trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày 30 tháng TÆ° của tôi
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
15.5.2004
Phan Huyền Thư
Cuộc đua xe đạp ngày Thống Nhất
 
Phan Huyen Thu Tôi sinh ngày 19 tháng 2 năm 1972, tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Chẳng có dấu ấn gì đặc biệt vào những ngày 19 tháng 2 hàng năm, theo như tôi biết. Không biết bằng cách nào, bố mẹ tôi có được một tờ lịch của miền Nam, in tại Sài Gòn ngày sinh ra tôi. Tờ lịch rất to, chia làm nhiều phần, lịch âm, lịch dương, chữ Tàu, chữ Quốc ngữ, và đặc biệt là một câu thơ luận đoán chung cho những người sinh vào ngày tháng năm đó. Theo âm lịch, tôi sinh ngày mồng 4 Tết Nguyên Ðán. Tôi chỉ mang máng ý nghĩa của câu thơ vận mệnh của tôi là: Trước khổ sau sướng, khi sinh ra đời gặp thời buổi loạn lạc, binh biến, sau này lớn lên thì sẽ được hưởng cảnh thiên hạ thái bình...

Tờ lịch ấy, tôi vẫn còn giữ. Câu thơ luận đoán của tôi, có điều gì đó như viết chung cho cả một thời kỳ, cho hy vọng chung của tất cả mọi người. Giáng sinh năm 1972, máy bay B52 rải thảm Khâm Thiên, cả gia đình tôi về quê sơ tán. Cả nhà tôi được gói ghém trên một chiếc xe đạp thồ và một đôi quang gánh. Tôi đã chết hụt trong một trận bom trên đường đi. Hoàn toàn những điều đó là tôi được nghe bà nội, nghe mẹ kể lại. Tôi đã nhiều lần cố hình dung xem khi nằm trong nôi, lúc 10 tháng tuổi, mình đã từng trải qua chuyện gì. Với một lời luận đoán sinh mạng thì đúng là tôi được sống, được lớn lên để tận hưởng cái sự "thiên hạ thái bình".

Những bạn văn thuộc thế hệ đi trước, những bạn văn hải ngoại một thời đã từng là phía bên kia, hay nhìn tôi là kẻ hậu sinh bên kia tuyến, đã có bận hỏi tôi về ngày độc lập 30-4-1975, cái ngày "thiên hạ thái bình" đó trong lá số của tôi như thế nào. Tôi đã cố hình dung ra ngày ấy. Tôi hoàn toàn không nhớ gì cả.

Trong ký ức của tôi, chưa bao giờ có một tiếng súng, chưa bao giờ có một ngày chiến tranh. Ngày 30-4-1975, tôi mới được 3 tuổi, một tháng, mười một ngày. Nhưng, ký ức của tôi có một sự kiện ấn tượng đặc biệt. Ðó là ngày mẹ tôi từ chiến trường trở về. Mẹ tôi, ngày ấy là một chiến sỹ thuộc Ðài phát thanh Giải phóng CP 90 với cái tên hiệu được ghép lại từ tên của chồng và của mình để hoạt động là Thanh Hoa. Tôi không nhớ ngày mẹ lên đường vào chiến trường miền Nam, chỉ nhớ ngày mẹ trở về. Với riêng tôi, ngày mẹ trở về chính là ngày giải phóng. Mẹ tôi không thể về đúng ngày 30 tháng 4 mà phải mất hơn một tháng sau mới từ chiến trường Liên khu 5 ra đến Bắc.

Với trí nhớ của một đứa trẻ ba tuổi, mọi thứ đều được thiêng hoá, nhất là ký ức về mẹ . Tôi nhớ như in, bất cứ lúc nào tôi muốn, nhắm mắt lại tôi đều có thể hình dung ra buổi chiều ngày hôm đó. Khoảng ba, bốn giờ bà nội tôi như thường lệ, xúc ra chiếc nong một bơ rưỡi gạo và ngồi nhặt sạn. Hai bà cháu vừa nhặt thóc, nhặt sạn, nhặt cả mọt trong một bơ rưỡi gạo đỏ, lúc nào cũng có mùi ẩm mốc. Suốt bao năm qua, tôi vẫn thỉnh thoảng thèm ngửi cái mùi cơm gạo đỏ vừa hôi, vừa mục và được ghế mì sợi vụn. Bây giờ thì kiếm đâu ra thứ gạo đỏ cứng và mủn ấy nữa...Tôi nhớ, chiều hôm đó, nắng vàng có màu da cam, hơi chói mắt. Nong gạo bỗng tối sầm như có một đám mây di qua, tôi ngẩng đầu lên, trước mắt tôi là một người gầy tong teo, da đen xậm lẫn vào màu áo bộ đội giải phóng. Ðội mũ tai bèo, trên vai đeo ba lô, hai tay xách hai chiếc chậu nhựa lớn, một chiếc màu xanh, một chiếc màu đỏ. Sau lưng ba lô thập thò đầu một con búp bê nhựa. Trí nhớ ấy thuộc về hình ảnh, không thuộc về nhận thức của tôi. Tôi thấy bà khóc lặng đi, hai tay ôm mặt, rồi ôm mẹ rất lâu. Tôi quá sợ hãi, chạy vào sau ri đô giường núp và thập thò nhìn ra. Suốt một tuần, mẹ tôi không tài nào chạm được vào người tôi. Tôi thấy người phụ nữ ấy quá xa lạ. Tôi chỉ dành cho mẹ những cái nhìn thăm dò, chủ yếu là thăm dò tình cảm của con búp bê nhựa. Phải mất gần một tuần con búp bê nhựa nhắm mắt mở mắt mới đóng nổi vai trò đại sứ thiện chí của hoà bình để cho mẹ có thể ôm tôi vào lòng, tuy là rất ngắn ngủi. Lần nào mẹ cũng khóc. Tôi đã có mẹ bên cạnh. Hoà bình của tôi là thế, độc lập của tôi là thế. Rất bé nhỏ riêng tư.

