trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: 50 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
6.5.2004
Dương Thuấn
Điện Biên Phủ - 50 năm sau
 
Người ở trong nước cũng như người trên thế giới, ngày nay biết đến Ðiện Biên Phủ như một di tích lịch sử, nơi từng diễn ra trận chiến đấu ác liệt với quy mô lớn, kéo dài 56 ngày đêm của quân đội Việt Nam với quân đội Pháp. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ chấm dứt tám mươi năm đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam, được ví như tiếng chuông cáo chung cho chế độ thực dân kiểu cũ và thức tỉnh nhân loại đứng lên giành độc lập dân tộc.

Ðiện Biên Phủ trước đây là lỵ của huyện Ðiện Biên thuộc tỉnh Lai Châu. Còn bây giờ khi chuẩn bị làm thuỷ điện Sơn La, có khả năng nước sẽ ngập rất rộng, ngăn trở giao thông đi lại giữa các huyện, nên chia thành hai tỉnh: Lai Châu và Ðiện Biên. Huyện Ðiện Biên cũ cũng được chia thành hai huyện: Ðiện Biên Ðông và Ðiên Biên. Ðiện Biên Phủ là huyện lỵ của huyện Ðiện Biên đồng thời cũng là tỉnh lỵ của tỉnh Ðiện Biên. Từ một thị trấn nhỏ mờ sương heo hút, chỉ trong vài ba năm gần đây Ðiện Biên Phủ đã được nâng lên thị xã, rồi thành phố Ðiện Biên Phủ - thành phố duy nhất ở miền Tây Bắc của Việt Nam.

Tôi đã lên Ðiện Biên Phủ nhiều lần, hôm nay lại ra sân bay Nội Bài để bay lên Tây Bắc. Máy bay đi Ðiện Biên Phủ tuy cũng đông khách nhưng mua vé không khó khăn lắm. Ða số người dân Việt Nam thường đi ô tô, chỉ có khách nước ngoài hay cán bộ công tác đi máy bay. Thực ra đi máy bay đôi khi cũng bất tiện, gặp phải ngày trời mù từ Nội Bài bay lên không hạ cánh được, bay vòng quanh sân bay mấy vòng rồi lại quay về Hà Nội. Rồi cứ nằm ở sân bay mà đợi đấy chờ sương tan. Như thế thà đi xe ô tô còn sướng hơn, tuy mệt người nhưng chắc ăn, vé lại rẻ hơn gần chục lần...

Anh Trương Hữu Thiêm, nhà thơ của tỉnh Ðiện Biên, đưa tôi đi lên thăm đồi A1, rồi sang Him Lam, Mường Thanh, Hồng Cúm, đồi Ðộc Lập... Anh cứ kể với tôi bằng giọng tiếc nuối, rằng nếu Ðiện Biên Phủ vẫn giữ được nguyên như xưa thì tuyệt vời biết mấy. Khi chưa có phố xá và những ngôi nhà hộp mọc lên, ai cũng rất thích Ðiện Biên Phủ, còn bây giờ thì rõ chán. Trước kia khí hậu Ðiện Biên Phủ rất trong lành, bây giờ đâu đâu cũng bụi mịt mù. Nhà cửa đã mọc lên chẳng theo hàng lối nào, đã chen lấn hết cảnh quan xưa. Ðến Ðiện Biên Phủ hôm nay không ai còn hình dung ra khung cảnh chiến trường ngày trước. Người ta còn san phẳng cả quả đồi C2 để làm cơ quan tỉnh. Rồi dân chúng có kẻ mạnh tiền thì mua hẳn một quả đồi, ủi đi để làm nhà. Không cần biết quả đồi đó có thuộc phạm vi của di tích hay không. Nếu có biết ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch thì cũng mặc. Khi mới xây dựng thành phố đã nhiều lần báo chí trong nước lên tiếng đề nghị quy hoạch lại, di chuyển thành phố sang vị trí khác rộng rãi và thoáng đẹp hơn, nhưng bao lời cũng đều trôi theo dòng Nậm Rốm, nào có ai nghe cho đâu. Bởi di tích là của chung, phá đi cũng chẳng sao, còn nhà riêng của một số cán bộ mới là quan trọng, không ai có thể phá được...

