trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
1.1.2004
Lê Mạnh Chiến
Trách nhiệm đối với chữ nghĩa
 1   2 
 
Lâu nay, không ít người than phiền rằng, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện khá nhiều trường hợp sử dụng từ ngữ không đúng, làm mất tính chính xác của tiếng Việt. Những trường hợp nhầm lẫn khá phổ biến thường được nhắc đến là: đáng lẽ nói "điểm yếu" hoặc "nhược điểm" thì lại dùng "yếu điểm" (điểm quan trọng); đáng lẽ nói "khuyến mãi" thì lại nói "khuyến mại"; "cứu cánh" có nghĩa là kết quả cuối cùng hay mục đích cuối cùng thì được dùng với nghĩa là lối thoát, v.v…Tôi hoàn toàn thông cảm với nỗi băn khoăn của những người yêu mến và quan tâm đến tiếng Việt khi họ lên tiếng báo động về tình trạng sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn xác như ở mấy thí dụ kể trên. Nhưng tôi còn băn khoăn hơn nữa khi nhận thấy rằng, môt số nhà khoa học cũng góp phần quảng bá không ít từ ngữ thiếu chính xác hoặc sai hoàn toàn.

Dưới đây, chúng tôi xin bàn luận về một số trường hợp dùng từ sai mà chưa thấy ai vạch ra vì chúng được ghi trong mọi cuốn từ điển hoặc do một vị giáo sư nào đó khởi xướng. Về một số từ như: hoa liễu, khoa học viễn tưởng, kim tương học, đồng thanh (với nghĩa là hợp kim của đồng để đúc), chúng tôi đã có dịp trao đổi bằng giấy mực với giáo sư Hoàng Phê. Ông đã hoàn toàn đồng ý với chúng tôi và đã trả lời bằng giấy, với lời lẽ hết sức chân thành và trọng thị. Hẳn rằng, đó là thái độ nghiêm túc và trung thực mà nhà khoa học nào cũng phải có nhưng hiện nay không phải nhà khoa học nào cũng có. Chúng tôi chân thành cảm ơn Ông và coi đó là một tấm gương về tính trung thực trong khoa học, thể hiện nhân cách cao cả của một vị giáo sư đứng đắn. Xét thấy vấn đề từ ngữ liên quan đến mọi người nên chúng tôi xin phép trình bày một số ý kiến của mình trên sách báo.


I. Không thể gọi con dâu của vua là công nương

Cách đây mấy năm, một khán giả của Ðài Truyền hình Trung ương có nêu một câu hỏi để nhờ giải đáp: "Con gái của vua thì gọi là công chúa, vậy con dâu của vua thì gọi là gì ?". Một câu hỏi thật đơn giản. Nếu tôi nhớ không nhầm thì vị Giáo sư phụ trách mục giải đáp khoa học trên Ðài Truyền hình Trung ương đã trả lời đại để như sau: Chúng tôi đã đưa câu hỏi này nhờ Giáo sư Trần giải đáp và được ông trả lời: "Có thể gọi là công nương chăng ?". Thực ra, chưa thể gọi đây là môt câu trả lời, nhưng mọi người đã vội vàng tiếp nhận nó, và từ giờ phút ấy trở đi, từ "công nương" nghiễm nhiên chính thức mang cái nghĩa là "con dâu của vua", một cái nghĩa mà xưa nay nó chưa hề có. Hồi ấy, Vương phi Diana của nước Anh là người phụ nữ rất nổi tiếng, tên của bà xuất hiện rất nhiều trên các tờ báo, đâu đâu người ta cũng gọi bà là "Công nương Ðiana" với tình cảm thương mến. Nhưng gọi như thế là đã hạ thấp địa vị của bà nhiều lắm. Bà là Vương phi của nước Anh cơ mà. Cả nước Anh chỉ có một mình bà có địa vị ấy, còn "công nương" thì chỉ có nghĩa là con nhà quyền quý mà thôi. Khắp nước Anh phải có đến hàng ngàn công nương. Những người có biết chút ít chữ nghĩa đều nghĩ như thế. Ðể cho cẩn thận, tôi đã giở "Từ điển tiếng Việt" do Gs Hoàng Phê chủ biên (ấn bản năm 2002) và "Từ điển từ và ngữ tiếng Việt" của Gs Nguyễn Lân (ấn bản năm 2000, do NXB Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành). Cả hai quyển này đều cho biết: công nương là từ dùng để chỉ con gái nhà quyền quý thời phong kiến, với ý coi trọng. Cẩn thận hơn nữa, tôi xem thêm "Hán-Việt Từ Ðiển" của cụ Ðào Duy Anh (in lại theo nguyên bản năm 1932) và thấy ghi: công nương = con nhà quan. Quyển "Việt Nam Tân Từ Ðiển" của Thanh Nghị, xuất bản ở Sài gòn năm 1951 cũng ghi: công nương = con gái của những nhà quyền quý hay của những công chức cao cấp. Thế là chính xác rồi, trí nhớ của tôi đã không nhầm.

Người nêu ra câu hỏi này quả là khá thận trọng trong việc sử dụng từ ngữ, biết đòi hỏi độ chính xác cao của từng từ ngữ. Ðã có từ "phò mã" để chỉ con rể của vua thì ắt phải có một từ hẳn hoi để chỉ con dâu của vua chứ. Ðúng như thế. Chắc hẳn nhiều độc giả đã biết rằng, trong tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp), hoàng hậu hay nữ hoàng đều được gọi là Queen (hoặc Reine); con gái của vua hoặc con dâu của vua đều được gọi là princess (hoặc princesse), nhưng trong tiếng Việt thì có sự phân biệt. Ðó cũng là một nét đẹp trong tiếng mẹ đẻ của chúng ta, làm tăng độ chính xác của ngôn ngữ Việt Nam. Vì vậy, chúng ta không thể hài lòng với cách giải đáp của Gs Trần.

