đây, các cuộc trao đổi văn hóa diễn ra thường xuyên hơn. Nhưng ở ngoại quốc, thường người ta chỉ được nghe giọng nói của những người Việt là thành viên chính thức của các tổ chức văn hóa chính phủ, hoặc những người ít nhiều thuộc thành phần chịu ơn mưa móc của chế độ. Những người này, vì thói quen suy nghĩ gắn liền với ý thức hệ cũ kỹ của họ, hoặc vì các gốc rễ gia đình và bổng lộc, không bao giờ có đủ đầu óc khách quan trong các đánh giá lịch sử và trong các nhận định xã hội. Sự phân hóa tinh thần của xã hội Việt Nam là có thật và sẽ vẫn còn đó cho đến khi nào người ta có đủ can đảm đánh giá lịch sử một cách công bằng, và nhất là từ bỏ được đầu óc tự hào địa phương nông dân.

Một cô hướng dẫn viên của cuộc triển lãm là người đến từ Hà Nội. Cô còn trẻ, chỉ khoảng 23, 24, nói tiếng Anh lụn vụn, nhưng rất nhiệt tình hướng dẫn khách tham quan. Tôi kiên nhẫn đợi cô ta dẫn khách từ phòng này sang phòng kia, xong một tour, rồi tiến đến chào cô ta. Nhưng cô ta vội lãng đi ngay khi nghe tôi nói tiếng Việt. Tôi lại chờ đợi, và cố gắng một lần nữa để chuyện trò với cô ta nhưng cũng không quá được mấy câu. Tôi không hiểu đó là do cô ta đã được dặn dò phải tránh xa những người Việt hải ngoại, hoặc vì bộ mặt khó ưa của tôi. Cũng trong thời gian này ở New York diễn ra một hội nghị lớn về Á Châu Học mà tôi đang tham dự. Ở đây, tôi lại gặp một cô sinh viên tiến sĩ cũng còn rất trẻ khác đang du học ở Canada. Cô này đọc một vài tham luận trong các buổi hội thảo của nhóm những người nghiên cứu về Việt Nam. Một lần gặp cô ta ở chỗ bán sách trong hội nghị, tôi chào cô ta bằng tiếng Việt nhưng cô này cũng lập tức lãng đi ngay. Cô ta nói tiếng Anh khá lưu loát, có vẻ ngoài tự tin, và rất thân thiện với những người Mỹ nghiên cứu về Việt Nam. Nghe nói cô ta là cháu ngoại của một ông cựu bộ trưởng bộ giáo dục.

Trên đường đi bộ từ viện bảo tàng về lại khách sạn, tôi ghé xuống một trạm xe điện ngầm, chỉ để xem có gì lạ không. Ðây là một trạm vắng người vào lúc 11 giờ trưa. Một người đàn bà da đen đứng tuổi ngồi chơi đàn organ điện, volume mở nhỏ đến độ tôi phải đến rất gần mới nghe được. Những âm thanh trầm và chậm của nhạc nhà thờ. Trên chiếc đàn, một cuốn thánh kinh cũ mở ra, bên cạnh một tập nhạc Gospel dày và nhàu nhò. Bà ta mặc một chiếc áo lạnh màu đen, loại may độn bên trong và chằng chỉ từng ô vuông lớn bên ngoài làm cho chiếc áo phồng lên như được bơm hơi. Màu áo và màu da lẫn vào nhau khiến bà ta như một bức tượng bằng bùn khô. Không có ai ở xung quanh, nhưng bà ta vẫn chơi nhạc một cách chăm chú. Khi chơi dứt bản nhạc, bà ta trả lời những câu hỏi của tôi với một giọng nhỏ, thỉnh thoảng bị ngắt quảng vì những cơn ho dài. Bà dùng những từ ngữ bóng bẩy, diễn đạt lưu loát như một vị mục sư. Bên cạnh bà là một chiếc valise lớn dựng đứng, loại có bánh xe kéo. Trên valise phủ một chiếc áo choàng nỉ màu đen dài. Bà nói bà chơi loại nhạc làm tâm hồn con người hứng khởi. Bà tin rằng Thượng Ðế sẽ chăm sóc cho bà vì bà cầu nguyện mỗi ngày bằng âm nhạc cho những người không hạnh phúc. Tôi để ý không thấy một chiếc ly hay vật dụng xin tiền nào bên cạnh bà. Nhưng chiếc valise to lớn khẳng định với tôi bà là một người vô gia cư. Cách nói chuyện trí thức của bà khiến tôi cảm thấy rất ngại để đưa tiền cho bà, nhưng cuối cùng tôi cũng lễ phép hỏi bà có vui lòng nhận một ít đóng góp không. Bà gật đầu. Tôi để vài đồng dưới cuốn sách nhạc của bà rồi đi lên, vào lúc một chiếc xe điện ngầm đến trạm, tiếng động cơ và tiếng bánh sắt át đi tiếng nhạc trầm trầm.