Ấn tượng về ngày thống nhất của tôi đã lớn dần lên. Một niềm vui chung nào đó cho tất cả mọi người. Năm 1976, lần đầu tiên đoàn tàu xuyên Việt vào Nam ra Bắc mang tên Thống Nhất được thông tuyến. Bố tôi được tham gia đội tuyên truyền viên thuyết minh trên hành trình bằng hệ thống loa truyền thanh trên tàu. Ðến mỗi ga, qua mỗi miền, đội tuyên truyền viên đều có những bài hướng dẫn, những đoạn văn, thơ ca, bản nhạc ca ngợi vẻ đẹp của các vùng, các danh lam thắng cảnh cũng như các chiến tích anh hùng của quân dân. Bố tôi viết bài hát "Tàu anh qua núi" trong chuyến đi này. Một bài hát để lại nhiều kỷ niệm đẹp đẽ khác nhau cho nhiều người, hình như còn có cả nỗi đau, niềm khắc khoải chờ mong đến một ngày của biết bao con người: "Ði dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi...."

Lên 6 tuổi, mùa hè năm 1978, lần đầu tiên tôi được đi tàu Thống Nhất theo bố vào Nam. Mất gần một tuần trên đường, tôi đến Sài Gòn. Ðược thăm họ hàng, ông bà, chú bác, được đi chơi Thảo Cầm Viên, thăm chùa Vĩnh Nghiêm, Chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng và Dinh Ðộc Lập. Nhưng, ấn tượng của tôi tập trung vào hai thứ, đối với tôi đó là hai phát minh kỳ diệu nhất trên đời mà tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng: Xích lô máy và nước chanh ga. Nếu được so sánh, tôi sẽ so sánh tàu vũ trụ Apollo với xích lô máy, còn nước chanh ga thì cho đến tận bây giờ, nếu nhắc đến, tôi vẫn không thể hiểu nổi cảm xúc kỳ lạ của mình. Tôi đã không uống một ngụm nước chanh nào, chỉ ngồi ngắm những quả bóng nhỏ li ti đang nổi dần lên mặt nước cho đến khi không còn một hạt bọt nào sủi.

Tôi không biết những ấn tượng nào của bố tôi đã khiến bố có được bài "Tàu anh qua núi" trong những chuyến đi xuyên Việt, Nam - Bắc đó, tôi không biết những ấn tượng ấy có giống với xích lô máy và nước chanh ga của tôi hay không.

Tôi không nhớ rõ đó là năm 1980 hay là trước. Chuẩn bị đón ngày 30 tháng 4, ngày vui Giải Phóng. Cả khu tập thể Ðài tiếng nói Việt Nam của chúng tôi phấn chấn chờ đón một cuộc đua xe đạp Thống Nhất Bắc- Nam, lần đầu tiên được tổ chức. Bọn trẻ con chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ. Sau tiếng kẻng tập thể dục buổi sáng, tiếng kẻng xếp hàng lấy bánh mỳ, khẩu phần ăn sáng của mỗi gia đình, cả lũ chúng tôi được nghỉ học. Ðứa trèo lên cây, đứa trèo tường rào, kê ghế nhìn ra đường quốc lộ 1A. Ðoạn bây giờ đã nhường chỗ cho chiếc cầu vượt ngã tư trước cổng bệnh viện Bạch Mai. Tôi là con gái, lại thấp bé nên phải tìm cách mượn thang, trèo lên nóc nhà bảo vệ của khu tập thể đón chờ đoàn đua xe đạp đi qua. Ðứng từ trên nóc nhà bảo vệ, tôi thấy mọi người cũng bỏ hết công việc ra đứng dầy đặc hai bên đường suốt một chiều dài hàng cây số. Chắc là con đường chạy dọc cổng phía Nam thành phố đều được đón chờ.