Câu hỏi này, theo tôi, không khó trả lời. Những người học chữ Hán đều biết chữ "phi". Các tự điển hoặc từ điển Hán ngữ đều giải nghĩa, phi là: 1) Vợ thứ của hoàng đế, dưới hoàng hậu một bậc; 2) Vợ chính của thái tử hoặc của người được phong tước vương. Trong trường hợp thứ nhất thì gọi là hoàng phi. Trong trường hợp thứ hai thì gọi là vương phi. Từ điển Tiếng Việt do Gs Hoàng Phê chủ biên cũng có chữ "phi" với nghĩa là vợ lẽ của vua hoặc vợ của thái tử và các vương hầu. Các từ điển Hán-Việt hoặc Trung-Việt hiện đang lưu hành đều ghi hai nghĩa này. Ta cũng có thể tra bất cứ quyển từ điển Anh-Hán hoặc Pháp-Hán nào, dù chỉ nhỏ bằng bàn tay, bao giờ cũng có chữ princess (hoặc princesse) và đều thấy chữ này được dịch ra là công chúa và vương phi.

Như vậy là Gs Trần đã nói sai và làm cho vô số người mắc cái sai đó. Hẳn là lỗi của ông thật không nhỏ. Trước một câu hỏi dễ như vậy mà ông đã trả lời sai và lấp lửng. Nhiều người đã đặt ra những câu hỏi:

  1. Tại sao đã lên đến bậc giáo sư mà không biết cái từ bình thường đó?
  2. Tại sao ông không nói rằng mình chưa biết (nếu nói thế thì ông cũng không sợ thiên hạ chê cười đâu, vì chỉ có Gs Nguyễn biết điều đó thôi) mà lại trả lời như thể là một câu gợi ý hoặc thăm dò, thách đố. Có người cho rằng, đó là biệt tài chống chế của Gs Trần.
  3. Tại sao một từ sai như vậy mà được tiếp nhận một cách dễ dãi và rộng khắp đến thế?


II. "Vương phi" không phải là vợ của vua

Giở cuốn Từ điển Tiếng Việt (Gs Hoàng Phê chủ biên), chúng ta thấy có từ "vương phi", đươc giải nghĩa là "vợ của vua, chúa", rồi đến "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" (của Gs Nguyễn Lân) cũng thấy có chữ "vương phi", được giải nghĩa là "vợ vua". Nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước cách định nghĩa của hai vị giáo sư này. Nói "vương phi" là "vợ của chúa " thì đúng, nhưng nói là "vợ của vua" thì sai to. Cứ nghĩ rằng "vương" nghĩa là "vua" thì không đúng. Chúng ta biết rằng, từ thế kỷ XI tr. CN, khi Cơ Phát diệt nhà Ân và lập ra nhà Chu thì ông tôn xưng cha mình tức Cơ Xương, là Văn Vương và về sau ông cũng được tôn xưng là Võ Vương. Từ "vương" ấy nghĩa là vua, là "thiên tử". Ðến khi nhà Chu bị diệt vong, rồi Tần Thuỷ Hoàng thôn tính xong sáu nước khác và thống nhất Trung Quốc vào năm 221 tr. CN thì ông ta đã tự xưng là hoàng đế. Từ đó về sau, các vua Trung Quốc đều là "đế", và "vương" không phải là vua nữa mà là tước cao nhất trong bậc thang phẩm tước của chế độ phong kiến. ở Việt Nam ta cũng vậy, chỉ một số vua từ thời mới dựng nước thì mới xưng là vương, như Hùng Vương, An Dương Vương, Trưng Vương. Ðến khi chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, Ðinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước thì ông cũng xưng hoàng đế cho ngang hàng với vua Trung Quốc và đã phong cho con trưởng là Ðinh Liễn làm Nam Việt Vương. Cũng từ đó trở đi, chẳng có ông vua nào ở nước ta xưng là vương nữa. Lê Lợi xưng là Bình Ðịnh Vương khi chưa trở thành vua, Nguyễn Huệ cũng xưng là Bắc Bình Vương từ trước khi làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế. Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn có phải là vua đâu. Các chúa Trịnh tuy là "quyền nghiêng thiên hạ" nhưng vẫn không phải là vua nên chỉ được xưng là vương. Các chúa Nguyễn ở trong Nam cũng vậy. Do đó, từ "vương phi" không dùng để chỉ vợ vua được. Vương phi là vợ chính của thái tử hoặc của những người được phong tước vương.Thái tử thì đương nhiên là vương rồi, các hoàng tử phần lớn cũng đều được phong vương. Hẳn nhiều người đã biết, năm 1028, khi Lý Thái Tổ vừa mới băng hà, ba vị hoàng tử là Ðông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Ðức Vương nổi loạn để tranh giành ngôi báu với thái tử Lý Phật Mã, gây nên" loạn tam vương". Vợ lẽ của vua thì gọi là hoàng phi chứ không gọi là vương phi được vì các vị vua đều xưng là hoàng đế cả rồi. ngay cả bà Ỷ Lan khi đã trở thành mẹ vua rồi cũng chỉ được gọi là Thái phi vì trước đó bà vốn là Nguyên phi Ỷ Lan. Phải đợi đến khi phế truất Thái hậu Thượng Dương thì vua Lý Nhân Tông mới phong bà là Thái hậu. Có lẽ vì nghĩ rằng vương luôn luôn có nghĩa là vua (như định nghĩa trong Ðại từ điển tiếng Việt do Gs Nguyễn Như Ý chủ biên) nên trong từ điển Anh-Việt hiện nay của Viện Ngôn ngữ học, chữ princess đã được dịch thành: 1.Bà chúa; bà hoàng; công chúa; quận chúa; 2.(cổ) Nữ vương. Trong Từ điển Pháp-Việt cũng của Viện này thì princesse được dịch là: 1.công chúa. 2.(hiếm) nữ hoàng. Cả hai quyển đều không dùng từ "vương phi". Riêng các từ điển được xuất bản dưới chế độ cũ thì đều dịch là công chúa và vương phi. Từ "vương phi" rất cần thiết ở đây nhưng nhiều người bỏ sót hoặc không biết sử dụng.