Buổi chiều tôi đến thăm khu hai tòa nhà World Trade Center bị đánh sập hồi ngày 11 tháng 9. Người ta đã rào lưới xung quanh và che lại bằng vải nhựa. Bên trong là một công trường bận rộn với hàng chục máy móc, xe cộ xây dựng. Cuối cùng thì người ta đã quyết định không xây lại hai tòa nhà cũ mà thay vào đó là một kiến trúc tưởng niệm. Hơn ba ngàn người đã chết trong một ngày bi thảm. Có lẽ không ai trong số họ từng hình dung về một kết thúc như vậy. Mười năm trước đây, với một chai nước lọc trong ba lô và bản đồ cầm tay, tôi đã mua một chiếc vé 10 dollars để lên đến tầng trên cùng của World Trade Center nhìn ngắm toàn cảnh New York. Bây giờ, nơi nền móng của tòa nhà xưa chỉ là một chiếc hố sâu hoắm. Trên bức tường lớn của một tòa nhà khác còn đứng vững bên cạnh, người ta vẽ một bức tranh tường lớn với chiều cao bằng khoảng một tòa nhà mười tầng. Bức tranh vẽ hình một trái tim màu xanh với các sao và sọc trắng của quốc kỳ Mỹ. Phía dưới quả tim là dòng chữ: "Sự vĩ đại của con người không phải được đo bằng độ lớn của hành động, mà bằng sự lớn lao của trái tim". Không có một bia căm thù nào xung quanh. Ðối diện với hai tòa nhà bị đánh sập là nhà thờ Saint Paul's Chapel được xây dựng từ thế kỷ 18. Một trong những kiến trúc cổ đẹp nhất của New York. Ngôi nhà thờ không hề hấn gì trong vụ khủng bố. Bên trong nhà thờ là một triển lãm nhỏ về việc cứu hộ những ngày sau 11 tháng 9. Hình ảnh những người lính cứu hỏa trên người còn nguyên nón và quần áo bảo hộ nằm thiếp đi trên băng ghế nhà thờ, những nồi dùng nấu súp, thuốc men, đèn pin, mặt nạ che bụi dùng trong chiến dịch cứu hộ, những bức tranh vải ghép khổ lớn treo trên tường nhà thờ được gởi tới từ khắp đất nước bày tỏ cảm thông và chia sẻ, những lá thư của các em nhỏ. Một người phụ nữ đứng bên cạnh tôi lặng lẽ khóc. Một người khác ngồi bất động trên ghế nguyện, mắt nhìn trừng trừng lên bàn thờ. Tất cả những người bước ra khỏi nhà thờ mắt đều đỏ hoe. Rồi đây khi khu tưởng niệm nơi hai tòa nhà bị đánh sập được xây dựng xong, có lẽ người ta sẽ trưng bày những hiện vật thu nhặt được từ đống đổ nát của hàng ngàn con người đã ra đi trong ngày 11 tháng 9. Và đó có lẽ sẽ là những hình ảnh xúc động nhất về nước Mỹ.

Khi tôi ra khỏi nhà thờ trời trở nên lạnh hơn, gió mạnh. Những lá cờ xung quanh khu vực này vẫn còn treo ở nửa cột cờ như một dấu hiệu để tang. Nhưng khi người ta đã vẽ một trái tim lớn trên sự đổ nát, tôi tin rằng sẽ không có gì lụi tàn ở New York. Và nước Mỹ, cho dù vì lý do gì thì cũng luôn đi qua những cuộc chiến tranh như những con người, không phải như những con vật say máu.

New York, tháng 3. 2003.
© 2003 talawas