Chưa bao giờ tôi có một tâm trạng đợi chờ háo hức như vậy. Suốt từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa, tôi thấp thỏm, mong đợi. Cói lúc tôi lại lo lắng, biết đâu đoàn đua xe sẽ không đi qua đây? Biết đâu họ lại đi đường khác? Các bác hàng xóm nói chắc như đinh đóng cột, không có đường nào khác đâu, chỉ có một đường duy nhất cho đoàn đua là quốc lộ 1A này thôi! Không ai chịu về nhà suốt ngần ấy giờ đồng hồ. Bà nội phải mang cơm, mang nước ra tận nhà bảo vệ cho tôi ăn, tôi không chịu về dùng bữa, sợ bỏ lỡ mất cơ hội lớn lao này. Người lớn háo hức, căng thẳng, trẻ con chúng tôi còn thấy hồi hộp, chấn động gấp bao nhiêu.

Thế rồi, vào đúng lúc tôi đang cãi nhau với mấy đứa bạn vì tranh nhau cái cặp tóc mai thì nghe tiếng rầm rầm tung hô từ xa vọng lại. Mọi người giơ cao tay trên đầu khua khoắng, vỗ tay, hò hét. Tôi thò ra nhìn xuống đường, thấy một đàn kiến đỏ từ xa lao vút qua mặt. Các tay đua lao rất nhanh, chẳng nhìn thấy mặt ai, chẳng nhìn thấy gì, ngoài một đoàn người đạp xe loang loáng, ánh màu đỏ để lại rất ấm trong cái nắng trưa hè gay gắt. Cuộc đua đã đi qua. Tôi bàng hoàng. Lại mất gần một tuần vẩn vơ vì cái đàn kiến màu đỏ ấy...

Chỉ hai năm sau đó, năm 1982, tôi thành trẻ mồ côi cha. Bạo bệnh khiến bố tôi, người đã hát lên khúc ca thống nhất của đoàn tàu lịch sử dẫu sao cũng được chứng kiến cảnh "thiên hạ đặng thái bình" với cô con gái nhỏ của mình.

Suốt 30 năm qua. Khi nhắc đến ngày vui thống nhất, nhắc đến đoàn quân giải phóng, trong tôi lẫn lộn ngần ấy thứ: Mẹ về, xích lô máy, nước chanh ga và cuộc đua xe đạp. Nhưng sau 30 năm, mỗi hình ảnh ấy lại cho tôi một suy nghĩ khác, trưởng thành dần lên. Mẹ tôi đã không phải nằm lại chiến trường như biết bao đồng đội khác thiệt thòi trong cuộc chiến mà ở bên tôi cho đến ngày hôm nay với nghệ danh cao quí bậc nhất của đất nước: Nghệ Sĩ Nhân Dân Thanh Hoa. Tôi hiểu rất rõ về công nghiệp hoá, hiện đại hoá từ tình cảm dành cho chiếc xích lô máy thuở ấu thơ. Tôi biết thế nào là hưởng thụ cuộc sống bắt đầu từ ly nước chanh ga trong sở thú. Nhưng, điều làm tôi hiểu rõ nhất về cái giá của ngày độc lập là tâm trạng đợi chờ lo âu đằng đẵng một đoàn đua sẽ đi qua trước mắt. Cảm xúc ấy nhanh đến nỗi, nó vụt qua rồi mà mọi người còn bàng hoàng, ngỡ ngàng và chẳng hiểu là thế nào, chẳng hiểu là thực ra đã có những phép màu kỳ diệu nào xảy ra... Gia đình tôi, đồng bào tôi, tổ quốc tôi đã chờ đợi suốt 30 năm giây phút ấy giống như tôi đã chờ đợi cuộc đua từ 4 giờ sáng đến mười hai giờ trưa trên nóc nhà bảo vệ. Tôi đã mang theo những hình ảnh ấy suốt 30 năm, một quãng thời gian tương đương với cuộc chiến. Tôi biết ơn người đã in những câu thơ trên tờ lịch để bố mẹ tôi, gia đình tôi có niềm tin và hi vọng vào một ngày những đứa bé giống như tôi được hưởng cảnh thiên hạ thái bình.



Phan Huyền Thư

Sinh ngày 19-2-1972 tại Bệnh viện Bạch Mai,Hà Nội. Chết hụt bom khi cùng gia đình chạy sơ tán về quê (Thạch Thất, Sơn Tây) tháng 12-1972. Ði xuyên Việt lần đầu tiên từ Bắc vào Nam bằng tàu Thống Nhất I, năm 1978.

Là con gái lớn của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và Nghệ Sĩ Nhân Dân Thanh Hoa. Ðã học Nhạc viện, làm diễn viên biểu diễn. Tốt nghiệp Ðại Học Tổng Hợp Văn năm 1993. Làm báo, viết Văn, làm thơ đến nay.

1998 lập gia đình. Có hai trai, Nguyễn Thiên Lập Duy sinh năm 2000, Nguyễn Thiên Lập Phúc sinh năm 2002.

Hiện là biên kịch tại Hãng Phim Tài Liệu và Khoa Học Trung Ương. Ðã xuất bản tập thơ Nằm nghiêng và nhiều truyện ngắn, thơ đăng tải trên các báo trong và ngoài nước.

© 2004 talawas