III. Cần phân biệt "từ điển" và "tự điển"

Ở trên kia, có chỗ tôi đã dùng từ "tự điển", có ý phân biệt với "từ điển". Tôi cũng thử xem các từ điển hiện hành đã phân biệt hai từ này như thế nào. Thật đáng buồn, Gs Nguyễn Như Ý thì nói tự điển cũng là từ điển, Gs Hoàng Phê cũng nói như thế nhưng còn mở ngoặc đơn là "cũ", ý nói rằng, bây giờ chỉ gọi là "từ điển" thôi chứ từ "tự điển" thì cũ lắm rồi (chắc là lạc hậu rồi), không nên dùng từ ấy nữa. Gs Nguyễn Lân thì nói, tự điển là "từ điển bằng chữ Hán". Giải thích như thế thật không ổn chút nào.

Ðối với các thứ chữ viết có ghép vần, nghĩa là nhìn vào chữ là có thể đọc được ngay, ví dụ như "chữ quốc ngữ " của ta hay chữ của người Anh, người Pháp, v.v. thì việc "nhận dạng mặt chữ" chẳng có gì khó khăn, bởi vì tất cả chỉ có vài chục chữ cái, chỉ cần nắm được cách ghép các con chữ cái với nhau là có thể đọc và viết được mọi chữ. Trong trường hợp này, người ta chỉ cần có từ điển để tìm nghĩa của những từ mà người đọc chưa biết. Nhưng, có những thứ chữ viết đòi hỏi phải "học chữ nào biết chữ ấy", như chữ Hán hay chữ Nôm, nếu nhìn vào một chữ mà ta chưa học thì không thể biết cách đọc chữ đó, và tất nhiên, cũng không thể biết nghĩa của nó. Trong trường hợp này, việc "nhận dạng mặt chữ" lại là điều rất quan trọng, phải tốn công sức học tập thì mới có một vốn chữ kha khá... Nhiều khi những chữ đã học rồi vẫn có thể quên hoặc nhớ không chính xác. Ðể giúp "nhận dạng mặt chữ", phải có những quyển Tự điển. Tự nghĩa là chữ. "Chữ " khác với "từ". Mỗi từ có thể gồm một chữ mà cũng có thể gồm một số chữ. Có thể tạm nêu định nghĩa về tự điển, như sau: "tự điển" là "sách tra cứu tập hợp các chữ đơn (nghĩa là các con chữ trong hệ thống chữ viết không có chữ cái, ví dụ như chữ Hán, chữ Nôm) theo một quy tắc nào đó cho dễ tìm; mỗi chữ đơn ấy đều được ghi rõ cách đọc, nghĩa và cách sử dụng". Người ta thường nhắc đến các quyển tự điển của Trung Quốc như Tự điển Khang Hy, Tự điển Tân Hoa (mà hầu hết những người học Hán ngữ hiện nay đều sử dụng). Tất nhiên, chữ Hán vừa có tự điển, vừa có từ điển. Việt Nam ta cũng có Tự điển chữ Nôm để nhận dạng mặt chữ mà đọc cho đúng. Và cũng chỉ có Tự điển chữ Nôm thôi chứ không ai làm "Từ điển chữ Nôm", mà phải làm Từ điển tiếng Việt.

Người Trung Quốc hầu như ai cũng phải sử dụng tự điển, tất nhiên là mức độ to nhỏ khác nhau, tuỳ theo mức độ sử dụng từ ngữ. Người học càng nhiều, đọc càng nhiều thì càng cần tự điển to. Tất nhiên là ngoài tự điển chữ Hán cũng còn phải có từ điển chữ Hán.

Sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận (sống vào khoảng từ năm 58 đến năm 147) thời Ðông Hán là một trong những bộ tự điển đầu tiên trên thế giới, thu thập 9353 chữ Hán và phân chia ra các "bộ thủ" để tiện tra cứu. Thời Nam Triều thì có sách "Ngọc Thiên" (gồm hơn 2 vạn chữ); thời Tống có sách "Loại Thiên" (gồm hơn 31.000 chữ); thời Minh sách "Tự Hội" (gồm hơn 33.000 chữ); thời Thanh có "Khang Hy Tự Ðiển" (gồm hơn 46.000 chữ). Hiện nay, bộ tự điển thu thập nhiều chữ Hán nhất là "Trung Hoa Tự Hải", gồm hơn 85.000 chữ.

Chúng ta có thể chấp nhận định nghĩa về từ điển, được ghi trong "Từ điển tiếng Việt" do giáo sư Hoàng Phê chủ biên, như sau: từ điển là sách tra cứu tập hợp các đơn vị ngôn ngữ (thường là đơn vị từ vựng) và sắp xếp theo một thứ tự nhất định, cung cấp một số kiến thức cần thiết đối với từng đơn vị đó.