Lần này lên Ðiện Biên Phủ tôi gặp một số nhà văn, số thì đi tham quan, số thì đi làm phim về Ðiện Biên Phủ. Nghe nói mấy nhà văn quân đội sẽ được Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam quay hình trên đồi A1, tôi lại trèo lên đồi. Nhìn quang cảnh những người thợ đang tu bổ di tích, quả thật lòng tôi thấy buồn. Đồi A1 bây giờ sao mà nhỏ nhoi và thấp bé, bị lút sâu giữa những dãy nhà cao tầng. Xung quanh bị rào bằng một bờ tường gạch vừa thô vừa xấu, ở ngoài đường nhìn vào rất giống một cái gò mối, thật là chướng mắt. Rồi những hàng rào dây thép gai phục hồi gì mà cứ lùng bùng nhức nhối. Tệ hại hơn cả, có lẽ là cái hố quả mìn nặng nghìn cân nổ trên đồi A1. Ðã năm mươi năm trôi qua, bữa trước thấy cái hố mìn vẫn còn nguyên dạng, quanh miệng hố cỏ mọc xanh rì trông rất đẹp. Thế mà giờ đây chẳng hiểu vì cơn cớ gì người ta lại san phẳng cái bờ đất trên miệng hố, rồi láng từ dưới đáy lên bằng bê tông. Ai nhìn cũng ngỡ đây là cái chảo to. Lãng phí đã đành, nhưng phá vỡ cảnh quan đến mức này thì thật không chịu nổi. Tôi hỏi nhiều người dân ở Ðiện Biên Phủ, hầu hết họ đều không tán thành tu bổ di tích theo kiểu như vậy, họ cũng rất bất bình nhưng chẳng biết kêu vào đâu. Năm nay kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, nhà nước chi cho việc tu bổ di tích hàng trăm tỷ đồng nhưng xem ra cũng chưa làm được bao nhiêu. Tôi muốn hỏi tại sao người ta lại muốn bê tông hoá hoàn toàn, không muốn để nguyên dạng, vừa đẹp, vừa hấp dẫn khách tham quan.

Người dân sống ở Ðiện Biên Phủ cũng như những ai từng biết đến nơi đây đều thầm tiếc cho khu di tích của một trận chiến lịch sử có thể sánh ngang tầm với Waterloo hay trận Xích Bích, thế mà ngày càng bị xuống cấp và mai một dần. Sự xuống cấp và mai một này hoàn toàn do con người gây ra, thành phố Ðiện Biên Phủ mọc lên đã che khuất và phá vỡ toàn bộ cảnh quan của chiến trường xưa. Hôm nay đến Ðiện Biên Phủ thật khó mà tưởng tượng nổi, trước đây quân đội Pháp và quân đội Việt Nam đánh nhau trên trận địa như thế nào. Khách thăm chỉ còn được giới thiệu qua từng điểm di tích lẻ tẻ, đâu còn nơi nào để nhận ra thiên tài của các nhà cầm quân. Tiếc thay một nơi có vị trí lịch sử quan trọng và bề dày văn hoá như vậy, tại sao nhà nước không cử những người có trình độ học vấn cao để đảm trách. Ðến lúc này thật chẳng còn biết kêu ai, trách ai... Dĩ nhiên là hậu thế sẽ phán xử những người đang sống hôm nay!

Nghe tôi xuýt xoa tiếc nuối, anh Trương Hữu Thiêm càng không chịu nổi. Anh nói:

"Giá như việc tôn tạo như vậy để một thằng thứ dân hạng bét như tôi làm sẽ tốt hơn những người đang làm rất nhiều..."

Ðây là lần đầu tiên anh đưa tôi đi hết tất cả các di tích của Ðiện Biện Phủ. Ðiểm dừng chân cuối cùng là khu tưởng niệm các chiến binh Pháp từng hy sinh ở chiến trường Ðiện Biên Phủ. Người canh cổng khu tưởng niệm này là con trai thứ năm của anh Lò Ngọc Duyên - Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Ðiện Biên. Chúng tôi đã thắp hương ở nghĩa trang Ðiện Biên Phủ của bộ đội Việt Nam vào lúc sáng, bây giờ lại thắp hương cho hương hồn những người Pháp xa xứ vào lúc chiều tối.

Tôi thầm nghĩ, mỗi cái chết trong chiến tranh có biết bao điều để nói, ai nằm lại ở đây đều là người đã khuất. Họ đều chết vì chiến tranh, lìa bỏ gia đình, quê hương bản quán. Ðau đớn hơn là những người thân của họ cùng phải gánh chịu cảnh biệt ly, mất mát...

Anh Trương Hữu Thiêm còn kể, vừa qua trên đồi A1, công nhân xây dựng đã vô tình đào trúng mấy chục bộ hài cốt bộ đội Việt Nam đang ngồi trong tư thế ngắm bắn. Dưới lòng đất của Ðiện Biên Phủ này hẳn còn nhiều bộ hài cốt như thế. Tôi cầu mong cho họ dẫu đến hôm nay chưa được nằm yên thì cũng hãy để cho hương hồn thanh thản. Tượng đài Chiến sĩ Ðiện Biên đã được dựng lên, ghi công của những chiến sĩ quân đội Việt Nam đã hy sinh. Tôi từng được xem rất nhiều tượng đài trên khắp nước Việt, cũng như tượng đài ở Ðiện Biên Phủ mới dựng lần này, chưa thấy cái nào để mà thật ưng ý.

Mùa hoa ban nở 2004

© 2004 talawas