trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
13.3.2003
Võ Tấn Phong
Quẩn quanh trong những loa thành nhỏ bé
 
Chúng tôi khoảng 20 tên, hoặc quen biết nhau từ Việt Nam, hay do học chung đại học Mỹ, hay từ những quen biết nghề nghiệp, làm ăn, gặp gỡ trên sân tennis... Đứa có gia đình, kẻ độc thân. Tuổi tác từ trên 20 đến cỡ trên dưới 50. Nghề nghiệp đủ loại: kỹ sư, kỹ thuật viên, kế toán, giáo viên, sinh viên, y tá, dược sĩ... Một số vượt biên, gọi đùa là nhóm Việt Gian; số được bảo lãnh gọi chung là Việt Ké; một số ít mà tình trạng xuất ngoại hơi mù mờ là Việt Cộng. Giọng nói đủ Bắc Trung Nam, giòn tan hả hỉ hử hở. Chúng tôi có cái chung là ham vui, thích xôm tụ theo cách nói miền Nam, hay thích đàn đúm theo cách miền Bắc. Mỗi cuối tuần họp mặt bao giờ cũng có ít ra 10 mạng. Những đầu bếp nghiệp dư trổ tài, mùi thơm xông lên điếc mũi. Rồi tiệc bắt đầu. Đồ ăn thức nhắm hương vị Việt Nam, bia bọt chạm nhau, môi miệng mềm thêm, lòng chùng xuống. Những chuyện thường ngày được giãi bày, chuyện nào cũng gần như chuyện nào, không biết xảy ra tuần này, tuần trước, hay năm nào. Những món hàng sale giảm giá. Cách trang trí nhà cửa. Cách làm đẹp vườn nhà sau. Lo lắng về kinh tế. Tìm kiếm việc làm... Than phiền về những đứa con không rành tiếng Việt. Bàn chuyện mở lớp dạy Việt ngữ.Tính toán than vãn từ năm nào, mà vẫn than và bàn. Kể chuyện và cười nhạo những thằng Mỹ ngu ngốc bỏ phí thời gian gõ cửa từng nhà rêu rao lời Chúa. Các vị trên 40 tuổi gặm nhấm những kiến thức triết học hoặc Thiền tông second-hand cũ xưa, và liệu hồn kẻ nào dám báng bổ các vị thánh Bùi Giáng, Phạm Công Thiện của họ. Rồi hỏi nhau vì sao Kim Dung chưa được giải Nobel. Rồi phán những lời na ná Phật, Lão. Rồi khuyên giới trẻ phải biết dừng, vì trèo cao té đau. Một sự kết hợp cái nôm na dân dã và uyên bác Khổng Khâu. Một thằng vừa đi công tác Malaysia về, kể chuyện xấu hổ nước Việt nghèo nàn, và tự xưng mình gốc Nhật để tăng phẩm giá. Vài đứa từng học ở Đông Âu hoặc Liên Xô cứ cay đắng mãi chuyện đem con bỏ chợ của chính quyền Việt Nam. Đa số chúng tôi tin tưởng Đảng Cộng Hòa gồm những anh hùng diệt gian trừ bạo, tuyên truyền dồn phiếu cho các ứng viên Cộng Hòa, để nghe những lời hứa hẹn sẽ đấu tranh cho một Việt Nam tự do. Những lời hứa không dễ kiểm chứng. Sự trung thành tuyệt đối có bao giờ làm mạnh lá phiếu cộng đồng Việt? Những đứa còn lại cứ thờ ơ. Đất lành chim đậu mà. Nếu mai sau nước Mỹ không lành, con cháu có lẽ sẽ di cư lần nữa. Hành trang tinh thần chúng tôi gồm những mớ mang đi từ Việt Nam thuở nào, bổ sung thêm bằng vài cuốn sách Việt Nam mượn được trong vài cái thư viện nhỏ nhoi, hay vài trang web tiếng Việt. Học vấn đại học và mức thu nhập trung lưu tạo cái ảo tưởng mình là trí thức. Cứ thế chúng tôi quẩn quanh trong những loa thành nhỏ bé, không nâng cao được chính mình, không giúp được ai. Đạo đức của chúng tôi là không phạm pháp, là hiếu hòa. Cống hiến của chúng tôi là tìm việc làm tốt, là nuôi dạy những đứa con nên người, và làm tròn công việc được giao. Những thứ chúng tôi học từ quê hương thứ hai: nghề nghiệp; mớ tiếng Anh đủ để học nghề, để đọc tin tức và xem phim giải trí; lòng say mê thể thao. Những thứ chúng tôi không học: óc phân tích, tinh thần thực tế, ham thích làm việc thiện, tinh thần dấn thân, khối tri thức khổng lồ, và biết bao điều hay khác. Khi nền kinh tế bấp bênh như hôm nay, chúng tôi có thêm lý do tập trung vào việc làm, và không cần học thêm thứ gì. Quê hương thứ hai này sẽ hy vọng gì vào chúng tôi? Quê hương cũ còn gì lưu luyến? Những ai từng về Việt Nam đều than van về sự nghèo đói và xa lạ. Khi ngồi riêng các đấng râu mày rỉ tai nhau về những chuyến du hý Việt Nam: khen gái Việt Nam xinh và rẻ, tự khen mình hào hoa, rồi cũng than lạc lõng. Quê cũ đã ngày càng xa rời. Hy sinh lớn lao nhất với quê xưa là vài chục vài trăm đô-la đóng góp cứu đồng bào trong thiên tai. Nhưng tất cả không có nghĩa gì lúc này. Chúng tôi đang say sưa nâng ly nâng cốc, để thấy mình là Kinh Kha hào khí ngầt trời, là Kiều Phong anh hùng, là Phùng Quán tài năng đầy bi kịch, là ...

Một thằng trẻ gia nhập nhóm chúng tôi gần 1 tháng, họp mặt 3 lần, và ngáp hơn trăm cái. Nó giã từ với một câu thòng: "You guys are pathetic!" Ừ, chúng tôi thật đáng thương. Mong sao chúng tôi chỉ là thiểu số. Còn thế hệ trẻ các ngươi. Sẽ thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt. Sẽ học theo lối Mỹ. Sẽ sống mạnh mẽ. Sẽ có trí tuệ lớn. Sẽ đi xa vô tận. Sẽ khát vọng cao. Sẽ làm đến cùng. Sẽ say mê. Sẽ không sợ thử nghiệm. Sẽ không sợ vấp ngã. Sẽ biết lo lắng cho phần nhân loại kém may mắn xa lạ ngoài kia. Sẽ làm việc thiện, sẽ dám xả thân vì một đấng Phật Trời Chúa xa xôi nào đó, hay chỉ để thấy lòng vui - "feel good" như người Mỹ nói. Sẽ bao dung hơn. Sẽ thay đổi một vài cuộc đời theo hướng tốt hơn. Sẽ yêu tự do người như tự do mình. Sẽ mạo hiểm. Sẽ không sợ gây hấn. Sẽ tôn trọng ý chung. Sẽ độc sáng. Sẽ không làm việc nửa chừng. Sẽ không nói "ta sẽ" như chúng tôi. Mà nói "tôi", tự tin và quyết liệt. Và may ra sẽ nhớ mình là người gốc Việt, và sẽ có chút ích kỷ để làm một điều tốt gì đó, cho riêng người Việt, cho riêng nước Việt.

© 2003 talawas