Sự lẫn lộn giữa tự điển và từ điển là một sai lầm không nhỏ…


IV. Cần phân biệt "hoa liễu" và "bệnh hoa liễu"

Cách đây khá lâu, một giáo viên môn tiếng Việt có hỏi tôi rằng, "hoa liễu" là gì ? Dựa vào vốn hiểu biết của mình, tôi trả lời như sau:

Từ "hoa liễu" như trong từ ghép "bệnh hoa liễu" không có nghĩa là "hoa của cây liễu" tựa như "hoa cải" hoặc "hoa cà", cũng không phải là "cây liễu có hoa" như cách đặt từ thông thường trong tiếng Hán. Trước hết, đó là hoa và liễu. Hai từ này được dùng để chỉ đàn bà, con gái trẻ trung xinh đẹp, như trong cụm từ "mặt hoa mày liễu", hay trong câu thơ "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh", hoặc câu "đang tay vùi liễu dập hoa bời bời" như Nguyễn Du đã viết. Mở rộng hơn nữa, "hoa" và "liễu" còn chỉ "nơi có nhiều con gái đẹp để mua vui cho thiên hạ", như trong các cụm từ "tầm hoa vấn liễu", "nài hoa ép liễu". Trong Truyện Kiều, ở các câu thơ như:

Sá chi liễu ngõ hoa tường,
Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh

và:

Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời

các từ "hoa" và "liễu" đều có nghĩa là gái làng chơi. Thế là "hoa liễu" có nghĩa là "chốn ăn chơi", là "lầu xanh", là "bọn gái làng chơi". Trong từ ghép "bệnh hoa liễu" thì "hoa liễu" đóng vai trò một tính từ và hoàn toàn mang nghĩa này. Ðó là nhóm bệnh ở bộ phận sinh dục, thường do quan hệ nam nữ bừa bãi mà lây lan và phát triển. Từ "bệnh hoa liễu" tương đương với từ "maladies vénériennes" trong tiếng Pháp hoặc "venereal diseases" trong tiếngAnh. Các tính từ "vénérienne' hoặc "venereal" đều bắt nguồn từ chữ "Venus" - nữ thần sắc đẹp và tình yêu trong thần thoại La Mã. Như vậy, ở đây, cách đặt từ của người phương Đông và người phương Tây cũng có phần giống nhau.

Giáo viên kia lại hỏi: vậy thì "hoa liễu" không phải là tên một loại bệnh?

Ðúng thế - tôi nói: "Hoa liễu" có nghĩa là chốn ăn chơi trác táng, là giới đĩ điếm. Nếu muốn nói đến loại bệnh liên quan đến việc ăn chơi trai gái thì phải nói là "bệnh hoa liễu". Ðành rằng, ta có thể nói "Ông A bị cúm", "Ông B bị lao", nhưng không thể nói "giang mai là một hoa liễu", mà phải nói rằng, "giang mai là một bệnh hoa liễu"

Tưởng rằng giải thích như vậy cũng khá cặn kẽ và đủ sức thuyết phục rồi, nhưng hôm sau, nhà giáo kia mang về một cuốn "Từ điển tiếng Việt", trong đó không có mục từ "bệnh hoa liễu" mà chỉ có mục từ "hoa liễu" với nghĩa là một bệnh, như đã nói ở trên, hình như là để phản bác tôi. Nhưng tôi vẫn khẳng định ý kiến của mình. Ðể có cơ sở chắc chắn, tôi lần lượt giở xem một số từ điển:

  1. Hán-Việt từ điển, Ðào Duy Anh, 1932
    • hoa liễu = kỹ viện, nhà thổ
    • hoa liễu bệnh = bệnh về tình dục, như lậu, tim la

  2. Từ điển Việt-Pháp, Ðào Văn Tập, Sài gòn, 1950
    • hoa liễu = fleurs et saules (hoa và liễu)
    • chốn hoa liễu = maison de plaisirs (nhà thổ)
    • bệnh hoa liễu = maladie vénérienne

  3. Việt-Pháp từ điển, Ðào Ðăng Vĩ, Sài gòn, 1970
    • hoa liễu = fleurs et saules (hoa và liễu)
    • bệnh hoa liễu = maladies vénériennes

  4. Hán-Anh từ điển, Ngoại ngữ giáo dục dữ nghiên cứu xuất bản xã, Bắc Kinh, 1995
    • hoa liễu bệnh = venereal disease

  5. Cổ kim Hán ngữ thực dụng từ điển, Thành Ðô, 1989
    • hoa liễu=cựu chỉ kỹ viện hoặc kỹ nữ (ngày xưa chỉ nhà thổ hoặc gái điếm)
    • hoa liễu bệnh = tính bệnh (bệnh về đường tình dục)

  6. Từ Hải, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1989
    • hoa liễu = chỉ du thưởng chi địa (chỉ chốn ăn chơi); chỉ kỹ nữ, như: hoa liễu trường trung (trong liễu chốn kỹ viện), nhân xưng tính bệnh vi hoa liễu bệnh (vì thế, gọi bệnh về đường tình dục là "bệnh hoa liễu ")

  7. Từ Nguyên, Thương vụ ấn thư quán, Bắc kinh, 1997
    • hoa liễu = - hoa hoà liễu (hoa và liễu)
    • kỹ nữ, như: hoa nhai liễu hạng (như: liễu ngõ hoa đường)

Như vậy là tất cả các từ điển kể trên đều phù hợp với ý kiến của chúng tôi. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng, "Từ điển tiếng Việt" nên có mục từ "bệnh hoa liễu" và cần giải thích từ "hoa liễu" như đã nói... Các từ điển Việt-Anh và Việt-Pháp hiện nay đều chỉ có từ "hoa liễu" với nghĩa là tên bệnh. Như thế hẳn là không đúng.

