trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
23.12.2003
Quốc Việt
Ai tiếng Việt nào?
 
Trong Language and Problems of Knowledge (1988, MIT Press), N. Chomsky xem xét ngôn ngữ như một hệ thống nội tại của từng cá nhân. Giao tiếp, sở dĩ có thể thực hiện được là vì các hệ thống ngôn ngữ này giống nhau. Gần giống với cách xem xét ngôn ngữ của anh Trịnh Hữu Tuệ. Tuy nhiên, có những khác biệt tôi nghĩ là nên khảo sát kĩ hơn:


1.

Khi Chomsky nói về một thứ ngôn ngữ riêng tư, ông không nói về ngữ pháp. Và ông cũng chỉ rõ rằng: việc xem xét ngôn ngữ như một nội hàm cá nhân là hữu ích trong việc nghiên cứu ngôn ngữ liên quan đến việc xây dựng kiến thức ngôn ngữ ở khiá cạnh tâm lí học, chứ không phải ngôn ngữ trong các hoạt động giao tiếp xã hội. Như vậy, việc xem xét ngôn ngữ là riêng hay chung, xã hội hay cá nhân phụ thuộc vào mục đích của nghiên cứu, chứ không có nghĩa một trong hai cái đó là thứ duy nhất nên tuân thủ. Trong việc sử dụng ngôn ngữ một cách thông thường, xem xét ngôn ngữ như một thứ có tính cá nhân rất có thể không phù hợp.


2.

Ngữ pháp hay ngôn ngữ có thể là hai thứ khác nhau. Khi ngữ pháp là các qui tắc cấu trúc của ngôn ngữ hay là một phần của ngôn ngữ, thì ngôn ngữ là một hệ thống phức tạp hơn nhiều và bao gồm cả ngữ pháp trong đó. Vì vậy nếu như có thể nói ngôn ngữ là một hệ thống nội tại của cá nhân một cách an toàn thì có thể lại cần phải thận trọng hơn khi nói về ngữ pháp của một ngôn ngữ. Ví dụ của THT về "mặt giời", "mặt trời" không phải là ngữ pháp, tuy chúng là ngôn ngữ. Lấy các ví dụ về từ vựng và phát âm để kết luận về ngữ pháp, e rằng không thuyết phục.


3.

Tuy ngôn ngữ của những cá nhân có thể rất khác nhau, nhưng khi xem xét ngôn ngữ như một hiện tượng xã hội, thì điều làm cho chúng giống nhau là tính có thể hiểu nhau được. Chính cái qui ước về tính có thể hiểu nhau được này làm cho ngôn ngữ lại có thể được coi như một thực thể xã hội và các cá nhân khác nhau phải tuân thủ trong các giao tiếp xã hội, giống như tuân thủ luật giao thông. Một trong các lí do cơ bản cho sự xuất hiện của luật giao thông chẳng hạn, là một mẫu số chung về kiến thức đi đường cho các thành viên của xã hội. Về khiá cạnh kiến thức cho việc tồn tại thì luật đi đường không khác nhiều so với thu nhập kiến thức ngôn ngữ. Cho rằng không làm gì có một thứ gọi là tiếng Việt là một bước đi quá xa và quá mạo hiểm, nhất là khi xem xét từ góc độ ngôn ngữ học chứ không phải tâm lí học và triết học.


4.

Giữa hai điều: "một cá nhân biết một ngôn ngữ và ngôn ngữ đó không giống các cá nhân khác" và "não của cá nhân đó, và chỉ cá nhân đó có những tính chất nhất định" là hai điều tương đối khác nhau. Trong quá trình thu nhập kiến thức ngôn ngữ, sơ đồ của Chomsky là:
Dữ liệu -> [cơ quan ngôn ngữ] -> ngôn ngữ -> các diễn đạt có cấu trúc (Data ->[language faculty] -> language -> structured expressions)
Điều duy nhất làm chúng ta cho rằng các cá nhân trong một xã hội có ngôn ngữ khác nhau là thông qua đánh giá "diễn đạt có cấu trúc" của cá nhân đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ngôn ngữ (ở bước thứ 3 trong sơ đồ trên) là khác nhau. Lại càng không có cơ sở cho rằng dữ liệu, tức đầu vào của sơ đồ trên là khác nhau. Trong khiá cạnh xã hội của ngôn ngữ, người ta rất có thể chỉ quan tâm tới phần dữ liệu hay là phần bên dưới của việc diễn đạt có cấu trúc. Và đây là nơi ta có thể nói rằng có một thứ tiếng Việt tồn tại ngoài ý muốn một cá nhân. Tiêu chuẩn của đánh giá về sự tồn tại một ngôn ngữ ấy là việc một người khác có hiểu cái cấu trúc được diễn đạt hay không. Khả năng sử dụng "sai" một ngôn ngữ là có thể xảy ra. Đó là khi nó rõ ràng ra khỏi cái cấu trúc được đa số khác chấp nhận và vì vậy làm cho đa số không hiểu người nói định nói gì. Khác với anh THT, tôi cho rằng một bộ các nguyên tắc ngữ pháp hiển ngôn không những chỉ làm cho đời tươi hơn, mà còn là xây dựng một cấu trúc diễn đạt chung được mọi người chấp nhận, để đến lượt nó lại quay vòng tham gia vào khối dữ liệu trong cái sơ đồ trên. Suy luận một cách biện chứng thì chính những nguyên tắc này làm nên cái giống nhau trong ngôn ngữ của các cá nhân, chứ không phải cấu trúc giống nhau của các neuron thần kinh sinh hoá của các cá nhân.

Dù sao thì tôi cũng chung một ý nghĩ như THT, cho rằng tiếng Việt của tôi chẳng bị xuống cấp tí nào sau khi đọc bản dịch của Thường Quán, chỉ có thể kinh ngạc mà thôi. Nếu như có được cơ hội chọn lựa thì tôi sẽ chọn đọc tất cả các bản dịch. Và đó mới là điều tuyệt vời của chọn lựa. Còn khi viết một cái gì đó không dính dáng đến sự vô nghĩa của văn chương, thì tôi sẽ không lấy TQ làm hình mẫu, vì một lí do đơn giản: nếu làm vậy, tôi chắc chắn sẽ bị đuổi việc.

© 2003 talawas