Chúng tôi đã trao đổi ý kiến với Gs Hoàng Phê về việc này. Ông cũng tán thành ý kiến của tôi và hứa sẽ sửa chữa trong từ điển khi tái bản. Không biết điều đó đã được thực hiện hay chưa.


"Khoa học viễn tưởng", một thuật ngữ sai

Trong Từ điển tiếng Việt, từ "khoa học viễn tưởng" được coi là một danh từ và đã được định nghĩa là: "Sự miêu tả bằng hình thức nghệ thuật sự phát triển của khoa học dự đoán trong tương lai, thường có tính chất li kì. Truyện khoa học viễn tưởng. Phim khoa học viễn tưởng." (Trích dẫn đúng nguyên văn trong Từ điển tiếng Việt). Ðọc mấy dòng hơi lủng củng này, tôi cảm thấy không ổn. Ðúng là có loại tác phẩm nghệ thuật như thế thật, nhưng đó chẳng phải là một lĩnh vực khoa học mà là một thể loại văn học hay nghệ thuật gì đó. Tìm ngược lên mấy dòng, đến từ "khoa học" thì thấy:

KHOA HỌC I d. 1) Hệ thống tri thức tích luỹ trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như của hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực. 2) Ngành của từng hệ thống tri thức nói trên. II t.1) Có tính chất của khoa học, thuộc về khoa học. Hội nghị khoa học. Báo cáo khoa học. Làm công tác khoa học 2) Phù hợp với những đòi hỏi của khoa học; khách quan, chính xác, có hệ thống, v.v. Thái độ khoa học. Tác phong khoa học.

Với cách trình bày trên đây, chúng ta hiểu rằng, từ "khoa học" có thể đóng vai trò một danh từ (trong trường hợp I d.) nhưng có khi cũng đóng vai trò tính từ (trong trường hợp 2 t. )
Tiếp theo từ "khoa học" thì có các mục từ: khoa học cơ bản, khoa học kĩ thuật, khoa học người máy, khoa học quân sự, khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng, rồi đến khoa học viễn tưởngkhoa học xã hội.

Như vậy thì cái gọi là "khoa học viễn tưởng" kia chẳng phải là khoa học vì không có liên quan với định nghĩa trên kia về "khoa học", mà cũng chẳng có gì tương xứng với các khoa học vừa kể trên đây. Loại hình nghệ thuật được nói đến trong định nghĩa trên kia về "khoa học viễn tưởng" đúng là "có liên quan đến khoa học", có sắc thái khoa học, có ý tưởng khoa học. Như vậy thì từ "khoa học" ở đây hợp với định nghĩa II t.1, nghĩa là đóng vai trò tính từ, và trong tiếng Việt hiện đại, nó phải đứng sau tính từ mà nó bổ nghĩa. Ðành rằng, cũng có khi từ để bổ nghĩa đứng trước từ được bổ nghĩa, như ta vẫn nói là "tổng giám đốc", "chiến thuyền", "đại đoàn kết", nhưng chỉ những tính từ gồm một từ mới hay xẩy ra hiện tượng này. Những tính từ gồm hai từ trở lên thì rất ít khi đứng trước danh từ mà nó bổ nghĩa. Hiện nay, có lẽ không mấy ai chấp nhận cách nói như là "trinh thám tiểu thuyết", "ái tình tiểu thuyết" nữa đâu, mà phải nói là "tiểu thuyết trinh thám", "tiểu thuyết tình yêu", truyện viễn tưởng khoa học. "Khoa học viễn tưởng" là một từ được dịch từ tiếng nước ngoài nhưng đã dịch sai, nhưng nhiều người sử dụng quen miệng rồi được các nhà biên soạn từ điển chấp nhận một cách thiếu cân nhắc, vì thế nó đã có cơ hội chui vào từ điển và nhiều sách báo khác.

Thể loại văn học nghệ thuật được gọi sai là "khoa học viễn tưởng" này ở Việt Nam ta hình như chưa có. Nó vốn xuất hiện từ nước ngoài và đã được dịch ra tiếng Việt trong vài chục năm gần đây. Lúc bấy giờ, một số truyện và phim thuộc thể loại này mà tiếng Nga gọi là " nauchnaja fantastika", trong đó, "nauchnaja" là tính từ có nghĩa là "có tính chất khoa học", tương tự như từ "scientìfique" trong tiếng Pháp, còn "fantastika" là danh từ, có thể dịch là "thể loại giả tưởng" hoặc "thể loại viễn tưởng", và "nauchnaja fantastika" thì nên dịch là 'thể loại giả tưởng (hay viễn tưởng) khoa học. Ở đây, tính chất giả tưởng là chính, nhưng có mang màu sắc khoa học, có chứa đựng ý tưởng khoa học.Vậy mà từ này đã được "dịch ngược", sai hoàn toàn. Phải chăng, vì phải bám vào nội dung của từ này nên đành phải bỏ qua cấu trúc của từ ? Không phải thế, đây là một trường hợp dịch sai hoàn toàn. Thử xem từ điển "Ðại Bách khoa toàn thư Liên Xô nói như thế nào về từ này.

Ở mục từ "nauchnaja fantastika", Ðại bách khoa toàn thư Liên Xô cho biết, từ này tương ứng với từ "science fiction" trong tiếng Anh và cũng nêu định nghĩa tương tự như ở mục từ "khoa học viễn tưởng" trong Từ điển tiếng Việt, như đã nêu trên kia. Các nhà văn tiêu biểu của thể loai văn học này cũng được nêu tên, như Jules Verne (1714-1789) người Pháp, Herbert George Wells (1866-1946) người Anh, Ray Douglass Bradbury ( 1920- ) người Mỹ, Isaac Asimov (1920-1992) người Mỹ gốc Nga, A.R. Beljaev (1884-1942) người Nga, N.A. Efremov (1907-1972) người Nga, v.v.

Các đại từ điển tiếng Anh và tiếng Pháp, ở mục từ science fiction (tiếng Pháp cũng lấy từ tiếng Anh nhưng có gạch nối ở giữa: science-fiction), về cơ bản cũng giống như ở Ðại bách khoa toàn thư Liên Xô. Như vậy thì hẳn đây chẳng phải là một khoa học, và chúng ta phải khẳng định rằng, không có khoa học nào mang tên là "khoa học viễn tưởng" cả. Chỉ vì dịch sai và được chấp nhận một cách quá dễ dãi nên cái từ sai trái này mới sống trót lọt trong mấy chục năm qua. Giáo sư Hoàng Phê đã hoàn toàn nhất trí với tôi về điều này. Vậy thì phải loại trừ cái từ '"khoa học viễn tưởng" ra khỏi vốn từ tiếng Việt. Nhưng chúng ta chưa có mục từ nào tương đương với từ science fiction trong tiếng Anh. Xin nêu ra đây định nghĩa của từ "science-fiction" trong từ điển Petit Larouss của Pháp để chúng ta cùng tham khảo.

SCIENCE-FICTION n.f. (pl. sciences-fictions) Genre littéraire et cinématographique dont la fiction se fonde sur l'évolution de l'humanité et en partic.,sur les conséquences de ses progrès scientifiques.

Xin tạm dịch như sau:

SCIENCE-FICTION (danh từ giống cái, số nhiều là sciences-fictions): Thể loại văn học và điện ảnh mà sự hư cấu (hay giả tưởng) của nó dựa trên sự tiến triển của loài người và, đặc biệt, dựa trên những kết quả về tiến bộ khoa học của loài người."

Phải chăng, nên đưa thêm từ "thể loại viễn tưởng khoa học" vào vốn từ tiếng Việt, dựa trên định nghĩa vừa nêu. Ngoài ra, có thể đưa thêm từ "viễn tưởng khoa học", coi nó như một tính từ để có thể tạo nên các từ như: tiểu thuyết viễn tưởng khoa học, phim viễn tưởng khoa học,v.v.

Gs Nguyễn Lân lại có cách khác. Trong "Từ điển từ và ngữ tiếng Việt", ông viết: "Khoa học viễn tưởng là khoa học dự đoán những hiện tượng trong tương lai"

Nhưng, lĩnh vực "khoa học dự đoán các hiện tượng trong tương lai" thì đã có tên là "tương lai học" rồi. Hơn nữa, khoa học đó phải dựa trên những dữ kiện chính xác của khoa học hiện tại chứ không hề "viễn tưởng", mà đã là viễn tưởng thì không phải là khoa học rồi.

Quả thật, đây là một định nghĩa quá táo bạo của riêng Gs Lân, ngoài khả năng tưởng tượng của đa số độc giả.

Chúng ta đều hiểu rằng, viễn tưởng tức là hư cấu một cách táo bạo, cho nên không thể có cái gọi là "khoa học viễn tưởng", vì đã là khoa học thì không thể hư cấu (Gs Hoàng Phê cũng đồng ý với tôi như vậy), mà chỉ có thể có "truyện viễn tưởng khoa học" hay "phim viễn tưởng khoa học". Khoa học dự đoán những hiện tương trong tương lai được gọi là"tương lai hoc" (futurology, futurologie), Gs Nguyễn Lân định dùng từ "khoa học viễn tưởng" để thay cho "tương lai học", như thế có ổn hay không?


Từ "đồng thanh" (để chỉ hợp kim thông dụng và cổ xưa nhất của đồng) là một từ sai nghiêm trọng

Lần đầu tiên, khi gặp từ "đồng thanh" để chỉ một thứ vật liệu đồng, tôi tưởng đó là nói về loại đồng ở dạng những thanh, những que để phân biệt với đồng lá, đồng tấm, đồng thỏi. Nhưng khi biết rằng, từ này đã được dùng để chỉ hợp kim thông dụng nhất của đồng, tôi hết sức bối rối và hổ thẹn cho mình, bởi vì, sau nhiều năm dạy học, đã đọc và tìm hiểu khá nhiều về đồng, thế mà vẫn không biết cái từ đơn giản này, thật đáng xấu hổ…

Thuở nhỏ, khi chưa đi học tiểu học, tôi đã nghe nói khá nhiều về đồng. Ấy là vì, ở cạnh làng tôi có một làng chuyên đúc nồi đồng từ nhiều đời rồi. Hai làng vốn họp chung một chợ nên chuyện gì ở làng này thì làng kia cũng biết.Tôi đã sang làng ấy chơi nhiều lần để xem người ta đúc nồi đồng. Ở đó chỉ đúc đồng chứ không gò nồi đồng hoặc dát đồng.Vì vậy, người ta chỉ sử dụng một loại đồng, gọi là đồng điếu hay đồng đỏ (hai từ này hoàn toàn cùng nghĩa), là thứ đồng chuyên dùng để đúc. Còn một thứ đồng nữa, gọi là đồng thau, thường được dát thanh chậu rửa mặt (gọi là chậu thau, hoặc chỉ gọi là thau cũng được) hoặc làm mâm (gọi là mâm thau). Làng này không chuộng đồng thau, vì khó đúc. Chúng tôi thường nghe câu hát dân gian:

Chuông già đồng điếu, chuông kêu,
Anh già lời nói, em xiêu tấm lòng.

Qua câu ca dao đó, chúng tôi biết thêm rằng, đồng điếu cũng dùng để đúc chuông. Chúng tôi chưa thấy đúc chuông nhưng được biết trường hợp ngược lại: đã có người lấy trộm chuông ở đền chùa rồi đập vụn ra để bán cho nhà đúc nồi. Thỉnh thoảng có nhà đào được vài hũ tiền đồng do cha ông họ cất giấu, cũng đem bán cho phường đúc nồi. Những người thợ đúc còn ngâm nga:

Người ơi, xin nhớ lời nguyền,
Phá chuông đúc tượng, ai đền công cho?

Thế là chúng tôi biết thêm rằng, đồng điếu dùng để đúc tiền, đúc nồi, đúc chuông, đúc tượng, nghĩa là chuyên dùng để đúc, đủ mọi thứ. Ngoài ra, chuông có già đồng điếu thì chuông mới kêu. vậy là đồng điếu cũng có già có non, nghĩa là nó có vài thành phần, phải pha chế, thêm bớt thứ nọ thứ kia, tuỳ từng trường hợp cụ thể. Thứ đồng điếu "già" để đúc chuông hoặc đúc tượng, để lâu ngày sẽ có màu xanh đen do lớp gỉ tạo nên, vì vậy, trong dân gian thường gọi là đồng đen. Nồi đồng điếu mới đúc ra thường có màu đỏ nâu. Gọi là đồng đỏ, chủ yếu là để phân biệt với loại đồng thau vốn có màu vàng. Như vậy là ở quê tôi, người ta biết có hai loại đồng (đúng ra là hai loại hợp kim của đồng): đồng điếu hay đồng đỏ, chuyên dùng để đúc tiền, nồi, chuông, tượng, v.v.) và đồng thau có màu vàng, thích hợp với việc làm mâm, làm chậu, vì dễ gò và dát mỏng.

Khi lớn lên, đi học và đọc sách, tôi được biết rằng, đồng là kim loại được loài người nấu luyện sớm nhất. Trên thế giới, cũng có hai loại đồng (đúng ra là hai loại hợp kim của đồng), mà trong tiếng Pháp gọi là bronze và laiton (tương ứng, tiếng Anh là bronze và brass, tiếng Nga là bronza và latun', tiếng Hán là thanh đồng và hoàng đồng). Bronze là hợp kim của đồng với thiếc (có thể chứa các nguyên tố khác nữa nhưng không chứa kẽm) đã được loài người sử dụng từ rất sớm để thay thế đồ đá, mở ra Thời đại đồ đồng trong lịch sử nhân loại. Các dân tộc bước vào Thời đại đồ đồng không cùng một lúc, sớm nhất có lẽ là ở vùng Mesopotamia (còn gọi là vùng Lưỡng Hà), từ 4000 năm tr. CN. Cách đây hơn 4000 năm, kỹ thuật đúc đồng ở Trung Quốc đã đạt đến trình độ rất cao. Chín cái vạc lớn mà người Trung Quốc gọi là "cửu đỉnh" đã được đúc từ thời đó. Ở một số dân tộc khác, Thời đại đồ đồng có thể đến muộn hơn nhưng cũng đều cách đây nhiều ngàn năm. Bronze là hợp kim của đồng với thiếc, nhưng là hợp kim tự nhiên, bởi vì tại các mỏ đồng thường có thiếc "chung sống" với đồng nên khi nấu luyện xong thì đã thành một hợp kim rồi, tuy ở thời xa xưa ấy con người chưa hề có khái niệm gì về hợp kim. Cũng vì được tạo thành một cách tự nhiên từ chính quặng đồng nên đồ đồng ở mọi dân tộc cổ sơ đều là hợp kim của đồng với thiếc, tức là bronze và cũng chính là đồng điếu (hay đồng đỏ).

Các từ "đồng điếu" và "đồng đỏ" là những từ phổ thông và đã xuất hiện từ rất lâu ở nước ta. Chứng cứ là, trong quyển Từ điển Việt Nam - Latin (Dictionaium Anamitico-Latinum) của J. L. Taberd in năm 1838 ở Serampore, Ấn Ðộ), Từ điển Việt - Pháp (Dictionnaire Annamite-Français) của J. F. M. Génibrel in ở Sài Gòn lần đầu tiên năm 1884 và Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của in ở Sài Gòn năm 1895 đều cho biết rằng, đồng điếu tức là đồng đỏ, đúng như chúng tôi đã biết nhớ những người thợ đúc đồng ở làng bên.
Ðồng thau, loại hợp kim đồng thứ hai (tức là laiton trong tiếng Pháp, brass trong tiếng Anh, hoàng đồng trong tiếng Hán) là hợp kim của đồng với kẽm, xuất hiện vào khoảng thế kỷ 8 tr. CN. Lúc này, loài người đã có nhiều kinh nghiệm trong việc nấu luyện đồng nên đã chủ động pha thêm quặng kẽm (cũng thường có mặt ở gần những nơi có quặng đồng) vào quặng đồng để làm cho sản phẩm của mình có những tính chất mới phù hợp hơn đối với một số mục đích khác, và cũng rẻ hơn, bởi vì quặng kẽm có nhiều hơn quặng đồng.

Tóm lại, từ nhiều ngàn năm qua, loài người đã sử dụng đồng ở hai dạng hợp kim của nó. Ðồng đỏ (tức là đồng điếu) chủ yếu thích hợp với kỹ thuật đúc. Ngày xưa, nó cũng được dùng để đúc súng. Hàm lượng thiếc trong đồng đỏ có thể thay đổi từ vài phần trăm đến 30-40(, tuỳ theo từng công việc. Chẳng hạn, ở Châu Âu, đồng đỏ để đúc huy chương hoặc đúc tiền thì chứa từ 3 đến 8( thiếc; để đúc các chi tiết máy như bánh răng, từ 8 đến l2( thiếc; để đúc ổ đỡ trục, từ l3 đến 20( thiếc; để đúc chuông, từ 20 đến 30( thiếc, v.v. Ðồng thau chủ yếu thích hợp với kỹ thuật gia công bằng áp lực hoặc nhiệt áp lực. Hàm lượng kẽm trong đồng thau tối đa là 46(. Hiện nay, trước những yêu cầu kỹ thuật phức tạp, người ta đã chế tạo ra nhiều hợp kim đồng có thành phần phức tạp nhưng vẫn được xếp vào hai loại như xưa. Tuy không chứa thiếc nhưng đảm nhiệm các chức năng của bronze thì vẫn gọi là bronze hoặc không chứa kẽm nhưng có những đặc điểm giống với brass thì vẫn được gọi là brass. Ðó là những loại đồng đỏ hoặc đồng thau đặc chủng. Bởi vậy, ta không nên dịch chữ "bronze" là đồng thiếc và dịch chữ "brass" hoặc "laiton" là đồng kẽm.

Chính vì đã hiểu như thế nên khi gặp từ "đồng thanh" với nghĩa là một hợp kim nào đó của đồng, tôi thực sự bối rối. Nhưng khi thấy các từ điển giải nghĩa rằng, "đồng thanh" là hợp kim của đồng với thiếc hoặc với các nguyên tố khác, trừ kẽm (ở đây tạm thời chưa bàn tới cái sai của chữ "hoặc") thì tôi không bối rối nữa và chuyển sang ngạc nhiên. Ðây chính là đồng điếu, đồng đỏ, bronze, thanh đồng (trong tiếng Hán) chứ chẳng phải cái gì mới mẻ. Ðiều kỳ lạ là ở chỗ, từ "đồng thanh" chưa từng có trong ngôn ngữ Việt Nam trước những năm l960, nay bỗng dưng nhảy vào các từ điển, các sách giáo khoa, các báo cáo khoa học,v .v., hoàn toàn chiếm mất chỗ của các tên gọi vốn có từ nhiều trăm năm rồi. Hoá ra là, người ta đã chuyển từ "thanh đồng" trong tiếng Hán thành ra từ "đồng thanh" trong tiếng Việt, coi đó như một sự "Việt hoá" tiếng Hán.

Nhưng làm sao có thể "Việt hoá" kiểu ấy được? Liệu có thể "Việt hoá" từ "hoàng đồng" thành ra "đồng hoàng" được không? Không thể được, phải nói là "đồng vàng" chứ. (Ðây là tôi đang nói về sự "Việt hoá" từ ấy, còn nếu muốn dịch đúng thì phải căn cứ theo nội dung cụ thể, không nên bám theo từng từ, ví dụ, không thể mặc nhiên dịch từ "đồng đỏ" trong tiếng Việt thành ra "red copper" trong tiếng Anh hoặc "cuivre rouge" trong tiếng Pháp, mà không tra cứu, bởi vì cách đặt từ ở mỗi dân tộc băt nguồn từ những lý do khác nhau, nếu cứ dịch thật đúng từng chữ thì nhiều khi lại là sai to). Sở dĩ từ "đồng thanh" kia nghe có vẻ thuận tai và sống dai được là vì không ai nghĩ rằng "thanh" ở đây nghĩa là "xanh" mà cứ tưỏng rằng chữ "thanh" có một ý nghĩa gì đó. "Thanh đồng" trong tiếng Hán, nếu dịch theo từng chữ thì phải là "đồng xanh", vì người Trung quốc nhận thấy loại đồng này nếu để lâu ngày thì có màu xanh. Từ điển "Từ nguyên' đã giải thích như vậy.Trong cuốn "Hán-Việt Từ Ðiển" xuất bản năm 1932 (đã được tái bản nhiều lần, hiện nay vẫn lưu hành), ở mục từ "thanh đồng", Cụ Ðào Duy Anh đã dịch: "thanh đồng" = đồng xanh, hợp kim do đồng với thiếc hợp nhau mà thành (bronze)". Dịch như thế không sai, nhưng chưa thật phù hợp với từ tiếng Việt tương ứng. Sau đó bốn năm, trong "Pháp-Việt Từ Ðiển", Cụ đã dịch "bronze" là đồng đỏ, mặc dầu tiếp đó Cụ có dẫn ra một từ nữa là Age du bronze kèm theo các chữ Hán là Thanh đồng thời đại (nghĩa là Thời đại đồ đồng). Dịch "bronze " thành "đồng đỏ" như Cụ Ðào Duy Anh đã làm là rất chính xác.

Ðến đây, chúng ta thấy rằng, cần phải khôi phục các từ đồng đỏ và đồng điếu, có nghĩa tương ứng với từ bronze (trong tiếng Anh và tiếng Pháp) và từ thanh đồng (trong tiếng Hán); đồng thời, nên loại bỏ từ "đồng thanh", bởi đó là một từ đã xuất hiện do dịch sai vì không nắm vững tiếng Việt. Từ này vốn hoàn toàn không có trong tiếng Việt, và nếu tiếp tục sử dụng thì, đúng như Gs Hoàng Phê đã khẳng định trong thư gửi cho tôi: "đó là điều không thể châp nhận được".

(còn tiếp)
Nguồn: Toàn bá»™ bài viết được đăng nhiều kì trên tạp chí Thế Giá»›i Má»›i, các số 538, 539, 540, 541, 542, 543 và 544, từ 02.6.2003-07.7.2003